sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Để yên cho bác sĩ "Hiền" - 5.Về quê

Để yên cho bác sĩ "Hiền"Về quê

Mình bắt đầu những ngày cặm cụi từ nhà đến viện, công việc mới không đến nỗi vất vả nhưng trách nhiệm nặng nề hơn. Mình phải chịu trách nhiệm về mọi thứ, không như hồi còn nội trú, làm việc thoải mái và "cọc 1" chịu (cọc 1 là bác sĩ chịu trách nhiệm về hành chính và chuyên môn cao nhất tua trực). Bây giờ nghĩ lại thấy rợn người, thấy ngày xưa mình liều khủng khiếp, xong bị "cọc 1" chửi nhiều lúc ấm ức không nói ra miệng được, nhưng phải có thời gian tăm tối ấy mới thành người được. Trong ngành y, sự thật về đôi khi không có lợi cho chuyên môn, nhưng thật khó khăn khi đứng giữa ngã ba đường: danh vọng, sự nghiệp và hiệu quả công việc. Một đàn anh đi trước gõ đầu mình hỏi: "Nếu phải lựa chọn, mày chọn cái gì?" Nếu cuộc sống bệnh nhân nằm trong tay, giải pháp an toàn bao giờ cũng là số 1, Đây là những điểm chung của dân nội khoa (trong đó có mình). Bởi làm tốt một nghìn con bệnh không ai biết đấy là đâu, được coi là chuyện đương nhiên, tuy nhiên chỉ một lần sơ sảy là thân bại danh liệt. Mà kiến thức y học rộng mênh mông, đi cả đời chỉ được một đoạn nhỏ, sao chắc được điều mình biết là đúng. Người ta bảo : "ngành y bạc" điều này thì vô cùng đúng.

Làm việc cái gì cũng thiếu, cái gì cũng có nguy cơ hỏng, đã hỏng thì còn lâu mới có tiền sửa. Mình đi hết từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác như đứa trẻ lần đầu thăm sở thú. Đến nỗi mà có lần, mình lang thang qua khu khám bệnh của bệnh viện, thấy một bác già tay chống nạng, tay cầm phiếu nói oang oang : "phí khám có 3000₫ thì khám cái đ** gì, đ** bằng tao uống cốc nước chè, thôi về, ra Hà Nội cho sớm chợ." Mình cười rú lên, hài hước kinh. Ra Hà Nội, vào nhà vệ sinh công cộng đái phát cũng mất 2000₫, chứ đừng nói chuyện làm gì to hơn, Hay gửi cái xe máy vào phố cổ cũng mất 10000₫. Thế mà khi khám bệnh có bảo hiểm y tế giá 3000₫ vẫn tồn tại một cách hợp lý cho đến bấy giờ (khoảng năm 2010)

Một buổi chiều về khoa, bác Trưởng Khoa khoe rối rít được viện mua cho đám đường chuyên dụng khoa hồi sức giá thị trường 300 triệu đồng một cái, lắp thêm cho Khoa hẳn bốn cái điều hòa công nghiệp xấp xỉ 200 triệu đồng. Thế mà khung giá giường hồi sức bệnh nhân trả vẫn 17 nghìn đồng một ngày. Tối tối, người nhà bệnh nhân nằm la liệt trong phòng bệnh, chen cả vào bệnh nhân, bảo vệ mời nhất định không ra, còn sừng sộ chửi ngoài trời nóng không chịu được, nóng không cho người ta vào rõ là không có y đức. Họ nói chuyện ríu rít, thiếu mỗi việc mình mở quán bán nước chè kiếm tiền thế là thành khu giải trí, vui kinh. Hóa ra tận đến khi đi làm, chúng ta vẫn phải sống bằng niềm tin, những thứ mà thời gian đi học không bao giờ biết được.

Không có tiền tái đầu tư, mỗi lần cần sửa cái gì, tất cả đều đăm chiêu nghĩ trăm phương ngàn kế để có tiền đem sửa bởi tiền được phân chia theo kế hoạch từ đầu năm hết rồi. Nên mỗi khi khoa nào có ý kiến nhà em trục trặc cái này cái kia, tức khắc cả ban giám đốc toát mồ hôi. Mình thường nói đùa với các bác ấy là tuyết rơi trên sa mạc Sahara. Đi uống bia với mấy đứa bạn bác sĩ mới quen, mình bảo chúng nó: "tao nguyện làm người bình thường. Ngồi ghế nóng đã khổ sẵn, Chẳng may lót thêm cây xương rồng, khi dùng có bị trĩ ngoại cũng không xi nhê gì bằng. Thảo nào mặt lãnh đạo ai cũng khó đăm đăm".

Mắt tròn mắt dẹt mãi thành quen, mình bắt đầu từ cái dây điện tim buộc chằng chịt dây chun xanh đỏ, hay thấy cái dây máy thở dán đầy băng dính vào lỗ thủng giống cái săm xe đạp hàng trăm mảnh vá thời bao cấp trở thành bình thường. Ngoài việc sống bằng niềm tin ra, mình còn được chẩn đoán bệnh bằng niềm tin và điều trị bằng niềm tin. Thuốc bảo hiểm chỉ có hạn trong một danh sách nhất định, có những thuốc mình chưa dùng bao giờ hoặc có thuốc hiện nay vi khuẩn kháng hết rồi, không được khuyến cáo dùng trong một số trường hợp vì hậu quả của thói quen uống kháng sinh vô lối không chỉ dẫn của người dân. Những thuốc đặc hiệu hơn viện không có hay bảo hiểm không chi trả, muốn dùng cho bệnh nhân và yêu cầu họ ký bệnh án. Người không hiểu bảo: "mình có bảo hiểm, chúng nó điều trị dằng dai không khỏi để bắt mua thuốc ngoài uống đỡ ngay, dã man thế!". Trong khi bác sĩ nào bị thắc mắc, bệnh viện sẽ đánh tụt hạng xếp loại, cuối tháng trừ lương. Mình bị thắc mắc mấy phát, Mai bệnh viện tương tình không phạt bởi phạm lỗi lần đầu. Để khỏi vướng vào chuyện lằng nhằng này, lợi lộc không thấy đâu, lại toàn mua phải rắc rối, tốt hơn hết đi theo chủ nghĩa "makeno" (mặc kệ nó mặc kệ nó), lúc này ranh giới của y đức cực kỳ mỏng manh, đôi khi không thể phân định nổi. Cuối cùng bệnh nhân cũng dựa vào niềm tin mà sống. Ai là người hưởng lợi? Chẳng ai cả. Báo chí và xã hội càng a dua theo bọn tin tức lá cải thì người thiệt thòi đầu tiên vẫn là bệnh nhân chứ chẳng ai khác.

Mình bắt đầu trực đêm "cọc 1". Thông thường mỗi việc giữ cho bệnh nhân trong khoa ổn định trong đêm và nhận thêm bệnh nhân nặng mới đã đủ phát rồ rồi. Bệnh viện tỉnh còn thêm nhiệm vụ chuyển bệnh nhân lên tuyến trên. Mỗi bệnh nhân chuyển viện, Mình biết đến gần 20 cái giấy khác nhau: nào giấy chuyển viện, giấy chuyển bảo hiểm, sổ vận chuyển, sổ lưu Khoa, sổ lưu bệnh viện, bệnh án, giấy đi đường, lệnh điều xe v.v. và v.v. Hồi còn nội trú, có làm gì đâu ngoài cái bệnh án, nhiều nhất là cái giấy báo tử gửi nhà xác vì ở viện tuyến cuối. Thành ra, những ngày đầu tiên rối tinh rối mù cả lên, minh huy động hết nhân viên ngồi viết, mãi sau mới quen. Hùng hục cả đêm đến hôm sau mệt phờ. Thế mà mình nghe nói có năm, nước mình họp, rút tiền trực đêm xuống có 7000₫. Hóa ra, người ta coi sự an toàn của hàng mấy chục bệnh nhân trong đêm chỉ đáng có 7000₫. May mà đã thay đổi. Khi mình về đấy, tiền trực tăng lên 300000₫ một tối, sinh mạng người bệnh được nâng lên 5 lần, nghĩa là bằng một bát phở rưỡi. Mình làm ngành y cũng chưa hiểu hết chân tơ kẽ tóc vấn đề, khi đi làm mới hiểu tại sao bác sĩ chữ xấu. Đêm đói run tay lại viết nhiều lấy đâu ra đẹp, hehe. Điểm hình ông anh cũng khoa, mình thường gọi chữ ông ấy là những con giun mắc chứng động kinh.

Các bác sĩ bệnh viện tuyến dưới thực không giống như người ta vẫn nghĩ vì trường y đầu vào toàn người có cái đầu tốt, học tốt. Thi vào trường Y có năm 9 điểm một môn vẫn trượt mà nói bác sĩ ngu thì hơi lạ. Khi ra trường, ai cũng đầy hoài bão như mình, xuất phát điểm như mình, đều muốn cống hiến nhưng chính hoàn cảnh đã tôi luyện biến họ thành những cái bóng của chính họ. Họ phải lo cơm áo gạo tiền, phải mua sữa cho con, phải gom tiền cho con đi học, phải bỏ tiền cho hàng trăm thứ khác cần lo trong cuộc sống. Có ông bác sĩ gần nhà mình chuyển hẳn sang tiêm lợn vì chữa cho lợn nhiều tiền hơn, Vả lại chẳng may lợn chết thì bị chửi là cùng. Chữa cho mấy con lợn mà ông đủ hẳn tiền nuôi đứa con học đại học, ra trường, xong nó đi làm ngân hàng nuôi cả nhà. Giờ ông giải nghệ, hằng ngày, dắt cháu ra công viên chơi bời vui vẻ.

Bạn bố mình làm y sĩ, ngày xưa nghèo rớt, cơm chẳng đủ ăn. Quẫn quá bỏ nhà lên rừng làm lâm tặc, thế quái nào vớ được mỏ vàng, ẵm một mớ mang về. Bây giờ, đầu tư vào bất động sản giầu khụ. Mỗi lần lái con ôtô sang nhà mình chơi, ông nhe hàm răng vàng cười lấp lóa bảo mình lại đâm đầu vào cái nghề này làm gì cho bạc. "Lấy con gái bố đi rồi đi buôn với bố, bỏ mẹ cái viện với lũ bệnh nhân ấy đi. Bao giờ có nhiều tiền rồi mày muốn làm gì cũng được, mua bao nhiêu bệnh nhân về điều trị chơi cũng được" ông khảng khái. Mình không thích phiêu lưu nên lắc đầu cười he he : "con gái bác nặng tạ rưỡi không hợp, không hợp."

Thời gian trôi nhanh như tên lửa, thoáng cái mình đã làm việc được 2 tháng. Hai tháng, Suốt ngày nghe điện thoại lũ bạn gọi chán chưa ra đây đi. Mình bảo chúng nó làm việc ở nhà hay lắm không ra đâu. Mình có hàng đống bạn mới, mỗi tối trực, cả khoa nấu cơm cho nhau ăn sướng hơn cơm hộp nhiều lần. Thấy mình lặn mất tích gần nửa năm trời, bọn bạn sốt ruột tập trung làm hẳn chuyến xe về nhà mình định ra xem chỗ làm việc hay ho thế nào. Tụ tập ăn uống bù khú ngủ quên mất, sáng hôm sau bầu đoàn thê tử cuống cuồng kéo nhau về Hà Nội từ sớm tinh mơ cho kịp giờ làm việc. Về nhà với nhau um xùm rằng chỗ thằng ấy làm việc vui lắm mặc dù chưa ngó đến tí nào.

Song song với công việc chuyên môn. Mình bắt đầu cùng anh trưởng khoa xây dựng hệ thống thận nhân tạo. Những cái máy mới tinh nằm im lìm hành nhiều tháng trời mà vẫn chưa triển khai được khiến mình sốt ruột. Vượt qua hành đống thủ tục thông thường, mình liên hệ bạn bè khắp nơi từ Việt Đức, Bạch Mai, trường Đại học Y và cả trung tâm Thận Hà Nội cũng sẵn sàng giúp đỡ nếu cần. Điều may mắn của những năm học nội trú là có nhiều bạn, mình cũng có chút uy tín trong đám con sâu cái kiến nên vấn đề con người bắt đầu tạm ổn. Nhưng vẫn chưa triển khai được. Đến nỗi, có hẳn một cuộc họp bàn về vấn đề tại sao chưa triển khai được trọn cả buổi chiều. Mình đề nghị ban giám đốc nếu giao toàn quyền cho mình, thì chỉ một ngày là đầy đủ mọi vật tư cần thiết và ngày hôm sau chạy được luôn. Mình nhận được câu trả lời làm như vậy sai nguyên tắc, mọi trang thiết bị phải thông qua vật tư bệnh viện mà vật tư vẫn đang đợi thầu, tóm lại, vẫn chưa triển khai được. Cũng giống như những cuộc họp khác, kết thúc rồi không ai biết tắc ở khâu nào, tất cả hồ hởi ra về với niềm vui mình không bị trách nhiệm gì. Sau hôm ấy, mình ca bài ca con ốc, nghĩa là ngậm chặt cái mồm lại. Đó chỉ là chuyện rất nhỏ trong những vấn đề to đùng khác.

Cuộc sống công việc trôi đi một cách êm đềm, gia đình và đồng nghiệp như một thứ thuốc an thần giúp trái tim mình bình yên. Mình bắt đầu biết an phận, mỗi ngày đi làm, cho thuốc bệnh nhân, xong đú đởn đi uống trà giao lưu ở các khoa khác. Khi nào có ca bệnh hay ở các khoa, mọi người lại gọi, tại te tởn chạy đi xem, rồi đưa ra hàng đúng chẩn đoán mà không có cách nào chứng minh vì xét nghiệm không đủ. Mình khuyên bọn trẻ đi học bổ sung kiến thức bởi học xong ra trường đi làm ngay vừa là lợi thế cũng là thiệt thòi cho bọn nó. Trong khi, bạn nó trong tình trạng trang thiết bị thiếu thốn, không được tiếp cận kiến thức mới. Thầy mình từng nói, muốn làm chuyên môn giỏi phải có lý thuyết soi đường. Khốn nỗi, đi học thì ai làm, nhân lực đang thiếu gần chết.

Ban đầu, mình đinh ninh rằng bọn này lười như hủi, cả viện chỉ có mấy mống sau đại học, cho lại làm lãnh đạo cả. Sau nghe bọn trẻ kể học xong mọi người bỏ đi sạch, chấp nhận đền bù để ra đi, mình mới hiểu giải bài toán nhân lực khó đến thế nào. Cũng chẳng trách ai được, họ đi vì mưu sinh cuộc sống. Đến giai đoạn nào đó, gia đình là trên hết. Những lý tưởng sẽ lùi bước cho những lo toan cơm áo gạo tiền, có lẽ sau này mình cũng vậy. Khi đã về trường, các buổi tối trực, mình kể cho bọn nội trú trẻ nghe những khó khăn từng gặp phải và khuyên chúng nó lúc còn vô tư nên cố mà học. Học cho đến khi nào đầu nổ tung ra thì thôi.

Mình định chôn vùi tất cả những tham vọng trong cuộc sống, rút về cái tôi ích kỷ chỉ biết riêng mình. Cho đến một ngày, một bệnh nhân đã làm mình thay đổi cách nghĩ,nó ám ảnh suốt những ngày sau đó. Mình nhớ đến câu nói của Mục sư thầy trụ trì ngôi chùa gần nhà, nơi mẹ được gửi lên đó. Mỗi tháng một lần, bố đều đặn, thi thoảng có mình đi cùng, thắp hương cầu mong sự thanh thản. Sư thầy nói: "ông trời không cho ai tất cả cũng không lấy của ai tất cả, Con phải biết quý trọng cuộc sống này. Kẻ ăn mày đi trả nợ kiếp người để xã hội biết rằng vẫn còn người cùng khổ. Họ vẫn sống, vẫn yêu dù cho cuộc đời bạc bẽo với họ. Họ vẫn đi theo rắc thứ TÌNH trong nhân gian, rồi có hôm nào thành nhiệm vụ, ai đó thấy họ nằm bên đường cô đơn". Khi ấy liệu có giọt nước mắt nào rơi?


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx