Rất khó có thể kiếm được người có thể kết hợp được lợi ích thương mại và môi trường, nhưng điển hình gần nhất mà tôi tìm thấy đó là Keith Alger.
Tôi gặp Alger, 44 tuổi, trong một chuyến đi trong vùng rừng bên bờ Đại Tây Dương của Brazil, lúc đó anh ta là một trong những lãnh đạo của một liên minh có công cứu những phần còn lại của vùng rừng nhiệt đới của bang Bahia, phía đông bắc Brazil, đồng thời đã giúp tìm việc làm mới cho những người thợ đốn gỗ ở đó. Là một nhà nghiên cứu khoa học chính trị, kết hôn với một chuyên gia người Brazil về khỉ, Alger sang sống ở đó với mục đích sẽ cứu rừng bằng cách đào tạo cho dân bản xứ về tầm quan trọng của môi sinh. Nhưng anh ta đã nhanh chóng hiểu ra rằng nếu không tìm ra công ăn việc làm mới cho những người thợ đốn gỗ thất nghiệp khi rừng được cứu, thì thật vô ích. Alger miêu tả cho tôi: “Nghèo khó là chuyện khó chịu đựng và cũng thật xấu hổ nếu dân chúng không bảo tồn được rừng của họ. Những nông dân ở đây nói rằng chính họ cũng muốn bảo vệ rừng nhưng làm như thế thì nghề nghiệp của họ cũng mất luôn. Nếu muốn mua một chiếc xe hơi hay kiếm tiền cho con cái đi học đại học thì họ chỉ có việc thuê thợ đốn một vài héc ta trong khu rừng của họ, rừng của họ cũng giống nhà băng. Vậy thì nếu tôi muốn giúp họ giữ rừng thì tôi phải kiếm việc cho họ kiếm tiền.”
Và Alger, người đứng đầu Viện Nghiên cứu Xã hội và Môi trường ở nam Bahia, cộng tác với tổ chức Bảo tồn Quốc tế có trụ sở ở Washington và một nhóm các nhà môi trường ở địa phương, trở thành những thương gia môi trường với nhiệm vụ cứu rừng. Một mặt, nhóm của Alger tranh đấu trong nghị trường suốt bảy năm chống nạn đốn gỗ, cho tới năm 1998, rốt cuộc chính phủ Brazil ra được luật cấm đốn gỗ trong các khu rừng bên bờ Đại Tây Dương phía nam Bahia. Mặt khác, nhóm của Alger cùng các đồng nghiệp địa phương cho xây dựng một công viên môi sinh trong một khu vực của vùng rừng đó. Họ thuê một nhóm người leo núi chuyên nghiệp, dùng cung tên để bắn giây thừng, đan thừng, tạo ra những lối đi trên những ngọn cây cao chót vót, nối với những nhà lá làm trên cây. Những lối đi rộng khoảng 40 phân và hơi rung rinh khi bạn dạo bước từ ngọn cây nọ sang ngọn cây kia trong khu vực bên ngoài thị trấn Una, nơi rừng nhiệt đới một thời che phủ toàn bộ vùng duyên hải. Ngày nay, chỉ còn có bảy phần trăm vùng này được gìn giữ, tránh được dân đốn gỗ và những nông dân đốt nương làm rẫy.
Những lối đi thật là đẹp. Không phải ở đâu người ta cũng tìm thấy một héc ta rừng có tới 450 loài động thực vật, cố tranh nhau để hưởng nắng. Nhón gót trên lối đi bện bằng thừng, bạn có thể thấy những con khỉ quý hiếm, loài khỉ đầu sư tử lông vàng di chuyển từ cây nọ sang cây kia. Bạn cũng có thể xem những tổ mối to như những quả bí đao treo trên những nhánh cây cao su đang rỉ nhựa. Đi vào khu này trên con đường đất, cũng thuộc khu công viên, bạn có thể sánh bước bên cạnh đoàn quân kiến đỏ khổng lồ, đang dọn quang những cành lá để mang về đắp những tổ kiến lớn.
Với sự giúp đỡ của Bảo tồn Quốc tế, nhóm của Alger đã tìm được tài trợ của công ty xe hơi Ford và hãng bia Anheuser-Busch (Budweiser) để dựng nên công viên sinh thái đó. Hai hãng này đang làm ăn ở Brazil. Tiền cũng đến từ cơ quan viện trợ của Mỹ USAID và Banco Real, Ngân hàng Brazil, Ngân hàng sở hữu khách sạn Transmerica gần đó. Chủ tịch Ngân hàng đã nói với các viên chức Brazil: “Tôi muốn khách của tôi ở khách sạn có thể chiêm ngưỡng vùng rừng Brazil từ cửa sổ của họ, thay vì chỉ thấy những vùng đồi trọc như trên mặt trăng.” Anheuser-Busch đã cử các nhà thiết kế công viên của họ từ Florida đến để giúp thiết kế công viên môi sinh này.
Cùng với việc xây dựng công viên, Alger đã phối hợp cùng thị trưởng của Una, bản thân vị này cũng vốn là dân đốn gỗ, để tạo việc làm mới. Chẳng hạn dự án khách sạn Transamerica đã tuyển dụng 600 người, rồi nay khu công viên cần người đi hướng dẫn du lịch. Nhóm của Alger cũng hoạt động để tăng cường kinh tế đồn điền, trồng cây công nghiệp như ca cao và cà phê trong một số nơi, những nhóm cây này có thể tồn tại dưới tán các loại đại thụ. Nhóm của Alger còn giúp chính quyền Una đề nghị chính phủ trung ương tài trợ cho việc đào tạo các giáo viên của các trường trong địa phương. Alger nói: “Tôi đã khiến cho ông thị trưởng bản thân là thợ đốn gỗ hết đường làm ăn. Và tôi biết sẽ phải thực hiện lời hứa kiếm việc khác cho họ, nếu không họ sẽ trách là chúng tôi đem con bỏ chợ.”
Một nơi khác mà Alger đã để mắt đến, đó là cộng đồng công nghệ cao, một cộng đồng được coi trọng ở các nước đang phát triển. Các thống đốc và các thị trưởng ở các nước này đang mơ tới việc sẽ có nhà máy sản xuất chip vi tính được xây dựng trên đất của họ. Intel, được Gordon Moore là một trong những người sáng lập của hãng đồng thời trong ban quản trị của Bảo tồn Quốc tế thúc giục, đã tài trợ về vốn và máy vi tính cho nhóm của Alger trong việc lập bản đồ các cánh rừng và chú trọng lựa chọn để cứu từng khu vực. Sử dụng phương tiện gọi là Hệ thống Thông tin Địa lý [GIS], nhóm của Alger có thể nạp dữ liệu các cánh rừng vào máy tính rồi phân tích chúng.
“Điều quan trọng nhất chúng tôi muốn phân tích bằng máy tính là tìm xem những đoạn tắc nghẽn và những hành lang chia cắt các cánh rừng nằm ở đâu,” Alger cho biết. “GIS sẽ chỉ ngay ra những nơi đó. Vì những hành lang có tác dụng nối hai vạt rừng lớn với nhau, chúng cần được bảo tồn, thì mới giữ các dạng động thực vật ở lại trong rừng, nếu không có các hành lang được bảo tồn thì các loại động thực vật sẽ bị cô lập và dễ bị diệt vong. Chúng tôi đã xây dựng Công viên Môi sinh Una trên một hành lang mà trước đây vị thị trưởng đã cho phép khai thác gỗ.”
Alger cũng tìm đến George St. Laurent, một thương gia người Mỹ lập dị và ham phiêu lưu, người đã xây một nhà máy sản xuất máy vi tính cho thị trường Brazil trên khu đất gần Una, nơi trước kia có nhà máy sản xuất ca cao. St. Laurent đã được hưởng các ưu đãi về thuế của chính phủ bang để xây dựng nhà máy, nhưng ông ta nói với chính phủ rằng ông cần nhiều sự ủng hộ hơn nữa thì mới lôi kéo được các kỹ sư máy tính từ Sao Paulo và Thung lũng Silicon sang làm việc ở đó. Ông ta đòi thêm màu xanh của cây lá chứ không phải màu xanh của đô-la. Duy trì một môi trường sạch đẹp thật quan trọng trong việc thu hút nhân lực tri thức, những người thường dễ dàng di chuyển từ nơi này sang nơi khác. Chẳng có thế mà Thung lũng Silicon lại được đặt ở California. “Tôi nói với ông thống đốc là chúng tôi cần một môi trường sạch đẹp,” St. Laurent nói. “Tôi nói với ông ta rằng các kỹ sư máy tính muốn sống ở đâu cũng được. Họ muốn có điều kiện sống thật tốt và những nơi đi nghỉ vào cuối tuần. Nếu họ tình cờ đến làm việc ở một môi trường sinh thái đa dạng, thì họ muốn bảo tồn và gắn bó với nó, hơn là phải thấy nó bị tàn phá.” Để giúp Alger lấy lòng được chính phủ địa phương, St. Laurent đã hứa sẽ tặng một số máy tính cho các trường học ở đó.
Và rốt cuộc thì do những áp lực từ chính phủ Barazil và của nhóm Alger, Thị trưởng Una đã phải miễn cưỡng nhượng bộ. Ông ta nói với tôi:
“Khi mới nghe về những tay môi trường đó, tôi nghĩ họ định truy tố chúng tôi. Cách đây hai năm tôi bắt đầu hiểu rằng chính họ đang lo giúp vùng này phát triển. Una có 32.000 dân sống trên 1.700 km2. Ba cơ sở chính để tạo việc làm ở đây là khách sạn Transameria, Unacaw (một đồn điền ca cao) và cơ quan thị chính. Cuộc sống ở đây khó khăn khủng khiếp. Khoảng 40 phần trăm dân sống trong những nhà gỗ, và từ ngày ngành ca cao đổ bể, mọi sự trở nên tồi tệ hơn… Tôi không trách cứ gì chuyện Keith [Alger] nói với chúng về sự thật – rằng đốn gỗ không phải là giải pháp bền vững. Phía chúng tôi phải tự tạo công ăn việc làm. Nhưng Keith cũng phải ra tay cống hiến.”
Bài học mà Alger rút ra từ việc này đó là cung cách cứu sống rừng rậm cũng giống như phương pháp cứu nguy một hệ thống tài chính yếu kém của một đất nước – phải coi đó là một xã hội đang đi lên chứ không phải là một thị trường mới trỗi dậy. Cứu giúp xã hội sẽ hỗ trợ cho việc cứu giúp cây cối.
Alger nói: “Chúng tôi bắt đầu bằng việc quy tụ các sinh viên đại học người Brazil ở vùng này rồi thành lập Viện Nghiên cứu Xã hội và Môi trường Nam Bahia. Sau đó chúng tôi đào tạo và trang bị cho họ để trở thành những nhà bảo tồn môi sinh hiện đại. Có nghĩa là đào tạo những nhà sinh vật học về những chủ đề thương mại và dạy cho những nhà kinh tế biết cách dùng kỹ thuật đồ bản hiện đại trong địa lý học. Cho tới gần đây không một trường đại học nào của Brazil giảng dạy những chủ đề mang tính hội nhập đó hay những kỹ năng cho nhiều ngành mà bạn cần biết để có thể trở thành những thương gia về môi trường. Chúng tôi đang đào tạo một thế hệ mới về cách thức tận dụng tiền bạc, trong việc bảo tồn môi trường và loài vật và xây dựng được những cơ hội kinh tế và xã hội cho những con người đang sống gần thiên nhiên. Nếu không kết hợp được hai việc đó thì chúng tôi chẳng thể nào cứu được cây cối.”
Một phương pháp nữa để duy trì toàn cầu hóa màu xanh là chứng minh cho các công ty và những cổ đông của chúng rằng giá cổ phiếu và cổ tức của họ sẽ tăng nếu họ thực hiện các biện pháp sản xuất hợp môi trường.
Jim Levine, một kỹ sư ngành môi trường là thành viên quản trị của Ủy ban Bảo tồn và Phát triển Vịnh San Francisco đồng thời đang huấn luyện cho các công ty về lợi ích của việc kết hợp môi trường và lợi nhuận. Anh ta giải thích cho tôi về khái niệm này: “Nhiệm vụ của bạn là thuyết phục các công ty, cổ đông và những nhà phân tích chứng khoán ở phố Wall rằng những hoạt động ảnh hưởng xấu đến môi trường sẽ dẫn tới lãng phí về lợi nhuận. Cho tới cách đây 10 năm, bảo vệ môi trường vẫn chưa trở thành một trong những mục tiêu của các công ty. Giờ đây, với việc chính phủ đang giáng xuống đầu các công ty với những luật lệ mới và những ưu đãi về thuế để họ quan tâm đến môi trường hơn, và với việc Ủy ban Giao dịch Chứng khoán tuyên bố sẽ công bố mức ảnh hưởng của hoạt động của công ty tới môi trường cho các cổ đông – ví dụ họ đổ rác ở đâu và chi phí dọn rửa sẽ lên đến đâu – đã xuất hiện những thay đổi lớn. Các công ty nhận thấy rằng nếu họ sang Bangkok, xây một nhà máy gây ô nhiễm ở đó, trong khi chính phủ ở đó đang cho ra đời những đạo luật bảo vệ môi trường, và ra lệnh cho họ phải chi phí để dọn rửa môi trường – như vậy chi phí cho nhà máy này sẽ rất đắt đỏ, so với việc tổ chức xây dựng và tuân thủ các quy chế môi trường ngay từ ban đầu.”
Một trong những công ty hàng đầu sử dụng mô hình mới là Baxter International, Inc., một hãng dược có trụ sở tại Chicago. Năm 1997, Baxter đạt doanh số 6,1 tỷ đô-la, hàng hóa sản xuất từ 60 nhà máy trên thế giới. Trong báo cáo hàng năm trước cổ đông, Baxter đã ghi riêng một mục mới – báo cáo về tài chính liên quan đến môi trường của các hoạt động của công ty. Báo cáo năm 1997 cho biết các hoạt động sản xuất tuân thủ việc bảo vệ môi trường đã tiết kiệm cho công ty được 14 triệu đô-la, thừa trang trải cho chi phí vào chương trình môi trường. Hơn nữa, theo báo cáo, chương trình môi trường đã giảm chi phí hoạt động sản xuất và tiết kiệm được 86 triệu đô-la tính từ năm 1990. “Điều này cho thấy,” báo cáo cho biết, “Baxter đáng nhẽ sẽ phải chi thêm 100 triệu đô-la trong năm 1997 để sơ chế nguyên liệu, chi phí rác thải và đóng gói, nếu họ không có những hành động bảo vệ môi trường từ năm 1990.”
Hầu hết các quốc gia ngày nay vẫn chưa có luật “người gây ô nhiễm phải bỏ tiền đền”. Rồi một ngày tới nhiều nước sẽ có luật này. Chính vì thế báo cáo của Baxter năm 1997 cho biết “tốt nhất là rác rưởi của chúng ta ngày nay cần được chuyển tới những cơ sở xử lý đảm bảo. Làm như thế sẽ tránh được khả năng phải đền bù trong tương lai.” Nếu không làm được điều đó, thì chứng tỏ những quản trị công ty không quan tâm gì tới cổ đông và sẽ bỏ phí những phần thưởng giành cho chính họ.
Tuy nhiên có những khi mô hình lợi nhuận này đã tỏ ra thiếu hữu hiệu. Đôi khi người ta chỉ muốn tận dụng kiệt cùng đất đai để rồi bán sản phẩm ra toàn cầu rồi kiếm đầy túi tham. Vậy để đối phó, chỉ còn một phương thức cuối cùng, rất mạnh mẽ – đó là học cách dùng toàn cầu hóa để chống lại chính nó.
Tôi khám phá ra điều này cũng là ở Brazil, không phải trong vùng rừng nhiệt đới mà là ở vùng sình lầy Pantanal, nơi tôi đã đến cùng một nhóm thuộc tổ chức Bảo tồn Thế giới. Chúng tôi đi trên một máy bay cánh quạt nhỏ đến Fazenda Rio Negro, một trang trại trên con sông Rio Negro, trang trại có một sân đỗ máy bay ở đằng trước. Kế hoạch của chúng tôi là bước đầu sẽ phỏng vấn Nilson de Barros, Chánh thanh tra về môi trường của bang Mato Grosso do Sul, Brazil. Tôi biết đây sẽ là một cuộc phỏng vấn lý thú khi ông Barros khăng khăng nói cứ lên thuyền đi vào sông rồi hỏi gì thì hỏi. Chúng tôi lên những chiếc xuồng máy từ Fazenda đến một địa điểm bên bờ thấp của con sông. Ở đó, Barros và nhóm của ông ta chờ đón chúng tôi, đứng trong nước ngập tới thắt lưng, bên cạnh là một chiếc thuyền chở đầy bia ướp lạnh.
“Uống bia trước, sau đó tắm, rồi chúng ta nói chuyện,” ông ta nói, tay mở một lon Skol, ngay bên bờ sông.
Thế mà tôi từng nghĩ nghề mình là nghề sướng nhất thế giới!
De Barros giải thích vùng Pantanal nằm trên biên giới giữa Brazil, Bolivia và Paraguay, có địa bàn sông nước và sình lầy lớn nhất thế giới (diện tích tương đương với bang Wisconsin), là quê hương của loài báo và rất nhiều muông thú bị tiệt chủng đe dọa. Thiên nhiên Pantanal, nhìn từ nơi chúng tôi đang đứng, giữa sông, hoang dã như trong phim Công viên Kỷ khủng long, không có khủng long. Dọc theo bờ sông, chúng tôi đi qua những con cá sấu nằm sưởi nắng, chồn nước lặn ngụp, diệc trắng, vẹt đuôi dài, chim tu can, cò quăm, hươu, … đà điểu vv. Không giống vùng sông Amazon, Barros giải thích, Pantanal không bị đe dọa từ những người dân nghèo bị buộc phải phá môi trường để chống đói. Văn hóa ở Pantanal cho thấy một ví dụ rất hiếm về việc con người và thiên nhiên cùng phát triển hòa thuận thông qua hoạt động đồn điền, đánh cá và giờ đây là du lịch sinh thái. Đe dọa đến với vùng này từ toàn cầu hóa: có những nông dân trồng đậu tương sống phía trên vùng lòng hồ Pantanal đang hăng hái muốn mở rộng canh tác để cung ứng cho các thị trường đậu tương trên thế giới. Thuốc trừ sâu và bùn từ những thửa đất của họ đang tràn xuống, xối vào vào những con sông và ảnh hưởng tới hệ động thực vật ở dưới. Đồng thời Brazil, Argentina, Uruguay và Bolivia đang hình thành một khối thương mại để cạnh tranh quốc tế. Và để chuyển đậu tương từ vùng này sang các thị trường toàn cầu nhanh chóng hơn, họ muốn nạo vét và nắn lại các con sông – để các loại xà lan có thể đi lại nhanh và thuận tiện hơn – nhưng như thế sẽ dễ dàng tàn phá hệ sinh thái ở đây. Và sau cùng, một tổ hợp các công ty năng lượng quốc tế, đứng đầu là Enron, đang xây dựng một đường ống dẫn khí đốt từ vựa khí đốt Bolivia đến Sao Paulo, vùng đang thiếu thốn năng lượng. Đường ống dẫn này có thể gây hại rất nhiều cho môi trường Pantanal.
Trong khi toàn cầu hóa là đe dọa chủ yếu đối với Pantanal, nó cũng là một hy vọng lớn đối với sự sống vùng này. Một mặt, những cư dân ở Pantanal hiện có một cơ hội gìn giữ lối sống truyền thống, dựa vào việc giữ nguyên thiên nhiên trên vùng đất, bán vé du lịch sinh thái và bán loại bò nuôi tự nhiên cho các thị trường toàn cầu, những nơi sẵn sàng trả giá cao cho những loại thịt bò đó. Hơn nữa, có những công ty kỹ thuật cao vào hoạt động ở vùng này cũng là một lợi thế. Thương vụ đậu tương đã thu hút những đội xà lan lớn, kỹ thuật cao trên toàn cầu, họ có khả năng dùng công nghệ cao để giảm thiểu các tác hại đối với môi trường – loại xà lan hiện đại có thể di chuyển hữu hiệu trên các luồng lạch khó đi, tránh được nhu cầu phải nắn lại sông ngòi.
Nhưng quan trọng hơn đó là toàn cầu hóa đã làm sản sinh ra một thế hệ những nhà môi trường được trang bị tốt, những người có thể tự thân chống lại ảnh hưởng của Bầy Thú Điện Tử và sức ép từ phía các chính phủ. Nhờ có Internet, những nhà môi trường trong một nước có thể nhanh chóng báo động cho đồng nghiệp của họ ở nhiều nước khác về hoạt động của một công ty đa quốc gia. Do đó khi đương đầu với các hoạt động trên Internet đó, các công ty đa quốc gia dần dần nhận thấy rằng để giữ gìn uy tín và thương hiệu toàn cầu, họ sẽ phải có trách nhiệm cao hơn về vấn đề môi trường. Điều xảy ra ở Pantanal là việc những nhà bảo tồn địa phương liên kết với nhưng nhà hoạt động môi trường ở Hoa Kỳ để gây sức ép đối với ngân hàng Phát triển Liên Mỹ, ngân hàng đang chuẩn bị tài trợ cho các dự án nạo vét và uốn nắn sông ngòi vùng này. Ngân hàng này, do nhạy cảm với uy tín toàn cầu của nó, đã gây áp lực với chính quyền địa phương để họ thực hiện một đánh giá thật đầy đủ về yếu tố môi trường. Sau cùng chính quyền sở tại đã cho ra một phương pháp mới để cải tiến công tác hoa tiêu trên sông và tránh được việc phải uốn nắn lại lòng sông.
“Đây là điều tương phản với những gì có thể xảy ra cách đây chừng 15 năm,” Glenn Prickett, Phó chủ tịch phụ trách đối tác doanh nghiệp của tổ chức Bảo tồn Thế giới. “ Hãy nghĩ về một đất nước như Brazil. Mười lăm năm trước có các tướng lĩnh nắm quyền, khi đó nếu những nhà môi trường nước ngoài chỉ trích sự phát triển kinh tế vùng Amazon thì các tướng lĩnh đó nói với họ: “Biến ngay! Đây là chủ quyền lãnh thổ của chúng tôi. Chẳng dính dáng gì đến quý vị cả.” Nhưng khi có toàn cầu hóa và Internet và chính phủ Brazil đã bắt đầu để cho, thậm chí mời các công ty lớn vào đầu tư, thì một động lực mới đã xuất hiện. Động cơ của sự phát triển đã được chuyền sang tay các công ty và định chế toàn cầu – những tay làm ăn và đi lại trên toàn cầu – chính những nhân tố đó phải lo lắng về uy tín toàn cầu của họ trong vấn đề môi trường. Nếu những nhà hoạt động vì môi trường người Brazil lên mạng và kể cho những đồng nghiệp của họ ở Mỹ và châu Âu rằng công ty toàn cầu đó đang phá môi trường ở Brazil, thì những đồng nghiệp ở đó sẽ hành động. Sớm muộn thì công ty toàn cầu đó sẽ phải đương đầu với một chiến dịch toàn cầu, gây hại cho công cuộc làm ăn của họ, không những ở Brazil, mà còn ở trên toàn thế giới.”
Với việc có thêm nhiều chính thể dân chủ trên thế giới hiện nay thì đôi khi chỉ cần một người tranh đấu vì môi trường đi đến cửa quốc hội, vẫy một bức email thì cũng có thể chặn đứng một dự án nhà máy năng lượng hay những thương vụ có thể gây hại cho môi trường. Các tổng công ty lớn đang nhận thấy rằng nếu ủng hộ những hoạt động môi trường, họ có thể cải thiện hình ảnh thương hiệu của họ trong giới tiêu dùng, những người ngày càng quan tâm hơn đến môi trường.
“Trong một thế giới các hoạt động được phối hợp toàn cầu thì không còn chốn ẩn úp nào nữa giành cho các công ty có hành vi gây hại đối với môi trường, “ Prickett nói. “Khách hàng, người giám sát và các cổ đông mọi nơi giờ đây có thể khen thưởng hay trừng phạt những công ty về những điều chúng gây ra ở những nơi hẻo lánh. Đối với những kẻ biết nghe lời, họ sẽ mở cửa tiếp đón, đối với những kẻ bất chính, thì họ sẽ đóng cửa lánh xa.”
Những công ty làm ăn giỏi nhất đã học được bài học đó. Charles O. Holliday Jr., Chủ tịch công ty DuPont, một lần đã giải thích cho tôi, “Ngày trước, nếu muốn xây một nhà máy trong một khu dân cư, chúng tôi nghĩ chỉ cần được sự chấp nhận của dân chúng sống quanh đó là được. Thời đó qua rồi. Với Internet và những thứ khác, giờ đâu hình như bạn phải lấy lòng khoảng sáu tỷ dân láng giềng… Bạn có thể khiến chính phủ phê duyệt rất nhiều thứ, nhưng câu hỏi giờ đây là làm thế nào bạn phải xây dựng cho được một liên minh công chúng rộng khắp.”
Điều này giải thích vì sao hãng xe Ford đang tài trợ cho nghiên cứu của Bảo tồn Thế giới về vùng Pantanal, về chương trình quản lý môi trường hoang dã của nó và việc chuyển giao các đồn điền gia súc vào tay tư nhân – và thậm chí còn vận động hành lang nơi chính phủ Brazil để trợ giúp việc bảo tồn Pantanal. Nói thẳng ra là Ford giúp Pantanal không phải vì họ yêu thích các loài muông thú đang chịu tuyệt chủng mà vì họ tin rằng họ có thể bán nhiều xe hơi hiệu con báo [Jaguar] hơn, khi người ta thấy họ đang cứu những con báo thật ở vùng Pantanal.
@by txiuqw4