sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Để yên cho bác sĩ "Hiền" - 3.Đười ươi chân nhân

Để yên cho bác sĩ "Hiền"Đười ươi chân nhân

Năm cuối đại học, bạn bè xôn xao chạy tứ tán xin đề tài khóa luận, mình không đi mà ở nhà chuẩn bị tài liệu thi tốt nghiệp. Bọn cùng tổ chửi: "đồ điên! Làm khóa luận vừa nhàn vừa điểm cao không muốn lại đâm đầu vào học vớ vẩn, để thời gian mà ôn thi Nội Trú, chứ cày hộc bơ ra điểm vẫn thấp." Mình kệ. Nội trú khi ấy vẫn là một khái niệm gì đó xa vời không rõ ràng. Một thứ hàng xa xỉ cho đứa nhà nghèo như mình.

Tốt nghiệp trường y với tấm bằng trên tay, mình mừng húm thấy bản thân vẫn còn lành lặn chưa sứt mẻ gì. Buổi tối hôm ấy, bố đãi ông bác sĩ con bằng các món ăn tự nấu bao gồm cơm sống, đậu sống, măng chua xào, thịt bò đen xì. Mình nuốt vào và chảy nước mắt,khen: "ngon lắm! ngon lắm!". Hóa ra những ngày mình đi học, ông vẫn lọ mọ ở nhà và tự phục vụ cuộc sống theo cách đó. Bà chị mình đi lấy chồng, thỉnh thoảng té tạt về nhà được lúc nhát. Bữa cơm có cậu một mình ngồi cùng, mình bảo bố lấy vợ đi. Bố cười buồn, bố đến với mẹ từ số phận, ông không vượt qua được quá khứ. Bố bảo: "học xong rồi, nghỉ ở nhà một năm cho lại sức, xin việc sau". Mình hỏi: "còn ở nhà một tháng rồi đi học tiếp, Bố có nuôi được con nữa không?". Bố gật đầu. Thế là mình tiếp tục đi, bắt đầu khởi đầu cuộc hành trình mới. Mình muốn bố thêm lý do để tiếp tục hi vọng để cuộc sống bớt nhàm chán.

Ra Hà Nội, mình đăng ký học định hướng chuyên khoa nội 6 tháng. Thời gian thử thách không biết làm gì nên đú đởn theo bạn bè đi học ôn thi Nội Trú, xác định học cho vui chắc gì đã đỗ. Từ trước đến giờ, mình vẫn ấn tượng với hồi sức cấp cứu nên quyết định đăng ký thi không đắn đo. Đứa bạn gàn: "làm vất vả chết, lại nghèo, mày thi làm gì!". Mình lắc đầu: "tao thích". Bọn thi nội trú dự định thi chuyên ngành nào thường ít khi bô bô cái mồm ra như mình. Mọi người sẽ nghe ngóng trước khi lựa chọn chuyên ngành tránh các cao thủ, đồng thời tung hỏa mù doạ đứa khác, kín miệng đến phút cuối cùng để có nhiều cơ hội đỗ hơn. Mình không thế, thích là thích, trượt thì thôi, áp lực không quá nặng nề. Năm đó, bộ môn cũng mở đào tạo định hướng, các anh bảo đi học trước làm quen rồi và nội trú làm việc luôn. Mình trốn biệt, nhảy sang định hướng nội bổ sung kiến thức đã. Học hành lơ ngơ thế quái nào năm ấy đỗ được nội trú, chẳng may đỗ. Có một chút nỗ lực và may mắn trong đó. Hăm hở về ăn ngủ ở nhà chuẩn bị "đi tù", béo ị như con heo đúng nghĩa.

Thời sinh viên, gia đình chăm nuôi hoàn toàn chỉ mỗi nhiệm vụ ăn và học. Nhiều đứa học không được phải cố hoàn thành nhiệm vụ còn lại đó là cố mà ăn. Kết thúc 7 năm học gồm đại học và chuyên khoa định hướng, bắt đầu gia nhập lực lượng bác sĩ nội trú bệnh viện. 50 chú toả ra hơn 20 chuyên ngành khác nhau, các đồng chí còn lại sau một năm miệt mài học tập thi không đỗ cũng tỏa ra đi xin việc khắp nơi. "Loài nội trú", một thứ theo một vài đại ca đi trước bảo rằng nửa người nửa ngợm nữa đười ươi, tuổi đủ xếp loại sắp già. Nếu như đứa nào dưới quê, thì gia đình sớm lo sốt vó vì chỉ có đúp lại mới học lâu thế. Hàng xóm thì thào câu vào câu ra, nội thanh minh không cũng mất cả ngày. Ăn bám mãi xấu hổ chết, tiền chưa kiếm được, vẫn ngửa tay xin đều nhưng bóp mồm bóp miệng hạn chế bớt, bắt đầu biết ngại. Hoàn cảnh éo le đời xô đẩy loài nội trú bước vào đời sống chị Dậu. Mình di chuyển từ ký túc xá nhà trường sang ký túc xá dành cho bác sĩ nội trú bệnh viện, vị trí rất phong thủy- cạnh nhà xác.

Cái tổ kiến nơi loài nội trú cần mẫn đi đi về về mỗi tối, mở cửa, tu bảo dưỡng và ngáy như sấm ấy luôn luôn tiết kiệm tiếng người và thừa thãi âm nhạc. Hằng ngày, nội trú được nghe nhạc; hằng giờ, nội trú được nghe nhạc; lúc ăn, phụ chú được nghe nhạc; trừ lúc nội trú ngủ, nghĩa là vào buổi tối. Cuộc sống cũng quý tộc nếu như cái thứ nhạc được nghe không phải nhạc đám ma và đồ ăn không phải mì tôm "cởi truồng" (mì tôm không phụ gia). Nghe mãi đâm nghiện! Có ngày cuối tuần không đi chơi, nằm nhà không ngủ được mặc dù đêm trước trực thức lòi mắt, người bải hoải chạy ra chạy vào không làm được cái gì ra hồn. Không phải mình mình bị thế, mấy đứa cùng phòng cũng trong tình trạng tương tự. Đang lầm bầm 'đ** ngủ được!" thì một đứa buột mồm: "hôm nay không có đám ma nào nhở?" Cả lũ à một cái, hóa ra thiếu nhạc đám ma nên không ngủ được. Mình cất công tìm hiểu giai điệu ấy, hóa ra nhận đám ma chính là bài Xẩm Thập Ân, tải ngay về con iPod nghe mỗi tối. Rồi hồ hởi đi khoe khắp kí túc như thằng nghiện và được nắm heroin. Một lũ nghe xong xuýt xoa với nhau: "Hà Thị Cầu rên rỉ hay hơn Xuân Hinh".

Tiền lương của nội trú hệ Nội từ khóa mình về trước được bộ y tế ưu ái trả. Trước khi nuốt được món hời này, mình đã phải nghe hàng đống từ ngữ. Lúc phổ biến, mình đang mải nói chuyện, nghe đâu loáng thoáng đại loại như vinh dự, hân hạnh gì đó. Mức ưu đãi giống như thập kỷ rưỡi trước, nghĩa là... Hai trăm hai mươi ngàn một tháng, nhà trường ưu đãi lắm lắm mới cho thêm hai trăm, vị chi bốn trăm hai mươi ngàn đồng mỗi tháng. Tất cả sướng rơn. Chúng mình sống bằng lý tưởng và không khí quen rồi. Phòng mình hoành tráng, bốn đứa góp tiền mua hẳn cái tủ lạnh mini cho oai. Cắm chạy sà sã hàng năm trời không có gì bỏ vào, mỗi lần mở ra hôi rình.

Từ khi chuyển vào viện ở, mình bắt đầu có thói quen cà phê ở căng tin bệnh viện, nơi mình quen miệng gọi là cà phê nhà xác để phân biệt với cà phê trong căng tin nhà Nhật. Ở đó bán thứ cà phê có vị hoi hoi mà các học viên CKI (chuyên khoa I) Tây Nguyên nơi quê hương cafe Ban Mê về học ngồi nhăn mặt chê tởm quá tởm quá uống không nổi, còn mình điềm nhiên uống ngon lành, thu hoạch được bao nhiêu con mắt hâm mộ của dân Cà phê chuyên nghiệp. Mãi sau này mình mới biết thứ nước mình uống là đậu tương và ngô rang cháy, cà phê chân chính không có cái vị ấy. Công việc căng thẳng, cà phê là thứ "ma túy" giúp mình tỉnh táo cả ngày lẫn đêm làm việc. Huỳnh huỵch từ sáng đến trưa, hối hả vào phòng ngồi chưa ấm chỗ, liếm vèo phát hết suất cơm nguội ngắt, xong rồi lại lao ra làm việc, lầm lũi làm. Lúc nào bệnh nhân đông quá, lộn xộn, mình bức xúc sủa nhặng lên một hồi là bệnh nhân rúm lại im re, rồi lại lầm lũi làm việc tiếp. Cuối ngày trôi ra ngoài bệnh phòng, trước khi về ký túc xá, Bé tập vào cà phê Nhà Xác làm cốc cho tỉnh táo rồi về ôm con laptop cho đến lúc đi ngủ. Đến một ngày dạ dày bắt đầu biểu tình, nó phát ốm khi phục vụ mình.

Mình bị nôn ra máu lần đầu tiên. May một mình ở nhà không ai phát hiện. Sợ quá giấu biệt. Tối về, bọn cùng phòng hỏi: "mặt mày sao xanh mét thế". Mình bảo mệt rồi nhăn nhở cười trừ. Bạn có việc cần nhờ, mình tắt điện thoại trốn mất, báo hại bị chửi là đồ kiêu căng, đến tận bây giờ, chúng vẫn còn nhắc. Các cụ nói số thầy thì để cho ruồi nó bu quá không sai. Suốt ngày, mình lại ngại với bệnh nhân cần thế nọ cần thế kia, đến khi mình bị bệnh, bỏ qua tất mọi kiêng cữ, vẫn đi ăn cơm muộn, vẫn nhảy loi troi lên khi có chuyện, tự mua hàng đống thuốc về uống, may không thấy tái phát lần nào. Mình vẫn chưa chết, chỉ ngắc ngoải.

Trong một năm sụt tất cả 9 kg, nhanh phát khiếp! Ai cũng kêu sao mày sút nhanh vậy, làm việc để sống chứ làm để chết à. Nhìn quanh ai cũng làm việc như mình, có khi còn hơn mình nhiều lần, hình như chúng ta đang dắt tay nhau xuống địa ngục. Về nhà bố bảo bỏ nội trú đi, ở nhà bố xin việc. Mình cưới he he bảo cố đến nước này không bỏ được. Lúc mới vào nội trú, mình trắng và tròn tròn hơi kiểu"em chã", chị em khen rồi rít đẹp trai hiền lành, mình chỉ nhăn nhở cười trừ. Sau bao năm, tự nhiên thành tinh, thỉnh thoảng được chị em y tá nhắc lại quá khứ, mình đau khổ lầm bầm: "tại các cô mà tôi mới ra nông nỗi này, già, đen, bẩn và cạu cọ".

Nội trú luôn bị so sánh với cao học và phải chịu áp lực kiến thức và tay nghề cao hơn cao học, mặc dù cao học là những người đã đi làm, đã có ít nhiều kiến thức cùng kỹ năng thực tế. Một số học viên cao học còn cao thủ hơn nội trú nhiều lần. Lắm lúc tinh vi, chỉ bảo tận tình anh chị phải làm thế này phải làm thế nọ, sau rồi biết nói hớ, nhập tăm im thít, cun cút làm việc, bị đá đít không dám ẳng lên tiếng nào. Ngày làm việc, tối đọc sách, rồi báo cáo báo chồn inh lên. Liên tục lên khoa từ trời chưa nắng và ra về khi trời mọc sao chi chít. Đi qua nhà xác, trời tối vắng người, tiếng bước chân cành cạch nghe như tiếng chân người đuổi theo sau, dựng tóc gáy. Một số đứa bị cớm nắng trắng ởn, cứ ra ngoài đường là cười ngơ ngẩn dù chả có việc gì để cười. Cái vẻ mặt của nội trú Nội bước thêm bước tiến mới, đặc trưng hơn sinh viên Y một bậc, theo từ ngữ dân gian gọi là "cái mặt viêm não bẩm sinh"

Loại nội trú sống đơn giản, ước mơ cũng nhỏ nhoi. Trực đêm 30 Tết, khi tất cả thành phố náo nức đi xem bắn pháo hoa, gửi bệnh phòng chạy vù ra cổng bệnh viện, nhìn xe đi lại một tí rồi quay về lòng hân hoan. Vậy là đã thỏa mãn lắm lắm!

Nội trú là một thứ gà công nghiệp. Một nửa đời đi học, tốt nghiệp phổ thông 12 năm song lao vào học đại học 6 năm, chờ thi nội trú 1năm, học tiết 3 năm, vị chi hai mươi hai năm liên tục không ngơi nghỉ, các bậc cha mẹ méo mặt nuôi con. Cuộc sống không chờ đợi ai, lũ bạn ngành khác đã lên chức nọ chức kia, vị trí cùng gia đình ổn định, đi đâu cũng là lượt đàng hoàng. Còn mình đầu bù tóc rối, ra ngoài đường chân xỏ dép tổ ong, áo phông quần bò. Tự thấy may mắn hơn rất nhiều đứa khác vì không phải lo lắng đến vấn đề kinh tế, chỉ phải lo học. Để duy trì cuộc sống, các bạn nội trú khác đổ xô đi trực thêm buổi tối tại các viện tư, kiếm vài trăm nghìn mỗi buổi tối để duy trì cuộc sống. Công việc hàng ngày, đọc sách, báo cáo, trực tối, trực thêm chiếm hết thời gian. Lúc nào cũng thèm ngủ. Cuộc sống và công việc đẩy con người mất hết niềm tin vào điều tốt đẹp, mình rơi vào stress kéo dài.

Nhiều học nội trú là nghề tay trái origami của mình phất lên như diều, nên tích trữ hàng thùng giấy màu các kiểu dưới gầm giường và trên nóc tủ. Về đến phòng,leo được lên giường là vớ ngay tờ giấy gấp gấp bóp bóp xả stress. Thỉnh thoảng ra được cái gì đó là sướng cười rinh rích. Bọn cùng phòng gọi mình là nghệ nhân bóp chim, thằng đồng môn mất dạy đẩy sự éo le lên mức cao hơn, nó gọi mình là chim giấy. Rồi cái tên trên giấy cũng lan ra xa, chị em trong khoa thì thào hỏi mình chim giấy nghĩa là thế nào, mình hào phóng tặng luôn cho chị em con chim, chị em sướng rú lên bảo chim đẹp, chim đẹp, hehe. Thành quả đầu tiên hơn 20 năm theo đuổi Korigami chính là cuốn sách đầu tiên được in ở Mỹ và châu Âu cùng các bạn Việt Nam. Đứa bạn ở nước ngoài email về, nó ngạc nhiên thấy cái mặt mình trên một kệ sách bên xứ Anh Quốc xa xôi, đâm nghi ngờ hỏi cho ra nhẽ. Thú thực, sách in iếc hoành tráng vậy nhưng với đồng lương của mình lúc bấy giờ không đủ để mua nổi quyển sách của chính mình.

Một nội trú chân chính bị coi là con gà tây đúng nghĩa: ra đường bị công an bắt không biết xin xỏ thế nào; đi chợ mua toàn đồ kém chất lượng mà không biết. Ở Hà Nội 9năm, mình chỉ biết mỗi đường đến viện Bạch Mai với Việt Đức cùng một vài viện khác. Biết mình thuộc loại thiểu năng bẩm sinh về tìm đường, mỗi lần hẹn hò gì, Bọn bạn thường lấy Bạch Mai làm tâm khoanh vùng địa điểm trong bán kính 2km,thế mà vẫn đi lạc như thường. Cuộc sống Không chỉ có công việc, đi làm và đọc sách. Mình nhận ra cuộc sống cần có những niềm vui khác. Trường đời có bao nhiêu thứ cần tìm hiểu, chỉ số IQ có thể không đến nỗi nào nhưng EQ thấp một cách thảm hại. Xã hội thì đầy rẫy những kẻ lọc lõi sẵn sàng xẻ thịt bất cứ con gà ngây thơ nào. Những khuôn mặt thánh thiện có tâm hồn ác quỷ luôn hiển hiện khắp nơi, những Chí Phèo có cái đầu Bá Kiến sẵn sàng ăn vạ những điều vô lý. 22 năm lao đầu vào học quên hết tất cả đến lúc tốt nghiệp nội trú, ngoài vấn đề chuyên môn, kiến thức xã hội là con số 0 tròn trĩnh. Mình quay trở lại xuất phát điểm ban đầu, học lại bài học vỡ lòng về niềm tin.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx