sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chiếc Lexus và cây Ô Liu - Phần IV - Chương 20 - Phần 2

Một lý do nữa khiến cho toàn cầu hóa dễ bị xuyên tạc là việc con người ta không hiểu toàn cầu hóa phần nhiều là do công nghệ, chứ không phải thương mại, lôi cuốn. Trong văn phòng báo The New York Times ở Washington, chúng tôi vốn có một cô lễ tân, sau này cô ta bị mất việc. Mất việc không phải vào tay một người Mexicô –, mà là vào tay một chip vi tính – con chip này được lắp trong các điện thoại trong văn phòng, tự động trả lời khách hàng. Thực tế ở đây cho thấy thậm chí nếu nước Mỹ không buôn bán gì với Mehicô thì vẫn có microchip và vẫn khiến cho cô nhân viên này mất việc. Nếu có một bức tường cao 10 mét xây dọc biên giới Hoa Kỳ và Mexicô thì microchip vẫn cướp đi của cô này công việc đó. Nhưng các chính trị gia không muốn công nhận chuyện này. Không ai trong số họ dám đứng dậy và nói: “Tôi muốn các bạn đứng dậy, dứt điện thoại khỏi ổ máy, ném chúng ra ngoài cửa sổ và kêu tướng lên: ‘Tôi không chịu được nữa! Hãy cứu công ăn việc làm cho nước Mỹ! Cấm sử dụng trả lời điện thoại tự động! Khoai tây rán, chấp nhận ngay Microchip, vứt!’” Đó không phải là một thông điệp tranh cử hữu hiệu. Nên họ thường nhào ra hô hét chống đối người Mexico và các nhà máy ở nước ngoài. Công nhân và nhà máy ở nước ngoài là những mục tiêu cụ thể và dễ chĩa mũi dùi vào, trong khi đó microchip thì không hẳn là kẻ thù trong con mắt các chính trị gia. Chính vì thế thương mại tự do nhanh chóng trở thành mối lo, mối họa trong tư duy của nhiều người trong thời đại toàn cầu hóa – trong khi thực ra họ nên lo lắng hơn về chuyện kỹ thuật phát triển nhân đại trà.

Bill Clinton đánh bại George Bush [cha] và Bob Dole bởi lẽ đa số cử tri Hoa Kỳ có trực giác là họ đang bước vào một kỷ nguyên mới, Clinton đón nhận thời cơ đó, và đưa ra những giải pháp cho nó – trong khi Bush và Dole không làm được điều đó. Nhưng không may là khi lên cầm quyền, Clinton không bao giờ thực hành cho hoàn hảo những giải pháp đó, chưa đưa được ra một bức tranh toàn cảnh cho dân chúng. Trong tuần lễ đầu tiên sau khi nhậm chức, Clinton đã tuyên bố vấn đề nan giải của Hoa Kỳ là y tế – chứ không phải toàn cầu hóa bền vững. Vậy đáng lẽ ông ta phải nói điều gì? Đáng nhẽ ông ta nên nói:

“Thưa đồng bào, nhiệm kỳ Tổng thống của tôi trùng hợp với kết thúc của cuộc Chiến tranh Lạnh và sự khởi đầu của toàn cầu hóa. Toàn cầu hóa trong những năm 1990 cho tới thiên niên kỷ mới mang ý nghĩa như Chiến tranh Lạnh đến với thế giới từ những năm 1950 cho tới những năm 1980. Nếu hệ thống Chiến tranh Lạnh được dựng lên từ những đe dọa và thách thức của Liên Xô, và chia cắt thế giới, thì toàn cầu hóa được xây dựng từ những đe dọa và thách thức của những bước nhảy vọt trong công nghệ và những hội nhập kinh tế; toàn cầu hóa khiến thế giới tập trung hơn. Nhưng khi đoàn kết thế giới thành một khối, toàn cầu hóa cũng làm biến đổi môi trường làm việc, công việc, thương trường và cộng đồng của mọi người – nhanh chóng xóa đi những nghề nghiệp cũ kỹ và cho ra đời những công việc mới mẻ. Toàn cầu hóa xóa đi những lối sống cũ kỹ và cho ra đời những cách sống mới; nhanh chóng xóa đi những thị trường cũ kỹ và nhân đại trà các loại thị trường mới; nhanh chóng xóa đi những ngành công nghiệp cũ và phát minh nhiều ngành nghề mới mẻ. Ngoại thương, vốn chiếm 13 phần trăm tổng sản phẩm quốc nội những năm 1970, nay đã lên tới 30 phần trăm tại Hoa Kỳ – và đang tiếp tục tăng. Những tiến bộ kỹ thuật ngày nay phát triển nhanh tới mức các công ty máy tính của Hoa Kỳ mỗi năm cho ra 3 đời máy tính. Đây không những là một thế giới mới, mà về nhiều mặt một thế giới tốt đẹp hơn. Dẫu có phải vật lộn với toàn cầu hóa lúc này lúc khác, thì Trung Quốc, Indonesia, Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia, Brazil hay Argentina đã chứng kiến mức sống của họ tăng lên cho nhiều bộ phận dân chúng của họ, tăng cao hơn bao giờ hết trong lịch sử. Điều đó là nhờ có sự tăng hiệu quả các thị trường tài chính tạo điều kiện cho hoạt động buôn bán và đầu tư của con người từ nước này sang nước khác. Toàn cầu hóa là đầu tàu của tăng trưởng kinh tế chưa từng có thời này, đó là điều chúng ta không bao giờ được quên. Như Bộ trưởng Tài chính Larry Summers chỉ ra, nhờ phần lớn vào toàn cầu hóa mà hơn một phần tư nhân loại đang an hưởng mức tăng trưởng trong đó mức sống của họ sẽ tăng gấp bốn lần trong thế hệ của họ. Bốn lần. Và điều đó hoàn toàn không gây hại gì cho Hoa Kỳ. Ngược lại sự tăng trưởng trên thế giới đã khiến giảm nạn thất nghiệp ở Mỹ xuống mức thấp nhất trong gần 50 năm. Nhưng toàn cầu hóa cũng mang đến một thách thức chưa từng có: Trong khi đóng vai trò đầu tàu tiến tới sự phồn vinh lâu dài, toàn cầu hóa cũng là động lực khiến xuất hiện những phân bổ tài nguyên và của cải một cách bất công trong ngắn hạn. Và không thể đơn thuần nói với một công nhân vừa mất việc vào tay người nước ngoài rằng: tuy vậy nhưng xã hội nói chung nay khá hơn nhiều, vì mọi người có thể mua những loại giày hay loại sắt thép rẻ hơn. Không dễ gì giải thích với một nhân viên vừa mất việc vì một loại công nghệ mới được đưa ra ứng dụng, rằng tuy thế, xã hội ta vẫn khá hơn vì mọi hệ thống vận hành được áp dụng khoa học kỹ thuật và có năng suất tăng vọt. Lợi ích của toàn cầu hóa được tính trên cơ sở dài hạn và làm lợi cho xã hội nói chung nhưng những bất công đương nhiên sẽ sớm xảy ra và cá nhân sẽ là những nạn nhân trước tiên.”

“Vì thế, trước sự tương phản giữa những cơ hội dài hạn do toàn cầu hóa và tăng trưởng mang lại cho những người giàu, và những gián đoạn độc hại về chính trị, môi trường và xã hội trước mắt nhằm vào người nghèo, Hoa Kỳ cần có một chiến lược để khiến toàn cầu hóa trở nên bền vững – để khai thác những điều hay nhất, trong khi giảm nhẹ tác động từ những hậu quả tồi tệ. Hãy tưởng tượng thế giới là một bánh xe có những nan hoa. Ổ trục bánh xe là điều tôi gọi là “toàn cầu hóa cùng tăng trưởng kinh tế và cải cách công nghệ.” Nói đơn giản là điều vĩ mô. Vì nó nằm ở trục, nên chúng ta cần có quan điểm để nối trục này với các lĩnh vực y tế, phúc lợi, giáo dục, dạy nghề, môi trường, điều tiết thị trường, an sinh xã hội, tài chính và mở rộng thương mại tự do. Mỗi một mảng như vậy cần được điều chỉnh, cải cách để giúp đất nước chúng ta khai thác lợi ích của toàn cầu hóa đồng thời tạo những đệm an toàn để giảm và loại trừ những hệ quả xấu có thể xảy ra. Toàn cầu hóa đòi hỏi xã hội chúng ta tiến nhanh hơn, làm việc thông minh hơn, và đương đầu với nhiều mạo hiểm hơn bao giờ hết. Trong cương vị tổng thống, tôi xin hứa hai điều. Một, tôi sẽ giúp trang bị tốt hơn cho bản thân đồng bào và toàn xã hội để đối phó với những thách thức mới, với sự kết hợp giữa hội nhập triệt để và tổ chức mạng lưới an sinh xã hội hoàn hảo. Điều thứ hai, tôi sẽ bảo vệ không mệt mỏi những sắc luật về thương mại để đảm bảo rằng, trong khi toàn cầu hóa thử thách người lao động Hoa Kỳ, sẽ không cho phép những người khác lợi dụng để bán phá giá hàng hóa của họ ở đây, trong khi lại không cho hàng hóa của chúng ta vào đất nước của họ. Tôi không nói đây là nhiệm vụ dễ dàng. Ngược lại tôi xin nói tình hình rồi đây sẽ rất khó khăn. Nhưng nếu chúng ta xây dựng một sự cân bằng hợp lý – tôi nghĩ chúng ta có thể làm được – chúng ta có thể trở thành đội tiên phong trên thế giới làm gương về sự hội nhập trong toàn cầu hóa, cũng như chúng ta đã từng làm gương cho thế giới trong việc răn đe trong thời Chiến tranh Lạnh. Chúa phù hộ nước Mỹ.”

Đó chính là những gì Clinton tin vào, nhưng không hẳn là những gì ông ta đã nói ra. Và một trong những lý do vì sao chính sách y tế của Clinton bị các đối thủ đánh bại là nó không được đặt vào trong một bức tranh rõ ràng mang bối cảnh toàn cầu hóa. Hậu quả là, như kinh tế gia Dani Rodrik của Đại học Harvard cho biết, “Các mối liên hệ và bổ sung trong những lĩnh vực đó đã không được thể hiện rõ trong tranh luận công khai,” làm cho những kẻ duy ý chí và cực đoan, cũng như các nhà kinh tế gia đại chúng, phái dân tộc chủ nghĩa, những kẻ thiếu hiểu biết, xu thời, đã lái cuộc tranh luận sang những đề tài hạn hẹp – ví dụ: thương mại hay y tế – họ đánh gục chính sách của Clinton.

Nếu chúng ta không giải thích cho công chúng biết về bản chất thực sự của thế giới ngày nay và giải mã cho được toàn cầu hóa thì những người theo đuổi chính sách ly khai sẽ tận dụng những gì còn mờ mịt lẫn lộn để thực hiện mục đích của họ. Năm 1998, Tổng thống Clinton không thể áp dụng NAFTA vào Chilê chỉ vì một nhóm thiểu số đứng đầu là giới nghiệp đoàn chống đối. Họ hết sức năng động trong việc chống phá thương mại tự do; trong khi đó đa số trong Quốc hội được lợi trong chuyện đó, nhưng họ lại không tự tập hợp được và không bảo vệ được chính quyền lợi của họ.

Tuy nhiên, ngoài một bức tranh toàn cảnh rõ nét, một nền chính trị toàn cầu hóa bền vững cần bao hàm một hệ thống chính sách cân bằng. Cụ thể, sự cân bằng này đòi hỏi sự thỏa thuận giữa giới lao động, các định chế tài chính và chính phủ. Hãy ghi công những người theo trường phái Thatcher và Reagan đã chung sức chuẩn bị cho đất nước của họ cho kỷ nguyên toàn cầu hóa ngày nay. Họ là những công cụ xây dựng toàn cầu hóa khi họ đi đầu trong việc truyền bá viễn cảnh thị trường tự do thuần khiết nhất – cốt lõi của toàn cầu hóa. Quan điểm của những người này là: “Hãy để cho thị trường thống trị trên diện càng rộng càng tốt và mọi thứ sẽ được điều tiết êm đẹp.” Nhưng một viễn cảnh thị trường thuần khiết vẫn chưa đủ, vì nó rất tàn khốc và gây những bất ổn về chính trị. Cánh Tả, hay những gì còn lại của cánh Tả, trong khi đó lại tiếp tục ôm giữ những nguyên tắc nhà nước phúc lợi – điều đó ngược lại, đã gây nhiều bất lợi về kinh tế.

Những gì cần phải có, thay vì hai luồng quan điểm cực đoan đối chọi nói trên, là một sự kết hợp mang tính xã hội bao gồm cả thị trường tự do và sự đảm bảo rằng ích lợi của chúng đến với càng nhiều người dân càng tốt. Bạn giữ cho toàn cầu hóa ổn định bằng cách dân chủ hóa toàn cầu hóa – giúp nó làm lợi cho dân chúng nhiều hơn. Tìm hiểu một sự hòa hoãn mang tính xã hội để dân chủ hóa toàn cầu hóa là nhiệm vụ của những người thuộc phái Trung Tả – như Bill Clinton của Hoa Kỳ và Tony Blairs của nước Anh. Nhiều người gọi đó là “Con đường thứ ba.” Tôi không chấp nhận lối gọi đó. Những gì Clinton và Blairs đang lần mò mà tôi gọi là hội-nhập-toàn cầu hóa kiêm-an-sinh-xã-hội là con đường duy nhất cho một đất nước tồn tại trong toàn cầu hóa. Không có con đường thứ ba. Chỉ có một con đường, con đường mang tính cân bằng.

Những người hội-nhập-toàn cầu hóa-kiêm-an-sinhxã-hội như chúng tôi tin rằng bạn không dám trở thành một nhà toàn cầu hóa, một người tranh đấu cho thương mại tự do, mở cửa biên giới, thả nổi các hệ thống và Internet cho mọi người, nếu bạn không phải là một người theo phái dân chủ xã hội. Bởi vì nếu bạn không dám dùng những khoản tiền làm ra để tiêu vào những dự án giúp đỡ người nghèo, thua thiệt về tri thức và cơ hội, thì chính họ sẽ trở thành những lực lượng kình chống và tách đất nước của bạn khỏi hệ thống thế giới. Bạn sẽ không thể đạt được đồng thuận về chính trị để duy trì sự cởi mở của đất nước. Đồng thời, chúng tôi tin rằng bạn không dám trở thành một người dân chủ xã hội nếu bạn không phải là một nhà thúc đẩy toàn cầu hóa, bởi vì nếu không hội nhập với thế giới, bạn sẽ không bao giờ tăng thu nhập cần thiết để giúp cải thiện mức sống và cứu vớt người nghèo.

Vấn đề mà chúng ta đang phải đương đầu là tìm cho ra điểm phân cách, giữ cho sự cân đối giữa hội nhập và phúc lợi xã hội trong hệ toàn cầu hóa ngày nay? Có ba yếu tố chúng ta cần phải cân bằng: chiếc đu bay; đệm nhào lộn; và lưới phúc lợi.

Chiếc đu bay

Trước hết chúng ta cần có một nền kinh tế theo định hướng thị trường tự do cởi mở và tăng trưởng, trong đó con người được phép tự do nhào lộn đu bay. Nếu không có những kẻ mạo hiểm và những nhà tài chính chịu mạo hiểm thì sẽ không có giới kinh doanh, và nếu không có kinh doanh thì không có tăng trưởng. Chính vì thế ở tâm điểm của mỗi nền kinh tế lành mạnh chính là chiếc đu bay cho thị trường tự do bay bổng. Vì không có một hệ thống phúc lợi nào tốt hơn là một nền kinh tế lành mạnh với mức thất nghiệp thấp. Kinh tế Mỹ, một nền kinh tế tự do tiêu biểu cho thấy mức thất nghiệp giảm từ 10,75 phần trăm năm 1994 xuống còn 6,75 phần trăm vào năm 1999, cho phép một số đông thanh niên, đặc biệt là dân thiểu số, kiếm được công ăn việc làm, được đào tạo và phát triển lập thân. Tất nhiên không phải ai cũng chắc chắn kiếm được công việc ngon lành – có những người vẫn tiếp tục phải chui vào bếp nấu nướng trong khi có những người khác ngồi thiết kế trang web trong những công sở sang trọng. Nhưng một công việc và bất cứ công việc nào cũng đáng tự hào và tạo được sự ổn định trong đời mỗi con người.

Mỗi khi nghĩ đến điều này tôi đều nhớ câu chuyện nhà báo người Nga Aleksei Pushkov kể cho tôi vào tháng 4 năm 1995 về một trong những người hàng xóm của anh ở Moskva. “Anh ta là một tài xế nghèo sống ở căn hộ cạnh cầu thang. Tối thứ sáu nào anh ta cũng xỉn và hát – hát đi hát lại, hát vang vọng hai bài hát tiếng Anh: bài “Đất nước tươi đẹp” và “Em chỉ mong có thêm đứa nữa”. Anh chàng này không hiểu nội dung của bài hát. Khi xỉn là hắn đánh vợ và vợ hắn la hét ầm lên. Hắn làm chúng tôi phát khùng. Tôi muốn quăng cho hắn một trái lựu đạn. Nhưng cho đến cách đây 8 tháng tôi không biết sao hắn lại mua được cổ phần và vào làm trong một xưởng sửa chữa xe hơi. Từ ngày đó không ai còn nghe cả đêm bài hát “Đất nước tươi đẹp”, không ai nghe thấy tiếng vợ anh chàng la hét nữa. Anh ta đi làm đều đặn vào lúc 8 giờ rưỡi sáng thật vui vẻ. Anh chàng biết rằng đời đang dần tươi đẹp hơn. Vợ tôi nói, “Hãy nhìn thằng cha Đất nước tươi đẹp! Hắn là ông chủ rồi đấy.”

Chiến lược chiếc đu bay không chỉ có nghĩa là chính phủ đứng sang một bên cho phép thị trường tha hồ cướp bóc, mà còn có nghĩa là chính phủ phải tạo điều kiện cho dân chúng trở thành ông/bà chủ và là những người thông thạo thị trường tự do. Ở Hoa Kỳ, điều đó có nghĩa là những sáng kiến để mở đường cho nguồn vốn đến được những cộng đồng kém may mắn và thu nhập thấp, từ đó công ăn việc làm sẽ được tạo ra và khỏi uổng công những nhà dạy nghề và những người học nghề. Những thành phố trong nội địa Hoa Kỳ chính là những thị trường đang trỗi dậy, tương tự như đất nước Bangladesh, và chính chúng nhiều khi cần đến những trợ giúp để tạo thị trường mới. Thời còn làm Bộ trưởng Thương mại, Larry Summers đã chỉ ra: “Trên thế giới, khi đến với những con người cơ cực nhất thì thị trường tài chính tư nhân tỏ ra bất lực. Các ngân hàng lớn không muốn thâm nhập vào những cộng đồng đang cơ hàn – vì ở đó không có tiền. Các rào cản không cho các nguồn vốn đến với những cộng đồng và thiểu số nhất định, chứng tỏ sự bất lực của thị trường ở đó. Chính vì lẽ đó những cộng đồng nọ không có cơ hội để giao dịch tài chính, để tích lũy hay cho vay tiền, nên đã trì trệ họ càng trì trệ hơn.”

Một phương thức giúp dân chủ hóa nguồn vốn ở Hoa Kỳ đó là nỗ lực tu chính Luật tái đầu tư cộng đồng, cho phép các ngân hàng thương mại cung cấp tín dụng cho các khu phố nghèo khó. Nhưng cũng có những khoản vay mà các ngân hàng thương mại không đời nào chuẩn chi. Chính vì thế tôi hoan nghênh những hỗ trợ của chính phủ cho những khoản đầu tư từ năm 1999 cho những cộng đồng có mức sống tối thiểu. Được biết đến dưới cái tên Quĩ tín dụng phát triển cộng đồng, cung cấp vốn ban đầu cho các doanh nghiệp mới đầu tư vào những nơi cơ hàn nhưng cũng là nơi họ thấy những cơ hội mới cho kinh tế thị trường. Hoạt động đầu tư bao gồm những trung tâm giữ trẻ, chung cư cho người thu nhập thấp, thẩm mỹ viện và trung tâm giải trí – những lĩnh vực mà những ngân hàng lớn chẳng bao giờ để tâm.

Đệm nhào lộn

Thậm chí những xã hội có nền kinh tế năng động vẫn cần có những tấm đệm đàn hồi, an toàn, để hứng đón những ai trượt ngã vì không bắt kịp tốc độ và môi trường thay đổi nhanh. Đệm phải đàn hồi để đẩy ngược những người đó nhảy vào guồng máy kinh tế. Một tấm đệm thật bền để đón, nhưng không thực êm ái khiến bạn cứ nằm ì trên đó. Tấm đệm này thực sự cần thiết để cấp thời giúp cho những nhân tố chậm phát triển trong xã hội. Và hiển nhiên, theo cách nói trừu tượng, thì tấm đệm quan trong nhất trong đời người là việc được học hành và đào tạo.

Mỗi người lao động cần hiểu rằng an ninh kinh tế trên thế giới ngày nay, khi không còn những bức tường rào cản, không còn do một nhà nước phúc lợi chu cấp hay một thứ thẻ nghiệp đoàn quy định. Trong thời đại khoa học kỹ thuật thay đổi đến mức chóng mặt và các công ty không bị nhiều cản trở như trước, thì chỉ có kỹ năng đào tạo mới và việc duy trì đào tạo mới giúp cho con người ta giữ được công ăn việc làm. “Trong sự nghiệp của bạn, tri thức giống như sữa vậy, “ Louis Ross, kỹ thuật viên chính của hãng xe hơi Ford cho biết. Ross nói tiếp: “Thường trên các bịch hay chai lọ đựng sữa có dán nhãn hạn sử dụng. Vậy hạn sử dụng một tấm bằng kỹ sư ngày nay là 3 năm. Sau ba năm, nếu kỹ sư này không trau dồi và đổi mới kiến thức, thì sự nghiệp của anh ta sẽ đi tong.” Jim Botkin và Stan Davis viết trong cuốn sách của họ Quái vật dưới gầm giường rằng trong một nền kinh tế tri thức, bạn không những kiếm sống mà bạn còn “học cách kiếm sống.”

Trách nhiệm của chính phủ không phải là bảo hộ, che chắn cho người lao động khỏi thực tế đó, mà là giúp đào tạo và giúp đỡ họ đối phó với thực tế đó. Vì mục đích như vậy, tôi nghĩ những ai được vào Nhà Trắng trong thời đại ngày nay nên ban hành một sắc luật, tạm gọi là “Luật về các cơ hội thay đổi nhanh”. Đạo luật này sẽ tồn tại song hành với những chính sách hội nhập của chính phủ – đối với việc tiếp nhận Chi Lê vào Hiệp ước mậu dịch tự do NAFTA hay những dàn xếp về thương mại tự do khác. Đạo luật sẽ được sửa đổi mỗi năm với mục đích đôn đốc chính phủ hiểu rõ hơn về thực tế toàn cầu hóa cũng như nhắc nhở cho chính phủ thấy những điều bất hợp lý và mất cân bằng trong các chính sách của họ. Nhờ đó chính phủ điều chỉnh độ rộng hẹp của tấm đệm nhào lộn, tăng cường năng lực và điều kiện sống để người lao động bắt kịp với tiến độ phát triển nhanh chóng của thế giới. Đó chính là con đường bền vững đi tới toàn cầu hóa.

Nếu tôi có một chiếc đũa thần trong tay, thì ví dụ, Luật về các cơ hội thay đổi nhanh năm 1999 sẽ có những điều khoản sau đây: Các dự án về việc làm giúp người thất nghiệp tạm thời; miễn thuế cho các khoản bồi thường nghỉ việc; dịch vụ tư vấn miễn phí của chính phủ về cách viết lý lịch xin việc và tăng cường thêm điều khoản cho đạo luật Kassebaum-Kennedy giúp những người mất việc vẫn được hưởng bảo hiểm y tế; và một chiến dịch quảng cáo cho một trong những thành tựu lớn nhất của thời kỳ Bill Clinton mà ít người biết đến – Đạo luật về đầu tư nhân lực. Ký vào năm 1998, đạo luật này quy tụ 150 chương trình dạy nghề của chính phủ vào ba lĩnh vực: Các dự án đào tạo cá nhân tài trợ cho nhân công xin học các ngành nghề mà họ tin rằng sẽ giúp kiếm việc thuận lợi nhất; Các trung tâm việc làm một cửa cho mỗi chương trình dạy nghề; Và việc tăng 1,2 tỷ đô-la tài trợ trong năm năm cho những chương trình dạy nghề cho thanh niên. Thêm nữa, tôi sẽ gắn cho đạo luật mới những dự án cấp tín dụng cho các ngân hàng phát triển ở châu Á, Phi và Mỹ La tinh, để tăng cường đào tạo phụ nữ, cho phụ nữ và các doanh nghiệp nhỏ vay vốn, và giúp cho việc làm sạch môi trường ở những nước mà có quan hệ thương mại với Hoa Kỳ. Tôi cũng muốn bao gồm trong đạo luật việc tăng cường tài trợ cho các sáng kiến của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) trong việc tạo cơ hội việc làm nhằm xóa bỏ tình trạng bóc lột sức lao động của trẻ em ở những nước mà đối tượng trẻ em bị hành hạ nhiều nhất. Tôi cũng muốn trong đạo luật có điều khoản tăng ngân sách cho chương trình Hỗ trợ Điều chỉnh Thương mại hiện nay, nhằm trợ giúp cho những người lao động bị mất việc do các hoạt động ngoại thương gây ra. Tôi cũng muốn mở rộng chương trình mang tên Hỗ trợ người lao động bị mất việc do sự phát triển của các công nghệ mới. Và sau cùng, tôi muốn tổ chức một chiến dịch thông tin về các ưu đãi thuế dành cho việc học hành, cho phép trừ vào tiền thuế của mọi người tới mức 1.000 đô-la/người để đóng góp cho các chi phí đào tạo và giáo dục mới của họ.

Tôi cũng gắn vào đạo luật đó các chương trình tăng cường giá trị của gia đình và cộng đồng, giúp cải thiện về tâm lý cho nhân công, những người đang phải đương đầu với các hoạt động của thị trường đầy sức ép và thay đổi việc làm nhanh chóng. Các chương trình bao gồm việc tăng hỗ trợ cho các trung tâm giữ trẻ, cho tới chính sách giờ giấc uyển chuyển dành cho cha mẹ để họ có thêm thời gian cho gia đình, cho bản thân, và đến việc trả lương cho những người làm thêm giờ. Chúng ta cần có thêm những cá nhân làm việc tự giác, nhưng những cá nhân đó không thể hoạt động trong các môi trường chân không. Họ phải nằm vào các cộng đồng tích cực, lành mạnh và có trách nhiệm. Các cộng đồng phải giúp các cá nhân ứng phó với hành vi của thị trường tự do hay những bức bách của chính phủ. Cố gắng tăng cường năng lực của dân chúng, từ việc dùng những Hội cha mẹ và thầy cô cho tới việc tham gia giữ gìn an toàn cộng đồng, đặt bước đệm giữa thị trường và chính phủ, chính là điều thiết yếu trong hệ thống mới ngày nay.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx