Bùi Hữu hơi hạ thấp người cười nói: “Di chuyển người Khiết Đan bị đánh tan về phía nam là kết cục đã định. Nhưng đưa bọn họ chuyển về chỗ nào thì tại hạ còn chưa có chủ ý, cho nên đặc biệt đến xin Thái úy chỉ giáo, thu xếp cho bọn họ ở đâu là thỏa đáng nhất?”
Quách Tử Nghi nhanh chóng liếc nhìn Bùi Hữu, chính mình cũng không còn khống chế chư hầu các nơi của Đại Đường, chỉ là lão Tường quốc đã lui về nghỉ nhiều năm. Chuyện như vậy vì sao phải tới hỏi mình đây? Hẳn là phải đi hỏi Hộ Bộ để có tư liệu hộ tịch hoặc là hỏi Binh bộ cho bản đồ các nơi của Đại Đường thì mới giải thích được nghi hoặc. Giờ lại tới hỏi mình thì chẳng phải là hơi giống truyện tiếu lâm. Việc Bùi Hữu hỏi vấn đề không đúng nơi đột nhiên khiến cho trong lòng Quách Tử Nghi nghi ngờ. Ông ta lập tức ý thức được, Bùi Hữu tìm mình hẳn là có việc gì khác mới đúng.
“Lão phu một mực sống ở Trường An, sự hiểu biết về các nơi thuộc Đại Đường ta dừng ở tình cảnh hai mươi năm trước nên e là đối với nghi vấn của Bùi Tướng quốc thì lực bất tòng tâm.” Quách Tử Nghi ôn hoà trả lời một câu, ông ta lại nâng chung trà lên chậm rãi nhấm nháp, chờ đợi Bùi Hữu hỏi vấn đề kế tiếp.
Quả nhiên, Bùi Hữu đới với chuyện Quách Tử Nghi lực bất tòng tâm cũng không thèm để ý. Ông ta cười nhạt bảo: “Nếu Thái úy không giúp được gì thì tại hạ cũng không ép buộc.”
Đề tài vừa chuyển, Bùi Hữu lại thành khẩn hỏi thêm: “Thái úy là nguyên lão tứ triều, trải qua mấy chục năm đầy bắt ngờ của Đại Đường ta, ngoài ra đối với cái họa An Lộc Sơn thì hiểu biết rất sâu sắc. Đối với chuyện hưng suy của Đại Đường ta có thể nói là nhìn xa trông rộng. Hiện tại Đại Đường lại lâm vào cảnh đúng trước ngã tư đường, không biết Thái úy cho là Đại Đường ta nên đi hướng nào?”
“Đi hướng nào ư?” Quách Tử Nghi đã hiểu rõ ý đồ thực sự của việc Bùi Hữu đến, Tướng quốc muốn mời mình rời núi, để giúp đỡ Trương Hoán đăng cơ.
Quách Tử Nghi cùng Đoạn Tú Thực cùng là người ủng hộ hoàng quyền. Nhưng khác với Đoạn Tú Thực ở chỗ là Quách Tử Nghi tuyệt không cần huyết thống đế vương thuần khiết. Bởi ông xem ra quan trọng nhất là có thể có một vị quân chủ mạnh mẽ hay không. Năm đó nổ ra vụ An Lộc Sơn làm phản, ông ta vẫn luôn cho rằng đó là bởi vì thiếu một vị quân vương mạnh mẽ kiên quyết nên mới gây ra. Lý Long Cơ nuôi hổ trường kỳ gây họa, trực tiếp để cho An Lộc Sơn phát triển an toàn. Cũng như vậy, mấy năm nay bất kể là loạn Chu Thử ở Thục Trung hay loạn Thôi Khánh Công ở Trung Nguyên, hoặc là quân phiệt tại các địa phương khác phản loạn đều bởi vì Đại Đường không có một quân chủ kiên quyết mạnh mẽ. Mà thế gia triều chánh chia rẽ lại càng hình thành sự ngăn cản triều đình trung ương tích tụ sức lực.
Từ điểm này mà nói, Quách Tử Nghi cực kỳ hy vọng Đại Đường có thể xuất hiện một vị quân chủ hùng mạnh. Ông ta vốn gửi gắm hy vọng nhiều nhất vào Thái Tử Lý Dự. Lý Dự trong lúc trường kỳ bình định loạn An Lộc Sơn cũng giành được sự ủng hộ nhất trí của các tướng lãnh quân đội. Quách Tử Nghi lão cũng là người ủng hộ tích cực. Chỉ tiếc Thái Tử Dự mất sớm làm cho Đại Đường rẽ vào nhánh khác. Hiện tại, con của Thái tử lại nổi lên, làm sao mà Quách Tử Nghi có thể không xúc động sâu sắc. Huống hồ còn có Mã, Bạch Quang Xa, Tân Vân Kinh, Lệ Phi Nguyên Lễ cả một bang các bộ hạ cũ toàn lực ủng hộ Trương Hoán. Bất kể là về công về tư thì ông ta đều không thể nào không đếm xỉa đến.
Có điều Quách Tử Nghi là người cực kỳ cẩn thận, trước khi mọi chuyện chưa hoàn toàn rõ ràng thì ông ta tuyệt đối sẽ không dễ dàng tỏ thái độ. Cho nên đối với vấn đề mà Bùi Hữu nêu ra thì ông ta chậm chạp trầm tư không nói.
Bùi Hữu từ trong đôi mắt Quách Tử Nghi đã thấy được hy vọng, liền lập tức đứng lên thi lễ thật thấp với Quách Tử Nghi: “Điều hôm nay tại hạ nói thì thiết nghĩ hẳn là Thái úy đã hiểu. Thái úy là đại thần lập triều của Đại Đường ta, danh tiếng cao thượng. Chỉ hy vọng đến ngày nào đó Thái úy có thể đứng ra góp thêm một phần lực lượng khiến cho Đại Đường chúng ta lại đi lên con đường cường thịnh.”
Cho Đại Đường chúng ta lại đi lên con đường cường thịnh. Quách Tử Nghi cúi đầu thầm nhắc mấy lần, trong ánh mắt của ông ta đột nhiên toát ra ánh sáng khác thường, một ngọn lửa mới sinh, loại đã lâu chưa gặp lại bùng lên trong lồng ngực ông ta. Ông ta cũng không ngừng kìm chế nội tâm kích động mà trịnh trọng gật đầu “ Được! Ta đồng ý với ngài, đến ngày nào đó chắc chắn ta sẽ đứng ra làm!”
Quận Quảng Lăng còn gọi là Dương Châu, nằm cách Trường An hơn một ngàn bảy trăm dặm. Từ sau khi Lưỡng Tấn tách khỏi Giang Nam nó lại được mở mang thêm một bước. Cả vùng nội địa Giang Hoài với trung tâm Dương Châu liền dần dần trở thành trung tâm kinh tế của cả nước. Tùy Dương Đế Dương Quảng muốn sử dụng Giang Hoài để có thể vận chuyển hàng hóa lên bắc nên bắt đầu đào kênh lớn Đại Vận Hà. Đến thời Đường thì tầm quan trọng của thuỷ vận ngày càng lớn. Trải qua trăm năm Đại Đường chăm lo việc nước, chánh trị ỏn định cùng với kinh tế phồn vinh lại có cơ hội kết hợp, cuối cùng đã trở thành thời kỳ Khai Nguyên thịnh vượng nhất của Đại Đường phồn vinh.
Cũng từ năm Khai Nguyên thứ năm trở đi, Sở gia bắt đầu từ từ bước lên võ đài chánh trị. Sau loạn An Lộc Sơn, thế gia quật khởi. Sở gia hùng cứ đông nam, lấy quận Quảng Lăng làm cội rễ, thế lực thâm nhập đến tận hơn mười quận huyện Hoài Nam và Chiết Tây. Số quân chính quy đến mấy vạn, chiến thuyền ngàn chiếc, cuối cùng trèo lên đứng bậc thứ tư trong Thất Đại Thế Gia thiên hạ. Từ năm Khánh Trì thứ năm, Sở Hành Thủy bắt đầu vào triều nhậm chức Thái Phủ Tự Khanh. Thoáng cái đã hơn hai mươi năm, sơn hà vẫn như trước, thế gia đã già cỗi, cùng với sự cát cứ của quân phiệt địa phương càng lúc càng mạnh, cùng với Trương Hoán nổi lên tại Lũng Hữu, thế gia triều chánh của Đại Đường rốt cục đi tới bước đường cuối cùng, bất kể là Thôi gia, Bùi gia, Vi gia, Trương gia, Dương gia hay là Vương gia, sáu đại thế gia lần lượt rời khỏi võ đài vì nội chiến hay trong chiến loạn. Chỉ có Sở gia an phận ở một nơi mà không có bị bất cứ tổn thương gì. Nó liền giống như một cảnh đẹp đẽ nhất cuối cùng của mặt trời buối chiều trước lúc xuống núi, Sở gia nhất định sẽ trở thành thế gia ra đi sau cùng.
Quảng Lăng cũng là trung tâm thương nghiệp của Đại Đường, bên trong thành tập trung hàng vạn cửa hàng, thương nhân tề tựu ở đây. Nơi này địa thế bằng phẳng, vận tải đường thuỷ tiện lợi, phía tây có Trường Giang thuận lợi, thuyền lớn ngàn thạch có thể đến tận Ba Thục, Tương Dương. Phía đông có biển cả mênh mông, bắc tiếp Tân La, Nhật Bản, nam đến Mân Việt, thậm chí xa hơn nữa thì Đại Thực, Ba Tư đều có thuyền biển có khả năng đi đến tận đây. Mà Quảng Lăng lại là điểm bắt đầu của thuỷ vận, suốt hơn một trăm năm vật tư Giang Hoài không ngừng ùn ùn được những đoàn thuyền lớn khổng lồ vận chuyển tới tận Trung Nguyên, Quan Trung. Hơn nữa trong thời kỳ Túc Tông bắt đầu ra quy định giữ độc quyền về diêm nghiệp. Thuế muối từ từ trở thành nguồn thu tài chính chủ yếu của Đại Đường. Mà vùng phụ cận Quảng Lăng thừa thãi muối biển, cái này càng khiến cho Quảng Lăng có vị trí hết sức quan trọng ở Đại Đường. Trong một thời gian rất dài, Đại Đường Diêm Thiết Giám ( tương đương với tổng cục thuế vụ ngày nay) được thiết lập tại Quảng Lăng.
Tháng tư, đúng là lúc lá tươi hoa tàn, hoa rụng lả tả vào tiết cuối xuân. Tại huyện thành Giang Đô ở trên một bến thuyền tư, một chiếc thuyền nhỏ mui đen đang chậm rãi cặp bờ. Một nam nhân hơn bốn mươi tuổi ngồi ở đầu thuyền, đầu hắn đội mũ sa, mặc bộ áo bào xanh, ba chòm râu dài phất phơ tới ngực, trong mắt lộ ra vẻ khôn khéo. Đứng ở phía sau hắn là hai nam nhân cường tráng, họ đều mặc áo đen ngắn, trên mặt không có thể hiện tình cảm chút nào. Hiển nhiên bọn họ là tùy tùng của nam nhân trung niên.
Thuyền nhỏ cặp bờ. Người chèo thuyền ân cần chạy lại bắc ván lên mạn thuyền “ Khách quan, đây chính là bến đò Tống Cẩm Ký, đích đến của ngài.”
Người trung niên mỉm cười, liếc mắt về phía sau cho tùy tùng. Một người tùy tùng đưa năm quan tiền “ Đây là tiền đò của ngươi, mặc cả đúng năm quan tiền. Một văn không thiếu.”
“Không thiếu! Không thiếu!” Người chèo thuyền thu tiền về mà cảm ơn ngàn vạn lần. Hắn có ý vẫn còn chưa nói hết: “Nghe giọng của khách quan là từ Trường An tới. Nhưng ngàn vạn lần cần phải chú ý một điểm. Nghe nói gần đây Sở gia kiểm soát chặt chẽ người từ Trường An đến đấy.”
“Đa tạ!” Người trung niên chắp tay rồi xoay người lên bờ. Trên bờ sông là một con phố nhỏ phía nam của huyện thành Giang Đô, cũng là nơi có cửa hàng dày đặc. Ở đây phần lớn kinh doanh các loại gấm vóc, hàng hóa chủ yếu đều là được vận chuyển thông qua đường thủy cho nên con sông nhỏ này trở thành lối vận chuyển của mỗi nhà mỗi cửa hàng. Con phố nhỏ này là mặt sau của cửa hàng nên người đi trên đường rất thưa thớt. Chỉ có một số người làm thuê đang vận chuyển hàng hóa. Tống Cẩm Ký là một quán bán tơ lụa thuộc về quy mô hạng trung, chủ yếu kinh doanh gấm Tứ Xuyên. Mặc dù quy mô hạng trung nhưng mỗi ngày cũng có doanh thu ngàn quan. Nếu như ở tại huyện thành nhỏ thì nó cũng coi như là cửa hàng lớn số một số hai. Đáng tiếc nó nằm ở Dương Châu buôn bán phồn thịnh, những cửa hàng lớn mỗi ngàycó hàng vạn quan thu chi thì chỗ nào cũng có. Sở Mặc Đường của Sở gia hàng ngày có thu nhập tài chính cao gần sáu vạn quan liên quan tới lương thực, vải súc, lá trà cùng lượng lớn hàng hóa. Còn có phường thêu của Lý Thừa Hoành chuyên buôn bán tơ lụa xa hoa, đồ sứ cao cấp, thu chi tài chính hàng ngày tới bốn vạn quan tiền; Ngô Việt Đường của anh em nhà Lý Thân buôn bán với Đại Thực, hàng ngày tài chính ra vào tới ba vạn năm nghìn quan. Lại còn những gian hàng Quan thương Đại điếm của quan phủ lũng đoạn các ngành buôn bán chính ở Quảng Lăng. Đa phần trung tiểu thương chỉ có thể kiếm sống nhờ những mối nhỏ.
@by txiuqw4