Câu chuyện của Burns minh họa sự thay đổi thứ ba khiến nảy sinh toàn cầu hóa – sự thay đổi trong cung cách ta quan sát thế giới. Tôi gọi đó là quá trình “dân chủ hóa thông tin”. Nhờ có các đĩa vệ tinh, Internet và truyền hình, chúng ta ngày này có thể nhìn và lắng nghe, xuyên qua hầu như tất cả các tấm màn chắn.
Sự đột phá này bắt đầu bằng sự toàn cầu hóa truyền hình. Trong suốt thời Chiến tranh Lạnh, truyền hình và phát thanh là lĩnh vực bị hạn chế, vì công nghệ và phạm vi của hai ngành này còn bị giới hạn. Các chính phủ hoặc tự đứng ra điều khiển truyền thông hoặc có chính sách chi phối chặt chẽ ngành này. Tình hình này đã chấm dứt tại Hoa Kỳ khi ở đây xuất hiện truyền hình cáp, có khả năng truyền đồng thời nhiều kênh khác nhau. Sau đó, trong những năm tám mươi nhiều loại truyền hình đa hệ, nhiều kênh bắt đầu xuất hiện lan tràn ở nhiều nơi trên thế giới, nhờ có việc ngày càng nhiều trạm vệ tinh viễn thông được phóng vào không gian, và giá thành thuê kênh tiếp vận ngày càng giảm xuống. Nhưng cũng có những điều oái oăm: Chiến tranh Lạnh khiến cho cả Hoa Kỳ và Liên Xô chạy đua để sản xuất loại vệ tinh ngày càng nhỏ hơn, mạnh hơn và rẻ hơn, phóng chúng vào không gian để do thám lẫn nhau. Nhưng chính những công nghệ đó đã mở đường cho việc tiếp vận truyền hình được nhiều hơn và rẻ hơn, và chính điều đó khiến cho các bức tường sụp đổ nhanh hơn.
Hồi đầu, chỉ có những trạm truyền hình cáp lớn mới có đủ khả năng dựng loại ăng ten chuyên dụng để nhận tín hiệu từ vệ tinh. Nay do có quá trình dân chủ hóa công nghệ, đặc biệt khả năng thu nhỏ thiết bị, mà hàng triệu người trên hành tinh có thể tiếp nhận các tín hiệu thông qua loại ăng ten nhỏ như cái chảo, lắp trên ban công nhà họ. Đột nhiên bao nhiêu hạn chế về truyền thông xưa nay biến mất; nảy sinh một lớp khán thính giả đông đảo mới cho ngành truyền thông. Một khi công nghệ số hóa được triển khai đại trà, thì thay vì năm kênh hay mười kênh, các hãng truyền thông có thể phân phối tới năm trăm kênh.
Thêm vào đó, thông tin được dân chủ hóa do công nghệ “nén thông tin” phát triển, chẳng hạn việc xuất hiện các loại đĩa video kỹ thuật số: Đĩa DVD là loại CD, đường kính năm inch, có sức chứa cả một phim truyện, có âm thanh “vòm”, có phụ đề bằng nhiều ngôn ngữ và bạn có thể dùng để xem trong máy tính xách tay hay máy DVD thu nhỏ. Tôi nhớ lại lần sang vùng Vịnh vào cuối thập niên 1970, được thấy các viên chức hải quan sục sạo trong hành lý của du khách để kiểm soát và tìm những băng video văn hóa phẩm gây hại, gây hấn về chính trị chống lại đất nước của họ. Tôi thách họ tìm cho ra đĩa DVD trong hành lý của tôi bây giờ. Đã có sự lan tràn máy chiếu DVD tại Trung Quốc hồi cuối những năm chín mươi – song song với việc xuất hiện băng đĩa in ấn và phát hành lậu các bộ phim Hollywood cho hàng triệu hộ dân Trung Quốc, mà không phải đợi đến khi Hollywood cho trình chiếu chính thức để mua vé. Các loại máy ảnh, máy quay phim và máy đèn chiếu kỹ thuật số, loại không cần dùng phim nhựa, khiến ai ai cũng có thể trở thành nhà làm phim. Và không những làm được phim, bạn còn có thể truyền bá phim của bạn đi khắp thế giới thông qua Internet, với chi phí thấp.
Quan trọng tương đương với công nghệ truyền hình cáp và viễn thông qua vệ tinh chính là Internet. Internet là trụ cột của quá trình dân chủ hóa thông tin: không có ai sở hữu Internet; Internet được phi tập trung hóa hoàn toàn; không ai có thể xóa bỏ Internet; và Internet có thể đến với từng nhà và từng con người trên hành tinh. Những tiến bộ của Internet chính là sản phẩm của sự phối hợp giữa các cá nhân – nhiều người trong số họ có khi chả bao giờ gặp nhau, nhưng họ hợp tác trong công việc trên mạng, đóng góp sáng kiến với nhau, nhiều khi miễn phí. Internet quan trọng không khác gì cuộc sống của chính chúng ta ngày nay, dẫu cho không mấy ai hiểu được ngọn ngành của Internet. Đó là một câu chuyện ly kỳ. Internet được phát minh khi Hoa Kỳ phản ứng lại sự kiện ngày 4/10/1957, khi Liên Xô phóng vệ tinh Sputnik của họ vào quỹ đạo. Có trọng lượng một trăm tám mươi tư pounds và kích thước bằng một quả bóng rổ, vệ tinh Sputnik được chuyên chở bằng một tên lửa của Liên Xô. Sự kiện này khởi đầu không những chỉ kỷ nguyên không gian mà còn kỷ nguyên không gian ảo.
Trong buổi họp báo ngày 9/10/1957, Tổng thống Hoa Kỳ Dwight D Eisenhower được Merriman Smith, một nhà báo đã trở thành huyền thoại, chất vấn: “Nước Nga đã phóng một vệ tinh viễn thông. Họ cũng thông báo đã bắn thử một lửa đạn đạo vượt đại châu. Đó là những thứ mà đất nước ta chưa có. Tôi xin hỏi ngài, chúng ta sẽ làm gì để đối phó?” Vị Tổng thống đối phó bằng cách thiết lập một chương trình không gian để gấp rút theo kịp Liên Xô – trong đó, ông ta muốn có một tổ chức phụ trách chung các nghiên cứu và tên lửa và chiến lược không gian. Eisenhower đã thuyết phục được Quốc hội cho phép lập Cơ quan Nghiên cứu các Dự án Kỹ thuật cao – ARPA. Từ đó, các dự án tên lửa và hàng không dần dần được tách ra trở thành NASA, phần còn lại của ARPA sau này do Lầu Năm Góc phụ trách và trở thành cơ quan nghiên cứu và cải tiến công nghệ thông tin và vi tính. Công nghệ xử lý thông tin thời đó còn rất mới. Và như Stephen Segaller, tác giả cuốn sách Nerds 2.0.1: Tóm lược lịch sử Internet, chỉ ra, chính Văn phòng Xử lý Công nghệ Thông tin của ARPA, là cơ quan đầu tiên xây dựng nguyên mẫu đầu tiên của Internet và đặt những nền tảng đầu tiên cho mạng Internet thời nay.
Nguyên mẫu Internet được trình làng vào năm 1969, mang tên ARPAnet – một mạng nội bộ thô sơ nối giữa Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ và một số trường đại học và phòng thí nghiệm của chính phủ. Được Lầu Năm Góc tài trợ, ARPAnet giúp cho một nhóm các nhà nghiên cứu trao đổi ý kiến và thông số, họ tiết kiệm được thời gian dùng máy tính và phương tiện, thông qua mạng nội bộ này. Lúc đó máy tính còn yếu và thiếu thốn, qua mạng nội bộ, kỹ thuật viên ở trung tâm UCLA có thể chạy được các chương trình trên các máy tính đặt ở Cambridge, Massachusetts, và nhân viên ở những nơi đó trao đổi dữ liệu với nhau.
“Cách đây ba mươi năm, ngày 29/10/1969, mẩu tin đầu tiên được truyền qua một mạng điện tử đơn sơ, tiền thân của Internet”, tin trên tờ New York Times ra ngày 12/10/1999 cho biết. “Mẩu tin này không “hoành tráng” như dòng chữ đầu tiên “Chúa an bài” xuất hiện trên băng điện báo khi kỹ thuật này điện tín ra đời năm 1844: mẩu tin chỉ vẻn vẹn là “login”. Lúc đó mạng ARPANET chỉ có hai điểm. Một sinh viên trường UCLA tên Charley Kline lúc đó đánh hai chữ “L” và “O”, và chữ này được truyền sang một máy tính cách văn phòng của anh ta ba trăm dặm về hướng tây bắc, tại Viện Nghiên cứu Stanford, tiền thân của khu Silicon Valey sau này” bài báo viết tiếp.
Nhưng mãi đến năm 1972, những kỹ thuật viên Internet đầu tiên mới phát hiện ra email. Những máy tính thời đó cho phép lập những “hộp thư chết” trên máy: người nọ nhắn vào hộp thư của người kia trên cùng một máy. Một ngày kia, như Segaller kể lại, Ray Tomlinson, làm việc cho hãng máy tính Bolt, Beranek và Newman, viết một chương trình truyền các tệp hồ sơ đơn giản, truyền được các file từ một máy tính sang một máy khác, rồi khẳng định máy kia đã nhận được các file này. Sau này Tomlinson nói với Segaller, “Một khi ta truyền được file từ một máy tính sang một máy khác thì đương nhiên ta có thể viết và truyền các file này cho một vài máy khác, và gửi thư cho những người khác nhau. Lúc đó tình cờ tôi đang nghiên cứu một loại nhu liệu cho phép soạn thảo và truyền email, gọi là “gửi lời nhắn” (send message) – và thách thức lúc đó là kết hợp soạn thảo email và dùng nhu liệu truyền file từ máy tính này sang máy tính khác. Tôi thực hiện ngay… và đã thành công.” Nhiều người khác nghe được chuyện này, nhiều mạng máy tính khác cùng áp dụng và… alê, email ra đời.
Theo Segaller, Tomlinson chính là người sáng tạo chữ @ [a còng] để phân biệt người viết mail và nơi làm việc hay địa chỉ của người này. Khi những nhà nghiên cứu thấy được công dụng của email, thì việc sử dụng chúng bùng phát ngay, các mạng xuất hiện và hàng loạt thể loại thông số khác nhau được truyền qua lại giữa các trường đại học, cơ quan chính phủ, công ty và các hãng nghiên cứu. Nhiều mạng điện toán khác ra đời, nhưng như Segaller cho biết, chúng chỉ cho phép các khách hàng liên hệ trong nội bộ mỗi mạng mà thôi, vì các mạng này không “nói chuyện” được với nhau. Cho đến khi hai nhà nghiên cứu Vint Cerf và Bob Kahn phát minh ra một thể thức, một loại ngôn ngữ lập trình, có thể làm các mạng “nói chuyện được với nhau”, khiến cho một “gói dữ liệu” rời khỏi một mạng, di chuyển và vào qua cổng một mạng khác, mà theo Segaller, được giới thiệu hồi năm 1973 là một thứ “mạng của mạng”, gọi tắt là Internet.
Toàn bộ câu chuyện chưa được đại chúng biết đến cho mãi tới năm 1990. Năm đó, Tim Berners-Lee, một kỹ sư mạng điện toán người Anh đóng tại Geneva sáng tạo ra một công cụ, đơn giản và hầu như miễn phí để thu thập tin tức từ Internet – một thứ mang tên the World Wide Web. Theo Segaller, lúc đó có khoảng tám trăm mạng máy tính, nối tổng số một trăm sáu mươi nghìn máy tính trên thế giới hòa mạng Internet. Về mặt kỹ thuật thì số máy tính đó được nối với nhau, nhưng để vào tìm dữ liệu trữ trong các máy tính này là việc không dễ, vì lúc đó không có trung tâm thông tin, không có danh bạ địa chỉ và không có phần mềm quản lý thông tin. Phát minh của Berners-Lee, theo tờ The New York Times có lần viết, “là cho ra đời một nhu liệu tiêu chuẩn hóa cho việc đăng ký địa chỉ, nối và truyền các thông số và tài liệu trên Internet”. Những phát kiến của ông bao gồm Uniform Resource Locator URL – một hệ thống mã hóa để tìm và truy cập nội dung các trang mạng dù trang đó được hỗ trợ bằng bất kỳ máy chủ loại nào; nghi thức siêu văn bản (HTTP) – tạo đường truyền giữa trang mạng và máy tính của khách hàng; và sau cùng là ngôn ngữ siêu văn bản (HTML) – đây là hệ tiêu chuẩn chung để hình thành mỗi website và cách nó xuất hiện mỗi khi bạn nhấn chuột để “gọi”. URL, HTTP và HTML hình thành một hệ thống liên kết các mạng liên lạc, cho phép bạn nhấn chuột lên những dòng chữ, những hình ảnh trên màn máy tính để truy cập vào nhiều trang thông tin, dù chúng ở trên một máy chủ khác ở một nước khác. Đó là lý do tại sao người ta gọi đấy là World Wide Web vì bạn có thể theo một dòng liên kết đến bất kỳ nơi nào trên thế giới rồi quay trở về. Thời trước, cuốn sách bạn đang đọc cũng có thể được lưu trên một mạng điện toán, nhưng để đến với nó, bạn cần đi qua mê lộ các mạng khác nhau và ngay cả khi tìm ra nó, bạn cũng không tài nào đọc được vì máy tính của bạn không có chương trình thích hợp. Ngày nay bạn chỉ cần vào Internet, đánh địa chỉ www.lexusandtheolivetree.com hoặc nhấn chuột lên hình ảnh của cuốn sách trên trang amazon.com, World Wide Web sẽ dẫn bạn đến với cuốn sách.
Tuy vậy, để phát triển trở thành phương tiện đại chúng cho nghiên cứu, thương mại và liên lạc, Internet cần thêm ba phát minh nữa – phần mềm truy cập [Web browser], công cụ tìm kiếm [search engine] và công nghệ mã hóa bảo mật cao [high-grade encryption technology] để người dùng có thể yên tâm cung cấp số thẻ tín dụng của họ cho trang Web để mua bán. Browser là một nhu liệu biến máy tính thành một thứ TV giúp cho ai cũng có thể trưng bày nội dung trang web của họ lên; khi bạn đánh vào khung địa chỉ www, hoặc nhấn chuột lên một hyperlink sẽ xuất hiện trên màn hình toàn bộ hình ảnh, nội dung của trang web. Dùng một browser cùng search engine, một em bé cũng có thể đánh những chữ cần thiết để truy cập vào nhiều trang thông tin tìm những thông tin cần thiết. Berners-Lee phát minh ra một thứ browser sơ cấp để khởi động world wide web. Sau đó Marc Andreessen, năm 1993, sáng tạo loại browser đại chúng đầu tiên mang tên Mosaic. Một năm sau Netscape Navigator ra đời có tính năng tinh vi hơn. Netscape cho phép sử dụng đại chúng hơn, đơn giản hơn, nhiều màu sắc hơn và độ tương tác cao hơn.
Netscape ra đời trùng hợp với quyết định của Quốc hội Hoa Kỳ cho phép thương mại điện tử hoạt động; đồng thời việc giá của máy tính cá nhân và điện thoại giảm nhanh chóng. Kết hợp ba điều kiện đó dẫn đến sự bùng nổ của ứng dụng Internet và cuộc cách mạng dân chủ hóa thông tin. Kevin Maney tóm tắt cuộc cách mạng này trong bài viết trên tờ USA Today (9/8/1999): “Là một phát minh mang tính cải biến thế giới, Internet có nhiều yếu tố giống máy in ngày xưa. Nó khiến cho chi phí tạo dựng, truyền và lưu trữ thông tin sụt giảm hẳn và khiến thông tin gần gũi với con người ta hơn nhiều. Nó đánh gục độc quyền truyền thông. Hãy nhìn vào những thông tin về y tế trên web, những thứ mà từ trước đến nay chỉ có bác sĩ mới biết. Thông tin về xe hơi và giá cả của chúng không còn bị các tay buôn xe bưng bít... Hàng triệu người ngày nay có thể lên mạng để kể rõ từng chi tiết về cuộc sống của họ.”
@by txiuqw4