Trên thực tế, vùng Bắc nước Ý ngày nay là vùng giàu có nhất châu Âu. Reginald Bartholomew, cựu đại sứ Mỹ ở Ý giải thích: “Giả sử bạn sang thăm Pháp, Đức và Ý và hỏi dân ở đó, ‘Tôi muốn mua một ít pho mát màu tím’. Điều gì sẽ xảy ra? Người Pháp nói với bạn, ‘Thưa ông, pho mát không bao giờ có màu tím’. Người Đức nói, ‘Pho mát màu tím không nằm trong catalogue năm nay’. Nhưng người Ý sẽ trả lời... Người Ý sẽ hỏi bạn, ‘Màu tím, OK, tông màu tím chính xác loại gì? Thưa ông?’”
Nếu Bắc Ý là một loại cổ phần, thì tôi sẽ mua để đó. Có phải đất nước hay công ty của bạn đang gặt hái kiến thức?
Chúng ta đã rời khỏi một thế giới trong đó chìa khóa đến với thịnh vượng là cung cách bạn chiếm hữu, gìn giữ và bóc lột các vùng đất, sang một thế giới mà chìa khóa đến với kho báu là việc đất nước hay công ty quy tụ, chia sẻ và gặt hái kiến thức. Cựu chủ tịch Ngân hàng Citibank Walter Wriston viết trong một tiểu luận đăng trên tạp chí Foreign Affairs (9/1997): “Theo đuổi sự thịnh vượng nay đồng nghĩa với sự truy tìm thông tin và ứng dụng thông tin vào các phương tiện sản xuất. Luật lệ, tập quán, kỹ năng và tài năng cần thiết để tìm kiếm, thu thập, sản xuất, bảo tồn và khai thác thông tin hiện đang là những tài sản quan trọng nhất của nhân loại. Cuộc cạnh tranh để tìm cho ra loại thông tin tốt nhất đã thay thế cho cuộc cạnh tranh để chiếm được những cánh đồng hay mỏ than giàu có nhất. Thật ra tham vọng thôn tính lãnh thổ nay đã nguội đi, và các cường quốc đã rút khỏi nhiều lãnh thổ mà trước đây họ chiếm đóng... Trong quá khứ, khi những phương thức tạo của cải thay đổi, thì những cơ chế cũ bị mất ảnh hưởng, cơ chế mới xuất hiện, và tất cả các phương diện của xã hội phải chịu ảnh hưởng. Trong cuộc cách mạng hiện nay, một quá trình tương tự đang hình thành, và chúng ta có thể mặc nhiên công nhận rằng trong vài thập niên tới sự cuốn hút và quản lý vốn tri thức sẽ quyết định việc những định chế hay quốc gia nào sẽ tồn tại hay diệt vong”.
“Đất nước của bạn được kết nối đến mức nào?” là một thước đo quy mô và mức độ mạng lưới quan hệ của đất nước. “Có phải đất nước của bạn đang gặt hái kiến thức?” có mục đích đo xem một đất nước và các công ty ở đó sử dụng những mạng lưới thông tin hữu hiệu như thế nào. Kết nối là cần thiết nhưng chưa đầy đủ. Một đất nước cần phải quy tụ thích đáng và sử dụng kiến thức một cách hữu hiệu. Hơn bao giờ hết, nó cần được kết nối và đào tạo kiến thức.
Chính vì thế tôi muốn nhìn cả vào hai thứ biểu đồ mỗi khi đến một quốc gia. Một biểu đồ do hãng máy tính Hewlett-Packard đưa ra cho thấy quốc gia nào trên thế giới được nối mạng nhiều nhất. Biểu đồ thứ hai do OECD hàng năm đưa ra cho thấy nước nào trong số 29 thành viên phát triển cao nhất trên thế giới có số phần trăm học sinh tốt nghiệp trung học cao nhất và sử dụng phần lớn nhất trong thu nhập quốc gia vào việc trả lương cho các thầy cô giáo. Nếu bạn nhìn vào những quốc gia đứng đầu bản – tiêu chuẩn megabit/đầu người và tốt nghiệp phổ thông/theo đầu người – thì có thể kết luận được nước nào phát triển đúng hướng và nước nào không. Chẳng hạn không phải ngẫu nhiên mà Phần Lan, hiện tại hưởng thu nhập theo đầu người cao nhất thế giới đứng đầu trong cả hai danh sách.
Tiêu chuẩn trên cũng được áp dụng vào các công ty. Tập đoàn điện tử khổng lồ của Đức là Siemens được kết nối mạng toàn diện và có danh tiếng là hãng sử dụng và khai thác hữu hiệu nguồn tài năng của họ. Có lần tôi nghe thấy một nhà tư vấn cho hãng Siemens nhận xét: “Nếu Siemens hiểu biết được mức độ tri thức của họ đến đâu thì họ sẽ là một công ty giàu có”. Tương tự với các quốc gia: “Nếu Pháp hiểu được dân của họ thông minh mức nào... Nếu Trung Quốc nhận thức được những tri thức họ có...” Các công ty và đất nước học được cách khai thác mạng điện toán cho hữu hiệu thì họ sẽ ăn nên làm ra. Ở hãng General Electric khái niệm chia sẻ sáng kiến đã được khắc sâu vào cung cách làm việc và đó là cơ sở để tăng lương và thưởng – các quản đốc phải có khả năng phát huy sáng kiến, chia sẻ với đồng nghiệp và tạo nên giá trị gia tăng cho sản phẩm của họ.
Bạn có thể hiểu tốt hơn được nguyên tắc chia sẻ tri thức nếu đem đặt nó vào hoàn cảnh một công ty mà thông thường không liên quan nhiều đến lĩnh vực thông tin – chẳng hạn hãng dầu mỏ Chevron. Tôi sang Kuwait hồi năm 1997, trò chuyện với H. F. Iskander, Tổng giám đốc chi nhánh Chevron tại nước này, và là một trong những nhà kinh doanh dầu mỏ sắc sảo nhất vùng Vịnh. Câu chuyện của chúng tôi xoay quanh chủ đề làm thế nào để Chevron quay lại Kuwait để khai thác. Khi nói về những điểm mạnh của Chevron để hấp dẫn Kuwait, Iskander tình cờ nhận xét rằng, “Chevron không phải là một hãng dầu khí, mà là một hãng học hỏi.”
“Ông nói ‘học hỏi’ là nghĩa làm sao?” Tôi hỏi. Hãng dầu khí thì phải khoan dầu khí. Họ là những người đội mũ bảo hiểm cứng, mặt mũi chân tay lấm dầu bê bết. Duyên cớ gì mà dính đến “học hỏi”?
Iskander giải thích: Trong những năm 70 hầu hết các quốc gia dầu mỏ ở Trung Đông đã đuổi các công ty dầu khí đa quốc gia ra khỏi vùng này để họ tự đứng ra sản xuất. Một phần đó là một quyết định kinh tế, một phần mang tính chính trị phản ánh tinh thần độc lập của các quốc gia thời hậu thuộc địa trong Chiến tranh Lạnh. Nhưng sau 20 năm, các quốc gia xuất khẩu dầu lửa hiện đang xem xét lại những điều họ đã làm và tìm cách mời các công ty đa quốc gia quay trở lại. Một phần vì dự trữ dầu lửa đang giảm, họ phải tìm đến những trữ lượng dầu lửa ở sâu hơn, khó tìm hơn, thăm dò dầu khí trở nên khó khăn và đòi hỏi nhiều vốn liếng hơn và nhiều kiến thức hơn.
“Chevron đang khoan thăm dò ở nhiều nơi trên thế giới,” Iskander giải thích, “không có khó khăn nào mà chúng tôi chưa gặp phải và chưa giải quyết xong. Không có loại đá nào mà chúng tôi chưa khoan. Chúng tôi tập hợp tri thức tại các đại bản doanh, phân tích, xếp loại và điều đó giúp chúng tôi giải quyết những vấn đề thuộc về công nghệ khoan thăm dò ở bất cứ nơi nào. Trong một nước đang phát triển có thể có một công ty dầu khí của nhà nước đã và đang bơm dầu 20 năm qua. Nhưng chúng tôi nói với họ rằng, quý vị có 20 năm kinh nghiệm nhưng không có sự hiểu biết đa dạng. Kinh nghiệm của quý vị đơn thuần có bề dày một năm, ở một nơi và nhân với 20 lần. Đối với Chevron, một công ty từng đương đầu với nhiều tầng kinh nghiệm và đã tích lũy và phát huy được nhiều tầng sáng kiến và giải pháp. Họ phải tự tìm ra giải pháp nếu không sẽ không tồn tại. Những tri thức đó được tập trung trong kho tàng thông tin của Chevron. Chìa khóa làm ăn của chúng tôi là tận dụng kho tàng đó và đưa ra các giải pháp từng được tìm thấy ở Nigeria chẳng hạn, đem ứng dụng cho Trung Quốc hay Kuwait. Ngày trước nhiều khi phải mất hai năm chúng tôi mới tìm được một chuyên viên trong công ty, người nhận ra là giải pháp ở Nigeria có thể giúp cho Trung Quốc. Giờ đây với email và sự toàn cầu hóa nguồn nhân lực của công ty, nhân viên của chúng tôi có thể di chuyển thường xuyên hơn đến các dự án và việc kiếm các giải pháp từ kho thông tin của hãng nhanh chóng hơn nhiều.”
Chính vì thế các công ty ngày nay lo bảo vệ kho tàng tri thức của họ cũng giống như các vị lãnh chúa ngày xưa dựng tường và hào cùng hồ nước để phòng vệ thành quách của họ. Tôi đã đến trụ sở của hãng Sun Microsystems ở bên ngoài Palo Alto. Trước khi vào phỏng vấn một lãnh đạo của hãng, nhân viên tiếp tân chìa cho tôi một tờ cam kết pháp lý để tôi ký vào, mang tên “Thỏa thuận không tiết lộ các bí mật.” Trên đầu trang có hai mục để tôi khai: “Tham quan bảo mật” hay “Tham quan bình thường.” Trong số những điều tôi phải cam kết trong nội dung của bản khai trước khi bước vào văn phòng bên trong của hãng là điều khoản: “Người khai chấp nhận sẽ không tiết lộ những thông tin về thương mại cho bên thứ ba. Người khai chấp nhận sẽ sử dụng những thông tin thương mại vào mục đích được hãng Sun cho phép và thông tin đó chỉ dành riêng cho người khai”. Ngày nay bạn có thể bước vào trụ sở của CIA mà không cần nhiều giấy má đến thế.
Chính vì thế nhiều công ty lớn nhỏ ngày nay đã bổ nhiệm thêm một chức vụ – CIO – giám đốc phụ trách thông tin. Các công ty ngày nay đã hiểu rằng nếu tận dụng hữu hiệu tri thức và thông tin ở mỗi khâu sản xuất và hoạt động, thì họ sẽ tăng lợi nhuận và hiệu quả công việc cao hơn. Đến bao giờ thì mỗi đất nước có được một “bộ trưởng thông tin”, người có nhiệm vụ không phải là công bố với nước ngoài về những gì xảy ra trong nước như thời Chiến tranh Lạnh, mà để làm cho đất nước biết rõ về nguồn tri thức họ có và đảm bảo gặt hái thành quả của nguồn tri thức đó một cách hữu hiệu nhất.
T.J. Rodgers, người sáng lập ra hãng Cypress Semiconductor nói: “Sự phân biệt giữa kẻ thắng và người thua trong thời đại thông tin được quyết định bởi bộ não. Chỉ cần hai phần trăm dân số Hoa Kỳ có thể nuôi sống được toàn bộ đất nước, năm phần trăm để sản xuất những gì dân Hoa Kỳ sử dụng. Tất cả những phần còn lại thuộc lĩnh vực dịch vụ và thông tin, trong đó nhân loại và trí óc là những nhân tố then chốt.”
Trọng lượng của đất nước hay công ty của bạn là bao nhiêu?
Chúng ta đang di chuyển từ một thế giới những kẻ nặng nề ăn thịt những kẻ nhỏ bé, sang một thế giới có khuynh hướng ngược lại – những kẻ nhẹ nhàng lanh lợi bắt nạt những kẻ to xác nặng nề. Khi sang một đất nước, một trong những điều đầu tiên tôi tìm hiểu: đó là đất nước này nặng bao nhiêu – hay một công ten nơ hàng xuất khẩu trung bình nặng bao nhiêu?
Alan Greespan là người dạy tôi về ý nghĩa câu hỏi này. Nó liên quan tới thuật ngữ “hiệu ứng thay thế”, trong đó ý tưởng, tri thức và công nghệ thông tin đang dần thay thế những cỗ máy nặng nề, giúp cho việc tạo dựng giá trị kinh tế. Càng có thêm công nghệ thông tin và kiến thức áp dụng vào việc thiết kế sản phẩm, bản vi mạch thu nhỏ chẳng hạn thì sản phẩm càng trở nên nhẹ hơn, năng suất cao hơn, bán chạy hơn và công ty hay đất nước của bạn sẽ kiếm nhiều tiền hơn. Thay thế thiết bị transistor bằng kỹ thuật ống chân không, chúng ta đã giảm kích thước của chiếc radio. Những đường cáp quang bằng nửa sợi tóc đã thay thế loại cáp đồng nặng nề. Máy ghi âm kỹ thuật số hiện cho phép ghi âm chất lượng cao, không cần băng, mà chỉ dùng bộ vi xử lý và kỹ thuật số. Chiếc máy tính tiền cổ lỗ của bố bạn dùng khi xưa nay đã được thay thế bằng máy tính nhỏ bằng bàn tay. Những tiến bộ trong kiến trúc và cơ khí, cùng việc xuất hiện những vật liệu nhẹ hơn và bền hơn trong xây dựng, cho phép chúng ta giữ được không gian làm việc không đổi trong những tòa nhà được xây dựng với ít bê tông, kính và sắt thép hơn. Người thư ký phục phịch ngồi sau chiếc bàn nặng nề cổ kính nay được thay thế bởi một thiết bị trả lời điện thoại tự động nhỏ xíu, gắn vào điện thoại của bạn. Nhẹ tựa lông hồng.
Do đó, một thước đo về sức mạnh, độ bền và lực của một đất nước giờ đây thể hiện ở chỗ: tổng sản phẩm quốc nội GDP của đất nước nhẹ đến mức nào. Tính theo mỗi đô-la Mỹ thì GDP trong một đô-la giờ đây nhẹ hơn trước kia nhiều. Greensapan giải thích rằng hồi giữa thế kỷ 20, “biểu tượng của kinh tế Mỹ” được tính bằng các sản phẩm nặng nề như sắt thép, xe hơi và máy công nghiệp – những mặt hàng đòi hỏi chi phí sản xuất cao, dồi dào nguyên liệu thô và cần nhiều nhân công để điều khiển và sửa chữa. Khái niệm “trọng lượng tỷ lệ thuận với giá trị” đã ăn sâu bén rễ đến mức: tương truyền, khi máy vi tính Apple II, loại máy cá nhân đầu tiên, ra đời vào năm 1977, một số nhân viên của hãng Apple Computer đã nghĩ tới việc gắn thêm vài thứ đồ khiến cho nó nặng nề hơn, vì họ e nếu để máy không thì nhẹ quá và người tiêu dùng sẽ nghi ngờ. Từ ngày đó, như Greensapn chỉ ra, khuynh hướng GDP mới xuất hiện, đó là “kích thước nhỏ hơn, ít mang giá trị trọng lượng hay hữu hình hơn.” Ngày nay một đất nước xuất khẩu những nguyên liệu thô – hàng hóa, quặng, dầu thô – sẽ có trọng lượng lớn. Trong khi một đất nước chuyên trách về công nghệ thông tin và dịch vụ sẽ có trọng lượng thấp hơn nhiều và nhiều khả năng cung cấp mức sống cao hơn cho dân chúng trong nước.
Điều tương tự cũng xảy ra trong các công ty. Hãng Dupont nay đang đòi hỏi mỗi một phòng ban của hãng phải đưa ra một báo cáo hàng năm gọi là “Giá trị của cổ đông tính trên mỗi bảng Anh”. Dupont tiếp tục đảm bảo là mỗi năm, mỗi sản phẩm mới của hãng phải được tăng giá trị, tăng lợi nhuận nhưng giảm được lượng nguyên liệu sử dụng.
Hồi năm 1983 khi bắt đầu phát hành cổ phiếu, trong hồ sơ cho khách hàng, hãng máy tính Compaq khoe: “Máy tính xách tay Compaq… là loại máy 16-bit, lắp ráp đồng bộ rộng 20 inch, cao 8,5 inch và dày 16 inch. Nặng trung bình 28 pound, có thể được chuyên chở từ sở về nhà và mang đi công tác.
Loại “máy tính xách tay” 28 pound được mọi người trong hãng gọi là “kéo lê được” vì đó là phương cách duy nhất để di chuyển máy. Giá bán lẻ trung bình là 2.995 đô-la. Năm 1999, máy xách tay đời mới Compaq Armada 3500 nặng 4.4 pound với bộ nhớ tăng 500 lần. Giá bán từ 3.299 đến 4.399 đô-la, tùy cấu hình. Vì năm 1983 Compaq có biên lợi nhuận là 27,6%; mức này hầu như không đổi vào năm 1997 là 27,5 % nên hãng này hiện có lời nhiều hơn bằng cách học làm thế nào để tăng cường thêm chất xám cho máy tính, trong khi giảm trọng lượng của máy xuống 7 lần. Compaq đã giàu lên (ít nhất là trong một thời gian) do làm ăn thông minh hơn để có sản phẩm nhẹ hơn.
Liệu đất nước hay công ty của bạn có dám mở cửa ra bên ngoài?
Chúng ta đang tiến từ một thế giới mà những kẻ sống kín đáo nghĩ rằng họ có thể tồn tại tốt hơn, sang một thế giới nơi những người cởi mở sẽ thành đạt nhanh hơn nhiều. Hãy lại nhìn vào thế giới của máy tính. Những hãng sản xuất máy tính cố sức cạnh tranh bằng cách giữ rịt lấy những tiêu chuẩn riêng do họ độc quyền đang tồn tại một cách chật vật, trong khi những hãng khác cạnh tranh trên cơ sở sử dụng các hệ tiêu chuẩn chung và cởi mở – đi đầu là IBM với sự giúp đỡ của Intel – đã lên ngôi nhanh chóng. Những cái gọi là “phiên bản IBM PC” – ví dụ Compaq, Dell, Gateway, HP, Micron, Acer – sử dụng tiêu chuẩn của IBM rồi tiến tới tiêu diệt IBM và tiêu diệt lẫn nhau. Họ lắp ráp các loại máy với tiêu chuẩn chung, cởi mở, rẻ hơn và được trợ giúp bằng các công nghệ thông dụng hơn. Các công ty máy tính như Data General, Commondore, Wang, Prime và Apple, tất cả đều muốn giữ riêng tiêu chuẩn kỹ thuật độc đáo của họ. Như Nicholas Negroponte viết trong cuốn sách Being Digital, họ nghĩ rằng nếu sáng tạo được một hệ thống vừa dễ dùng vừa độc đáo thì họ sẽ giữ được độc quyền để thống trị, tránh được cạnh tranh. Trong số đó chỉ có một hãng, Apple, là còn làm ăn được, chỉ vì hãng này đã tổ chức được một mạng lưới những người sử dụng hết sức trung thành. Họ đã không đứng ra thu hút đại đa số người dùng.
“Trong một thị trường mở, chúng ta cạnh tranh với sức tưởng tượng của chính chúng ta, mà không dùng đến ổ khóa và chìa khóa,” Negroponte nhận xét. “Kết quả cho thấy không những xuất hiện một loạt các công ty làm ăn thành công, mà cũng xuất hiện một loạt những sự lựa chọn mới giành cho giới tiêu dùng và cả một khu vực thương mại mới có khả năng cải tổ và tăng trưởng nhanh chóng.”
Chiến lược đó là chìa khóa để cho Compaq trở thành một hãng thích nghi một cách hiệu quả với kỹ thuật của IBM đồng thời là một hãng sáng tạo riêng. Earl Mason giải thích: “Chiến lược của Compaq muốn đi đầu trên thế giới máy tính, sử dụng các tiêu chuẩn đại chúng, vì càng có thêm các nhà lập trình và sáng tạo phần mềm thích hợp với linh kiện cứng của chúng tôi thì hãng sẽ càng gia tăng được việc bán sản phẩm, bán dịch vụ và cung cấp giải pháp đồng bộ. Luận thuyết cũ cho rằng nếu tôi sở hữu hệ điều hành của riêng tôi, nếu tôi có những người chỉ chuyên bán phần mềm cho hệ điều hành của riêng tôi, có nghĩa là tôi sẽ kiểm soát toàn bộ các công đoạn. Tôi sẽ trở nên độc lập, không bị lệ thuộc tương tác và sở hữu những thứ mà người khác không có. Luận thuyết đó không thành công, vì những nhà viết phần mềm bao giờ cũng muốn cung ứng cho lượng càng đông những người tiêu dùng, vì thế, là một cơ sở sản xuất phần cứng máy tính, nếu thích nghi với những tiêu chuẩn chung, phổ biến, thì bạn sẽ càng bán được cho nhiều thêm trong giới tiêu dùng. Ban đầu, hãng Apple không muốn chia sẻ những tiêu chuẩn riêng của họ. Vậy là những người thiết kế phần mềm nói: “Này, làm thế không hay. Nếu chỉ phục vụ riêng Apple, tôi chỉ viết được từng bấy nhiêu phần mềm và chỉ bán được bấy nhiêu thôi, và tôi sẽ bị lệ thuộc vào Apple về doanh số. Nhưng nếu tôi hợp tác cùng các công ty sử dụng hệ tiêu chuẩn đại chúng thì tôi sẽ thành đối tác của rất nhiều công ty, như Compaq, IBM và Dell và làm như thế doanh số bán của tôi sẽ cao hơn.”
Nếu bạn quy tụ được các phương tiện sản xuất đúng đắn – học được cách thích nghi nhanh hơn, sáng tạo nhiều hơn, học cách giao thiệp rộng rãi với khách hàng, tận dụng kiến thức, học cách kiểm soát chi phí sản xuất tốt hơn và duy trì sản xuất đều đặn đúng hạn – thì bao giờ bạn cũng có thể cạnh tranh với bất cứ ai và dùng bất cứ tiêu chuẩn nào. Quả thực mảng kiến thức duy nhất mà bạn cần giữ bí mật đó là những mánh khóe bạn có được để trở thành những nhà tạo lập hay thích nghi nhanh hơn người khác. “Có những điều chúng tôi không chia sẻ với người khác,” Mason giải thích, “Lý do mà chúng tôi không muốn anh quan sát một số khía cạnh trong dây chuyền sản xuất là bởi vì những thứ đó cấu thành bí quyết kinh doanh và nếu anh là một đối thủ nhìn thấy và thu thập được những bí quyết đó thì anh sẽ rất dễ dàng bắt chước.
” Một lý do khiến cho Internet phát triển quá nhanh là do hệ thống này sử dụng hệ tiêu chuẩn chung. Những giải pháp tốt nhất ra đời và được tiếp thụ rất nhanh, và cuộc chiến cạnh tranh kết thúc cũng rất nhanh. Hiện chưa có kẻ nào thua hẳn. Hiện các công ty có rất ít thời gian dành cho việc bảo vệ bản quyền; họ dùng phần lớn thời gian vào việc tiếp thụ các giải pháp và công nghệ mới.
Robert Shapiro, Chủ tịch hãng Monsanto nói thông thường có một số lĩnh vực cần được giữ bí mật. Nhưng cái nền văn hóa xung quanh điều bí mật đó sẽ là nền văn hóa chậm chạp, chỉ thích hợp đối với thời xưa. Là một công ty, rốt cuộc rồi bạn cũng sẽ phải đánh giá cao những điều bạn hiểu biết và hạ thấp những gì quá hiển nhiên. Shapiro nói: “Tôi rất muốn nói: Tôi sẽ nói với bạn tất cả những gì tôi hiểu về kiểu hoạt động của hệ thống này, nhưng bạn vẫn tiếp tục động não để phát triển nó. Bởi vì sự thật là bạn không thể dựa lâu vào sự độc quyền thông tin. Rốt cuộc những gì có ý nghĩa nhất chính là những yếu tố làm cho bạn cạnh tranh hữu hiệu trong cuộc đua mở rộng. Cung cách quản lý và trao đổi thông tin và cung cách thu thập kiến thức – đó là những lợi thế để bạn phát triển bền vững.”
Đối với các quốc gia cũng vậy. “Tất cả những gì tôi có thể nói,” Mason cho biết, “một khi cởi mở thì khả năng bạn trở thành nạn nhân của những điều chính bạn ngộ nhận sẽ ít hơn nếu so sánh với trường hợp khi bạn chỉ khư khư một mình đóng cửa. Hãy xem ngành ngân hàng của Nhật Bản. Vì sao trên lý thuyết nó đã bị phá sản? Bởi vì nó kín như bưng. Nó đã trở thành nạn nhân của những điều nó tưởng chỉ có nó mới biết.”
Quả thực là có một tương quan trực tiếp giữa sự cởi mở của một nền kinh tế một nước với mức sống của dân chúng ở đó. Một nghiên cứu của Jeffrey Sachs và Viện Phát triển Quốc tế của Đại học Harvard kết luận rằng sự cởi mở quyết định tăng trưởng nhanh chóng. Các nền kinh tế mở, Sachs nhận định, “tăng 1,2 phần trăm mỗi năm nhanh hơn tốc độ các nền kinh tế đóng cửa, vì càng mở cửa, bạn càng hội nhập được vào mạng lưới các sáng kiến và ý tưởng, thị trường mới, công nghệ và những sáng tạo trong quản lý”.
@by txiuqw4