18. Cách mạng Mỹ
Tôi là người tin vào cái triết lý về năm cây xăng trên thế giới. Đúng thế: tôi tin rằng bạn có thể rút gọn các nền kinh tế thế giới ngày nay thành năm cây xăng khác nhau.
Trước hết là cây xăng Nhật Bản. Giá 5 đô-la một gallon. Bốn nhân viên mặc đồng phục và đeo găng tay trắng, hưởng biên chế suốt đời, phục vụ bạn. Họ bơm xăng vào xe của bạn. Họ thay dầu. Họ rửa kính xe, và họ vẫy theo bạn với những nụ cười, bạn ra đi thảnh thơi.
Cây xăng thứ hai nằm ở Mỹ. Giá xăng chỉ có 1 đôla một gallon, nhưng bạn phải tự bơm lấy xăng, tự rửa kính xe, tự bơm lốp xe. Và khi bạn lái xe ra khỏi đó thì có những kẻ vô gia cư sẽ nhăm nhăm để vặt nắp đậy bánh xe của bạn.
Cây xăng thứ ba ở Tây Âu. Giá xăng cũng là 5 đô-la một gallon. Chỉ có một nhân viên ra phục vụ. Anh ta miễn cưỡng bơm xăng cho bạn, phụng phịu thay dầu, và cằn nhằn suốt buổi rằng nghiệp đoàn của anh ta nói anh chỉ làm có thế – bơm xăng và thay dầu. Anh ta không rửa kính xe. Anh ta chỉ làm có 35 giờ một tuần, mỗi ngày nghỉ ăn trưa một tiếng rưỡi, trong thời gian đó, cây xăng sẽ đóng cửa không phục vụ. Mỗi năm anh ta có sáu tuần nghỉ phép ở vùng phía nam nước Pháp. Bên kia đường là nơi ở của hai người anh và một ông cậu của anh ta, cả ba người không có công ăn việc làm suốt 10 năm vì chế độ bảo hiểm ở đây trả cho họ hậu hĩnh hơn là công việc trước kia họ có. Họ dành thời gian chơi bóng với nhau.
Cây xăng thứ tư ở một nước đang phát triển. Có 15 nhân viên phục vụ, tất cả bọn họ có quan hệ họ hàng với nhau. Khi bạn lái xe vào thì chẳng ai để ý đến bạn vì họ đang mải nói chuyện với nhau. Xăng có giá chỉ 35 xu đô-la một gallon vì được nhà nước trợ giá. Nhưng trong sáu vòi bơm chỉ thấy có một vòi hoạt động. Những vòi khác bị hỏng. Mọi người đang chờ linh kiện thay thế gửi từ châu Âu sang. Cây xăng có nhà xưởng xộc xệch vì người chủ sống ở Zurich và khi về đã mang theo toàn bộ doanh thu. Nhưng người chủ không biết rằng một nửa số nhân viên của ông ta đêm đến thì vào ngủ trong xưởng và dùng vòi nước rửa xe để tắm táp. Phần lớn những khách hàng ở các nước đang phát triển đi bằng xe Mercedes hoặc xe máy – không có thứ xe nào khác. Nhưng cây xăng vẫn là nơi bao giờ cũng bận rộn, vì có nhiều người đi xe đạp vào dùng bơm miễn phí để bơm săm xe đạp của họ.
Sau cùng là cây xăng trong một nước có nền kinh tế kế hoạch hóa, quan liêu bao cấp. Giá xăng ở mức 50 xu đô-la một gallon – nhưng không có xăng trong téc – vì bốn nhân viên ở đó đã đem xăng bán ở chợ đen với giá 5 đô-la một gallon. Chỉ có một nhân viên có mặt làm việc, vì ba người kia đang làm nghề phụ ở đâu đó cũng để phục vụ cho nền kinh tế chợ đen. Mỗi tuần họ có mặt một lần để nhận lương.
Về đại thể, thì trong thời toàn cầu hóa, ai ai cũng bị lôi cuốn tới cái trạm xăng của Hoa Kỳ. Nếu bạn không phải là người Mỹ, không biết tự bơm xăng lấy, thì tôi gợi ý bạn nên sớm đi học cách bơm xăng. Sau Chiến tranh Lạnh, toàn cầu hóa đang khoác chủ nghĩa tư bản phong cách Anglo-Mỹ và chiếc áo nịt nạm vàng lên toàn thế giới. Nó áp đặt lên toàn cầu thứ văn hóa và hình tượng văn hóa kiểu Mỹ. Nó áp đặt lên toàn cầu cả giá trị lẫn rác rưởi của Mỹ. Nó áp đặt cuộc Cách mạng Mỹ và cây xăng theo lối Mỹ.
Không phải ai cũng thích cây xăng của Mỹ và những điều nó tượng trưng, và bạn hiểu rõ lý do vì sao. Thể hiện trong những cây xăng Tây Âu, Nhật Bản.v.v... là những giao kèo xã hội rất khác của Mỹ, và những cách nhìn nhận rất khác nhau về cung cách hoạt động của thị trường, cũng như phương pháp kiểm soát thị trường. Người châu Âu và Nhật Bản tin vào việc nhà nước có quyền kiểm soát dân chúng và thị trường, trong khi người Mỹ thì tin rằng hãy để dân chúng nắm quyền và trả tự do cho thị trường tới mức nhất định, để cả hai tự phân định ra kẻ thắng người thua.
Do những người Nhật, Tây Âu v.v... không cảm thấy thoải mái trong các thị trường hoàn toàn tự do, với những lợi nhuận và trừng phạt sinh ra trong thị trường này, nên những cây xăng của họ được thiết kế để thể hiện những tấm đệm giữa những sự bất bình đẳng và để phân chia đồng đều các lợi nhuận. Các cây xăng cũng thể hiện truyền thống và giá trị riêng của những cộng đồng của họ. Người Tây Âu thể hiện bằng cách cắt giảm số nhân công, tuyển ít người đi nhưng trả lương cao hơn, thu nhiều thuế hơn, để có thể hỗ trợ cho giới thất nghiệp và làm từ thiện. Người Nhật Bản thể hiện điều đó bằng cách trả lương cho nhân viên ít đi nhưng đảm bảo biên chế cho họ suốt đời, rồi bảo hộ những công việc và phúc lợi thuộc về biên chế đó bằng cách hạn chế các đối thủ cạnh tranh người nước ngoài vào thị trường Nhật Bản. Ngược lại cây xăng của người Mỹ là một nơi thuận tiện cho xe ra vào: khách hàng là thượng đế; cây xăng không phải là nơi bảo tồn các giá trị xã hội; trách nhiệm ở đó là cung cấp xăng với giá thấp nhất. Nếu có thể cho phép không có nhân viên phục vụ ở đó thì càng tốt. Thị trường linh hoạt có thể cho phép dân chúng tìm việc nơi khác. Bạn nói rằng như thế lạnh lùng quá? Cũng có thể. Nhưng dù muốn hay không muốn thì đó sẽ là mô hình mà toàn thế giới đang ngày càng bị buộc phải dùng.
Hoa Kỳ bị mọi người chỉ trích về điều đó vì, trong nhiều phương diện, toàn cầu hóa chính là Hoa Kỳ – hay ít nhất, đó là cách hiểu của dân chúng ở nhiều nơi trên thế giới. Ba cuộc dân chủ hóa phần lớn trưởng thành ở Mỹ. Chiếc áo nịt nạm vàng đã được dệt ở Mỹ và Anh. Bầy Thú Điện Tử do những con bò mộng phố Wall dẫn đầu. Lực lượng đang gây sức ép khiến các nước phải mở cửa cho phép thương mại và đầu tư tự do là Chú Sam, và lực lượng vũ trang của Hoa Kỳ đang gìn giữ những thị trường tự do và những tuyến vận chuyển biển trong thời toàn cầu hóa hiện nay, tương tự như cách mà hải quân Anh đã từng làm trong thời toàn cầu hóa lần thứ nhất hồi thế kỷ 19. Joseph Nye, Jr., Hiệu trưởng trường Kennedy của Đại học Harvard đã tóm tắt thực tế đó rất hay, khi ông ta chỉ ra: “Trong những thể hiện gần đây, dấu vết của toàn cầu hóa có thể được tìm thấy ở chiến lược của Hoa Kỳ sau Chiến tranh thế giới thứ hai và nguyện ước tạo dựng một nền kinh tế quốc tế để ngăn chặn khả năng một cơn khủng hoảng khác, đồng thời đối trọng với Liên Xô và kiềm chế chủ nghĩa cộng sản. Khuôn mẫu căn bản và những sức ép chính trị đòi mở cửa kinh tế là một sản phẩm của sức mạnh và chính sách của Hoa Kỳ. Chúng đã được tiếp sức bởi sự phát triển của công nghệ giao thông và viễn thông. Điều đó khiến cho những quốc gia muốn cưỡng lại sức mạnh thị trường sẽ ngày càng phải trả giá đắt hơn.” Nói cách khác, ngay trong Chiến tranh Lạnh, Hoa Kỳ đã bắt tay vào xây dựng một nền kinh tế toàn cầu để phục vụ mục đích kinh tế và chiến lược của mình. Kết quả là khi cuộc cách mạng thông tin và ba trào lưu dân chủ hóa hợp lực hồi cuối những năm 80, đã xuất hiện một cơ cấu quyền lực có khả năng tiếp thụ những khuynh hướng và công nghệ đó và tiếp tục hỗ trợ cho chúng lan tràn trên khắp thế giới. Như đã nói trước đây, sự kết hợp giữa sức mạnh và những lợi ích chiến lược của Hoa Kỳ, kết hợp với Cách mạng Thông tin sản xuất tại Mỹ, đã tạo ra thời đại toàn cầu hóa thứ hai và gắn vào đó bộ mặt Hoa Kỳ.
Ngày nay toàn cầu hóa thường có cái tai của chuột Mickey, ăn McDonald’s, uống Coke hay Pepsi và sử dụng máy tính IBM PC, dùng hệ điều hành Windows 98, với bộ vi xử lý Intel Pentium II trong một mạng nội bộ nối với Cisco Systems. Chính vì thế trong khi sự khác biệt giữa toàn cầu hóa và Mỹ hóa thường rất rõ với người Mỹ; không may thay lại chẳng rõ chút nào với những người khác trên thế giới. Trong phần lớn các xã hội, dân chúng không phân biệt giữa sức mạnh Mỹ, hàng Mỹ, những sự tấn công về văn hóa Mỹ, những sản phẩm văn hóa Mỹ với những yếu tố toàn cầu hóa đơn thuần. Chúng đang lẫn vào nhau. Tôi không phải là người muốn đánh đồng giữa toàn cầu hóa và Mỹ hóa – và chỉ muốn nói là những yếu tố đó bị nhiều người lẫn với nhau. Chẳng lạ gì báo Nhật Bản, tờ Nihon Keizai Shimbun đăng một hàng tít vào ngày 4/6/1999, về một hội nghị về toàn cầu hóa ở Tokyo, đã nói về một hiện tượng “toàn cầu hóa do Hoa Kỳ khởi đầu.” Khi dân chúng từ các nước đang phát triển nhìn vào hệ thống toàn cầu hóa hiện nay, người ta thường thấy một tấm quảng cáo tuyển mộ mang nội dung: CHÚ SAM MUỐN BẠN (để đưa bạn đến với Bầy Thú Điện Tử).
Martin Indyk, Đại sứ Mỹ ở Israel đã kể cho tôi một câu chuyện minh họa rất hay cho điểm này. Là Đại sứ, ông ta được mời đến lễ khai trương một tiệm McDonald’s ở Jerusalem. Tôi hỏi ông ta rằng ông đã nói gì trong dịp đó, dịp McDonald’s được khai trương ở một thành phố đầy tín ngưỡng, và ông nói: “Thức ăn nhanh dành cho quốc gia phát triển nhanh.” Nhưng điểm hay nhất mà ông ta kể lại sau đó là McDonald’s đã tặng ông ta một chiếc mũ đánh bóng chày nhiều màu với logo của hãng, và mời ông tới ăn ở tiệm ăn được khai trương nọ. Truyền hình Israel đã tường thuật từng chi tiết của buổi lễ và phát trong bản tin tối của họ. Ở tiệm ăn hôm đó có đông đảo thanh niên Israel. Khi ông Đại sứ chuẩn bị ăn món ăn đầu tiên của tiệm thì một thanh niên Israel bước qua đám đông đến bên ông ta. Thanh niên này mang theo cũng một chiếc mũ của McDonald’s, đưa cho ông và nói, “Ông là ông Đại sứ? Xin ông một chữ ký lưu niệm.”
Hơi ngượng nghịu, Đại sứ Indyk trả lời, “Được thôi. Chưa bao giờ có ai xin tôi chữ ký lưu niệm cả.”
Khi vị Đại sứ cầm lấy chiếc mũ và sắp ký lên đó, thanh niên này nói, “Cảm tưởng của ông khi làm Đại sứ cho McDonald’s ra sao? Ông được đi lại trên thế giới và khánh thành tiệm McDonald’s ở khắp mọi nơi?”
Ngạc nhiên quá đỗi, Đại sứ Indyk nhìn thanh niên này và nói, “Không, không. Tôi là Đại sứ của nước Mỹ – không phải là Đại sứ của hãng McDonald’s!”
Thanh niên Israel này bỗng tiu nghỉu. Đại sứ Indyk mô tả điều xảy ra sau đó: “Tôi nói với anh ta, “vậy có nghĩa là anh không muốn chữ ký lưu niệm của tôi nữa phải không?” Và thanh niên này nói: vâng, anh ta lấy lại chiếc mũ và bước đi chỗ khác.”
Quả thực là cái quan hệ lúc ghét – lúc thương giữa nước Mỹ và thế giới giờ đây đã trở nên sâu sắc hơn bao giờ hết. Đối với một số người, Mỹ hóa-toàn cầu hóa dường như là một con đường hấp dẫn, rộng rãi thoải mái đưa họ tới một mức sống khá hơn. Với những người khác, Mỹ hóa-toàn cầu hóa đã hun đúc trong lòng họ một sự ganh tị và căm ghét đối với nước Mỹ – ganh tị khi Mỹ có vẻ giỏi giang trong việc điều khiển con hổ toàn cầu hóa, căm ghét là vì dường như trong cái trục Mỹ hóa-toàn cầu hóa, Hoa Kỳ đang ra roi quất lên các dân tộc khác, bắt họ phải chạy cho nhanh, nối mạng cho nhanh, cắt giảm biên chế cho nhanh để theo kịp nước Mỹ hội nhập vào Thế giới Đi nhanh. Tôi vẫn tin rằng có nhiều người yêu nước Mỹ hơn là ngược lại, nhưng trong chương này, tôi chỉ muốn nói về những người căm ghét nước Mỹ. Tôi muốn nói về một sự chống đối khác, nhằm vào toàn cầu hóa – sự căm ghét đang tăng lên nhằm vào Hoa Kỳ, trong kỷ nguyên toàn cầu hóa, kỷ nguyên được đánh dấu bằng những biểu tượng, thị trường và sức mạnh của nước Mỹ.
Nhà sử học Ronald Steel có lần đã nói: “Chúng ta tin rằng những định chế của chúng ta phải giam hãm những định chế khác vào đống tro tàn của lịch sử. Chúng ta định hướng cho một hệ thống kinh tế đã thực sự chiến thắng các mô hình sản xuất và phân phối khác – để lại đằng sau những tài sản lớn cũng như những đống rác không nhỏ. Thông điệp văn hóa mà chúng ta truyền đạt thông qua Hollywood và McDonald’s lan tràn trên thế giới đã trói buộc và tàn phá các xã hội khác. Không giống như những cuộc chinh phục trước đây, chúng ta không chỉ bắt người khác đầu hàng: Chúng ta khăng khăng buộc họ phải thay đổi, phải giống như chúng ta. Và dĩ nhiên làm như thế là để có lợi cho họ. Chúng ta là những nhà truyền giáo không ngừng nghỉ của thế giới. Thế giới phải trở nên dân chủ. Phải theo tư bản chủ nghĩa. Phải bị ràng buộc vào mạng điện toán toàn cầu. Chính vì thế có nhiều người đã cảm thấy bị đe dọa bởi những gì chúng ta đại diện.”
Một chân dung nước Mỹ tiêu biểu được khắc họa trong bức tranh Mái vòm nước Mỹ của tác giả Grant Wood, trong đó đặc tả cảnh một cặp vợ chồng cầm trong tay gậy xỉa rơm, mặt mũi nghiêm trang, đứng trong một trang trại nhìn ra ngoài. Nhưng ngày nay đối với nhiều người, hình ảnh nước Mỹ sẽ là một cặp thanh niên khoảng ngoài 20 tuổi, kỹ sư phần mềm máy tính, tóc dài, đi dép xăng đan, cổ đeo chuỗi hạt, mũi xăm trổ, và chân dính sơn. Đó là hình ảnh của họ khi xuất hiện ở nước ngoài. Họ đến đạp cửa trước của nhà bạn, vào nhà thay đổi vị trí đồ đạc, nhồi vào miệng của bạn đầy một thứ bánh McDonald’s, nhồi sọ con cái của bạn những ý tưởng quái lạ, ném một thiết bị thu truyền hình cáp lên TV nhà bạn, gắn một thiết bị nối Internet vào máy vi tính của bạn và nói: “Truy cập hay là chết.”
Chúng ta là thế đó. Chúng ta, những người Mỹ, là những vị tông đồ của Thế giới Đi nhanh, là kẻ thù của các truyền thống, là những vị tiên tri của thị trường tự do và cha xứ truyền bá công nghệ cao. Chúng tôi muốn mở rộng những giá trị của bạn lẫn những tiệm bánh Pizza Huts của chúng tôi. Chúng tôi muốn thế giới đi theo sự dẫn đường của chúng tôi và trở nên dân chủ, gắn mạng Internet lên mỗi dụng cụ gia dụng, ai cũng phải uống Pepsi, mỗi máy tính đều phải có hệ điều hành Windows và trên hết – trên hết – ai ai, ai ai cũng phải biết tự bơm xăng vào xe hơi của mình.
Khi bước vào khách sạn Homa Hotel ở trung tâm Teheran, tháng 9/1996, đập ngay vào mắt tôi là một tấm biển. Trên tấm biển là dòng chữ “Đả đảo Mỹ.” Đó không phải là một biểu ngữ tạm thời. Đó không phải là một dòng chữ viết bậy. Đó là một tấm biển bằng đá, ốp lên tường.
Tôi tự nhủ, “Kỳ lạ chưa. Tấm biển được gắn trên tường. Dân chúng ở đây thực sự có vấn đề đối với Hoa Kỳ.”
Ngay sau đó tôi nhận thấy các bậc trưởng giáo Iran, những người rất quan tâm đến những bước thăng trầm của sức mạnh quân sự và văn hóa Mỹ, đã bắt đầu gọi nước Mỹ bằng cái tên khác, chứ không phải những danh hiệu thường thấy trước kia như “đại quỷ sa tăng” và thành trì của “đế quốc và chủ nghĩa Zion.” Người Iran đã bắt đầu gọi nước Mỹ là “thủ đô của sự ngạo mạn toàn cầu.” Tôi thấy cách gọi đó thể hiện ngấm ngầm một sự thay đổi. Lãnh đạo Iran dường như đã hiểu sự khác biệt giữa “sự ngạo mạn toàn cầu” và chủ nghĩa đế quốc. Đế quốc chủ nghĩa là khi bạn dùng vũ lực vào chiếm đóng dân tộc khác và ép buộc họ theo bạn. Sự ngạo mạn toàn cầu là khi văn hóa và kinh tế của bạn mạnh đến mức bạn hiểu là không cần phải xâm lăng nước khác mà người ta vẫn phải chịu ảnh hưởng của bạn. Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ, ông Shri Yashwant Sinha, có lần đã nói với tôi về quan hệ giữa Mỹ và thế giới ngày nay: “Không còn đối trọng, không còn sự cân bằng. Những gì các vị nói đã trở thành luật lệ.”
@by txiuqw4