sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chiếc Lexus và cây Ô Liu - Phần IV - Chương 20 - Phần 1

20. Con đường phía trước

Mùa đông năm 1996 tôi tháp tùng bà Madeleine Albright, Đại sứ của Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc thời đó sang những vùng chiến sự ở châu Phi, nơi triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc.

Chúng tôi đến những vùng nội chiến ở Liberia, Angola, Rwanda và Burundi. Dừng chân chặng cuối ở Rwanda, bà Albright đề nghị nhân viên và phi hành đoàn của chuyên cơ Boeing 737 chụp ảnh chung ở đường băng sân bay quốc tế Kigali. Chiếc chuyên cơ sơn màu trắng sọc xanh giống chuyên cơ Airforce One của Tổng thống Hoa Kỳ với dòng chữ “United States of America” [Hợp chủng quốc Hoa Kỳ].

Nhân viên và phi hành đoàn đứng dọc theo bậc thang và dưới cánh máy bay. Trong số họ có người Mỹ gốc Hy Lạp, gốc Czech, Do Thái, da đen và da trắng. Có những nhân viên phi hành đoàn quê ở các làng quê và những chuyên viên của Bộ Ngoại giao tốt nghiệp Đại học Ivy, tất cả đứng bên nhau sát cánh. Là một phóng viên, tôi không nghĩ mình nằm trong đội ngũ đó, tôi đứng sang với các nhân viên Rwanda, quan sát cuộc chụp ảnh. Những người Rwanda tỏ ra ngạc nhiên trước cảnh chụp ảnh. Tôi có cảm giác băn khoăn: không rõ họ nghĩ gì khi thấy một tập hợp đẹp nhất tượng trưng cho nước Mỹ như vậy: tinh thần cộng đồng, sự gắn bó và sẵn sàng đón nhận những người dân tha hương, sự tự do và cơ hội cho những con người muốn vươn lên những vị trí cao và quan trọng nhất; khái niệm công dân dựa trên sự trung thành với một tư tưởng chứ không phải một bộ tộc. Bức ảnh đó tượng trưng cho điều mà đất nước Rwanda chưa đạt tới. Rwanda vừa bước ra khỏi một cuộc nội chiến giữa các bộ tộc – cùng thuộc Rwanda nhưng bộ tộc người Hutu đã kình chống bộ tộc Tutsis – trong đó một triệu người đã bị giết, một số trong bọn họ đã bị chém chết bằng mã tấu. Rwanda chỉ toàn là cây Ô liu mà không có xe hơi Lexus, một đất nước cây cối cằn khô, gốc rễ chèn ép lẫn nhau mà không đâm chồi ra hoa lá.

Đứng trên đường băng sân bay nhìn cảnh đó, tôi cảm thấy giận dữ – không phải vì tấn thảm kịch ở châu Phi – mà vì cuộc tranh cãi về ngân sách trong Quốc hội Hoa Kỳ. Đối với tôi lúc đó cũng như giờ đây, dường như nước Mỹ đã và đang nắm giữ được một điều gì đó thật phi thường. Nhưng nếu muốn bảo tồn nó, thì nước Mỹ cần phải trả tiền và phải vun trồng nó. Nhưng khi tôi nghe những tân nghị sĩ thuộc Đảng Cộng hòa lứa 1994 phát biểu với những giọng nói hằn học, giọng nói không chịu nhượng bộ, giọng nói làm như thể Chính phủ Mỹ là một thứ ma quỷ gì đó. Tôi nghe thấy giọng nam và nữ khăng khăng kêu gọi hãy để cho thị trường duy nhất quyết định, những người đó nghĩ rằng lợi thế kinh tế sẽ đến từ thương mại tư do và toàn cầu hóa, và thế giới sẽ tự lo lấy bản thân của nó. Tôi đã nghe những luật sư cho rằng nước Mỹ không có trách nhiệm gì đặc biệt trong việc duy trì các định chế toàn cầu, như Liên Hiệp Quốc, Ngân hàng Thế giới hay IMF, những định chế quyết định sự ổn định của một hệ thống quốc tế mà trong đó nước Mỹ được hưởng lợi hơn các nước khác nhiều.

Vậy khi đứng trên đường băng sân bay Kigali suy nghĩ về những điều đó, tôi tự nhủ: “Quý vị tân nghị sĩ Cộng Hòa, mời quý vị sang châu Phi mà sống – nơi này chính là thiên đường cho quý vị.” Vâng, không một ai ở Liberia phải nộp thuế. Ở Angola không có sự kiểm soát vũ khí. Chúng ta không thấy có chế độ phúc lợi nào ở Burundi và không có sự can thiệp nào từ phía chính phủ đối với các thị trường ở Rwanda. Nhưng rất nhiều người dân ở đây lại mong có được những can thiệp đó. Chẳng hạn, nhân viên lễ tân ở Luanda, Angola đã nhìn tôi như thể tôi là một thằng điên, khi tôi hỏi chị rằng nếu đi dạo vài ba phố phường gần khách sạn tôi ở, vào giữa trưa, thì có an toàn hay không.

“Không, không, không,” – chị lắc đầu – “không an toàn đâu.” Tôi cuộc rằng chị này sẵn lòng nộp vài thứ thuế để có được thêm cảnh sát đi tuần trong phố xá. Và rồi lại có một phóng viên đài phát thanh Liberia đến gặp tôi ở Monrovia và đòi được biết tại sao lính thủy Mỹ đến Liberia sau khi nội chiến nổ ra năm 1989, nhưng chỉ di tản kiều dân Mỹ, và bỏ lại dân chúng Liberia để họ đánh lẫn nhau. “Chúng tôi nghĩ, lính thủy Mỹ đang đến, chúng ta sẽ được cứu thoát,” phóng viên này nói, “nhưng họ đến rồi lại ra đi. Tại sao họ lại có thể bỏ đi nhỉ?” Khổ thân cho anh chàng, đất nước của anh không có lính thủy để cứu anh. Tôi cũng đánh cuộc rằng anh ta cũng rất sẵn lòng trả tiền thuế để có được những người biết làm điều thiện. Họ không ngại ngùng gì chuyện ở Liberia có một “chính phủ mạnh.” Họ không lo ngại gì về chuyện có chính phủ – vì những băng đảng và chúa đất đã hoành hành ở đất nước của họ đã hơn một thập niên. Không, Liberia có thể không bao giờ phải lo đối phó với nạn cửa quyền và quan liêu của chính phủ. Quả thực tôi chỉ thấy có mỗi một nội quy trong tòa nhà hành pháp ở Liberia trong hình thức một tấm biển chỉ dẫn gắn trên cánh cửa lỗ chỗ vết đạn. Biển này ghi: “Nộp vũ khí của quý vị ở đây.”

Các nhà tuyển dụng hoàn toàn không phải lo đến những luật lệ về an toàn lao động ở Angola, không kể đến những dịch vụ cho người tàn tật. Con số 70.000 dân Angola bị vấp phải mìn gài trong thời gian suốt 25 năm qua, làm cụt chân tay, họ vẫn đang tồn tại. Bạn có thể thấy họ khập khiễng đi trên đường phố của thủ đô Luanda, ở quảng trường Felliniesque, xin ăn và dùng gậy gỗ để thay cho chân tay. Và ở Rwanda lẫn Burundi, không ai bị đòi hỏi phải đóng góp cho Head Start, bảo hiểm thất nghiệp, Medicaid, dịch vụ cho sinh viên vay tín dụng. Thay vào đó, họ tham gia cạnh tranh kịch liệt, chiếm đất, chiếm năng lượng và nước sạch, trong đó những bộ lạc người Hutu và Tutsi thường xuyên giết lẫn nhau.

Người ta nói lúc đó rằng các tân nghị sĩ Cộng hòa chưa bao giờ dự tiệc tùng trong Quốc hội. Họ nghĩ làm như thế sẽ bị mất uy tín trước vùng cử tri của họ. Phần lớn trong số đó thậm chí cũng không có hộ chiếu. Chẳng sao. Họ muốn chiếm được tất cả những lợi quyền gắn với việc trở thành những Michael Jordan trong phương diện địa-chính trị, với việc trở thành người Mỹ toàn cầu hóa, nhưng không cần phải hy sinh hay có trách nhiệm gì cả – dù ở trong nước hay nước ngoài. Họ nên đến những vùng châu Phi bị chiến tranh tàn phá để cảm nhận thực sự về những gì xảy ra cho những đất nước đã mất đi tình cảm cộng đồng, cảm giác dân chúng có nợ nần với chính phủ, cảm giác người này có trách nhiệm với người kia, và nơi mà người giàu phải sống sau những kín cổng cao tường, cửa sổ bôi đen, trong khi người nghèo thì lang thang nơi chợ búa.

Tôi không muốn sống trong những đất nước, những thế giới như vậy. Không những nơi đó thiếu luân thường và đạo lý, chúng ngày càng thiếu cả an ninh nữa. Tìm cách tránh những thảm cảnh đó cần phải là trọng tâm của các chính sách đối nội và đối ngoại của Hoa Kỳ ngày nay. Thật không may, cả Đảng Dân chủ lẫn Đảng Cộng hòa đều chưa phản ánh đầy đủ được trong các cương lĩnh của họ sự quá độ từ Chiến tranh Lạnh sang toàn cầu hóa. Nhiều lúc cả hai đảng này ứng xử theo cái lối rằng thế giới giờ đây cho phép nước Mỹ có thể tỏ ra hẹp hòi và thiên lệch khi bàn tới bất cứ vấn đề gì. Đối với vấn đề nghiêm túc – lợi ích quốc gia ngày nay, điều cần được bàn bạc là liệu người Mỹ có thể định nghĩa được một mối đe dọa mới đối với mọi dân tộc, chứ không phải là về một nhiệm vụ chung. “Kẻ thù to lớn” vẫn là trọng tâm để xây dựng chủ nghĩa quốc tế của Mỹ, chứ không phải là “cơ hội lớn,” càng không phải là “trách nhiệm lớn.”

Trong quá trình toàn cầu hóa thời nay, nước Mỹ quả là đang chia sẻ một lợi ích chung của mọi dân tộc – một thứ lợi ích bao gồm cả một cơ hội lẫn một trách nhiệm lớn. Nói đơn giản là: Là một đất nước hưởng lợi phần lớn từ cuộc hội nhập toàn cầu thời nay – là đất nước mà dân chúng, sản phẩm, giá trị, công nghệ và ý tưởng được toàn cầu hóa ở mức độ cao – nhiệm vụ của chúng ta là duy trì tính bền vững của toàn cầu hóa. Và một phương cách để thực hiện là giữ cho hệ thống quốc tế ổn định, tạo điều kiện cho những yếu tố tiên tiến dẫn dắt những yếu tố trì trệ, vì cuộc sống của nhiều người dân ở nhiều đất nước. Trong Chiến tranh Lạnh, vấn đề chính trị căn bản là: Bạn lựa chọn phần cứng và hệ điều hành nào? Trong toàn cầu hóa, câu hỏi chính trị hàng đầu là: Làm thế nào ứng dụng thật tốt cái phần cứng và hệ điều hành duy nhất còn tồn tại – chủ nghĩa tư bản thị trường tự do trong bối cảnh hội nhập toàn cầu? Hoa Kỳ có thể và cần phải đóng vai trò gương mẫu trong việc đáp lại câu hỏi này.

Hoa Kỳ có 200 năm lịch sử để phát minh, cải tiến và tiêu chuẩn hóa những cán cân giữ cho thương trường được tự do phát triển mà không biến thành những con quái vật. Chúng ta có công cụ để cải cách. Và chúng ta sẽ có lợi khi cải cách. Quản trị toàn cầu hóa là trách nhiệm mà nước Mỹ không dám bỏ qua. Đó chính là lợi quyền dân tộc của chúng ta ngày nay. Chính đảng nào hiểu rõ điều đó trước hết, từ đó xây dựng được một cương lĩnh đáng tin cậy, nhất quán và sáng tạo, sẽ là chính đảng đặt đầu cầu cho Hoa Kỳ tiến đến tương lai.

Muốn đối đầu với thách thức đó bạn cần bắt đầu bằng cách loại bỏ những ngôn ngữ của thời Chiến tranh Lạnh – những ngôn ngữ không còn thể hiện được thực trạng hiện nay, và xây dựng một hệ thống các thuật ngữ mới thích hợp với toàn cầu hóa. Với mục đích này, tôi đã thiết kế một sơ đồ, trong đó, tôi tin rằng, thể hiện 4 thực thể chính trị căn bản mà dân chúng có thể lựa chọn trong thời toàn cầu hóa. Ross Perot Newt Gingrich Dick Gephardt Bill Clinton.

Để nhận biết bạn là ai và đối thủ của bạn là ai trong thời đại này, hãy sử dụng hệ thống sau đây: Đường nằm giữa chạy từ trái sang phải biểu thị toàn cầu hóa; trước hết bạn hãy đánh dấu một điểm trên đường này phản ánh bạn hiểu được bao nhiêu về toàn cầu hóa. Cuối con đường này bên tay phải là “những người hội nhập toàn phần”. Đây là những người hoàn toàn mong muốn đón nhận toàn cầu hóa vì họ nghĩ toàn cầu hóa là điều tốt hay điều đương nhiên và mong muốn được thấy nó qua thương mại tự do, thương mại internet, liên hệ giữa trường học, cộng đồng và doanh nghiệp, email, tất cả để duy trì hội nhập toàn cầu 24/ 24 tiếng mỗi ngày, suốt 24 múi giờ và thông qua không gian điện toán.

Điểu cuối của con đường này bên tay trái là “những người ly khai toàn phần”. Họ là những người coi thương mại tự do và hội nhập công nghệ là điều chả ra gì và chưa chắc đã xảy ra, vì theo họ toàn cầu hóa làm cho khoảng cách giàu nghèo tăng lên, công ăn việc làm bị chuyển khỏi biên giới quốc gia, bản sắc văn hóa bị xóa nhòa và đời sống rồi sẽ bị những bàn tay vô hình của thương trường nhào nặn và kiểm soát. Họ muốn toàn cầu hóa ngưng lại. Họ muốn giết ngay toàn cầu hóa.

Vậy bạn là ai? một người “ly khai”? hay một người “hội nhập”? hay một nhân vật trung dung?

Bây giờ nhìn vào đường chạy từ trên xuống dưới – đường biểu thị phân phối của cải vật chất. Nó biểu thị các thể loại chính sách mà bạn muốn chính phủ phải thiết lập khi theo đuổi toàn cầu hóa và chiếc áo nịt nạm vàng. Điểm cuối dưới đáy con đường này là “Những người mong muốn an sinh xã hội” hay SSN. Tôi coi SSN là những người tin rằng toàn cầu hóa chỉ có thể bền vững khi nó được dân chủ hóa trên cả phương diện kinh tế lẫn chính trị. Về kinh tế, điều này không có nghĩa là những chính sách an sinh xã hội chỉ để “hứng” những người chậm tiến và thiếu năng lực. Chúng sinh ra để “đưa” những người đó vào guồng, trang bị công cụ và tài nguyên cho họ sản xuất và cạnh tranh. Về chính trị có nghĩa là khuyến khích dân chủ hóa ở các nước đang phát triển, vì nếu không có tự do cá nhân thì sẽ không có tự do tăng trưởng kinh tế.

Dĩ khiên không phải ai cũng nhất trí với quan điểm này. Chính vì thế ở đầu kia của trục thẳng đứng là “nhưng người cá lớn sẽ nuốt cá bé”. Loại người này cho rằng toàn cầu hóa sẽ đưa đến việc ai mạnh nấy thắng, và ai yếu tất bị bỏ rơi. Họ muốn thu hẹp quyền lực và cơ cấu chính phủ, các loại thuế và an sinh xã hội và để cho dân chúng tự do cạnh tranh, chiếm đoạt và tự hưởng những thành quả cá nhân hoặc ráng chịu nếu tỏ ra yếu kém quá. Những người theo lối “cá lớn nuốt cá bé” cho rằng quan trọng nhất là kiếm và giữ được công ăn việc làm, không nên nghĩ đến chuyện nếu thua thiệt thì sẽ có người cứu giúp.

Vậy bạn đứng ở đâu trong cái trục này? Bạn là người tin vào lợi ích của an sinh xã hội? Hay bạn theo trường phái “cá lớn nuốt cá bé”? Hay bạn là người trung dung?

Tất cả những yếu nhân trong chính trường Hoa Kỳ ngày nay có thể được nhận diện và hiểu được qua ma trận này hơn là những nhãn hiệu ta vẫn gặp: Dân chủ, Cộng hòa hay Độc lập. Bill Clinton là một con người hội nhập và tin vào lợi ích của an sinh xã hội. Cựu chủ tịch Hạ viện Newt Gingrich là người hội nhập nhưng bênh vực cho tự lực cánh sinh “cá lớn nuốt cá bé”. Chính vì thế Clinton và Gingrich bao giờ cũng là đồng minh trong vấn đề thương mại tự do nhưng lại là đối thủ của nhau mỗi khi họ bàn đến an sinh xã hội. Lãnh tụ nhóm thiểu số của Hạ viện Dick Gephardt là con người ly khai và thiên về an sinh xã hội trong khi Ross Perot là người ly khai nhưng tin vào việc cá lớn nuốt cá bé. Chính vì thế họ liên minh với nhau để chống lại Hiệp định Thuế quan Tự do Bắc Mỹ NAFTA và những hình thức mậu dịch tự do khác nhưng chỉ có Gephardt quan tâm đến an sinh xã hội để bảo vệ quyền lợi và tăng cường năng lực cho người lao động.

Trong khi tôi dùng sơ đồ này để minh họa xã hội Mỹ ngày nay thì bạn có thể dùng nó để mô tả thực trạng trên đất nước của bạn. Hãy đặt bản thân bạn vào sơ đồ này để xem bạn là ai và ai sẽ là đối thủ của bạn trong cuộc tranh luận chính trị sau này. Bản thân tôi là người toàn tâm theo hội nhập và bênh vực cho an sinh xã hội. Điều đó có nghĩa gì? Nghĩa là tăng cường thực trạng chính trị vì lợi ích toàn cầu hóa bền vững, chính sách đối ngoại và phòng thủ theo lối toàn cầu và một nền kinh tế chính trị toàn cầu hóa, và sau cùng một tập hợp những luân lý và đạo đức toàn cầu hóa (trong đó bao gồm các giá trị tôn giáo và gia đình). Nói cách khác đó là quan điểm xây dựng một hệ thống quốc tế mới.

Nền chính trị trong kỷ nguyên toàn cầu hóa

Xin đi sâu vào nội dung của một nền chính trị mang tính toàn cầu hóa bền vững. Nó phải gồm hai thứ: bức tranh toàn cảnh thế giới để dân chúng hiểu họ đang ở đâu; và một loạt các chính sách hội nhập kết hợp an sinh xã hội để đối phó với thực trạng thế giới.

Cần phải có bức tranh toàn cảnh thế giới vì không một chính sách nào có thể khả thi nếu không thu hút được một bộ phận dân chúng có cách nhìn tương tự nhằm hiểu được vì sao nó cần thiết. Những chính trị gia hãy cẩn thận: Có rất nhiều lý do cho thấy rằng bóp méo và bôi xấu toàn cầu hóa thì thật là dễ. Nhưng làm như thế thì dù có đúng đắn về kinh tế, bạn vẫn không kiểm soát nổi về chính trị, dẫn đến việc toàn cầu hóa thay vì mang lại lợi ích, lại quay ra chống lại quý vị. Vì sao? Vì những người chịu thiệt thòi nhiều nhất trong toàn cầu hóa – những nhân công mất việc do ứng dụng tự động hóa và người máy, hoặc do phân xưởng của họ bị chuyển ra nước ngoài – hiểu biết về thân phận của họ rất rõ. Điều đó giúp cho họ dễ dàng tập hợp để chống lại hội nhập, công nghệ mới và tự do mậu dịch. Trong khi đó những người hưởng lợi từ toàn cầu hóa, tự do thương mại và đầu tư thường lại không tự hiểu họ là ai. Họ thường không nhìn thấy mối quan hệ giữa toàn cầu hóa và sự cải thiện mức sống của chính họ, chính vì thế không dễ gì tập hợp được những người này. Đã bao giờ bạn nghe một công nhân trong phân xưởng sản xuất chip vi tính nói, “Bạn ơi, tôi là người may mắn. Nhờ có toàn cầu hóa, nhu cầu cho hàng xuất khẩu cao cấp của Hoa Kỳ tăng vọt, sự thiếu thốn công nhân lành nghề ở đất này và những đòi hỏi mới từ các nước đang phát triển, khiến ông chủ tôi phải tăng lương cho tôi. NAFTA thật tuyệt diệu!”


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx