sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chiếc Lexus và cây Ô Liu - Phần IV - Chương 19 - Phần 3

Chúng ta sống qua được nỗi đe dọa Y2K không có nghĩa là đã bỏ lại đằng sau những khó khăn do sự kết nối chặt chẽ gây ra. Hãy nghĩ về thực tế sau đây: Khi một vụ nổ hạt nhân xảy ra trên tầng không, nó tạo ra một xung điện từ trường cực lớn. Vậy nếu có một kẻ khủng bố hay một quốc gia bất trị cho nổ một hỗn hợp hạt nhân trên không phận của nước Mỹ thì nó sẽ làm ngưng trệ và tan rã toàn bộ số máy tính trong nước ở mức so với Y2K thì Y2K chỉ là một giấc mộng đẹp. Tim Weiner, trong cuốn sách “Séc khống” của anh về những chương trình bí mật của Chính phủ Mỹ, giải thích về hiện tượng này: “Một đầu đạn hạt nhân phát nổ trên không trung cách bang Omaha 300 dặm sẽ ngay lập tức phát ra xung điện từ trường gồm các sóng hạt điện tử đánh gục toàn bộ nước Mỹ từ bờ biển đông sang tây. Toàn bộ các hệ thống điện tử, radio và tập hợp các máy tính trong nước sẽ chịu một hiện tượng sét đánh nhân lên một triệu lần. Một xung điện lên tới 50 ngàn volt/m sẽ được chuyền qua toàn bộ các lưới điện. Hiện tượng đó được phát hiện năm 1962, khi nước Mỹ cho thử ba đầu đạn hạt nhân trên bầu trời Thái Bình Dương. Mặc dù vụ nổ ở cách đảo Hawaii 800 dặm trên không trung, đã khiến cho đèn đường ở Oahu tắt ngấm và các loại chuông báo động ở Honolulu rung ầm ĩ.” Không giống như Y2K, chấn động của xung điện từ trường đó, Weiner cho biết, vẫn là điều mà các kỹ sư gọi là “một ẩn số thường thấy” – một ẩn số ai cũng biết nhưng không ai giải đáp được.

Một lý do nữa khiến cho việc kết nối chặt chẽ quá sẽ gây khó khăn cho chúng ta. Đó là nếu chúng ta bị kết nối quá chặt chẽ thì những quan hệ và hành vi xã hội của chúng ta sẽ bị ảnh hưởng. Một hôm, ngồi bên bàn làm việc, tôi nhận được một mẩu tin trên thông tấn AP đánh đi từ Israel. Mẩu tin nói một người đàn ông Israel “bị cảnh sát chặn lại trong khi lái xe trong thị trấn Netanya, hai tay cầm hai điện thoại di động để nói chuyện. Anh chàng này dùng khuỷu tay để giữ tay lái, nhật báo Haaretz cho biết. Một nữ cảnh sát tình nguyện đã chặn xe của anh này khi thấy chiếc xe Mitsubishi màu xám.

Tôi không thể tìm được một ví dụ nào lột tả hay hơn về sự kết nối thái quá của anh chàng người Israel đó, hai điện thoại di động gắn vào hai bên tai, khuỷu tay tì lên tay lái xe hơi. Đây là một thứ vi rút trong các nước phát triển. Đó là sự phấn khích trong xã hội khi viễn thông được kết hợp với “Evernet” – công nghệ cho phép mọi người lên mạng ở mọi nơi mọi lúc, truy cập Internet bằng đồng hồ, điện thoại di động, xe hơi, lò nướng bánh mì hay máy nghe nhạc walkman.

Loại vi rút sinh ra từ sự kết nối quá mức hiện đang tràn lan hàng ngày và hiện chưa có cách nào chữa trị. Một hôm đang ngồi với con gái trong một tiệm ăn dạo mùa hè năm 1999 tôi trông thấy hai gia đình ngồi hai bên bàn của tôi. Hai ông bố của những gia đình đó nói chuyện trên điện thoại to tiếng như đang ngồi trong văn phòng của họ vậy. Lúc đó tôi chỉ muốn hét lên, “Này, tôi đang trong kỳ nghỉ phép. Tôi cố chạy trốn khỏi công việc và không muốn vào ngồi trong văn phòng của các vị. Tôi không muốn nghe về những trục trặc trong công việc của các vị. Tắt điện thoại đi!” Tháng 10 năm 1999, tôi ở Chicago, tham dự lễ cắt bao quy đầu, một tục lệ Do Thái, cho cháu họ của tôi. Hôm đó ngay trước lúc người giáo sĩ Do Thái sắp làm lễ, thì một chiếc điện thoại di động reo chuông. Chúng tôi nhìn xung quanh xem ai là thủ phạm phá rối giây phút thiêng liêng này. Nhưng hóa ra thủ phạm chính là vị giáo sĩ nọ. Ông ta bỏ dao xuống và lôi trong túi ra chiếc điện thoại di động đang reo chuông. Và tôi càng thấy mình có cái lối phản ứng trước những người có điện thoại di động giống như cái lối tôi phản ứng với loại người hút xì gà trong tiệm ăn – giận dữ.

Tôi tha thiết mong đến một ngày mà các tiệm ăn cho dựng tường cách âm. “Quý vị có điện thoại di động hay không?” người hầu bàn sẽ hỏi thực khách trước khi xếp chỗ cho họ. Tôi cũng tha thiết mong một ngày nào đó hãng Motorola cho ra một sản phẩm cho phép bạn gây nhiễu chặn tất cả các điện thoại di động xung quanh bạn, dễ dàng như bấm điều khiển từ xa để mở garage vậy. Zap! Không còn những tiếng chuông điện thoại trong bán kính ba chục bước chân. Xin lỗi. Không có gì phải ngạc nhiên khi sự kết nối quá mức đang trở thành con vi rút trong thời đại Internet. Vì khi Internet và toàn cầu hóa giúp cắt ngắn thời gian và cự ly, giúp đắc lực cho công việc làm ăn, thì chúng cũng làm cho người ta sợ sự cô độc. Báo The New Yorker có lần đã miêu tả điều đó bằng một tranh biếm họa. Tranh vẽ một người đàn ông đưa tình nhân từ tiệm ăn quay về cửa căn hộ chung cư của cô này. Cô này nắm chặt tay anh ta và nói, “Em rất muốn mời anh vào nhà, anh Howard, nhưng thị trường chứng khoán Hồng Kông sẽ mở cửa giao dịch trong mười phút nữa.” Thời gian và khoảng cách cho phép chúng ta có những vùng đệm trong cuộc sống, nhưng khi bạn xóa bỏ chúng, bạn sẽ không còn không gian cho riêng bạn. Nhiều giáo sĩ Do Thái giáo đã viết thư cho tôi nói họ tin và hy vọng rằng nhờ có sự kết nối chặt chẽ mà con người ta nay trở nên quý trọng ngày nghỉ Sabbath hơn. Hình ảnh một ngày nghỉ ngơi thanh thản, xa lánh những điện thoại di động, nay trở nên có sức cám dỗ mới.

Một người bạn làm việc trên phố Madison nói với tôi rằng thời trước khi có điện thoại di động và máy nhắn tin, nếu có ai đó gọi cho anh ta ở văn phòng và không gặp anh, thì cô thư ký chỉ cần nói, “Allen đi ra ngoài rồi.” Giờ đây khi gọi đến văn phòng, nếu cô thư ký nói là anh ta đi ra ngoài thì khách sẽ đề nghị, “Vui lòng nối cho tôi vào máy di động của anh ta hay hãy nhắn tin cho anh ta ngay cho tôi.” Điều người ta mong đợi là giờ đây lúc nào cũng có thể kết nối liên lạc với anh ta – không thoát được. Giờ đây lúc nào bạn cũng có mặt và sẵn sàng. Và nếu lúc nào cũng sẵn sàng thì bạn sẽ trở thành một máy vi tính. Bạn sẽ không được ngưng nghỉ. Giờ đây có bao giờ bạn nghe có người nói, “Đợi tôi ngủ chút đã?” Không còn thời gian hay không gian để có thể ngủ để quên chuyện gì đó đi một lúc. Một quản trị viên phố Wall có lần đã nhận xét với tôi rằng có thời anh ta rất thích sang Nhật Bản, sang đó làm việc cả ngày rồi tối đến sẽ thưởng thức ở các tiệm ăn rất ngon lành ở Tokyo. Nhưng giờ đây, với sự tiến bộ trong thông tin liên lạc, anh ta vẫn phải làm việc cả ngày, và đến lúc chuẩn bị đến các tiệm ăn sushi thì, từ New York, máy fax, nhắn tin và điện thoại di động thi nhau gọi sang. “Trong năm năm qua, tôi không ra được đến bên ngoài để đi ăn tiệm ở Tokyo,” anh ta nói. “Giờ đây có khi tôi phải làm việc tới 19 tiếng mỗi ngày, mỗi khi sang đó.”

Có lần tôi phỏng vấn một viên chức quốc phòng cao cấp người Anh và được nghe ông ta kể, có lần ông phải đặt máy điện thoại di động vào băng chuyền Xquang ở sân bay rồi quên không nhặt lên. Năm phút sau chạy lại thì người nhân viên an ninh sân bay nói có hai cuộc gọi đến điện thoại đó, trong vòng năm phút. Cả hai cuộc gọi đều từ một viên chức quốc phòng cao cấp khác. “Cha này có thể đã phát động một cuộc chiến tranh nếu hắn trả lời không khéo,” viên chức này nói về người nhân viên an ninh sân bay, người nhặt và trả lời điện thoại hộ ông ta.

Tôi quên không hỏi viên chức quốc phòng đó rằng lúc đó ông ta đang đi công việc hay đang đi nghỉ, nhưng có lẽ chính ông ta cũng không phân biệt được sự khác nhau của hai việc đó. Khi chúng ta được kết nối liên lạc suốt ngày đêm thì ranh giới giữa công việc và nghỉ ngơi không còn nữa. Những bậc cha mẹ đi làm sẽ có thêm thời gian ở bên con cái. Trên lý thuyết thì điều đó đúng. Nhưng trong thực tế thì nhiều khi ngày làm việc sẽ dài ra chừng 19 tiếng đồng hồ. Tôi có một người bạn làm công việc của chính phủ về ngành pháp chế – đầy sức ép. Anh ta nói thường hay được về nhà sớm và được ở nhà vào ngày cuối tuần; với điện thoại di động, anh ta có thể tranh thủ làm việc tại nhà và ở bên con gái nhiều hơn. Mặc dù điều đó có nghĩa là cứ 20 phút đến 2 tiếng, anh ta lại phải nói chuyện điện thoại. Nhưng anh ta nói như thế cũng chịu được. Nhưng cô con gái thì không chấp nhận điều đó. Cháu buồn bã và đã nói với bố, “Bố ơi, có lẽ bố cứ đến sở còn hơn.”

Tôi ủng hộ ý kiến của cô con gái đó, mặc dù thỉng thoảng tôi cũng mắc cái tật giống bố của cháu. Đó mới là chuyện nhỏ. Trục trặc Y2K trên máy tính chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn. Nhưng con vi rút kết nối Y2K về mặt xã hội sẽ còn hoành hành trong chúng ta trong một thời gian dài. Nói cho công bằng thì cũng có những cái lợi – giao tiếp tốt hơn với hàng xóm láng giềng và kết hợp thời gian giữa công việc và nhà cửa hợp lý hơn. Tóm lại nó liên quan tới sự cân đối. Nếu cán cân nghiêng về sự kết nối thái quá, nếu con người ta cảm thấy hệ thống mới khó tiêu quá, thì họ sẽ nổi xung.

Con người trở nên cô đơn quá

Một trong những nghịch lý trong thế giới ngày càng được kết nối là hiện tượng chính cái thế giới này lại làm chúng ta càng trở nên cô đơn hơn. Bởi vì càng kết nối vào hệ thống, thì chúng ta càng có điều kiện làm việc một mình, đâu cũng được: ở nhà riêng, nơi nghỉ mát, hay ở những vùng châu Phi xa xôi. Càng nối mạng thì con người càng trở nên tự do hơn, để hoạt động một mình. Một người bạn của tôi làm việc cho một hãng tư vấn lớn, và trong thời gian gần đây khi có những sự sáp nhập toàn cầu hóa, anh ta không còn văn phòng để làm việc. Hãng này đưa ra giải pháp luân lưu nơi làm việc: mọi người chia nhau sử dụng bàn làm việc, ai có việc thì người đó dùng bàn. Tất cả các hồ sơ được lưu trữ trên mạng nội bộ và nhân viên làm việc đến đâu thì truy cập thông tin từ mạng đến đấy. Trên lý thuyết thì làm như thế đầy hiệu quả nhưng người bạn tôi phàn nàn là công việc của anh ta giờ đây không còn hứng thú như trước nữa.

“Khoảng 20 năm nay tôi đã và đang tư vấn pháp lý cho một hãng lớn,” anh bạn này kể. “Tôi chưa đến nỗi già, nhưng nhớ lại thời xưa (những năm 80) nếu gặp phải một vấn đề nan giải, bạn sẽ bước đến cuối hành lang nơi có bình nước lọc, gặp ai đó và nói, ‘Tôi có chuyện này khó giải quyết liên quan tới công ty này. Họ muốn đẩy bớt tài sản theo hướng này. Nhưng có những chi phí mà chúng ta cần tính cho kỹ. Theo anh/chị, thì phải làm gì bây giờ?’ Và một trong những đồng nghiệp của bạn sẽ nói rằng cách đây một hai năm chúng ta đã làm như thế này thế nọ, rồi có ai đó đi ngang qua và nói, không, không hẳn như thế, mà là thế này. Và có thể có một anh bạn khác – Bill chẳng hạn, là một chuyên gia và sẽ cho bạn một lời khuyên. Bạn tự giải quyết vấn đề nhưng thông qua những bàn bạc thân mật với đồng nghiệp. Giờ đây phân nửa số nhân viên như chúng tôi không có văn phòng để làm việc. Tôi thậm chí không có cả bàn ghế để ngồi riêng. Chúng tôi chia nhau dùng chung các bàn làm việc để tiết kiệm diện tích văn phòng. Không còn bình nước lọc, không còn Bill lúc nào cũng có mặt, vì giờ đây anh ta làm việc tại nhà, nhờ có kỹ thuật nối mạng điện thoại. Tôi tin rằng Bill giờ đây có cuộc sống tốt hơn vì anh ta có thể ngồi nhà làm việc. Và những giải đáp cho các vấn đề hầu hết được chứa trong các máy tính, nhưng đòi hỏi là bạn phải biết cách tìm ra chúng. Điều khiến bạn nhớ nhất là cái lối Bill nói năng, “Anh có thể giải quyết vấn đề này như thế này, theo lý thuyết. Nhưng anh phải cẩn thận ở điểm này.” Đó là những điều mà bạn không thể tìm được trên các trang tìm kiếm. Tất nhiên là bạn có thể email Bill ở địa chỉ “Bill.com” và anh ta sẽ cho bạn những lời giải, nhưng như thế không thể hứng thú như xưa.”

Vài tháng sau khi nói chuyện với người bạn đó, tôi thấy một quảng cáo cho một công ty phần mềm vi tính mang tên Office.com, có phương châm: “Nhiều thông tin hơn là mức thu thập được trong lần đi đến phòng uống nước.” Tôi nghĩ, quả là chẳng có gì hứng thú trong chuyện đó.

Và thực tế rồi cũng chẳng có gì khấm khá hơn. Cầu thủ bóng chầy hay bóng rổ rồi sẽ không phải là những tay làm ăn đơn lẻ – giờ đây ai ai cũng bị xô đẩy từ công việc chỗ này sang công việc chỗ khác, từ nhóm này sang nhóm kia, công ty này sang công ty khác, mọi người trở thành thợ tự do thời kỹ thuật số.

Tại sao đến nông nổi này? Nicholas G. Carr, biên tập viên của báo Harvard Business Review, tóm lược hiện tượng trên trong số báo tháng 6/1999: “Mô hình về tổ chức công nghiệp cũ – nhóm đông nhân viên làm việc có phối hợp – vốn dĩ đứng vững trên thế giới [có tường rào]. Nhưng ngày nay, mô hình này không còn hợp lý. Quá đắt đỏ và năng suất thấp. Để cho công việc chạy nhanh giữa các nhóm nhỏ, tạm thời, để những nhóm đó tự tổ chức và phối hợp đáp ứng những kích thích của thị trường, đã trở nên phương pháp mang tính hiệu quả hơn nhiều… Trong nền kinh tế mới, các công ty cần theo đuổi sự uyển chuyển và linh hoạt. Nhưng điều đó đối với bản thân các nhân viên thì có hợp lý không?”

Carr đưa ra câu hỏi đó khi luận bàn về cuốn sách mang tính khiêu khích của nhà xã hội học Richard Sennett, về những phản ứng phụ nảy sinh từ cung cách làm việc ăn mảnh và linh hoạt nói trên. Cuốn sách có tựa đề Sự băng hoại về cá tính: Những hậu quả của công việc lên cá nhân trong chủ nghĩa tư bản mới. Carr nhận xét: Linh hoạt dẫn đến sự thiếu gắn bó. Một công ty làm ăn linh hoạt sẽ phải sẵn sàng loại bỏ các chiến lược, sản phẩm và nhân viên, và thậm chí khách hàng của mình để bước vào một thị trường mới hứa hẹn hơn hoặc thích nghi với cung cách làm ăn hiệu quả và có lợi hơn, giống như công ty của anh bạn tôi kể trên. Nhưng xây dựng những mối quan hệ và cộng đồng, bám giữ lấy cây ô liu – trang trí bàn làm việc của bạn, gọi nó là gia đình khi bạn xa nhà – là một trong những đặc điểm quan trọng nhất của con người ta. Toàn cầu hóa, một nơi mà chúng ta thường xuyên bị đòi hỏi phải phá vỡ các quan hệ cũ, tự nâng bản thân chúng ta, chú trọng vào ngắn hạn và giữ mức linh hoạt… tất cả điều đó khiến chúng ta cảm thấy trôi nổi và tạm bợ. Nói theo lối của Sennett, Carr cho rằng chúng ta đang bị dồn tới hoàn cảnh “không rõ chúng ta là ai và phải làm gì. Tựu trung, điều đó làm xói mòn nền móng xã hội. Chúng ta không còn gắn bó với người khác; chúng ta tham gia vào cùng “nhóm” với họ. Chúng ta không có bạn bè; chúng ta chỉ còn những người quen. Chúng ta không còn là thành viên gắn bó cùng chịu đựng và cùng xây dựng cộng đồng; chúng ta là những điểm nút trong những mạng lưới luôn di chuyển… Nhưng mỗi khi tự cải tiến thì chúng ta thường xóa đi những ý nghĩa và giá trị mà quá khứ mang đến cho chúng ta. Thay vì cảm giác là con người thực với những gắn bó và quan hệ, chúng ta chỉ còn những cảm giác bị bóp méo, trớ trêu. Chúng ta trở thành người ảo.”

Điều đáng sợ nhất có lẽ, Sennett nói trong cuốn sách, là kết quả của điều mà chúng ta gọi là “sự tiến bộ.” Ông viết: “Điều quái lạ trong cái sự bất định ngày nay là nó tồn tại nhưng không hứa hẹn một tai họa lớn; nó tiêm nhiễm vào các hoạt động hàng ngày của chủ nghĩa tư bản hung hãn. Bất ổn định trở nên chuyện thường ngày.” Schumpeter đưa ra khái niệm về tính thương mại “tạo ra một loại người thập toàn. Sự xói mòn cá tính có lẽ sẽ là hậu quả tất yếu.”

Tất nhiên cũng cần biết là sự linh hoạt mất gốc mà Sennett mô tả, dẫu cho có khiến người ta khiếp sợ, cũng có thể mang ý nghĩa giải phóng. Và do hiện không còn nhiều tường rào để có thể bảo vệ công việc của bạn, thì cũng không còn nhiều tường rào để bạn có thể nhảy vào những công việc mới. Hơn nữa, sự linh hoạt ngày nay cũng có nghĩa là trừng phạt dành cho những kẻ thất bại không còn quá nghiêm trọng như xưa. Bản thân Carr nhận xét, “Tuy công việc vừa qua bạn làm không khéo, thì có nhiều khả năng là công việc sắp tới sẽ vừa sức và hợp với tài năng của bạn hơn.”

Liệu mỗi chúng ta có tìm được một nền tảng, một bàn làm việc, một cửa hiệu, một trang web, một gia đình để bám giữ, trồng lên đó những cây ô liu, hay chúng ta đang ở trong thang máy di chuyển hết lên lại xuống, không ngừng? Dân chúng có cảm giác ra sao đối với toàn cầu hóa và liệu họ có nổi loạn chống lại nó hay không, một phần sẽ tùy thuộc vào câu trả lời đối với câu hỏi trên.

Can thiệp quá sâu vào đời tư

Mùa hè năm 1999 tôi đến Chicago và ngụ tại một khách sạn thuộc một công ty khách sạn chuỗi. Buổi sáng, khi xuống bơi ở bể bơi khách sạn, tôi cầm theo chìa khóa phòng và đút vào túi quần bơi, và sau đó đã đánh rơi chiếc chìa khóa đó trong bể bơi. Vậy là tôi vẫn mặc quần bơi, ướt lướt thướt đi đến bàn tiếp tân và mượn một chìa khóa khác để về phòng.

“Xin cho xem một loại thẻ chứng minh có dán ảnh?”

Nhân viên tiếp tân nói. “Không được,”

Tôi nói. “Đang mặc quần bơi như thế này! Làm sao tôi có thẻ chứng minh trên người.”

“Không sao,” nhân viên này nói. Chị này đánh vài chữ vào bàn phím máy tính và quay ra hỏi tôi, “Hai cô con gái của ông năm nay bao nhiêu tuổi?”

Lúc đó con gái tôi không đi cùng với tôi. Nhưng cách đây một năm, tôi có đến ngụ tại khách sạn này cùng với chúng. Tôi trả lời câu hỏi của nhân viên tiếp tân và được nhận một chìa khóa phòng mới. Nhưng tôi cảm thấy buồn. Tôi không khỏi có cảm giác: Họ biết thêm điều gì về tôi và gia đình và lưu giữ trong cái máy tính đó, và họ sẽ bán những thông tin đó cho ai? Vài tháng sau, tôi nhận được một lá thư của một người bạn cũ, Richard Day, người tôi gặp ở Beirut năm 1982 nhưng đã mất liên lạc. Richard là một nhà tư vấn sống ở Dubai, và thư của anh ta viết đại để: Tôi tìm thấy địa chỉ của anh trong một trang mạng tìm người trên Internet. Tôi ngạc nhiên khi thấy nếu trả 99 đô-la thì tôi có thể kiểm tra mức khả tín của anh bao gồm trị giá của toàn bộ tài sản của anh. Tôi đã không trả 99 đô-la đó. Nhưng tôi băn khoăn không hiểu mọi sự sẽ đi đến đâu. Con trai con gái của bạn sẽ kiểm tra lẫn nhau theo cái lối đó, điều mà tôi với bạn nằm mơ cũng không thấy.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx