sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Để yên cho bác sĩ "Hiền" - 4.Nhiệt huyết giá rẻ

Để yên cho bác sĩ "Hiền"Nhiệt huyết giá rẻ

Sau 3 năm học nội trú, mình được bộ môn ưu ái giữ lại làm giảng viên. Đối với nội trú mà nói, được về bộ môn là điều đáng tự hào. Về làm giảng viên sẽ được tiếp tục làm việc chuyên môn, đồng thời giảng dạy cho các thế hệ đàn em theo sau. Được lũ sinh viên gọi bằng thầy, mặt oai như cóc. Giảng viên trường Y khác trường khác, không chỉ giảng dạy mà điều tiên quyết là phải làm việc tại một trong các bệnh viện trung ương. Qua nhiều niềm vui cũng như nỗi buồn, trái tim mình bị khuyết đi một chút, không đến nỗi thảm thương nhưng đủ để thúc đẩy mình ra quyết định không giống ai: tạm gác lại tương lai, xin phép về quê làm việc.

Bạn bè sống, đồng nghiệp sốc, thầy sốc, rồi mọi người thi nhau chửi, rồi dọa dẫm. Mình kệ. Từ trước đến giờ, mình không thích cuộc sống bon chen, đặc biệt chưa bao giờ thích sống ở Hà Nội. Kể cả bây giờ, dẫu đã có nhà rồi, mình cũng không thích ở đó. Cuối tuần, mình toàn lượn về quê cho sướng. Mình chỉ muốn có một công việc chuyên môn đơn thuần, ở cùng gia đình vui vẻ, nghèo nhưng thoải mái. Bọn bạn bảo mình già trước tuổi nhiều quá. Cách suy nghĩ của mình không giống đại đa số đám đông nên thường bị quy cho là lập dị. Mình thấy cũng chẳng sao. Mình muốn sống giữa không gian yên tĩnh nhiều cây cỏ, thường huyên thuyên với bạn rằng, mai sau mình làm một ngôi nhà mái ngói nhỏ sống giữa hồ sen. Chúng nó bảo vậy ra bãi giữa sông Hồng mà ở.

Cuối cùng thầy đồng ý cho đi, mình nặng lắm đi mình lẳng lặng đi, hành trang mười năm học là cái Balo đựng vài bộ quần áo cùng một thùng sách. Bắt chuyến xe về nhà trong một chiều nắng, bố, anh rể và chị gái đón mình bằng nụ cười ấm áp. Đã xong. Mình muốn rũ bỏ mọi thứ để bắt đầu lại từ đầu. Một nỗi buồn đâu đó len lỏi trong tâm trí không thể cắt nghĩa, trái tim rỉ máu có chút an ủi. Không ai hỏi câu gì. Bà chị bảo vậy là tốt rồi.

Mình nằm nhà đọc báo, xem phim. 10 năm nay chưa bao giờ được xem chương trình tivi nào tử tế từ đầu đến cuối. Vội vã chiếm ghế salon nằm ườn trên đó ngày này qua ngày khác, mắt chăm chú vào tivi. Cô giúp việc thấy mình đờ dẫn thỉnh thoảng lượn qua hỏi hay không, anh giật mình hỏi lại gì hay. Cô lắc đầu đi làm việc tiếp. Bữa trưa ngồi ăn cơm với cả nhà, ngẫm nghĩ buổi sáng mình xem gì không nhớ nổi. Đầu óc bị trục trặc gì đó. Ở nhà chán, mình vác con máy ảnh lượn khắp nơi, chụp từ bãi rác đến nhà hàng, từ đứa bé đỏ hỏn mới lọt lòng mẹ đến cụ già sắp xuống lỗ,mang về chất đầy ổ cứng. Rồi lại chán. Hí hoáy mua giấy nhăn đem chế lại thành giấy gấp origami phù hợp, bôi keo khắp phòng. Cô giúp việc hì hục dọn. Sau một tuần, mình làm được 4 mẫu ông Phật, đưa lên mạng gây sóng gió xôn xao. Một bậc thầy về Origami thế giới gửi mail đề nghị hợp tác, mình từ chối và chỉ đồng ý kết bạn đàm đạo. Rồi lại chán. Ăn không ngồi rồi mãi không chịu được.

Một ngày không đẹp trời, không mưa không nắng, chạy xộc từ trên gác xuống túm tờ báo trên tay bố, mình nói ngày mai con đi làm. Bú dương mục kỉnh lên nhìn mình phát bảo ừ, rồi với tờ báo đọc tiếp.

Vác ba lô, áo phông quần bò, xỏ dép nhựa bước chân vào bệnh viện tỉnh xin việc. Bà chị gọi với theo ăn mặc tử tế rồi hãy đi. Mình ậm ờ: "em muốn là chính mình". Gặp người quen, những cái bắt tay hồ hởi có chút nghi ngại kèm theo câu hỏi: "em về đây làm gì?" Lên phòng giám đốc đặt vấn đề xin làm việc với lý do gần nhà, không muốn đi xa. Ban giám đốc rất hoan nghênh và giúp mình làm thủ tục chuẩn bị đi làm: chuẩn bị công việc mới, môi trường mới cùng những người bạn mới. Xuống khoa gặp mặt lại chưng ra cái kiểu cười ngờ nghệch, mọi người thực sự hơi ngạc nhiên chuyện mình đã từng học nội trú. Họ thì thào không dưng về đây làm gì và cho rằng cái kiểu cười của mình không phải là ngờ nghệch mà là nụ cười của nàng Mona Lisa bí hiểm. Ngày đầu tiên, mình chỉ phải đi chào hỏi làm quen, không phải làm việc, mọi người kéo nhau đi uống cà phê. Mình vẫn giữ thói quen uống cà phê hàng ngày dù không còn cảm giác căng thẳng nữa. Xác định với thói quen vô lối này, một ngày nào đó Cafein sẽ làm thịt hoàn toàn con dạ dày của mình cũng đành chịu. Sau một hồi bắt tay bắt chân ríu rít cùng các bác sĩ, mình gặp lại câu hỏi "em về đây làm gì?"

Bạn bè đồng nghiệp cùng ban giám đốc hoan nghênh nhiệt liệt. Mình không quan tâm đến mấy thứ giáo điều hình thức nên chẳng ấn tượng gì, mải buôn dưa lê với chị bạn chơi cùng, học cùng trường cấp 3 ngày xưa, giờ làm việc tại viện. Bà chị khoe vừa được vào biên chế xong, 2năm không lương cùng hợp đồng. Giờ lương hai triệu mốt, mừng ra mặt. Cụ thể thế nào mình không nhớ nhưng nói chung từ ngữ không bút nào tả xiết. Mình gọi là ngôn từ bay bướm, đặc trưng của các bài phát biểu đọc xong không ai nhớ. Có lẽ nếu người chết nằm trong quan tài nghe xong cũng phải nở nụ cười mãn nguyện nơi chín suối.

Xong xuôi mọi thứ, được gọi lên phòng tổ chức yêu cầu ký vào bản cam kết tình nguyện làm việc tại bệnh viện tỉnh ít nhất 10năm. Mình hỏi tại sao, được trả lời đó là quy định của tỉnh dành cho sau đại học muốn cống hiến cho quê hương: thưởng 10 triệu và được xét đặc cách vào biên chế với lương tháng 100% Ngay từ đầu hai triệu mốt một tháng. Mình nhẹ nhàng hỏi: "10 triệu để đổi một văn bản bắt buộc làm việc 10 năm theo các anh chị có đáng không? Nếu thấy đáng em sẽ kí". Không ai trả lời. Mình đề nghị làm việc hợp đồng, nộp hồ sơ thi công chức như bác sĩ bình thường không cần đặc cách. Và đó là cú sốc đầu tiên của tuần làm việc đầu tiên.

Mình về quê bởi mình muốn mỗi sáng thức dậy, hít thở không khí trong lành, các con xe đạp đi làm, công việc chuyên môn đơn thuần không vương vấn gì. Chiều muộn, lại thang thả đi về. Cuối ngày, lang thang công viên hóng mát, tản bộ dưới những gốc cây hoa đại trắng thơm thơm. Có thời gian đọc ít sách và đôi khi, muốn chơi bời gặp gỡ bạn bè. Những đứa bạn cấp 3 mười năm không gặp gần như quên mặt, chúng nó bảo mình là thợ lặn bậc 7, đọc mình khó hơn tổng thống. Mình cười đáp: "bởi tao là người vô sản chân chính. Do đó, khi áp dụng lý luận kinh tế chính trị học, nghề của tao thuộc loại vô giá liên đương nhiên khó gặp." Lâu quá không gặp, mức độ thân thiết cũng nhạt bớt dần đi, mình hiểu điều đó. Chừng ấy năm học đủ để xóa nhòa hình ảnh bạn bè ngây thơ trong đầu, thay vào đó là những ám ảnh bệnh tật. Thay vì mở rộng mối quan hệ, mình thu mình lại, cuối tuần, nhảy lên con nghẽo già (cup 82) chơi xa từng chuyến, không quên vác con máy ảnh rẻ tiền chụp chiếc tứ tung. Cái đầu bình yên, đi thực hiện những dự định cho riêng mình. Cảm giác thời gian ấy như một giấc mơ, một giấc mơ đẹp nhưng bất an. Cuộc sống không đơn giản như chúng ta vẫn nghĩ.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx