Lý do là: Khi vạch trần những hành vi thối nát trong các nước thiếu nợ, toàn cầu hóa không những đánh vào các nhà tư bản móc ngoặc ở đó mà còn đè bẹp rất nhiều dân thường, những người làm ăn cần mẫn, đúng luật và có lòng tin. Những người đó không nghĩ rằng đất nước của họ chỉ là những chiếc thùng không đáy. Vì khi được lắp đáy vào, như trường hợp Nga, Mexico, Thái Lan, Indonesia và Brazil, thì vẫn xảy ra thất nghiệp, sa thải hàng loạt, lạm thu, tắc nghẽn về tài chính và thu nhập thực tế giảm mạnh. Chính vì thế điều thiết yếu là phải duy trì các hệ thống phúc lợi tối thiểu cũng như các chương trình dạy nghề trong quá trình phục hồi đất nước. Vô nghề nghiệp và thiếu phúc lợi thì chính phủ sẽ không tài nào tìm được từ dân chúng sự kiên nhẫn cần thiết để tiến hành các chính sách cải cách nhằm phục hồi và tăng trưởng đất nước.
Trong các nước lớn, nếu số đông trong dân chúng trở nên đói kém, thì các lãnh đạo thường bị cám dỗ bởi ý tưởng tách đất nước ra khỏi hệ thống thế giới, xây tường ngăn vách cản và theo đuổi các chính sách thả nổi xã hội. Đó chính là những chính sách đã giúp tạo ra cuộc Đại khủng hoảng và đưa đến Chiến tranh thế giới thứ hai.
Dạng khủng hoảng kinh tế toàn cầu thứ hai chính là dạng khủng hoảng do những chủ nợ tồi gây ra – từ ngân hàng tới quỹ đầu tư, các cơ sở đầu cơ tiền tệ – những định chế đó ngày nay có thể cho vay nhiều tiền đến nhiều người ở nhiều nơi với những cấp độ không ngừng, nhưng bỗng nhiên, khi chúng đường đột đòi lại vốn và lãi, chúng có tiềm năng gây phương hại đến tất cả các nền kinh tế, dù là tốt đẹp hay tồi tệ.
Sự tài trợ thiếu lành mạnh có nhiều dạng. Tôi là người cho vay tiền kém cỏi là do tôi đổ tiền vào những thị trường mới trong khi mù tịt, không biết ở đó họ làm ăn ra sao. Một vài trong số các chủ nợ tồi tệ nhất trong những năm gần đây là những nhà băng lớn. Bạn tôi làm việc trong thị trường Hồng Kông có lần kể rằng vào đầu những năm 90, kinh tế Á châu đang trở nên một cao trào, Ngân hàng Dresdner của Đức thông báo với quản trị viên Á châu của họ: “Cho vay, cho vay nữa, cho vay tiếp đi, nếu không chúng ta sẽ không chiếm được thị phần ở đó.” Ngân hàng kiếm tiền bằng cách cho vay tiền, và thời đó ngân hàng nào cũng nghĩ châu Á là nơi ngon ăn, và ngân hàng bắt đầu cạnh tranh để chiếm lĩnh châu Á. Vậy là họ ném tiền qua cửa sổ, chẳng khác những tay buôn ma túy dúi thuốc vào tay các con nghiện. Phương châm của các nhà băng đối với thế giới đang phát triển là: “Nhanh lên anh em, tiền đây, khoản vay đầu tiên sẽ được miễn phí.” Chính vì thế vào đầu năm 1999, ngay cả sau khủng hoảng ở Á châu và Nga, 500 ngân hàng hàng đầu từ 30 quốc gia dân chủ và công nghiệp hàng đầu vẫn là chủ của món nợ tổng cộng 2,4 ngàn tỷ đôla dành cho các nước đang phát triển. Thật là một đòn bẩy khổng lồ.
Một dạng cho vay cẩu thả khác là khi nhà băng chuyển hàng triệu đô-la sang các quỹ đầu cơ để chúng có thể nuôi các cơ hội đầu cơ. Quỹ đầu cơ nhận 1 đôla từ người đầu tư, mượn 9 đô-la từ ngân hàng, rồi dùng số tiền đó đặt vào mua các cổ phần, trái phiếu và các đồng tiền trên khắp thế giới. Thông thường mà nói thì việc đặt tiền đầu cơ như vậy không có gì sai trái. Vay tiền mua nhà trả góp chính là một vụ đặt tiền. Bạn muốn mọi người tận dụng cơ hội đặt tiền. Bạn muốn mọi người chịu mạo hiểm để đầu cơ – thậm chí mạo hiểm cao. Nhờ đó các doanh nghiệp non trẻ có cơ hội tăng tiến để họ có thể bị phá sản hoặc làm nên như Microsoft chẳng hạn. Điều nguy hiểm là ở chỗ số tiền ném vào các quỹ đầu cơ và các thị trường mới trỗi dậy lên đến mức cao khủng khiếp, hệ thống chuyển ngân được bôi trơn, được ăn khớp và hoạt động nhanh chóng quá, nên khi những tay mạo hiểm lớn – như Quỹ Long-Term Capital Management – mắc lỗi, thì chúng có thể phá tan cơ nghiệp của tất cả mọi người.
Chính vì thế từ cuộc khủng hoảng đồng peso của Mexico năm 1994-95, gây chấn động tới việc cho vay toàn cầu trong những năm 90 – và lượng tiền do các chính phủ và các định chế huy động để chống lại hiện tượng các nước theo nhau khất nợ – đã tăng lên nhiều lần. Đó là một khuynh hướng nguy hiểm.
Chúng ta đã hiểu thêm về hiện tượng cho vay nợ cẩu thả và chúng ta nay đang cần đến các loại đòn bẩy trong hệ thống. Chúng ta muốn các nhà đầu tư chịu mạo hiểm. Nhưng chúng ta không muốn các cá nhân, ngân hàng, quỹ đầu cơ, các quốc gia hay các nhóm đầu tư theo đuôi… trở nên quá tham lam, vì làm như vậy họ sẽ tạo ra những phản ứng dây chuyền dẫn đến khủng hoảng. Câu hỏi là: làm cách nào?
Có rất nhiều các nhà địa-kiến trúc sư tiềm năng trên thế giới, họ đều có những đề xuất cải tạo thế giới để đối phó với hiện tượng cho vay lan tràn thiếu kỷ luật. Henry Kissinger nói rằng các quốc gia phải hợp lực để có thể thuần phục các thị trường tự do. Một số các nhà kinh tế cho biết chúng ta phải ném cát vào các guồng máy toàn cầu hóa – bằng cách áp đặt thuế đối với các giao dịch tiền tệ hoặc khuyến khích các chính phủ ra tay kiểm soát tài chính ở một mức nhất định. Một số nhà phân tích thị trường nói chúng ta cần một ngân hàng trung ương toàn cầu để có thể điều tiết kinh tế toàn cầu theo lối Cục Dự trữ Liên bang Mỹ điều tiết kinh tế Mỹ. Và những người khác nói chúng ta phải ấn định giới hạn đối với việc cho vay.
Quan điểm của riêng tôi là những ý đồ nói trên sẽ không thể sớm được thực hiện, và nhiều điều trong đó chỉ là nói suông từ miệng những người thiếu hiểu biết. Xin trình bày một ý kiến thực tế. Trước hết, chúng ta nên đi chậm rãi và khiêm tốn. Tôi muốn nói là chúng ta phải hiểu cho ra rằng hệ thống kinh tế toàn cầu vẫn còn rất mới và phát triển rất nhanh, đến mức trong số chúng ta chưa ai biết sẽ phải rẽ bên nào và ngừng nghỉ tại đâu. Alan Greenspan là một học giả suốt đời nghiên cứu về tài chính quốc tế và là một trong những nhà hoạt động tài chính quan trọng nhất ngày nay. Nhưng vào tháng 12/1998, khi tôi hỏi ông ta về hệ thống tài chính toàn cầu hóa, ông ta đã đưa ra một câu trả lời chính thức khiến chúng ta phải lấy làm khiêm nhường hơn. Ông ta nói: “Trong 12 tháng qua, tôi đã học thêm về cách hoạt động của hệ thống tài chính quốc tế hơn nhiều so với những gì tôi học được trong 20 năm qua.”
Đối với những người cho rằng chúng ta nên ném một chút “cát vào guồng máy” kinh tế toàn cầu để nó chạy chậm lại chút ít, tôi xin đáp lại là rất khó có thể ném cát vào guồng máy nếu như bạn không biết guồng máy đó nằm chỗ nào. Nếu ném cát vào một cỗ máy đang chạy trơn tru, đủ dầu mỡ và làm bằng thép không gỉ, thì có lẽ nó không những sẽ chạy chậm lại, mà nó sẽ giận dữ, cọ xát, phát nổ và dừng hẳn lại. Bạn sẽ ném cát vào đâu khi bạn đang phải ứng phó với một nhà quản trị vốn đóng ở bang Connecticut sử dụng một điện thoại di động, một modem hiện đại và Internet, đầu tư vào Brazil, thông qua một ngân hàng ở Panama? Rất khó có thể ném cát vào các chip vi tính, đó là chưa nói đến không gian điện toán. Hơn nữa vào lúc bạn áp đặt thuế đối với những giao dịch tiền tệ, thì nhiều ngân hàng và quỹ đầu tư đã rời khỏi Hoa Kỳ sang đóng tại những nơi có luật lệ tài chính lỏng lẻo, ở đảo Cayman chẳng hạn – đảo này là trung tâm đứng thứ năm trên thế giới nơi tập trung các ngân hàng lớn. (Quỹ Long-Term Capital Management có trụ sở ở Connecticut nhưng được đăng ký tại đảo Cayman.) Đối với những người muốn giảm lượng tiền tệ mà ngân hàng cấp cho các quỹ đầu cơ và các thị trường mới nổi, tôi chỉ muốn chỉ cho họ một thực tế rằng ngành ngân hàng của Mỹ là một trong những ngành có ảnh hưởng mạnh nhất đối với hành lang quyền lực ở Washington, và các ngân hàng Mỹ sẽ mạnh mẽ chống lại bất cứ hạn chế tài chính nào, dẫu cho chúng có phải tốn tiền vào việc đó. Được rồi, được rồi, bạn sẽ nói rằng các nước khác sẽ làm điều đó, khiến cho tín dụng sẽ không ra vào nhanh như hiện nay. Trung Quốc hiện áp đặt sự kiểm soát chặt chẽ đối với các khoản vốn, nhưng trong năm 1998, các ngân hàng của Trung Quốc, các cá nhân và công ty ở nước này đã xoay xở để lách luật, chuyển hàng tỷ đôla khỏi đất nước – sử dụng nhiều mánh khóe khác nhau – để họ có thể dùng tiền ở nước ngoài, tránh được sự kiểm soát của chính phủ. Nếu một chế độ toàn trị như Trung Quốc mà không áp đặt được kiểm soát một cách hiệu quả thì theo bạn những nước như Brazil làm sao làm nổi điều đó? Sau cùng có những người kêu gọi thiết lập một nhà băng toàn cầu – giống như Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ đối với thế giới. Đây là một sáng kiến tuyệt vời nhưng không thể được thực hiện một sớm một chiều được – khi mà chúng ta đang có hai trăm quốc gia với hai trăm chính phủ khác nhau trên hành tinh.
Vậy điều đó có nghĩa chúng ta sẽ chẳng làm được điều gì? Không phải vậy. Có tin mừng là sau những khủng hoảng 1998-99, thị trường, không bị kiểm soát và không có cát nằm trong guồng máy, đã tự khép mình vào một chút kỷ luật. Bạn có thể thấy dấu hiệu đó ở mọi nơi: Các nhà quản trị của các ngân hàng lớn nhất thế giới – Barclays PLC, BankAmerica, United Bank of Switzerland – đã bị sa thải vào năm 1998, sau khi ngân hàng của họ chịu lỗ rất nặng do đã giao dịch và tổ chức cho vay ở các thị trường có độ mạo hiểm cao. Và BankersTrust, thua lỗ 500 triệu đô-la trong một quý năm 1998, phần nhiều do làm ăn với nước Nga, đã không còn được độc lập làm ăn. Nó đã bị Ngân hàng Deutsche Bank mua lại.
Sau những vụ thanh trừng đó, tất cả các nhà băng lớn đã và đang hạn chế các đòn bẩy giao dịch, ngưng làm ăn với các nhà quản trị quỹ đầu tư thái quá, đòi hỏi thêm nữa sự minh bạch trong cơ cấu những quỹ đầu tư mà họ còn quan hệ, và soát xét chặt chẽ hơn các thông số của các thị trường mới nổi, không những về cán cân thu chi, mà còn kiểm tra thêm về hệ điều hành, hệ thống luật pháp và các loại phần mềm khác. Nói cách khác, nếu không có những luật lệ mới thì ai ai trong hệ thống cũng sẽ bắt đầu để tâm đến những rủi ro tiềm tàng. Các nhà băng sẽ thường xuyên chất vấn các quỹ đầu tư: “Tổng số đầu tư của các vị là bao nhiêu? Và trong trường hợp xấu nhất thì chúng tôi, những người cấp vốn, sẽ phải chịu bao nhiêu hệ lụy?” Các nhà đầu tư giờ đây sẽ thường xuyên chất vấn các quỹ đầu tư: “Những khả năng rủi ro lớn nhất hiện là gì và sẽ can hệ thế nào đến cả hai chúng ta, và làm thế nào để có thể phòng chống?” Và IMF, Bộ Tài chính Hoa Kỳ và các quản trị viên các quỹ sẽ chất vấn các nước thuộc những thị trường mới: “Quý vị đang làm gì để có thể cải thiện hệ thống tài chính và sử dụng tiền công đang ra vào đất nước của quý vị? Chúng tôi muốn biết tường tận và thường xuyên về những điều đó.”
Quản trị viên các quỹ đầu tư đã học được bài học rằng muốn hùn vốn, họ sẽ phải cởi mở hơn với các cổ đông và các ngân hàng. Tôi biết một quản trị viên đầu tư ở London, người, giữa cơn khủng hoảng 1998, đã thông báo cho cổ đông của họ biết rằng ông ta đã lập một địa chỉ web. Khách hàng có thể dùng mật mã vào địa chỉ này để có thể theo dõi những mức và khoản đầu tư của quỹ này đang hàng ngày thực hiện, ở bất cứ đâu và tiến độ đầu tư, thu chi ra sao. Ông này nói với tôi: “Tôi biết rằng nếu muốn lôi kéo thêm đầu tư, tôi sẽ phải cho khách hàng biết thêm thông tin. Nhiều đòn bẩy tài chính đang được các nhà băng tung ra, nhưng họ không biết rằng cũng có những nhà băng khác cùng làm như vậy. Các nhà băng ứng xử không khác gì những thằng ngu. Mỗi ngày, tôi có thể chỉ ra điều đó trong số 20 nhà băng, nhưng chính họ cũng không nhận thấy điều đó. Hàng ngày tôi đều phải mượn tiền, vậy thì nhà băng rồi sẽ đòi hỏi tôi báo cáo vào cuối ngày về tổng số tiền vay mượn của tôi ra sao. Tôi đã thấy điều đó đang được bắt đầu. Các nhà băng hiện nay đang tuyên bố, ‘Tôi không cần biết anh đang mượn tiền từ những đâu, nhưng tôi muốn biết tiền tôi cho anh mượn nằm ở đâu trong tổng số tiền anh đang đầu tư.’”
Giải pháp thực tế duy nhất là tìm cách tăng cường áp dụng những phương pháp kể trên vào tương lai, cho đến ngày một hệ thống điều tiết tài chính toàn cầu được thiết lập. Nếu mọi người từ IMF và Merrill Lynch và bà cô Bev của tôi thường xuyên chất vấn như trên, thì chúng ta có thể phòng được hai và giảm chấn động được một trong số năm cuộc khủng hoảng trong tương lai. Một trong những điều quan trọng nhất mà IMF có thể làm được đó là phối hợp với các quốc gia, khiến họ công khai hóa những báo cáo về chi tiết cán cân thu chi của họ – bao gồm luôn những khoản nợ nước ngoài còn tồn đọng của nhà nước, cùng số lượng và thời gian đáo hạn của các khoản nợ của khu vực tư nhân. Không có một sự giám sát nào hiệu quả hơn là việc bạn tự biết có những người khác đang theo dõi và hiểu chính xác công việc bạn đang làm.
“Điều mà quý vị đang cố gắng làm là tránh những sự thái quá trong vay mượn có thể dẫn đến những mạo hiểm chất chứa, những rủi ro đó không những sẽ làm hại bản thân những thủ phạm, mà cũng sẽ làm cho những người xung quanh liên lụy,” William J. McDonough, Chủ tịch Cục Dự trữ New York cho biết. Ngân hàng đó đã đứng ra phối hợp các nhà đầu tư và quản trị ngân hàng tư nhân để cứu Quỹ Long-Term Capital Management. “Điểm then chốt là tìm kiếm, lưu giữ và chia sẻ thông tin. Nếu chúng ta có thông tin qua lại – thỉnh thoảng bằng cách hỏi thêm một vài câu – thì chúng ta có thể báo cho ngân hàng rằng chúng ta đang điều tiết khoản này, khoản kia, hay có những khoản vay đang vượt quá khả năng quản trị của các quỹ.”
Giải pháp nói trên – kêu gọi mọi người trong hệ thống phải tuân thủ kỷ cương, người mượn tiền phải giải trình rõ ràng hơn, cổ đông phải khôn ngoan hơn và nhà băng và các cơ sở tín dụng phải làm ăn cẩn thận hơn – chưa chắc sẽ được hăng hái đón nhận. Nhưng bây giờ chính là lúc chúng ta hãy chấm dứt sự tự huyễn hoặc. Còn lâu mới có thể có được một ngân hàng trung ương cho toàn cầu. Và trong một thế giới được nối mạng, với các siêu thị tài chính và những cá nhân được trang bị siêu hiện đại, gồm cả các cổ đông nhiều hiểu biết – có những sự việc mà chính phủ không thể chặn đứng và có những thế lực mà chính phủ không thể kiểm soát hoàn toàn. Chính vì thế chúng ta phải cộng tác với những định chế sẵn có để quản lý tài chính giỏi hơn, không đợi đến ngày có một ngân hàng toàn cầu sai bảo. Rõ ràng là khi những nhân vật hoạt động trong thị trường tự giác và có kỷ luật hơn đối với bản thân và những người nắm luật lệ thực hiện chức năng nghiêm chỉnh hơn, và IMF điều tra và theo dõi chặt chẽ hơn, thì sẽ có những hiệu ứng mang tính kiềm chế để ít nhất có thể giảm được những sự thái quá trong tài chính ở mức có thể đe dọa toàn bộ hệ thống.
Bạn không thể hy vọng có được điều gì hơn thế. Các thị trường ngày nay rộng lớn, đa dạng, và từ khi có Internet, hoạt động nhanh chóng hơn – chúng không bao giờ có thể được miễn nhiễm khủng hoảng. Khủng hoảng tài chính sẽ là đặc tính của thời toàn cầu hóa. Với tốc độ thay đổi nhanh chóng ngày nay, và với thực tế cho thấy rất nhiều quốc gia đang ở vào giai đoạn phát triển khác nhau, khủng hoảng sẽ là một căn bệnh truyền nhiễm. Vậy thì, thưa các độc giả kính mến, xin cho tôi được đưa ra một lời khuyên: Hãy buộc giây an toàn, kéo thẳng lưng ghế, khóa bàn ăn phía trước. Vì những thăng trầm sẽ đến với các bạn nhanh khủng khiếp. Hãy quen với chúng và hãy đảm bảo đòn bẩy trong hệ thống tài chính hiện nay không đi quá đà nếu không thì tai họa sẽ đến rất nhanh. Những ai nói với các bạn rằng họ có một kế hoạch xóa bỏ những khủng hoảng nói trên thì chính họ đang lừa dối bạn. Thật ra, khi bạn đang đọc những dòng này, thì ở đâu đó đã có một mầm mống khủng hoảng đang đâm chồi nảy lộc.
Hãy tưởng tượng việc tham gia vào kinh tế toàn cầu ngày nay không khác gì việc lái một chiếc xe đua tham dự giải Thể thức Một. Chắc chắn sẽ có ai đó trong cuộc đua lái chệch xe đâm vào tường, đặc biệt nếu tay đua trên chiếc xe đó vài năm trước chỉ điều khiển được những con lừa. Bạn có hai lựa chọn. Cấm cuộc đua Thể thức Một. Như vậy sẽ không xảy ra tai nạn. Nhưng sẽ không có tiến bộ. Hay bạn hãy làm tất cả những điều có thể để giảm chấn động và hậu quả của những vụ xe lạc lối tông vào tường – bạn có thể để sẵn một xe cứu thương túc trực, với đội ngũ bác sĩ và nhiều máu thuộc các nhóm khác nhau để truyền. (Trên thị trường, chúng sẽ là IMF, nhóm G7 và các ngân hàng lớn, có khả năng chuyển tiền vào để phòng trừ nguy cơ kinh tế sụp đổ.) Đồng thời, bạn có thể thiết kế các đời xe đua bền chắc hơn. (Mỗi nhà đầu tư nên chi trả thêm để đánh giá các hệ điều hành và luật lệ trong các thị trường mới nổi xem chúng có khả năng sử dụng ngân khoản đúng đắn và làm ra lãi để trả nợ hay không.) Bạn có thể chú trọng huấn luyện các tay đua. (Đảm bảo rằng IMF, giới đầu tư và các ngân hàng thường xuyên đòi hỏi thêm các thông số chính xác về kinh tế các nước, đặc biệt các ngân khoản ngắn hạn được sử dụng ra sao.) Và sau cùng, bạn nên chất rơm, hay đệm mềm xung quanh các đường đua phòng trường hợp các xe đua trượt khỏi đường đua đâm vào đó. Nhưng bạn không nên chất quá nhiều rơm hay đệm, vì làm như thế sẽ lấn vào đường đua. (Thể lệ và quy tắc ngân hàng và tài chính phải được kiện toàn, phải có các hệ thống bảo hiểm và những chuông báo động để tìm ra và cắt ngòi nổ các nguyên nhân khủng hoảng.)
Nếu bạn không muốn làm những điều đó thì có lẽ nên quên đi Thể thức Một và chuyển sang chạy bộ. Nhưng hãy cẩn thận, vì người chạy bộ trong thế giới ngày nay rất dễ bị những tay đua Thể thức Một chẹt chết.
Những cây Ô liu của thời kỳ toàn cầu hóa
@by txiuqw4