sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chuyện bí ẩn thường ngày: Những câu chuyện kỳ lạ nhất - Chương 14 - Phần 1

ĐÔNG LẠNH

Bác Jack Thaw hỏi tôi, giọng khô khan:

- Cái này để vào chỗ nào nhỉ?

Tôi nhìn con chuột. Cái đuôi khô cong bám lấy thân thể của nó. Một chân bé tí xíu cũng đông cứng lại và giương lên, dường như nó muốn kiểm tra không khí. Hai con mắt đông cứng mờ đục nhìn chằm chằm phía trước.

Jack Thaw chưa bao giờ đi học, cho nên bác gần như không biết đọc, biết viết, chính vì thế nên bác cần đến tôi. Trên đường đi học về gần như bao giờ tôi cũng tạt qua nhà bác.

- Chuột bắt đầu bằng chữ C vì thế nằm giữa bói cá và dơi. - Tôi chỉ tay vào chỗ giữa hai khối đá nhỏ.

Bác cười làm cho khuôn mặt càng thêm nhăn nheo, chìa ra hai cái lợi đỏ hỏn nhưng không còn một cái răng nào. Bác lại quên không đeo răng giả. Bác đẩy khối đá bói cá trên cái ghế dịch sang một bên và để khối đá có con chuột vào giữa. Nó như chong mắt nhìn chúng tôi xuyên qua chỗ giam cầm bằng khối nước đá.

Chúng tôi liếc mắt nhìn bộ sưu tập những động vật nhỏ bé đã bị đóng băng: chuột, chim, nhện, châu chấu, chấy rận và ruồi muỗi. Tóm lại, tất cả các loài nhỏ bé, bị chết đều được phân loại và đưa vào xếp trong bộ sưu tập này. Xung quanh buồng đông lạnh này là những dãy giá bằng gỗ, trên các tấm gỗ đó có hàng trăm khối nước đá và ở giữa mỗi khối đá là xác một con vật.

Ngày trước ngôi nhà này từng là một nhà máy nước đá. Và bac Jack Thaw là người đi giao đá. Bác có một chiếc xe tải để chở các cây đá đi giao cho khách hàng dùng để ướp lạnh. Nhưng với thời gian người ta không cần mua đá cây nữa, họ bán những sập gỗ đựng đá và mua tủ lạnh. Cuối cùng thì chẳng còn một ai đặt mua đá cây nữa.

Từ đó bác Jack thôi không làm việc nữa và chăm chú vào bộ sưu tập của mình. Cứ hễ trông thấy một con vật bé nhỏ nào bị chết bác lại mang về để đông lạnh. Sau đó bác đặt khối đá có xác ướp lên giá trong một căn phòng rộng thênh thang. Cái phòng này rộng đến mức người ta có thể cho xe tải ra vào dễ dàng.

Tôi thấy lạnh nên nói với bác:

- Chúng ta ra ngoài đi, cháu thấy lạnh quá.

Chúng tôi đi ra khỏi buồng lạnh và đi về nhà máy, bác Jack đóng cửa buồng lạnh lại. Bác Jack chỉ vào chỗ băng vết thương ở ngón tay tôi và hỏi:

- Cháu có đau lắm không?

Tôi gật đầu và tháo miếng gạc bẩn. Máu vẫn rỉ ra từ vết cứa sâu hoắm. Tôi nói:

- Cháu bị vướng vào hàng rào dây thép gai nhà Gravel.

Bác dẫn tôi tới chỗ có cái thùng sắt to tướng đặt trên một cái bệ có bánh xe. Thùng chứa nước muối. Thông thường không bao giờ bác cho tôi tới gần cái thùng này vì một lí do đặc biệt. Để làm đông lạnh các mẫu vật bác dùng nước lã. Một hôm tôi đứng gần đó, nhưng bác không biết và tôi đã chứng kiến bác uống một ngụm nước muối lấy trong cái thùng đó.

Bác leo lên bệ xe, múc đầy một cốc nước muối và bảo tôi nhúng ngón tay vào. Tôi chẳng nói chẳng rằng cho ngay ngón tay vào cốc. Khi lấy ra thì vết thương không còn rỉ máu nữa.

- Nước muối thật kì diệu. - Bác cười và nói rồi giơ những ngón tay xương xẩu lên trước mặt tôi dọa. - Cháu cấm không được nói cho ai biết đấy nhé, cũng tuyệt đối không được kể về bộ sưu tập của ta!

- Bác đừng sợ, cháu đã nói với bác hàng nghìn lần rồi còn gì. Cháu biết giữ bí mật. Không có ai, kể cả mẹ cháu biết tí gì về vườn bách thú ướp đông của bác đâu.

Ở trường bọn bạn tôi đều nói bác Jack đã hai trăm tuổi và bọn chúng đều sợ bác ấy. Tôi là đứa duy nhất được bác cho vào nhà máy nước đá.

Tôi đi ra cửa. Bác Jack bảo:

- Ngày mai cháu lại tạt qua nhé. Mai bác ra biển, may ra tìm thấy một con cá chết, cháu phải chỉ cho bác để vào chỗ nào.

Bác độ này rất lạ lùng. Lúc nào cũng chăm chăm nghĩ tới khu bảo tàng quý giá này. Nhưng phải nói bác Jack là người có trái tim vàng, là một người bạn tốt đáng tin cậy.

Tôi vẫy tay chào bác và nói:

- Cháu phải đi đây, hẹn gặp lại bác. Lúc nãy khi bị thương cháu chạy thẳng đến đây chưa kịp chào Jingle Bell.

***

Jingle Bell là một con bò cái. Có lẽ các bạn sẽ hỏi tại sao giữa thành phố lại có một con bò cái. Chuyện thật là buồn. Số là con bò già này bị nhốt trong một cái chuồng sau một ngôi nhà cao tầng giữa nhà máy nước đá và xa lộ. Nó bị nhốt giữa một thành phố lớn bẩn thỉu, hôi hám đầy những chất độc hại như tất cả chúng ta vậy.

Cả đời nó chưa hề được ung dung trên bãi cỏ non. Chưa bao giờ thấy một bông hoa hoặc bầu trời xanh. Con bò cái này bị nhốt trong chuồng nhà Gravel mà gã thì chó đểu.

Hai tuần qua không ngày nào con Bell không rống lên một cách buồn bã thảm thiết.

Bác Jack bảo điều này liên quan đến mùa xuân. Bác bảo đó là hơi đất. Giữa những khí thải độc hại hôi hám, gió đã lùa vào thành phố một chút không khí đồng nội và nó đã lan tỏa qua những kẽ hở cho đến tận cái chuồng bò tăm tối sàn bằng bê tông của nhà gã Gravel. Con bò cái như ngửi thấy hương đồng cỏ nội, dấu hiệu của một miền quê bao la báo cho con Bell biết rằng ở rất xa nơi này có những đàn bò đang ung dung trên bãi cỏ xanh rờn với làn gió xuân mát rượi.

Con Bell rống lên thảm thiết vì nó nhớ ánh trăng, nhớ bầu trời đầy sao, nhớ những giọt sương mai và những đêm dài yên tĩnh.

Đúng bác Jack là người thất học, không biết đọc, biết viết nhưng bác là người biết sử dụng tiếng nói một cách thành thạo. Bao giờ cũng vậy, mỗi khi nghĩ tới những điều bác Jack nói về con Bell, nước mắt tôi lại trào ra.

Dứt khoát phải làm một cái gì đó. Không thể cứ cầm tù con bò cái đó suốt ngày này sang ngày khác trong cái chuồng bẩn thỉu tối tăm như vậy được.

Tôi quý trọng bác Jack, coi bác như một người bạn tốt, tôi thương con bò, tôi cũng coi nó như một người bạn mặc dù nó chưa bao giờ nhìn thấy tôi. Nó chỉ nghe tiếng tôi nói và nhìn thấy cặp mắt của tôi.

Hàng ngày sau khi tan trường tôi đi vào một cái ngõ phía sau nhà gã Gravel và leo qua hàng rào. Sau đó tôi chạy nhanh tới chỗ chuồng bò và ghé mắt nhìn qua kẽ hở của hai tấm ván. Con Bell cũng nhìn tôi qua kẽ ván. Nó và tôi nhìn nhau rất lâu. Mặc dù không chạm được vào người nhau, người ta có thể biết được vô khối chuyện nếu nhìn thẳng vào mắt con bò. Tôi thấy rõ con Bell muốn thoát ra khỏi nơi tù hãm nó, muốn chạy khỏi nơi này. Tôi cảm thấy nó khát khao ánh nắng mặt trời và tôi biết rõ nó căm ghét gã Gravel đã nhốt nó ở đây.

Chiều nào cũng vậy, trước khi tạm biệt nó, tôi đều tuồn cho nó một chét cỏ non qua kẽ ván. Gã Gravel bao giờ cũng chỉ cho nó ăn cỏ khô và rơm. Cứ mỗi khi con Bell nhìn thấy cỏ non nó lại rống lên sung sướng, lần nào nó cũng rống sáu tiếng liền. Nghe tiếng nó kêu tôi cảm thấy như nghe những nốt nhạc đầu tiên của một bài hát, chính vì thế tôi đặt tên nó là “Jingle Bell”, tên một bài hát mừng lễ Noel.

Gã Gravel chỉ gọi nó đơn giản là con bò. Bao giờ cũng thế, hễ Gravel làm gì đó gần chuồng bò thì con Jingle Bell lại rống lên vô cùng rầu rĩ, thê lương. Người ta có thể nghe thấy tiếng kêu của nó xen lẫn với tiếng còi ô tô và tiếng phanh xe ken két.

***

Đúng vào cái hôm bắt đầu xảy ra những chuyện đó thì tôi phải chứng kiến một việc thật là buồn. Tôi nhìn qua kẽ ván và thấy con Jingle Bell đang tìm cách thoát khỏi cái dây buộc nó. Nó hết kéo lại giật, cố nhích lại gần chỗ có một tia nắng chiếu qua lỗ hở trên mái chuồng. Cái tia nắng le lói đó chỉ lớn hơn đồng xu một chút nhưng con Jingle Bell rất thèm được đứng dưới tia nắng mặt trời đó. Các bạn hãy tưởng tượng xem con vật khốn khổ đó không thèm gì hơn là được đứng dưới tia nắng mặt trời, cho dù chỉ là một tia nắng hắt hiu.

Tôi hơi rụt đầu lại và gào lên một cách giận dữ. Sau đó tôi quay đi và bỏ chạy. Tôi trèo qua hàng rào nhà Gravel, vút qua một hẻm nhỏ chạy về ngôi nhà cao tầng nơi gia đình tôi sinh sống. Phổi tôi như có lửa đốt, nhưng tôi không thể kìm mình được.

Thang máy chạy chậm rì rì, mãi mới lên đến tầng mười lăm mà nhà tôi ở tầng hai mươi. Tôi đập cửa thình thình cho đến khi mẹ ra mở cửa. Mẹ hỏi:

- Con làm gì mà dữ thế?

Tôi thở hổn hển:

- Búa đâu mẹ, búa đâu?

- Ở dưới chậu rửa mặt ấy.

Không nói một lời tôi bổ nhào vào trong bếp lấy chiếc búa đinh. Tôi hét lên “Con sẽ về ngay” và chạy hộc tốc đến chỗ con Jingle Bell. Gã Gravel không biết đi đằng nào. Con bò cái vẫn rống lên rền rĩ, cố nhích lại về phía tia nắng.

- Chờ tao một tí, tao sẽ cho mày tha hồ thỏa thích. - Tôi bảo nó, rồi nhảy vọt lên mái nhà dùng búa đinh nhổ lấy nhổ để. Sau hơn nửa tiếng đồng hồ làm việc cật lực tôi nhổ gần hết đinh trên mái tôn.

Gã Gravel vẫn mất tăm.

Cuối cùng tôi cũng hoàn thành công việc, gỡ được một tấm tôn to tướng, tôi giật mạnh và quẳng nó sang một cái vườn nhỏ gần đó. Ánh nắng mặt trời ùa vào chuồng bò, đầy xô và ngập cả bể tắm, ánh nắng tuôn xuống như thác đổ tràn ngập khắp chuồng và sưởi ấm cho Jingle Bell. Lần đầu tiên trong đời con Jingle Bell được tắm trong những tia nắng chói chang ấm áp. Nó ngẩng đầu cất tiếng kêu sung sướng. Nó kêu sáu tiếng liền, sau đó lại kêu sáu tiếng nữa, nó kêu mãi, kêu mãi. Đây là lần đầu tiên trong đời nó được hưởng món quà trời cho đem lại sự sống cho muôn loài.

Tôi nằm trên mái cả tiếng đồng hồ, có khi là hai tiếng cũng nên. Tôi không biết chính xác là bao nhiêu lâu. Tôi ngắm nhìn con Jingle Bell khoan khoái nằm phơi nắng mồm không ngừng nhai lại. Có lẽ nó đang tưởng tượng đến cảnh ung dung gặm cỏ trên một cánh đồng rộng thênh thang. Tôi thấy rõ niềm sung sướng của nó.

Bỗng nhiên tôi thấy vệt nắng cứ leo cao dần lên tường và một bàn tay sắt tóm chặt cổ chân tôi kéo thẳng xuống. Tôi bị lôi xềnh xệch, bị đụng xước và mài trên mái tôn vừa nóng vừa gợn sóng. Tôi cố gắng dùng tay bám thật chặt, nhưng không có chỗ nào để bám. Cuối cùng tôi lơ lửng trong không khí đụng vào dây rồi rơi phịch trên một đống sỏi bên cạnh chuồng bò.

Tôi trông thấy cái mà tôi không muốn nhìn tí nào. Đó là Gravel. Gã lừ mắt nhìn tôi từ trên xuống. Cái mũi to tướng đỏ ửng, gã hằm hằm cáu giận. Hàm răng giả của gã cũng như muốn bật ra, chúng đập vào nhau lập cập, có lúc như muốn bật ra khi Gravel la hét. Gã lồng lộn.

- Mày là đồ mất dạy, thằng phá hoại. Tại sao mày lại phá chuồng bò nhà tao, hả?

Tôi lắp bắp:

- Con Jingle Bell... mặt trời... tôi muốn cho nó được hưởng chút ánh nắng mặt trời.

- Vì cái con bò khốn khổ khốn nạn đó, cái con bò già cấc khú đế vô tích sự, đến sữa cũng chẳng có, mà mày lại phá cái chuồng của tao?

Tôi hét lên:

- Nhốt con Jingle Bell như vậy là tàn ác. Không thể để nó sống ở nơi tăm tối như thế được.

Gravel đột nhiên sững người ra, mồm gã há hốc như mồm cá ngão. Gã dằn giọng:

- Tao sẽ cho mày biết thế nào là tàn ác.

Gã rít lên, gã giơ cao một đoạn dây và quật tôi tới tấp. Tôi trườn ra khỏi tầm với của gã và trèo qua hàng rào. Tôi chạy như bay qua cái hẻm nhỏ. Tôi nghe thấy tiếng nói độc ác của Gravel vang lên phía sau lưng:

- Cái con bò đó cũng chẳng còn mấy thời gian để phơi nắng đâu. Ngày mai tao sẽ tống nó ra lò mổ. - Nói xong gã cất tiếng cười phe phé.

***

Lò mổ. Nhà máy sản xuất keo dán. Nó muốn giết con Jingle Bell. Và tất cả chỉ tại tôi. Lỗi là ở tôi. Trên đường đi về nhà nước mắt tôi trào ra. Những giọt nước mắt mằn mặn chảy qua má và vào miệng tôi.

Tôi phải cứu con Jingle Bell tội nghiệp.

Tối đến tôi ngồi vạch kế hoạch. Qua cửa sổ phòng mình tôi nhìn thấy thành phố ngập trong ánh đèn đêm. Khu nhà máy lọc dầu với muôn vàn nguồn sáng lung linh trông như một thế giới thần thoại. Tôi trông thấy khá rõ cây cầu West Gate uốn qua sông Yarra. Đó là cây cầu tự do. Con đường dẫn đến vùng đất rộng mênh mông.

Tôi để radio báo thức vào nửa đêm. Như thế tôi sẽ có thời gian để đưa con Jingle Bell đi qua thành phố và qua cầu West Gate. Chúng tôi sẽ đi qua con đường chính khi xe cộ chưa nhiều.

Khi tôi với tay định tắt đèn tôi chợt nhớ ngón tay bị thương đã lành lại hoàn toàn. Vết toạc đã lành hẳn. Chẳng bao lâu sau tôi ngủ thiếp đi. Tôi trằn trọc hết xoay bên này lại xoay bên kia. Tôi mơ thấy bóng ma con bò đi trong đêm sương mù dày đặc và luôn mồm kêu thảm thiết.

Đúng đêm hôm đó điện bị mất. Đúng lúc tôi ngủ cả thành phố mất điện. Và chiếc radio báo thức không chạy.

Cũng như mọi hôm mẹ đánh thức tôi lúc 7 giờ 30.

- Dậy đi con, muộn rồi! - Mẹ nói nhẹ nhàng.

Tôi nhìn ra cửa sổ, ánh nắng chói chang. Tôi chồm dậy.

- Thôi chết rồi, chắc chiếc xe tải đã trên đường đến lò mổ!

- Con nói cái gì thế?

- Không ạ. Mẹ ơi, hôm nay con không ăn sáng đâu. - Tôi mặc vội quần áo, quên cả chào tạm biệt mẹ và chạy vù đi.

Tôi khom người đi phía sau nhà Gravel. Cầu trời gã chưa dậy!

Chiếc cửa sắt vẫn còn đóng. Nhưng thật may là chiếc búa đinh vẫn còn nằm ở chỗ bị rơi hôm qua. Tôi đập khóa và đi vào cái chuồng bò tối tăm. Con Jingle Bell háo hức kêu sáu tiếng liền se sẽ và ngước mắt nhìn tôi ra chiều sung sướng lắm.

- Suỵt! - Tôi để tay lên miệng ra hiệu bảo nó đừng kêu. Nó không hiểu, nhìn tôi và lại tiếp tục kêu.

- Yên nào, Gravel mà nghe thấy thì mày sẽ toi mạng đấy, gã sẽ đưa mày vào lò mổ và nấu keo.

Tôi mở dây quàng quanh cổ và dắt nó đi ra sân sau. Lối ra duy nhất là một con đường nhỏ ở cạnh nhà rồi đi qua mảnh vườn nhỏ ở phía trước nhà. Chúng tôi đi chầm chậm không một tiếng động trên con đường hẹp đó ra ngoài. Đúng lúc đi tới gần một cái cửa sổ thấp, con Jingle Bell bỗng kêu một tiếng thật to làm ai mà nghe thấy cũng phải xây xẩm mặt mày.

Cố đi nhẹ nhàng từng bước cũng không ăn thua vì thế tôi ra lệnh cho con Jingle Bell chạy đi. Nhưng nó lại tỏ ra hoàn toàn không muốn chạy mà lại ngước mắt nhìn ông mặt trời. Nó đã bao giờ được ra ngoài đâu? Nó ngơ ngác nhìn đường sá, nhìn xe cộ chạy như mắc cửi. Bỗng nó trông thấy một thứ làm nó sợ cuống và lồng lên chạy. Đó là cái mặt phèn phẹt ghê sợ của Gravel. Con Bell vừa thoáng trông thấy bộ mặt quỷ dữ đó thì sợ cuống lồng lên chạy ra khỏi cổng vườn rồi nhào ra đường. Nó sợ thực sự. Khi chạy bầu vú của nó lắc la lắc lư trông không khác gì chiếc găng tay cao su đổ đầy nước.

Lúc cần kíp con bò sữa cũng có khả năng chạy rất nhanh. Con Jingle Bell chạy biến ra đường và tôi thoáng trông thấy Gravel chạy ra chiếc xe ô tô của gã.

Jingle Bell chạy đến ngã tư. Tôi hét lên:

- Sang phải, chạy ra hướng cầu cơ!

Con Jingle Bell lại chạy về bên trái ra con đường dẫn vào thành phố. Tôi cố đuổi theo nó, nhưng nó chạy nhanh quá. Nó khệ nệ chạy qua nhà máy nước đá của bác Jack Thaw. Bác Jack đang dùng vòi cao su cọ rửa con đường nhỏ trước cửa nhà mình.

Tôi gào lên gọi bác Jack:

- Giúp cháu với, bác đánh chiếc xe tải ra đi.

Bác Jack chẳng hiểu mô tê gì cả nhưng bác chạy vội vàng ra phía sau khu nhà máy. Con Jingle Bell vẫn mải miết chạy kéo lê theo chiếc dây buộc cổ về phía trung tâm thành phố. Tôi không thể nào đuổi kịp nó.

Bây giờ con vật khốn khổ đó hoảng hốt chạy ngay giữa phố Flinder. Xe ô tô và xe tải bóp còi inh ỏi và né tránh con bò đang phi nước đại. Những người đang đi bộ hai bên đường đến công sở cũng ngơ ngác dừng chân nhìn con bò đang lồng lên ở giữa đường.

Cuối cùng con Jingle Bell đã tới trung tâm thành phố. Nó đứng lại rồi chạy rẽ ra phía nhà ga ở phố Flinder.

- Ôi không! Sao mày lại đi theo lối đó! - Tôi rên lên.

Nhưng con bò đã đi theo hướng đó. Nó bước lên cầu thang và đi về hướng nhà ga. Có lẽ mấy con tàu mới vào ga cho nên người túa ra rất đông. Con bò cái già tội nghiệp đứng ngơ ngác giữa bậc thang và kêu lên những tiếng tuyệt vọng. Trong khi đó dòng người đi qua chỗ nó đứng trông như những con cừu đang bu quanh một chiếc ô tô giữa đường làng.

Tôi rẽ đám đông bước vội về phía con bò, cầm vội chiếc dây buộc ở cổ nó. Tôi thấy một viên cảnh sát đang bước nhanh đến chỗ chúng tôi. Ông phàn nàn về chuyện để bò đi lại trên đường phố. Nếu ông ta tóm được thế nào tên và địa chỉ của tôi cũng bị ghi lại và người ta sẽ trả con Jingle Bell về cho chủ cũ của nó.

Tôi cuống cuồng nhìn trước, nhìn sau và ra lệnh cho con bò đi nhanh vào ga. Tôi gò cổ kéo con Jingle Bell lên các bậc thang, lôi nó qua thanh chắn. Người kiểm soát vé trông thấy la lên:

- Này, quay lại đi, vé của con bò đâu?


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx