sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 109: Xâm Nhập

So với tất cả những người ở đây thì tôi có thể chất kém nhất, chỉ cần dọa là có thể chết ngất ngay được. Chú Ba biết điều này nhưng vẫn cho người bảo tôi đi xuống cái hố kia. Hiển nhiên là dưới đó cũng không nguy hiểm, chắc có lý do cần đến tôi nên chú mới gọi. Thật lòng tôi không muốn xuống chút nào vì cái hố này bốc mùi quá nặng!

Nhưng không xuống cũng không được. Mọi người xung quanh đang đổ dồn chú ý vào tôi, xem tôi sẽ phản ứng thế nào. Tôi thấy không thể cự tuyệt được nên đành nhờ Hắc Nhãn Kính giúp đỡ rồi theo dây bắt đầu tụt xuống cái hố dưới kia.

Khi vừa mới trèo vào trong hố, đầu óc tôi vốn đã căng tới mức sắp sinh ra ảo giác, lại còn được chào đón bằng một mùi nước tiểu đậm đặc, khiến tôi không tài nào thở nổi. Ban nãy thấy Chú Ba trượt xuống tưởng dễ dàng, nhưng thực ra phải dùng rất nhiều khí lực mới giữ được thăng bằng vì vách hang quá dốc. Chỉ tụt xuống một chút mà người tôi đã dính đầy hỗn hợp chất thải và bùn đất. Khó chịu tới mức phải cau mày.

Hắc Nhãn Kính liền nhìn tôi cười nói: “Thật ngại quá, nhưng anh bạn trẻ yên tâm, nước tiểu có tác dụng rất tốt cho làn da”

“Con mẹ nó, tốt như thế sao anh không để lại mà dùng, thải xuống hố này làm gì,” tôi nổi cáu đáp lại.

Hắc Nhãn Kính cười rộ lên vài tiếng, người bên trên nghe thấy tưởng có chuyện gì xảy ra liền ngưng thòng dây xuống. Hắc Nhãn Kính liền lấy đèn pin ra nhấp nháy báo bọn họ cứ tiếp tục hành động.

Bốn phía nhanh chóng tối sầm lại. Nơi này vừa chật hẹp vừa dốc đứng, ngay cả ngẩng đầu nhìn lên cũng khó. Ngoại trừ ánh đèn của Hắc Nhãn Kính ra thì tôi không còn thấy được gì khác. Cũng may là đang đà đi xuống nên không đến nỗi quá mệt.

Tôi nhìn người bên cạnh vẫn còn đeo kính đen nên lấy làm lạ, liền hỏi: “Anh đeo kính như vậy mà vẫn nhìn được sao?”

Hắc Nhãn Kính nhìn tôi cười cười: “So với không đeo thì đeo vào vẫn thấy rõ hơn.”

Tôi không hiểu câu nói của anh ấy có ngụ ý gì, nhưng cũng không buồn bận tâm. Chỉ lẳng lặng tụt xuống tiếp và không hỏi thêm câu nào nữa.

Từ lúc đi xuống tới giờ tôi mới bắt đầu phát hiện ra một khe hở trên vách đá. Soi đèn pin qua thì thấy nó khác với những vết nứt tự nhiên. Mới đầu thấy khe hở vô cùng chật chội, hơn nữa lại rất sâu, chỉ đủ cho một người nghiêng thân hóp bụng lách qua. Nhưng khi nhìn xa hơn phía dưới thì thấy khe đá càng rộng ra. Tôi có cảm giác đây như là một quả núi bị chém ra làm đôi mà chỗ tôi chuẩn bị tiến vào là giữa vết đao chém đó.

Điều khiến tôi kinh ngạc là trên vách đá có rất nhiều hang nhỏ như hốc đá thờ Phật trong các di tích Phật giáo. Giống như người ta đem toàn bộ núi đá khoét ra mấy hố lõm rồi nhồi đầy bùn đất vào bên trong. Tôi thấy có nước rỉ ra bên ngoài một vài hốc đá. Tứ phía có rất nhiều hốc đá như vậy, bùn đất bên trong nửa khô nửa ướt, rạn nứt trông như bánh xà phòng để lâu không dùng tới.

Xung quanh hố này nhìn đâu đâu cũng thấy toàn hốc đá, ngay cả trong khe nứt kia cũng có. Không biết chúng được hình thành như thế nào? Chúng tôi bắt đầu chen vào trong khe hở. Tôi sờ soạng bề mặt của nó thấy tương đối rắn chắc, đây hẳn là được cấu tạo từ đá sỏi và đất bùn nên sờ vào rất ẩm ướt. Loại đất này cơ bản giữ nước rất tốt. Tiếp tục xuống thêm chút nữa, chúng tôi liền tới một khu vực mà vách đá được bao phủ bởi bùn khô. Tôi tính sờ một chút xem thế nào nhưng Hắc Nhãn Kính lại cản không cho tôi động vào. Anh ta nói: “Cẩn thận, đừng làm vỡ lớp bùn này.”

“Trong đó có gì vậy?” tôi hỏi.

“Xác chết”. Hắc Nhãn Kính soi vào lớp bùn trước mặt, thấy trong những vết nứt lộ ra một màu trắng toát của xương cốt.” Hố chôn tập thể! Nơi này có thể là do người dân trong thời kỳ nguyên thủy xây lên. Họ không dùng đá mà dùng bùn đắp lại quanh người chết rồi đặt vào trong khe núi, từ đó tạo thành huyệt.”

“Huyệt sao? Đây là nơi như vậy ư?” Tôi rùng mình thốt lên.

“Để xây dựng nên một công trình như vầy nhất định phải hy sinh rất nhiều người. Những người đó có thể là tù binh và nô lệ. Sau khi chết ở trong này không thể mang ra ngoài nên xác bị vùi lại đây. Xung quanh Vạn Lý Trường Thành cũng có không ít những nơi như thế,” Hắc Nhãn Kính giải thích.”Đến rồi.”

Tôi nhìn xuống bên dưới thấy cửa vào trong khe hở không còn xa nữa. Một bên vách của nó được chạm nổi lên bằng thạch bích. Từ trong có ánh sáng đèn pin lấp lóe, chắc chắn là Chú Ba đang ở bên trong.

Hắc Nhãn Kính lại lấy đèn pin ra hiệu cho người bên trên dừng thả dây. Tôi vừa nhảy xuống đất, chân còn chưa đứng vững thì đã bị Chú Ba kéo tuột vào bên trong.

Đường vào khe hở vô cùng chật chội, hơn nữa trần động lại rất thấp – chỉ cao khoảng nửa thân người. Tôi chỉ còn cách cúi gập người xuống mới đi vào được bên trong, chân mỏi đến phát run nên vừa vào tới nơi là tôi lập tức ngồi thụp xuống mặt đất. Sau đó thì tới lượt Hắc Nhãn Kính khom lưng đi vào.

Đưa mắt nhìn bốn phía tôi thấy hai bên vách khe nứt có rất nhiều rễ cây mọc tua tủa bao quanh những khối bùn khô. Trong này cũng có những hốc đá lõm, sắp thành hàng thẳng tắp trên vách đá. Còn nghe thấy tiếng nước chảy trên phế tích. Nhìn lại tôi phát hiện ngoài khe đá này còn vài vết nứt nhỏ khác nữa. Hiển nhiên những cơn địa chấn đã làm cho tầng đất đá ở đây bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Nhìn bên trong nơi này vô cùng hỗn độn. Vì chung quanh có nhiều dấu vết rạn nứt nên khi phế tích sụp đổ cũng tạo ra vô số khe hở. Tôi liền hỏi Chú Ba: “Sao chú muốn cháu xuống đây?”

“Chú muốn cho mày xem cái này,” chú nói rồi bảo tôi đi theo. Chúng tôi đi tới một khe hở nhỏ rồi mọi người cùng ngồi xuống. Chú dùng đèn pin soi vào một vách đá, lúc này đang bị bao phủ bởi một tầng rễ cây.

Lúc đầu tôi không thể nhìn ra được ở đó có gì, vì tất cả đều bị phong hóa bởi rễ cây và cát. Chỉ khi ghé sát mắt vào nhìn mới nhận ra có người đã khắc chữ lên trên vách đá. Trong lòng tôi thất kinh nhận ra hình như là chữ cái tiếng Anh, nên vội túm lấy tay Chú Ba rồi bảo chú soi đèn vào gần một chút. Cẩn thận quan sát thêm chưa đầy một giây tôi đã nhịn không được thốt lên một tiếng: “Ai da.”

Chú Ba nói: “Cháu xem có phải những chữ cái này giống với ký tự mà Tiểu Ca để lại khi chúng ta ở trong núi Trường Bạch không?”

Tôi gật đầu, đây quả là ký hiệu mà Muộn Du Bình đã khắc lại trong núi Trường Bạch. Trong lòng tôi thầm mắng, con mẹ nó chứ, chẳng lẽ Muộn Du Bình vừa mới qua đây?

“Chú làm sao phát hiện ra cái này?” Tôi hỏi Chú Ba.

Chú lau hết bùn trên mặt rồi đáp: “Đừng quan tâm chuyện đó. Cháu có thể khẳng định được đây là bút tích của Tiểu Ca mà không phải là của người khác chứ?”

Tôi không rõ ý của chú nhưng vẫn gật đầu tỏ vẻ chắc chắn. Chú Ba lập tức ngoắc Hắc Nhãn Kính lại và nói: “Cậu bảo toàn bộ những người trên kia xuống đây, chúng ta đã tìm được cửa vào rồi.”

Hắc Nhãn Kính lập tức nhận lệnh lui ra ngoài rồi lấy đèn pin ra hiệu cho những người ở trên.

Tôi hỏi Chú Ba rốt cuộc đang xảy ra chuyện gì? Lúc đó Chú Ba mới nói: “Cháu nhìn kỹ xem ký hiệu này, thấy nó có gì đó khác với ký hiệu ở núi Trường Bạch không?”

“Khác nhau ư?” Tôi vẫn chưa hiểu Chú Ba đang đề cập tới điều gì nên lại ghé sát mắt vào nhìn. Lần này mới phát hiện ra một lớp bụi dày trên bề mặt ký hiệu.

Ký hiệu được khắc lên trên vách đá, nhưng loại đá này lại không thích hợp để làm như thế vì tuy chúng rất cứng nhưng lại có tính chất giòn. Nếu lực không đủ thì không có dấu vết còn lực quá mạnh thì sẽ làm cho cả khối đá vỡ vụn. Ký hiệu này nhìn qua tương đối phức tạp, có thể thấy nó được khắc rất cẩn thận. Còn màu xám trên bề mặt của nó cho thấy đó là dấu hiệu bị oxi hóa. Bụi trên ký tự cũng trùng khớp với tầng bụi phủ quanh vách đá. Như vậy khẳng định ký hiệu này có thể đã được khắc từ cách đây vài năm.

“Không đúng,” tôi nghi hoặc nói: “Đây là một ký hiệu cũ? Để cháu xem lại…”

Chú Ba nói: “Không cần xem nữa. Nếu bút tích này đúng là của Tiểu Ca thì không phải vừa được khắc vài ngày trước, mà cậu ta đã lưu lại nó từ lâu rồi”.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx