sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chiếc Lexus và cây Ô Liu - Phần IV - Chương 20 - Phần 3

Điều mà những người theo phái Hội nhập-An sinh xã hội như chúng tôi tin vào, đó là có rất nhiều việc mà chính phủ vẫn có thể thực hiện trong thời đại toàn cầu hóa, những việc không cần chi phí cao, không cần có chính sách phân phối lại thu nhập một cách vội vàng – hay không cần đến những khoản chi tiêu tốn kém cho phúc lợi xã hội đến mức vi phạm những luật lệ về Chiếc Áo Nịt Nạm Vàng – nhưng vẫn giúp làm tăng con số những người làm ăn thành đạt. Những sáng kiến như trên sẽ khiến cho dân chúng thấy rằng: “Trong khi toàn cầu hóa bắt người ta phải bay từ đu bay này sang đu bay khác, cao hơn, nhanh hơn, và xa hơn nữa, thì chính phủ sẽ không để cho người ta rơi xuống những mặt đất hiểm trở và bị con quái vật toàn cầu hóa ăn thịt. Mặc dù không tặng bạn các món quà từ thiện, chính phủ nay sẽ giúp bạn tìm kế sinh nhai.” Thậm chí nếu chúng ta tốn tiền vào những chương trình trợ giúp kế sinh nhai, thì chi phí cũng vẫn là rất nhỏ so với lợi ích và tính hiệu quả đem lại từ việc duy trì các thị trường tự do đối với thế giới. Chi phí cho một đạo luật như Luật về các cơ hội thay đổi nhanh thật là nhỏ để đạt được sự kết dính về xã hội cũng như những đồng thuận về chính trị hướng tới hội nhập và tự do thương mại. Vậy thì phương châm của tôi là: “Bảo vệ nhưng không bảo hộ. Làm đệm nhưng không dựng rào cản. Ứng phó với “Thế giới Đi nhanh” chứ đừng tránh né nó.”

Lưới phúc lợi xã hội

Sau cùng, chúng ta vẫn cần đến những cái lưới phúc lợi xã hội – chế độ an sinh xã hội, bảo hiểm y tế công, trợ giúp y tế công, tem phiếu thực phẩm và phúc lợi xã hội khác – để hứng những người không thể đu bay nhanh và không thể học nhanh để theo kịp vào “Thế giới Đi nhanh”, những người mà bạn không muốn để cho bị ngã sấp mặt xuống mặt đất hiểm trở. Nhưng trong toàn cầu hóa, chúng ta cần có tư duy mới về khái niệm lưới phúc lợi xã hội. Chẳng hạn, trong thời đại Internet trở nên thiết yếu đối với việc học hành, đặt vé máy bay, tiếp cận với cơ quan chính phủ, liên lạc, chưa kể đến việc mua sắm tìm hàng giá rẻ, chúng tôi cho rằng cơ hội sử dụng Internet đã trở thành một quyền cơ bản của nhân loại.

Dĩ nhiên có một sự được mất giữa cái đu bay, đệm nhào lộn và lưới phúc lợi xã hội. Ngày nay ở Hoa Kỳ cũng như các nước khác, chính trị là sự tìm tòi một điểm cân bằng mới – là việc tìm cho ra một giải pháp dung hòa đúng đắn giữa một nền kinh tế mở cửa-hội nhập luôn luôn tăng năng suất và các cơ hội việc làm, kết hợp với những tấm đệm nhào lộn và lưới bảo hiểm xã hội. Rõ ràng, điểm cân bằng đó đã và đang di chuyển từ cánh tả, thời Chiến tranh Lạnh, sang phái hữu của trung tâm. Thời Chiến tranh Lạnh, thời của những bức tường, các chính phủ cảm thấy họ cần phải ngăn chặn không cho nhân công của họ ngả theo cộng sản chủ nghĩa, vì thế chủ xưởng thiên về việc duy trì các chương trình phúc lợi xã hội. Ngày đó đã qua rồi. Nhưng giờ đây vẫn không có nghĩa là trao mọi thứ vào tay khu vực tư nhân. Nhờ có hội nhập, chiếc áo nịt của Hoa Kỳ đã sản sinh rất nhiều vàng – dự đoán vào thiên niên kỷ mới mức thặng dư ngân sách vẫn tiếp tục được duy trì – và có khả năng chu cấp đầy đủ cho những mạng lưới bảo hiểm xã hội và các đệm nhào lộn.

Không có thứ chính trị toàn cầu hóa bền vững nào lại chỉ dựa đơn thuần vào các chương trình kinh tế. Trong khi mở đường vào toàn cầu hóa trở nên một nhiệm vụ thiết yếu, đặc biệt đối với các nước đang phát triển, dân chủ hóa các hệ thống chính trị đồng thời cũng là một đòi hỏi quan trọng. Đó là một trong những bài học thực tế rút ra trong thập kỷ đầu tiên của toàn cầu hóa: Đưa xã hội của bạn tăng tốc nhập vào toàn cầu hóa là cả một quá trình đầy đau đớn, và bởi thế, về lâu về dài, nó đòi hỏi phải tiếp tục có thêm dân chủ. Trong Chiến tranh Lạnh, lãnh tụ của các quốc gia đã được các siêu cường dung túng, cho phép họ muốn lãnh đạo đất nước ra sao cũng được. Nhưng những siêu cường giờ đây đã ra đi và đa số dân chúng ngày nay không muốn duy trì các chính phủ yếu kém quá lâu – đặc biệt trong thời đại mà họ biết rõ hơn về cảnh sống của đồng loại. (Hãy tra trong từ điển từ Indonesia). Nếu các vị giờ đây yếu kém, các vị sẽ đổ – và nếu không có dân chúng đỡ, thì các vị sẽ đổ rất đau đớn. (Hãy tra trong từ điển từ Suharto).

Larry Diamond, học giả về dân chủ đã chỉ ra: “Chúng ta đã thấy một số ví dụ trong đó các nước Mỹ La tinh, Đông Âu và Đông Á đã dùng lá phiếu đuổi khỏi quyền lực những chính phủ mà họ thấy liên quan tới những tổn thất từ cải cách toàn cầu hóa. Những chính phủ mới lên cầm quyền quả đã đưa ra những điều chỉnh nhưng vẫn giữ lại ít nhiều những chính sách thị trường và toàn cầu hóa như trước kia. Vì sao họ làm được chuyện đó? Vì quá trình dân chủ hóa khiến cho dân chúng các nước đó tự cảm nhận, tự chia sẻ những tổn thất nảy sinh từ những cải cách kinh tế. Những tổn thất đó đối với dân chúng không còn cái vẻ xa lạ như trước kia. Dân chúng ngày nay được quyền tư vấn về các chủ đề kinh tế, ít nhất họ có thể lựa chọn để tự quyết định về tốc độ cải cách kinh tế, thay vì phải chịu sai khiến như trước kia. Hơn nữa, nhờ có cơ hội tham gia cải tổ, được phép đuổi cổ những người mà họ cảm thấy có hành vi thái quá, tham nhũng quá và thiếu nhạy cảm quá, toàn bộ quá trình cải tổ trở nên chính đáng hơn về chính trị, và nhờ đó trở nên bền vững hơn.”

Hơn nữa, ngày nay các đảng phái và lãnh đạo phải thay nhau để cầm quyền – các phái đối lập về chính trị đã xuất hiện và theo đuổi các chính sách giải phóng kinh tế và toàn cầu hóa ngày càng giống như của chính phủ – thông điệp mới ngày càng ăn sâu vào dân chúng: không có lựa chọn nào khác, ngoài việc mặc lên người chiếc áo nịt. Có bao nhiêu lãnh đạo đối lập ở Mỹ La tinh, Đông Âu và Đông Á khi lên nắm quyền trong thập niên vừa qua đã tuyên bố: “Ồ, quả là chúng ta đã tham nhũng thật. Chúng ta đúng là phải mở cửa. Thực tế cho thấy mọi thứ tồi tệ hơn là tôi nghĩ, và chúng ta sẽ phải tăng tốc những cuộc cải cách và nếu không thì sẽ không có đường ra. Nhưng chúng ta sẽ khoác cho những cải cách đó những bộ mặt người.” Dân chủ hóa giúp cho quá trình nhận thức đó được nảy sinh. Và do đó các quốc gia điều chỉnh nhanh nhất để hội nhập toàn cầu hóa ngày nay không phải là những nơi giàu tài nguyên như Ả rập Xê út, Nigeria hay Iran, mà là những nước hay vùng được dân chủ hóa nhanh nhất, Ba Lan, Đài Loan, Thái Lan hay Hàn Quốc.

Dân chủ hóa toàn cầu hóa – không những là con đường hiệu quả nhất để giúp toàn cầu hóa được bền vững, mà là một chính sách đúng đắn và hợp lòng dân nhất mà bất cứ chính phủ nào cũng cần theo đuổi.

Địa-kinh tế trong thời đại toàn cầu hóa

Có lần tôi viết một bài theo lối giả tưởng về chủ đề đầu tư trong những năm 90, đại khái như sau: “Vậy là tôi quyết định sẽ đầu tư quốc tế. Tôi học lại tiếng Đức và mua một số trái phiếu công ty của Đức. Tôi học ít tiếng Nhật và mua một vài cổ phần của thị trường Nikkei. Tôi nghe lời mách bảo của một anh hầu bàn trong quán ăn Trung Hoa Chinese House of Hunan gần nhà tôi và đã mua một số cổ phiếu từ thị trường Thượng Hải. Người môi giới tài chính của tôi nói tôi nên mua một số công trái của Li Băng, nhưng tôi nói với anh ta rằng tôi đã có đủ giấy dán tường trong văn phòng của tôi rồi. Tôi cũng đã nghiên cứu về Nga, dò bảng chữ cái Nga và mua một số trái phiếu nước này. Nhưng sau tất cả những nghiên cứu và học ngoại ngữ kể trên, tôi nhận thấy tôi đã bỏ quên không học hai chữ tiếng Anh đơn giản: ‘Alan Greenspan.’ Vì, khi Alan Greenspan đột nhiên nâng lãi suất vào giữa những năm 90, khiến cho lãi suất của những trái phiếu nước ngoài giảm đi, mọi người đã bắt đầu bán đổ bán tháo những trái phiếu đó và gom tiền về nhà, và tôi đã bị nghiền nát.” Tôi là một chủ nợ thiếu hiểu biết. Khi đến những nước mà tôi mua trái phiếu, tôi không biết tiền họ nợ tôi là bao nhiêu. Và tôi cũng không biết mình lãi lỗ ra sao khi rời khỏi những đất nước đó.

Vài năm sau tôi trở nên hiểu biết hơn và trở thành một người cho vay giỏi hơn. Tôi bắt đầu đầu tư quốc tế thông qua một quỹ đầu tư tín thác, có chuyên môn về các thị trường toàn cầu và có khả năng soát xét các hoạt động đầu tư. Ngay sau khi kinh tế Nga trở nên hỗn loạn hồi tháng 8/1998, tôi nhận được một lá thư từ quỹ đó – quỹ Tweedy, Browne Global – cho biết lợi tức sẽ giảm chút ít do những biến động trên thị trường tài chính phản ứng lại việc nước Nga khất nợ, nhưng quỹ này không bị thiệt hại nhiều như nhiều quỹ khác, vì nó đã biết đường tránh xa, không đầu tư vào thị trường Nga. Trong thư họ viết về nước Nga như sau: “Chúng tôi không thể hiểu nổi tại sao lại đầu tư vào những nước không có ổn định về chính trị, không có luật pháp bảo vệ các nhà đầu tư, và tiền nội tệ thì rẻ mạt như giấy lau tay vậy.” Vâng, lá thư viết thêm, hồi đầu năm 1998, thị trường Nga tăng trị giá gấp năm lần, sau đó chỉ một đêm đã sụt đi 80 phần trăm trị giá đó – “mèo lại hoàn mèo.” Hóa ra nước Nga là một con nợ tồi. Nó không có hệ điều hành và không có phần mềm, sau cùng nó khiến cho những nhà đầu tư nước ngoài đi từ số không lên mức 80 phần trăm – rồi lại quay lại số không.

Tôi kể hai câu chuyện trên đây bởi vì chúng cho thấy cốt lõi của hai đe dọa lớn nhất trong hệ thống tài chính toàn cầu ngày nay – khủng hoảng do “chủ nợ tồi” gây ra và khủng hoảng do “con nợ” tồi gây ra. Cũng như trong xã hội có con nghiện và kẻ bán ma túy, thì trong tài chính có loại “con nợ tồi” như nước Nga, và loại “chủ nợ tồi” như bản thân tôi. Vậy câu hỏi lớn mang tính địa-kinh tế mà chúng ta cần xử lý là: Làm thế nào chúng ta có thể làm ổn định được nền kinh tế toàn cầu ngày nay, khiến cho đỡ đi những cảnh cho vay và nợ tồi tệ, những tình huống có thể lan tràn với quy mô và chiều sâu đến mức đe dọa toàn bộ hệ thống?

Hãy bắt đầu với chuyện những con nợ xấu xa. Tôi tin rằng toàn cầu hóa đã giúp chúng ta khi làm tan chảy những nền kinh tế của Thái Lan, Hàn Quốc, Malaysia, Indonesia, Mexico, Nga và Brazil trong những năm 90, vì nó làm bộc lộ những hành vi và những cơ cấu thối nát và thiếu hiệu quả ở những đất nước du nhập toàn cầu hóa một cách chưa chín muồi. Theo tôi việc vạch trần gia đình Suharto tham nhũng ở Indonesia không mang tính khủng hoảng. Vạch trần sự móc ngoặc tư bản chủ nghĩa ở Hàn Quốc không phải là điều đường đột. Vạch trần những thương vụ tham nhũng tay trong ở Thái Lan cũng không khiến tôi sửng sốt. Vạch trần quãng thời gian vô lý dành cho những kế hoạch trong đó Chính phủ Mexico cố gắng giật nóng tài trợ bằng đô-la đến nỗi không có khả năng trả nợ, cũng không khiến tôi sửng sốt. Tất cả những hệ thống kể trên, trước hay sau đều sẽ bị sụp đổ.

Nhưng toàn cầu hóa đã khiến những sự sụp đổ đó xảy ra nhanh hơn, câu hỏi tiếp theo giờ đây là: Chúng ta phải làm gì nhân cơ hội này? Có người muốn kiềm chế Bầy Thú Điện Tử để chúng khỏi trở lại giày xéo những nước đó. Có người muốn những nước đó áp dụng chế độ kiểm soát tài chính, dựng rào để bầy thú không còn lối vào. Cả hai quan điểm trên đều do thiếu hiểu biết. Bầy thú là nguồn năng lượng của thế kỷ 21. Các nước phải học cách quản trị chúng; kiềm chế chúng sẽ vô hiệu, và nếu không cho chúng vào thì đất nước sẽ thiếu thốn tài nguyên, kỹ thuật và các kỹ năng chuyên môn, và sẽ dung túng cho chủ nghĩa tư bản móc ngoặc. Nhiều chuyên gia đã coi chính sách kiểm soát tài chính của Chi Lê là một ví dụ hay cho thấy các nước đang phát triển có thể dùng để ngăn chặn bầy thú gây rối. Từ năm 1991, Chi lê buộc các nhà đầu tư nước ngoài đem tiền vào Chi lê phải để tiền đó trong vòng ít nhất một năm. Chính phủ cũng đã áp đặt mức thuế ngầm đánh vào các công ty có vay mượn từ nước ngoài. Kết quả nói theo lối lạc quan là: tốt xấu lẫn lộn. Tạp chí Forbes (18/5/1998) trích dẫn báo cáo của Sebastian Edwards, cựu kinh tế gia thuộc Ngân hàng Thế giới về Mỹ La tinh, cho thấy chính sách kiểm soát tài chính chỉ thành công một phần, nhưng đã nâng rất cao mức chi phí cho việc tìm kiếm và sử dụng vốn tại Chi Lê. Ví dụ mức chi phí để vay vốn ở Chi lê cao gấp đôi ở Argentina, nơi ủy ban tiền tệ của đất nước đã không cho phép kiểm soát tài chính. Kiểm soát tài chính đã mở đường cho các vị quan liêu và các thân hữu của họ điều tiết việc đầu tư, thay cho thị trường tự do. Là một biện pháp tạm thời để ổn định kinh tế, kiểm soát tài chính có thể rất hữu hiệu và tiện dụng – miễn là chính phủ giữ đồng nội tệ ở mức ổn định. Nhưng về lâu về dài, đó không phải là giải pháp. Trong những quốc gia ít tham nhũng như Chi lê chẳng hạn, kiểm soát tài chính rồi sẽ dẫn tới méo mó; và trong những quốc gia nhiều tham nhũng, thì kiểm soát tài chính sẽ khiến tham nhũng nhiều hơn, tồi tệ hơn.

Do đó hướng giải quyết đúng đắn về địa-kinh tế là tập trung tăng sức cho những đất nước con nợ xấu, để họ có thể sớm kết nối với bầy thú. Họ có thể lại bị giày xéo, và có những nước dĩ nhiên sẽ phải chấp nhận tổn thất. Nhưng bầy thú không phải lúc nào cũng hung dữ một cách vô lý. Ngoài một số ngoại lệ, chúng thường không bỏ chạy hay tấn công những quốc gia có hệ thống tài chính và những chính sách kinh tế lành mạnh. Một số người khi nói đến Thái Lan, Hàn Quốc, Indonesia và Nga, đã than vãn rằng bầy thú đã bỏ rơi những nơi đó, làm như thể ở những nơi đó người ta đã theo đuổi các chính sách kinh tế đúng đắn, vậy mà bầy thú vẫn vô cớ bỏ ra đi. Nói thế là vô lý. Những nước đó đã vay tiền một cách tùy tiện – chính phủ và các doanh nghiệp đã lâm vào những món nợ đáo hạn sớm, thường là nợ ngoại tệ, tiền vay không được sử dụng thích đáng, và vì thế họ trở nên dễ bị tổn thất mỗi khi có biến động ngoại tệ. Một khi bầy thú nhận thấy những việc làm thái quá như vậy, chúng sẽ giật mình và vùng chạy. Bộ trưởng Tài chính Larry Summers có lần đã nói: “Trong khi người ta theo nhau đổ lỗi cho thị trường vốn toàn cầu tham lam, coi chúng là nguyên nhân dẫn tới khủng hoảng, thì phần nhiều nguyên nhân gây khủng hoảng thực ra bắt nguồn từ cung cách các chính phủ thu hút các khoản vay ngắn hạn nhưng không có khả năng thanh toán. Chúng ta đã thấy điều này ở Mexico chẳng hạn với việc mở những tài khoản đô-la; ở Thái Lan trong việc ưu đãi thuế đối với những khoản vay từ nước ngoài; ở Nga trong cố gắng của chính phủ nhằm thu hút ngoại tệ vào chu cấp cho thị trường trái phiếu trong nước.”

Các nhà kinh tế và chủ ngân hàng ngày nay sẽ tranh cãi về chi tiết các biện pháp phục hồi các nước chịu nợ xấu, giúp họ tránh những giày xéo của của bầy thú. Và mỗi đất nước đều có những đặc điểm khác nhau. Nhưng nói chung, biện pháp cho những nước đó tuân thủ thường có bốn bước:

Bước một, cần phải làm rõ cho những con nợ đó biết rằng mục tiêu của họ là phải tạo những điều kiện để phục hồi tăng trưởng và lôi kéo cho được bầy thú quay lại. Có nghĩa là phải cam kết để cải tiến hệ điều hành kinh tế của đất nước từ mức DOScapital 1.0 lên 6.0. Điều này đòi hỏi sự kết hợp – mức độ khác nhau trong mỗi nước – giữa cắt giảm ngân sách, đóng cửa các hãng xưởng và các cơ sở tài chính làm ăn thiếu hiệu quả và phá sản, điều chỉnh tỷ giá hối đoái, điều chỉnh lãi suất, trả nợ, và xóa đi những hành vi móc ngoặc tư bản. Mục tiêu của những cải cách đó bao gồm ổn định tiền tệ, sau đó đi đến giảm lãi suất để kích cầu trong nước và cải thiện khả năng tôn trọng các hợp đồng cam kết. Trong nhiều trường hợp, bước này cũng bao gồm việc tạo điều kiện cho bầy thú vào chiếm lĩnh các công ty trong các quốc gia đó. Tôi nhận thấy điểm cuối cùng có thể gây tranh cãi. Như thể tôi đang cố gắng làm cho thế giới trở nên rẻ mạt và an toàn hơn cho chủ nghĩa tư bản Hoa Kỳ. Không phải thế. Tôi đang cố gắng làm cho thế giới trở nên an toàn hơn, để thực hiện giải pháp toàn cầu và sự xóa cũ đổi mới – thiết yếu đối với tư bản chủ nghĩa – xóa đi những hãng xưởng yếu kém và thay thế chúng bằng những hãng xưởng được quản trị tốt hơn và có vốn liếng ổn định hơn, hoạt động theo đúng các tiêu chuẩn quốc tế tốt đẹp nhất. Tôi không cần biết người mua lại các hãng xưởng cũ là Mỹ, Đức, Nhật hay Ấn Độ. Tôi chỉ quan tâm tới tiêu chuẩn và tình hình vốn liếng của họ. Bang Arizona vốn có một hệ thống ngân hàng móc ngoặc khét tiếng. Và điều hay ho nhất đã diễn ra tại bang này là việc các ngân hàng có công nghệ cao hơn, quản trị tốt hơn và vốn ổn định hơn – từ New York, Chicago và San Francisco – vào mua sáp nhập các ngân hàng trong lãnh thổ bang. Một lý do quan trọng cho thấy Argentina phục hồi nhanh từ cuộc khủng hoảng Mỹ La tinh đầu những năm 90 là việc những ngân hàng nội địa của họ được các ngân hàng quốc tế tốt nhất vào chiếm lĩnh.

Được Bầy Thú Điện Tử quay lại đất nước của bạn – với niềm tin rằng chúng sẽ đầu tư dài hạn, chuyển giao kỹ thuật và tổ chức điều hành sản xuất tốt hơn trong các nhà máy – chính là một trong những phương pháp hiệu quả và nhanh nhất để xây dựng một hệ điều hành trong nước. Nói thẳng thắn, nỗi lo rằng một ngày nào đó bầy thú sẽ bỏ chạy chính là một trong những tâm lý quan trọng, một thứ kỷ luật đòi hỏi đất nước phải thường xuyên cải tiến các phần mềm và hệ điều hành của họ. Không giống các con hổ Á châu khác, Hàn Quốc, từ những năm 60 cho tới 90, bao giờ cũng ngăn chặn đầu tư của nước ngoài vào. Họ tài trợ cho tăng trưởng bằng nguồn tiết kiệm trong nước và các khoản vay, để có thể độc lập về tài chính. Nhưng cuộc khủng hoảng Á châu đã buộc Hàn Quốc phải cho phép người nước ngoài vào mua lại những ngành công nghiệp yếu ớt, và những người nước ngoài đó đang dần dần đưa vào Hàn Quốc một phong cách thương mại mới, gồm sự minh bạch và sự kiểm soát của các cổ đông đối với các doanh nghiệp.

Bước hai là thuyết phục các nước con nợ không những cải tổ hệ điều hành kinh tế mà còn hệ điều hành chính trị – chống tham nhũng và trốn thuế, cải thiện nền pháp chế và những tiêu chuẩn dân chủ để phòng khi phải thắt lưng buộc bụng, người dân vẫn hiểu rằng giai đoạn cải cách vẫn có những điều công bằng căn bản. Không phải ngẫu nhiên mà hai nơi ít phải chịu tác động nhất từ cuộc khủng hoảng Á châu năm 1998 chính là nơi có hai chính thể dân chủ năng động nhất và hai nền báo chí tự do nhất – Đài Loan và Australia. (Có người nói Trung Quốc cũng đã không bị chấn động nhiều, nhưng nền kinh tế của Trung Quốc lúc đó đã không được kết nối đầy đủ, và vẫn còn khá nhiều tường ngăn vách cản trong khu vực tài chính của nước này.) Các nước thường xây dựng được các thành quả kinh tế xứng đáng với tiềm năng của mình, những thành quả kinh tế đó trực tiếp liên quan tới những hệ điều hành và phần mềm cùng nền dân chủ mà họ xây dựng nên.

Chính vì thế mà bước ba bao gồm việc bảo đảm thực hiện các chương trình hỗ trợ cân bằng ngân sách, trả nợ hay hoãn nợ, do IMF hay các định chế tài chính khác đưa ra, với điều kiện các nước con nợ phải thực hiện bước một và hai. Mục tiêu rõ ràng của các chương trình hỗ trợ của IMF là phục hồi sự ổn định, tăng trưởng và lòng tin để bầy thú, trong và ngoài nước, tìm đường nối lại đầu tư. Bộ trưởng Tài chính Summers nói rất đúng khi ông ta lập luận rằng vai trò của IMF trong tương lai nên là kích thích thực hiện các giải pháp dựa trên cơ sở thị trường và tăng cường cung cấp các dữ liệu tài chính chính xác, kịp thời và rộng rãi để bầy thú có thể áp dụng trong việc vạch kế hoạch đầu tư. Trong một thế giới mà khu vực tư nhân đang là nguồn vốn và sáng tạo lớn nhất cho tăng trưởng, nếu không có những thông tin nói trên thì sẽ không có sự phục hồi vững chắc.

Bước bốn là sử dụng các hỗ trợ của IMF hay của các định chế tài chính khác duy trì những mạng lưới phúc lợi xã hội tối thiểu trong những nước con nợ và tạo công ăn việc làm mang tính xã hội để giảm bớt thất nghiệp. Những mạng lưới xã hội thường là những khoản bị cắt giảm đầu tiên theo các chương trình cứu trợ kinh tế. Các chủ ngân hàng quốc tế, những người thường chỉ chú trọng vào khả năng thanh toán của các nước mỗi khi cân nhắc cho các nước vay tiền, thường bỏ qua tình cảnh phúc lợi xã hội khốn khó trong các nước. Điều đó thật điên rồ. Vì rốt cuộc, khủng hoảng thực sự trong các nước thiếu nợ – sẽ có ảnh hưởng tới toàn cầu – không mang tính kinh tế, mà mang nhiều màu sắc chính trị.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx