sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chiếc Lexus và cây Ô Liu - Phần II - Chương 12 - Phần 1

12. Lý thuyết về vòng cung vàng ngăn ngừa xung đột

Ở nước ngoài thỉnh thoảng tôi lại tự thưởng cho mình một chiếc bánh kẹp thịt cùng khoai tây rán hiệu McDonald’s. Tôi cho rằng tôi là người đã ăn bánh kẹp thịt và khoai rán McDonald’s ở nhiều nước trên thế giới nhiều hơn bất cứ ai khác, và tôi có thể làm chứng rằng chúng có hương vị giống hệt nhau. Qua lại trên thế giới trong những năm gần đây tôi bắt đầu nhận ra một điều thú vị.

Tôi không rõ suy nghĩ này từ đâu đến: có thể từ đâu đó giữa các tiệm McDonald’s ở Thiên An Môn, Bắc Kinh, McDonald’s ở quảng trường Tahrir ở Cairo hay McDonald’s gần quảng trường Zion ở Jerusalem. Nó như thế này:

Từ ngày có McDonald’s sang đầu tư, không thấy hai quốc gia nào cùng có tiệm McDonald’s, lại gây chiến chống nhau.

Tôi không đùa đâu. Thật kỳ lạ. Hãy quan sát Trung Đông: Israel có tiệm McDonald’s của người Do Thái, Arập Xê út có tiệm McDonald’s, theo tục lệ Hồi giáo thường phải đóng cửa năm lần mỗi ngày để cầu nguyện, Ai Cập, Li Băng và Jordan đều có McDonald’s. Không có nước nào trong số đó xung đột với nhau kể từ khi biểu tượng những vòng cung vàng của tiệm McDonald’s được dựng lên ở những nơi đó. Những đe dọa chiến tranh nằm ở đâu trên đất Trung Đông ngày nay? Nằm giữa Israel và Syria, Israel và Iran, và Israel và Iraq. Nước nào ở Trung Đông không có tiệm McDonald’s? Syria, Iran và Iraq.

Tôi thấy thú vị đến mức đã gọi điện báo tin này cho đại bản doanh của McDonald’s ở Oak Brook, Illinois. Họ ngạc nhiên đến mức đã mời tôi đến tham khảo các vị quản trị Đại học Hamburger, một trung tâm nghiên cứu và đào tạo của chuỗi nhà hàng McDonald’s. Những tay quản trị này đã kiểm tra lý thuyết của tôi với những chuyên viên quốc tế của họ và bản thân họ đã không thể tìm ra một ngoại lệ nào cả. Tôi tưởng rằng có một ngoại lệ đối với trường hợp chiến tranh Falkland giữa Anh và Argentina nhưng Argentina cho mãi đến năm 1986 mới có tiệm McDonald’s đầu tiên, bốn năm sau cuộc chiến. (Không tính những cuộc nội chiến và xung đột biên giới: McDonald’s ở Moskva, El Salvador và Nicaragua đã phục vụ cho cả hai bên địch thủ trong những cuộc nội chiến ở đó.)

Với những thông số đó, tôi xin giới thiệu “Lý thuyết những vòng cung vàng ngăn ngừa xung đột,” rằng một đất nước khi tiến tới một mức độ phát triển kinh tế, nơi có một tầng lớp trung lưu có khả năng hỗ trợ cho một chuỗi các tiệm McDonald’s, thì đất nước đó trở thành đất nước McDonald’s. Và dân chúng ở đất nước này không phải chinh chiến nữa, họ thà dùng thời gian để xếp hàng mua bánh kẹp thịt còn hơn.

Nhiều người đã đưa ra những quan sát về những thời kỳ hòa bình và thương mại trước đó – họ sử dụng những hình tượng thông dụng hơn. Nhà triết học người Pháp Montesquieu viết hồi thế kỷ 18 rằng thương mại quốc tế đã tạo nên một “Nước cộng hòa vĩ đại” quốc tế, quy tụ tất cả các tay buôn và các quốc gia buôn bán ngoại thương, dệt nên một thế giới hòa bình hơn. Trong cuốn sách Tinh thần pháp luật ông viết, “hai quốc gia có giao thương với nhau sẽ trở nên lệ thuộc lẫn nhau; vì nếu một quốc gia muốn mua thì quốc gia kia sẽ muốn bán; và sự liên kết giữa họ với nhau sẽ được tạo dựng trên cơ sở sự cần thiết lẫn nhau.” Và trong chương “Cách thức thương mại phá vỡ sự bạo tàn ở châu Âu,” Montesquieu đã lập luận ủng hộ cho luận thuyết vòng cung vàng của chính ông: “Nhân loại cảm thấy hạnh phúc trong một môi trường mà vì lợi ích của chính họ, họ cần phải có tư tưởng nhân đạo và làm điều thiện, dẫu cho nhiệt huyết nhiều khi đã khiến họ trở nên độc ác.”

Trong thời toàn cầu hóa trước Chiến tranh thế giới thứ hai, tác giả người Anh Norman Angell đã quan sát và viết trong cuốn sách của ông năm 1910, mang tên Ảo tưởng lớn, rằng những cường quốc công nghiệp phương Tây như Mỹ, Anh, Đức và Pháp đã giảm đi cơn thèm khát gây chiến tranh: “Có lẽ nào mà cuộc sống hiện đại cùng những hoạt động công nghiệp mạnh mẽ và những phần chi phí vô cùng nhỏ cho hoạt động quân sự có thể nuôi nấng những bản năng gây chiến, vì chiến tranh đã bị coi là sự hủy diệt những thành quả do thời bình mang lại?” Do ngoại thương và những quan hệ thương mại ràng buộc nhiều cường quốc thời đó, Angell lập luận rằng, thật là điên rồ nếu những quốc gia đó lại đánh nhau, vì làm như vậy thì kể cả kẻ thắng lẫn người thua cuộc đều sẽ chịu mất mát. Montesquieu và Angell nói đúng. Hội nhập kinh tế đã khiến tăng gấp bội mức chi phí chiến tranh đối với kẻ thắng lẫn người thua, và quốc gia nào làm ngơ trước thực tế đó thì sẽ bị diệt vong. Nhưng nếu họ hy vọng rằng thực tế đó có thể xóa nhòa được tầm quan trọng của địa chính trị, thì họ cũng đã nhầm. Có thể nói Angell và Montesquieu đã quên không nhắc đến Thucydides. Khi viết về lịch sử cuộc chiến tranh Peloponnesian, Thucydides cho rằng các quốc gia gây chiến vì một trong ba lý do – “danh dự, sợ hãi và quyền lợi” – và toàn cầu hóa, trong khi khiến cho chi phí gây chiến vì danh dự, sợ hãi hay quyền lợi tăng lên, cũng không thể xóa hết được những bản năng đó – không thể, một khi thế giới vẫn còn nhân loại và còn máy móc, một khi những cây ô liu vẫn còn đó trong cuộc sống. Cuộc tranh đấu giành quyền lực, sự theo đuổi quyền lợi vật chất và chiến lược, sự co kéo những cây ô liu, vẫn tiếp tục ngay cả trong cái thế giới có chip vi tính, điện thoại vệ tinh và Internet. Không phải ngẫu nhiên mà cuốn sách này được đặt tên là “Chiếc Lexus và cây Ô liu.” Mặc cho toàn cầu hóa, dân chúng vẫn bám giữ lấy văn hóa, ngôn ngữ và mảnh đất mà họ gọi là quê hương. Họ sẽ hát về gia đình, khóc than cho gia đình, chinh chiến và hy sinh vì quê hương. Chính vì thế mà toàn cầu hóa sẽ không chấm dứt những tham vọng mang tính địa-chính trị. Xin nhắc lại cho những người theo phái thực tế đang đọc cuốn sách này: toàn cầu hóa sẽ không chấm dứt địa-chính trị.

Nhưng toàn cầu hóa lại tác động tới nó. Một điểm đơn giản mà tôi đang cố gắng hình thành bằng cách sử dụng McDonald’s để hình tượng hóa – đó là toàn cầu hóa ngày nay đã khiến tăng gấp bội chi phí mà các quốc gia dùng để gây hấn vì lý do bảo tồn danh dự, phản ứng lại những nỗi sợ hãi hay theo đuổi những quyền lợi của họ. So với những gì Angell và Montesquieu viết xưa kia, sự thay đổi ngày nay thể hiện ở mức độ. toàn cầu hóa ngày nay – với mức độ hội nhập kinh tế, kỹ thuật số, khả năng kết nối ngày càng rộng giữa đất nước và cá nhân, tư bản di chuyển nhanh chóng và sự lệ thuộc của chúng vào chiếc áo nịt nạm vàng và Bầy Thú Điện Tử – tất cả tạo một sự ràng buộc mạnh mẽ đối với các hoạt động đối ngoại của các quốc gia kết nối vào toàn cầu hóa. Kết quả là chúng tăng cường lợi ích của việc hạn chế xung đột và tăng cao cái giá mà các quốc gia phải trả khi tìm cách đánh lẫn nhau.

Nhưng toàn cầu hóa không đảm bảo rằng sẽ không có chiến tranh nữa. Bao giờ cũng sẽ có những lãnh tụ và những quốc gia, vì lý do đúng hay sai, sẽ sử dụng đến chiến tranh, và những quốc gia như Bắc Triều Tiên, Iraq hay Iran sẽ lựa chọn cách tồn tại bên ngoài những ràng buộc trên. Dù sao thì câu kết luận sẽ là: Trong thời toàn cầu hóa trước Chiến tranh Thế giới thứ nhất, các quốc gia đã phải nghĩ hai lần trước khi gây chiến; đến toàn cầu hóa thời nay, họ sẽ phải nghĩ tới ba lần trước khi làm điều đó.

Khổ một nỗi là ngay sau khi bản thảo đầu tiên của cuốn sách này được in, thì tháng tư năm 1999, 19 thành viên NATO, nước nào cũng có quán ăn McDonald’s, xúm vào không kích Nam Tư, một đất nước cũng có quán ăn này. Ngay lập tức hàng loạt các bình luận gia và những người điểm báo đã viết bài phê bình rằng luận thuyết vòng cung vàng McDonald’s của tôi là hoàn toàn sai lầm; qua đó họ cũng công kích khái niệm về toàn cầu hóa có thể chế ngự được địa-chính trị. Tôi thật ngạc nhiên và cũng thích thú khi thấy lý thuyết McDonald’s của tôi được mọi người chú ý rộng rãi, và khi thấy mức độ hăng hái của một số người nhất định cố gắng chứng minh rằng đó là một sai lầm. Họ là những người thực tế và những nhân vật Chiến tranh Lạnh về vườn, những người cho rằng chính trị – đặc biệt là những xung đột giữa các quốc gia – chính là những yếu tố không thể miễn trừ dùng để đặc tả quan hệ quốc tế. Về chuyên môn cũng như về tâm lý, họ cảm thấy bị đe dọa bởi ý tưởng cho rằng toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế có sẽ tác động đến địa-chính trị bằng những phương thức mới mẻ và cơ bản. Nhiều người trong giới phê bình rất muốn bám lấy chủ đề cuộc chiến Balkan chính vì họ muốn níu kéo tâm lý thời chiến lỗi thời trong đó họ chỉ biết chính trị, tinh thần và những câu ô liu được đặt trên kinh tế và chiếc xe hơi Lexus. Họ bận rộn đưa Balkan lên thành một chủ đề lịch sử, một luận thuyết của chính trị thế giới, mà không nhận thấy rằng đó chỉ là một ngoại lệ, một sự kiện độc lập và nhất thời. Những người chỉ trích chỉ bận rộn bàn cãi xem chúng ta đang ở năm 1917, 1929 hay 1939 và không nhận ra rằng những gì xảy ra vào năm 2000 thực ra đánh dấu cho một chuyển biến mới mẻ – một điều tuy không kết liễu địa-chính trị nhưng căn bản đã gây ảnh hưởng và thay đổi hình thù của chính trị. Tôi cho rằng những người chỉ trích chỉ bận rộn làm sống lại quá khứ, dựa vào quá khứ để phán đoán với bạn về tương lai. Cách họ đoán về tương lai lại dựa vào quá khứ nhưng lại bỏ qua hiện tại. Cũng dễ hiểu vì sao nhóm này cảm thấy bị lý thuyết những vòng cung vàng đe dọa, bởi vì dù không hoàn hảo nhưng luận thuyết vòng cung vàng sẽ buộc họ phải thay đổi quan điểm và thậm chí, phải học lại cách nhìn nhận, phải tiếp nhận kinh tế, môi trường, thị trường, công nghệ, Internet vào những phân tích đánh giá về địa-chính trị của họ.

Phản ứng đầu tiên của tôi đối với những người chỉ trích là thanh minh rằng NATO không phải là một đất nước, cuộc chiến Kosovo không thực sự là chiến tranh, mà là sự can thiệp của NATO vào một cuộc nội chiến giữa người Serb và người Albania ở Kosovo. Và tôi chỉ ra rằng khi hình thành luận thuyết McDonald’s tôi đã loại trừ một vài khả năng quan trọng: Luận thuyết McDonald’s không áp dụng cho các cuộc nội chiến, vì tôi giải thích, toàn cầu hóa sẽ tăng cường sự căng thẳng của các cuộc nội chiến, giữa phái địa phương chủ nghĩa và phái chủ trương toàn cầu – giữa những người thích ăn món bánh kẹp thịt McDonald’s với những người sợ hãi loại bánh này rồi sẽ chế ngự họ. Hơn nữa luận thuyết của tôi có giới hạn giá trị, vì trước sau rồi nước nào cũng có những cửa hàng McDonald’s, và trước sau rồi cũng có hai nước nào đó sẽ gây chiến lẫn nhau.

Nhưng tôi nhanh chóng nhận ra rằng sẽ không có ai quan tâm đến những điềm báo của tôi – sử dụng McDonald’s như một biểu tượng để trình bày về ảnh hưởng của toàn cầu hóa đối với địa-chính trị. Họ chỉ muốn đâm một nhát dao vào lý thuyết vòng cung vàng. Vậy càng nghĩ tới giới phê bình thì tôi càng nói với mọi người rằng: “Xin hãy quên đi những điềm báo và những ngoại lệ. Giả sử Kosovo là một sự thử nghiệm cho học thuyết, và hãy xem cuộc chiến ở đó kết thúc ra sao.” Khi nhìn vào cung cách cuộc chiến Kosovo kết thúc bạn sẽ thấy lô gích của lý thuyết Vòng Cung Vàng.

Vì sao? Lầu Năm Góc sẽ giải thích với bạn rằng cuộc không kích năm 1999 đã kết thúc cuộc chiến 78 ngày tại Kosovo vì một lý do – không phải vì NATO đã trừng trị được quân đội Serbia ở Kosovo. Thực tế cho thấy lục quân Serbia đã chuyển được hết xe pháo của họ ra khỏi Kosovo với không mấy tổn hại. Cuộc chiến 78 ngày kết thúc là do NATO, sử dụng không quân, đã gây hoang mang cực độ cho dân thường người Serbia ở Belgrade. Belgrade là một thành phố hiện đại châu Âu, hội nhập với Tây Âu, có một dân số mong muốn hòa nhập vào khuynh hướng toàn cầu, hòa nhập với Internet và phát triển kinh tế – hình tượng mà McDonald’s đang đại diện.

Một khi NATO phá hủy hệ thống điện ở Belgrade và hủy diện kinh tế, người dân Belgrade, cùng dân chúng trong những thành phố khác của Nam Tư, hầu như ngay lập tức đòi Tổng thống Slobodan Milosevic chấm dứt chiến tranh. Vì cuộc không kích đã buộc người ta phải lựa chọn: Bạn có muốn thành một phần của châu Âu và xu hướng kinh tế mới và chớp những thời cơ ngày nay – hay là bạn muốn chiếm giữ Kosovo và trở thành một ốc đảo cô lập và lạc hậu. McDonald’s hay Kosovo – bạn không thể chiếm cả hai. Và người dân Serbia chọn McDonald’s. Không một người lính NATO và cũng không người dân nào ở Belgrade nào muốn chết vì Kosovo. Những người dân đó chỉ muốn trở thành một phần của thế giới. Họ muốn tiệm McDonald’s được mở cửa trở lại, hơn là mong Kosovo bị chiếm đóng trở lại. Họ muốn xếp hàng để mua bánh kẹp thịt hơn là đăng lính đi chết ở Kosovo. Một mình không lực Hoa Kỳ không thể làm gì được Việt Nam vì người dân ở đó vốn đã sống trong một thời kỳ đồ đá và đã không còn gì để mất. Nhưng ở Belgrade, nơi dân chúng muốn hội nhập vào châu Âu và thế giới và họ sợ sẽ bị không quân ném bom làm mất đi cơ hội cho họ hội nhập. Khi NATO đưa ra những lựa chọn cho họ – chọn xe hơi Lexus hay cây Ô liu – họ đã chọn chiếc xe hơi.

Vâng, như vậy là có một ngoại lệ cho lý thuyết Vòng Cung Vàng – một ngoại lệ mà rốt cuộc đã mạnh mẽ khẳng định lý thuyết này. Trường hợp Kosovo cho thấy những áp lực mà những chính quyền theo chủ nghĩa quốc gia, khăng khăng bám lấy gốc cây Ô liu, phải chịu đựng, khi họ theo đuổi chiến tranh và những phiêu lưu quân sự – và họ đã buộc dân chúng phải trả giá ra sao trong thời toàn cầu hóa. Bởi vì trong một thế giới nơi chúng ta ngày càng hiểu thêm về cảnh sống của đồng loại, khi chính phủ ngày càng phải cam kết với dân chúng và thực hiện cam kết, vậy thì chí ít chính phủ chỉ có thể đòi hỏi dân chúng đến một mức độ nhất định. Khi chính phủ có những hành động gây khó dễ cho việc hội nhập kinh tế và cải thiện đời sống – có McDonald’s tượng trưng – thì dân chúng ở các nước phát triển sẽ không dung tha cho chính phủ như thời trước. Chính vì thế những quốc gia trong hệ thống toàn cầu hóa giờ đây phải suy ngẫm tới ba lần trước khi tham chiến và những quốc gia nào không suy nghĩ thì sẽ phải trả giá gấp ba lần. Vậy tôi xin sửa lại chút ít trong lý thuyết vòng cung vàng sau khi tham khảo trường hợp Kosovo và tương lai của vùng này: Dân chúng ở những quốc gia có McDonald’s không thích đánh nhau nữa, họ thà đi xếp hàng để mua bánh kẹp thịt còn hơn – và những lãnh đạo hay những đất nước nếu coi thường thực tế đó sẽ phải trả giá cao gấp bội, cao hơn là họ nghĩ. Ngày 8/7/1999, báo USA Today đăng một câu chuyện về Belgrade khiến tôi chú ý. Câu chuyện nói về sự tàn phá kinh tế mà Nam Tư phải đương đầu sau cuộc chiến. Bài này có hai đoạn sau đây, mà nếu tự tôi viết ra thì người ta sẽ nói tôi là bịa đặt:

“Zoran Vukovic, 56 tuổi, lái xe buýt ở thành phố Niw, có thu nhập 62 đô-la một tháng, thấp hơn phân nửa lương của ông ta thời trước chiến tranh. Chính phủ [Serbia] tháng trước đã sa thải gần một nửa số 200 tài xế xe buýt. Những người còn lại bị giảm lương. Do nhà nước hiện kiểm soát giá thực phẩm, Vukovic và tám miệng ăn phụ thuộc trong gia đình có thể tồn tại, đủ ăn. Nhưng họ không thể mua sắm thêm thứ gì khác.

“McDonald’s nay chỉ còn trong giấc mơ,” Vukovic, người ngày trước thường đưa ba cháu của ông đến tiệm McDonald’s ở Belgrade, nói. “Một ngày nào đó, có thể mọi sự sẽ khá hơn. Nhưng đến lúc đó thì có lẽ tôi không còn nữa.”


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx