sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Để yên cho bác sĩ "Hiền" - 6.Để gió cuốn đi (1)

Để yên cho bác sĩ "Hiền"Để gió cuốn đi (1)

Bệnh nhân trẻ tuổi, đôi mắt đẹp đầy u ở. Mình tìm thấy sự cô đơn và cam chịu khi nhìn vào đôi mắt ấy. Bệnh nhân chuyển vào khoa hồi sức trong một buổi chiều hè, suy hô hấp nặng do ngạt nước. Qua tìm hiểu, mình biết nó đã sống một phần đời trong yên lặng, không âm thanh, không tiếng cãi cọ, sự tĩnh lặng hư vô mà mình sẽ phát điên nếu ở trong đó 10 phút. Nó bị câm điếc bẩm sinh, bố chết từ hồi bé tí, mẹ con rau cháo nuôi nhau. Mẹ nó gửi vào xưởng mộc gần nhà học việc, một lúc nghịch dại sĩ diện với bạn cùng làm thách nhau nhảy xuống hồ nước. Người ta vứt nó lên đưa vào cấp cứu. Không một tiếng kêu rên, phổi trung bọt hồng. Mình đặt nội khí quản cho nó thở máy, bắt gặp ánh mắt sâu thăm thẳm đang nhìn, chợt thấy đôi tay run lên. Mình tự chủ liệu rằng nó có cần giải thoát. Giải thích cho gia đình tiên lượng xấu, dù nằm tại đây hay chuyển đi thì cơ hội sống không thay đổi. Từ trước đến giờ, bệnh viện chưa giữ ca tổn thương phổi ngạt nước bao giờ, hoặc cho về, hoặc chuyển ngay chấp nhận khả năng ngừng tim trên đường vận chuyển. Cuộc sống quá nghiệt ngã với nó rồi, về nhà ăn cơm mà trong đầu ám ảnh ánh mắt ấy. Buông bát cơm bảo: "bố, con đến viện". Biết tính tình thất thường, bố không lấy làm lạ, chỉ nói với theo: "Sao không ăn hết rồi hẵng đi".

Mình quyết định giữ bệnh nhân ở lại điều trị bởi nếu chuyển, nó sẽ chết trên đường. Trang thiết bị không đủ, mình hoàn toàn làm theo kinh nghiệm. Người căng lên theo dõi từng dấu hiệu nhỏ nhất, rồi phỏng đoán diễn biến của nó sẽ theo hướng nào. Sau 3 ngày, tổn thương phổi nặng hơn, bệnh nhân chuyển sang dạng ARDS, X quang phổi trắng xóa. Thông thường chết ráo cả, mọi người bàn cho nó về. Mình bảo mẹ nó hãy cho nó một cơ hội, dù mỏng manh. Thấy mình hùng hục như trâu, cả khoa xúm vào giúp. Kéo co giữa Diêm Vương và mình diễn ra, bắt đầu những ngày căng thẳng. Mình đâm cáu bẳn, áp lực chuyên môn đổ lên cái não bé tí, người nhà thò thụt phong bì làm mình nổi điên xua chạy mất dép. Ăn không ngon ngủ không yên mất 20 hôm, may mà bệnh nhân đỡ dần rồi rút được nội khí quản. Nó vẫn im lặng, mình vẫn nhìn thấy ánh mắt mênh mang. Nó chỉ tay vào mình rồi đặt lên ngực, lần đầu tiên mình thấy nó cười. Hai mươi ngày đó, mình hứng được một xô nước mắt của mẹ nó. Mình viết vào tờ giấy đưa nó đọc, bảo : "mày phải sống trả nợ mẹ mày hết số nước mắt ấy được không?" Nó gật đầu.

Mấy ngày sau, mình rảnh bắt đầu lượn qua các khoa uống nước trà như thói quen cũ, mọi người xúm vào khen rồi rít giỏi thế. Mình cưới he he bảo 80% bệnh nhân tự khỏi, 20% còn lại các bác sĩ không làm tính mạng nặng thêm lên. Thằng bé lấy sống do nó muốn sống, mình chẳng đóng vai trò gì ghê gớm cả. Vai trò của mình lúc đó chỉ có thắt nút dây kéo co giữa Diêm Vương với bác sĩ thật chặt, sợi dây bình hay gọi là dây neo trần gian. Vậy thôi. Các chị em mắt chớp chớp, cắn móng tay thì thào " khiêm tốn thế" mà theo mình biết móng tay nhân viên y tế chứa đầy khuẩn E coli (khuẩn gây bệnh tiêu chảy). Xem ra sau buổi nói chuyện với mình hôm ấy chắc chắn có người bị tiêu chảy nhiễm khuẩn.

Ngày bệnh nhân ra viện, cả hoa được ăn một thùng bánh đúc mẹ nó làm từ quê mang lên. Bệnh viện thưởng khoản tiền nho nhỏ cùng bức thư cảm ơn mùi mẫn gửi trên ban giám đốc, đọc xong mình quên béng mất vì nó dài quá, những bốn mặt giấy chả nhớ nổi. Nhìn bệnh nhân líu ríu với người nhà, mình nhận ra đó chính là kẻ đi phân phát chữ tình. Mình chỉ là người qua đường được nhận một mẩu nhỏ lắp vào con tim còn khuyết. Bài học về niềm tin chưa trọn vẹn nhưng cũng đủ cho mình thấy cuộc sống còn có những điều tốt đẹp để tiếp tục vững bước trên con đường đã chọn. Một anh bạn vỗ vai mình nói: "Mày sống quá lương thiện, đi đi em! Đi đi để thấy mình không đơn độc. Con cá chép phải đi ngược dòng thác, cố gắng vượt vũ môn. Dù mày có thành công hay không điều đó không quan trọng, quan trọng hơn cả là anh em thấy mày vùng vẫy được. Mày sẽ thanh thản vì đã cống hiến hết mình. Số phận này phải thế, có nhiều bệnh nhân như vậy đang đợi đâu đó. Đừng chôn mình trong ao làng để làm vật cảnh cho người đời trầm trồ. Tao đã quá già để thay đổi, đừng chết mòn như anh."

Mình bâng khuâng, quyết định rời xa môi trường từng gắn bó hàng chục năm ở trường y cũng vì một chữ tình. 6 tháng trôi qua ở viện tỉnh, nhìn lại mình đã đóng góp được gì trong dòng chảy dữ dội của cuộc đời? Ai thắng ai bại không cần biết, cuối cùng cũng chỉ là kẻ ăn mày đi gom góp những mảnh vỡ vá thành chiếc áo số phận. Thời gian 6 tháng không nhiều, nhưng đủ dài ngày cho suy nghĩ chín chắn hơn. Một buổi trưa đi làm về, vứt cái ba lô xuống sàn nhà túm tờ báo trên tay bố, mình nói: "con nghỉ việc, ngày mai ra Hà Nội". Giống như dạo trước, bố giương mục kỉnh lên nhìn mình phát bảo: "Ừ!" Rồi với tờ báo đọc tiếp. Bố biết với kiểu tính cách của mình, một ngày nào đó chuyện này sẽ xảy ra. Buồn một chút nhưng ông thanh thản.

Vác ba lô trên vai, chia tay những người đồng nghiệp mới. Trong buổi cà phê chia tay, mình nhắc lại chính con người tạo ra số phận, mình đi để xây dựng số phận cho riêng mình. Tiếp tục bước trên con đường khoa học chông gai, một khi đặt chân trên đó không quay đầu lại được. Khi về làm giảng viên bộ môn, Thầy mình bảo trải nghiệm đó không phải ai cũng có được. Không giáo trình nào tốt bằng bài học cuộc sống. Những bệnh nhân tử tế dạy cho mình bài học về tình yêu thương con người, những bệnh nhân củ chuối dạy cho mình bài học về chữ nhẫn. Cuộc sống có bạc bẽo, mình vẫn hạnh phúc thực hiện lý tưởng của riêng mình. Cuối cùng nói gì thì nói, nghề Y vẫn là một nghề, không ai thay đổi được chân lý ấy.

Mình thích Trịnh Công Sơn, xong một góc trang giấy nhỏ tập nhạc của ông mà mình mua từ lâu có đoạn : "cứ yêu đi, dù cuộc tình ra sao thì nó đã là một phần máu thịt của bạn rồi".

Sống trong đời sống cần có một tấm lòng để làm gì em biết không? Để gió cuốn đi.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx