sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chiếc Lexus và cây Ô Liu - Phần I - Chương 04 - Phần 4

Chưa bao giờ trong lịch sử thế giới con người ta hiểu biết nhiều như ngày nay về số phận của đồng loại, về các loại sản phẩm và tri thức. Và giai đoạn tiếp theo trong thế kỷ hai mươi mốt đó là việc người ta được trang bị hệ thống viễn thông Internet băng thông rộng, tốc độ nhanh ngay tại nhà, văn phòng trên các máy tính cầm tay. Internet cao tốc cho phép truy cập suốt ngày đêm, tựa như TV lúc nào cũng bật, thông tin cập nhật hơn, đến nhanh hơn và chi tiết hơn. Từ chiếc máy tính xách tay đi trên đường, bạn có thể họp bàn, giao dịch với đồng nghiệp và khách hàng ở nhiều nơi khác. Internet cho phép bạn “tải xuống” phim, âm nhạc và video. Nó cho phép bạn đi chợ thương mại điện tử trong không gian ba chiều. Một quảng cáo hấp dẫn của công ty Internet Qwest hồi năm 1999 cho thấy một thương gia mệt mỏi và lấm láp đăng ký trọ ở một khách sạn ở một nơi hẻo lánh. Ông ta hỏi một người phục vụ buồn nản ở đó liệu khách sạn các dịch vụ tận buồng. Cô này đáp: “Vâng”. Và khi ông này hỏi thêm, thế TV trong buồng có gì hay? Thì cô này lên giọng dạy đời: “Buồng nào cũng có bất cứ phim gì từng sản xuất và bằng bất cứ thứ tiếng gì, giờ nào cũng có, ngày hay đêm…”

Internet cao tốc là như thế đấy, mang phương tiện giải trí đến cả nơi khỉ ho cò gáy.

Kết hợp toàn bộ các yếu tố dân chủ hóa thông tin ta thấy các chính phủ ngày nay không còn có thể bưng bít dân chúng của họ về những gì xảy ra bên ngoài lũy tre làng hay biên giới của đất nước. Thông tin về cuộc sống ở bên ngoài không còn bị bóp méo hay bôi xấu. Thông tin về cuộc sống trong nước không còn bị tô vẽ theo lối tuyên truyền. Nhờ quá trình dân chủ hóa thông tin, chúng ta càng thấu hiểu hơn cuộc sống của đồng loại – dù cho đất nước có nằm ở nơi nào xa xôi và cô lập. Mỗi khi bạn tạo dựng một bức tường dày hơn, cao hơn để lẩn trốn, bạn sẽ thấy có những công nghệ len lách hoặc vượt trên bức tường đó mang thông tin đến với bạn. Mỗi khi bạn vẽ một ranh giới trên cát để tự bao bọc, công nghệ sẽ tìm cách xóa nhòa ranh giới đó. Raul Valdes Vivo, Hiệu trưởng Trường Đảng của Cuba mang tên Nico Lopez, Havana giải thích rất hay về chuyện này trong cuộc phỏng vấn với báo National Geographic (6/1999). Khi được hỏi về những khó khăn mà đất nước Cuba gặp phải khi cố duy trì các nguyên tắc xã hội chủ nghĩa, đồng thời áp dụng một số phương pháp của tư bản để tồn tại, ông ta nói vui: “Cuba không còn là một hòn đảo. Không có hòn đảo nào trên thế giới này nữa. Tất cả là một thế giới duy nhất”.

Trong những năm tám mươi, ở Liên Xô, trên tờ Pravda, có tấm ảnh được chú thích là “dòng người chờ phát chẩn ở Hoa Kỳ”. Nhưng nhìn kỹ tấm hình thì ra đó là dòng người xếp hàng trước cửa hiệu bánh mỳ Zabar’s ở Manhattan vào một sáng thứ bẩy. Đừng có dở cái trò đó thời nay – thậm chí ở Trung Quốc! Một khi người ta có Internet. Điều khiến Internet trở nên nguy hiểm đối với các nhà nước độc tài, đó là các nhà nước này buộc phải cho phép nó tồn tại, vì nếu không họ sẽ bị thua thiệt về kinh tế. Nhưng nếu có Internet, họ sẽ không kiểm soát được thông tin như trước kia. Điều đe dọa hơn đối với một hệ thống như ở Trung Quốc đó là Internet cho phép người ta trao đổi tin tức sống động hàng ngày. Internet không phải là một thứ đài phát thanh, không đơn thuần là một thứ truyền hình để chỉ có thính hay khán giả. Trên Internet người ta trao và đổi, trò chuyện, thu thập tin tức và ý tưởng, mua và bán – làm tất cả những chuyện đó mà dường như không thể bị cấm đoán.

Ngày 4/12/1998 Trung Quốc xử án một thương gia máy tính, người được coi là một nhân vật bất đồng chính kiến trên mạng, phân tán địa chỉ email của dân Trung Quốc cho một tờ báo điện tử tiếng Hoa quảng bá cho dân chủ. Tòa án Chung thẩm Nhân dân tại Thượng Hải đã tổ chức xử kín, buộc cho Lin Hai, thương gia nọ, tội phản loạn do đã cung cấp địa chỉ email của ba mươi nghìn người dân Trung Hoa sử dụng email cho VIP Reference, một tạp chí điện tử có trụ sở ở Hoa Kỳ. Tổng biên tập gốc Trung Hoa của VIP Reference nói với báo Los Angeles Times (4/1/1999) rằng: “Chúng tôi nguyện phá bỏ hệ thống kiểm duyệt của Trung Quốc nhằm vào Internet. Chúng tôi tin dân chúng Trung Hoa cũng như các dân tộc khác trên thế giới xứng đáng được quyền tiếp cận tri thức và tự do ngôn luận”. Tên của tạp chí này có lượng độc giả hai trăm năm mươi nghìn người qua email ở Trung Quốc cũng là cách chơi chữ. Các viên chức cao cấp Trung Quốc được cung cấp một bản tin vắn hàng ngày gồm những tin đích thực, đầu đề là “Bản tin tham khảo” (Reference News.) Và như tờ Los Angeles Times đăng, thì VIP Reference là tin tham khảo cho những yếu nhân Trung Hoa đích thực – đó chính là dân thường. Một chuyện tương tự diễn ra trong lĩnh vực tài chính. Một công ty Internet thành lập tại Chicago năm 1998 mang tên China Online, sử dụng các cộng tác viên tại Trung Quốc để thu thập tin thị trường và thời sự. Họ gửi tin sang Chicago, tin này được biên tập và truyền trở lại Trung Quốc qua Internet. Một trong những dịch vụ hàng ngày của China Online là bảng tỷ giá hối đoái chợ đen giữa Nhân dân tệ và đô-la Mỹ tại các thành phố lớn của Trung Quốc. Các cộng tác viên của China Online hàng ngày ra chợ trời, kiểm tra tỷ giá với các tay buôn ngoại tệ, gửi kết quả về Chicago. Đây là một dịch vụ rất hữu ích cho những ai làm ăn ở Trung Quốc, đặc biệt trong giới người Hoa. Đó là dịch vụ mà không bao giờ chính phủ Trung Quốc cung cấp cho dân chúng của họ, cũng như cho thế giới. Và Bắc Kinh không thể nào ngăn chặn được dịch vụ này.

Nam Teheran, quận nghèo nhất của thủ đô của Iran, là nơi rất hiếm TV. Khi đến đây vào năm 1997, tôi thấy nhà nào có TV thường bày ghế ra và bán vé cho người xem nhờ mỗi khi có chương trình của Mỹ [qua vệ tinh]. Chương trình được hâm mộ nhất là Baywatch, một loại phim truyền hình sản xuất từ miền Nam California với phụ nữ mặc áo tắm hai mảnh và số đo cơ thể 91-60-91. Chính phủ Iran cấm ăng ten vệ tinh, nên mấy ông bạn tôi dấu chúng phía dưới dây phơi quần áo hay các bụi cây trên các ban công nhà họ.

Nhờ có cuộc cách mạng thông tin và việc giảm chi phí điện thoại, fax, Internet, radio và các phương tiện thông tin khác, không còn bức tường vững chãi nào trên thế giới nữa. Một khi chúng ta biết thêm về đời sống của người khác thì một động lực chính trị mới đã xuất hiện. Khi một thảm họa diệt chủng xảy ra ở một nơi dù là heo hút trên thế giới, thì các nhà lãnh đạo đất nước chắc chắn phải biết, họ không thể nói: “không biết”, mà chỉ có thể quyết định không hành động. Khi có những phát kiến ở những nơi khấm khá hơn trên hành tinh, thì các nhà lãnh đạo không thể cấm dân chúng áp dụng và học hỏi chúng; họ chỉ có thể quyết định: làm ngơ và không giúp. Vậy một khi dân chúng biết nhiều hơn thì quý vị lãnh đạo trở nên có ít lựa chọn hơn. Nếu họ không nghe theo, không giúp dân, thì họ sẽ gặp trở ngại – một thứ trở ngại ngày càng trầm trọng. Trong vài năm nữa mỗi người dân trên thế giới sẽ có thể so sánh sản phẩm và cả chính phủ ở nơi họ đang sống và ở những đất nước khác.

“Ngày nay không một đất nước nào có thể khóa kín bản thân, không tiếp xúc với truyền thông toàn cầu hoặc những nguồn tin từ bên ngoài; những khuynh hướng xuất hiện ở một nơi có thể được nhân đại trà ở nhiều nơi khác xa xôi”, đấy là nhận xét của Francis Fukuyama, tác giả cuốn sách Kết cục của lịch sử và con người cuối cùng. Ông nói tiếp “Một đất nước tự đứng bên ngoài nền kinh tế toàn cầu bằng cách tự tách mình khỏi hệ thống thương mại và dòng vốn quốc tế sẽ phải đối phó với một thực tế: kỳ vọng của người dân được định hình bởi sự hiểu biết của họ về mức sống và các sản phẩm văn hóa từ thế giới bên ngoài”.

Thế đấy. Một vị tổng thống của một đất nước đang phát triển hôm nay có thể đến phát biểu trước dân chúng, “Thưa đồng bào, chúng tôi sẽ ngưng, không đi theo cái trào lưu toàn cầu hóa. Chúng tôi sẽ tạm thời dựng những hàng rào thuế quan và áp đặt kiểm soát đối với các dòng ngoại tệ đang ra vào nước ta. Chúng ta sẽ giảm được những đau thương và xáo động trong nền kinh tế của chúng ta, nhưng mức tăng trưởng sẽ chậm lại, vì chúng ta sẽ không còn tiếp cận được các khoản tiền nhàn rỗi từ nhiều nơi trên thế giới. Vì thế nếu quý vị nào chưa đạt được mức sống trung lưu, thì xin hãy chờ một thời gian”. Nghe thấy vậy một người dân ở ngoại thành sẽ lên tiếng: “Nhưng, thưa Tổng thống, tôi xem phim Baywatch đã được năm năm nay. Ý ông muốn nói là rồi đây sẽ không còn Baywatch cho tôi xem? Không còn Disney World? Không còn áo tắm hai mảnh?” Những chính phủ muốn trốn tránh toàn cầu hóa không những sẽ phải tìm ra những lựa chọn mới thích hợp, mà còn phải làm điều đó trong môi trường ai ai cũng hiểu biết và so sánh các loại mức sống.

Các nhà nghiên cứu chính trị đánh giá rằng trong thời Chiến tranh Lạnh, thời của những bức tường, các nhà lãnh đạo thường khuyến khích dân chúng hãy so sánh đời họ với đời cha ông của họ. Lãnh đạo hay nói: “Các anh bây giờ sướng hơn đời bố, đúng không? Ok, thế thì im bớt đi nhé”. Nhưng ngày nay dân chúng không so sánh đời họ với đời cha ông của họ. Họ có thêm nhiều thông tin hơn. Giờ đây họ so sánh đời họ với đời sống của dân nước láng giềng, dân nơi khác. Vì họ có thể nhận biết qua truyền hình, vệ tinh, DVD và Internet. Giờ đây họ có thể thấy được phòng khách của kẻ thù tồi tệ nhất của họ mà một thời đã từng trốn tránh trong kín cổng cao tường.

Laura Blumenfeld, cây viết cho tờ The Washington Post, từng sang Trung Đông tìm tư liệu viết một cuốn sách về sự trả thù. Chị sang Syria cùng bà mẹ vào mùa xuân năm 1998. Chị kể cho tôi câu chuyện, rằng: “Mẹ và tôi thuê một hướng dẫn viên để đi thăm thủ đô Damascus. Anh này tên là Walid. Lâu dần quen nhau, tôi nói chúng tôi từ Israel, anh ta nói chuyện thẳng thắn hơn. Anh kể anh thích ngồi trong văn phòng vào ban đêm xem TV Israel. Tôi tưởng tượng tay này ngồi ban đêm, dán mắt vào những hình ảnh về cuộc sống những con người mà anh ta căm ghét nhưng thích và ghen tị mức sống của họ. Anh nói trong tất cả mọi thứ trên TV Israel, chỉ có một thứ làm cho anh ta buồn lòng – quảng cáo về một loại sữa chua. Giống ở Hoa Kỳ, sữa chua Israel đựng trong hộp màu hồng và da cam, trong khi hộp ở Syria có màu trắng và đen. Anh ta thậm chí chỉ cho chúng tôi xem sữa chua bán trên đường phố. Anh nói: “Lúc cho vào sữa, loại ngô rang để ăn sáng, loại của chúng tôi ngấm nhanh lắm, mềm ra, trong khi cái loại của Israel [trong quảng cáo] thì vẫn cứng, vẫn giòn”. Chẳng phải [chiến sự ở] cao nguyên Golan, mà hộp đựng sữa chua hay loại ngô ăn sáng, chính là mối quan tâm của anh chàng này. Một ngày kia anh ta nói: “Thật không công bằng, chúng tôi lạc hậu so với người Israel một trăm năm vậy mà họ chỉ vừa mới đến lập nghiệp ở vùng này”.

Dân chủ hóa thông tin cũng đang cải biến các thị trường tài chính. Các nhà đầu tư không những có thể tự mua bán cổ phần và trái phiếu trên toàn thế giới thậm chí chỉ ngồi nhà qua máy tính để mua bán, họ còn được các công ty Internet cung cấp hầu như miễn phí các thông tin và dự đoán tài chính qua mạng, không cần đến khâu môi giới. Càng nhiều người làm chuyện này, ngày càng có thêm nhu cầu thông tin và đánh giá chi tiết hơn về những nền kinh tế mới. Tiền di chuyển nhanh và trên phạm vi rộng hơn, từ những kẻ thất bại chậm chạp đến với những tay buôn thông thái linh hoạt.

Charles Schwab, một công ty môi giới chứng khoán đăng một quảng cáo hồi cuối 1998 cho thấy một bà nội trợ khoe về cách buôn bán trên mạng của chị và cung cách thu thập tất cả các thông tin cần thiết từ trang mạng Schwab. Bà này, tên là Holly, nói trong mẩu quảng cáo: “Vài năm trước, người ta mời tôi nhập vào một nhóm đầu tư của phụ nữ mang tên Tăng tưởng ngay. Chúng tôi phải tính toán nhiều lắm. Rồi bàn bạc, biểu quyết và giao dịch. Quả thực tất cả những gì chúng tôi muốn biết đều đến từ trung tâm đánh giá của Schwab.com. Báo cáo ngành, thông tin về quản trị, dự báo doanh thu làm cơ sở cho những tính toán của chúng tôi.

Chả bao lâu nữa ai cũng có thể đến tham gia giao dịch trên thị trường chứng khoán New York. Schwab cùng những E*Trade site khác đang quy tụ quá trình dân chủ hóa thông tin, công nghệ và tài chính vào một mối. Một quảng cáo E*Trade khác mà tôi cũng rất thích đã tóm tắt cả ba khuynh hướng dân chủ hóa vào cuối những năm 1990, khi những bức tường theo nhau sụp đổ. Quảng cáo này chiếm hai trang với hàng tít: “GIẤC MƠ CỦA GIỚI ĐẦU TƯ. CƠN ÁC MỘNG CỦA CÁC NHÀ MÔI GIỚI. Xin giới thiệu E*Trade mới. Trung tâm tài chính trên mạng - cơ chế một cửa. Mức độ nghiên cứu gấp mười lần. Nhiều công cụ tìm hiểu thông tin. Hiệu lực hơn. Bạn có thể đầu tư vào các chứng khoán, quyền tùy chọn và trên bốn nghìn quỹ khác nhau. Hãy tự thiết lập và kiểm soát tài khoản của bạn. Giao dịch 24/24 – qua mạng hoặc điện thoại - với giá chỉ 14,95 đô-la. Trợ giúp và đào tạo miễn phí, như công cụ đánh giá quỹ hỗ tương. Báo giá miễn phí trực tuyến – vì tin cũ chính là tin xấu. Nhận tin mới nhất. Bảng biểu. Đánh giá từ các nguồn hàng đầu. An toàn (thông tin) tuyệt đối... TẤT CẢ MIỄN PHÍ, 24/24. HÃY ĐẾN. ĐẾN MAU, ĐẾN BÂY GIỜ ĐI. RỒI ĐẾN LÚC MỌI NGƯỜI SẼ ĐẦU TƯ THEO CÁCH NÀY”. Tuy nhiên, chính câu kết quảng cáo này làm tôi thích nhất: “E*Trade, quyền lực giờ đây nằm trong tay bạn”.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx