sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 6

Đọc thư của ai thế, Tự? Dạy xong rồi, hả? Đến nhà mình chơi di!

Nghe tiếng Cẩm ở sau lưng. Tự vội gập lá thư, quay lại. Âm vang của ký ức được khơi gợi gây chấn động mạnh mẽ quá. Anh nhìn Cẩm, hai mắt nhưng nhức, moi mỏi.

Cẩm dắt chiếc Pơ-giô tới. Có lẽ đã đến lúc phải đeo kính lão. Chóng thế. Tự nhìn Cẩm, nghĩ, mặt đã hết ngơ ngác.

Ở gần, càng nhận rõ nhũng nét thô kệch trên mặt Cẩm. Cũng là cái mặt dày thịt, nhưng sao trông mặt Cẩm nặng nề thế. Cứ như nó là đất nện. Cái mũi tròn nở như một cục mật. Đôi lông mày thật sự là hai cái bàn chải đen. Chả có một nét nào lờ mờ. Như hai con mắt thô lố, cả khuôn mặt lồ lộ sự nông choèn của đời sống tâm linh. Cả giọng nói cũng vậy, to khỏe, nhưng ít âm ba, không có hậu.

- Này, dễ có đến hàng năm cậu không đến chơi nhà mình rồi đấy, Tự? Bà Lụa, vợ mình cứ nhắc luôn. Đàn bà họ hay để ý vặt lắm. Hay là chú ấy có gì với anh? Hôm qu bà ấy đột ngột hỏi mình thế. Tinh quái và nhiếu sự đệ nhất là cái anh đàn bà!

Cẩm toét miệng, cười khề khề. Cười tự khen mình đặt chuyện khéo! Chứ vợ Cẩm có bao giờ được coi là ngang hàng, là kẻ có thể đôi hồi tâm sự thoải mái với chồng, mà dám đặt ra một câu hỏi có tính chất ngờ vực như thế? Tuy vậy, Tự cũng nhận ra là Cẩm thật thà đến vụng dại và không khỏi lạ lùng vì lời mời mọc và ánh mắt thân thiện của viên hiệu trưởng này. Xưa nay, giữa Tự và Cẩm, chưa bao giờ có sự thân mật, đồng cảm cả.

- Về cơ bản, tôi đã dạy xong chương trình. Ôn tập, tổng kết, dặn dò đại thể cũng là xong. Nhưng. tôi định sẽ còn trò chuyện với tất cả các em một vài buổi nữa.

Tự dừng lại, nhìn Cẩm, hơi ngắc ngứ:

- Có một việc riêng, anh Cẩm ạ, tôi muốn đề nghị các anh xét. Tôi có nói ở trong đơn rồi. Do hoàn cảnh...

- Ôi, tưởng chuyện gì. Tớ đọc đơn của cậu rồi. Vẽ vời đơn với từ.

Không để Tự kịp trình bày, Cẩm đã vỗ bộp vai Tự, cướp lời:

- Không có vấn đề gì! Tớ sẽ bảo ông Thống kê thêm cho cậu một cánh phản ở buồng ngủ phía trong văn phòng. Tha hồ mát. Ông Thống lại khoái vì có bạn. Cậu ở đấy suốt cả ba tháng hè cũng được. Xong chưa? Nhưng mà này, phải được sự đồng ý của bà xã nhé. Đừng để bà ấy kiện tớ. Đàn bà mà, họ có nỗi nhớ dai dẳng đến khiếp là cái món ấy đấy. Khề khề... Thôi, đến nhà mình chơi đi!

Chút ít khó chịu về sự lỗ mãng của Cẩm đã khuây tan nhanh chóng. Tự không ngờ Cẩm lại đáp ứng đề nghị của mình dễ dàng và vui vẻ thế. Bây giờ, lẽ nào anh lại từ chối lời mời của Cẩm. Phiền nỗi là không có xe đạp. Chiếc xe đã nhờ Kha bán. Bây giờ phải tường trình với Cẩm, cũng là một điều Tự không muốn. Nhung may, Cẩm được cái vẫn giữ được thói quen của mấy anh lãnh đạo: hỏi cấp dưới mà không thèm nghe, nên Tự cũng chỉ cần đáp qua loa. Và Cẩm đã cúi xuống, giật cái kẹp quần, gài vào dây phanh rồi thong thả dắt chiếc xe đi bên cạnh. Chiếc xe Pơ-giô cổ sáng bong, chính hiệu từng con ốc, dây phanh, vật sang trọng hóa ra lại phản ánh chủ nhân ở mặt bủn xỉn.

- Thôi, vừa đi ta vừa nói chuyện. Mấy khi được thong dong thế này nhỉ. Nhưng này, Tự, trước hết, tôi phải phê bình cậu một phát đã.

Khựng lại bất ngờ. Cẩm trợn mắt, chỉ mặt Tự, vừa suồng sã bạn bè, vừa lên mặt quan trọng:

- Tôi hỏi cậu: cớ sao học trò nó đưa tiền thù lao dạy thêm cho cậu, mà đưa một cách kín đáo, tế nhị, nghĩa là dặt tiền vào phong bì để dưới cuốn sổ đầu bài, mà cậu cũng không thèm nhận cho. Thế là thế nào?

Tự bật cười:

- Hà! Anh lập luận cũng khéo đấy nhỉ?

Tưởng được khen, Cẩm vênh mặt:

- Thì mình cứ sờ đầu gối nói chân thậ

- Có nghĩa là tôi được hối lộ? Nhưng hối lộ như thế thì nhận sao được. Về nguyên tắc, hối lộ cần kín. Vậy mà học trò biết, tôi biết, giờ anh lại biết!

Cẩm gãi tai tiu nghỉu:

- Bà Thảnh ma tịt bà ấy mách mình đấy chứ, ai mà biết được!

- Lại thêm bà Thảnh nữa. Lộ to rồi. Há!

Nghe Tự cười mới biết Tự lỡm, Cẩm liền xua tay, xuề xòa và đẩy xe đi:

- Thôi thôi, tôi chịu thua lý sự của cậu rồi. Biết nhau từ hồi ở đại học cơ. Khí khái nhà nho. Cốt cách thanh bần, xa lánh ô trọc. Nhưng, theo tư duy hiện đại thì...

- Tiền trao cháo múc?

- Không phải thế. Đây là vấn đề có làm có hưởng.

- Độc quyền thì không có chân lý đâu. Anh có lý của anh! Tôi có đạo lý của tôi!

- Thế nào? Ơ, nghe được đấy! Tôi có đạo lý của tôi! Hay là khác nữa. Cậu, đặc sắc đấy. Tự ơi. Biết cậu từ hồi đại học cơ! Ừ ừ, như thế là rất tốt!

Thình lình dừng xe, Cẩm trố mắt nhìn Tự và rối rít. Tự không hiểu Cẩm khen mình thật hay màu mè lấy lòng anh? Hay Cẩm đang dò đoán Tự, nắm bắt Tự để lựa chiều, đNử dụng Tự. Cẩm luôn luôn không rõ rang, bất nhất. Trước nay, Cẩm và Tự không bao giờ chung nhau một khuôn mặt tinh thần, tuy là bạn đồng khóa, dạy cùng môn. Cùng là thầy mà họ chẳng có nét nào giống nhau.

Nghề thầy mang bản chất nhân hậu, hữu ái. Tài năng lớn nhất là tài năng sư phạm, vì tài năng này tạo nên của cải lớn nhất thế gian: con người. Nghề thầy, do vậy cũng là nghề cực kỳ khó. Thầy vừa phải có năng lực, vừa phải có phẩm đức cao.

Tiếu lâm cười ông thầy nào thiếu sót hai mặt cơ bản đó. Đã đóng vai ông thầy mà lại còn liếm vụng mật, ăn vụng chè thì đáng cười lắm. Tuy vậy, cười mà cám cảnh. Ông thầy nước Việt ta sao mà nghèo khổ đến vậy. Cười mà thương. Cười mà chê, mà không thể thương được là cười ông thầy dốt nát, dạy nhăng cuội, sai be bét. Chữ bôi, thầy không biết, thấy có bộ mộc bên cạnh chữ bất, nói bừa rằng đó là chữ bất, chỉ cây bất. Chữ bôn có nghĩa là chạy cũng không biết, dạy liều rằng đó là chữ con bò tót vì thấy chữ đó gồm ba chữ ngưu hợp lại, nên suy luận rằng; ba trâu hẳn phải là khỏe bằng bò tót; là cái tài suy luận của thầy!

Ông giáo Cẩm dạy văn học, giải thích sai từ này, từ nọ là chuyện cơm bữa. Nó cũng như ông Dương giải thích chữ Mácxít là tên gộp của hai lãnh tụ cộng sản ấy thôi. Không biết Pháp, hiểu cho được nghĩa đuôi chữ ít, ixmờ cũng khó dấy. Văn lại vốn khó. Văn cổ lại khó nữa. Mấy ai dám tự cho mình là từ điển sống. Thành ra, nếu ông Cẩm bắt học trò chữa cụm từ hào khí Đông A thành hào khí đông nam châu Á thì đã là một sự quái lạ, nhưng cũng chưa phải là điều thật đá. Cái dốt của việc dạy văn nằm ở chỗ khác, sâu xa hơn và cũng khó diễn giải hơn nhiều. Đây, cái bài văn ấy đây, cái bài thơ ấy đây, cái văn bản ấy đây. Một tập hợp những ký hiệu, những ẩn dụ nghịch lý, phải làm sáng tỏ, nhưng đó cũng là cây đàn chưa một ai động đến phím tơ, hãy là nghệ sĩ để đàn cất tiếng, rung động nỗi lòng... Dạy văn là sự giải mã một cách nghệ thuật cái vô hình sau cái hữu hình, cái im lặng sau cái âm thanh, cái thần thái của mỗi xác chữ, cái đa nghĩa, cái lấp lửng, cái không xác định… Công việc này khó lắm, với cả những ai gọi là có chút khiếu năng cảm thụ và diễn đạt.

Cẩm làm sao mà dạy nổi môn văn! Công việc quá sức Cẩm. Cẩm không có cảm quan thẩm mỹ tối sơ. Ngôn ngữ của Cẩm khá lắm cũng chỉ là ngôn ngữ xã luận. Tư duy của Cẩm chỉ đủ sức nhận biết những phương trình tối giản và cụ thể như 2+ 2 = 4. Suy luận của Cẩm mới đạt tới quy tắc tam đoạn luận. Giá như để Cẩm dạy chính trị thời sự, hay là dạy toán, lý, hóa… những môn khoa học chính xác, không đòi hỏi nhiều lắm cái phong phú của tâm hồn, cái uyển chuyển của chữ nghĩa... thì cũng vẫn là khổ hình cho những kẻ được hưởng sự truyền bá, nhưng cũng chưa đến nỗi biến giờ dạy thành một trò cười. Cẩm mà dạy thơ Nguyễn Trãi thì vừa khổ cho học trò, vừa tội cho chí sĩ thi nhân. Bài nào cũng giống bài nào. Hết đại ý, dàn bài thì đến phân tích, kết luận. Phân tích thì cộc cằn, mách qué. Bình phẩm thì chỉ quẩn quanh mấy câu: “Bài Đại cáo bình Ngô như thế là rất tốt!”, “Bài Ngôn chỉ như thế là rất có ý nghĩa”. Lại còn cái tật liên hệ với thực tế gò ép đến lố bịch. Bài nào cũng kết bằng mấy câu, đại loại: Hiện nay, thực hiện chỉ thị 07 của Thành ủy, thành phố ta, quận ta đang có phong trào xây dựng nếp sống và gia đình văn hóa mới, học bài này, ta càng thấy phải nỗ lực hơn.v.v... và v.v... Cẩm biến bài văn thành bài chính trị, luân lý, đạo đức ngô nghê. Lại có lần dạy bài “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” giảng hết bài rồi, còn những năm phút nữa mới hết tiết. Cẩm liền lấp chỗ trống bằng cách bảo học sinh đứng dậy mặciệm các nghĩa sĩ năm phút để tỏ lòng tri ân (!).

Dạy Truyện Kiều thì thật là Cẩm làm trò cười cho giáo giới. Nay, trong giới thầy dạy văn của thành phố vẫn còn lưu truyền đoạn đối thoại sau đây giữa Cẩm và học trò:

Học trò: Thưa thầy, tại sao Nguyễn Du viết: “Vầng trăng ai xẻ làm đôi”?

Thầy Cẩm: Thế mới hay chứ!

Học trò: Thế thưa thầy vì sao lại: “Nửa in gối chiếc”?

Thầy Cẩm: Thì thế mới gọi là thơ chứ!

Học trò: Thế còn “Nửa soi dặm trường” là thế nào ạ?

Thầy Cẩm: Cái cậu này dốt bỏ mẹ! Thì thế mới gọi là đại thi hào Nguyễn Du chứ!

Học trò nó đặt tục danh cho Cẩm là Đẽo-cày-giữa-đường thật là hóm dấy! Đầu đuôi tên ấy là thế này. Hôm. ấy Cẩm dạy một tiết để các đồng nghiệp trong quận tham dự, nhằm mục đích trao đổi nghiệp vụ, học tập lẫn nhau. Bài giảng là truyện ngụ ngôn Đẽo cày giữa đường, có ý ngụ ý răn bảo người đời phải trau dồi bản lĩnh, chớ có nên cả nghe mà hỏng việc! Gần cả tiết dạy, Cẩm dã cho mọi người ăn cơm nguội. Cuối tiết Cẩm lại diễn vở bi hài kịch. Còn ba phút nữa thì hết giờ, Cẩm hạ câu kết luận: “Nghệ thuật truyện ngụ ngôn Việt Nam như thế là rất tốt, rất hấp dẫn! Có đúng không các em?”. Ai cũng nghĩ, học trò sẽ trả lời đáầm: Đúng ạ cho nó xong đi, rồi trống nổi tùng tùng, ra chơi cho đỡ mệt. Nào ngờ lại có đứa học trò, không hiểu có phải cố tình chơi khăm Cẩm không mà bỗng giở quẻ, giơ tay đứng dậy khăng khăng rằng: Thầy nói thế nào, chứ em thì em thấy chẳng có gì là hấp dẫn cả! Trước sự cố bất thường như vậy thầy thật sự giỏi, dàn xếp êm thấm có khó gì. Đằng này Cẩm lại lúng ta lúng túng. Thoạt đầu nghẹn ắng, rặn chẳng thành câu, rồi đùng đùng nổi giận, chỉ mặt tên học trò nọ, quát: “Ngu quá là ngu! Hấp dẫn thế chứ còn muốn hấp dẫn đến thế nào nữa, hử?”

Cái tên Đẽo cày giữa đường nhắc nhở kỷ niệm nuôi dạy bất hủ đó, nhưng vô tình mà thâm thúy lạ. Nó nói lên cái tính cách dở dở ương ương, ngô ngọng, không đến đầu đến đũa của Cẩm. Nếu có trách Cẩm thì trách chỗ đó thôi. Chứ còn năng lực... Cẩm đâu có tự gây nên tội?

Cẩm vào nghề giáo đâu có phải là từ một hành vi tự nguyện! Có sức khỏe, lại giật giải trong cuộc chạy thi 1000m ở huyện, anh bí thư đoàn xã tên Nguyễn Văn Cẩm nọ được mời vào dạy thể dục ở trường cấp hai ấy. Dạy nghiệp dư một thời gian rồi chuyển sang ngạch chính thức. Ít lâu sau thì thầy giáo Cẩm chuyên dạy chạy tiếp sức và nhảy cao, nhảy xa được đề bạt làm hiệu trưởng. Ấy là vì Cẩm là đảng viên duy nhất ở trường này. Nghĩa là do nhu cầu khách quan chứ không phải do Cẩm muốn. Cũng lại do nhu cầu đào tạo mà sau một vài thâm niên trong nghề, Cẩm được cử đi học đại học sư phạm. Đi học đại học sư phạm là phải quá rồi còn gì. Về mặt văn hóa, tuy Cẩm chỉ có bằng lớp 7, nhưng Cẩm lại đã là hiệu trưởng một trường cấp hai. Hiệu trưởng một trường cấp hai lẽ nào lại không đáng mặt chọn tuyển để đào tạo thành giáo viên cấp ba?

Tuy vậy thực tình Cẩm cũng lo. Lượng sức mình, anh giáo dạy thể dục xin theo học khoa địa lý. Có lẽ vì nghĩ: địa lý là đất cát, chắc nó cũng gần với đồng ruộng, dễ tiếp thu. Ấy thế mà cuối cùng Cẩm lại là sinh viên khoa văn, ba năm sau, tốt nghiệp lại trở thành thầy giáo dạy văn cấp ba! Sự đời biến hóa thật khó mà lường được là vậy. Nhưng sự đời lắm khi rất đơn giản. Rất đơn giản thế này thôi: sau khi xem xét nhân sự sinh viên mới nhập học, tổ chức trường đại học nhận thấy rằng lực lượng đảng viên ở trong sinh viên khoa văn vừa ít vừa non, vậy cần tăng cường bằng cách san ở các khoa khác về. Thế là Cẩm trở thành sinh viên khoa văn, hơn nữa lại là chi ủy, trực tiếp làm trưởng một trong hai lớp toàn khoa.

Chuyện điều động đảng viên từ nơi này sang nơi khác xưa nay vốn là chuyện đã thành thông lệ. Đã là đảng viên thì làm lãnh đạo được. Lãnh đạo khó nhất mà còn làm được thì có việc gì mà chịu bó tay. Ai cũng nghĩ vậy. Nào ngờ, đó lại là sự cưỡng hôn thô lỗ, khổ cả cho chú rể lẫn cô dâu. Môn học quái quỉ gì mà chữ nghĩa rành rành ra đấy, đọc thông làu làu, thậm chí gào tướng lên, mà chẳng hiểu nó hay như thế nào, nó dở là vì làm sao? Nàng thơ yêu kiều khó tính nhất định không bén duyên gã tình lang chỉ quen dùng sức mạnh cơ bắp chân tay. Cả ba năm học, năm nào Cẩm cũng có tới bốn năm môn điểm dưới trung bình. Giá là sinh viên trơn thì nhà trường đã lịch sự mời ra cổng rồi. Nhưng, Cẩm thì vẫn lên lớp như thường, vẫn tốt nghiệp loại ưu là khác nữa. Ai lại để chi ủy viên, trưởng lớp lưu ban, trượt tốt nghiệp! Thêm nữa, xét chất lượng sinh viên là xét toàn diện. Cẩm học yếu, nhưng thành tích của Cẩm với phong trào sinh viên toàn lớp, toàn khoa không yếu. Lãnh dạo đám sinh viên tiểu tư sản thật không đơn giản. Từ việc ăn cơn chia suất, dọn dẹp vệ sinh nhà cửa, tới việc đăng ký ba sẵn sàng… nhất nhất Cẩm phải tham gia, tốn công tốn sức không ít. Chẳng nhẽ trong khi Cẩm được đảng ủy nhà trường cấp giấy khen mà ban giám hiệu lại không cấp bằng tốt nghiệp! Cuộc hôn nhân gượng ép đẻ ra một hậu quả dị thường thì cũng là một sự dễ hiểu

Học cùng lớp với nhau, sau hơn chục năm. Tự từ bộ đội xuất ngũ về dạy ở trường này, lại gặp Cẩm trong chức trách chi ủy viên, tổ trưởng tổ văn, đang ngấp nghé cái ghế hiệu trưởng của một ông giáo già. Anh không ngờ Cẩm vẫn kém cỏi như xưa. Trong khi anh, với chút thiên tư buổi đầu, nhờ truyền thống gia đình, qua dùi mài ở đại học và thực tế giảng dạy ở một trường cấp 3 miền thượng du, lại trải nghiệm đời sống lớn lao ở chiến trường, ngày càng thấu hiểu cuộc đời và con người, dã phần nào đi tới cái cốt lõi, bản thể của văn chương và nghề nghiệp, mà hàng ngày vẫn không dám lơ là tích lũy. rèn luyện... thì Cẩm vẫn rỗng tuếch và cằn cỗi như hồi xưa, khác chăng là đã ở cái tuổi năm mươi, không còn cái thơ dại ngộc nghệch của một gã đàn ông xuất thân nơi đồng ruộng, vật dục không còn ràng buộc nên bộc lộ đến mức thô lậu.

Tự bỗng rơi vào thế khó xử. Dạy cùng môn; có khi cùng khối lớp, muốn hay không, hai thầy cứ phơi mặt cạnh nhau để học trò so sánh, đối chứng. Tốt nhất là Tự phải bớt xuất sắc đi. Nhưng, như thế là làm tổn hại đến lợi ích của học sinh. Vả lại, ức chế sự phát triển tinh hoa, như cấm kỵ phượng nở tô điểm cho mùa thi, là việc trái tự nhiên, không thể được. Tự cứ phát triển, dẫu biết sẽ trở thành đối tượng của lòng ghét ghen, đố kỵ và thù hằn.

Thế là Tự bỗng chốc trở thành một kẻ xấu xa, mang đủ thói hư tật xấu của loài người. Được học sinh yêu mến là gây cảm tình cá nhân, vị kỷ. Cố dạy cho hay là có tư tưởng chơi trội. Tăng thêm giờ dạy cho học sinh giỏi là chạy theo chủ nghĩa thành tích, thiếu quan điểm quần chúng. Khai thác, cảm thụ đến tận cùng chất văn ẩn náu trong văn bản là rơi vào quan điểm nghệ thuật vị nghệ thuật suy đồi. Nhấn mạnh thi tài Cao Bá Quát là đề cao tư tưởng phản nghịch. Giảng thêm thơ Bà Huyện Thanh Quan là gieo rắc nọc độc buồn hủy hoại của một giai cấp suy tàn. Ca ngợi chữ Nhân của Nguyễn Trãi là có ý đồ xấu. Cái gì là cuộc săn đuổi chính mình? Là năng lực văn của người? Là sự tự ngắm? Là sự giải mã? Những khái niệm văn hóa tư sản hiện đại!

Đấu tranh giai cấp bao nhiêu năm qua và kinh nghiệm lịch sử của bè bạn đã có sẵn các kết luận đóng bao, đã có sẵn mũ nhọn rồi. Gã đồng nghiệp cùng khóa có lú thì đã có chú nó khôn. Chú nó là cái bất cập của thời đại. Chú nó là Dương, bí thư, một tay già dặn kinh nghiệm trường dời.

Tự trở thành một kẻ bấp bênh về chính trị, một phần tử cần phải luôn luôn cảnh giác. Dậu đổ bìm leo, tội nọ đẻ thêm tội kia. “Ngoại tình” và kiêu ngạo vì hay tham gia dịch thuật và bàn bạc văn chương với anh nhà báo Kha. Rồi cả cái nghèo túng khốn quẫn của Tự - khốn nạn, sau tám năm từ chiến trường về với tấm thân tàn, anh có được của nả gì mà chẳng nghèo - cùng cuộc khủng hoảng trong quan hệ với Xuyến cũng bị khai thác, quy kết thành thiếu sót về tư cách phẩm giá.

Tự bị tước đoạt dần. Thôi làm chủ nhiệm. Thôi hẳn việc dạy mẫu cho sinh viên hàng năm đến kiến tập. Giải tán lớp bồi dưỡng học trò giỏi. Mất chức tổng biên tập báo tường của công đoàn. Miễn nhiệm vai trò tổ phó chuyên môn và tổ trưởng công đoàn. Không dìm nổi, nhưng chỉ được đề nghị danh hiệu giáo viên dạy giỏi toàn thành phố có một năm, rồi bị lờ tịt. Giấy giới thiệu cảm tình Đảng từ đơn vị bộ đội gửi về trường đã mười năm, không một tiếng vang. Đến năm ngoái, cuộc cướp đoạt đã hoàn thành, trần trụi Tự chỉ còn là ông giáo dạy văn cho một lớp cuối cấp - một việc chẳng thể đừng. Tự bảo Kha: “Hết mà chưa hết! Kha ạ. Còn giá trị tự thân của mình, kẻ nào tước đoạt được!”

Nhưng, số Tự còn may.

Hè năm ngoái, đột ngột ông hiệu trưởng già cảm mạo rồi mất. Cẩm được sở gọi đi học một lớp quản lý ngắn hạn, rồi trở về nhậm chức hiệu trưởng. Tình huống mới tạo ra cơ hội để cải thiện quan hệ giữa Tự và Cẩm. Chức vụ đôi khi cũng làm người ta bớt hèn hạ đi. Huống hồ, chỉ vì cái chức vụ này mà Cẩm sinh lòng ganh ghét, gây chuyện dìm dập Tự. Nay đạt được rồi, một mặt hết lý do tị hiềm, mặt khác lại phải lo đến lợi ích toàn cục nên Tự lại được trở lại dạy văn toàn khối lớp cuối cấp. Đôi khi, Tự còn được Cẩm biểu dương khen ngợi. Tất nhiên cũng là hời hợt chiếu lệ thôi.

Còn thân thiết mời mọc về nhà chơi như hôm nay, họa hoằn có lần này là một. Đấy, lại còn khoác tay Tự, gần như lôi đi. Cho đến khi, rẽ vào một ngõ nhỏ đường đi lát đá tảng gập ghềnh, sợi xích xe nẩy tăng tăng. Cẩm mới buông tay Tự, đặt cả hai tay lên ghi đông chiếc Pơ-giô, thận trọng giữ chiếc xe cho nó lăn chầm chậm lại. Rồi quay lại nhìn Tự, tiếp tục sự sốt sắng bị dứt đoạn:

- Này, Tự? Sao hồi này có vẻ xanh thế? Cái bệnh sốt rét từ hồi đi B về đã tiệt nọc hẳn chưa?

- Nó cứ như ma, khi ẩn khi hiện.

- Thế là sau ba bốn năm dạy ở tỉnh L, thì cậu đi bộ đội nhỉ!

- Vâng, đi bộ đội tám năm.

- Khá dài đấy n

- Tám năm, đủ để một quốc gia nghèo nàn trở nên phồn vinh. Tám năm! Với một nhà văn có tài, đủ để lập nên một sự nghiệp. Còn tôi, bảo nó là một con số không to tướng cũng được.

- Sao lại thế nhỉ?

- Nó thế dấy!

Tự đáp, cười nhạt. Cẩm trố mắt. Rồi như khám phá ra điều khó hiểu, Cầm liền quài tay, kéo tay Tự, đầu gật gật, đắc ý:

- Tớ hiểu! Tớ hiểu rồi! Đúng là thế. Nhưng ta sẽ có cách xóa bỏ cái con số không to tướng ấy chứ. Khề khề... Thế này: Tự ạ, vừa rồi nhân cuối năm, xếp sắp lại hồ sơ cán bộ, tớ và đồng chí Dương bí thư mới phát hiện ra tờ giấy giới thiệu cảm tình đảng của cậu do Đảng ủy E.232 gửi về! Hừ! Tại sao cậu không nhắc tớ nhỉ. Tự trọng không phải lỗi, hoàng thân Mưxki ơi. Nhưng yên trí. Tự à…

Tự rời tay Cầm lạng một bước ra xa, tự dưng thấy buồn thiu. Vẫn đang cơn hào hứng, Cẩm chỉ một chùm hoa phượng đang rập rờn trên nóc một bức tường vi bên đường, reo oang oang:

- Đẹp không kìa! Trời xanh. Hoa đỏ. Thật là hết ý! Tự ạ, bây giờ mới thấy cái hạnh phúc vô bờ của người dạy văn học. Giá như bây giờ rũ hết mọi chức trách, chỉ còn là một nhà giáo tri kỷ với văn chương! Kết duyên với văn chương, ta mới hưởng thụ được vẻ đẹp mỹ miều của nàng thơ mà người trần mắt thịt có trợn đến rách mắt, lòi con ngươi cũng không thấy được! Mời gọi được tên sự vật một cách văn, như cậu tường nói. Kìa! Chùm phượng vĩ. Đẹp hết xẩy! Thật là, đầu tường lửa phượng lập lòe đâm bông!

Đang buồn mà Tự cũng phì cười vì câu nhại Kiều của Cẩm.

Ấn tượng chung là buồn tẻ, vô hồn.

Do dâu mà có ấn tượng tiêu cực ấy? Trong khi căn buồng đủ xalông, tủ ly, giường môđéc - bộ trang phục nội thất một gia đình trung lưu? Tự đã tự hỏi. Và anh đã phát hiện được: căn buồng không có một cuốn sách, một tờ báo nào.

Ờ, nếu như có một cái giá sách, với dăm ba cuốn đặt rất kiểu cách có tính chất trang trí. Hoặc thậm chí như vương vãi trên giường, trên phôtơi một mảnh báo, một cuốn truyện trinh thám rẻ tiền nhàu nát. Thì chắc chắn ở căn buồng này sẽ phảng phất một linh hồn sống động.

Cẩm không có thói quen đọc sách. Không có thói quen, không có hứng thú đọc sách, với một giáo viên văn, điều ấy là kỳ lắm. Nói thì bảo bịa, chứ thực thì tốt nghiệp khoa văn đại học sư phạm, nhưng Cẩm nào đã đọc hết một lượt Truyện Kiều! Nói chi đến Hoa Tiên, Nhị Độ Mai, Sơ Kính Tân trang, Cung oán ngâm khúc, Chinh phụ ngâm. Hoàn toàn mù tịt Ly tao, Tam quốc, Tây du, Thủy hử; lẫn lộn Hômerơ với Sêchxpia, gọi Bandắc là Banđắc, do vậy thì cũng là thường tình. Thấy trẻ con nó gọi Tự là Hoàng thân Mưxki thì gọi theo, chứ có biết Chàng Ngốc và Đốtxtôiepxki là cái gì, ông n

Hồi ấy, ở khoa văn trường đại học Sư phạm, trên tấm bảng thông báo tin học thuật, thường có những dòng viết sau đây: “Hôm nay có người tóm tắt tác phẩm “Những người khốn khổ”, “Ba chàng ngự lâm pháo thủ”, “Ơgiêni Grăngđê”... sinh viên nào chưa đọc, cần nắm được nội dung để tiếp thu bài giảng, xin mời đến nghe”. Cẩm luôn luôn là thính giả nhiệt tình số một của các buổi đó. Thật tiện! Lại còn được nêu gương trước toàn khoa.

Sách hóa ra một sản phẩm vừa xa xỉ, vừa vô bổ. Với Cẩm: giỏi lắm nó chỉ đóng vai một thứ thuốc ngủ. Một thứ thuốc ngủ thật hiệu nghiệm, vì hễ cứ cầm quyển sách mở ra là mắt Cẩm díp liền. Dị ứng sách như thế không trách ở tất cả các chỉnh huấn cán bộ và ở cả lớp học phổ thông, có một hồi người ta luôn nêu lên cái câu sau đây để phê phán: “Vạn ban giai hạ phẩm. Duy hữu độc thu cao”. Và kết luận: đọc sách đồng nghĩa với mọt

sách, hủ nho. Ấy là chưa kể từ loạn thư, sẽ loạn ngôn và loạn nhiều thứ khác nữa. Cũng là một kiểu phủ định sạch trơn như Khổng Tử, Mạnh Tử, khác chăng chỉ là đối tượng phủ định đã lộn ngược mà thôi.

Cẩm lớn lên ở cái thời trong câu chuyện hàng ngày người người đang truyền tụng cái tích chuyện con trai Mao Chủ tịch bỏ trường học đi xuống nông thôn học tập người nông dân.

Cẩm là sản phẩm của một thời lấy lý lịch ba đời nghèo khó, lấy tấn phân xanh, phân chuồng làm ra thước đo giá trị duy nhất mỗi con người. Khỏe hơn người nên chàng thanh niên Cẩm, đạt kiện tướng phân xanh dễ như bỡn. Và do đó, với kẻ khác, việc trở thành đảng viên Cộng sản khó như leo lên đỉnh ngọn Chômôlunma chọc giời, thì với Cẩm, việc đó lại dễ dàng như được mời đi ăn cỗ.

Lý lịch ba đời Cẩm, khỏi chê. Cụ, ông nội, bố đều là mõ, loại cùng đinh, mạt hạng bấy giờ. Khi Cẩm chính thức trở thành anh giáo dạy thể dục ở trường phổ thông cấp hai, chi bộ Văn xã ở huyện mừng lắm. Bí thư chi bộ nói: “Đồng chí Cẩm là của hiếm. Đồng chí có sứ mệnh phải tri thức hóa để tiến hành trí thức vận, một sự nghiệp mà chúng ta rất coi trọng”. Cẩm lên làm hiệu trưởng, đi học đại học cũng là theo ý đồ đã vạch ra đó. Ý đồ đó không phải không hay. Trí thức là một tầng lớp hay dao động, cần phải giáo dục. Tiếc thay, kẻ thực hiện hình như thiếu một yếu tố căn bản gì đó, nên dẫu có nỗ lực phi thường vẫn cứ không sao hóa được. Hai chục năm có lẻ qua rồi, Cẩm vẫn cứ là cái kẻ dở ông dở thằng. Vẫn cứ không sao xóa được cái cốt cách mõ làng của mình.

Tư cách mõ của Cầm thể hiện rõ nhất ở thói tham lam vô độ, bần tiện và liều lĩnh lắm khi. Kể cả về mặt ái tình. Cẩm đã mấy phen khốn đốn vì đàn bà. Thuật nắm thóp Cẩm nên nói đúng. Cẩm, libiđô rất mạnh nên liên tục gây các xicăngđan. Hồi ở đại học, tình tang nhăng nhít với một mụ nấu ăn, bị tự vệ đuổi, nhờ có tài chạy săng mét mới thoát. Ra trường, lấy một cô kế toán hai mươi tuổi, được ba tháng, chồng ăn chả, vợ ăn nem, nên ly dị ngay. Chuyển qua ba trường, anh chàng xuất thân thầy dạy thể dục hầm hập nhu cầu nhục thể này gây liền ba vụ tai tiếng. Vụ với một cô chồng đi B. Vụ với mẹ một học sinh chồng hiện ở nước ngoài. Vụ với một cô giáo trẻ chồng sờ sờ bên cạnh. Nhưng Cẩm đều thoát. Nhờ tài nhảy vượt rào. Nhờ mấy miếng võ chống đỡ. Nhờ ém mình giỏi dưới gầm giường. Và nhờ liệu pháp “đưa về nội bộ để rút kinh nghiệm, bêu ra xấu chàng hổ ai!”.

Người vợ hiện thời của m là nữ công nhân xí nghiệp dược. Lấy nhau khi Cẩm đã ngoài bốn mươi và chị đã ba mươi hai. Nay, họ đã có hai con trai. Xuất thân thôn nữ, chị là một mạch nguồn trong lành, đủ khả năng tạo nên khung cảnh gia đình yên ổn cho những người đàn ông đứng đắn muốn lập nghiệp.

Con thuyền chở đầy dục vọng bệnh hoạn tuy không cặp bến lú, nhưng vẫn lênh đênh giữa dòng đời. Cẩm vẫn náo động ham muốn, đồng thời biết dè giữ tính toán. Và do kém cỏi nên lắm lúc hoang mang, không chủ kiến, y hệt người đẽo cày giữa đường. Như lúc này đây kỳ thi - cuộc khảo hạch giá trị bản thân Cẩm - đang đến gần.

- A, có điện rồi. Để tớ bật quạt. Ngồi đây. Đấy, cái bà Lụa này lại quên pha trà rồi. Thôi, thanh thủy nhé. Cậu hay đọc cái câu gì của Nguyễn Trãi hay sao ấy nhỉ. Quân tử sơ giao đạm nhược thủy. Đúng, đúng! Chà. nóng quá. Thi cử đến nơi rồi mà trời cứ 37, 38 độ thế này rồi không hiểu kết quả ra sao đây.

Không ngờ mình lại vào chuyện tự nhiên và trơn tru như thế, đứng dưới cái quạt trần ù ù quay, Cẩm cười khề khề, tiếp:

- Này, tay Thuật ấy mà, năm ngoái hắn đoán mò thế mà trúng tủ nhé. Năm nay, học trò lại thì thụt đến hỏi hắn đề bài. Mình hỏi, hắn trợn trừng trợn trạc, quát: Xăng puốc xăng. còn thế nào nữa. Trăm phần trăm! Khuếch khoác ghê chưa! Nhưng, làm sao mình tin hắn bằng tin Tự được!

Mắt nhấp nháy một cái cười cầu lợi. Cẩm lại tiếp:

- Mình nghĩ thế này, Tự ạ. Thi cử muốn nói gì thì nói nó cũng là một ước định. Tức là nó có một khoảng co giãn. Loại từng trải như mình và Tự thừa hiểu thế nào là cuộc đời rồi. Biết nhìn cái đích xa và biết chấp nhận cái hiện thời, đó mới là cách xử thế của kẻ trượng phu. Tiểu tiết, có ý nghĩa, nhưng cái quyết định là cái toàn cục kia. Đánh trượt học trò của mình thì có khó gì. Khác chi phạt đứa con mình. Nhưng, như thế phỏng có ích gì. Gorki hay ai nhỉ vẫn hay nhắc mọi người giữa khen và chê thì nên khen người hơn. Có phải không?

Không ngờ Cẩm hôm nay ăn nói khúc chiết và hay viện dẫn thế. Hóa ra anh chàng khù khờ nào khi muốn thuyết phục ai cũng đều biết dùng thủ thuật thuyết pháp của Tô Tần: hay dựa dẫm vào các định đề, các danh ngôn, Cẩm chỉ khác là lỗ mỗ, nhảy cóc, lộn xộn trong lập luận thôi.

Tự cười tủm rồi chậc lưỡi:

- Học trò nó là sản phẩm của mình. Có ai lại muốn sản phẩm của mình là thứ phẩm, phế phẩm.

- Hay! Hay lắm! Như thế là rất tốt!

- Tôi chỉ ngại là…

Tự ngập ngừng. Thâm tâm anh muốn thử Cẩm. Không ngờ Cẩm chồm tới, rối rít đón ý, mớm lời:

- Cậu ngại cái gì? Ngại ai?

- Ngại thì không ngại, nhưng mà...

- Thì cậu cứ nói thẳng ra xem nào. Có phải là ngại đồng chí Dương bí thư nguyên tắc tính không?

- Nguyên tắc tính là tốt. Nhưng...

- Thôi thôi… cậu không nói mình cũng hiểu rồi. Thôi, thế thì mình nói thật ý định của mình nhé. Kỳ thi này, cứ cho là môn Toán của cậu Thuật tạm ổn. Tay này nó dạy khá, tất nhiên không so được với Tự. Sử coi như là được nữa. Thì cũng còn môn Hóa của bà Thảnh. Bà này yếu giáo viên cấp 2 cậy thế chồng, tốt nghiệp hàm thụ, lại chẳng toàn tâm toàn ý. Bởi vậy môn Văn của Tự phải có trách nhiệm...

Tự đã chủ động bắt Cẩm phải bộc lộ mục đích cuộc trò chuyện. Cẩm cũng chỉ đợi có thế là nắm tay Tự rung lắc, biến thành một gã đàn ông xởi lởi, thịnh tình, vừa thở thào thào qua hai lỗ mũi to, vừa quay xuống bếp gọi vợ sai phái, chỉ bảo như chủ nhà với đầy tớ.

Cuối cùng là cái mành trúc che cửa sau chạm lách cách, một người phụ nữ mắm môi, cẩn trọng bê một cái mâm đậy lồng bàn đi ra, đặt xuống chiếc giường rộng, rồi quay lại phía Tự, xoa xoa hai tay, ngượng nghịu.

- Chào chị Lụa!

- Trời, chú Tự. Cứ ngỡ là ai!

- Chị còn nhớ tên em cơ à?

- Nhớ, chứ sao chăng nhớ.

Người phụ có giọng nói âm vang, hậu tình, như thèn lẹn, co bờ vai trần co một vết nhơ tưởng tưởng trên má phải. Hòa hợp với một vóc người đậm đà là một gương mặt rộng, cởi mở, rất ưa nhìn vì lòng nhân hậu đằm thắm trên môi nét vẻ của cặp mắt đen trầm.

Cái áo may ô cộc tay xanh xỉn và cử chỉ ngượng ngập của chị có lẽ làm Cẩm khó chịu. Cẩm quát:

- Cái bà này hay nhỉ! Làm gì thì làm tiếp đi chứ! Cứ đứng đực ra đấy à?

Đã quen với cách nói năng lỗ mãng của chồng, người phụ nữ giấu vẻ ẩn nhẫn, cúi xuống mở lồng bàn, rồi quay lại nhìn Tự, dịu dàng:

- Cũng chả có việc gì nữa dâu. Đã đến bữa rồi. Để mời chú với thày em. Chú Tự, chú xơi tạm bát cơm với anh Cẩm rồi có bàn bạc gì thì bàn bạc tiếp.

Tự vui vẻ:

- Em đã ăn là không ăn tạm đâu, chị Lụa.

- Chỉ sợ chú chê cơm canh chị nấu vụng về thôi.

Tự đã thành công trong việc cải thiện bầu không khí gia đình Cẩm. Cẩm như được gỡ tội, nhảy tót lên giường, chống bó đũa xuống mâm loạng xoạng, vẫy Tự, ồn ào như một gã trai dễ tính:

- Thôi, thế thì lên đây, Tự. Còn món gì thì đem nốt lên đây nào! Tự, lên đây, À, ăn xong mình với cậu cùng đến nhà bà Thảnh nhé! Nào Tự! Hừ, nước mắm gì mà rót hàng bát thế này. Nói mãi rồi mà bà này cấm có bao giờ vắ dưa cho khô ráo. Thế này chấm vừa tốn mắm, vừa sũng miếng dưa, ăn có ra gì. Này, lấy cho cái thìa nhỡ đi! Quái, cơm chả đánh tơi ra gì cả. Nào lên đây, Tự!

Nhìn Cẩm một mình một cỗ, lại cất giọng hách dịch làm oai, nhớ tới cái gốc gác xuất thân của Cẩm. Tự cắn môi, quay đi để khỏi tỏ ra bất nhã.

Người phụ nữ cầm đũa cả đánh cơm trong cái cặp lồng nhôm, ngượng ngùng phân trần:

- Chú Tự ạ, cái nết chị nó thế. Không khôn ngoan được như người ta.

Cầm đập tay xuống chiếu:

- Thôi thì quê mùa, ít tiếp xúc văn hóa, sách vở, tình cảm thiếu cái tế nhị, không nói làm gì. Nhưng, thời buổi này không biết tính toán thì còn gì là đàn bà.

Tự lắc dầu:

- Khôn ngoan chẳng lọ thật thà anh Cẩm ạ.

- Tất nhiên. Nhưng, thu vén chín xu đổi lấy một hào là cần chứ.

- Các cụ nói, nhiều người tin thì sang, vô sỉ thì giàu, anh Cẩm ơi.

Người phụ nữ ngẩng lên, ánh mắt giao hòa với cái nhìn trìu mến của Tự:

- Thật thế đấy, chú Tự ạ. Lấy công của ai một xu một kẽm cũng không nỡ. Chứ đâu nói đến chuyện gian xảo lợi mình hại người. Đấy,ôm rồi mua hộ thuốc B1 cho hàng xóm. Cụ Thực đưa thừa tiền...

Cẩm đập mạnh đôi đũa xuống rìa mâm, ngẩng phắt lên, bỗng nhớn nhác và lê đít xền xệt ra rìa giường.

- Ơ kìa, cái bà này cứ con cà con kê mãi. Kìa Tự, ở lại đã. Sao lại thế? Đã bàn xong việc đâu. Còn đến nhà bà Thảnh nữa kia mà. Bà này là cái cột nhà, hả? Chạy ra, túm lấy cậu ta cho tôi! Tự ơi, Tự!

Tự đã biến mất. Đuổi theo, biết là không được, Cẩm quay vào, ngồi lên giường, bưng bát cơm, cau có với vợ:

- Năng động lên một tí đi, bà. Rối ruột lên đây này.

Vợ Cẩm nhặt hạt cơm rơi bỏ vào rìa mâm, thủng thẳng:

- Người như chú Tự ai người ta ngồi vào mâm cơm nhà lạ bao giờ. Tính chú ấy thế, chứ có phải là do mình sơ suất gì đâu, nhà đừng lo.

Sùm sụp lùa được hai bát cơm vào bụng, Cẩm vuốt bụng, đứng dậy, mặt bì bì:

- Thôi, tôi phải đi dây. Bà thì biết cái gì! Thật làm cái thằng hiệu trưởng lúc này còn quá trâu kéo cày tháng năm! Kiếp mình đúng là kiếp mõ làng!

Gần nửa đêm hôm đó, Cẩm mới trỏ về nhàngồi ngả trên cái phôtơi, mệt mỏi, thiu thiu ngủ. Cẩm đã đến nhà Thuật, rồi tiếp đó, nhà Thảnh. Đến nhằm mục đích gì vậy?

Thuật, cái thằng cha đến là tai quái. Vừa thấy mặt Cẩm đã túm lấy tay Cẩm và quát tướng lên: Thè lưỡi ra! Cẩm chẳng hiểu thế nào, ớ người một lúc, rồi cũng đành thè lưỡi ra vậy. Thuật khoái trá, cười khặc khặc và đập bộp vai Cẩm: “Được rồi! Đóng vai Trương Nghi, Tô Tần được đấy!”.

Thì ra Thuật biết tỏng mưu đồ của Cẩm, coi Cẩm như Trương Nghi người nước Ngụy chuyên đi du thuyết các nước chư hầu. Một bận, bị nghi lấy trộm ngọc bích của tướng quốc nước Sở, bị đánh trăm roi, vợ khóc lóc,_than: Nếu chàng không đi du thuyết thì sao phải cái nhục này. Trương Nghi bèn há mồm, hỏi vợ: Nhìn xem lưỡi ta còn không? Vợ nói: Còn! Nghi gật đầu: Được rồi!

Buông tay Cẩm, Thuật lại cưỡi khặc khặc:

- Nhưng mà nói theo ngôn ngữ văn chương thời 30 - 45 là chẳng nước mẫu gì đâu, ông ơi! Ông đâu có phải là Trương Nghi, Tô Tần. Tướng mặt ông hãm lắm. Tai quắt. Hai nét pháp lệnh như lưỡng xà nhập khẩu nói lên cái ambition, nhưng hỏng vì cái mồm quá rộng, phát tán hết. Nói tóm lại, leo cột mỡ tới đó thôi!

Bỉ mặt nhau đến thế là cùng. Nếu không vì việc chung thì Cẩm đâu có chịu dấn thân đến cái thằng cha càn quấy này, và đành im miệng. Cay thật! Đấy, ngay như việc y cứ ngông nghênh dận đôi giầy đá bóng khi lên lớp, Dương, rồi chính Cẩm cũng có lúc nói xa xôi rồi, mà y có chịu nghe cho đâu. Cái thằng đã không còn lòng tự trọng thì nó có chịu dừng lại ở cái vạch biên giới nào. Nó đủn đít Cẩm, bắt Cẩm đi vào buồng trong: “Đi, đi, vào trong này. Vừa làm việc,ừa trò chuyện”.

Buồng trong của căn nhà mái bằng mới dựng rộng hai chục mét. Điện tím nhạt. Tường đối diện là bức tranh khung nạm vàng, vẽ một người đàn bà khỏa thân thấp thoáng trong mây sương đang nằm ngửa, đưa hai tay lên trời, háo hức đón nhận một thiên thần đang sà cánh đỗ xuống, vừa thánh thần vừa phàm tục. Còn ở góc buồng, trên một tấm thảm đay, thì hoàn toàn là hoạt cảnh thô tục, bẩn tưởi đến kinh hoàng! Hai con chó, một béc-giê, một nòi ta, đang đi tơ với nhau, chúng đang ở tư thế bẩn mắt nhất. Thuật kéo ghế bảo Cẩm ngồi, còn mình thì khui hai hộp sữa đặc; khui xong, đặt xuống mõm mỗi con chó một hộp sữa đã mở nắp. Nhìn hai con chó vừa làm chuyện sinh lý vừa thọt lưỡi vào lòng hộp sữa, liếm chọp chọp. Thuật nhe răng: “Ông đã thấy ở đâu cái cảnh này chưa? Khốn nạn, cái dân Giao Chỉ mình làm cái gì cũng giấu giấu giếm giếm. Thật, khổ hơn cả chó! Hút đi ông. Thuốc ba số này, rượu Napoleon này, ti-vi này, nhà mái bằng này... tất cả là từ cái động tác yêu đương kia ra cả đấy. Chứ lương nhà giáo của ông ấy à... Ấy, cũng may là, hồi ấy các ông không ký cho tôi đi nghiên cứu sinh. Hà! Ngồi đây bên cái cuộc đời chó má trần truồng này mà đọc sách, nhất là sách Phật, sách thiền… mới thấy thật là thấm thía…”.

Cẩm không thể chịu được cái gã khinh ngạo, bệ rệch quá đáng đến cấp độ này. Nhưng y lại cứ tiếp tục tỉnh không nói về những là cách xem tướng chó và tình yêu của chó. Về nghệ thuật xỏ xiên, y là bậc thầy. Nhưng y xỏ xiên gì Cẩm đây? Cẩm không nghĩ ra. Cẩm ức. Cuối cùng thì Cẩm cáu. Cẩm coi y như cô vợ quê mùa, như kẻ ăn người ở trong nhà mình, để có dũng khí mà cáu. Nhưng, Cẩm chưa kịp quát thì y dã đỡ tay Cẩm đứng dậy: “Ấy chớ, đừng để Rômêô và Duyliét giật mình. Thôi, ông về đi. Tôi sẽ cho học trò của ông đỗ tuốt. Đỗ tuốt! Con-trát 1 như thế được chưa nào

Ở nhà Thảnh, vừa bước vào cổng, Cẩm đã chạm trán với một gã trai trẻ đang bước ra, áo ca-rô, ria mép bàn chải, lưng còng, dấu vết của bệnh đau thận và thấp khớp, hắn nhìn Cẩm, nháy mắt rất đểu. Nhà Thảnh là một biệt thự rất sang. Chồng Thảnh là một viên tướng già đã về hưu, về hưu nhưng không ở nhà, quanh năm suốt tháng lần mò trên rừng Việt Bắc, Tây Nguyên kiếm cây thuốc. Ông người Tày Cao Bằng. Cô giáo trẻ cô đơn sống trong nhung lụa và không vòng cương tỏa lúc này không có mặt ở bộ sa-lông đặt nơi trên sảnh. Sân khấu trống nhưng còn lại một mẩu thuốc lá cháy dở trên cái gạt tàn và chiếc nịt vú cỡ đại nằm vắt trên lưng chiếc đi-văng bằng song ngà. Cánh gà sân khấu, tức ở gian toa-lét cạnh tiền sảnh có tiếng nước xối xè xè. Khói ở mẩu thuốc cháy dở làm Cẩm bật tiếng ho. Và nhận ngay ra Cẩm, Thảnh từ trong buồng tắm gọi với ra.

Đó là những phút mê muội_kỳ lạ. Đến bây giờ nằm ngả trên cái phô-tơi ở nhà mình, Cẩm cũng không thật hiểu cái gì đã xảy ra. Cẩm chỉ nhận thức được rằng mình đã nghe theo một lời chỉ bảo của ai đó, vội vàng nhấc chức nịt vú, rồi đi qua hàng hiên lại nhấc thêm chiếc kimônô hồng mắc ở mắc áo. Rồi tiếng cánh cửa buồng tắm mở. Cẩm hơi giật mình và nhận ra trí tưởng tượng của mình xưa nay thật là quê kệch, đơn sơ quá. Trong cái khung cảnh mờ mờ vùng hơi nước còn lơ lửng, là một khuôn hình tiên nữ ở dạng nguyên thủy, mẩy mang những khối hình tròn đầy, màu mỡ, cùng những đường nét cong cong, văn vắt mê hồn. Cẩm nuốt nước bọt đánh ực. Và hai chân Cẩm run lẩy bẩy. Mỹ nhân thản nhiên giơ tay xỏ vào ống tay rộng của chiếc kimônô. Trong động tác ấy, hai bầu vú nàng căng nức, rung rung thây lẩy. Hai mắt Cầm nhòe mờ di. Rồi không nén nổi, chúng liền sập mi trên, đưa cái nhìn từ khuôn ngực núng nính mơn man xuống dần phía dưới. Cuối cùng hẫng cái, hai con mắt Cẩm ngây ra, khi vạt áo chiếc kimônô như hai lá màn vừa giao nhau, khép lại cái mê cung huyền bí, ngồn ngộn một vật thể muôn đời vẫn là kỳ lCẩm.

“Anh Cẩm ơi, thế nào thì anh cũng phải dành cho em hai phiếu đi nghỉ hè đấy nhé. Phải chính anh phân phối kia. Chứ đừng để lão thư ký Công đoàn Thống lý Pá-tra. Em là chúa ghét lão”. Ngồi ở bàn nước, Cẩm chưa kịp vào đề. Thảnh đã lí láu như một thiếu nữ. Cẩm lại ngẩn người, nhận ra bấy lâu nay người phụ nữ này trẻ đẹp mà Cẩm không hay. Cẩm cố gạt những ý nghĩ vớ vẩn đi để bắt vào câu chuyện. Nhưng, hóa ra kỳ thi, mối quan tâm của những kẻ mang danh là nhà giáo của Cẩm lại tan biến trong cái xô bồ của đời sống hàng ngày. Ngoài cửa rầm rập bước vào ba người đàn ông. Người nào cũng lùn tì, mũ dạ đen, quẫn bò, áo chàm, lưng thắt dao, mắt khoăm khoăm, vừa đần vừa ác và bí hiểm như bọn buôn lậu chuyên nghiệp ở chốn đồng rừng. Thảnh nhảy cỡn lên mừng rỡ. Lát sau, từ nhà chạy ra, gần như đuổi khéo Cẩm về: “Họ đằng chồng em. Họ thấy người lạ là sợ. Nhát lắm! Anh cứ yên trí về nhé. Cần cho điểm cao đứa nào cứ ghi số báo danh của nó cho em!”

Mở choàng mắt. ra khỏi hoài niệm. Cẩm đã nhận ra hai cái thấu kính lồi của Dương chiếu vào mặt mình. Vội vùng dậy, hốt hoảng như bị bắt quả tang đang làm điều xằng bậy. Cẩm chùi nước rãi rớt ở mép, lúng búng:

- Anh Dương... Tôi vừa đi về.. Mệt quá!

- Chị đâu? À, chị Cẩm đây rồi. Chào chị Cẩm ạ. Anh Cẩm này. Định mai tôi mới tới anh. Nhưng, thi cử đến nơi rồi, công việc đè lên nhau, nghị quyết này chưa làm xong lại phải tiếp nghị quyết khác, sợ không kịp.

Vợ Cẩm chào lại ông khách quen thuộc vẫn cặp kè với chồng mình như hình với bong, nhưng vô cùng khách khí, cách biệt, đi lại bàn nước. Chưa kịp rót nước, Dương đã quay lại, trịnh trọng kiểu cách:

- Xin cám ơn chị Cẩm. Tôi không dùng trà đâu. Chị cho phép tôi bàn ít công chuyện với anh nhé.

Rồi đợi vợ Cẩm vào nhà trong, Dương mới quay lại với Cẩm, hạ giọng:

- Tôi đi suốt chiều nay, tối nay. Đến nhà mấy thầy, cô giáo không tham gia Hội đồng thi để... thăm dò tư tưởng.

- Tôi cũng đã gặp cậu Tự. Tối, tôi đến nhà cậu Thuật và nhà bà Thảnh.

- Tình hình ra sao?

- Kế ra thì cũng...

Không để Cẩm nói hết, Dương đã gật đầu:

- Anh đi thì tôi yên tâm. Đến anh bàn chuyện này. Có phải là cậu Tự làm đơn xin anh cho lên ở tạm văn phòng không?

- Có! Có! Cậu ta có làm đơn gửi tôi.

- Chuyện vợ con cậu ta lủng củng thế nào thì ta biết rồi. - Dương nhăn trán - Nhưng, bây giò tôi e hai điểm sau đây: Một là, năm nay chấm thi nội bộ tự lo nên cần nghiêm mật. Văn phòng không thể là chỗ chạ người. Hai nữa,Tự lên văn phòng ở, tức thị là ở với ông Thống.

Nhìn hai con mắt còn ngờ nghệch của Cẩm vừa ngước lên, Dương tiếp:

- Ông Thống là người thế nào, anh chắc không lạ. Đồ Nho. Địa chủ trong cải cách. Vừa rồi nhân chuyện cái trống thủng, tôi nói là có chủ ý giáo dục chung. Thế mà phản ứng giai cấp, đùng đùng tháo xuống, lầm rầm với cậu Tự oán trách lãnh đạo.

- Ông Thống thì tôi biết.

- Thì chính anh giới thiệu là đồng hương nên trường mới nhận về. Đầu năm học vừa rồi, anh em bầu ông ta làm thư ký công đoàn, trật dự kiến của chi ủy, tôi rất khó chịu, nhưng đành cắn răng chịu. Còn bây giờ thì có nhẽ phải bàn cách thế nào chứ cứ để ăn nói nhăng cuội, a dua a tòng theo các luận điểm sai trái của cậu Thuật thế à? Có lẽ rồi phải thít lại. Nhưng thôi, chuyện hôm nay là chuyện cậu Tự kia. Từ lâu tôi đã thấy không thông về cậu này. Dạy khá, đứng đắn. Không buôn bán, phe phẩy. Có tín nhiệm. Có quá trình. Những tám năm ở bộ đội cơ mà. Vậy mà tại sao vẫn chỉ là chân trắng, vẫn chưa được vào Đảng? Có vấn đề gì ở bên trong không?

Đưa mắt dò xét quanh căn buồng vắng vẻ một lần nữa. Dương mới cúi xuống, nhíu mày, lầm rầm:

- Tuần trước xảy ra một việc khiến tôi cứ ngẫm nghĩ mãi. Nó là thế này. Xưa nay, anh và tôi đều rõ, cậu Tự có quan hệ chơi bời, giao du với ai khác, ngoài cậu Kha nhà báo mà ta vẫn theo dõi đâu. Thế mà tự dưng có một cậu tre trẻ, ăn mặc toàn quần áo ngoại, hút thuốc lá ngoại, thái độ tự nhiên quá mức tìm đến hỏi. Gặp tôi ở cổng, tôi mời vào văn phòng. Hỏi ở đâu thì xưng là dân ở tàu biển. Dân tàu bức tạp thế nào, ai cũng biết rồi. Nghĩ vậy, nên tôi mới gợi chuyện dò la. Nhưng tay này nó kín lắm. Cấm có hé lộ quan hệ gì ngoài quan hệ thầy trò cũ. Hỏi có nhắn gì không thì nói là sẽ viết thư. Tôi nghi là của tay nọ. À, ừ... chỗ này tôi phải báo cáo ngay với đồng chí trên tư cách chi ủy viên để đồng chí ủng hộ. Là tôi có giữ lá thư đó lại và bóc ra xem, bóc khéo chứ không để lộ dấu. Nói rằng như vậy là phạm luật thì cũng đúng. Nhưng, nói rằng như thế là thể hiện trách nhiệm cao trước đoàn thể, trước quần chúng thì cũng đúng. Mà rất đúng là khác. Luật cao nhất là vì lợi ích của đoàn thể. Đồng chí Cẩm đồng ý như thế không?

Chờ Cẩm gật đầu đánh khật. Dương mới hít một hơi dài tiếp:

- Thì ra nguy quá, đúng quá! Nghĩa là chi ủy của ta đánh dấu hỏi nghi vấn vào cậu Tự này rất chính xác. Tiếc là gấp quá, sợ là ông Thống đã có ý nghĩ. Ông này không tin được đâu đồng chí ạ,chứ không thì tôi đã chép lại toàn văn để đồng chí xem. Thì thật một bằng chứng sống: Dà, thì ra, ngay từ khi mới ra ràng, cậu Tự này đã chẳng phải là tay vừa. Phụ trách một trường mà lại gây ra sự chống đối với tổ chức đảng ở địa phương. Đến mức đối đáp vô nguyên lắc, rồi để học sinh hội họp biểu tình, kẻ khẩu hiệu đả đảo cả đồng chí bí thư thị ủy. Tóm lại là không những non về lập trường quan điểm, mà lại lộ rõ bản chất bạch vệ và xu hướng vô chính phủ, tự do tư sản nữa kia. Không thể được! Dù thế nào cũng không thể như thế dược!

Nhìn Dương nhăn nhó và nghiến răng kèn kẹt. Cẩm cũng phát hoảng. Cẩm ôm đầu, than thầm: giáo viên, toàn những Thảnh, Thuật, Tự… thế này thì hỏng bét rồi! Không khéo đây là những điềm gở báo hiệu trước của kỳ thi này đây!


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx