sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chiếc Lexus và cây Ô Liu - Phần II - Chương 11 - Phần 4

Tôi vẫn hi vọng rằng cũng như ở Pháp, một thế hệ mới đang trưởng thành tại Nga, họ sẽ hiểu được hệ thống toàn cầu hóa và đòi hỏi cho có được những công cụ và bộ máy quản lý để phát triển đất nước trong toàn cầu hóa. Tháng 11/1999 tôi đến dự một hội thảo về cạnh tranh ở Colombo, Sri Lanka do USAID tổ chức. Cử tọa gồm các nhà kinh tế và thương gia của Sri Lanka, Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh và Nepal. Một trong những người diễn thuyết chính của hội thảo là cựu Tổng thống Costa Rica, ông Jose Maria Figueres. Ông đã dành một tiếng đồng hồ, trước một cử tọa thật chăm chú, để miêu tả việc Costa Rica thu hút hãng Intel xây dựng một nhà máy ở nước này và thích nghi vào cuộc Cách mạng Thông tin. Cử tọa Nam Á có ấn tượng sâu sắc, và khi đến phần chất vấn thì hết người này đến người khác đứng dậy hỏi vị cựu tổng thống: “Ông có muốn ứng cử chức tổng thống ở đất nước của tôi không?”

Đó là một khung cảnh đầy ấn tượng. Dân chúng từ nhiều quốc gia đứng lên đề nghị vị cựu lãnh đạo một nước khác tranh cử để lãnh đạo đất nước của họ – mà không cảm thấy xấu hổ. Điều này cho thấy trong thời đại mới khi dân chúng ngày càng hiểu thêm về cảnh sống của người khác – đặc biệt thế hệ từ 30-40 tuổi, được giáo dục – họ sẽ không chấp nhận chịu đựng mãi mãi một sự quản lý tồi về chính trị. Một phụ nữ người Sri Lanka, 46 tuổi, viên chức ngân hàng, tham dự hội nghị đã bày tỏ sự phẫn uất của chị một cách rất hay: “Chúng tôi đã để mất 25 năm,” chị nói, “năm 1964 Lý Quang Diệu (cựu Thủ tướng Singapore) đến Sri Lanka và nói Singapore cần phải trở thành như Sri Lanka. Chúng tôi là điển hình cho ông ta – về giáo dục, y tế, và dân trí. Giờ đây Singapore là một điển hình và viễn cảnh chúng tôi hướng tới, nhưng sẽ không bao giờ đạt được. Nên khi mọi người lắng nghe ông Figueres, họ nói: ‘Tại sao chúng ta không thể có một lãnh đạo thế này nhỉ?’ ‘Ông ta từ đâu đến?’ ‘Làm sao mà ông ta được như vậy?’ ‘Liệu có phải dân thế nào thì quan thế vậy hay không?’ ‘Chúng tôi có lỗi gì đây?’ Chúng tôi đáng nhẽ cần phải tẩy chay, bài xích những loại lãnh đạo tham nhũng, nhưng chúng tôi đã không làm thế. Có bao nhiêu vị đáng nhẽ phải rơi đầu, thì lại không bị sao cả.” Chính vì vậy, chị này nói thêm, “nhiều người sau khi nghe phát biểu của ông Figueres đã nói, ‘Nếu chúng ta không có những người làm ăn giỏi trong nước, thì chúng ta đi thuê người khác vậy?’ Một trong những doanh nhân lớn của Sri Lanka cho biết, ‘Tôi sẵn lòng đứng ra trả lương cho ông ta.’ Trí óc là ở đó. Hãy xem con số những công ty của người Sri Lanka và Ấn Độ mới được thành lập trong thung lũng Silicon, vậy mà chúng tôi không có sự lãnh đạo cần thiết ở ngay tại đây để chèo chống cho con thuyền của chúng tôi.”

Liệu đất nước hay công ty của bạn có sẵn sàng kết liễu những kẻ bị thương và chăm sóc những người sống sót?

Trong một thế giới không còn rào cản, bản thân công ty hay đất nước của bạn cần phải tạo ra một dòng văn hóa khuyến khích cho việc gỡ bỏ những doanh nghiệp lâu đời, thậm chí ngay cả lúc chúng tỏ ra làm ăn thành công, nếu không thì người khác sẽ làm điều đó. Compaq ra đời là do IBM không muốn tự loại bỏ một trong những sáng tạo của họ, loại máy IBM AT, thuộc hệ điều hành 286, để bắt kịp với loại chip 386 đời mới. Compaq ngay lúc đó đã vào cuộc, cho ra đời loại máy 386, giáng một đòn nặng vào IBM.

Kinh tế gia Lester C. Thurow chỉ ra trong cuốn sách Làm giàu của ông, những hãng lớn lâu đời thường hiểu và thậm chí sáng tạo những công nghệ mới có khả năng biến đổi thế giới, nhưng thể chế của họ là một vấn đề hết sức nan giải. “Khi những kỹ thuật mới ra đời, những công ty đó phải phá bỏ những kỹ thuật cũ để áp dụng chúng. Chẳng hạn, bốn trong số năm nhà sản xuất thiết bị ống chân không chưa bao giờ sản xuất thành công thiết bị bán dẫn – và ngày nay nhà sản xuất thứ năm không còn tồn tại,” Thurow cho biết. “Và khi thiết bị vi xử lý mới ra đời cho phép máy tính cá nhân chiếm lĩnh thị trường, thay thế hệ máy tính công nghiệp, thì cơ sở đứng đầu ngành công nghiệp máy tính là IBM đã bị ngã nhào.”

Báo Business Week (13/12/1999) đã đăng bài giới thiệu Edward Zander, vị Chủ tịch luôn tiến công của hãng Sun Microsystem. Một dòng trong bài này khiến tôi chú ý: “Sau khi quan sát thấy những vị lãnh đạo hãng Data General và Apollo Computer được ca tụng về sự thành công của họ, Zander đang tổ chức cuộc cải tổ thứ hai tại hãng Sun trong vòng năm năm. Ông ta đang cố gắng xây dựng một cơ cấu công ty mới, với dự định sẽ giảm việc bán các máy tính cá nhân và dồn sức vào việc xây dựng các trang web, hệ thống mạng trong công ty và các thiết bị thiết kế mạng… “Chúng tôi dự định sẽ cấu trúc lại công ty,” Zander nói, “tôi muốn Sun trở thành một IBM mới trong thời đại Internet.”

Thế giới đúng là đang tiếp tục quay vòng – vì chính IBM cũng muốn trở thành công ty đứng đầu ngành công nghiệp điện toán trong thời đại Internet. Và trong thời gian đó, IBM cũng đang chuyển mình: không những nó cải tổ để trở thành một công ty hoạt động trên nền móng Internet mà còn xây dựng doanh nghiệp của họ thành một cơ sở bảo trì toàn bộ các dịch vụ Internet – nơi mà bất cứ công ty nào lớn nhỏ đều có thể đến để tiếp cận công nghệ, hưởng những dịch vụ trợ giúp và được tư vấn để làm ăn theo lối công nghệ điện tử hay để trở thành một công ty điện tử. Nói cách khác, IBM đã chuyển mình từ mức một kẻ đứng đầu công nghiệp điện toán, trở thành một cấu trúc tương tự như Liên Xô rồi lại tiếp tục cải tổ trở lại. Họ cải tiến bản thân, trở thành trì trệ, rồi lại nhanh chóng cải tổ. Vào năm 2000 IBM là một trong những bác sĩ Internet và nhà cung cấp dịch vụ Internet hàng đầu – khiến cho Sun, Compaq và các đối thủ khác, những kẻ muốn tiêu diệt IBM trong những năm 80 và 90 phải kính nể.

Để tăng trưởng, các quốc gia cũng cần xây dựng một thứ văn hóa tự đổi mới. Thurow cho biết thêm: “Các nước không muốn đoạn tuyệt với quá khứ thường đã không sẵn lòng cho phép các doanh nghiệp mới đi vào hoạt động. Châu Âu là một điển hình của việc các doanh nghiệp mới hình thành và trở nên thiết yếu cho phát triển. Châu Âu đã tập trung vốn và đầu tư ở mức cao hơn Hoa Kỳ, họ có dân số được giáo dục tốt hơn và tri thức khoa học cũng cao tương đương như của Hoa Kỳ, thế mà đã không tạo dựng được những nền công nghiệp tiên tiến tri thức cao, xứng đáng với thế kỷ 21. Năm 1998 khu vực sản xuất của Siemens Nixdorf, tập đoàn điện toán cuối cùng của châu Âu, đã bị bán cho hãng Acer của Đài Loan. Làm sao một khu vực muốn trở thành lãnh tụ trong thế kỷ 21 mà lại hoàn toàn không dính dáng gì đến công nghệ điện toán? Những doanh nghiệp xứng đáng tồn tại ở châu Âu nay đã ra đi. Ở đó môn xã hội học gần như bao giờ cũng thống trị công nghệ học. Ở châu Âu, các ý tưởng mới thường bị xếp xó vì người ta không muốn dùng chúng và có những điều vĩnh viễn chỉ là tiềm năng.”

Một xã hội hoan nghênh hay ít nhất tỏ ra chịu đựng khái niệm hủy diệt để sáng tạo, cần phải được tạo dựng, thì mới mong có được những sản phẩm mới mang tính cách mạng. Đó là điều kiện hết sức quan trọng trong thời đại thế giới không còn những rào cản, một thế giới trong đó không thể khoan dung những thứ cũ kỹ trong khi chào đón những điều mới mẻ. Một đất nước nên lo lắng về khả năng thiếu công ăn việc làm, hơn là chỉ chăm chăm lo lắng sợ mất đi những công ty lâu đời. Điều này nghe có vẻ mâu thuẫn, nhưng thực ra không phải vậy. Nếu sợ rằng các công ty sẽ sập tiệm thì có thể bạn sẽ bị mất đi nhiều cơ hội làm việc. Bạn cần có sự bảo hộ phúc lợi giành cho dân thất nghiệp nhưng không nên bảo hộ những công ty, những hãng xưởng không còn năng động.

Không phải tình cờ mà Đài Loan đã qua khỏi cơn khủng hoảng kinh tế Á châu với ít thương tích hơn nhiều so với láng giềng của họ. Lý do quan trọng nhất là, như Chi Schive, Phó chủ tịch Hội đồng Phát triển và Kế hoạch Kinh tế Đài Loan lập luận, chính quyền Đài Loan đã sẵn sàng chịu đựng việc phá cũ xây mới [trong kinh tế]. Điều đó một phần bắt nguồn từ một mảng trong lịch sử của hòn đảo này. Khi những người Quốc dân đảng từ lục địa đến Đài Loan trong cuộc nội chiến Trung Quốc 1948, họ chiếm chính quyền nhưng không quan tâm gì đến giới doanh nghiệp. Cũng vì ban đầu họ không có ý định ở lại lâu trên hòn đảo này – họ nghĩ sẽ sớm có thể quay về lục địa. Vậy là ngay từ buổi đầu, chính quyền Đài Loan đã có tư tưởng thả lỏng doanh nghiệp, hơn là các chính quyền khác ở Đông Á. Thay vì nuôi nấng những tập đoàn lớn như trường hợp Hàn Quốc và Nhật Bản, chính quyền Đài Loan tương đối đứng ngoài, không can thiệp vào việc làm ăn của doanh gia. Kết quả cho thấy sự ra đời của một loạt các công ty cỡ nhỏ và vừa, thường khởi đầu từ một gia đình, làm ăn tại gia. Các doanh nghiệp tồn tại bằng cách hoạt động uyển chuyển và đầy hiệu quả, sẵn sàng nhảy nhanh chóng từ thương vụ này sang thương vụ khác, thị trường này sang thị trường khác.

Và vì chính quyền đã mở cửa kinh tế vào những năm 80 và từ chối bảo hộ các doanh nghiệp nhỏ đó, họ thường xuyên phải tiếp cận với các thị trường và công nghệ cao đầy cạnh tranh. Vậy là các công ty phải nhanh chóng tự động hóa, tăng chất lượng sản phẩm, di chuyển vào khu vực hàng hóa có giá trị gia tăng và chuyển khâu sản xuất ra nước ngoài, dẫu cho làm như vậy là tạm thời giảm mức việc làm ở trong nước. Những công ty nào không theo kịp sẽ bị bỏ rơi hoặc bị các công ty làm ăn giỏi hơn mua lại. Bộ Kinh tế của Đài Loan đã tự hào đưa ra một thống kê mang tên “Sự sống và những cái chết của các công ty Đài Loan – 1986-1998”, cho thấy một tỷ lệ cân bằng giữa những công ty mới nổi lên và sự tiêu hủy những công ty cũ, thậm chí trong thời gian khủng hoảng Á châu.

Tiêu hủy những kẻ bị trọng thương và cho phép học thuyết sinh tồn của Darwin được áp dụng thực ra vẫn chưa đủ. Schive cho biết các nước làm ăn thành công cũng chính là nơi có tinh thần sẵn sàng đầu tư trong đó cộng đồng doanh nghiệp có khả năng lựa chọn những người có tiềm năng, giúp đỡ họ về tài chính để nhanh chóng biến sáng kiến thành sản phẩm. Một thứ văn hóa đánh bạc như của Đài Loan là cần thiết, vì nó sẽ giúp cho những con người đầy sáng kiến nhưng lại rất khó phát triển chúng thành sản phẩm đại trà vì thiếu vốn và gặp nhiều rủi ro. Chính vì thế những công ty nhỏ và vừa ở Đài Loan cần những tay tư bản sẵn lòng đặt vốn, sẵn sàng mạo hiểm để có thể “được ăn cả.” Nền công nghiệp mạo hiểm về vốn của Đài Loan đã nổi lên vào đầu những năm 80 và thành công rực rỡ trong nhiều phương diện, sinh ra hàng trăm công ty làm ăn có lãi. Ở Thung lũng Silicon một số các công ty ngày nay làm ăn thành công như Cisco và Intel vốn là những công ty buổi đầu đã sẵn sàng đặt bạc.

Công ty và đất nước của bạn có dám mở rộng bè bạn hay không?

Chúng ta đang di chuyển từ một thế giới nơi ai cũng muốn kiếm ăn một mình – nơi mà hình mẫu là những nhà công nghiệp đơn độc và công ty có thứ bậc, độc quyền, tự làm mọi thứ – sang một thế giới trong đó bạn không thể tồn tại nếu không có thật nhiều đồng minh, nơi hình mẫu là những người tìm kiếm bạn bè như Churchill và những công ty hoạt động bề ngang, có mạng lưới cộng tác rộng rãi.

Trong nền kinh tế toàn cầu, bạn không thể tồn tại trong nhiều ngành nhất định nếu thiếu khả năng cạnh tranh toàn cầu; và bạn không thể cạnh tranh nếu thiếu đồng minh. Lý do thật đơn giản. Theo Staphen J. Kobrin, chuyên viên về toàn cầu hóa thuộc trường Wharton, trong một số ngành như bán dẫn, hàng không, viễn thông và dược phẩm, “quy mô của công nghệ đã mở rộng đến mức ngay cả những công ty hàng đầu cũng không có nguồn tài lực để tự nghiên cứu và phát triển một cách hữu hiệu vì chi phí quá cao, hướng kết quả không rõ ràng và chu kỳ sử dụng của thành phẩm lại bị cắt ngắn.” Chỉ duy lượng tri thức khoa học kỹ thuật cần có để hoàn thiện những thành phẩm phức tạp ngày nay cũng đang ngày càng đòi hỏi nhiều công ty cùng phải chung lưng đấu cật. Hơn nữa, cung cách duy nhất để các công ty có thể thu hồi vốn đầu tư vào việc nghiên cứu và phát triển, là phải bán sản phẩm trên toàn cầu, vì thị trường nội địa quá nhỏ – đó là lý do họ cần đồng minh. Kobrin kết luận rằng sức ép buộc phải có đồng minh đang tăng lên, “và trở thành một trong những đặc điểm vì trong kỷ nguyên toàn cầu hóa, một đặc điểm mới cả về hình thức lẫn nội dung, kết nối mọi yếu tố và tăng cường toàn cầu hóa ở mức hơn bao giờ hết.”

Đồng minh không đồng nghĩa với sự sáp nhập. Đồng minh diễn ra giữa hai công ty có danh tính khác nhau, nhưng thỏa thuận hợp tác chặt chẽ. Quan hệ đồng minh đang lan tràn trên khắp thế giới với tốc độ chưa từng có. Công nghiệp vận chuyển hàng không là một ví dụ thật rõ ràng của quan hệ đồng minh. Hãy nhìn quảng cáo của “Star Alliance” – một khối đồng minh gồm sáu hãng hàng không phối hợp phân phối vé trên các chuyến bay của nhau, thống nhất dịch vụ đặt vé và cùng chi trả những phần tiền thưởng cho khách thường xuyên đi lại. Điều này giúp cho các thành viên của khối cung cấp dịch vụ gõ một cửa cho khách hàng – chỉ cần vào một phòng vé, họ có thể mua vé đi bất cứ đâu trên thế giới và hưởng những dịch vụ kèm theo. Thành viên của khối đồng minh hiểu rằng họ có thể cung cấp một thứ dịch vụ như vậy, nhưng nếu làm ăn riêng lẻ thì không một hãng nào có thể kham nổi. Quảng cáo của “Star Alliance” vẽ một chiếc máy bay phần đầu là Hãng United, buồng lái mang tên Air Canada, thân giữa là SAS, Varig và Thai Airways, đuôi mang tên Lufthansa – minh họa: “Star Alliance: Mạng lưới hàng không cho trái đất.” Vậy ai sẽ là đối thủ cạnh tranh với khối đồng minh này? Tất nhiên là một khối đồng minh khác – mang tên “Một Thế giới,” và quảng cáo của nó ghi: “Giờ đây bạn có thể trông đợi vào bảy hãng hàng không tốt nhất thế giới. Bạn sẽ sử dụng bảy phòng chờ. Quá cảnh thuận tiện. Và khả năng thắng điểm do đi lại thường xuyên cho phép bạn du hành đến nhiều nơi hơn.”

Có được một vị tổng giám đốc biết cách thúc giục và duy trì đồng minh – xây dựng lòng tin và tính trung thực với các hãng khác – là một điểm son giúp vào việc tồn tại trong toàn cầu hóa. Xây dựng đồng minh là một việc phức tạp. Compaq, thông qua đối tác chiến lược với Intel để sản xuất thiết bị vi xử lý, và với Microsoft để sử dụng hệ điều hành và các phần mềm, đã có thể lập tức hội tụ đủ kỹ thuật mới nhất trong các máy tính họ sản xuất – cho phép họ đi đầu trong cạnh tranh. Báo cáo năm 1997 của Compaq cho biết “khách hàng đang ngày càng nhận ra rằng máy tính tốt nhất ra đời từ công ty duy trì được đối tác giỏi nhất.” Tạp chí Forbes có lần đã trích dẫn một nhà tư vấn quản trị miêu tả quan hệ giữa Andy Grove (của Intel) và Eckhard Pfeiffer (của Compaq): “Từ miệng của Andy tới ngay tai của Eckhard – giống như một cuộc hôn nhân vậy.”

Đối với công ty thì như thế và đối với các quốc gia cũng như vậy. Vì an ninh kinh tế, Hoa Kỳ bao giờ cũng cần đồng minh trong môi trường kinh tế quốc tế. Hoa Kỳ không bao giờ là một hòn đảo cô đơn. Hoa Kỳ cần thêm nhiều đồng minh hơn bao giờ hết. “Tôi chẳng bao giờ nghĩ rằng cách đây 20 hay 25 năm, những người tiền nhiệm của tôi phải lo lắng về khủng hoảng kinh tế ở Thái Lan, hay Indonesia, hay thậm chí Hàn Quốc,” cựu Bộ trưởng Tài chính Robert Rubin nói với tôi. “Người ta lo cho nước Anh hay nước Nhật, nhưng không cần lo đến Thái Lan. Nhưng ngày nay có bao nhiêu là quốc gia đã trở thành bộ phận cấu thành của kinh tế thế giới. Hoạt động của họ ảnh hưởng đến Hoa Kỳ, và để đối phó, Hoa Kỳ đã tốn không biết bao nhiêu thời gian và sức lực.”

Trên phương diện an ninh quốc gia, nhiều nước càng cảm thấy sự cần thiết của việc tìm đối tác và đồng minh. Một mặt, khi Chiến tranh Lạnh không còn ngự trị, kẻ thù lớn nhất đã ra đi, dân chúng ở các nước không còn muốn hy sinh xương máu hay tiền của vào việc gây hấn với các quốc gia nhỏ và bất trị – dẫu cho những quốc gia đó có thể trở nên thật nguy hiểm. Ngay cả khi xuất hiện Saddam Hussein đe dọa những con đường vận chuyển dầu lửa và sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt, thì chính phủ Bush đã phải mất sáu tháng để hình thành một liên minh các đối tác, không những để gây chiến với Saddam mà quan trọng hơn, để chung tiền nuôi cuộc chiến. Tôi đã đi cùng Ngoại trưởng Baker khi ông ta sang quyên tiền ở vùng Vịnh, tất cả phóng viên trên chuyến máy bay với Baker đã quyên một ca đựng tiền để tặng ông ta.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx