sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chiếc Lexus và cây Ô Liu - Phần II - Chương 11 - Phần 3

Khi tôi đến tỉnh Cát Lâm ở miền bắc Trung Quốc giám sát một cuộc bầu cử cấp địa phương, một trong những bản làng chúng tôi đến là Kai An, nơi chúng tôi gặp nhiều dân làng tại nhà riêng của họ. Hầu hết các ngôi nhà thường có ba phần. Phần đầu là một buồng, tường gạch đóng từ bùn, nơi có ảnh Mao Trạch Đông. Phần hai là một căn nhà gạch đỏ nơi có ảnh Đặng Tiểu Bình, và phần thứ ba của ngôi nhà, bao giờ cũng mới nhất, gạch trắng trang nhã, đá ốp cổng – đó là căn được xây trong thời Giang Trạch Dân. Bạn có thể chứng kiến Trung Quốc phát triển ra sao theo con đường mở cửa trong cái cách nhà cửa của dân địa phương được nâng cấp như thế đó.

Trong tương lai, lợi thế của việc duy trì mở cửa kinh tế sẽ tăng gấp nhiều lần vì trong toàn cầu hóa, kiến thức là chìa khóa dẫn tới tăng trưởng kinh tế và nếu bằng cách nào đó bạn cứ đóng cửa đất nước của bạn, không tiếp xúc với những bộ óc thông minh, những công nghệ mới, thì đất nước của bạn sẽ tụt hậu nhanh hơn nữa. Chính vì thế những xã hội phóng khoáng, bao dung, sáng tạo và đa dạng sẽ thoải mái tồn tại trong toàn cầu hóa trong khi những xã hội hay những công ty đóng kín, cứng nhắc, vị kỷ và níu bám truyền thống rồi sẽ khốn đốn.

AnnaLee Saxenian, chuyên gia về đô thị thuộc Đại học Berkeley đã thực hiện một nghiên cứu rất hay, tựa đề “Lợi thế theo vùng,” giải thích vì sao Thung lũng Silicon thật đặc biệt khi so với các vùng công nghiệp cao khác. Silicon độc đáo, chị nói, là do những lằn ranh giữa các hãng công nghệ cao, giữa họ với các nguồn vốn, các ngân hàng, các cơ sở nghiên cứu bậc đại học và chính phủ địa phương – đang được xóa nhòa. Saxenian chỉ ra rằng Thung lũng Silicon thuộc East Coast, Xa lộ 128 ở Boston bao giờ cũng đi chậm hơn so với Thung lũng Silicon thực sự, vì ở xa lộ 128, Boston, các công ty, cộng đồng và chính phủ duy trì chính sách đóng cửa, giữ bí mật và tránh mạo hiểm.

Một số quốc gia nhỏ đang tiến tới việc tận dụng lợi thế của sự cởi mở. Tờ Washington Post (số ngày 17/10/ 1997) cho biết trong khi di trú trở thành một chủ đề tranh cãi giữa hai phái bảo thủ và cấp tiến trong xã hội Mỹ, “thì một số quốc gia đã áp dụng một vài kiến thức trích dẫn từ kinh nghiệm di cư của chính nước Mỹ.” Đại sứ Singapore tại Washington Heng-Chee Chan đã giới thiệu một sáng kiến nhằm thu hút dân di cư vào nước này, thúc giục họ “Tây kinh” – hãy đi về miền Tây, “đi mãi về miền Tây, cho đến khi đến được châu Á.” Vị Đại sứ này được trích dẫn: “Chúng tôi nhận thấy cần thêm nhiều tài năng mới để cống hiến cho viễn cảnh xây dựng Singapore thành một thành phố thông thái, một thành phố của tương lai châu Á.” Quan niệm tìm kiếm dân di cư, bà Đại sứ cho biết, bắt nguồn từ một khảo sát về những xã hội phát triển nhanh như Hoa Kỳ và Anh, họ phát triển nhanh do duy trì được sự cởi mở và đa dạng.

“Chúng tôi khám phá ra rằng những xã hội mở thường đảm bảo được sự sáng tạo và tiến bộ,” bà Đại sứ nói. Vì thế Singapore đã tìm tới một “sự trao đổi” trên các lĩnh vực công nghệ thông tin, cơ khí, dược, nghiên cứu và phát triển, đồng thời khu vực ngân hàng. Bà nói: “Bạn sẽ tiếp tục thấy tiến bộ diễn ra tại những xã hội đa dạng, chính vì thế Singapore hoàn toàn tự tin trong cách tuyển lựa tài năng cho đất nước.” Chương trình tuyển dụng lao động của Singapore mang tên “Liên lạc với Singapore”, đã thu hút nhiều tài năng từ châu Âu và Australia. Đại sứ Singapore cho biết mức lương cho họ cao và có thể so sánh với lương trả cho các chuyên viên ở Thung lũng Silicon và “Ở Singapore cũng có món bánh bagel vùng Brooklyn”.

Nhưng Singapore vẫn chưa xây dựng được một sự cởi mở về tri thức để có thể nướng món bánh Bagel của chính họ – chưa nói đến chuyện xây dựng được một phần mềm độc đáo hoặc những công nghệ dựa trên nền móng Internet. Thủ tướng Goh Chok Tong thậm chí đã nói trong phát biểu nhân ngày quốc khánh Singapore tháng 8/1999 rằng “Chúng ta cần phải xây dựng một tâm lý mang bản chất Thung lũng Silicon tại Singapore – sáng tạo và sẵn sàng chấp nhận mạo hiểm”. Chính phủ của ông ta đã bắt đầu cởi dần những kiểm duyệt đối với các trang Internet, đánh dấu sự thay đổi theo hướng đó. Nhưng đảng cầm quyền ở Singapore vẫn duy trì một sự kiểm soát chặt chẽ đối với nền chính trị và thông tin – khiến cho việc thu hút các nhà sản xuất chip vi tính vẫn còn khó khăn.

Nhưng chúng ta vẫn nên quan sát Singapore để xem cung cách họ phối hợp tự do tri thức, cởi mở và khả năng tiến bộ trong thời đại Internet. Đó là dấu hiệu của hy vọng. Lyric Hughes, người sáng lập trang mạng China Online, một lần đã nhận xét, “Nếu có thể thuyết phục được những chính thể đang kiểm soát chặt chẽ, giúp họ nhận thấy rằng thông tin tự do không phải là sự đe dọa nhằm vào quyền lực nhà nước, mà là nhân tố tạo dựng một cơ sở hạ tầng bền vững và một dân số biết tận dụng khai thác nền kinh tế mới, thì đến thế kỷ sau, mọi sự sẽ tốt đẹp hơn.”

Khi mở cửa, bạn không chỉ thu hút được các bộ óc mới, mà còn cả những công nghệ mới do Bầy Thú Điện Tử mang đến. Nếu một đất nước giảm biểu thuế và tháo gỡ hàng rào thương mại thì đó là dấu hiệu quan trọng thu hút bầy thú, đặc biệt các loại thú sừng dài – các công ty đa quốc gia. Giả sử bạn là công ty Xerox quyết định xây dựng một cơ sở ở Brazil để sản xuất máy in photocopy. Nếu Brazil cởi mở các thị trường tiêu thụ máy in và không cố sức bảo hộ các cơ sở sản xuất máy in của riêng Brazil, thì, vì lợi nhuận, Xerox sẽ rất muốn chuyển giao công nghệ máy in hiện đại nhất vào nhà máy của họ ở Brazil, bởi vì họ có thể tạo sự cạnh tranh ở thị trường Brazil lẫn các thị trường khác trên toàn cầu với các hãng khác như của Nhật Bản hay châu Âu. Nhưng nếu Xerox thấy Brazil muốn duy trì hàng rào thuế quan chặt chẽ để bảo hộ các nhà máy nội địa, thì Xerox vẫn có thể xây dựng cơ sở của họ ở đó để cạnh tranh chỉ trong thị trường nội địa Brazil, nhưng như vậy họ sẽ không cần chuyển giao những công nghệ tiên tiến nhất vào nước này. Không cần thiết, vì họ chỉ phải cạnh tranh với các công ty thiếu kinh nghiệm, cấp thấp được nhà nước bảo hộ – và trong trường hợp đó Brazil sẽ bị lỡ cơ hội: Công nhân, thị trường và người tiêu dùng Brazil không được tiếp cận công nghệ tiên tiến nhất.

Sau đây là một chuyện có thật: Đầu những năm 80, Brazil và Đài Loan giống nhau ở mức thu nhập theo đầu người, có nhiều công ty nội địa lớn, vốn nhiều, công nhân tay nghề cao cùng lực lượng quản trị giỏi. Mỗi nước có cách riêng trong việc tích cực tiếp cận các thương vụ điện tử tầm quốc tế, đặc biệt trong ngành sản xuất máy fax. Vấn đề là ở chỗ chỉ có một nguồn kỹ thuật để sản xuất máy fax cho cả hai nước – công ty Fujitsu của Nhật Bản. Quốc hội Brazil năm 1988 đã áp đặt một loạt các biểu thuế trên các mặt hàng điện tử, bao gồm cả máy fax để bảo hộ cho ngành máy fax non trẻ của họ. Hậu quả là không ai thấy có lợi lộc gì trong việc chuyển vào Brazil kỹ thuật máy fax mới nhất. Trong khi đó, Đài Loan cho phép mức thuế quan bằng 0 và tạo môi trường cạnh tranh để xem ai là người sản xuất máy fax tốt nhất. Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, năm 1994 Đài Loan là nơi sản xuất máy fax đứng đầu thế giới, trong khi máy fax sản xuất tại Brazil có giá thành cao hơn nhiều so với giá trung bình của thế giới và ngành sản xuất máy fax ở nước này đang dần bị tiêu diệt. Năm 1995, Quốc hội Brazil bãi bỏ thuế nhằm vào máy fax và quyết định cho phép cạnh tranh tự do theo tiêu chuẩn chung cởi mở.

Năm 1999, khi Trung Quốc bị tố giác đã ăn cắp một số bí mật về đầu đạn hạt nhân của Mỹ, bản thân tôi cũng như những người khác đều cảm thấy bực dọc – nhưng tôi không đến nỗi quá lo lắng. Vì Trung Quốc sẽ không thể đánh cắp được điều bí mật quan trọng nhất của Hoa Kỳ. Đó là lối sống của người Mỹ. Lối sống trong một xã hội mở. Trong một xã hội khóa kín, bao giờ bạn cũng phải chiếm giữ một bí quyết nào đó để tồn tại, vì bao giờ ở ngoài đời cũng có một sáng kiến mới nào đó xuất hiện và bạn phải cố đoạt cho được. Những xã hội đóng kín không phải là không thể sáng tạo, nhưng chúng không có được môi trường và khả năng cho phép luôn đổi mới, luôn sáng tạo nhiều như trong những xã hội mở. Sống trong một xã hội mở cửa, sức mạnh của bạn đến từ chính sự cởi mở và tinh thần sáng tạo và sự hăng say do sự cởi mở mang lại. Khi người Trung Quốc bắt chước được điều đó thì tôi mới lo thực sự vì họ sẽ là những người cạnh tranh.

Công ty hay đất nước của bạn có dám tự cởi trói trong nội bộ?

Trong kỷ nguyên toàn cầu hóa, điều quan trọng là học cách cạnh tranh đối ngoại trên môi trường không còn rào cản, nhưng cũng quan trọng không kém là việc tự tháo gỡ những rào cản nội tại. Nội bộ của đất nước hay công ty của bạn trở nên minh bạch hơn, thì chính phủ của bạn càng có thêm khả năng duy trì pháp chế, bạn thêm khả năng chia sẻ công tác vạch chính sách, và những kẻ tham nhũng sẽ không còn nhiều chốn để ẩn núp, và người khác sẽ thêm khả năng để gắn bó với bạn hơn. Một hệ thống luật pháp hữu hiệu, minh bạch và trung thực – nơi dân chúng được thấy chính xác quá trình chính phủ vạch chính sách và giới đầu tư được đảm bảo rằng tài sản trên mọi phương diện kể cả tài sản trí tuệ được tôn trọng và môi trường hoạt động tương đối công bằng – đó chính là điều kiện thiết yếu để tăng trưởng bền vững. Chính vì thế mà Lyric Hughes, người sáng lập trang mạng China Online đã lập luận rất đúng là trong thời gian tới chúng ta không còn nói đến thế giới phát triển hay đang phát triển, những thị trường mới nổi hay không. Thay vào đó, chúng ta sẽ nói đến “những đất nước minh bạch” và những đất nước “thiếu minh bạch.”

“Trong thế kỷ 21, mỗi quyết định kinh tế đều mang tính toàn cầu,” Hughes lập luận, “trong một thế giới thị trường tư bản toàn cầu, đầu tư sẽ chảy vào những khu vực được xác nhận có độ minh bạch về tài chính quốc tế. Thuật ngữ “các thị trường mới nổi” rồi sẽ bị coi là cũ kỹ, thuộc về thế kỷ 20 và sẽ được thay thế bằng lý thuyết về các nền kinh tế minh bạch hay thiếu minh bạch. Nhìn vào tương lai, những thị trường phát triển như Nhật Bản chẳng hạn, nơi vẫn không tạo được sự trao đổi thông tin thông thoáng, và những cấu trúc kinh tế còn tăm tối khác sẽ thấy: chính họ sẽ phải cạnh tranh với các quốc gia xưa nay còn rất nghèo nhưng nay đã đạt được sự cởi mở trong hoạch định chính sách.”

Giới quản lý của công ty hay đất nước của bạn có hiểu biết hay không? Và nếu không, thì liệu bạn có thể thay quản lý mới được không?

Cách đây vài năm tôi đã phỏng vấn nguyên thủ của một nước Ả Rập và trong buổi phỏng vấn, tôi chúc mừng ông ta về việc hãng thẩm định mức khả tín tài chính Moody’s đã nâng cấp đất nước của ông ta từ dưới lên thành mức đáng được đầu tư. Vị lãnh đạo này cám ơn tôi và quay sang một cố vấn của ông ta ngồi cạnh và hỏi bằng tiếng Ả Rập: “Moody’s là cái gì?”

Quản lý luôn đóng vai trò quan trọng, nhưng trong hệ thống mới phức tạp và tiến hóa nhanh ngày nay, quản lý và khả năng hình thành chiến lược đóng vai trò quan trọng gấp bội. Khi nhìn vào một đất nước hay một công ty ngày nay tôi thường hỏi: Liệu người lãnh đạo có phán xét được thông tin hay không? Liệu ông hay bà đó có thường xuyên đánh giá cùng một lúc được năm hay sáu phương hướng khác nhau? Ông hay bà đó có hiểu về ba cuộc cách mạng dân chủ hóa và đưa ra một chiến lược để tận dụng chúng hay không? Vì nếu bạn không thể nhìn thấy thế giới, không nhìn thấy những hoạt động tương hỗ đang định hình thế giới, thì bạn sẽ không vạch được chiến lược để đối phó với thế giới. Và nếu bạn phải đối phó và tạo sự thịnh vượng trong một hệ thống phức tạp và tàn bạo như toàn cầu hóa, thì bạn phải tìm một chiến lược mới.

Craig Barrett, Chủ tịch hãng Intel, một lần đã nhận xét với tôi: “Chúng tôi là nhà đầu tư lớn nhất ở Ireland, và theo tôi, cũng là nhà tuyển dụng lớn nhất ở đó. Chúng tôi sang Ireland vì đất này rất trọng thương mại, họ có một cơ sở giáo dục mạnh, di chuyển ra vào đất này rất dễ dàng và công việc làm ăn với chính phủ cũng thật dễ dàng. Tôi muốn đầu tư ở Ireland trước tiên rồi mới sang Đức hoặc Pháp. Pháp là một nước đã thông qua đạo luật không cho phép mã hóa trong các thương vụ Internet. Công nghệ mã hóa mà hiện nay Intel đang áp dụng vào các chip vi tính họ sản xuất, đóng vai trò thiết yếu trong việc ngăn chặn tội phạm vào mạng đánh cắp các thông số thẻ tín dụng và thông tin cá nhân. “Pháp là đất nước duy nhất trên thế giới, nơi mà chúng tôi không thể nhận đơn đặt hàng trên mạng từ khách hàng, vì nước này không cho phép chúng tôi mã hóa”, Barrett nói. “Tôi vừa sang Paris trưng bày một số sản phẩm mới của Intel, chúng tôi đã phải xin phép nhà nước Pháp miễn trừ luật pháp trong vòng 24 tiếng đồng hồ để minh họa kỹ thuật mã hóa.”

Phần lớn các quốc gia trên thế giới sẽ rất lo sợ nếu họ bị người đứng đầu Intel coi là đi chệch hướng. Nhưng người Pháp lại cho rằng Intel đi chệch hướng. “Bạn đưa ra một đạo luật dở hơi, đặt mã hóa ra ngoài vòng pháp luật – Mã hóa là kỹ thuật có thể lấy thẳng từ Internet xuống – và làm như vậy chính bạn đã cản trở tăng trưởng thương mại và kinh tế của bạn, “ Barrett nói, “vậy thì hoặc hãy để cho tôi ứng dụng công nghệ mã hóa, nếu không thì tôi xin đi chỗ khác.”

Cuối những năm 80, Intel tổ chức một cuộc họp tiếp thị thị trường châu Âu và đã quyết định đầu tư vào đâu, thị trường nào làm ăn được và thị trường nào không. Người phụ trách tiếp thị châu Âu của Intel mang đến hội nghị một tấm bản đồ châu Âu – trong đó ông ta đã dùng dao cạo cắt bớt nước Pháp đi.

Một cách cư xử trì độn như vậy đã khiến tôi đi đến ý tưởng rằng nếu nước Pháp là một cổ phiếu, thì tôi sẽ bán ngay đi. Nói vậy, nhưng thực ra Pháp cũng đang thay đổi và một ngày nào đó tôi dự kiến rằng Pháp sẽ quay lại danh sách các món hàng nên mua. Trong khi một số quan chức chính phủ và trí thức Pháp tuyên bố nhiều điều vớ vẩn chống lại hệ thống toàn cầu hóa, thì giới công nghiệp và thương gia đang mặc lên cho họ chiếc áo nịt mạ vàng để đối lại. (Pháp thậm chí đã giải tỏa bớt sự kiểm soát công nghệ mã hóa kể từ ngày Barrett sang Paris vào năm 1998.) Liên quan tới toàn cầu hóa, thì nước Pháp giống như một tài xế, bật xi nhan bên trái để rồi rẽ sang phải. Nếu chỉ đọc những gì các bình luận viên của tờ Le Monde viết, thì bạn sẽ nghĩ rằng nước Pháp sẽ không bao giờ trở thành thông thái; nhưng nếu đọc phần tin thương mại ở Pháp trên tờ Tạp chí phố Wall của châu Âu, thì bạn nhận thấy rằng giới thượng lưu trong khu vực tư nhân thật thấu hiểu và đang thúc đẩy nước Pháp bước vào toàn cầu hóa.

“Các thế lực đáng kể đang nhanh chóng bào mòn những ảnh hưởng truyền thống của chính phủ Pháp đối với nền kinh tế,” tờ Tạp chí phố Wall của châu Âu (19/11/99) viết, “Các công ty được tư nhân hóa không còn tồn tại để phục vụ chính phủ và tạo công ăn việc làm; họ đang nghe lời một lứa các nhà đầu tư quốc tế có sự quan tâm chính là lợi nhuận. Đồng thời ảnh hưởng đang gia tăng của Liên hiệp Âu châu đang gây khó dễ cho việc các nhà lập chính sách của Pháp … Không giống trong quá khứ, khi mà các quan viên trong chính phủ giật dây kinh tế, giám đốc các tập đoàn lớn, độc lập của người Pháp ngày nay đang trực tiếp sáp nhập công cuộc làm ăn của họ trên cơ sở được các nhà đầu tư toàn cầu xếp hạng.”

Sẽ có những chống đối tại nước Pháp chống lại khuynh hướng các tổng công ty nâng hoạt động lên mức toàn cầu, nhưng trước sau thì những kẻ chống đối sẽ thua. Nhưng sẽ không thua ngay đâu. Một người bạn tôi sang Paris và mùa hè năm 1999; chị đã phải dùng dịch vụ Internet tại bưu điện trung tâm Paris để gửi email. Chị đến đó vào giờ ăn trưa và thấy phòng Internet đóng cửa. Phòng này do một viên chức hành chính phụ trách, khi mỗi khi đi ăn trưa, người này khóa cửa phòng lại, ghi ngoài cửa là ông ta đi ăn trưa. Vậy ta có tin mừng là bưu điện Paris đã tổ chức dịch vụ Internet cho công chúng. Nhưng tin buồn cho ta là căn phòng Internet vẫn hoạt động theo truyền thống làm ăn 200 năm của người Pháp – mở cửa theo giờ hành chính và đóng cửa hai tiếng giờ ăn trưa mỗi ngày, như cái lối hoạt động của một tiệm bán thịt vậy.

Một đất nước khác đang tạm thời nằm trong danh sách cần bán của tôi là nước Nga – họ vẫn chưa cài đặt hệ điều hành và những phần mềm nhằm tiến tới thịnh vượng. Một minh chứng rõ ràng nhất xuất hiện tháng 10 năm 1999 khi viên chức giám sát chứng khoán cao cấp nhất của Nga đã từ chức sau khi công bố rằng chính phủ của ông Boris Yeltsin đơn giản đã không quan tâm gì đến những luật lệ nhằm bảo vệ các cổ đông tại Nga. Hãy tưởng tượng nếu bạn nhặt một tờ báo của Mỹ và đọc được tin Arthur Levitt, đứng đầu Ủy ban Giao dịch Chứng khoán Hoa Kỳ, từ chức, sau khi công bố rằng Thị trường Chứng khoán New York và các tòa án kinh tế Mỹ tham nhũng tới mức thà đem tiền đến đặt lỗ ở những sòng bạc Las Vegas còn hơn là đầu tư.

“Bạn cần phải đặt một nhóm người mới lên hàng ngũ lãnh đạo nước Nga”, theo lời Bill Lewis, người đứng đầu Viện Toàn cầu của hãng tư vấn McKinsey, đã tiến hành một nghiên cứu lớn về kinh tế Nga trong thời kỳ 1999. “Nhiều người đã chỉ ra thực tế là do tổ chức liên tục các cuộc tuyển cử tự do, nước Nga đã đi đúng hướng. Nhưng câu hỏi thực sự là: Liệu nước Nga đã có những ứng cử viên xứng đáng chưa? Họ có những nhà chính trị hiểu được nước Nga ngày nay cần gì và sẵn sàng đáp ứng chưa? Câu trả lời là: Chưa. Người mà nước Nga cần là một phiên bản của Rooservelt. Họ cần một nhà chính trị tinh nhanh, thật thà và hiểu viết sâu rộng, người thu hút được các chuyên gia và đi đầu một quá trình dân chủ, thiết lập các chính sách xã hội và những luật lệ thích đáng giúp tạo nền móng cho sự tăng trưởng.”


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx