sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chiếc Lexus và cây Ô Liu - Phần IV - Chương 18 - Phần 2

Và đó là điều ngày nay đang gia cố cho sự kết dính giữa Mỹ hóa và toàn cầu hóa. Điều khiến nhiều người lo sợ về nước Mỹ ngày nay không phải là khả năng Mỹ có thể gửi quân đi mọi nơi, mà là Mỹ có thể truyền bá văn hóa, giá trị, kinh tế và công nghệ và lối sống đến mọi nơi – dù người Mỹ hay người khác muốn hay không muốn. “Mỹ là khác biệt,” Josef Joffe, chuyên gia về chính sách đối ngoại người Đức nhận xét năm 1997 trong tạp chí Foreign Affairs. “Nó làm mình làm mẩy và hay lấn lướt. Nhưng nó không đi xâm lược. Nó cố gắng kiểm soát và bẻ cong luật pháp. Nhưng nó không tuyên chiến để chiếm đất và hưởng vinh quang… Hoa Kỳ có một bộ máy quân sự tinh vi nhất, dù không đông nhất. Nhưng rõ ràng là không ai bằng Hoa Kỳ trong những cuộc chơi ngoại giao. Trên bàn ngoại giao, Trung Quốc, Nga và Nhật Bản, thậm chí Tây Âu không có nhiều tiền đặt cọc bằng Hoa Kỳ. Dân chúng liều chết vượt biển để sang Mỹ, chứ không sang Trung Quốc. Hiện không thấy thanh niên chen chân sang học thạc sĩ quản trị kinh doanh ở Đại học Moskva, hay lại đi ăn mặc hay nhảy đầm theo lối Nhật Bản. Tồi tệ hơn, ngày càng hiếm người muốn theo học tiếng Pháp hay tiếng Đức. Tiếng Anh, giọng Mỹ, đã trở thành thứ ngôn ngữ của thế giới. Một sức mạnh như thế – một thứ văn hóa đang lan tràn ra ngoài và một thứ thị trường theo lối vơ vào – lôi kéo chứ không xô đẩy; thuyết phục chứ không chinh phục. Tồi tệ hơn, một thứ quyền lực không thể bị thu phục, không thể đối trọng. Trong cuộc chơi ngày nay, tất cả các thế lực – châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc và Nga – không thể hợp lực trong cái mô hình liên minh thuở xưa để chống lại Mỹ. Tất cả các trường quay phim của họ không thể thoát khỏi cái vòng khống chế của Hollywood. Không có một tập hợp các trường đại học nào trong số họ có thể lật đổ được ngai vàng của Đại học Harvard… Điều đó giải thích vì sao “Quan hệ đối tác chiến lược” giữa Nga và Trung Quốc đã trở nên quá lỗi thời vào năm 1997. Họ sẽ làm gì được đối với Hoa Kỳ? Boris Yeltsin sẽ không bao giờ muốn thu thập các bí quyết làm ăn và máy vi tính ở Bắc Kinh. Và Trung Quốc sẽ không bao giờ đánh liều bỏ rơi thị trường hàng xuất khẩu quan trọng nhất của họ.”

Trong ngắn hạn, tình thế sẽ trở nên tồi tệ hơn vì hố ngăn cách về sức mạnh kinh tế giữa Mỹ và thế giới sẽ ngày càng rộng hơn, trước khi có thể bị thu nhỏ lại. Bạn chỉ cần nhìn vào không gian điện toán để hiểu điều đó. Có một sự tranh cướp đang xảy ra – tranh cướp xem ai chiếm được những trang web mang tính thương mại chiến lược và những đầu mối Internet chủ chốt trên toàn cầu. Chợ Internet là một nơi đấu giá hai chiều với hàng loạt các bên mua đấu giá mua các mặt hàng từ hàng loạt các bên bán. Chúng bắt đầu từ những thị trường lẻ tẻ – những điểm bán bớt các mặt hàng dư thừa như dầu thô, sắt thép, chip vi tính và những mặt hàng không được đảm bảo tiêu chuẩn. Rồi nhờ công nghệ điện toán, những thị trường lẻ tẻ đó sẽ nhanh chóng được mở rộng thành các siêu thị tinh vi hơn.

Điển hình của các thị trường trong không gian điện toán là trang đấu giá eBay – trong đó người ta có thể ngồi nhà mà mua bán. Nhưng hãy tưởng tượng, eBay được thực hiện trong một loạt các ngành công nghiệp, trong đó hàng hóa và dịch vụ của những ngành đó cũng có thể được trao đi đổi lại giữa người mua và kẻ bán. Chẳng hạn, hiện nay ta có Metalsite.com nơi các hãng xây dựng trên thế giới sẽ hướng nhu cầu của họ tới các nhà cung cấp sắt thép với giá rẻ nhất. E-Chemicals.com và Chemdex.com đã xuất hiện để trao đổi hóa chất và sản phẩm khoa học ứng dụng. Và rồi sẽ có sớm những E-rubber [cao su], E-plastic [nhựa], E-cement [xi măng], E-paper [giấy], và E-Insurance [bảo hiểm].

Xưa kia một công ty đảm bảo có được một nguồn cung cấp nguyên liệu và phụ tùng đều đặn bằng cách lựa chọn kỹ càng các nhà cung cấp, xây dựng quan hệ lâu dài thông qua sự tín nhiệm, hiểu biết rõ các nhu cầu của nhau. Nhưng khi ngày càng nhiều lĩnh vực đã trở thành hàng hóa, một công ty như IBM chẳng hạn sẽ đưa các yêu cầu chi tiết của họ lên mạng điện toán, chẳng hạn chi tiết chip vi tính, giấy toilet, thậm chí nguồn năng lượng, … các nhà cung cấp sẽ lên mạng và theo đó đấu giá để nhận hợp đồng cung cấp cho IBM theo đúng yêu cầu. Trong một thế giới không còn rào cản, những trao đổi trên toàn cầu như vậy sẽ trở thành những yếu tố định hình cho luật lệ và các tiêu chuẩn trong đó hàng hóa và dịch vụ được mua bán và trao đổi ở mọi nơi. Và vì Hoa Kỳ dẫn đầu trong không gian điện toán, nhưng hệ thống trao đổi như trên hiện đang được các công ty Mỹ mở ra trên đất Mỹ.

“Hầu hết những điều đó chưa thực xảy ra trên quy mô lớn và mọi người chưa có khái niệm rõ ràng về chúng,” Joel Cawley, Giám đốc phụ trách Chiến lược Doanh nghiệp của hãng IBM giải thích cho tôi hồi đầu năm 2000. “Nhưng chúng đang dần có tầm quan trọng cao hơn. Người ta phỏng đoán những giao dịch điện tử như thế sẽ chiếm từ 30-40 phần trăm thương mại điện tử vào năm 2004. Một khi những giao dịch điện tử được thiết lập và vận hành được mọi người biết đến thì sẽ quá muộn cho những kẻ muốn bắt chước. Những kẻ thắng là những kẻ biết nhìn xa, có nền móng vững chắc. Lúc đó thì thật là khó và đắt đỏ nếu muốn thay đổi hay xây dựng mới các điểm giao dịch.

Hãy nhìn hiện tượng Enron (thật ra công ty này sau đó lâm vào tình trạng phá sản – ND). Công ty này đã thiết lập một thị trường trên mạng trong đó các công ty trên thế giới có thể mua bán khí thiên nhiên, điện, than, nhựa, bột giấy, giấy và dầu mỏ – và sẽ có sản phẩm mới là băng thông. Băng thông là đường truyền điện tử trong đó giao thông Internet đi lại. Thông qua các tổng đài Internet của Enron – nơi những người mua và kẻ bán hợp đồng băng thông gặp gỡ nhau – một trường học có đường truyền rỗi rãi trong mùa nghỉ hè sẽ có thể bán lại quyền sử dụng trong thời gian đó cho một công ty có nhu cầu. Những hợp đồng như vậy thường phải mất hàng tháng mới ký được, nay có thể được dàn xếp trong vài giây đồng hồ.

“Chúng tôi là công ty đầu tiên đưa ra dịch vụ này để có thể bán khí đốt và điện,” Tổng giám đốc Kenneth Lay của Enron cho biết, “nhưng chúng tôi nghĩ thị trường dịch vụ băng thông sẽ trở nên lớn nhất. Hiện nay có giá trị 30 tỷ đô-la, và trong khoảng ba năm tới nó sẽ lên tới 90-100 tỷ đô-la. Và nó sẽ có tầm vóc toàn cầu.”

Nền kinh tế Internet dựa trên băng thông, vậy nếu những tổng đài của Enron mà thành công thì sẽ có ý nghĩa như việc khám phá ra dầu mỏ trong không gian điện toán vậy – cho bản thân Enron và cho nước Mỹ.

“Có những lợi thế khi bạn trở thành người đi đầu trong những thị trường toàn cầu kiểu này,” Lay nói. “Khi bạn là người đi đầu, bạn nâng được quy mô rất nhanh chóng, và cùng với điều đó là khả năng kinh tế giúp cắt chi phí giao dịch và tăng khả năng thanh toán và khả năng mở ra những thương vụ tinh vi hơn cho bạn. Chúng tôi rồi cũng có các đối thủ, tôi chắc như vậy. Nhưng thời điểm này là lúc kẻ thắng sẽ được ăn cả. Vậy càng sớm đi đầu vào trong các thị trường thì càng có thể định hướng được thị trường. [Và] một khi có một thực thể đứng ra thiết lập một vị trí vững chắc trong loại thị trường toàn cầu đó thì sẽ rất khó có thể lật nhào được nó.”

Điều này cũng mang hàm ý địa-chính trị. Nếu bạn nghĩ rằng người Âu đã không thích thú gì cung cách làm ăn nào đó của người Mỹ, thì hãy đợi một hai năm, khi họ thức tỉnh và nhận ra rằng các công ty của Mỹ đã chiến thắng trong cuộc tranh chấp không gian điện toán, định hình luật lệ và tiêu chuẩn cho cả một hệ thống thị trường điện tử.

Đến lúc đó người Pháp sẽ gọi người Mỹ là gì nhỉ? Vào cuối thế kỷ 20 họ đã cho ra đời một thuật ngữ để gọi Hoa Kỳ. Mỹ không còn là một siêu cường. Người Pháp quyết định rằng Mỹ phải được đặt vào một thể loại riêng. Nước Mỹ, theo nhận xét của một nhà ngoại giao Pháp trong tổng hành dinh NATO nói với tôi, nay là một “quốc gia quá quắt.” Chẳng lấy làm ngạc nhiên, khi tôi qua lại trên thế giới, tôi đã nghe người Iran trực tiếp gọi Mỹ là “thủ đô của sự ngạo mạn toàn cầu,” nhưng, sau lưng người Mỹ thì dân chúng ở Pháp, Malaysia, Nga, Canada, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Ai Cập, Nhật Bản, Mexico, Hàn Quốc và Đức – và tất cả các nơi khác, đều coi Mỹ cũng vậy. Tổng thống Saddam Hussein của Iraq, cũng như người Iran, thì bao giờ cũng nhạy cảm đối với những thay đổi, dù nhỏ nhất, trong vị thế quốc tế của Hoa Kỳ, đã có những thay đổi trong cách tuyên truyền để nâng bản thân của ông ta lên. Đầu những năm 90, trong cuộc chiến vùng Vịnh lần thứ nhất, Saddam đã tự coi mình là Robin Hood của người Ả rập, đứng ra cướp của những người Ả rập giàu có để giúp người Ả rập nghèo khó. Trong cuộc khủng hoảng vùng Vịnh lần thứ hai vào cuối những năm 90, Saddam tự coi mình là Luke Skywalker [nhân vật anh hùng trong phim viễn tưởng Star Wars] đứng lên chống lại con Quỷ đế quốc Mỹ. Mỗi khi được phỏng vấn trên truyền hình, Ngoại trưởng Iraq phàn nàn rằng Hoa Kỳ cư xử như cái lối “ngày tàn của Đế quốc La mã”. Đó là nội dung chủ yếu của sự tuyên truyền của Iraq, từ trong chính phủ ra ngoài công chúng. Một hôm tôi xem truyền hình CNN và nghe họ phỏng vấn một “người dân trên đường phố Baghdad,” người này nói về nước Mỹ như “một con quỷ khát máu đang hút máu của dân chúng trên toàn thế giới.”

OK, OK, vậy là cả thế giới nghĩ rằng những người Mỹ là những kẻ đi bắt nạt mà họ tức tối muốn đá đít. Thì đã sao? Như thế sẽ tác động gì đến quan hệ giữa Hoa Kỳ và những chính phủ khác? Câu trả lời ngắn gọn là quan hệ giữa Mỹ và các quốc gia khác ngày nay đã trở nên phức tạp hơn. Có những nước ra sức vặn mỏ nước Mỹ; có quốc gia thì ngồi mát ăn bát vàng, tận dụng cơ hội – họ để cho nước Mỹ thành một thứ cảnh sát toàn cầu, chi trả những chi phí trong việc đối phó với Saddam Hussein và những nước bất trị khác, thủ lợi trong khi tiếp tục phàn nàn về nước Mỹ; có những nước thì tiếp tục căm ghét sự thống trị của Mỹ; và có những nước thì lặng lẽ thích nghi với điều đó.

Trong thực tế, quan hệ của Hoa Kỳ và thế giới trong thời gian bước sang thiên niên kỷ mới không khác gì mối quan hệ của Michael Jordan – trong khi anh ta còn nổi tiếng – với NBA. Mỗi cầu thủ hay đội bóng khác trong hiệp hội đều muốn vượt lên trên Jordan; mỗi cầu thủ hay đội bóng khác đều căm ghét anh ta vì anh ta đã vạch trần những yếu kém của họ; mỗi cầu thủ hay đội bóng khác đều so sánh bản thân với anh ta, và trong thâm tâm đều dùng anh ta làm điển hình; mỗi cầu thủ hay đội bóng khác đều thường xuyên phàn nàn là trọng tài đã thiên vị, bỏ qua những lỗi lầm của Jordan. Nhưng dẫu có thế nhưng không có đội nào muốn Jordan bị thương hay về vườn cả. Vì mỗi lần đi thi đấu, ở đâu có Jordan thì người ta thường bán hết sạch vé. Anh ta là chiếc ống hút, quấy những cốc nước ngọt mà họ đang uống.

Hãy xem một số ví dụ liên quan đến hiện tượng đó: Khi Anatoly Chubais, một trong những công trình sư của chương trình tư hữu hóa của nước Nga, sang đàm phán để IMF tài trợ cứu giúp kinh tế Nga, IMF thường đưa ra những điều kiện ngặt nghèo hơn, và Chubais không có cách nào hơn là phải tuân thủ. Trong đỉnh điểm của những cuộc đàm phán, truyền hình Nga đưa lên chương trình Kukli, trong đó có những con rối ăn mặc như những lãnh tụ Nga, diễn câu chuyện phỏng theo tích “Cô bé quàng khăn đỏ.” Boris Yeltsin là nhân vật bà ngoại, trong khi Thủ tướng Nga lúc đó là Kiryenko là cô bé khăn đỏ. Kiryenko cố gắng đi trước những người khác, để vận động Yeltsin hãy gây ảnh hưởng đối với những kế hoạch cứu vãn về tài chính. Khi Kiryenko đến nhà bà ngoại Yeltsin thì thấy Chubais đã ở đó. Chubais trong vai nhân vật du hành không gian, trên áo đeo logo “IMF” và một lá cờ Mỹ. Chubais là một nhân vật đến từ hành tinh America để chỉ đạo người Nga. Khi Kiryenko nhìn thấy Chubais ở đó bên cạnh Yeltsin, anh ta đã quay ra nói với khán giả, “Chắc là tôi đến muộn quá rồi.”

Trong Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos 1999, Minoru Murofushi, Chủ tịch tập đoàn thương mại khổng lồ Itochu của Nhật Bản, ngồi cùng bàn chủ tọa với Thủ tướng Nga lúc đó là Yevgeny Primakov. Murofushi, trong khi đang bình luận về những cố gắng của Primakov chống khủng hoảng kinh tế, đã lỡ lời để lộ bản thân mình. Thương gia người Nhật này nói, “Tôi biết là ông Primakov sẽ có cuộc gặp với ông Fischer của IBM – xin lỗi, ý tôi nói là IMF.” Ồ, IMF, IBM, khác nhau chỗ nào đâu – đều là của người Mỹ cả mà!

Yuan Ming, Giáo sư quan hệ quốc tế của Đại học Bắc Kinh là một trong những chuyên viên hàng đầu về Hoa Kỳ của Trung Quốc. Có lần bà này nói với tôi một câu chuyện có hàm ý cho rằng Trung Quốc có thể phản ứng đối với sự ngạo mạn của nước Mỹ bằng cách trưng ra sự ngạo mạn của chính mình: “Các lãnh đạo chính trị của chúng tôi khi phát biểu trước công chúng thường không dùng từ “toàn cầu hóa”, họ dùng từ “hiện đại hóa.” Có một lý do mang tính văn hóa trong đó. Một bài học lịch sử chưa phai mờ trong đầu óc người Trung Quốc là thời thế kỷ trước, đất nước của họ đã bị họng súng của các tàu chiến ép buộc hội nhập với cộng đồng quốc tế – vậy thì toàn cầu hóa không phải là điều người Trung Quốc đang theo đuổi, mà là điều Hoa Kỳ và phương Tây đang áp đặt. Mặt khác, hiện đại hóa là điều chúng tôi có thể kiểm soát được. Kênh truyền hình nhà nước hàng năm có một chương trình dành cho Tết nguyên đán. Đó là một trong những sự kiện quan trọng nhất trong năm ở Trung Quốc. Gần một tỷ dân xem chương trình này. Thường thường trong chương trình có ca sĩ và những màn trào phúng. Nhưng cách đây ba năm, [1995] chương trình này có một tiểu phẩm trào phúng về hai bố mẹ ở một vùng thôn quê gọi cho con trai của họ đang theo học ở Mỹ. Họ hỏi con trai, “Hôm nay ngày tết, con khỏe không?” Cậu này nói rất khỏe và có kế hoạch sẽ về quê hương sau khi hoàn thành luận án tiến sĩ của cậu ở Mỹ. Bố mẹ rất mừng khi nghe điều đó. Câu thoại mà tôi nhớ nhất là bố mẹ nói với cậu con trai rằng Trung Quốc giờ đây có nhiều điều cũng tốt đẹp như ở nước Mỹ vậy. Họ nói: “Con sang đó rửa bát cho người Mỹ. Giờ đây chúng ta nên có những người Mỹ sang đây rửa bát cho chúng ta.”

Ngày 14/12/1997 khi đang bay từ Nhật Bản về Mỹ, tôi đọc phần thư gửi tòa soạn trong tờ Japan Times số ngày hôm đó. Tôi rất thích mục này trên báo chí của bất cứ nước nào khi sang đó công cán, vì tôi bao giờ cũng tìm được những mẩu nhận xét rất lý thú. Lần này tôi thấy có thư của thính giả mang tựa đề “Sự xấc ngược của Mỹ,” thư này mang ý kiến chung của rất nhiều người. Nội dung viết là: “Không bút nào tả xiết về những chiến thuật ăn hiếp đang tiếp tục của Hoa Kỳ. Lần này, tôi đọc thấy Hoa Kỳ khước từ ký vào bất cứ hiệp định nào [tại Hội nghị về thay đổi khí hậu Kyoto], nếu ba “đòi hỏi” của họ không được đáp ứng… Tôi không bao giờ coi nhẹ thực tế trong lịch sử: Hoa Kỳ thường ra tay “giúp đỡ” nếu có thể – nhưng “đất nước vĩ đại nhất của thế giới” (họ tự xưng, không phải tôi đặt danh hiệu cho họ như thế) phải học hỏi về sự khiêm nhường. Những sự việc gần đây cho thấy nước Mỹ bước lên địa vị vinh quang chỉ là do những thất bại về chính trị và kinh tế của những đối thủ của nó. Nhưng lòng tự hào rồi sẽ dẫn đến sự sụp đổ. Chính phủ Mỹ hãy nhớ điều đó.” Ký tên: Andrew Ogge. Tokyo.

Tôi đến Ấn Độ vào năm 1998 sau khi có cuộc thử nghiệm hạt nhân ở đó và Trung tướng Ấn Độ đã nghỉ hưu V.R. Raghavan, vốn là tư lệnh hành quân của Lục quân Ấn Độ, nay là nhà phân tích cho Nhóm Chính sách Delhi, kể với tôi rằng ông vừa tham gia một hội thảo quốc tế về vấn đề hạt nhân. Đến dự gồm đại diện người Anh, Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ, cùng nhiều nước khác. “Vào một lúc giải lao chúng tôi đã đi thăm một ngôi làng nhỏ của Ấn Độ, tôi chỉ cho khách những cửa hiệu, nhà cửa và việc phân bò được sử dụng làm chất đốt,” Tướng Raghavan nói. “Nhưng lý thú nhất là khi chúng tôi đến thăm một ngôi trường ở giữa làng. Có khoảng ba chục cháu trên mười tuổi, một vài thầy giáo. Một số vị khách muốn bắt chuyện với họ. Chúng tôi bày bàn ghế và bắt đầu trò chuyện. Có một luật sư trong đám khách hỏi đám trẻ rằng họ nghĩ gì về Hoa Kỳ và Trung Quốc. Không cần chỉ dẫn, những đứa trẻ đó nói Trung Quốc là nước láng giềng vĩ đại nhất của chúng tôi, mặc dù có thời chiến tranh với Trung Quốc, nhưng Trung Quốc bao giờ cũng đứng lên bênh vực kẻ yếu và chúng tôi không có trục trặc gì với Trung Quốc. “Thế còn Hoa Kỳ?” Vị khách hỏi tiếp. Lũ trẻ nói Hoa Kỳ là một kẻ hay ăn hiếp, bắt nạt mọi người và bao giờ cũng chỉ nghĩ cho riêng mình. “Các vị trong đám khách chịu không thể tin được rằng họ đã nghe được những điều đó.”

Năm 1997, tôi dự một hội nghị tại Ma rốc mang chủ đề “Toàn cầu hóa với thế giới Ả rập.” Hầu hết các đại biểu Ả rập đều được đào tạo theo văn hóa Pháp, đến từ Bắc Phi và Pháp. (Một trí thức Ả rập cộng văn hóa Pháp thường là người có khả năng tồi nhất để hiểu biết về toàn cầu hóa. Tựa như hai lần bị thương vậy – hai thứ văn hóa Pháp và Ả rập đều chống lại toàn cầu hóa). Tôi được yêu cầu phát biểu khái quát về toàn cầu hóa, và tôi đã phát biểu. Sau tôi là một cựu Thủ tướng Algeria, đang sống lưu vong, người được mời phản biện phát biểu của tôi. Dùng tiếng Pháp, ông ta bác bỏ tất cả các luận điểm của tôi. Ông ta nói rằng “cái thứ toàn cầu hóa mà ông nói chẳng qua là một âm mưu của Hoa Kỳ nhằm tiếp tục dìm thế giới Ả rập xuống, không khác gì chủ nghĩa Zion và chủ nghĩa đế quốc.” Tôi lịch sự lắng nghe lập luận của ông ta, lập luận kéo dài theo hướng đó, và sau đó tôi đã phản bác lại một cách khiêu khích có chủ định với hy vọng sẽ khiến ông ta vỡ ra chút ít trong đầu. Tôi nói đại thể như sau (tôi đã cắt đi những lời gay gắt): “Thưa ngài Thủ tướng, ông nói toàn cầu hóa là một âm mưu của Mỹ nhằm phá hoại người như ông. Xin để tôi nói với ông một điều – toàn cầu hóa còn tồi tệ hơn. Tồi tệ hơn thế. Ông nghĩ là ở Washington người ta nghĩ đến ông và ngày đêm tính kế để phá hoại ông, gọi điện, dùng đòn bẩy để làm những điều đó. Tôi chỉ ước mong họ làm điều đó. Lạy Chúa, tôi những mong họ làm được điều đó. Vì nếu có người làm thế thì có người khác sẽ làm ngược lại và nâng ông lên. Nhưng sự thực là, chúng tôi hoàn toàn không quan tâm đến các vị. Không một phút nào. Chúng tôi hoàn toàn không mảy may đếm xỉa đến quý vị. Đó không phải là vì chúng tôi có ác ý. Đó là vì chúng tôi cũng đang bị giam trong cùng những áp lực giống như quý vị, và chúng tôi cũng đang cố tiến cho được một bước đi tới trong cuộc cạnh tranh, cũng giống như điều quý vị đang làm, và cũng như quý vị, chúng tôi rất lo là những thị trường trái phiếu sẽ phản ứng ra sao trong thời gian sắp tới. Chính vì thế tôi ước rằng có thể xác nhận là có một âm mưu muốn làm hại ông. Nhưng tôi không thể… Giờ đây nếu muốn xây một chiếc cầu Hồi giáo đến với con tàu toàn cầu hóa, thì cứ việc. Nếu muốn xây chiếc cầu chủ nghĩa Mao đến với toàn cầu hóa, thì cứ việc. Cầu Jefferson, cứ việc. Nhưng xin hãy hứa một điều – là ông sẽ xây một chiếc cầu, cầu gì cũng được, nhưng phải là cầu. Và đoàn tàu toàn cầu hóa rồi sẽ không chờ quý vị đâu.”


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx