sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chiếc Lexus và cây Ô Liu - Phần II - Chương 12 - Phần 4

Nhưng địa-chính trị trong thời toàn cầu hóa phức tạp hơn nhiều. Bạn vẫn lo lắng về những đe dọa từ những quốc gia mang tính ly khai – Iraq, Iran và Bắc Triều Tiên. Nhưng bạn cũng dần phải quan tâm đến những đe dọa từ những nước mà bạn có quan hệ – thông qua cả Internet, thị trường và những cá nhân được trang bị tốt, những người có khả năng bước thẳng đến gặp bạn. Hơn nữa trong thế giới đầy những quan hệ, nhà nước có thể bị đe dọa, hoặc bị cuốn hút vào các cuộc xung đột, thậm chí chỉ do một nước láng giềng tan vỡ hay một kẻ thù cũ (như Nam Tư) ra đi, hoặc khi phải phản ứng trước sự hiếu chiến của một nhà nước (như Iraq).

Quan trọng hơn, quan tâm của các nhà nước thời nay mang tính chất đa dạng hơn nhiều, ngày càng có thêm các chương trình nghị sự cho họ quan tâm, hơn là chỉ chăm chăm vào lo cho việc họ thuộc phe nào. Trên thế giới, bạn thấy có một gánh xiếc với năm sân khấu – trong đó các nước đang vật lộn với những vấn đề liên quan tới hình thù, kích cỡ, chất lượng, sự bình đẳng, tự do hoặc tổng hợp tất cả những điều đó. Trong tình hình đó, để đo đếm quyền lực và đánh giá hay dự đoán hoạt động của các nhà nước, các nhà phân tích phải đồng thời quan tâm đến cả năm vấn đề.

Xin phân tích từng chủ đề. Trước hết, như Michael Mandelbaum nói, một khi chấm dứt Chiến tranh Lạnh “nhiều nước, lần đầu tiên trong vòng 50 năm, quan tâm tới hình thù của họ, nước nào là láng giềng chung biên giới và nước nào không.” Bạn có thể thấy hiện tượng này xuất hiện từ Nga, đến Nam Tư, rồi đến Indonesia – nhiều quốc gia cố gắng phân xử ai là người chủ của cây ô liu nào, trong địa bàn nào – vì chúng không còn bị Chiến tranh Lạnh quyết định một cách cứng nhắc nữa. Những nước cảm thấy thoải mái với hình dạng của mình thì lại có một mối quan tâm khác, trong thời toàn cầu hóa. “Những nước khác lo về việc kích cỡ,” Mandelbaum nói. “Kích cỡ của các cơ quan nhà nước của họ.” Điều này cũng áp dụng cho toàn bộ các thành viên của Liên hiệp Tiền tệ châu Âu – những nước này đang cắt giảm bộ máy chính phủ để cùng duy trì một đồng tiền và tồn tại trong toàn cầu hóa. Họ biết là hình dạng của từng thành viên trong khối đã được cố định. Giờ đây họ chú trọng vào kích thước của các chính phủ thành viên, giảm kích cỡ để cùng mặc chiếc áo nịt nạm vàng của châu Âu liên minh. Một số nước khác thì lo đến chất lượng của nhà nước trong toàn cầu hóa – ví dụ Thái Lan, Hàn Quốc và Brazil – tất cả, sau cuộc khủng hoảng Á châu, đang cố gắng nâng cấp chất lượng của chính phủ và các hệ thống tài chính, để đào tận gốc nạn tham nhũng và sự móc ngoặc trong làm ăn. Trong khi đó có những nước khác lại chú trọng vào đạt cho được sự bình đẳng, giải quyết cái hố ngăn cách giữa giàu và nghèo do toàn cầu hóa gây ra. Chẳng hạn Mexico và Venezuela đang dồn sức vào chủ đề bình đẳng và công lý – người thắng và kẻ thua trong toàn cầu hóa sẽ được chia phần như thế nào. Và sau cùng, có những quốc gia vẫn còn phải tập trung giải quyết chủ đề liên quan tới quyền tự do – toàn cầu hóa đòi hỏi rằng nếu không có dân chủ hóa, tự do báo chí và những cơ cấu kiểm soát chính phủ và nếu không có khả năng thay đổi lãnh đạo thì họ sẽ khó có cơ tăng trưởng. Những quốc gia mang tính đa dạng cao như Pakistan, Peru và Trung Quốc đang vật lộn với chủ đề quyền tự do.

Điều khiến cho Nga và Trung Quốc gặp nhiều khó khăn, Mandelbaum nói, “chính là việc họ phải đương đầu với tất cả các chủ đề trên cùng một lúc.” Họ vật lộn với hình dạng đất nước – lãnh thổ nào thuộc về họ (Tây Tạng? Đài Loan? Chechnya?); cố gắng cắt giảm bộ máy nhà nước trước sự đòi hỏi của toàn cầu hóa; cố gắng nâng cấp chất lượng bộ máy nhà nước; giải quyết sự bất bình đẳng xẩy ra khi chế độ phúc lợi cũ không còn nữa, hội nhập, và khi các vị quan chức mới ăn cắp tài sản của nhà nước thông qua chương trình tư nhân hóa; và họ tiếp tục vận lộn với sự đòi hỏi dân chủ hóa và quyền được tham gia chính phủ.

Chính vì thế bạn không thể hoạch định chính sách đối với Nga hay Trung Quốc nếu không cảm nhận được toàn bộ năm thách thức kể trên, không tiên đoán được kết quả của những cố gắng đó, và không cảm nhận được khả năng của hai nước này đối phó ra sao trong cách ứng xử quốc tế của họ. Ứng xử của Nga và Trung Quốc sẽ tùy thuộc phần lớn vào việc họ phát triển ra sao, cụ thể là tùy thuộc vào việc họ xử lý năm thách thức ra sao. Những chủ đề trên đã không nổi lên trong thời Chiến tranh Lạnh, vì đó là một cuộc chiến và câu hỏi duy nhất thời đó là: Bạn ở phe nào? Nếu bạn ở phe tôi thì tôi coi bạn là tốt – không cần biết đến đặc điểm hình dạng, kích cỡ, chất lượng, bình đẳng hay tự do của bạn ra sao. Nếu bạn thuộc phe đối phương thì bạn là xấu – dù đặc điểm của bạn có hay đến mấy. Chúng ta đã vô tình cho rằng sau Chiến tranh Lạnh, mọi sự sẽ trở nên ngon lành, nhưng thực ra, mọi sự đã trở nên phức tạp hơn nhiều, dẫu cho Nga, Trung Quốc và các nước khác có thái độ tích cực đến đâu. Đối phó với năm đặc tính là nhiệm vụ của các nguyên thủ quốc gia; nếu bạn là một vị nguyên thủ nhưng chỉ chăm chăm nói tới một đặc tính, hình dạng đất nước chẳng hạn, thì bạn sẽ bị lạc lõng trong thời kỳ mới.

Tóm lại, tôi xin nhấn mạnh lần nữa rằng tấn kịch quan hệ quốc tế ngày nay đang kết hợp những điều mới mẻ – áp lực, ưu đãi và sự phức tạp của hệ thống toàn cầu hóa – tương tác với những điều cũ kỹ, nỗi đam mê câu ô liu trong mỗi chúng ta. Mỗi người đều phải tôn trọng sức mạnh của toàn cầu hóa, cùng với nó là chiếc áo nịt, những siêu thị tài chính và, vâng, cả McDonald’s nữa, để làm thuyên giảm những hành vi hiếu chiến của một số quốc gia; nhưng mỗi người cũng phải tôn trọng sức lôi cuốn của cây ô liu và những điều gắn bó có thể làm sống dậy con người phi lý trong chúng ta. Điều kết luận duy nhất của tôi là những áp lực của hệ thống toàn cầu hóa, hiện thân là chiếc xe hơi Lexus, đang có khuynh hướng chế ngự sức lôi cuốn của cây Ô liu tại đa số các quốc gia – trong số đó có cả Serbia. Khuynh hướng này có bền vững và đảm bảo mang đến Hòa bình Vĩnh cửu hay không? Khó mà đoán được. Bạn không thể biết rồi liệu sẽ có hay không những khuynh hướng khác, khuấy động tinh thần cây ô liu trong mỗi chúng ta bằng những cung cách hiếu chiến và xấu xa.

Để minh họa cho sự giằng co giữa toàn cầu hóa và những cây Ô liu trong mỗi chúng ta, tôi đã tưởng tượng ra cuộc trò chuyện giữa một vị ngoại trưởng Mỹ đúng đắn, ông Warren Christopher chẳng hạn, với một lãnh đạo không mấy đứng đắn, ví dụ Tổng thống Hafez el- Assad của Syria – một người ôm giữ các giá trị của cây Ô liu và Chiến tranh Lạnh. Cuộc trò chuyện sẽ như sau:

Christopher: “Hafez – vui lòng cho phép tôi gọi ông bằng tên? Hafez, ông là một người của ngày hôm qua. Ông vẫn sống trong Chiến tranh Lạnh. Tôi biết là ông chỉ du hành khỏi Trung Đông có vài bận, vậy để cho tôi kể với ông về một thế giới mới. Hafez, Syria nhiều năm qua đã tranh cãi liệu có nên cho phép dân chúng ở đây được có máy fax. Rồi ông lại mất thêm bốn năm để bàn xem dân chúng có được phép lên Internet hay không. Thật đáng buồn. Làm như thế nên thu nhập bình quân theo đầu người của Syria mới chỉ ở mức 1.200 đô-la/năm. Và Syria chỉ may ra có thể sản xuất được bóng đèn điện. Từ năm 1994, toàn bộ khu vực tư nhân của ông chỉ xuất khẩu được một tỷ đô-la mỗi năm. Một vài công ty vô danh của chúng tôi cũng đã xuất khẩu được tới một tỷ mỗi năm. Hafez, ý tôi muốn nói là trong Chiến tranh Lạnh, Syria có sản xuất chip điện tử hay khoai tây rán, xe hơi Lexus hay bóng đèn điện thì cũng không ai quan tâm, vì nước này đã rất no đủ thông qua việc bú sữa của con bò siêu cường và tống tiền các nước láng giềng. Vâng, tôi có thể thấy ông đang mỉm cười, Hafez. Ông biết đó là sự thật. Ông đã bòn của Arập Sê út hàng tỷ bạc bằng cách nói với họ rằng, theo cách nói của giới Mafia, “sẽ có một trục trặc” xảy ra trong những khu dầu khí của họ, nếu họ không nộp tiền cho Syria. Ông vắt sữa con bò cái Liên Xô vào thứ hai, thứ tư và thứ sáu, vắt của con bò châu Âu vào thứ ba và thứ năm, và con bò Trung Quốc vào ngày chủ nhật. Liên Xô thậm chí đã mua những rác rưởi do nhà máy quốc doanh của ông sản xuất, trang bị vũ khí và viện trợ cho ông để đổi lấy tình hữu nghị. Đó là một thời hoàng kim, Hafez, thời mà ông lợi dụng phái này hay phái kia để thủ lợi. Nhưng Hafez ạ, thời đó qua rồi. Người Xê út không còn nộp tiền cho ông nữa, trữ lượng dầu lửa của ông không còn dồi dào; trong 10 năm nữa, Syria sẽ trở thành một nước nhập khẩu dầu thô, và ông lại có mức tăng dân số cao nhất vùng Trung Đông. Viễn cảnh không được tráng lệ cho lắm. Hafez. Tồi tệ hơn là sự ra đời một kiến trúc thượng tầng mới trên thế giới. Không còn hai siêu cường cạnh tranh để thủ lợi nữa. Liên Xô đi tong rồi và người Mỹ chúng tôi đang phải cân đối ngân sách. Thay vì siêu cường, Hafez ạ, giờ đây ta có Siêu thị tài chính. Xin nói với ông, ông không thể thủ lợi giữa thị trường Frankfurt, Tokyo hay Singapore chống lại phố Wall nữa. Không, không và không. Chúng sẽ chơi chính bản thân ông. Chúng sẽ thủ lợi bằng cách đặt Syria chọi với Mexico chọi với Brazil chọi với Thái Lan. Những nước nào làm ăn được sẽ được thưởng bằng vốn đầu tư từ các siêu thị. Những nước nào thua thì sẽ bị bỏ rơi ở vệ đường trên con đường đầu tư toàn cầu. Và Hafez, nạn nhân có thể chính là ông đó.

Nhân thể, Hafez, tôi thấy Syria và Thổ Nhĩ Kỳ gần đây có chút xung đột biên giới, nhưng tôi cũng biết là ông ra sức tránh gây chiến tranh với Thổ Nhĩ Kỳ. Cả hai chúng ta đều hiểu chuyện này, phải không ông? Đó là Liên Xô không còn nữa, và ông biết rằng trong một cuộc chiến tranh với Thổ Nhĩ Kỳ, hay với Israel hay với ai cũng thế, nếu bị mất mát vũ khí, thì ông sẽ phải bỏ tiền túi ra mua mới – tiền mặt trao tay. Vậy thì tiền đâu ra, Hafez, cho tôi xem đi! Không còn Liên Xô để có thể trang bị những vũ khí mới, đổi lại bằng những thứ rác rưởi sản xuất từ những nhà máy quốc doanh của ông. Và cũng không còn những quốc gia dầu lửa Arập muốn thay mặt ông đi mua vũ khí nữa, vì chính họ cũng đang khánh kiệt. Vậy thì ông hết đường rồi, Hafez. Xưa nay bao giờ tôi cũng nói rằng cách tốt nhất để gây ép buộc đối với lãnh đạo của một nước đang phát triển: đó là nói ông ta sẽ phải dùng tiền túi của ông để mua vũ khí, đặc biệt trong thời buổi này, khi mà một máy bay chiến đấu hiện đại có giá khoảng 50 triệu đô-la. Xin nói thêm, tôi sẽ để lại với ông một chiếc điện thoại di động của tôi. Loại Motorola mới nhất, kết nối với vệ tinh viễn thông. Dùng điện thoại này, ông có thể gọi tôi ở Washington sau vài giây. Vì, Hafez ạ, tôi không muốn sang đây nữa, vì cứ mỗi lần sang là phải chịu nghe ông giáo điều chín tiếng liền về cuộc Thập tự chinh. Tôi thà dùng thời gian vào việc khác còn hơn. Tại sao những bài giảng như thế ông không đưa vào đĩa CD rồi phân phát cho các ngoại trưởng nước khác khi họ sang Syria, hay là cài vào mạng Internet để nhân viên của tôi tải xuống. Hafez, có bao nhiêu nơi quan trọng để cho tôi đến như Mexico, Thái Lan hay Trung Quốc. Câu hỏi “ai sẽ chiếm giữ cao nguyên Golan” thật là hay, nhưng nó không còn liên quan gì đến quyền lợi của Hoa Kỳ ngày nay nữa. Nhưng, này, tôi vẫn muốn biết ông làm ăn ra sao, và vẫn mong được làm ăn cùng với ông. Dùng điện thoại di động như thế này, bấm số của tôi là 001-202-647-4910, bấm SEND [gọi] và xin được gặp Chris. Còn nếu không muốn thì, Hafez, xin đừng níu kéo gì tôi nữa.”

Và sau đây là những gì tôi nghĩ Assad đã trả lời:

Assad: “Chris – ông không phiền khi tôi gọi ông là Chris chứ? Tôi hy vọng rằng ông cảm thấy thoải mái trên chiếc ghế dày nhiều lần đệm ông đang ngồi. Tôi đã khiến cho nhiều vị ngoại trưởng Mỹ trước ông bị nguy ngập trong chiếc ghế này. Kissinger đã từng tâng bốc với tôi bằng những câu chuyện quan hệ giữa ông ta và Jill St. John – Kissinger quả là một tay chinh phục được phụ nữ. Baker đã thường gấp vội cuốn sổ tay của ông ta và nói rằng nếu tôi không chấp nhận những điều kiện của ông ta đưa ra, thì ông ta sẽ không bao giờ quay lại Damascus. À, nhưng họ bao giờ cũng quay lại, Chris nhỉ? Và bản thân ông cũng sẽ phải quay lại. Ông đã đến đây 21 lần, và ông mới chỉ sang Mexico được có một lần. Rất mừng được thấy là ông đặt ưu tiên đúng chỗ. Chris, ông nói với tôi nhiều điều về cái thế giới bên ngoài Syria. Nhưng hãy để tôi nói cho ông về khu vực của tôi. Chính trị và nhiệt huyết có thể tác động vào trị giá những chợ trái phiếu ở Hoa Kỳ, nhưng chúng chẳng có nghĩa gì trong những con hẻm ở Damascus. Ở đây chúng tôi có sự liên hệ giữa các sắc dân, chứ không phải các trái phiếu, đang nắm quyền. Nắm đấm thép của một nhóm cầm quyền chứ không phải nắm đấm vô hình của thị trường, đang thống lĩnh về chính trị. Ở đây, chúng tôi gắn bó với những cây ô liu, Chris, chứ không phải xe hơi Lexus. Tôi sinh trưởng trong một bộ tộc ở Syria, bộ tộc Alawites. Có nghĩa là nếu tôi bộc lộ sự nhu nhược thì đa số dân Hồi giáo ở đây sẽ lột da tôi và ném nắm xương của tôi sang vệ đường. Tôi không nói ẩn dụ đâu, Chris. Đã bao giờ ông thấy một người đàn ông đang sống bị lột da chưa? Sáng nào tôi cũng nghĩ về điều đó, Chris – thay vì nghĩ về Amazon.com. Chúng tôi đang sống trong một rừng rậm thực sự chứ không phải là rừng ảo. Chính vì thế tôi có thể nghèo chứ không yếu ớt, và dân chúng không muốn thấy tôi yếu ớt. Họ hàm ơn với sự ổn định mà nắm đấm thép của tôi tạo ra. Chúng tôi có một tục ngữ Ả rập: ‘Một trăm năm thống trị bạo tàn còn hơn một ngày phải chịu đựng sự vô chính phủ.’ Quả thực là chúng tôi không có, ông nói gì nhỉ, à, không có McDonald’s ở đây. Và thu nhập theo đầu người của chúng tôi không cao bằng của Israel. Nhưng đồng nội tệ của chúng tôi ổn định, không ai chết đói, không ai phải sống bên lề đường, quan hệ gia đình keo sơn gắn bó và chúng tôi không bị bầy thú dầy xéo. Chúng tôi ở đây trong một thế giới đi chậm, Chris, chứ không phải một thế giới nhanh chân. Tôi có lòng kiên nhẫn. Dân chúng của tôi ông trông, họ có thiếu kiên nhẫn không? Hoàn toàn không. Trong cuộc tuyển cử vừa qua, tôi chiếm tỷ lệ 99,7 phần trăm số phiếu, Chris. Phụ tá của tôi sau bầu cử đã đến thông báo: ‘Thưa Tổng thống, ông thắng 99,7 phần trăm phiếu, có nghĩa là 0,3 phần trăm dân chúng không bầu cho ông. Ông còn đòi hỏi gì nữa?’

Tôi nói, ‘Tên của bọn chúng.’

‘Ha ha ha!’

‘Không, Chris ạ, tôi không thể kiên nhẫn được nữa. Tôi sẽ hòa hoãn với người Do Thái với một biện pháp duy nhất đó là làm sao tôi có thể trở thành một lãnh tụ Hồi giáo, người biết dàn hòa trong danh dự – người sẽ không phủ phục thấp hèn như cái loại Arafat hay Sadat. Tôi sẽ không phải là một Sadat mới. Tôi quyết hành động giỏi hơn Sadat. Tôi quyết sẽ chỉ nhượng cho Israel phần ít hơn và chiếm phần nhiều hơn. Đó là cách duy nhất để tôi có thể tự vệ, phòng ngừa những kẻ cực đoan và những kẻ chống đối trong chúng tôi và bảo toàn vị thế lãnh tụ Ả rập và bao giờ cũng thu hút được tiền của về cho Syria. Và nếu vì điều đó mà tôi có phải dùng đến tay chân của tôi ở Li Băng để làm băng hoại Israel, tôi cũng làm. Đây là vùng nguy hiểm, Chris, và Israel đã trở nên mềm yếu hơn. Họ có bao nhiêu là chi nhánh McDonald’s của Do Thái. Những thằng lính Israel đến đánh nhau ở Li Băng thường mang theo điện thoại di động để đêm đêm gọi về cho mẹ. Hiếu thảo ghê. Chúng tôi biết lắm chứ.’

Vậy thì Chris, nếu ông muốn chúng tôi thỏa thuận với người Do thái về vùng Golan, thì ông sẽ phải trả tiền, bằng nội tệ của chúng tôi. Tôi không có chuyện sẽ vuốt ve lấy lòng ông. Nhưng Chris, tôi đang lo lắng. Khi quan sát hàng ngũ các ngoại trưởng Mỹ đến chơi, ngồi vào chiếc ghế đệm ông đang ngồi, tôi thấy không phải là Chiến tranh Lạnh đã kết thúc mà chính là nước Mỹ, trong tư cách cường quốc, đang suy vong. Từ quan điểm của tôi thì hình như thế giới đang chuyển dần từ hai cực siêu cường sang một cực cho đến chỗ không còn siêu cường nào nữa. Ông đến đây, túi rỗng không và nắm tay mềm như cao su, Chris. Tốt hơn tôi thà đàm phán với Merrill Lynch. Ít nhất là họ dọa gì làm nấy. Hơn nữa, ông đến đây không hứa hạn gì về chuyện kiềm chế bớt Israel, vì chính phủ của ông quá yếu đuối về chính trị và sợ hãi, không dám làm phật lòng cử tri người Do Thái. Hãy nhìn những người Israel. Họ vẫn hăng say xây dựng các khu định cư ở bờ Tây, thế mà ông vẫn lặng thinh, Chris, lặng thinh. Có một điều mà một Tổng thống Syria học được đó là khả năng tiên liệu ra sự yếu đuối của người khác, và giờ này tôi đang ngửi thấy mùi nhu nhược ở khắp nước Mỹ.

“Ông có biết người Mỹ làm tôi bực dọc ra sao không – các vị kiểu gì cũng tham. Các vị dạy đời mọi người về các giá trị, về tự do, nhưng khi những giá trị đó cản trở lợi ích chính trị hay kinh tế của các vị thì các vị quên chúng ngay lập tức. Vậy thì đừng có nói với tôi về giá trị, Chris. Chính các ông mới cần phải tự quyết ngay xem có muốn trở thành siêu cường, đại diện cho các siêu giá trị, hay chỉ là loại lái buôn, đại diện cho các siêu thị. Hãy quyết định đi. Cho tới ngày đó thì hãy tránh tôi ra. Và, này Chris, tôi trả lại cho ông cái điện thoại di động diêm dúa này. Tôi không có ai bên ngoài Syria để gọi tới cả.”

“Mà này, cẩn thận khi bấm nút SEND [gọi điện] nhé. Chưa biết chừng điều gì sẽ xảy ra…"


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx