sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chiếc Lexus và cây Ô Liu - Phần II - Chương 09 - Phần 3

Tham nhũng

Nếu muốn tìm hiểu xem hệ thống toàn cầu hóa giúp làm giảm tham nhũng ra sao, thì xin đọc những bản tin nói về cuộc đảo chính quân sự ở Pakistan ngày 12/10/1999. Điều gì đã xảy ra? Cuộc đảo chính là ví dụ điển hình về xung đột mang động cơ chính trị, trong hàng ngũ thượng lưu ở nước này. Tướng Pervez Musharraf đã liều lĩnh điều quân vào vùng Kashmir do Ấn Độ kiểm soát, có lẽ với hy vọng rằng một khi cả Pakistan và Ấn Độ đều có vũ khí hạt nhân thì làm như vậy, thế giới sẽ vào can thiệp và giúp xây dựng một giải pháp cho Kashmir. Ông ta đã tính sai. Thế giới không vào và lực lượng của ông đã bị quân Ấn Độ đẩy lui. Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif đã phủi trách nhiệm trong vụ Kashmir và đổ lỗi cho lực lượng vũ trang, và cách chức Tướng Musharraf. Tranh chấp quyền lực diễn ra, trong đó Musharraf và quân đội đã lật đổ Thủ tướng Sharif. Một câu chuyện rất xưa.

Nhưng điều mới mẻ đã xuất hiện khi Musharraf lên cầm quyền. Khi đó ông ta bắt đầu hiểu rằng đối với dân chúng, điều gì là quan trọng – đối với họ Kashmir không quan trọng, chống tham nhũng mới là điều họ đòi hỏi. Tham nhũng tràn lan đã hoành hành dưới thời chính phủ Sharif. Vậy thì Tướng Musharraf, đáng nhẽ đã đăng quang và trở thành nguyên thủ quốc gia hợp pháp, giương cao ngọn cờ dân tộc chủ nghĩa Hồi giáo, đòi chủ quyền dân tộc... đã chọn một con đường khác. Ông thanh minh cho việc tiếm quyền bằng cách tự giới thiệu bản thân là một con người trong sạch, hứa đào tận gốc rễ nạn tham nhũng ở Pakistan. Tướng Musharraf thậm chí cho công bố bản khai thuế của ông để chứng minh rằng ông trong sạch! Ông ta biết sẽ có hai loại người sẽ lắng nghe – dân chúng trong nước, những người đã quá chán ngán chính phủ cũ, và thành viên của Bầy Thú Điện Tử, đang kiểm soát những nguồn tài chính mà ông ta cần để giúp tăng trưởng trở lại. Trong lịch sử, có bao giờ một vị tướng đảo chính, tiếm quyền rồi ngay lập tức cho công bố những khoản ông ta nộp thuế? Thay vì thanh trừng các nhân vật cánh tả hay cánh hữu, ông ta đã cam kết rằng chính phủ sẽ truy tìm tất cả những kể thiếu nợ, trốn thuế và lừa đảo tài chính. Tờ báo Washington Post (21/10/1999) đăng tải rằng vài ngày sau đảo chính, ngân hàng tư nhân lớn nhất của Pakistan đã đăng một quảng cáo trên trang nhất của một tờ báo: “NHỮNG KẺ THIẾU NỢ CHÚ Ý! CƠ HỘI CUỐI CÙNG – HÃY TRẢ NỢ! NẾU KHÔNG SẼ PHẢI CHỊU HẬU QUẢ.” Tôi tự nhủ: không hiểu đây là một cuộc đảo chính của quân nhân Pakistan hay là một cuộc đảo chính của giới quản trị tài chính của nước này?

Đó không còn là một điều dị thường.

Cách mạng toàn cầu đang tạo ra cái giá rất cao mà những đất nước dung túng cho nạn tham nhũng phải trả. Vì tại sao bạn phải đầu tư vào nước X, nơi bạn phải đút lót tất cả mọi người kể cả bà con của họ, trong khi bạn có thể vào đầu tư ở nước Y, nơi bạn chịu chi phí lao động tương tự, nhưng không bị phải đút lót? Bầy Thú Điện Tử đã nói với mỗi quốc gia: “Nếu bạn không tập hợp được một đám khách hàng ổn định và xây dựng được một tập hợp các cơ hội bền vững để đầu tư, không sao, chúng tôi sẽ đi nơi khác, và trong một thế giới không còn rào cản, chúng tôi đi đâu cũng được”. Đối với bầy thú, tham nhũng cũng là một trạng thái thiếu khả năng tiên liệu, vì bất cứ thương vụ nào cũng có thể đổ bể nếu một ai đó đút lót một ai đó, và đó là điều bầy thú căm ghét hơn hết.

Derek Shearer, đại sứ Hoa Kỳ tại Phần Lan trong những năm 90 đã tận mắt chứng kiến việc cách mạng toàn cầu đẩy những người Nga vào hai lựa chọn: hoặc kiểm soát nạn tham nhũng hoặc chịu nghèo đói và kém phát triển mãi mãi. “Trong cương vị đại sứ Mỹ ở Phần Lan, nhiệm vụ của tôi là gặp gỡ các doanh nhân Phần Lan và khuyến khích họ đầu tư vào nước Nga – vì đó là yếu tố quan trọng góp phần ổn định vùng biên giới giữa hai nước”, đại sứ Shearer nói. “Nhưng những người Phần Lan đó đáp lại: “Chắc chắn rồi, chúng tôi sẽ vào làm ăn với người Nga. Họ có thể mang xe tải sang đây mua bất cứ thứ gì cũng được, miễn là họ mang theo vài bao tải tiền mặt để thanh toán. Nhưng chúng tôi sẽ không sang làm ăn bên đó. Quá tham nhũng và quá nguy hiểm. Tại sao chúng tôi lại phải sang đó nhỉ? Chúng tôi có thể sang Hungary, Cộng hòa Czech hay Estonia để kiếm tiền và được bảo đảm có thể thu lãi. Vì sao chúng tôi lại phải bận tâm với người Nga khi hoàn cảnh của họ như vậy?” Tôi lại giải thích, “Rồi, rồi, nhưng quý vị nên đầu tư ở đó để giữ ổn định khu vực”. Và họ nhìn tôi bằng con mắt lạnh lẽo. Giờ đây tôi không còn làm cho chính phủ nữa và đang tư vấn cho một số công ty đầu tư ở phố Wall. Hôm trước họ hỏi tôi về chuyện đầu tư ở nước Nga và tôi trả lời, “quên đi”. Nếu nhìn bằng con mắt thương gia, không dính dáng gì đến chính sách đối ngoại thì đúng là chẳng tội gì phải vào đầu tư ở nước Nga. Người Phần Lan có cái quyền của họ chứ”.

Đôi lúc những tiêu chuẩn cao do bầy thú áp đặt có thể gây sốc thậm chí trong các nền kinh tế tiên tiến. Hãy xem bài báo trên tờ Washington Post (20/1/1998), viết từTokyo có tựa đề “Nhà lập pháp Nhật Bản treo cổ tự vẫn trong khách sạn”. Bài báo kể chuyện Shokei Arai thành viên Quốc Hội Nhật Bản, tâm điểm của một vụ bê bối tham nhũng đã treo cổ tự vẫn trong buồng khách sạn ở Tokyo, vài giờ trước khi sắp bị bắt. Chiều sâu trong nội dung câu chuyện là hai điểm chủ yếu: “Có những lo lắng trong giới chính trị gia rằng Arai có thể để lại những bằng chứng tội phạm liên lụy đến những người khác... Hiện không thấy có dấu hiệu nào chứng tỏ ông ta để lại những tư liệu như vậy, nhưng tại một cuộc họp báo tối thứ tư vừa qua, ông ta đã phàn nàn rằng những ủy viên công tố chỉ lọc riêng bản thân ông ta ra để truy tố. Arai nói với báo chí rằng hãng môi giới tài chính Nikko Securities bảo đảm với ông rằng họ chi tiền cho ông cũng như cho hàng trăm khách hàng khác. Thương gia Nhật Bản trong chỗ riêng tư đã nói rằng họ bị choáng khi thấy những gì xưa nay là thông lệ trong làm ăn thì nay đã đột ngột thay đổi. Một thời giới quan chức nhà nước thường được chiêu đãi rượu chè thả cửa cùng các công ty. Trong những buổi như vậy người ta giải thích rằng quan chức và thương gia có thể trao đổi, một cách không chính thức, những thông tin cần thiết. “Những tài khoản VIP” và những khoản lại quả là điều bí mật mà ai cũng biết, giới thương gia nói – và viện công tố cho đến nay đã làm ngơ trước những chuyện đó. [Bình luận viên chính trị Minoru] gắn những hành động cương quyết gần đây với một nhóm công tố viên trẻ trung, mới mẻ và hăng hái, những người được du học ở nước ngoài. “Họ bắt đầu có lối nghĩ phương Tây, và coi thông lệ khoản đãi các quan chức chính phủ như hiện tượng không thể chấp nhận được trong thông lệ quốc tế, Morita nói (đoạn in nghiêng là của tác giả)”.

Robert Shapiro, chủ tịch hãng Monsanto, có lần đã nói với tôi rằng công ty của ông không đi đầu trong cuộc chiến chống hoạt động tham nhũng, nhưng đã thực hiện nguyên tắc không lót tay. Và ông ta cho rằng làm như vậy công ty của ông gieo những hạt giống trên thế giới, chia sẻ cùng những người theo cùng một giá trị. “Chúng tôi tuyển rất nhiều nhân viên ở nhiều nước và trở thành trường đào tạo cho họ,” Shapiro nói. “Nhiều nhân viên ở các nước khác làm việc cho chúng tôi thấy khó có thể tin rằng chúng tôi thực sự nghiêm túc trong việc chống tham nhũng, và chắc chắn chúng tôi sẽ không bao giờ tiếp tay cho những kẻ gây chiến trên thế giới.”

Thực tế đã có và bao giờ cũng có những ngoại lệ, đặc biệt một khi cạnh tranh trở nên quyết liệt hơn. Những ước mơ làm giàu bằng những doanh nghiệp khả nghi cũng nhiều hơn. Theo một nghiên cứu của Quốc hội Mỹ, Citibank đã rất hăng hái bắt tay làm ăn với Raul Salinas de Gortari, em trai cựu Tổng thống Mexico, đến mức đã bỏ qua thông lệ kiểm tra, giúp ông ta kín đáo chuyển một ngân khoản 100 triệu đô-la ra khỏi Mexico. Hiện tại thì những hiện tượng như thế mới chỉ ở mức ngoại lệ. Khuynh hướng chủ yếu trên thế giới không đi theo hướng đó. Bộ luật về hành vi tham nhũng ở nước ngoài ra đời năm 1977 coi hành vi của các công ty Mỹ đút lót để làm ăn ở nước ngoài là phi pháp. Ngày 20/11/1997 29 quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), trong đó có các quốc gia dân chủ và phát triển hàng đầu, đã chấp nhận nhiều phần trong bộ luật chống tham nhũng của Hoa Kỳ. Theo các quy tắc mới của OECD, các hãng của Nhật Bản và châu Âu không được phép lót tay các viên chức nước ngoài để thắng thầu, và họ cũng sẽ thấy khó khăn hơn trong việc cân đối tiền đút lót với các khoản miễn thuế, vốn dĩ được hợp pháp hóa ở Pháp và Đức. Mặc dù vẫn còn những kẽ hở trong những quy tắc mới mẻ đó, nhưng chúng đánh dấu một thắng lợi của những con bò đực của nước Mỹ trong Bầy Thú Điện Tử, những kẻ đã cho rằng họ mất rất nhiều hợp đồng, trị giá hàng tỷ đô-la vào tay các công ty Nhật Bản và châu Âu chỉ vì không đút lót.

Tự do báo chí

Trung Quốc sẽ có một nền báo chí tự do. Cách mạng toàn cầu là động lực dẫn đến điều đó. Vâng, lãnh đạo Trung Quốc chưa biết được điều này, nhưng họ đang bị xô đẩy theo hướng đó. Hãy nhìn những gì xảy ra trong hai tuần cuối cùng của năm 1996. Trong năm 1996, hai thị trường chứng khoán sôi động nhất của Á châu nằm ở Trung Quốc – Thượng Hải và Thâm Quyến. Từ ngày 1/4 đến ngày 9/12 chỉ số chung của Thượng Hải tăng 120 phần trăm và của Thâm Quyến tăng 315 phần trăm. Một lý do khiến hai thị trường này tăng tốc là vì chúng hầu như được thả nổi, và một lý do khiến chúng được thả nổi là vì Trung Quốc chỉ có một hệ thống kiểm soát giao dịch chứng khoán thô sơ, và họ hầu như không có lấy một tờ báo tài chính độc lập, trong sạch và có trách nhiệm để có thể đánh giá cao những cổ phần lành mạnh và vạch trần những công ty làm ăn bất chính – những công ty không công bố kịp thời, chính xác và công khai những thông số tài chính của họ. Những tờ báo như Barron’s, Fortune, Business Week, the Far Eastern Economic Review, The New York times và the Wall Street Journal chính là những tờ báo có trách nhiệm theo dõi chặt chẽ những vụ như vậy. Vào tháng 12 năm 1996 chính phủ Trung Quốc nhận thấy hai thị trường Thượng Hải và Thâm Quyến lung lay – vì hàng loạt các hoạt động đầu cơ và giao dịch khả nghi – nhưng họ chỉ có một thứ công cụ để đối phó: báo chí nhà nước. Vậy là vào ngày 16/12/ 1996, tờ Nhân dân Nhật báo đăng một xã luận cảnh báo rằng một số cổ phần trên hai thị trường đã bị kích giá tới mức “vô lý” và “bất thường”.

Hãy đoán xem điều gì đã xảy ra? Ai ai cũng thi nhau bán lập tức, giá trên hai thị trường sụt và rất nhiều người trong giới đầu tư nhỏ chịu mất mát – nhiều đến mức cảnh sát được phái đến để giữ trật tự khi giới đầu tư tập hợp để chống đối trước cửa các hãng môi giới ở nhiều thành phố Trung Quốc. Tạp chí Wall Street Journal của Á châu đăng tin “bên ngoài một hãng môi giới ở Bắc Kinh, một công nhân ca thán rằng anh ta bị mất 20.000 tệ (khoảng 2.400 đô-la) trong tuần đó. ‘Trước ngày Nhân dân Nhật báo đăng bài, thì vẫn có sự cân đối giữa mua và bán’, một người đàn ông mặc áo da tuyên bố trước một đám đông vài chục nhà đầu tư đang tỏ vẻ đồng tình. ‘Sau đấy không ai còn dám mua nữa. Thị trường đang chìm xuống’”.

Người cảm thấy tức tối nhất trên thế giới không phải là người vừa bị mất việc. Người cảm thấy tức tối và đau đớn nhất thế giới là người có cảm giác họ bị lừa hết toàn bộ số tiền dành dụm mà anh ta đi làm kiếm được. Qua thời gian, lãnh đạo Trung Quốc sẽ không thể kiểm soát và theo dõi những thị trường đang nóng lên trên đất Trung Hoa; họ cũng không thể phòng vệ cho dân chúng khỏi nạn lừa đảo để đến mức phải nổi dậy chống chính phủ, nếu họ không thiết lập những định chế thích hợp với thị trường tự do – chẳng hạn một cơ quan giám sát đầu tư và một nền báo chí tự do và có trách nhiệm do một cơ chế pháp quyền bảo vệ. Tóm lại, họ cần cách mạng toàn cầu. Không phải ngẫu nhiên mà Đài Loan, một nơi có nền báo chí tự do nhất Á châu chính là nơi chịu đựng tốt nhất và phòng đỡ hiệu quả nhất trong cơn khủng hoảng 1997-98.

Hiện tại có 30 triệu dân Trung Hoa sở hữu chứng khoán. Nhiều đến vậy nên đã xuất hiện hàng loạt các tờ báo và tạp chí chui, theo dõi thị trường chứng khoán, vì những nhà đầu tư giờ đây đòi hỏi phải có những thông tin kinh tế trung thực. “Chúng bắt đầu như những bản tin mách nước do các phòng nghiên cứu trong các nhà môi giới đầu tư soạn thảo, được chuyển bằng fax đi mọi nơi,” Seth Faison, Trưởng phân xã của The New York Times tại Thượng Hải giải thích. “Tin tức kinh tế và thị trường và thông tin của một số công ty và cổ phần, hoặc một vài tin về một kế hoạch mới của một bộ nào đó ở Bắc Kinh. Nhiều phần là đồn đại, nhưng một số lời đồn lại hóa chính xác. Những loại báo này phục vụ đông đảo dân chúng tham gia mua bán chứng khoán nhưng không trông cậy gì vào tin tức trên báo chí nhà nước”. Điều sẽ xảy ra nếu Chính phủ Trung Quốc chính thức cho phép báo chí tự do đưa tin kinh doanh thì những tờ báo như tờ Southern Weekend sẽ lợi dụng khe hở đó lồng vào các trang báo tin tức mang tính chính trị, chỉ trích tham nhũng và nạn lộng quyền chính trị. Đó chính là cách một nền báo chí tự do sẽ ra đời ở Trung Quốc.

Thị trường trái phiếu và cổ phiếu

Về cơ bản có ba phương pháp cho phép các doanh nghiệp có thể huy động vốn: vay tiền ngân hàng, bán cổ phần và phát hành trái phiếu. Điều quan trọng là một đất nước có đủ ba khả năng này để nếu ngân hàng gặp trục trặc, bạn sẽ tìm đến thị trường cổ phiếu và trái phiếu. Nếu thị trường trái phiếu ứ đọng thì bạn tìm đến ngân hàng hoặc thị trường chứng khoán. Giải pháp tay ba này giúp phân tán mức rủi ro tài chính và tăng năng lực cho hệ thống tài chính ứng phó với những cơn sốc. Nhưng thường ta chỉ thấy các nước đang phát triển chỉ có một, nhiều lắm là hai trong số ba yếu tố, khiến cho nền tài chính của họ không lấy gì làm ổn định.

Hãy nhìn các con hổ Á châu. Có một đặc điểm chung khi một nước lâm vào các cơn khủng hoảng, đó là: tỷ lệ tiền tiết kiệm nội địa cao và mức chính phủ nợ nước ngoài thấp. Dân chúng không muốn tiêu tiền và chính phủ không muốn vay tiền. Như thế hay quá? Không hẳn. Ở những nước mà dân chúng ham thích tiết kiệm thì tiền của họ chỉ nằm trong các ngân hàng địa phương, vì các dạng quỹ đầu tư, quỹ hưu bổng và thị trường trái phiếu hầu như không tồn tại hoặc ở dạng thô sơ. Các ngân hàng địa phương chịu tồn đọng những lượng tiền lớn, và điều duy nhất họ có thể làm là đem tiền đó cho các công ty địa phương vay mượn. Dẫn đến sự cạnh tranh quyết liệt giữa các ngân hàng, họ ném tiền tới tấp, thậm chí vào những người mượn tiền cho những dự án chưa đạt tiêu chuẩn. Hơn nữa khi ngân hàng gặp khó khăn, thậm chí bị cải tổ như trường hợp ở Thái Lan thì rất khó cho các công ty vay tín dụng mới, vì không có thị trường trái phiếu, trong khi cổ phiếu của họ lại chưa kịp phát hành. Chính vì thế Hồng Kông và Singapore đã quyết định mở thị trường trái phiếu – mặc dù tiền tiết kiệm trong ngân hàng rất nhiều – vì họ muốn thị trường trái phiếu đó cung cấp cái gọi là “vốn kiên nhẫn”, – tín dụng dài hạn cho các tổng công ty, tránh những điều kiện ngặt nghèo ngắn hạn do ngân hàng ấn định. Thêm nữa, thị trường trái phiếu cũng giúp cho những người gửi tiết kiệm ở Hồng Kông và Singapore đầu tư vào những quỹ đầu tư và hưu bổng có khả năng trả lợi tức cao hơn lãi suất tiết kiệm trong ngân hàng.

Bầy Thú Điện Tử lâu nay đã khuyến khích việc thiết lập thị trường trái phiếu, để chúng kiếm ăn và cũng vì những nguyên tắc tài chính của loại thị trường này cho phép tăng cường mức độ minh bạch và dân chủ hóa trong nền tài chính. Thị trường chứng khoán và trái phiếu giúp cho các công ty tránh được việc phải qụy lụy trước một nhóm nhỏ các viên chức ngân hàng, để hùn vốn. Một khi các công ty lệ thuộc nặng nề vào việc vay mượn ngân hàng – đặc biệt ở những nơi có những hệ thống tư bản làm ăn lối móc ngoặc, trong đó chủ ngân hàng cấu kết với doanh nhân và quan chức chính phủ – họ có thể tránh những dòm ngó và căn vặn, điều họ thường gặp phải trong thị trường chứng khoán và trái phiếu. Hoạt động của các công ty cho phát hành cổ phiếu và trái phiếu phải chịu sự giám sát và đánh giá hàng ngày: trái phiếu của họ nằm trong tay một đám đông dân chúng đa dạng, và được các công ty xếp hạng độc lập đánh giá, trong khi cổ phần của họ được các nhà đầu tư nặc danh mua bán trên một thị trường tự do. Khả năng duy nhất để trái phiếu và cổ phiếu của bạn được xếp hạng trong một thị trường được giám sát, đó là bạn phải thực hiện chính sách kê khai hoạt động và tài sản đúng đắn. Và nếu bạn muốn cuốn hút các nhà đầu tư quốc tế lớn và muốn được các hãng kiểm toán lớn như Moody’s, Duff & Phelps Credit Rating Co. hay Standard & Poor’s xếp hạng thì những báo cáo tài chính của bạn phải được xây dựng trên cơ sở các thông lệ quốc tế. Sự trừng phạt sẽ đến rất nhanh nếu vi phạm xảy ra.

Hãy xem bài báo sau đây trên tờ Washington Post ngày 15/11/1998, viết từ Paris: Câu chuyện bắt đầu với Serge Tchuruk, một thương gia danh tiếng ở Pháp thông báo trong cuộc họp giữa buổi ăn sáng với các nhà đầu tư quốc tế là mức lợi tức của tập đoàn viễn thông Alcatel của ông thực ra thấp hơn mức dự đoán vài tuần trước đó. Bầy Thú Điện Tử không thích cái sự ngạc nhiên như vậy. Trong khoảng thời gian từ bữa ăn sáng đến khi kết thúc giao dịch chứng khoán ngày hôm đó, cổ phần Alcatel giảm 38 phần trăm giá trị – mức sụt giá cao nhất trong ngày – các quỹ đầu tư và hưu bổng quyết định rút vốn và bỏ rơi Alcatel. Ký giả của bài báo Anne Swardson tiếp theo đã mô tả việc Bầy thú sắp xếp lại những tập tục thương mại ở châu Âu: “Trong vài năm qua, người nước ngoài đã buộc nhiều công ty phải thay đổi cung cách quản lý, cải cách hệ thống kế toán, hòa nhập với quy mô thế giới, sử dụng tiếng Anh – ngôn ngữ thương mại quốc tế – vào các cuộc họp hội đồng quản trị. Nói chung, quản lý ở châu Âu, vốn dĩ thờ ơ với người ngoài, nay trở nên năng động, chú ý và quan tâm đến cổ đông hơn”.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx