sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chiếc Lexus và cây Ô Liu - Phần I - Chương 05 - Phần 1

5. Suy giảm hệ miễn nhiễm microchip

Giờ đây có người nói, “Vâng, thì những thay đổi trong cung cách người ta liên lạc, đầu tư và nhìn nhận thế giới, khiến toàn cầu hóa làm lợi cho những con người và xã hội phát triển, vậy đối với những con người và xã hội khác trên hành tinh thì sao?

Tại sao cứ khăng khăng nói toàn cầu hóa trong khi đa số nhân loại vẫn sống trong các làng bản. Họ không có điện thoại, và chả bao giờ sờ được vào máy tính, nữa là gửi email?”

Đúng là toàn cầu hóa chưa thực sự xuất hiện trên phạm vi toàn cầu. Còn lâu lắm mới đến lúc ai ai cũng lên mạng được (tuy vậy mỗi tuần có chừng ba trăm nghìn người mới bắt đầu vào truy cập trên mạng). Nhưng toàn cầu hóa đã được hình thành thực sự trên toàn cầu, theo nghĩa: hầu như ai cũng cảm nhận được nó, gián tiếp hay trực tiếp - đó là những áp lực, những gò bó và những cơ hội để áp dụng dân chủ hóa công nghệ, tài chính và thông tin - trọng tâm của toàn cầu hóa. Chen Yuan, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Trung Quốc một lần đã nói với tôi: “Mỗi một đất nước đều có một phần phát triển chậm. Ngay cả ở Mỹ, nếu đi từ (Thủ đô) Washington xuống Virginia bạn vẫn thấy những làng mạc vùng núi. Nhưng bạn không thể coi chúng chưa nằm trong toàn cầu hóa. Ở Trung Quốc cũng vậy”.

Đúng thế. Nếu có một nơi nào chưa hẳn đã hòa nhập vào toàn cầu hóa thì đó là bản Gujialingzi nhỏ xíu ở đông bắc Trung Quốc và Bắc Triều Tiên. Tôi đến đó năm 1998 trong phái đoàn quan sát tuyển cử vùng nông thôn Trung Quốc. Nhưng lúc đó tôi có một ý đồ riêng – quan sát toàn cầu hóa từ bên ngoài và kết quả là: tôi đã không làm được điều đó. Tôi không đi thoát khỏi toàn cầu hóa, vì chính nó đã lan tỏa tới vùng đó, vùng hẻo lánh nhất mà tôi được biết. Khi đoàn chúng tôi đến Gujialingzi, toàn bộ dân chúng trong độ tuổi bầu cử đã tập trung ở một sân trường. Họ đến để nghe hai ứng cử viên tuyên truyền tranh cử chức trưởng bản. Bản này nghèo lắm: ngay lớp học cũng chỉ có nền đất. Bản này thuộc tỉnh Cát Lâm, trung tâm của vành đai công nghiệp của Trung Quốc trước đây. Nay vành đai này nhanh chóng bị han rỉ vì những khu công nghiệp ở đây không còn khả năng cạnh tranh trên thế giới và chính phủ trung ương ở Bắc Kinh không còn sức để bao cấp sản xuất cũng như phúc lợi xã hội nữa. Cũng có thể chính vì thế mà khi hai vị ứng cử viên trưởng bản đứng lên phát biểu tranh cử, họ làm như thể đang tranh cử chức thị trưởng của thị trấn luyện thép trung tâm Ohio (Hoa Kỳ).

Đầu tiên là cựu trưởng bản, Li Hongling. Trích đoạn bài phát biểu của ông ta như sau: Thưa dân bản, xin tự giới thiệu lại, tôi bốn mươi bảy tuổi, đảng viên cộng sản, trình độ trung học cơ sở. Tôi muốn cống hiến cho bản này. Như bà con đã biết, tôi giúp cho bản ta phục hồi sau cuộc Cách mạng Văn hóa. Ở mọi nơi, ai cũng thấy mồ hôi công sức của tôi. Tôi đã đến từng nhà, tham khảo ý kiến mọi người. Tôi chưa bao giờ dùng tiền công để tiệc tùng. Tôi xử lý mọi việc đúng luật. Tôi hứa sẽ cải thiện trường tiểu học và tăng thu nhập của chúng ta. Nếu được bầu tôi cam kết sẽ vận chuyển rau quả của bản ta ra tỉnh nhanh hơn. Tôi sẽ cải thiện tinh thần trong bản. Chúng ta cần thêm cây cối và hệ thống cáp quang để mọi người đều có một máy điện thoại. Dưới sự lãnh đạo của chi bộ, tôi sẽ sửa chữa các khuyết điểm của mình. Đây chính là hợp đồng giữa tôi và bà con”.

Sau tràng pháo tay lịch sự, đối thủ của ông ta, Liu Fu, lên diễn đàn. Ông ta nhập cuộc ngay với đề tài nữ quyền: Trước hết tôi xin nói ngày mai là Ngày Phụ nữ Quốc tế và xin chúc mừng các bà các cô. Tôi năm nay năm mươi mốt tuổi, trình độ phổ thông cơ sở. Tôi là chủ doanh nghiệp đậu phụ. Tôi yêu mến bản ta. Tôi yêu mến dân bản. Sự nghèo khổ của quý vị cũng là điều nhục nhã đối với tôi. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, tôi sẽ lật sang một trang sử mới. Tôi hứa sẽ giảm tệ đánh bạc và đĩ điếm trong bản và tạo thêm công ăn việc làm. Tôi sẽ không ngạo mạn. Tôi sẽ cắt giảm ngân sách hành chính để tiết kiệm tiền cho bà con. Tôi sẽ không nhận của đút lót, và ngay cả thủ trưởng của tôi là dân thành phố đến, tôi cũng sẽ không đưa ông ta đi chiêu đãi. Chúng ta tiệc tùng nhiều quá. Trong mười năm qua tôi không đi ăn tiệc và không động đến một giọt rượu nào cả. Tôi sẽ giữ gìn tiền bạc quý vị đóng góp. Không một cán bộ nào của bản được phép dùng tiền công để lên tỉnh. Tôi sẽ mang công nghệ đến bản ta. Tôi hứa sẽ phổ biến công nghệ chế biến đậu phụ đến từng quý vị. Tôi sẽ đào thêm giếng. Cách mạng Văn hóa đã bỏ phí của chúng ta mất mười năm. Chúng ta cần phải suy nghĩ các phương pháp để cải thiện đời sống. Tôi sẽ chấm dứt tệ duy ý chí. Như đồng chí Đặng Tiểu Bình nói: “Mèo trắng, mèo đen, đều được, miễn là chúng bắt được chuột”. Tôi sẽ cải thiện hệ thống trường học. Tri thức rất quan trọng. Nếu u mê thì không thể xây dựng nền kinh tế xã hội chủ nghĩa. Và tôi sẽ giúp mấy anh chàng độc thân trong bản, không có tiền, cưới vợ. Tôi sẽ giúp quý vị giàu hơn! Cùng tiến”.

Trong khi dân bản bỏ phiếu và chờ kết quả, tôi khảo sát chút ít trước cửa phòng phiếu, hỏi dân chúng xem họ thích bài phát biểu nào hơn. Tay hàng thịt đội mũ thời Mao Trạch Đông bước ra khỏi đám đông và phát biểu công khai: “Khi (ứng cử viên mới) tuyên bố anh ta không bao giờ dự yến tiệc, tôi tin anh ta. Không bao giờ nên chiêu đãi các quan chức ra tỉnh làm việc. Vì thường đó là tiền của chúng tôi đóng góp”.

Một người dân bản khác chêm vào: “Ở Bắc Kinh người ta giảm biên chế chính phủ. Ở đây cũng phải vậy… ông ấy nói đúng, chúng tôi cần có cáp quang. Xưa nay chúng tôi không có dịch vụ điện thoại”.

Làm thế nào mà biết về cáp quang? Tôi hỏi người này. “Tôi không biết, chỉ nghe về nó”, ông này nhún vai.

Tôi cũng nhận một câu trả lời tương tự ở bản Heng Dao bên cạnh, khi chúng tôi sang để nghe vận động tranh cử. Cựu trưởng bản ở đây phát biểu: “Tôi đã có nhiều cố gắng thiết thực để dẫn dắt bà con làm giàu. Thu nhập hàng năm của chúng ta hiện là hai nghìn ba trăm tệ. Ngân sách chính quyền thấp hơn nhiều. Và trong nhiệm kỳ của tôi, tôi đã giảm biên chế nhiều cán bộ. Nếu được bầu, chúng tôi sẽ tiếp tục áp dụng khoa học kỹ thuật vào nông nghiệp, thành lập thêm các xí nghiệp và tăng cường của cải vật chất... [vì] toàn thế giới đã trở thành một thị trường trao đổi hàng hóa đồng nhất”.

Tôi hỏi ông ta làm sao có được những ý tưởng như vậy. Bản này chỉ có một máy điện thoại. Ông ta nói: “Tôi đọc báo. Tôi nghe đài... chúng tôi hiện có một xí nghiệp sản xuất khung cửa sổ. Hiện tại chỉ phục vụ khách hàng nội địa, nhưng người ta nói là nếu chúng tôi cải tiến chất lượng sản phẩm, chúng tôi có thể bán chúng ra nước ngoài”.

Toàn cầu hóa chưa hẳn lan khắp toàn cầu ư?

Tip O’Neill nói sai rồi. Tất cả các thể loại chính trị không còn bị bó hẹp nữa. Chính trị giờ đây mang ảnh hưởng của toàn cầu. Không cứ nước nào cũng cảm thấy họ là một phần của toàn cầu hóa, nhưng nước nào cũng vậy – trực tiếp hoặc gián tiếp đều bị toàn cầu hóa ảnh hưởng đến. Chính vì thế, không phải ngẫu nhiên mà Đông Đức, Liên Xô, tư bản Á châu, các ngành công nghiệp quốc doanh của Brazil, cộng sản Trung Quốc, hãng General Motors và máy tính IBM hoặc đã sụp đổ hoặc bị buộc phải cải tổ gần như cùng một thời gian. Chúng bị một thức virus tấn công, loại virus khiến cho tường Berlin cùng nhiều loại tường Chiến tranh Lạnh khác sụp đổ. Chúng đã mắc thứ bệnh tôi gọi là hội chứng Suy giảm hệ miễn nhiễm Microchip [Microchip Immune Deficiency Syndrome – MIDS]. Đây là một chứng bệnh mang tính chính trị trong thời toàn cầu hóa. Chứng này có thể tấn công các công ty hay nhà nước lớn nhỏ, phía đông hay tây, phía nam hay bắc. Nếu phải định nghĩa về hội chứng này trong từ điển y học, thì tôi sẽ viết như sau:

“MIDS: một chứng bệnh có thể nhiễm vào bất cứ hệ thống phù nề, phì nộn và xơ cứng của thời Hậu Chiến tranh Lạnh. MIDS thường nhiễm vào các nhà nước và công ty không được tiêm chủng miễn dịch trước các làn sóng do công nghệ vi mạch (microchip) tạo nên cũng như những làn sóng dân chủ trong thông tin, tài chính và công nghệ đã tạo nên một thị trường nhanh hơn, cởi mở hơn và phức tạp hơn, có những hệ giá trị mới. MIDS xuất hiện khi một đất nước hay một công ty tỏ ra ngày càng thiếu khả năng tăng năng suất, lương, điều kiện sống, tri thức và tính cạnh tranh; chúng trì trệ trong việc áp dụng những thách thức đến từ thế giới hiện đại. Những đất nước và công ty nhiễm MIDS thường vẫn duy trì cung cách làm ăn thời Chiến tranh Lạnh – trong đó chỉ có một nhóm đứng đầu giữ chặt mọi thông tin và vạch tất cả các quyết định, còn những người ở tầng giữa và dưới đáy chỉ đơn thuần thực hiện các quyết định đó, sử dụng các mảng thông tin hạn hẹp hơn. Liều thuốc duy nhất mà ta biết để chữa chứng suy giảm hệ miễn nhiễm Microchip có thể được gọi là “quá trình dân chủ hóa thứ tư”. Đây là sự dân chủ hóa trong hoạch định chính sách và đáp ứng thông tin và phi tập trung hóa quyền lực, tất cả giúp cho có thêm dân chúng trong một nước hay nhân viên trong một công ty chia sẻ kiến thức để thực nghiệm và cải cách nhanh chóng hơn. Điều này khiến họ theo kịp những đòi hỏi ngày càng tăng của người tiêu dùng trên thị trường. Họ thường đòi hỏi hàng hóa và dịch vụ rẻ và hợp sở thích của họ hơn. MIDS có thể dẫn tới sự diệt vong đối với các đất nước và công ty, nếu không được chữa trị thích hợp. (Xem thêm các trường hợp Liên Xô, Đông Đức và Công ty Pan Am)”.

Ở mức độ nào đó, hội chứng MIDS không có gì mới. Kinh tế thị trường nhiều thế kỷ qua đã giết đi nhiều công ty làm ăn kém cỏi, thiếu khả năng áp dụng công nghệ mới và không theo kịp những đòi hỏi ngày càng tăng trong giới tiêu thụ. Hoặc không đáp ứng được các đòi hỏi mới trong điều kiện sức lao động và vốn ngày càng giảm. Nhưng thay đổi trong công nghệ, đầu tư và thông tin đã khiến cho quá trình này tăng tốc đột ngột vào những năm tám mươi, buộc các công ty và đất nước phải tiến nhanh hơn để tránh căn bệnh MIDS. Bạn hãy nhìn nhận chúng như một cuộc chuyển hóa có ba giai đoạn:

Quá trình này bắt đầu trước khi các bộ vi xử lí và vi mạch cho phép xuất hiện máy tính cá nhân, trước khi máy tính cá nhân giúp ra đời các quá trình dân chủ hóa công nghệ, tài chính và thông tin. Đây là thời kỳ sau Chiến tranh Thế giới thứ nhất, kéo dài cho tới những năm bảy mươi. Đó là thời kỳ cho phép các chính phủ và các doanh nghiệp quá tải và thiếu hiệu quả tồn tại, vì mọi người hoạt động trong một sân chơi được bảo hộ. Alan Greenspan mô tả hệ thống bó hẹp của thời Chiến tranh Lạnh trong một phát biểu sau đây:

“Những sự điều chỉnh lúc đó đi chậm. Thương mại quốc tế chỉ chiếm phần nhỏ trong kinh tế nội địa. Các hàng rào thuế quan hạn chế cạnh tranh, và kiểm soát về vốn làm tắc nghẽn những giao lưu tiền tệ qua biên ải. Nhìn lại, môi trường kinh tế đó thiếu tính cạnh tranh, yên ả và dĩ nhiên, đã không mấy đe dọa những ai chỉ có chút ít tài năng. Quả thực trước khi công nghệ máy tính làm xuất hiện các hệ thống tự động hóa, thì các công việc lặp đi lặp lại, những người thợ thiếu tay nghề đóng vai trò chính và hưởng mức lương cao trong tương quan với thợ lành nghề. Trong cái thế giới ít đòi hỏi này, các chính phủ đã có khả năng thiết lập hệ thống an sinh xã hội và cho ra đời những chính sách về thu nhập công bằng”.

Tuy nhiên, Greenspan nói thêm, mức sống trung bình trong thời đó thấp hơn mức đáng có và sự đa dạng của sản phẩm trên thị trường không theo kịp những thay đổi trong đòi hỏi của giới tiêu thụ, nếu so với thực trạng thời nay – thời của microchip. Những rào cản không cho một loại doanh nghiệp lấn sang một ngành khác đã khiến cho những thay đổi diễn ra chậm chạp hơn và ít rủi ro hơn. Nhưng dẫu cho chi phí lao động và giá thành sản phẩm thời đó có cao hơn và thiếu linh động hơn, thì một bộ phận không nhỏ của xã hội hiện đại ngày nay vẫn còn lưu giữ những nỗi nhớ về chúng – về cái thời đồ đá yên ả.

Một ví dụ đặc trưng của cái môi trường kiểm soát kinh tế kiểu đó thể hiện ở nền kinh tế chỉ huy, điều hành từ thượng tầng của nhà nước Xô Viết. Mục đích của kinh tế Liên Xô không phải là đáp ứng đòi hỏi của người tiêu dùng, mà là để ấn định sự kiểm soát của chính phủ trung ương. Vì thế mọi thông tin thường đi từ dưới lên và mệnh lệnh đi từ trên xuống. Tại một nhà máy sản xuất giường của Liên Xô, các quản đốc được trung ương trả lương không theo số giường họ tiêu thụ được, mà theo số lượng thép nguyên liệu họ sử dụng. Số lượng giường được bán phản ánh sự thỏa mãn của người tiêu dùng. Số lượng thép sản xuất và sử dụng chính là hình ảnh của quyền lực nhà nước – đó chính là điều duy nhất nhà nước Liên Xô quan tâm tới, trong thời Chiến tranh Lạnh. Và trong suốt Chiến tranh Lạnh, do mức độ thay đổi và thông tin đều bị kiểm soát chặt chẽ, Liên Xô đã tồn tại.

Tôi sẽ không bao giờ quên được chuyến tháp tùng Ngoại trưởng Bakers vào năm 1992 đến Chelyabinsk- 70, một phức hợp chế tạo bom hạt nhân của Liên Xô, nằm ở phía đông rặng núi Ural – một nơi tuyệt mật, không bao giờ được ghi trên bản đồ Liên Xô. Đây được ví như trung tâm Los Alamos của người Nga, cái nôi của các chuyên viên hạt nhân của đất nước này. Điều tôi nhớ nhất xảy ra khi chúng tôi nghỉ đêm tại khách sạn Tháng Mười ở thị trấn Sverdlovsk gần đó. Khi vào thang máy khách sạn tôi thấy số các tầng được đánh thứ tự 1,3,4,5,6,7,8,9,2. Ai đó đã quên không ghi số 2 vào nên sau đó gắn 2 vào vị trí cạnh số 9. Bấm số 2 thì người ta vẫn lên được tầng 2 dù nó ở vị trí số 10. Khách sạn nằm trong một tổ hợp quân sự tinh vi nhất của người Nga như vậy đấy! Chỉ có trong một hệ thống bị chia rẽ, trì trệ và bị kiểm soát của thời Chiến tranh Lạnh thì mới có cái lối đánh số thang máy như vậy.

Hãng IBM trong những năm bảy mươi và tám mươi cũng hoạt động giống như người Xô Viết – theo kế hoạch của trung ương. Cấp trên lệnh cho cấp dưới sản xuất sản phẩm nào và báo cho dưới sản phẩm nào nên cung cấp cho người tiêu thụ. Một lần tôi hỏi John Chambers, Chủ tịch Hãng Cisco Systems, ông ta thấy làm việc cho IBM thời bao cấp ngày trước ra sao. Charmbers nói, đó là thời những năm tám mươi, thời mà IBM quả đã bắt đầu một chính sách mở cửa, cho phép nhân viên chất vấn sếp, sếp phải trả lời, nếu không thỏa mãn thì nhân viên có thể lên sếp lớn hơn để chất vấn tiếp. “Một lần tôi đã thử làm như vậy”, Charmbers nhớ lại, “và một anh bạn cùng hãng gọi tôi ra một chỗ và nói, “mày thoát được lần này là may rồi, lần sau đừng làm thế nữa nhé”. Có một lúc tôi nói với một trong mấy sếp rằng lô hàng họ muốn có sẽ không làm vừa lòng khách hàng đâu và sẽ rất tốn nguyên liệu, nhưng ông này không muốn nghe. Ông ta bảo tôi, “tiền thưởng của tôi nằm trong lô hàng đó đấy, vậy hãy mang chúng ra cửa hàng và bán cho chạy”.

IBM tồn tại được lúc đó là bởi những bức tường ngăn chặn cạnh tranh trong công nghệ máy tính còn rất cao, những công ty trì trệ vẫn có thể mắc lỗi, và dù thậm chí làm ăn yếu kém vẫn sống nổi. Những đất nước như Liên Xô, sở dĩ vẫn tồn tại được là do các bức tường che chắn thông tin còn cao lắm – những kiến thức của dân chúng Xô Viết về cuộc sống bên ngoài không nhiều – cho nên điện Kremlin có thể tồn tại, mắc lỗi và chịu thất bại, nhưng vẫn tồn tại trong một thời gian dài.

… Cho đến những năm tám mươi.

Giai đoạn hai của cuộc chuyển hóa với hội chứng MIDS xuất hiện vào thời gian đó và bắt đầu công phá cái thế giới chậm chạp lười biếng đó. Ở mức chính phủ và doanh nghiệp, dân chủ hóa công nghệ, tài chính và thông tin đã hội tụ vào cuối những năm tám mươi, tạo ra những hiệu quả và quy mô kinh tế mới đáng ngạc nhiên và đồng thời làm sản sinh một môi trường thương mại hoàn toàn mới mẻ – không gian điện toán. Cuộc chuyển biến này được biết đến như một cuộc Cách mạng Thông tin. Nó sẽ được biết đến như một bước nhảy vọt trong công nghệ, trăm năm mới có một lần, tương tự như phát minh ra năng lượng điện, tạo bước ngoặt lớn lao, bứt khỏi quãng lịch sử trước đó.

Có nhiều cách để tóm lược những tác động của Cách mạng Thông tin, và ba trào lưu dân chủ hóa nói trên, vào thương trường. Nhưng với tôi, chúng được gói gọn vào hai khái niệm giản đơn: Thứ nhất, chúng nhấn chìm rào cản để mọi người thâm nhập vào bất cứ ngành kinh doanh nào bằng cách giảm đáng kể chi phí để cho phép người mới nhập cuộc. Nhờ đó chúng tăng cường cạnh tranh và cắt ngắn quãng đường của sản phẩm từ khâu thử nghiệm đến khâu sản xuất hàng loạt. Thứ hai, Cách mạng Thông tin đưa các doanh nghiệp đến gần khách hàng hơn, tạo cho khách hàng một thứ quyền năng để nhanh chóng phản hồi về chất lượng hàng hóa và nhu cầu mới nảy sinh của họ; khách hàng thời nay có thể nhanh chóng bỏ rơi những doanh nghiệp không làm theo ý khách hàng.

Xin đi vào chi tiết. Ba quá trình dân chủ hóa giúp tháo gỡ những rào cản vì hiện nay chỉ cần một máy vi tính cá nhân, một thẻ tín dụng, một đường điện thoại, modem, máy in màu, đường truyền Internet, trang mạng và một tài khoản chuyển tiền nhanh qua bưu điện, bất cứ ai cũng có thể ngồi tại nhà khởi sự doanh nghiệp của mình. Ví dụ: mở một nhà xuất bản, hãng bán lẻ, bán buôn qua catalogue, thiết kế thời trang cho thị trường toàn cầu hoặc dịch vụ tư vấn. Họ có thể lập một tờ báo, dịch vụ quảng cáo, phân phối, môi giới chứng khoán, sòng bạc ảo, quỹ tín dụng, tiệm sách, mua bán xe hơi hay quần áo. Chỉ qua một đêm sau khi thành lập, ngay sáng hôm sau, những dịch vụ như vậy với chi phí thành lập rất rẻ có thể cạnh tranh trên toàn cầu. Bạn có thể đang sống trong cùng một dãy nhà với ba tiệm sách độc lập như: Barnes & Noble, Crown Books và Borders – nhưng ngay sáng hôm sau, bạn có thể khiến họ sập tiệm khi bạn mở một hiệu sách của riêng, mang tên “Borderless Books” (tiệm sách xuyên biên giới), sử dụng Internet và đặt cho nó cái tên là Amazon.com chẳng hạn. Quả thực, Amazon.com đã được hình thành trong bối cảnh dân chủ hóa công nghệ (máy vi tính tại gia), dân chủ hóa tài chính (thẻ tín dụng cho mọi người) và dân chủ hóa thông tin (Internet cho mọi người). Nó không những là một tiệm sách phục vụ thói quen mua sách cụ thể ở từng địa phương mà còn là dịch vụ mở cửa 24/24, ai ai ở khắp các múi giờ cũng có thể vào mua.

Một khi hiện tượng như vậy xuất hiện trên đất Mỹ và lan tràn trên toàn thế giới, nó đánh dấu khả năng trong đó bất cứ một sản phẩm hay dịch vụ nào cũng có thể nhanh chóng biến đổi từ giai đoạn “hàng độc” – chỉ một hai nơi sản xuất được, có giá trị gia tăng cao, mức lớn – sang giai đoạn “sản xuất hàng loạt” trở thành hàng hóa thương mại trên diện đại trà. Khái niệm đại trà cho thấy những mặt hàng như vậy đều có thể được bất cứ nhà sản xuất nào thực hiện – sự khác nhau là ở chỗ: ai sẽ là người sản xuất có giá thành rẻ nhất. Biến phát minh của bạn thành một mặt hàng đại chúng kể ra cũng có những bất lợi vì làm như thế mức lợi tức thặng dư sẽ giảm đi, bạn sẽ phải đối phó với nhiều sự cạnh tranh mới. Giải pháp duy nhất trong trường hợp đó là bạn phải đảm bảo cho sản phẩm hay dịch vụ của bạn rẻ nhất, bán được nhanh nhất, bán liên tục, nếu không, bạn sẽ bị tiêu diệt.

Trong thế giới Chiến tranh Lạnh đầy những rào cản, quá trình đại trà hóa sản phẩm khá chậm, khoảng 10 dặm/giờ, vì những rào cản từ khâu phát minh đến khâu bán đại trà khá lớn, phần nhiều do các quốc gia đã thi hành bế quan tỏa cảng. Trong toàn cầu hóa, quá trình này có tốc độ 110 dặm/giờ, vì những bế quan tỏa cảng phần nhiều đã bị loại bỏ. Và vì chúng ta đang tiến vào thời đại Internet, tốc độ của sự biến đổi từ phát minh đến thương mại hóa trở nên nhanh hơn, có thể so sánh với tốc độ đường truyền Internet – tương đương với tốc độ ánh sáng. Chẳng phải vô cớ mà những tay tổ trong công nghệ Internet cho rằng cạnh tranh trên mạng là “thuyết tiến hóa Darwin ứng dụng vào các chất kích thích tố”.

Đó là do hiện nay Internet đang tạo ra một điều kiện giống như một môi trường cạnh tranh hoàn hảo, Edward Yardeni, Kinh tế trưởng của Ngân hàng Deutsche Bank giải thích. Ông nói thêm, “Trong môi trường cạnh tranh thuần khiết, không có rào cản đối với lính mới, không có sự bảo hộ dành cho những hãng xưởng làm ăn yếu kém, và ai ai (cả nhà sản xuất lẫn người tiêu dùng) cũng đều thu thập được thông tin đầy đủ và công bằng. Những yếu tố như vậy tình cờ lại hiện hữu trong thương mại Internet… Internet triệt tiêu chi phí cho so sánh chất lượng hàng hóa xuống còn zero. Khách hàng ngày càng có khả năng nhanh chóng tìm ra hàng hóa và dịch vụ ở đâu rẻ nhất. Trong nền kinh tế mạng toàn cầu, nhà sản xuất chịu được chi phí thấp nhất sẽ có khả năng báo giá thấp nhất cho bất cứ ai trên hành tinh này”. Ngược lại, trong nền kinh tế có công nghệ thấp, theo Yardeni, thì chi phí để tìm kiếm các mức giá thấp của cùng một mặt hàng khá cao. Bạn phải trèo qua nhiều bức tường, vượt nhiều rào cản để tìm mức giá phải chăng, và điều đó phản ánh lợi thế sẵn có của các công ty làm ăn lâu đời và có danh tiếng ở từng địa phương. Hiện nay các nhà sản xuất, các dịch vụ và tiệm bán lẻ có thể đấu giá để giành các thương vụ ở nhiều nơi trên thế giới. Ngược lại, người tiêu dùng có thể tìm được mức giá thấp nhất ở bất cứ nơi nào. Trong quá khứ, các công ty kiếm tiền trong tình trạng khách hàng thiếu thông tin và thiếu phương tiện kỹ thuật để tìm thông tin. Internet đã vĩnh viễn thay đổi tình trạng đó. Ngày nay doanh nghiệp nào muốn tiếp tục kiếm tiền bằng sự lệch lạc thông tin giữa kẻ mua và người bán, thì chính họ đang tự huyễn hoặc bản thân.

Chính vì thế Internet là điều kỳ diệu của người tiêu dùng và là hiểm họa đối với nhà sản xuất và người bán hàng. Ở một mức nào đó, doanh nghiệp sản xuất thành công ngày này cần phải trở thành một thứ cơ sở dịch vụ. Có nghĩa họ phải học cách ứng dụng công nghệ mới để giảm chi phí, tinh giảm bộ máy điều hành và tăng tốc cải tiến chất lượng để đáp ứng mức đòi hỏi tiếp theo của trào lưu Cách mạng Thông tin – việc người tiêu dùng đòi hỏi sản phẩm phải đúng sở thích của cá nhân họ. Con người là tổng hòa của xương và thịt, chứ không phải là những con số. Nên họ liên tục đòi hỏi và có khả năng trả thêm chút ít cho những dịch vụ và sản phẩm đúng ý muốn của họ. Chính vì thế, ngoài mục đích cải thiện hoạt động của mình, mỗi công ty đều phải dùng Internet để tiết kiệm thêm thời gian, dành sức lực và tài chính để cải tiến mẫu mã của sản phẩm cho đúng ý người tiêu dùng. Sở thích riêng của khách hàng không bao giờ là hàng hóa thương mại, chính vì thế sản phẩm theo đúng sở thích cá nhân bao giờ cũng có giá.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx