sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 8

Thư ký Văn phòng ở một trường trung học nhỏ đồng nghĩa với blăngtông, tạp vụ, thủ trống, thường trực… một mớ tạp nham công việc, là cái anh đầu sai. Ngày thường đã vất, huống chi kỳ thi lại rập cùng lúc với dịp tổng kết năm học. Đã tối tăm mặt mũi vì bận bịu lại bời bời gan ruột vì nỗi lo trách nhiệm. Việc không tên đẻ ra làm không xuể, lại luôn sợ hãi vì nhỡ có sa sẩy, cái sẩy dễ nảy thành cái ung. Đặc biệt là từ cái buổi chiều một chiếc xe xaiđờca vàng chanh với hai chiến sĩ công an súng ống đầy đủ áp tải ông Phó giám đốc Sở giáo dục đưa bộ đề thi tới. Cẩm chủ tịch hội đồng trịnh trọng ký nhận, giao cho ông, ông đem cả cái phong bì lớn như một cái gối đại cho vào tủ hồ sơ, khóa Việt - Tiệp bập mạn,. còn lay thử một hồi xem đanh khuy dã đủ chắc chưa... thì ông lo ngày lo đêm.

Thời buổi này, bất trắc biết thế nào mà lường! Thân phận mình con ong cái kiến, cái trống thủng không có kinh phí chữa cũng còn bị hạch, ngộ nhỡ để xảy ra chuyện gì, dẫu không thuộc phần trách nhiệm, thì cũng cứ phải giơ lưng nhận đòn là cái chắc. Giữ nghiêm cẩn phép tắc kỷ cương cũng chính là giữ mình vậy.

Công việc làm ông Thống bải hoải. Bệnh cao áp huyết thấp thoáng hồi chớm hờ tái hiện với những cơn choáng thường xuyên dần. Ông phải liên lục dùng độc dược rêdécpin và uống nước sắc lá cây trinh nữ. Đêm đêm mất ngủ, ông dậy đổ nước phích, hòa thêm chút nước lã, bỏ dúm muối vào, ngâm chân hàng tiếng đồng hồ cho đỡ cơn váng vất. Ông rộc rạc như bộ xương khô.

Nhưng, Tự lên văn phòng ở cùng ông hóa ra lại như tiếp thuốc bổ cho ông. Ông được chia lo, chia buồn. Ông vơi nhẹ đi. Ông có bạn. Ông phấn chấn hẳn lên. Cả hai tìm thấy ở nhau đôi điều ý hợp nên chả mấy lúc đã dào dạt cái vui tâm đồng. Đêm, họ rủ nhau đi thăm học thi, cổ vũ chúng, cảm động trước tấm gương miệt mài của con trẻ, lại càng quý mến nhau vì càng nhận chân nhau qua ánh mắt, cử chỉ ưu ái, tận tụy của mỗi người. Kẻ tâm huyết với nghề thầy vốn không nhiều, vào lúc này được giao cảm với nhau là càng quý hiếm; họ mau chóng trở thành tri kỷ. Ông Thống vui vẻ, khoẻ mạnh hẳn ra.

Sớm nay, bình minh ngày khai mạc kỳ thi trọng đại phớt hồng màu quả sắp chin, được buổi thiên thời, ông Thống chợt như trẻ lại. Tự cảm giác ông thư ký văn phòng trở nên một gã trai trẻ trước hết vì bộ quần áo ông mặc. Đó là bộ âu phục kaki vàng, áo có đôi cầu vai to bản. Quần ống đứng, con đỉa to xều, gấu lơvê. Bộ trang phục chiến sĩ, cán bộ những năm cuối của cuộc kháng Pháp và những năm đầu hòa bình, gập nếp, ép dưới đáy balô, sặc mùi băng phiến, so với vóc ông hiện tại bỗng trở nên rỗng rễnh, cứng quèo, nhưng lại gia cho ông khí sắc tươi trẻ, phục hiện những gì ông vẫn ẩn tàng giấu giếm. Vứt bỏ hết vẻ mệt bã, u oải, bao nhiêu tinh hoa của ông hiện hết lên vô cùng sống động. Sống mũi của ông như cao hẳn lên, gần tới cả ấn đường. Cặp mắt quên tuổi sáng tươi, đúng là mắt phượng, rất cao sang và linh hoạt. Không còn hơi hướng cổ giả, thôn dã, ông là vẻ non tươi hào hứng của phượng vĩ mùa hè.

Ông và Tự, bốn giờ chẳng ai bảo ai đều cùng vụt dậy. Tập thể dục xong, tắm rửa xong, cả hai ngồi uống trà. Không ai nói to một câu, chỉ sợ tan loãng niềm vui trân trọng và cõi lòng thanh tân như hoa nở lặng lẽ, mong manh.

Đúng dự định, sáu giờ kém mười lăm, hai người rời bàn trà. Ông Thống xắn mỗi bên tay áo hai nếp gấp, bước lại đầu hồi, nhấc cây dùi gỗ, sửa soạn nổi hồi trống báo thứ nhất gọi thí sinh. Cái trống đã bịt hai mặt da mới. Ông Thống bỏ tiền thuê xích lô chở về. Đêm qua, mãi tận mười giờ, ông và Tự mới lụi hụi yên vị cái trống vào chỗ treo cũ.

- Hoan hô bác Thống! Thế là có trống mới đàng hoàng rồi. Dứt khoát là hôm nay thí sinh trường ta thi sẽ có khí thế lắm!

Dương đi bộ tới, nhác thấy cái trống, đã đánh tiếng hoan hỉ từ cổng trường. Ông bí thư rất quan tâm đến bộ mặt tinh thần, đến khí thế của con người, hẳn là cả đêm qua trằn trọc vì lo ngày khai mạc kỳ thi không có trống mới như ông yêu cầu. Bây giờ, rõ ràng gương mặt ông thanh thỏa, không gợn lo âu. Ông nhìn ông Thống gọn ghẽ, mới lạ trong bộ âu phục, bỏ qua tất cả những định kiến, xét nét hàng ngày, hai mắt kính lấp lánh hồn nhiên:

- Chà, bác Thống! Bác làm tôi nhớ cái thời hoạt động bình dân học vụ ở xã quá! Thời ấy, chủ nhật nào anh em chúng tôi cũng dựng Cổng Mù ở trước chợ, ở lối vào làng để kiểm tra người mù chữ. Dạo ấy, cán bộ bình dân anh nào cũng một bộ kaki như bác, thêm cái xanhtuya Mỹ nữa. Oai lắm!

Ông Thống cười, hàm răng trống hở, trông rất nghịch:

- Chính tôi cũng đánh bộ này dọc diễn văn khai mạc cuộc thi thanh toán hoàn toàn nạn mù chữ ở bản Mèo Sảng Ma Sáo tỉnh Lào Cai đấy!

Tự âu yếm ngắm ông thư ký văn phòng, chợt nghĩ có lẽ học trò nó gọi ông là Thống lý Pátra cũng còn là do chúng biết có một thời ông dạy học ở bản Mèo. Lây cái vui hồn hậu của ông Thống, cởi bỏ vẻ quan dạng, cách biệt, hay lên mặt dạy đời hàng ngày, ông bí thư xáp tới cạnh ông Thống, vung hai tay lên trời, tung hô:

- Vậy thì, đồng chí Thống, nổi trống lên!

Ông Thống nâng cây dùi gỗ, nhìn Tự, xôn xang:

- Thầy Tự ơi. Cổ nhân có câu nói này rất hay: “Tâm người ta như chuông như trống. Cảm hứng như chày, như dùi”.

Rồi ông ướm nhẹ đầu dùi vào tâm trống, lặng đi, nghe mặt da như một sinh linh đón nhận cảm ứng từ trái tim ông, âm âm những tiếng động rần rần.

Tùng ùng ùng...

Đầu dùi dập trúng tâm điểm mặt da trống. Âm thanh văng nẩy cùng dùi trống lập tức lặn sâu vào lòng trống, thúc mạnh, cuộn tròn rồi bung ra một hợp âm vang trầm của da, gỗ cộng hưởng trong một không gian rỗng kín tròn.

Tiếng trống thoát bay, lan toả những vòng sóng đồng tâm vừa vang động, sâu nặng, vừa mềm mại, chất phác, đầm ấm. Nhân thiên hợp nhất, trên dưới hòa thuận, cao thấp tương đồng, hôm nay tiếng trốngường nghe cũng có khác thường ngày.

Vung tay, ông Thống đánh tiếng trống thứ hai. Tiếng thứ ba, tiếng thứ tư tiếp theo sau cự ly cách đều cũng vẫn là cái cảm xúc vui vẻ và trọng thể trước một cuộc khai mở thiêng liêng, qua tay ông khoan thai, nắn nót thể hiện. Trống đang giúp ông diễn đạt bản thể ông. Ông vừa đánh trống vừa lắng nghe trống âm vang như ngẫm nghĩa, chăm chú bản thân mình. Ông vừa là Tử Kỳ, vừa là Bá Nha. Ông vừa là người tạo nên cái nhạc cụ cổ xưa độc đáo này, theo cái nghĩa nôm na: Chính ông là người bỏ tiền ra chữa chạy cho nó, ông cũng đóng luôn vai nghệ sĩ biểu diễn. Nghệ sĩ biểu hiện chính tâm hồn mình. Trầm vang một tiết tấu thoạt đầu thật khoan hòa, chậm rãi rồi đồn dập, giục giã, bức bách, tiếng trống trường sớm nay như một linh hồn, mạnh mẽ, mộc mạc, đầy biến động và ngập tràn cảm hứng yêu đời.

Tiếng trống trường gọi thí sinh náo động một góc trời nhỏ thành phố. Tiếng trống trường náo động một vùng trời tâm tưởng Tự.

Tự nhớ xiết bao kỳ thi đầu tiên của đời mình, khi Tự mới chỉ là một chú bé chín tuổi ấu thơ. Kỳ thi sơ học yếu lược, cái cảm xúc trọn vẹn về niềm hạnh phúc chưa từng biết, nỗi sợ sệt trong trẻo nhất của tuổi hoa niên suốt đời in đậm trong tâm khảm anh. Mảnh sân trường nho nhỏ như một mảnh đời con trẻ. Bầu không khí trang nghiêm và hồi trống rung lồng ngực, thắt bóp trái tim anh. Y như cái cảm giác nôn nao buổi sớm ấy thức dậy anh nhận ra mùi hương ngát trên bàn thờ tổ và tiếng khấn thầm của cha anh. Anh đầm đìa mồ hôi và bỗng thấy hẫng hụt, bơ vơ khi rời tay mẹ, bước qua cái cổng trường có hai người giám thị đứng canh giữ. Chân anh như lúc mơ ngủ. Anh quay lại, nhìn thấy mẹ anh đưa vạt áo đũi lên chấm kẽ mắt. Anh bỗng thấy muốn khóc òa vì dội lên từ sâu thẳm một tình thương nỗi nhớ, lòng ân hận và niềm ao ước được đáp đ̓

Ôi, một thời trẻ dại, những xúc động đầu tiên của một trái tim non nớt và hoàn toàn trong sạch, chưa hề chai sạn và còn xa lạ hoàn toàn với mọi thói tệ xấu xa. Phút giây ngực ứ nghẹn khi nghe trống điểm giờ thi môn thứ nhất. Cái mặc cảm yếu đuối trong cuộc đọ sức với một đối thủ khổng lồ. Nỗi sợ, cơn hoảng hốt bất thần về những rủi ro quái gở. Trạng thái lo lắng trước số phận đã bị tiền định hoặc cái thiên kiến học tài thi phận. Niềm hào hứng nảy sinh từ cuộc đua chen. Sự gắng gỏi, giành giật chiếm lĩnh. Cái nức lòng về một ánh hào quang xán lạn và lòng mong muốn đáp trả công ơn sinh thành, giáo dưỡng của cha mẹ và thầy cô.

Đứng ở sân trường. Tự chia xẻ kỷ niệm với từng tốp thí sinh dáng điệu bồn chồn đi qua trước mặt anh. Anh bỗng thấy chúng như anh hồi chín tuổi đầu, như những linh hồn bé nhỏ và vô cùng tội nghiệp. Chúng cần được anh nâng đỡ mà anh thì kém cỏi, bất lực. Mấy năm vừa rồi, anh đã có những lúc không phải với chúng. Anh đã quên không dạy chúng điều này, điều kia. Anh đã sơ ý, đã không khôn ngoan, đã thiếu thận trọng và chưa cụ thể, tỉ mỉ, vân vân. Trong niềm ân hận ấy, anh thấy rực lên nỗi căm giận khi nhận ra Cẩm đang cố làm cho oai vệ, nện nhưng bước chân thô lỗ trên cái hành lang dài thăm thẳm, vắng ngắt như cõi hoang sơ.

Trống gõ ba tiếng. Ngực Tự đau ba lần. Môn văn, môn dạy của Tự, bị gọi ra giữa đấu trường. Anh là chú học trò chín tuổi vừa rời tay mẹ. Trước anh, mênh mông khoảng rộng. Cái đấu trường La Mã cổ đại nuốt chửng anh. Và con bò tót có hai sừng quặp đang gằm gằm tiến lại.

Tuy nhiên, xúc động đã mất đi sự thuần nhất. Buổi sáng thiêng liêng tan thành hương khói ngay khi trống trường gọi học sinh tập hợp dự lễ khai mạc, bộc lộ toàn vẹn tất cả các khía cạnh thô lỗ nhất của cuộc chen đua.

Người ùn ùn dồn đống ở cổng trường. Bụi lầm mù mù. Một tiểu đội công an, tay dùi cui, vai đeo máy bộ đàm đứng như cọc tiêu quanh trường. Mặc, cái cổng gỗ vẫn bị hích đẩy, xô lấn. Rồi rắc một tiếng, gẫy thanh ngang, bung bản lề, lăn chổng kềnh trên đất cả một đám hơn chục đàn ông, đàn bà. Còi công an rúc khẩn cấp toét toét cùng với tiếng thét gào, ngăn cản, dọa nạt. Mặc, cứ như cướp cháo thí, đám vừa ngã nhổm ngay dậy, nhào vào sân trường, hung tợn còn hơn cả kẻ cướp. Bắt được họ, đưa ngay ra khỏi cổng thì trên ngọn vòng tường vi vây bọc quanh trường đã lại lố nhố hàng trăm bóng trẻ con, người lớn.

- Xuống! Xuống ngay, không chết bây giờ!

- Uyên ơi! Đề thi về Con người mới đây!

- Giúp Tùng mới, Ngoạn nhé!

- Xuống! Xuống di!

- Đáp án ở chỗ ấy, nhớ chưa Lộc?

- Chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong văn xuôi đấy Lực ơi!

Ông Thống quay cuồng giữa huyên náo, hỗn loạn, cùng hai người công an dựng lại được hai cánh cổng trường, dùng thừng buộc chặt, rồi đứng ở đó canh giữ. Thật là khổ hình! Còn đâu là kỷ cương nền nếp luân thường! Trộm cắp vào đến tận kho bạc Nhà nước. Hung đồ phá phách đến cả lệ luật trường ốc, thi cử... thì sắp hoàn thiện sự suy đốn rồi!

Đang buồn đau ngẫm nghĩ vậy, ông Thống bỗng nghe thấy tiếng Thuật gọi tên mình. Ôi chao! Chuyện cứ như đùa bỡn. Thuật, giám thị 1 của phòng A, khi tất cả thí sinh đã vào lớp, còn đang chen rúc ở cổng trường. Áo carô xộc xệch. Tóc bù. Mắt còn rử nhoèn. Và lại cũng bợm bãi như mọi khi, chân Thuật vẫn lại là đôi giầy đá bóng sứt sẹo.

Leo qua cánh cổng; nhẩy bịch xuống đất, không chút ngượng ngùng và ý tứ, Thuật cứ ngang nhiên khua động cái hành lang đang im vắng trang trọng. Lát sau, khi Tự từ văn phòng bước ra sân; Thuật đã đứng trên bục giảng, giơ chiếc phong bì nhỏ đựng đề thi ra trước mắt các thí sinh ở phòng A, cười đánh soạt. Cứ như là đang bỡn cợt trong câu chuyện tầm phào.

- Hèm! - Thuật hắng giọng. - Khi nãy là cái phong bì mẹ đựng cả bộ đề thi chắc ông chủ tịch hội đồng thi đã trình các bạn trong buổi lễ khai mạc. Mẹ chửa thì mẹ đẻ. Giờ là cái phong bì con, đựng đề thi văn. Trình làng còn nguyên dấu xi gắn đây ạ.

Đùa cợt lúc này thật là lố bịch. Quả nhiên, Thuật chẳng mua nổi một tiếng cười, dù nhỏ. Kể cả hai giám thị, một là cô giáo trẻ đang đứng ở cuối lớp quan sát bao quát trong vai giám thị 2 và người giám biên là một ông giáo già, môi dính mẩu sâu kèn, hai tay chắp sau lưng. đứng ở ngoài hiên, mắt kính nghểnh nhìn trời, vô tư và nhẹ nhõm.

- Nào, xem có cái gì trong này nào? Hừ, không biết là quả ngọt hay quả đắng đây! Hà, nhưng mà tôi tin rằng quả phúc của các bạn còn to lắm! Vì các bạn được học

văn ở một người thầy trứ danh. Duyên kỳ ngộ hiếm có đấy, các bạn ạ. A, đây rồi! Các bạn hãy nghe tôi đọc đề này một lượt đã nhé. Xong, tôi mời nữ đồng chí giám thị 2 viết hộ tôi lên bảng. Viết cực đẹp, đẹp như chính nhan sắc chim sa cá lặn của đồng chí ấy!

Trời! Kẻ tự nhận mình là thông minh siêu việt không thể có cách ăn nói, xử sự như thế lúc này. Đứng ở ngoài sân, nghe cái giọng điệu sắng sở, buông tuồng của Thuật, Tự như một tội phạm bị tra khảo. Buồn thay, số phận anh lúc này dường như nằm trong tay Thuật. Trong cái mảnh giấy mong manh kia có một đấng quyền uy. Anh đang ở trong cuộc chơi hết súc vô lối của định mệnh. Ba tháng trồng cây không bằng một ngày trông quả. Ngột lên trong Tự bao nỗi lo âu. Những kẻ suốt đời sống với tâm niệm dâng hiến là những kẻ suốt đời khắc khoải lương tâm. Huống hồ, lứa tằm nuôi đứng này gặp lúc bất thuận lợi mọi điều. Chưa bao giờ thầy và trò rơi vào một cuộc vây ép khủng khiếp như thế. Đời chưa hẳn là một vại dưa muối hỏng nhưng đã bốc mùi khai khẳn rồi. Quỷ nhe nanh múa vuốt diễu võ dương oai trước người hiền. Người không mạnh, ma ám liền. Thầy phải gồng mình chống trả để đóng vai nhân vật lớn, chính diện. Trò chao đảo giữa cơn xoáy lốc có lực bứt linh hồn ra khỏi thuở hoa niên. Thầy giỏi, trò chăm - một cặp “phạm trù” đương nhiên hóa thành hiện thực cá biệt hiếm hoi, mòn mỏi mong chờ.

Đưa mảnh giấy in đề thi ra trước mắt, mép Thuật nhếch một cái cười bí ẩn. Chưa lúc nào mặt hắn giống như mặt ác quỷ và Tự căm ghét hắn như lúc này.

Nhưng mà hóa ra Tự lại phải hàm ơn Thuật. Bộ mặt ác quỷ của Thuật, kỳ lạ thay, lại biến thành gương mặt phúc hậu, từ bi của Đức Phật Tổ ban ân huệ cho Tự.

Cái đề thi văn, đó là phước lành Đức Chúa Trời ba ngôi ban thưởng cho anh, cho người lành dưới thế. Đó là lộc Trời, là cái sự phù hộ độ trì của tất cả các phúc thần cao cả mà con người tôn thờ, là ân ưu của tổ tiên trao cho anh và tất cả mọi kẻ lòng ngay dạ thẳng trên cõi đời này vào mùa thi này.

Cái đề thi văn, tấm gương soi để anh ngắm mình. Ngắm mình là cái thú thẩm mỹ của tất cả mọi ý thức. Chao ôi, thì ra… ừ thì cứ cho là cuộc đời là vại dưa muối hỏng đi. Ừ thì cõi dời này còn đang nhung nhúc bọn bất lương chỉ nhăm như chiếm đoạt công sức, của cải, vinh quang sở hữu của người khác. Ừ thì lúc này đứa nào có xípvontơ là đứa ấy tha hồ xài điện, đúng như Xuyến nói, đúng như Xuyến đã cung cấp một hình tượng diễn đạt khá đắt câu thành ngữ: khôn sống mống chết. Ừ thì bây giờ bất cứ một đứa trẻ ranh nào mới nứt mắt học trò cũng có thể vênh vác mặt mày lên, hành hạ kẻ đáng là thầy nó, để thỏa mãn lòng hợm của và bòn mót cả mấy đồng bạc của kẻ khố dây. Ừ thì người có tài, có đức đang khốn khổ vì bị xúc phạm, bị cướp giật, bị tước đoạt. Tiền và quyền đang ngự trị, chi phối nền tảng đạo đức. Và ở cái trường trung học cỏn con này, cảnh chợ trời hỗn mang lắm khi đã lấn át cả sự cao nhã của nơi thánh đường. Ừ thì cuộc sống còn bao nghịch lý và cảnh đời lộn ngược đang diễn ra hàng ngày. Ừ thì còn biết bao nỗi buồn phiền đang quày quả và nợ nần từ quá khứ vẫn còn nguyên chưa được giải trình, thanh toán.

Ừ, thì hãy cứ cho là vậy. Thì cũng không phải không có những thời khắc tuyệt hảo, dẫu có là ảo tưởng và nghe như chỉ có giá trị tạm thời. Giữa nỗi bất ưng triền miên vẫn có khi hài lòng thật sự. Những cảm xúc thánh thiện không tì vết ố hoen ở cái đêm Nôen giá lạnh đã xa chưa hề mất hết dấu tích giữa cái ê chề của đời thường hôm nay đã chứng tỏ một chân lý cao cả: bên cái đời sống vật chất thế phàm, còn một cuộc sống tâm linh mãnh liệt với những nẻo đường phát triển riêng rẽ, bất diệt. Con người còn có giá trị tự thân của chính nó. Đang là lúc bán sách đi để trang trải, nhưng đã có và đang tồn tại một kiếp sống nhẫn nại, tích tụ hiểu biết và cảm nhận. Đã có một thời say đắm. Nay, cơ bàn vẫn vậy. Khác chăng là trái tim Đankô đã bớt đi cái biểu hiện bồng bột bề ngoài. Khác chăng là càng ngày càng sâu lắng, khúc chiết và vững tin hơn, vì đã vượt qua thời hồn nhiên măng tơ tự phát, nhận ra cái phức điệu của đời thường quen thuộc. Với hai mươi tư chữ cái vẫn có thể ghi chép được kiệt tác Truyện Kiều. Vẫn có thể tìm được lối đi tuy eo hẹp để vượt qua thói đời biển lận điệp trùng. Vì cũng đã vượt qua thuở ấu thơ ngưỡng vọng không gian bao la, nhận ra cái hư vô của khoảng trời xa lắc trở lại với chính mình, khi đã thanh lọc để trở nên trong trẻo hoàn toàn. Tuổi bốn mươi ba hướng nội dẫu bời bời ngoại cảnh vẫn tìm được hang ổ khu trú yên lành để khai triển đức tin và hiểu biết.

Với công việc của ngươi thầy, Tự đã đạt được cái trị số mà anh mong muốn. Tự do, tỏa sang, anh nhân mình lên qua công việc cao quý giáo dưỡng con người, bằng sự thăng tiến của tâm hồn và trăm ngàn nỗ lực tỉ mẩn hàng ngày. Tập viết một hàng chữ phấn trên bảng đen dài rộng cho thẳng hàng. Sửa cái tật nói nhanh, nuốt chữ mỗi khi xúc động. Học thuộc lòng một câu thơ cổ để viện dẫn. Sưu tầm một danh ngôn. Tra cứu một điển cố. Chữa một câu văn sai cú pháp. Sửa một lỗi chính tả. Khám phá một tư tưởng độc đáo, tìm kiếm một vẻ đẹp tâm hồn... Từ một việc nhỏ nhặt, Tự cũng đặt hết mình lên bàn cân đo lường. Anh không nửa đời nửa đoạn, bao giờ cũng đi tới đầu nút của đoạn đường cần đi. Hạnh phúc lớn lao nhất, không gì sánh nổi và căn nguyên của bất hạnh đời anh là ở chỗ đó - cái thiên tính, thiên chức làm người của anh.

Trong văn phòng, chỉ có Dương bí thư chi bộ đang ngồi chỉnh tề trên chiếc ghế đặt ở vị trí chủ tọa giữa cái bàn họp. Sau lưng ông là bức tường treo la liệt bằng khen, cờ thưởng.

Giây phút hồn nhiên vui vẻ sáng nay chỉ là khoảnh khắc nhất thời: giờ, ông lại trở lại vẻ nghiêm nghị quen thuộc hàng ngày.

Nâng trân trọng tờ báo Thành phố, hai mắt kính chú mục, ông đọc bài xã luận với giọng đọc vừa đủ cho chừng mười người nghe. Giọng ông vang ấm. Ông nuốt hơi nhả chữ, ngưng nghỉ mỗi khi gặp dấu chấm, dấu phẩy hết sức chính xác, lại uốn lưỡi thật rõ những lúc gặp phụ âm têerờ, etsì. Cứ như ông làm nhiệm vụ phát thanh viên đọc bản tin chậm, hoặc là đang đọc mẫu cho học trò cấp một viết chính tả vậy.

Ông dọc không chút biểu cảm:

“Ngày hôm nay, hai mươi nhăm tháng làm, năm một nghìn chín trăm tám mươi hai, một trăm lẻ chín ngàn một trăm hai mươi mốt học sinh của thành phố ta tham dự kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học trên ba mươi hội đồng thi và sáu trăm lẻ ba phòng thi. Tất cả các hội đồng thi đều đã tổ chức kiểm tra, xem xét điều kiện thi, những gì không hợp lệ đã được xử lý theo đúng qui chế ban hành. Theo kế hoạch, sáng nay sẽ thi môn văn một trăm nămươi phút...”

Tự đã khiến cho bài luận bị đứt đoạn khi dông thẳng từ ngoài sân vào văn phòng, không kìm nén được sung sướng, dộng hai nắm tay xuống bàn, như chuông reo, như trống nổi:

- Được rồi! Chắc chắn là được rồi, anh Dương ơi!

Tự đã làm Dương giật mình kinh động. Đặt tờ báo xuống bàn, mặt người bí thư ngây ra rồi hai con mắt chớp cháy nhớn nhác liên hồi. Tới khi Tự lặp lại tiếng reo lần thứ hai, thì ông bỏ kính, ngơ ngẩn:

- À, Tự đấy hả? Nhưng mà đồng chí này, được là được cái gì nhỉ?

Tự đứng phắt dậy, biết ngay rằng mình thể hiện niềm vui không đúng chỗ. Nhưng, đã lỡ rồi, làm sao có thể không giải thích? Anh hạ giọng, cố cho nó thật bình thản:

- Có lẽ là học sinh của tôi có thể làm tốt đề thi văn này. Bởi vì...

Chẳng có sự nhún nhường của kẻ yếu đuối nào là có giới hạn với kẻ nắm sức mạnh trong tay. Nhận ra hai mắt kính của người bí thư dương lên quăng quắc. Tự biết ngay mình lại sai lầm một lần nữa và anh liền im bặt.

Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn. Nếu vậy, tâm hồn Dương có những bốn mắt cửa sổ biểu hiện. Bởi vì, với Dương, hai mắt kính cận chẳng phải chỉ là hai thấu kính hội tụ, hai vật thể vô hồn. Chúng là một bộ phận hữu cơ của thị giác Dương. Chúng đóng vai trò đắc lực trong việc giúp Dương soi mói, nắm bắt cái mà Dương gọi một cách thô thiển là sinh mệnh chính trị của mỗi người, những ngóc ngách bí ẩn, lắt léo, luôn biến hóa như Dương vẫn nghĩ.

Trong mấy phút yên lặng dưới cái nhìn soi mói của bốn con mắt Dương. Tự bỗng cảm thấy đang phải chịu một sức ép tâm lý hết sức nặng nề. Dương đang lột trần, đang lộn trái anh ra để lục soát, khám xét.

Lòng tự trọng đã bắt Tự cất lời phản kháng. Anh ngẩng lên, nhìn mặt Dương, hai ánh mắt mạnh như hai lực đẩy khiến Dương phải tắt ngay luồng mắt dò xét. nghi ngờ:

- Anh Dương này, anh không còn đủ lòng nhân hậu để tin rằng vẫn còn nhiều tấm lòng trong sáng ư?

Bị bất ngờ, Dương há hốc miệng kêu ơ một tiếng kinh ngạc. Tự dồn tiếp:

- Anh có biết rằng anh đang đối mặt với ai đây không?

- Ơ kìa, đồng chí Tự!

- Anh hãy vứt bỏ cái bề ngoài nho nhã đi. Anh đọc sách triết học nhiều, anh có đọc đến câu này chưa: Trong mỗi chúng ta đều sống sót một người Bàn cổ dưới hình thức tiềm năng? Chúng ta, thật sự là con cháu của những kẻ sát nhân. Anh có hiểu câu nói ấy không?

- Đồng chí Tự, đồng chí nói gì thế?

- Anh không hiểu tôi nói gì à? Vậy thì tôi phải diễn giải vậy. Anh vừa dương mắt nhìn tôi với những ẩn ý gì vậy? Có phải anh đang lặp lại cái lôgic đơn giản quen thuộc như một công thức rằng: không có gì là ngẫu nhiên cả, cái gì cũng cần phải truy nguyên quyền lợi giai cấp và nguồn gốc vật chất của nó? Bởi vậy, anh nghi ngờ niềm vui hồn nhiên của tôi. Rằng có lẽ thằng cha này nó biết đề thi từ trước. Rằng nó đã ăn tiền để làm đáp án tung vào cho thí sinh. Chỉ có kẻ trúng quả đậm mới hứng chí như nó thôi. Mắt anh là mắt đại bàng nhìn xa mười kilômét, là mắt kính hiển vi soi được con vi trùng trong hạt bụi. Mắt anh cái gì cũng nhìn rõ, nhưng thật sự mắt anh chỉ là nhũng cánh cửa mở vào đêm đen thôi. Chỉ là mắt mật vụ chuyên đi lật tẩy...

- Kìa, đồng chí Tự... đồng chí hiểu lầm..

- Cho tôi nói hết đã. Hôm rồi, ông Thống có nói tôi cái điển tích thầy cúng Quý Hàm nước Trịnh, nhưng chưa rõ, hôm nay tôi giải thích thêm. Thầy cúng Qúy Hàm nước Trịnh bên Tàu ngày xưa giỏi lắm, nhìn ai cũng biết sống - chết ra sao, rủi - may, mất - còn thế nào, đoán trúng từng ngày tùng giờ, chính xác như thần. Nhưng người nước Trịnh hễ cứ trông thấy ông ta là... bỏ chạy. Se sắt quá, soi mói đến tận gan ruột người, không sống được với ai đâu, ông Dương ạ.

- Huỳ…

Dương chúm môi như thổi lửa, thở một hơi dài. Tháo kính ra, ông rút khăn tay, miết vào hai mắt kính, động tác như vô tri. Ông khó chịu. Trước có bao giờ như thế nhỉ? Trước nay, ông là kẻ độc quyền ban phát điều hay lẽ phải. Trước nay là nhất hô, bách ứng, hoặc ông nói, mọi người tiếp thu đến đâu thì không rõ, nhưng thảy đều im lặng. Còn bây giờ? “Hóa ra là phản ứng giai cấp nó dai dẳng đến thế đấy!”. Đó là kết luận sau mấy phút im lặng, xâu chuỗi những phản ứng của Thuật, ông Thống và bây giờ qua Tự, với mỗi lòi nói của ông. Kết luận ấy khiến ông trở lại điềm tĩnh. Ông xua hai tay, đầu gật g

- Không sao! Không sao! Đồng chí cứ nói. Nói được là tốt. Các bậc tiền bối đã dạy: người nói không có lỗi, người nghe phải sửa mình. Tôi có gì sai, tôi sẽ rút kinh nghiệm. Ngược lại, đồng chí cũng thế! Có phải không?

Tự im lặng, buồn thiu. Mặt vừa tắt niềm hào hứng bộc lộ mình vừa thấp thoáng vẻ ẩn nhẫn, cam chịu.

Dương xoa xoàn xoạt hai bàn tay trắng, càng chủ động và tin hơn:

- Đồng chí nói hết rồi thì tôi nói. Tôi không giận gì đồng chí đâu. Nói thật đấy. Bởi vì tôi cũng có lỗi, tôi gây cho đồng chí sự hiểu lầm. Đúng thế. Bởi vì, nói thật với đồng chí nhé, đồng chí là quần chúng cảm tình của chi bộ, nên tôi có lộ ra sự thái quá trong sự quan tâm thì cũng là điều dễ hiểu. Nhưng, phương ngôn có câu: thái quá bất cập. Vậy, tôi xin ghi điểm này làm bài học.

Nuốt nước bọt đánh ực như một dấu chấm ngắt đoạn gọn ghẽ, ông bí thư tiếp:

- Vậy thì nỗi lo của tôi là ở đâu? Ở chính cái môn văn của đồng chí đấy, đồng chí Tự ạ. Văn chương tự cổ vô bằng cứ. Văn chương là tư tưởng. Mà tư tưởng thì nó như lươn rúc bùn, như anh chàng Tôn Ngộ Không bảy mươi hai phép biến hóa thần thong, sai đấy, đúng đấy, lập lờ phản trắc cũng là ở đấy. Văn chương là chỗ dễ mất lập trường nhất đấy, đồng chí Tự ạ. Đồng chí chắc chưa quên điều tôi nói hồi đồng chí làm bài thơ Mùa cốm chứ? Sai một ly đi một vạn dặm là thế đấy! Giữ đường lối là công việc khó khăn lắm, chứ không dễ dâu?

Liếc mắt, thấy Tự ngoảnh mặt đi, Dương cao giọng tiếp:

- Tôi còn nhớ hồi còn công tác ở huyện ủy, chúng tôi mở một đợt công phá tư tưởng tiểu tư sản, hoang mang dao động, không tin ở sự nghiệp đấu tranh thống nhất đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Sau một tuần chăng cờ, dán áp phích, rồi cho học sinh, thanh niên chiều nào cũng đi hô khẩu hiệu có tính áp đảo, tôi cho truy quét mấy tụ điểm của các ông giáo dạy văn ở địa bàn huyện và các xã lân cận. Mấy anh trí thức này dở nho học, dở tây học là chúa phức tạp. Thơ ca, hò vè, tiếu lâm hiện đại, châm biếm, đả kích chế độ, đường lối chính sách, cán bộ lãnh đạo từ đây mà ra cả. Phở không người lái, Mỗi người làm việc bằng hai, Để cho chủ nhiệm mua đài mua xe vân vân. Đồng chí còn nhớ những câu ca phản động ấy không? Cứ bảo là của dư luận. Thế mà tôi truy được đích danh thủ phạm là một lão giáo viên dạy văn cấp hai đấy. Thằng cha này con nuôi địa chủ. Khổ, con nuôi thôi mà mê muội quá. Tôi gọi lên đấu ba ngày ba đêm, hắn cứ trơ ra. Sau rốt, tôi phải dở ngón đòn lợi hại cuối cùng: Anh có hiểu rằng sinh mệnh chính trị của anh đang nằm trong tay tôi không? Hắn mới rúm tứ túc lại: “Em van anh. Em xin nhận. Mong anh cứu vớt linh hồn em”.

Thoảng một nét cười ngạo nghễ trên cái miệng rất tươi vẫn giấu kín hai hàm răng hạt gạo, Dương hạ giọng:

- Bây giờ các lớp học tiếng Anh mở đầy. Có vấn đề gì đâu! Nhưng lúc ấy học tiếng Anh là có vấn đề chứ. Chủ nghĩa Mác dạy ta quan điểm cụ thể, lịch sử là vậy. Tôi phải giải tán liền mấy lớp Anh văn. Bây giờ đang chống Mỹ, học tiếng Anh, tiếng Mỹ làm gì? Hay để nghe dài Hoa Kỳ và vượt tuyến vào Nam? Còn chuyện này nữa, kể để đồng chí đi tham khảo. Nhân ngày thành lập Đảng 3 tháng 2, đ̕ịch trường cấp 3 huyện trình diễn vở kịch Người tù vượt ngục. Tôi và đồng chí bí thư huyện ủy đến xem tổng duyệt. Xem xong đồng chí bí thư nhận xét: “Không hay lắm, nhưng khuyến khích tự biên tự diễn nên coi như là hay”. Tôi kiên quyết phản đối. Tôi nói: “Ngay cái tên vở kịch cũng đáng phê rồi! Sao lại là người tù. Mà lại vượt ngục nữa. Người cộng sản bị đế quốc nó bắt giam, không thể gọi là người tù được. Nhận là người tù hoá ra mình công nhận pháp luật của đế quốc, là làm mất uy thế của chiến sĩ cộng sản. Hơn nữa, trong huyện ta hiện nay có một trại tù hình sự. Cho diễn vở này, khác nào khuyến khích phạm nhân vượt ngục. Hoàn toàn bất lợi về mặt tư tưởng”. Nghe tôi phân tích xong, đồng chí bí thư chặc chặc lưỡi: “Đồng chí công tác lâu ở tuyên huấn và liên ngành công an có khác, nhìn vấn đề rất sâu. Mình thú thật, chẳng biết mô tê gì, nhìn hạt thóc là hạt thóc, nhìn củ khoai là củ khoai thôi!”.

Trời ơi! Tự kêu thầm và day trán xuống mặt bàn họp. Dương, cái sự thật hữu hình xương thịt hay chỉ là một thoáng chiêm bao của anh? Cuộc đời phải diễn ra một cách nghiêm túc, nhưng đây là sự nghiêm túc cần đạt tới ư? Anh nhận ra anh đang tỉnh táo hoàn toàn vì nghe thấy tiếng ông Thống quát nạt đám đông ồn ào ở ngoài cổng trường.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx