sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 9

Parmi les homes, trong cõi người mênh mng có một khuôn mặt người khó trộn lẫn: ông Thống, với tục danh học trò đặt cho: thống lý Pátra.

Còn vài tháng nữa ông Thống bước vào tuổi sáu mươi và sẽ về nghỉ hưu. Trong bóng chiều của cuộc đời và tuổi tác, nhiều bộ phận trọng yếu ở thân xác ông. Ở cái con người nhìn thấy của ông, đã xơ cứng, lão hóa, chết mòn. Tóc rụng. Răng long. Lông mày bạc. Chai chân chai tay, sừng hóa, hết cảm giác sống. Và căn bệnh cao áp huyết, di chứng của một cuộc chấn động tâm thể nặng nề, hành hạ ông hàng ngày, khiến ông xao xác, uể oải lắm lúc và sẵn sàng gây nên những cơn kịch biến hiểm nguy cho tính mệnh ông.

Nhưng, ngoài cái phần thể xác đo đếm, đánh giá rõ rành được ấy, ông còn một con người nữa, con người không nhìn thấy, con người vô hình này đối với Tự còn rất lạ lẫm và bí hiểm. Thoạt đầu, mới chỉ là dăm ba câu đối thoại khi giao đãi thường tình hay tranh luận và đàm tiếu, Tự dã thấy ngờ ngợ: con người này có cái ung dung của lão giả an chi, lại có cả cái dẻo dai của tuổi già còn muốn nhập cuộc. Tổng hợp những câu ông nói, những việc ông làm, Tự nhận ra, ngoài tấm lòng yêu nghề, yêu trẻ tha thiết, ông còn là một nhân cách đàng hoàng. Ông không phải là người blăngtông, tạp vụ, thủ trống mang bóng hình mờ mờ xo xui vô nghĩa ở cái văn phòng con con trong mái trường nho nhỏ này.

Một tối, thấy Tự ngồi cặm cụi chép lại bài Đối nguyệt, thơ chữ Hán của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ chiếc giường mình nằm song song với chiếc phản gỗ của Tự nhìn sang, ông tặc lưỡi:

- Chà, nét sổ khỏe và thẳng. Chữ thầy Tự bay bướm mà vẫn khuôn mức lắm, có thần lắm. Chẳng hay cậu ấm theo đòi Hán học được mấy niên? Đã đọc qua những trang sách thánh hiền nào?

Rấ cách nói văn vẻ cổ nhã của ông, Tự liền đưa đón:

- Kẻ hậu sinh này muốn được tiên sinh mở lòng tâm sự chút ít về mình đã ạ.

Ông cười hòa nhã:

- Nhờ tổ ấm gia phong cũng nhặt nhạnh được dăm ba chữ thánh hiền rơi vãi ở chốn học đường. Nhưng văn chương còn lạc chạc, ý tứ còn nông nổi lắm, đâu dám nhận là tiên sinh, thầy Tự!

Thì ra, ông là con dòng cháu giống một dòng họ danh sĩ toàn các bậc đại khoa ở đất Nam Hà khi trước. Tự được cha kèm cặp, dạy dỗ, mới chỉ học hết Tam thiên tự, Ngũ thiên tự, Ấu học ngũ ngôn thi... những bộ sách đơn giản cấp sơ học. Còn ông, ông đã học hết Thiên tự văn, Hiếu Kinh, Minh đại giáo huấn… Học vấn trọn vẹn, ý chí hơn người, ông lại là người gặp thời và lập kỳ công hiếm có. Chính ông là người trai trẻ cầm mã tấu dẫn đầu đoàn nông dân xã mình lên cướp chính quyền huyện lỵ quê nhà, rồi sau đó nhập vai vị chủ tịch ủy ban Cách mạng lâm thời xã, khi cách mạng Tháng Tám bùng nổ và thành công trên toàn cõi đất nước.

“Ấy thế, áo bỏ trong quần, mặt nhà nho dở, văn dốt, vũ dát, nhưng được cái nhiệt thành nên cũng ra tay chèo chống, một thời nhất thống sơn hà Lưu Bá Ôn rồi đấy chứ!”. Kể lại đoạn đời này với Tự, ông nhạo mình như vậy.

Thật tình, ông Thống là con người thực hiện đúngý: Lấy lý trí làm thầy, lấy đời làm gốc. Học vấn và đời sống biến huyền, hòa nhập trong ông, tạo nên một cốt cách riêng. Ông thông thấu, tỏ tường; chứ đâu có phải là ông già lỗ mỗ, ngang ngửa, chăng chớ!

Ông còn bén nhạy tinh tế lắm. Nói về cái tinh ranh của anh học trò đời nay, ông kể:

- Nội quy nhà trường đề ra là: giờ học, nội bất xuất, ngoại bất nhập. Được! Nó vẫn có cách ra, vào thoải mái, đàng hoàng. Thế này, nó từ lớp ra, đứng một chỗ, chờ tôi ngồi ở phòng thường trực cúi xuống châm điếu thuốc mới nhanh chân bước tới: “Bác ơi, cháu có thằng em học ở lóp 11A, bác cho phép cháu vào...”. Vừa thấy tôi ngẩng lên, nó đã gãi đầu, gãi tai nhăn nhó, đề nghị vậy. Hàng trăm học trò, biết đâu rằng nó đóng giả vai huynh trưởng học sinh. Thế là tôi xua tay: “Anh ra đi, hết giờ học mới được vào”. Trúng kế nó rồi, nó tót ngay ra, mua thuốc lá hút. Lúc sau, lại lợi dụng mình sơ ý, nó tiến đến. Lần này nó trở lại vai học trò: “Bác ơi, đang giờ học, nhưng cháu đói quặn ruột, bác cho cháu ra ngoài cổng…”. Tất nhiên là tôi quát “Vào đi!”. Và nó còn mong gì hơn nữa! Thế là nó ung dung đút hai tay hai túi quần. đủng đỉnh đi vào.

Ông kết luận: “Kín đấy mà hở. Hở đấy mà kín. Ngẫm ra, có cái gì là một chiều, tuyệt đối hoàn hảo đâu”.

Ông còn gần đời, còn hóm lắm. Ông bảo xem phim màn ảnh rộng, con mắt nó thanh thỏa, khác nào như cắn miếng giò ngập răng. Hết loe lại côn, mốt đến rồi mốt đi, hết việc rồi hay sao mà lại hò nhau đi chống mốt. Ông mặc quần ta rộng đũng để “thằng bé con của mình” đỡ nghề ngà, vất vả. Vì đến như các nhà lãnh đạo mặt vuông tai tròn cũng chẳng dám nói mạnh cái khoản này, thầy Tự ạ.

Đặc sắ cả là những nhận xét của ông về các đồng nghiệp. Khi tâm người ta đã gột rửa trong sạch thì nhìn vật gì cũng rõ. Lý thuyết cổ xưa này hết sức đúng. Ông là tấm gương không vương bụi, soi tỏ mọi gốc nguồn sự vật. Tự thật kinh ngạc khi thấy ông rất coi thường Thuật, cả phần đức lẫn phần tài. Ông bảo: chính nhân quân tử là người nói đương há mà kìm ngay lại được, ý đang hớn hở mà thu ngay lại được. Tức giận, ham mê mà tiêu trừ ngay được. Còn như nói cho thỏa thì chỉ là kẻ để dục vọng che lấp chính kiến. Đang bình luận bằng cái khái niệm cổ, ông bắt ngay sang luận điểm thời hiện đại: Tự do có giá của nó đấy. Cứ nói cho sướng miệng đi rồi thu về khinh rẻ của công luận. Ông nói: Gần dây Thuật chớm mắc bệnh tâm thần, thể hưng phấn hoang tưởng. Về bà Thảnh, ông phê hai chữ bỉ tiện, rồi diễn giải: cái bỉ tiện của con nhà vong bản, có thể làm đủ mọi trò nhơ nhuốc mà không thẹn thùng.

Nhận xét của ông về Dương mới thật là bất ngờ. Ông nói: Dương thuộc hạng người chải đầu chải từng sợi tóc, thổi cơm thổi từng hạt gạo; suốt đời theo đuổi ngoại vật, tự làm đui điếc và giết chết cái tâm của mình. Bỏ qua tư cách mõ của Cẩm ông gọi Cẩm là tên bần nông gian giảo, thuộc dòng đạo chích.

Tự và ông Thống chẳng bao lâu còn bén duyên văn tự. Tự nhờ ông kiểm xét, hiệu đính, bình giải nhiều ý tứ, ngôn từ anh còn tồn nghi đây đó trong mấy bài thơ cổ. Ông rất tán đồng sự phát hiện của Tự về tâm hồn của Nguyễn Du, kẻ sĩ quân tử, bậc tài hoa qua bài Độc tiểu thanh ký. Cả hai cùng say cái vui của luận bàn thế sự, cùng đăm chiêu trước mỗi nỗi tỏ mờ của tâm thuật ngụ nơi văn chương. Cùng khắc khoải lo âu vì sự sa sút của nhân cách ông thầy và nghề thầy đang có nguy cơ bị cào bằng như một kế sinh nhai.

Nhưng, một hôm ông đã khiến Tự kinh

Sáng ấy, như thường lệ, Tự nhặt một cành phượng nhỏ cắm vào chiếc lọ hoa nhỏ đặt trên bàn trong phòng ngủ của hai người. Thấy ông nhăn mặt, Tự hỏi nguyên cớ, ông trầm ngâm:

- Hóa công khéo thật, có cái gì đỏ hơn? Ca dao cũng tài hoa: Hoa phượng đỏ não đỏ nùng. Nhưng, ngay cả thần linh thái quá cũng bất cập. Trông hoa mà cứ rơn rởn. Vì cứ nhớ đến lũ tiểu hồng vệ binh bên láng giềng. Ở một trường học nọ, chúng lôi một ông giáo ra đấu tố, quy kết ông là phần tử xét lại, đi con đường tư bản chủ nghĩa, lột truồng ông ra, rồi phết sơn đỏ kín từ đầu đến chân ông, đoạn đem phơi nắng. Như thế là biểu hiện quyết tâm đỏ hóa tư tưởng tầng lớp trí thức. Trần đời chưa thấy cái loạn nào to như cái loạn này, loạn âm dương, thầy Tự ạ!

Chuyện đã biết mà nghe ông nói, Tự vẫn sởn da gà. Có lẽ vì giọng ông thấm nhiễm nỗi đau đời của chính ông. Quả nhiên, lặng im một lúc, ông thở dài đánh thượt:

- Lắm lúc nghĩ, thà cứ là cái anh cổ cày vai bừa đi có hơn không. Sinh ra ở các nước Á châu, mang danh trí thức còm, muốn lập thân mà không bị tủi thẹn là khó lắm, thầy Tự ơi.

Ra là đời ông, đời cha ông lắm tủi thẹn quá. Ông thân sinh ra ông đỗ đạt cao, nổi danh bậc chân nho một vùng, học trò theo học đông cả trăm ngàn, ngồi dạy học ở hương thôn mà lương phạm không bằng viên thơ lại cấp huyện. Lại bị thằng huyện Quát đồng hương dốt đặc cán táu, mưu đồ bỏ rượu lậu vào vườn nhà không xong, lập tang chứng giả, vu ông có liên lạc với hội kín, đầy ông lên miền thượng du lam sơn chướng khí. Được ba năm, ông thân sinh vừa đau ốm vừa phẫn chí liền bỏ việc, về quê ở ẩồng dâu nuôi tằm. Bỏ nghề mà vẫn thương nhớ nghề nên lại bắt ông Thống theo đòi nghiệp cha. Cũng là một cách để con nên người hiểu hĩ.

“Có nhẽ sai lầm lớn nhất của tôi là đã nghe lời ông thân sinh, theo đuổi nghề gõ đầu trẻ, thầy Tự ạ”. Ông Thống cười, cười mà như mếu. Bài học rút ra từ quá khứ sao mà chua chát? Vậy mà có lý! Vì đùng cái, giữa cái năm thứ mười hai của chế độ dân chủ cộng hòa, ông thân sinh đã ngũ thập niên đang hân hoan trước cuộc hồi sinh của đất nước văn hiến sau hòa bình lập lại năm 1954, thì bị lũ du kích đầu trâu mặt ngựa xịch tới, trói cánh khỉ, áp điệu một hơi tới đình làng. Còn ông Thống, ai bảo ông đang có cơ thăng hoa trên hoạn lộ, lại dở chứng con nhà nòi, xin từ chức chủ tịch xã, bước lên bục ông thầy tuần vài ba buổi giảng văn học cổ trường trung học huyện, để đến nông nỗi bị tóm cổ ngay trong giờ dạy trích đoạn “Thúy Kiều mắc oan”. Khốn nạn, oan này còn hơn oan nhà Thúy Kiều. Địa chủ, cường hào gì với ngôi nhà gạch ba gian và một căn nhà ngang đặt nong tằm với hai bà vợ quê mùa chăm nghề canh cửi! Làm nên tội tình gì cái cảnh nhà nhờ gia phong tiên tổ vẫn giữ được nề nếp, nên nghèo mà vẫn thanh sạch, thảnh thơi, vẫn giữ cái thú tao nhã uống rượu, thưởng nguyệt, ngắm hoa, thi thoảng lại tụ họp bạn bè tri âm ngâm vịnh mấy bài thơ cổ hoặc hàn huyên chuyện cũ, bàn luận chuyện thời này. Buồn thay, xưng xuất không còn là thằng huyện Quát, đành là vậy rồi, mà lại chính mấy gã thợ cày vắt mũi chưa sạch mới leo lên ghế chính quyền xã, huyện, được kích thích, trỗi dậy cơn tức hứng lật đổ, và chọc giời khuấy nước.

Loạn này là loạn âm dương, gây nhiều đau đớn lắm. Ông thân sinh ra ông Thống bị truy bức, uất quá phải thắt cổ tự vẫn. Cụ nhất định không chịu nhận là cường hào địa chủ ngồi mát ăn bát vàng, cộng tác với đế quốc, bóc lột sức lao động của hai bà vợ và mấy người con. Còn ông Thống chưa đến nỗi bị lũ học trò yêu ma lột truồng phết sơn, nhưng cũng bị lôi ra trước hiệu đoàn học sinh để chúng nó bôi gio trát trấu vào mặt. Nòi địa chủ ác bá chui vào nghề là có mục đích làm vấy bẩn các tâm hồn trong ngọc trắng ngà của chế độ mới. Tội ấy là tội lớn nhất. Tội thứ hai là say sưa đề cao cổ văn, đạo đức phong kiến lỗi thời phục vụ cho giai tầng bóc lột.

May mà có sự nhận biết tỉnh táo và sửa chữa. Nhưng, hành kỷ hữu sỉ, không biết xấu hổ còn đâu là người nữa, còn mặt mũi nào ở lại làng quê! Lòng tự trọng không cho phép mình trở lại cái quan hệ bình thường trong giao tiếp với những kẻ hôm qua lăng nhục mình. Thêm nữa, cũng chính là để giữ mình khỏi sa vào cơn uất khí thường tình, có thể dẫn tới những hành vi bột phát bất lợi, ông Thống bỏ làng quê lên miền núi dạy học.

Đoạn đời ba đào nơi đất lạ cũng mang phong vị ở ẩn để quên lãng một đoạn đời tủi nhục của cái kẻ mang danh tiểu trí thức chân không đến đất cật không đến giời. Miền ngược yên ả. Nhưng cũng không vơi được nỗi nhớ cố hương. Tuy vậy, ngoại năm mươi, vào độ tuổi tri thiên mệnh, ông Thống mới tính đường trở lại làng quê.

Tình cờ một buổi từ miền ngược về, đến Sở Giáo dục thành phố tìm bạn để nhờ bạn mối manh giúp đỡ thì gặp Cẩm. Hóa ra Cẩm cũng quê Nam Hà cũ. Lúc ấy, Trường Trung học số 5 này mới thành lập. Mới chỉ có bộ khung lãnh đạo, Cẩm mới được điều động về sau một vụ tai tiếng vì ái tình, đang muốn thu phục nhân tâm và tìm bè kết bạn. Cẩm hất hàm hỏi: “Về cái làng quê cổ hủ đố kỵ của ông mà làm gì? Ở thành phố này, nếu nhớ bà xã thì nước mã hồi chỉ có nửa ngày tàu tốc hành thôi không hơn ư? Nhưng mà, nếu tôi giới thiệu ông về trường tôi, thì ông làm được việc gì nhỉ?”.

Ông Thống ngần ra trước câu hỏi sỗ sàng và có lý của Cẩm. Anh chàng xuất thân mõ làng có cái ranh của mõ làng thật. Quả thật, bây giờ ông Thống biết làm gì? Tuổi

đã cao. Hơn chục năm qua chỉ quen dạy i tờ, thanh toán mù chữ cho người Mèo, người Dao trên rẻo cao. Chấn động năm xưa đã phá vỡ thế cân bằng nội tại, mở đường cho bệnh tật ùa vào cơ thể. Dấu hiệu lão hóa đã xuất hiện. Những xúc cảm âm tính, một lời nhục mạ chẳng hạn, cũng đủ tạo nên các ổ kích động tiêu cực ở vỏ não, tăng đột ngột áp huyết. Một đời người ngắn ngủi thường chỉ có một hai cơ hội thăng tiến, bị mất là mất mãi. Nay thân bại, danh liệt, đôi khi cơn ấm ức nổi dậy cũng muốn làm thằng Chí Phèo một phen, nhưng cốt cách nhân phẩm không cho phép; còn nói đến cái đà mới để lập nghiệp thì đã quá muộn và còn đâu là hào hứng nữa mà thực thi. Mới ngẫm ra: cái anh trí thức sống vì danh. Hổ danh nó một lần, nó tủi nhục cả đời. Nó có thể khổ vì chính danh, thậm chí chết cho chính danh.

Ông Thống chép miệng:

- Blăngtông, tạp vụ, văn thư, thường trực, thủ trống... Việc gì ở trường học tôi cũng làm được.

Cẩm gật:

- Được rồi! Nhưng tôi phải nói ngay với bác điều này. Hiện giờ thì chưa. Nhưng trước sau thì tôi cũng lên làm lãnh đạo trường này. Vậy, bác phải hứa với tôi ba điều: Một, không đòi nhà ở. Hai, không đòi tăng lương. Ba, không đòi vào đảng. Đó là ba diều mà ai ở cương vị lãnh đạo cũng luôn bị quần chúng đòi hỏi và không thể thỏa mãn được.

Ông Thống ứa nướ

- Tôi đâu có yêu cầu cao thế ạ!

Dốc bầu tâm sự với Tự xong, ông Thống kết luận:

- Thầy Tự ạ, cuộc đời nó có là mẹ hiền như người ta nói đâu. Nếu nó có là một người mẹ thì là một người mẹ bất học bất tri lý, một người mẹ ghẻ, thầy Tự ạ.

Tự lại gai gai cả người. Y như cái lúc anh nhìn thấy dòng chữ “Đời là vại dưa muối hỏng” viết ngay ngắn, đầy ý thức, như một tuyên ngôn, ở trên tấm bảng đen buổi dạy học hôm rồi. Anh nhìn ông Thống, vừa đồng cảm, vừa phân ly với ông và tự hỏi: “Sao thế nhỉ? Mình và ông, cũng là hai cái sản phẩm của những cuộc chấn thương kia mà”.

Tuy vậy, từ hôm ấy, nhìn hoa phượng, có lúc Tự thấy ghê ghê.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx