sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chiếc Lexus và cây Ô Liu - Phần IV - Chương 19 - Phần 4

Đó chỉ là khởi đầu. Điều lệ hàng đầu trong thời đại Internet là chúng ta đều được kết nối nhưng không ai là lãnh đạo. Internet là thế giới của Orwell và trong đó không có mật vụ. Nhưng thay cho mật vụ là một loạt những tay thám tử nhỏ. Hãy cẩn thận với lũ này. Internet đã trang bị cho họ – những cá nhân, trang mạng, công ty và khách sạn – để họ có thể tập hợp rất nhiều thông tin nằm ngoài tầm kiểm soát của chính phủ. Có người sử dụng thông tin đó một cách có trách nhiệm; nhưng cũng có hạng khác rất vô trách nhiệm. Nghiên cứu năm 1999 của Trung tâm Dân chủ và Công nghệ cho thấy dưới 10 phần trăm các trang web chấp hành quy tắc về tôn trọng đời tư do OECD đặt ra. Quy tắc này viết: không ai được phép sử dụng những thông tin cá nhân được truyền trên Internet nếu không được sự chấp thuận của cá nhân đó; cá nhân có quyền sửa những thông tin sai và những thông tin của cá nhân họ phải được bảo vệ, không cho người khác lợi dụng.

Một trong những khía cạnh tích cực của toàn cầu hóa là nó tăng cường tính minh bạch trong giao dịch tài chính. Các nước và các công ty nếu muốn kết nối với Bầy Thú Điện Tử sẽ phải bộc lộ cho thị trường những điều mà trước kia họ có thể giữ kín. Và khi đất nước và công ty không còn nơi lẩn tránh thì các cá nhân cũng vậy – không còn nơi ẩn náu. Mỗi cú điện thoại, hóa đơn đòi tiền, đơn thuốc, băng video bạn thuê, số chuyến bay bạn đi lại, máy rút tiền… đều sẽ nạp thông số về giao dịch của bạn vào hệ thống của bầy thú, và không rõ một ngày nào đó chúng có thể quay lại để làm hại bản thân bạn. Nếu bạn dan díu với Tổng thống của nước Mỹ thì tức khắc sẽ có một công tố viên đặc biệt theo dõi các cuộc điện thoại bạn gọi đến cho vị tổng thống và theo dõi những chiếc cà vạt bạn dùng thẻ tín dụng mua cho ông ta. Đã bao giờ bạn vào trang mạng khiêu dâm mang tên “Hot Sex?” Xin nhớ cho: khi vào các trang mạng ngày nay, bạn sẽ tự động được gắn cái gọi là “cookie.” Cookie tương tự như một dấu tay điện tử do những trang web mà bạn đã đến cài vào máy của bạn. Cookie cho biết bạn đã đến đâu, mua hàng ở đâu và làm những gì khi lên mạng. Khi một người nào đó, một người bán hàng chẳng hạn, tập trung những dấu tay đó thì họ có thể hiểu được về thói quen, sở thích của bạn và rồi họ sẽ gửi cho bạn những quảng cáo trực tiếp cám dỗ bạn.

Chẳng sao! Bạn nói. Nhưng hãy nghĩ về khả năng sau đây: Năm 1998 tôi xem một quảng cáo thương mại về một thứ gọi là Chó Giữ Nhà – một loại phần mềm cho phép bảo vệ an ninh và cài mã số cho máy tính và trang web của bạn. Quảng cáo cho thấy một người nào đó nhòm trộm qua màn cửa sổ và một giọng nói cất lên: “Internet là cửa sổ bạn nhìn ra thế giới,” nhưng cũng là cửa sổ để người ta “nhòm ngó bạn.” Hãy đề phòng điều đó bằng cách mua phần mềm Chó Giữ Nhà; “Nó sẽ không cho Internet lang thang vào đời tư của bạn.” Vài tháng sau đó tôi thấy một mẩu tin trên truyền hình ABC đã giải thích chính xác vì sao bạn có lẽ cần mua loại phần mềm đó. Mẩu tin như sau: Một cuộc khảo sát vào mùa hè năm 1998 cho thấy “81 phần trăm dân chúng tin rằng những thông tin cá nhân, bao gồm cả mức chi tiêu tín dụng, bệnh án và các hồ sơ tài chính của họ không được bảo mật.” Mẩu tin này nói những tiểu bang như Texas đã đưa lên mạng những hồ sơ về tội phạm. Hồ sơ về tội phạm ở bang Texas cho phép người ta kiểm tra tội phạm nếu đánh tên riêng vào và trả 3,5 đô-la/tên. Một công ty có trụ sở ở nước ngoài mang tên Public Data, đóng ở Anguilla, British West Indies, mua từng lô các hồ sơ công và đưa vào hệ thống dữ liệu trên mạng của họ và bán với giá 3 xu đôla một lần tìm kiếm. Public Data mời khách một loạt các loại tìm kiếm, danh mục bao gồm hồ sơ tiền án, hồ sơ tội phạm của các tòa án và danh sách đăng ký bầu cử, hồ sơ lái xe vv. Còn nhiều điều tồi tệ hơn. Tháng 12 năm 1998, báo USA Today cho biết một thứ máy tính cầm tay đang thịnh hành có chức năng lưu giữ thông số, địa chỉ và ghi chép cá nhân “có thể được lập trình để mở khóa xe hơi bằng cách sao chép các mật mã từ các loại chìa khóa tự động điều khiển từ xa, nhà sản xuất loại máy tính này đã xác nhận tin này. Với phần mềm mới, giá 369 đô-la, Palm III có thể ghi lại những thông số để mở xe hơi từ cự ly khoảng 3 mét.”

Cung cách chúng ta ứng phó với những tay thám tử nhỏ đó đang trở thành một vấn đề chính trị. Có rất nhiều ý kiến. Một trong số ý kiến hay nhất là của Giáo sư ngành luật của Đại học Harvard Lawrence Lessig, trong cuốn sách Luật pháp, và những chế tài khác về không gian điện toán. Lessig lập luận rằng người ta đang chịu một ảo tưởng là đặc tính của không gian điện toán hiện nay sẽ tồn tại mãi cho tới tương lai. Nó không thể thay đổi. Nó là nơi để người ta khám phá chứ không định hình. Nhưng không gian điện toán không phải là sản phẩm của chúa trời. Kiến trúc của nó là do những người có chung múc đích xây dựng nên, những người “đã thiết kế các phần cứng trong không gian điện toán với mục đích chúng ta có được toàn quyền hưởng tự do và bảo vệ được đời tư,” Lessig nói. Cấu trúc của không gian điện toán chịu nhiều ảnh hưởng của thương mại và chính phủ, “hai thế lực này hưởng lợi ở việc tìm biết về những hoạt động của con người – bao giờ, làm gì và ở đâu.” Lessig nói tiếp, “Vậy thì không phải ngẫu nhiên mà những kiến trúc Internet khiến cho việc thu thập thông tin cá nhân dễ dàng hơn. Chính phủ thì muốn truy lùng mọi người, còn doanh nghiệp thì muốn thu thập thông tin của mọi người.”

Theo Lessig, chính phủ không thể ấn định luật pháp về đời tư trên Internet vì họ không thể nào kiểm soát được Internet. Nhưng chính phủ có thể tạo điều kiện cho dân chúng xây dựng những hệ thống lọc lựa và bảo vệ trên Internet. “Giả sử chính phủ nói thông tin cá nhân chính là tài sản của cá nhân bạn và nếu ai đó muốn dùng thông tin đó thì họ chỉ có cách là đàm phán với bản thân bạn,” ông ta nói. “Điều đó tạo điều kiện cho các nhà thiết kế trang web đứng ra giúp chúng ta đàm phán về các thông tin cá nhân của chúng ta – những gì chúng ta muốn cho không, muốn bán hay muốn giữ kín.”

Quyền bảo vệ đời tư là giá trị cốt lõi của Hiến pháp. Liệu có phải chúng ta đang bước sang kỷ nguyên mà quyền cá nhân chỉ được tôn trọng trên mặt đất, trong khi có thể bị vi phạm trong không gian điện toán? Chánh án Louis Brandeis thường nói về sự cần thiết phải bảo vệ “quyền của con người trong cõi riêng tư.” Nhưng khi Internet trở thành trung tâm của những hoạt động liên lạc, giáo dục và làm ăn, nó làm nảy sinh một vấn đề sâu sắc hơn: không chỉ quyền của cõi riêng tư mà là quyền ẩn thân – tránh được chuyện bất cứ cử động gì của bạn cũng bị ghi lại vào những máy tính ở đâu đó và thông tin đó được bán với giá cỡ 39 đô-la. Đó là chốn chúng ta đang đến, vì hiện nay tiến độ trong đó thông tin cá nhân của chúng ta đang được tập trung trong các kho của chính phủ và giới kinh doanh – đang tăng nhanh đến mức chóng mặt. “Tiến bộ trong điện toán cho ra một hiệu quả đúp,” Báo The Economist (1/ 5/1999) cho biết, “không những nó cho phép thu thập những thông tin mà thời trước không thu thập được, mà nó khiến cho việc lưu giữ, phân tích và truy cập trở nên dễ dàng hơn – một điều mà cho mãi đến gần đây không ai làm nổi. Và khi máy tính trở nên nhỏ bé hơn, chạy nhanh hơn, rẻ tiền hơn và nối mạng rộng rãi hơn thì chúng trở thành những tay thám tử mạnh mẽ hơn. Nếu hiến pháp không quản lý nổi Internet, nếu dân chúng coi toàn cầu hóa là sự xâm phạm vào đời tư của người ta hơn là trang bị cho người ta tiến ra thế giới, nếu họ cảm thấy Internet lang thang vào bản thân họ hơn là họ lang thang trên Internet…, thì họ sẽ lại đi dựng tường và rào cản.

Quá bất công đối với quá nhiều người

Julia Preston, phóng viên thường trú báo The New York Times ở Mexico City vào cuối những năm 90 đã kể một câu chuyện rất hay nói về sự căng thẳng giữa kẻ thắng và người thua trong sứ mệnh toàn cầu hóa ở nước này.

“Đó là ngày Lao động Quốc tế năm 1996,” Preston nhớ lại, “có một cuộc tuần hành lớn ở Mexico City. Đó là năm đầu tiên sau ngày thực hiện chương trình thắt lưng buộc bụng của chính phủ và cuộc biểu tình có số người tham gia rất đông, trong đó có một số thuộc nghiệp đoàn, những người này chống lại chương trình liên kết giữa chính phủ và nghiệp đoàn để tham gia bãi công. Tôi đi trong số những thành viên của “Công đoàn của nhân viên các trường đại học,” nghiệp đoàn có lịch sử dày dạn về những hoạt động cánh tả, họ hô hét ầm ĩ lắm. Lúc đó họ hô vang “Muera Ortiz” – nghĩa là giết chết Ortiz, Bộ trưởng Tài chính. Họ to tiếng và hiếu chiến lắm. Đang như vậy thì điện thoại của tôi réo, và chính Bộ trưởng Tài chính Ortiz trong máy và muốn nói chuyện với tôi. Tôi nói với ông ta là khung cảnh ồn ào quá, vì đang giữa lúc biểu tình. Tôi bước khỏi đám đông đến bên một tòa nhà cho đỡ ồn, cũng vì muốn có thời gian chuẩn bị để nói chuyện với ông ta. Tôi nói với ông ta, “Thưa Bộ trưởng, tôi phải nói rằng có rất nhiều người ở đây không chấp nhận những chính sách kinh tế của ông.” Ông ta dường như bật cười và tôi nhanh chóng hiểu rằng ông ta chẳng quan tâm gì đến chuyện đó. Lý do ông ta gọi cho tôi là để mừng cho việc Mexico lần đầu tiên đã cho bán loại công trái loại 30 năm. Đó là lần đầu tiên từ năm [1995] khi đồng feso bị mất giá họ phát hành được trái phiếu dài hạn trên thị trường Wall, mà không cần sự hỗ trợ của Hoa Kỳ, và người mua rất quan tâm. Và ông ta như thế đấy – sung sướng bay cao như diều – trong khi nhiều người biểu tình hô hào muốn giết chết ông ta.”

Ortiz có thể được sống thêm một ngày – và toàn cầu hóa có thể tồn tại thêm một ngày nếu như có đủ dân chúng ở Mexico cảm thấy họ được hưởng chút ít lợi ích từ toàn cầu hóa để chịu đựng thêm được. Họ có thể xuống đường để phản đối một chính sách hay đòi hỏi một điều gì đó, nhưng những người công nhân ở Mexico đã không gia nhập hàng ngũ của Phó chỉ huy du kích Marcos và những du kích quân Zapatista mong muốn tách Mexico ra khỏi toàn cầu hóa. Đúng hơn là họ chưa làm điều đó.

Lý do chính là vì Bầy Thú Điện Tử và các siêu thị tài chính, trong khi giày vò những nước như Mexico, thì cũng đã nhanh chóng khen thưởng khi họ làm ăn giỏi – mua thêm hàng từ Mexico và đầu tư thêm vào nước này ngay sau khi nước này tổ chức lại bộ máy kinh tế của mình. Tăng trưởng kinh tế của đất nước chính là điều đã cho phép những người như ông Ortiz cười khẩy khi nghe người ta hô hào giết, và có thể nói với các công nhân, “Cho phép tôi thêm chút thời gian và tôi hứa với các bạn là mọi sự sẽ yên ổn trở lại.”

Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu cùng một lúc Hoa Kỳ và Tây Âu chịu suy thoái, Nhật Bản tiếp tục trì trệ, không đủ khả năng cứu giúp những cơ sở lười nhác của họ? Bầy thú, thay vì khen thưởng Mexico, Brazil hay Hàn Quốc bằng cách mua công trái của họ, sẽ án binh bất động. Thay vì thu mua tất cả các hàng xuất khẩu từ các nước đang phát triển, Hoa Kỳ và Tây Âu có thể dựng lên các hàng rào bảo hộ chống nhập khẩu để cứu vãn các thị trường nhân lực của chính họ. Như thế thì toàn cầu hóa có tồn tại được không? Chúng ta chưa biết được, vì trong thập niên đầu tiên, chúng ta chưa thấy cảnh này. Nhưng đó là một thử thách thực sự đối với toàn bộ hệ thống – làm thế nào để tồn tại khi có suy thoái trong cốt lõi của hệ thống – và cho đến khi điều đó xảy ra thì chúng ta chưa thể kết luận là toàn cầu hóa có bền vững hay không.

Quá phi nhân tính

Một hôm tôi đang lái xe trên đường Beltway ở Washington, tôi nghe được một mẩu tin trên đài WTOP. Tin đặc biệt nói rằng nếu gọi đến một công ty truyền hình cáp ở New York thì sẽ có dịch vụ mới: “Nếu muốn nói chuyện trực tiếp với người, mời bạn bấm số 1.”

Tôi bao giờ cũng bấm 1. Bao giờ cũng vậy. Quả thực, mỗi khi nhận được một chỉ dẫn, “Nếu bạn không có điện thoại bấm số thì vui lòng giữ máy và một nhân viên sẽ gặp bạn…,” thì tôi bao giờ cũng giữ máy chờ, cho dù tôi vẫn có loại máy điện thoại bấm số. Khả năng cho phép bấm 1 chính là điều kiện thiết yếu để đảm bảo cho toàn cầu hóa thành công. Khả năng được phép chờ để nói chuyện trực tiếp với nhân viên chính là yếu tố đảm bảo cho sự thành công của toàn cầu hóa. Vì ở một mức độ bạn phải giữ được cảm giác rằng hệ thống toàn cầu hóa sinh ra là vì con người, không vì máy móc; nếu không thì toàn cầu hóa sẽ trở nên xa lạ quá.

Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn không còn được phép bấm 1. Điều gì sẽ xảy ra khi toàn cầu hóa trở nên quá tiêu chuẩn hóa, quá phi nhân tính?

Ted Century, anh rể tôi là một nhà sáng chế các thiết bị y tế, có một xưởng nhỏ trong hầm nhà của anh. Ted là dạng người hiếm có, có đôi tay vàng, sáng chế rất nhiều dụng cụ tinh xảo. Khi nói chuyện với anh vào một buổi chiều về giao dịch thương mại trên mạng, Internet và công nghệ vệ tinh... vân vân, anh ta gật đầu, trầm tư và nói, “Vậy thì giá trị cuộc sống nằm ở đâu trong đó?”

Ted và chị tôi sau đó kể một câu chuyện mà họ không dễ gì quên được. “Cứ mỗi mùa hè đến chúng tôi thường đi từ nhà ở Philadelphia xuống vùng South Jersey để mua thực phẩm, đặc biệt loại cà chua Jersey,” Ted nói. “Cà chua to, mọng và hương vị thật ngon. Có thứ gì đó thật đặc biệt trong đất pha cát ở vùng South Jersy giúp trồng cà chua và ngô rất tốt, chính vì thế mà tiệm Campbell’s bao giờ cũng mua cà chua ở đó để chế biến trong món xúp của họ. Nhưng điều hay ho trong đặc tính của loại cà chua này là chúng không để lâu được, cho nên không ai dám bán chúng ra ngoài thị trường toàn cầu. Cà chua này có nhiều hình thù khác nhau và bao giờ cũng bị nứt nẻ xấu xí. Nhưng chúng rất ngon. Chúng tôi thường đến thẳng những phiên chợ của nông gia vùng South Jersey để mua từng nửa cân một. Mang chúng về làm món xà lách hoặc sốt, tôi có người bạn ăn sống quá nhiều loại cà này đến mức lưỡi của anh ta phồng rộp. Ta thường quên rằng cà chua là một loại quả, nhưng khi ăn cà chua ở vùng South Jersey, bạn nhớ lại điều đó. Vâng vào mùa hè năm 1997, khi chúng tôi xuống mua cà chua thì thấy khó kiếm quá. Đến năm sau, 1998, khi chúng tôi xuống thì không thấy loại cà này nữa. Biến mất rồi. Thay vào đó chợ nông gia chỉ có loại cà đẹp đẽ, cùng cỡ, màu hồng và ăn nhạt như nến. Và trong một phiên chợ, có một người mở thùng lạnh và cho chúng tôi xem loại cà mới, anh này giải thích loại cà chua này cho phép bảo quản lâu hơn và chuyển đi xa hơn. Cà chua quả nào cũng giống quả nào, không thấy các vết nẻ nữa. Anh nói, “Khách hàng không ưa loại có vết nẻ.” Trông chúng xấu đi.”

Nói đến đây, chị Jane tôi góp chuyện: “Tồi tệ hơn là người ta vẫn gọi cái loại cà công nghiệp hóa đó với cái tên “cà chua Jersey.” Nói cách khác, họ đã vứt đi giống cà cũ nhưng vẫn giữ lại tên gọi, mặc cho loại cà mới hình thức và mùi vị không giống như xưa! Tôi cảm thấy rất buồn về điều này. Nó làm cho tôi cảm thấy mình mất đi vĩnh viễn chút ít giá trị thực sự trong cuộc sống. Tôi cảm thấy như tương lai là thế. Những điều độc đáo trong cuộc sống nay bị biến thành đồ nhựa nhân tạo.”

Đến cuối cuộc trò chuyện, ông anh rể tôi nói, “Suy nghĩ đầu tiên đến với tôi sau khi đi mua cà chua về, khi không còn mua được loại cà đó nữa, là lên Internet để tìm xem có còn ai trồng loại cà chua đó không. Chắc chắn phải có người giữ lại giống cà đó.”

Suy đoán của Ted hóa ra rất chuẩn xác. Nếu còn có một thị trường cho loại cà đó, và nếu hạt giống của chúng vẫn còn, nếu có những nông dân dùng Internet mở một trang web www.tomatoes.Jerseybeefsteak.com - một tài khoản chuyển phát nhanh và một chương mục tín dụng, thì có thể dùng máy tính để đặt mua giống cà độc đáo đó từ nhà của bạn. Trả tiền bằng thẻ tín dụng, giao hàng tại nhà vào ngày hôm sau – tôi hy vọng như vậy.

Và tương lai của toàn cầu hóa chính phụ thuộc vào khả năng đó.

Cung cách chúng ta tập cân đối giữa sự tăng cường sức mạnh và nhân tính của toàn cầu hóa, với những yếu tố phi nhân tính và gây hại, cũng của toàn cầu hóa, sẽ quyết định cho tương lai nó sẽ bị đảo ngược hay không: Liệu nó chỉ là một giai đoạn quá độ hay sẽ trở thành một sự tiến hóa bền vững.

Tháng 7/1998, tạp chí The New Yorker đăng một tranh biếm họa trong đó có hai con quỷ từ địa ngục râu ria xồm xoàm, tóc dài; một mặc áo phông có đầu lâu xương chéo, một ngồi trên chiếc xe máy. Hai quỷ hỏi nhau ngày hôm đó chúng làm ăn ra sao. Một con quỷ trả lời: “Hôm nay ra sao à? Tiên tiến kéo giúp chậm tiến.”

Toàn cầu hóa cũng như vậy đó. Bao giờ cũng phải cân đối, chan bên này bớt bên kia chút ít. Nhiệm vụ của những công dân của thế giới như chúng ta là đảm bảo cho đa số dân chúng cảm thấy rằng những điều mới mẻ tiến bộ đang dẫn đầu và vực dậy và hỗ trợ những gì chậm tiến. Chỉ như thế toàn cầu hóa mới bền vững. Và không một quốc gia nào có nhiều trách nhiệm và cơ hội để làm điều đó hơn nước Mỹ.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx