sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Đặng Thái Sơn - Người được Chopin chọn - Chương 18

Chương 18: Kỷ niệm về Mendelssohn Thầy Isaac Katz đã dạy Sơn sáu tháng lúc còn ở Hà Nội là một người theo trường phái Goldenweiser. Trường phái này, nhiều tính hàn lâm và coi trọng truyền thống. Ông yêu sâu sắc những bản nhạc của Mendelssohn. Khi ở Hà Nội, ông vẫn thường biểu diễn Mendelssohn trong các buổi hòa nhạc. Đặc biệt là tuyển tập “Bài ca không lời” rất tuyệt vời. Đặng Thái Sơn cảm thấy thích thú và muốn chơi thử những bài đó. Tháng 5 năm 2002, Sơn ghi âm tuyển tập “Bài ca không lời” của Mendelssohn tại Nhật; khúc đầu tiên trong tuyển tập đó có tên “Kỷ niệm ngọt ngào” sau chuyển thành “Kỷ niệm”. Vì giống như là kể ra kỷ niệm về Katz. Khi CD được phát hành, “Bài hát của thủy thủ Venezia” nổi tiếng và được khán giả yêu thích hơn bài “Kỉ niệm”. Nhưng cứ mỗi lần nghe đĩa CD đó là Sơn nhớ đến Katz và nhớ quê hương. “Katz chơi những bản nhạc do Mendelssohn sáng tác rất tự nhiên, không áp đặt theo ý mình. Âm nhạc trong trẻo như nước dưới sông, như gió mát. Khi chơi các bản nhạc này, nghệ sĩ chỉ đơn thuần là biểu diễn các nốt nhạc nhưng lại tạo nên âm hưởng nhẹ nhàng và tâm trạng bay bổng, như là cảm giác vui vẻ phấn khởi khi chào đón mùa xuân.” Mendelssohn đã tạo nên và tập hợp những tác phẩm như những lá thư bằng những nốt nhạc ngắn cho bạn bè, người thân. Các bản nhạc này ngắn và cũng không đòi hỏi kỹ thuật trình tấu cao, nhưng qua đó những đặc trưng của âm nhạc Mendelssohn vẫn được thể hiện ra như tình cảm nồng nàn, yêu thương, giàu chất thơ. Dường như có thể đoán được Mendelsohn là người thích vẽ tranh. “Kỉ niệm ngọt ngào” là bản nhạc thứ nhất trong tuyển tập. Đó là một khúc nhạc nhẹ nhàng mà giàu tình cảm. Biểu diễn nhạc Mozart cũng cần có sự tự nhiên nhẹ nhàng. Tại Nhạc viện Matxcơva, không có cơ hội nào để học Mozart. Sau này, Sơn chủ yếu tự học và biểu diễn những tác phẩm của nhà soạn nhạc này trong một thời gian dài. “Tôi rất thích Mozart nhưng các tác phẩm của ông rất khó. Nốt nhạc ít nên tài biểu diễn nghệ sĩ piano sẽ bộc lộ rất rõ ràng. Nếu không chú tâm sẽ không thể chơi được. Tác phẩm sẽ trở nên vô hồn.” Năm 1989, Đặng Thái Sơn tham gia một cuộc biểu diễn về Mozart, chỉ huy là Sir Neville Marriner. Những người biểu diễn chung với Marriner đã nói chuyện với nhau trước khi làm việc và có thời gian để mọi người có thể phối hợp với nhau khi thể hiện Mozart. Sơn cũng được nhắc lại một cách đơn giản khi được gọi đến cuộc họp. “Hãy làm theo những quy tắc đã nói nhé!” Marriner nói. Thực sự Sơn hoàn toàn không hiểu gì cả. Quy tắc của Mozart là thế nào? Marriner nói lại một cách chậm rãi: “Đặng Thái Sơn, nhịp điệu trong cách thể hiện những nốt nhạc của cậu quá tự do. Biểu diễn bản Concerto của Mozart có nghĩa là không thể hiện theo ý mình, trung thực với nốt nhạc hơn, hãy đặt hết tấm lòng để biểu diễn tốt. Quy tắc chính là như vậy đó.” “Có nghĩa là không nên thể hiện mình quá nhiều ạ?” Marriner giải thích: “Việc đó không có gì là xấu cả. Tính tự do trong âm nhạc là điều quan trọng mà. Nhưng tôi muốn phải làm sao cho piano và dàn nhạc nghe phù hợp với nhau. Được chứ? Dàn nhạc mở đầu trước và không cần phải âm lượng lớn như vậy.” Sơn tròn mắt nghĩ. Bản Concerto nào cũng cần phải hướng dẫn cho piano vậy sao? Marriner đã dạy những điều như thế cho nghệ sĩ piano và dàn nhạc. “Đúng là vậy đó, Sơn! Khi anh “giao tiếp” tốt với dàn nhạc thì sẽ tạo nên bản Concerto của Mozart trên cả tuyệt vời thôi.” Marriner từng nói là đã học được nhiều từ các nhà nhạc trưởng đại tài. Sơn nghe câu chuyện của Marriner về biểu diễn chung với các tên tuổi lớn đó và cảm thấy họ không giống như “huyền thoại” mà rất gần gũi. Marriner là người rất điềm tĩnh. Nhưng lại là người rất nghiêm khắc trong biểu diễn, không đồng ý sự thỏa hiệp. Theo ông khó khăn lớn nhất là: “Các thành viên trong dàn nhạc không hợp nhau. Mỗi người đều có ý hướng riêng khi đến với âm nhạc, nếu không tạo ra môi trường, bầu không khí gia đình thì sớm muộn cũng phải tan rã thôi. Khoảng ba tháng cùng nhau biểu diễn, bầu không khí của dàn nhạc rất ngột ngạt, các thành viên không hợp nhau nên có người đã ra đi. Nhưng cuối cùng thì âm nhạc vẫn là thứ quan trọng nhất.” Sơn đã được biết về sự khó khăn đó của dàn nhạc Academy of St. Martin in the Fields mà Marriner tạo dựng. Sơn cũng rất may mắn được biểu diễn tam tấu cùng với một số nghệ sĩ nổi tiếng khác. Một nghệ sĩ piano rất cô độc, chính vì vậy khi biểu diễn các tác phẩm thính phòng hợp tấu, họ có được sự đồng cảm lớn từ những bạn diễn. Sơn hiểu được những điều sâu xa hơn của âm nhạc thính phòng qua những buổi diễn như vậy.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx