sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chiếc Lexus và cây Ô Liu - Phần II - Chương 13 - Phần 1

13. Người hủy diệt

Năm 1993 hai diễn viên Sylvester Stallone và Wesley Snipes cùng đóng trong một bộ phim ít ai biết hay nhớ đến nhưng rất hay – phim Người hủy diệt. Cảnh trong phim viễn tưởng này là năm 2032 khi toàn cầu hóa thống trị đời sống nước Mỹ, khi đó chửi bậy, hút thuốc, dùng muối, nghèo đói, truyền máu, chửi thề, uống bia rượu, và sinh con không giấy phép, tất cả bị đặt ngoài vòng pháp luật.

Trùm tội phạm Simon Phoenix (Snipes đóng) ra khỏi tù sau hơn 30 năm bị giam trong nhà tù đông lạnh, loại nhà tù dùng kỹ thuật đông lạnh để giữ tất cả tù nhân.

Khi ra tù, nhân vật này tìm đến vùng nam California để sống, một nơi yên tĩnh, hiền hòa và an toàn – thật lý tưởng cho tay này sống theo lối ngựa quen đường cũ – hắn muốn gây tội ác trở lại theo lối xưa kia. Và các viên chức ở đó, những người không còn quen thuộc với nạn tội phạm, đã nhanh chóng hiểu rằng để đối phó, họ cần một loại cảnh sát lối cổ điển. Và họ đã rã đông cho John Spartan (Stallone đóng), người cũng bị giam đông lạnh trong cùng một nhà tù với Phoenix. Spartan và Phoenix trước kia đã từng đụng độ trong nhiều vụ khiến nhiều dân thường bị giết oan. Chuyện phim không can hệ nhiều. Nhưng gây ấn tượng chính là cảnh sống ở vùng nam California trong tương lai giả tưởng, nơi chỉ có một loại tiệm ăn mang tên: Taco Bell.

Stallone đã khám phá ra điều đó sau khi được hâm nóng sống lại, khi một viên chức địa phương tổ chức một bữa tiệc mừng, cám ơn Stallone đã cứu ông ta. Stallone sửng sốt khi biết rằng tiệc mừng sẽ được tổ chức trong tiệm ăn Taco Bell. Anh ta có cuộc trò chuyện sau đây với đồng nghiệp cảnh sát (do Sandra Bullock đóng) trên đường tới tiệm:

Stallone: “Ông ta nói tôi đã cứu mạng ông ta, nhưng tôi không dám chắc đã làm điều đó, phần thưởng cho tôi là một bữa tối và nhảy đầm ở Taco Bell? Ý tôi muốn nói, mặc dù tôi thích món ăn Mexico, nhưng sao lại thế?”

Bullock: “Cứ nói bông lơn làm gì, anh không hiểu à? Taco Bell là tiệm ăn duy nhất còn lại sau những cuộc chiến giữa các chuỗi nhà hàng.”

Stallone: “Thế thì sao?”

Bullock: “Thế thì giờ đây tất cả các nhà hàng đều mang tên Taco Bell.”

Stallone: “Không thể tin được.”

Sau đó hai người bước vào nhà hàng Taco Bell tráng lệ, nơi người chơi đàn piano, nói giọng rất giống Barry Manilow, đang hát một điệu nhạc quảng cáo cho hãng rau quả Người khổng lồ màu xanh:

Những điều kỳ lạ đến từ thửa vườn

Trong thung lũng

Thung lũng của Người khổng lồ màu xanh

Đấy là vì vào năm 2032 những ca khúc chỉ còn là những bản quảng cáo thương mại. Khi mọi người ngồi vào bàn ăn, Stallone nhờ một người nào đó chuyển cho anh ta lọ muối thì Bullock cản lại: “Muối không tốt cho con người, vậy nó là của phi pháp.”

Theo Hollywood thì đó chính là cảnh nước Mỹ một khi bị toàn cầu hóa thống lĩnh, trong đó văn hóa và môi trường được đồng hóa, tiêu chuẩn hóa và được giữ vệ sinh sạch sẽ. Đó là một bức tranh khoa học giả tưởng đáng sợ. Nhưng điều làm tôi lo ngại là có khi nó cũng phản ánh chút ít sự thật.

Khi sang Doha, Qatar, vào mùa đông năm 1997, tôi trọ ở khách sạn Sheraton, nằm trên một đầu con đê Doha, nhìn ra vịnh Ba Tư. Con đê Doha là một con đường đi bộ dọc bờ biển dài 10 dặm, lát đá trắng và dọc đường có những vườn hoa và cây cọ. Phụ nữ Qatar mặc áo choàng truyền thống, một số đeo mặt nạ đen, chỉ hở mắt, đi dạo trên con đường đó. Đàn ông Qatar nhìn chòng chọc và trêu ghẹo họ, những bà mẹ đẩy con cái trong những xe đẩy và những gia đình cùng dạo chơi hóng gió biển. Buổi sáng đầu tiên đến đó, tôi xuống đi dạo trên con đường này, và khi đang thưởng thức cảnh quan và hình ảnh người dân tôi thầm nhủ: Cảnh này được tạo dựng thật lý tưởng. Nếu có một cảnh thực sự độc đáo đại diện cho văn hóa và thắng cảnh vùng vịnh Ba Tư, thì chính là đây.” Tôi đi tiếp, thưởng thức say đắm, cho tới khúc quanh thì nó sừng sững xuất hiện:

Tiệm ăn Taco Bell.

Vâng, đúng thế, ngay giữa con đê Doha là tiệm Taco Bell, với một bức tranh tiểu vương Qatar cao 6,4 mét dựng trên nóc nhà. Tôi tự hỏi: “Cái thứ này đang làm gì ở đây vậy? Vì sao họ lại dựng một tiệm Taco Bell ngay giữa con đường đẹp như thế này? Tôi đang thưởng thức một Qatar độc đáo, vậy mà lại phải gặp một tiệm ăn Taco Bell.” Và tồi tệ hơn nữa là: Trong tiệm có rất đông khách!

Nhà văn Thomas Wolfe đã nói, “Bạn không thể quay về nhà nữa,” nhưng tôi sợ rằng ông ta đã sai lầm. Trong toàn cầu hóa, bạn sẽ không thể rời khỏi nhà để đi ra bên ngoài được nữa. Vì toàn cầu hóa đã tạo ra một thị trường đơn chiếc – với những nền kinh tế mở theo quy mô cho phép một thương vụ và sản phẩm có thể đồng loạt được bán ở mọi nơi trên thế giới – toàn cầu hóa có thể đồng hóa sức tiêu thụ đồng loạt trên thế giới. Và vì trong khái niệm một thế lực đồng hóa và gặm nhấm môi trường, toàn cầu hóa đang đến thật nhanh và chỉ trong vài thập niên, nó có thể xóa đi sự đa dạng về môi sinh và văn hóa, những thành tựu phải mất hàng triệu năm tiến hóa của con người và sinh vật mới xây dựng được.

Chỉ có một hy vọng để có thể ngưng nó lại hoặc ít nhất cản đường, buộc nó đi chậm lại. Đó là việc các nước cần phát triển các loại bảo vệ điện áp và phần mềm để họ vừa có thể tận dụng lợi thế từ Bầy Thú Điện Tử vừa tránh được khả năng bị chúng giày xéo. Trong lãnh vực văn hóa và môi trường cũng cần làm điều tương tự. Các nước cần xây dựng cho được những công cụ để lọc lựa về văn hóa và môi trường để họ có thể giao thiệp với bầy thú mà không bị chúng bắt nạt và nghiền nát bản sắc văn hóa và môi trường của họ. Nếu các nước, đặc biệt trong thế giới đang phát triển, không làm được điều đó thì chúng ta sẽ trở nên nghèo đi. Nơi nào cũng sẽ giống nơi nào, đâu đâu cũng dày đặc Taco Bell, KFC, và khách sạn Marriott với những siêu thị giống hệt nhau, MTV và hình tượng những nhân vật hoạt hình Disney, phim ảnh giống nhau, âm nhạc giống nhau và Muzak, với những vùng rừng trọc lốc và những thung lũng phủ bê tông. Lúc đó du lịch trên thế giới sẽ giống như đến vườn thú để xem cũng từng ấy con thú mỗi ngày – loài thú được nhồi bông.

Khi sang Bangkok hồi tháng 3/1996, tôi vẫn nghe người ta nói về vụ việc được gọi là “Bà chúa của nạn kẹt xe.”

Hôm đó bắt đầu bốn ngày nghỉ quốc khánh Thái Lan và mở đầu mùa mưa ở nước này, tháng tư năm 1995. Richard Frankel, một kỹ sư về môi trường tại Bangkok tả lại với tôi: “Đêm thứ tư, chúng tôi tính toán làm sao đưa cả nhà, lợi dụng lúc giao thông vắng vẻ sẽ đi thoát khỏi thành phố. Chúng tôi định lên Chiang Mai, 200 dặm về phía bắc để nghỉ mát. Vậy là xếp đồ lên xe, ăn uống đầy đủ và ra khỏi nhà. Kế hoạch là ra cho được con đường cao tốc, đi qua sân bay rồi lên thẳng phía bắc. Chúng tôi rời khỏi nhà lúc 10 giờ đêm. Trẻ con ngủ trong xe, mọi sự rất hoàn hảo – cho tới khi ra tới đường cao tốc. Giao thông ngừng trệ suốt 60 dặm, xe cộ chỉ nhích lên ít một. 10 giờ sáng hôm sau chúng tôi mới tới được sân bay. Một số người bỏ xe đi bộ quay lại. Chúng tôi cũng cố gắng quay về nhà, nghỉ ở nhà.”

Bangkok là điển hình chính xác nhất của những hậu quả khi một nước đang phát triển mở cửa cho đầu tư nước ngoài nhưng không xây dựng được những bộ lọc và bảo hiểm chống sự quá tải trong tăng trưởng. Hãy nghĩ về sự quá tải như sau: Năm 2000, có khoảng 5,8 tỷ dân sống trên hành tinh. Giả sử 1,5 tỷ sống lối sống gọi là toàn cầu hóa: có nghĩa là trong xã hội, họ thuộc tầng lớp trung lưu lớp dưới, lớp giữa hoặc thượng lưu, có TV, có thể có điện thoại, một loại xe, có nhà, có tủ lạnh, máy giặt. Nói cách khác, lối sống của họ dựa trên sự tiêu thụ sản phẩm hóa dầu (từ đồ nhựa cho tới phân hóa học), sản phẩm khí cac bon (than, ga và dầu lửa) và thép cán (xe hơi, tủ lạnh và máy bay). Trong thập niên tiếp theo, nếu toàn cầu hóa tiếp tục cho phép thêm nhiều nhiều người nhập vào lối sống này, và nếu chúng ta không học cách sản xuất nhiều sản phẩm nhưng giảm nhiên-nguyên liệu thì chúng ta sẽ đốt, nung, trải bê tông, gây ô nhiễm cho những khu vực hoang sơ, rừng rậm, sông ngòi. Và tốc độ đó sẽ tăng chóng mặt.

Thăm Bangkok mà thấy tương lai: thành phố giàu có nhưng cuộc sống thì nghèo kém. Do nạn kẹt xe mà các tài xế sẽ không ra khỏi nhà nếu không mang điện thoại di động; và trên xe của họ thường có thùng tiểu tiện cá nhân. Bangkok có 10 triệu dân, không được quy hoạch toàn diện nên đến cuối những năm 90, thành phố vẫn không có đường ngầm và thậm chí cũng không có làn đường dành cho xe hơi. Nhiều người dân ở Bangkok không còn muốn mời khách đến ăn tối vì không thể biết khách sẽ đến muộn tới mức nào. “Tất cả những niềm ngẫu hứng của cuộc sống không còn nữa,” James Fahn, phóng viên môi trường phàn nàn với tôi vào một buổi chiều khi đang ngồi trong một công viên xơ xác trong trung tâm thành phố, “bạn không thể gọi điện cho người bạn nói, ‘gặp nhau trong tiệm ăn trong 15 phút nữa nhé.’”

Lập luận truyền thống thường nghe trong các nước đang phát triển là: “Giờ đây chúng tôi bày biện bừa bộn, sau này khi nào có tiền, chúng tôi sẽ dọn.” Và trường hợp Bangkok đã chứng tỏ, nếu một thành phố phát triển quá nhanh và quá bừa bộn kiểu đó, thì sẽ không còn ngày mai để dọn rửa nữa. Những lối đi bộ biến mất rồi, không còn đất để xây công viên mới. Kênh rạch đã bị lấp xi măng để xây nhà phía trên. Cá dưới sông chết hết rồi. Một nửa số cảnh sát giao thông bị bệnh đường hô hấp. Ở Bangkok, Bầy Thú Điện Tử và thị trường tự do đã lũng đoạn chính quyền, hoặc chúng trở nên giàu có hơn chính quyền, giúp cho các nhà đầu tư đút lót và tránh né được hầu hết các luật định liên quan tới môi trường. Một nhà ngoại giao Mỹ ở Bangkok nhận xét với tôi hồi năm 1996: “Chúng tôi vừa mở cửa một loạt các đại sứ quán ở khu vực Liên Xô cũ, và nhiệm vụ của chúng tôi ở đó là giải thích cho dân chúng biết về khái niệm “thị trường.” Còn ở đây, Bangkok, chúng tôi phải giải thích cho dân chúng tất cả các khái niệm, trừ “thị trường.”

Ở Jakarta một lần tôi gặp Agus Purnomo, người đứng đầu chi nhánh của Quỹ Thiên nhiên Hoang dã, WWF. Tôi hỏi ông ta: “Là một nhà môi trường hoạt động trong một thị trường mới nổi, ông thấy thế nào? Có giống như người thợ sửa chữa Maytag, con người cô đơn nhất?”

Nhưng những sự tàn phá giờ đây xảy ra nhanh chóng quá và thường không thể đảo ngược được, ông nói. “Nếu bạn mất một quả núi tức là mất hẳn, không tài nào nặn lại được nó nữa. Nếu bạn mất đi một khu rừng, bạn có thể trồng lại nhưng như thế sẽ làm mất vĩnh viễn sự đa dạng sinh thái – cây cối và động vật. Tôi lo rằng trong một thập niên nữa, những nhà môi trường như chúng tôi sẽ không còn gì để bảo vệ nữa.”

Làm gì bây giờ? Liệu chúng ta có xây dựng được một phương thức toàn cầu hóa bền vững về môi trường? Một hy vọng đó là kỹ thuật sẽ phát triển để giúp chúng ta bảo vệ những khu vực xanh tươi nhanh hơn là mức giày xéo của Bầy Thú Điện Tử. Robert Shapiro của công ty Monsanto đã nói: “Dân số nhân với niềm háo hức được sống mức sống trung lưu, chia cho số công cụ kỹ thuật hiện có hiện đang gây sức ép không chịu nổi đối với hệ sinh thái trên hành tinh. Khi ba người sống gần một hồ nước ném rác xuống hồ thì vẫn chưa sao. Nhưng khi 30 ngàn người cùng ném rác, thì bạn sẽ phải tính kế để không sản sinh ra từng đó rác rưởi, hay xử lý rác rưởi, hay giảm số người tạo ra rác – nếu không thì cái hồ đó sẽ không còn ở đó nữa.”

Như vậy cần phải có sự khai thông thực sự trong công nghệ thông tin, công nghệ sinh học và công nghệ nano (phân chia vật chất thành những mô hay hạt nhân, xử lý tạo những nguồn năng lượng mới gọn nhẹ ít chất thải – tạo năng lượng từ kỹ thuật phân hủy) nhờ đó chúng ta có thể tạo giá trị trong phạm vi hay kích cỡ nhỏ hơn và dùng ít nguyên-nhiên liệu hơn. Chẳng hạn, nhờ có công nghệ sinh học, chúng ta có thể thay đổi cấu trúc ADN để cây cối có thể tự thân chống sâu rầy, và nông dân không cần đến phân hóa học hay thuốc chống rầy. Nhờ có công nghệ thông tin, những thứ như băng nhựa hay phim nhựa giờ đây đã được cải biến thành kỹ thuật số, các nhóm ký tự 1 và 0, và giảm bớt lượng rác rưởi và biến rác rưởi trở thành có khả năng tái sinh.

Nhưng chỉ những khai thông trong công nghệ không thể áp đặt những ý tưởng môi trường cho bầy thú, đơn giản vì sáng tạo khoa học không thể nào nhanh kịp – so với tốc độ sinh sôi và gặm nhấm của bầy thú. Bạn có thể thấy điều đó trong những thống kê môi trường mới được công bố. Tạp chí Times đưa tin là năm 1998, 50 phần trăm trong số 233 sinh vật quý hiếm của thế giới đang bị đe dọa tiệt chủng, và cứ mỗi phút sẽ có 52 mẫu rừng của thế giới bị tàn phá.

Vì thế, các nhà môi trường cần phải học cách hành động nhanh hơn. Họ cần phải nhanh chóng phát triển các loại phần mềm và những thủ tục giám sát về môi sinh để đảm bảo phát triển bền vững và bảo tồn những khu môi sinh. Họ cần kết hợp chặt chẽ hơn với nông dân và dân bản xứ, những người mà nguồn sống lệ thuộc nhiều vào núi rừng và hệ thiên nhiên. Họ cần phải đào tạo những tầng lớp thượng lưu bản xứ để phát triển các công viên và khu bảo tồn tự nhiên, không cho phép những kẻ giàu có và dân nghèo thành thị có được phương tiện và ý thức phá hoại. Và tất nhiên, ngay lập tức, họ cần xúc tiến các chương trình dân số kế hoạch hóa, sự bùng nổ dân số sẽ sẽ làm tan vỡ những hệ thống sàng lọc bảo vệ môi trường. Howard Youth viết trong tạp chí World Watch về phương thức Cộng hòa Honduras ở vùng Caribe cho ra một chương trình đào tạo tri thức xanh trong nhiều năm. Anh cho biết chương trình này đã bị ngưng trệ do sự thiếu thốn một số lượng bao cao su. “Bay trên vùng nông thôn của Honduras,” anh viết, “bạn gần như thấy được đất nước này phát triển ra sao: cháy rừng tràn lan, thị trấn mới mọc lên, đường sá mới làm, những mảng rừng bị đốn trọc để con người có chỗ vào khai thác… Mức tăng dân số lớn nhất đã diễn ra trong vùng nông thôn – trong những làng bản lẻ tẻ trong rừng – và trong nhiều khu vực ở đó hiện chưa có các phương tiện phòng tránh thai…”

Ý tưởng thật là hay nếu các nhà môi sinh có thể hoạt động khẩn cấp hơn, nhưng điều đó chưa có nghĩa là họ sẽ hành động. Vậy thì chúng ta sẽ phải làm gì? Chúng ta sẽ phải đương đầu với một thực tế: Để di chuyển cùng tốc độ với bầy thú, chúng ta cần phải cưỡi lên chúng và điều khiển chúng. Chúng ta cần chứng minh cho chúng biết rằng bảo vệ môi trường, hoạt động toàn cầu và kiếm lợi đều có thể được thực hiện cùng một lúc. Nếu muốn cứu vùng Amazon thì mời bạn đến trường thương mại để học cách đàm phán.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx