sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 3: Những Vui Buồn Sài Gòn Giữ Giùm Tôi

Từ khi nào nhỉ, mà Sài Gòn đã nhẩn nha nhưng thâm trầm neo giữ những thương nhớ trong lòng chúng ta?

Tôi yêu Sài Gòn ngay từ thuở lọt lòng, ở một ô cửa sổ hầm hập cái nóng tháng Tám trong nhà hộ sanh Từ Dũ nhìn ra đường Nguyễn Thị Minh Khai trải dài những hàng cây thẳng đều tăm tắp. Thứ tình yêu từ tấm bé và vô điều kiện kia khởi phát từ một điều đơn giản nhất. Vì ở thành phố này, nơi ô cửa đó, tôi đã lần đầu tiên được nhìn thấy hai người thương yêu và chắt chiu tất cả tình yêu họ có để tôi thành hình. Là ba mẹ.

Có ba mẹ ở bên, có Sài Gòn dung dưỡng, tuổi thơ tôi bình bình đạm đạm lớn lên và tình yêu thành phố cứ mỗi ngày đầy đặn trong lòng trẻ nhỏ. Một cách rất đơn sơ.

Tôi yêu Sài Gòn những chiều nắng tắt muộn, mẹ chở tôi trên chiếc xe đạp cọc cạch lúc tan trường. Áo mẹ đẫm mồ hôi mỗi lần lên con dốc nhưng tôi cứ áp mặt vào lưng mẹ như thể đó là chỗ tựa đầu êm lành nhất sau một ngày xa nhà làm trò ngoan. Miệng líu ríu kể chuyện trường lớp, tôi nhìn thấy mẹ cười hiền từ vì sự hồn nhiên của con trẻ. Nụ cười ấy tôi vẫn nhớ đến tận giờ mỗi lần ngang qua con dốc cũ dẫn đường từ trường về nhà, cứ như thể chỉ vừa hôm qua. Vậy mà tôi đã thành một thằng-già lệch nghệch một mình trên hành trình trưởng thành và tóc mẹ thì đã lấm tấm đôi ba sợi trắng màu mây.

Tôi yêu Sài Gòn những tối sáng trưng đèn, ba dẫn tôi đi bộ quanh thương xá, nhìn tất cả mơ màng như lạc giữa một giấc mơ. Giấc mơ có ánh sáng, có bóng bay, có kẹo màu, có tất cả những điều ngọt ngào nhất mà trẻ nít khó thể chối từ. Ở đó, ba sẽ cõng tôi trên vai để tôi tự thấy mình trở thành người khổng lồ cao vượt mặt tất cả đứa nhỏ khác xung quanh, để dõi mắt ra xa và cao hơn nữa nhìn khắp khu Bùng binh Cây Liễu đang náo nức dòng xe ngược xuôi chạy tít tắp đến cuối bến Bạch Đằng. Dĩ nhiên, bây giờ tôi đã đủ lớn để đi xa khắp phía và nhìn khắp chân trời dài rộng, cũng như Sài Gòn cũng đủ tân kỳ hiện đại để dư dả những tòa nhà chọc trời cho tôi lên đỉnh mà “đăng cao vọng viễn”. Nhưng sao tôi vẫn nhớ quá cái cảm giác nhìn Sài Gòn xưa - thời mà những hàng cây sao, cây dầu ở công viên Lam Sơn vẫn chưa ngã xuống - từ trên vai ba. Hay có lẽ hàng cổ thụ ấy đã lớn lên cùng với tuổi thơ và tình yêu tôi dành cho thành phố? Cứ thế vươn dài bám chắc vào lòng đất của tâm hồn, chẳng thể đành đoạn quên bỏ dù cho lớn lên thêm bao lần tuổi mới và chứng kiến bao sự thay đổi văn minh?

Và tôi cũng sẽ không thể quên, tình yêu Sài Gòn còn đến từ những điều bình dị nhất của những con người bình thường nhất. Như cái cách một cụ già run rẩy đôi tay trả lại tôi tờ tiền mà tôi đưa dư khi mua giúp cụ vài tờ vé số, kèm theo câu nói: “Ông buôn bán đủ sống rồi, không muốn nợ tiền bạc ân tình của cậu”. Hay như lần buông thả sau cuộc tình tuổi mới lớn nhiều vụng dại thiếu chân thành, tôi uống xỉn bét nhè đến nỗi té xe trầy trật rồi lăn đùng ra giữa phố đêm nằm ngủ say mèm như một đứa trẻ ăn vạ với Nguyệt lão. Đã có hai cô gái làng chơi không quen biết tranh thủ lúc “vắng khách” lại dìu tôi dậy, ngồi kể chuyện đời để tôi chóng tỉnh và nhận ra, thất tình không hề là một nỗi buồn to tát so với nỗi ê chề của phận bán phấn buôn hương kiếm tiền nuôi gia đình.

À, và còn Huynh nữa chứ. Người phụ nữ đẩy xe bán bánh ướt ở góc đường phía sau lưng Nhà hát Thành phố. Người phụ nữ bị cuộc đời xô dạt tung lên đạp xuống biết bao lần đến nỗi tóc cắt sát và da sần đi trông không khác gì cái tên khách tứ xứ gọi chị - Huynh. Huynh hay đùa đời Huynh đắng cay lắm, đến độ trái ớt vô tay Huynh xắt cũng cay xè đắng đót. Điều này thì tôi vẫn nhớ mỗi lần ăn đĩa bánh ướt nóng hổi thơm mùi giá chần, rau quế và nước mắm nồng vị ớt hừng hực như xé lưỡi... Bây giờ xe bánh ướt đã không còn ai đẩy và Huynh cũng đã nằm yên dưới mấy tấc đất của Sài Gòn - mảnh đất chứng kiến tất thảy vất vả nhọc nhằn của một người cần lao trên xứ này. Thi thoảng đi qua góc đường ấy, tôi vẫn thấy vài nén nhang chẳng biết của ai thắp lên cho người đã khuất. Khói tỏa tờ mờ, bàn ghế lác đác, cảnh tượng đáng ra phải trông có vẻ rờn rợn u tịch lắm. Nhưng tôi lại thấy ấm lòng. Vì những thực khách ở Sài Gòn vẫn chưa quên bẵng người ra đi - dẫu họ chỉ là những người dưng vô danh vô phận chỉ biết nhau qua một đĩa đồ ăn mưu sinh cơm áo gạo tiền.

Còn nhiều lắm những con người không nhớ tên biết mặt nhưng chính họ đã giúp tôi hiểu ra Sài Gòn đáng để mình yêu và nhớ lắm. Vì ở đây, từ những điều nhỏ nhặt nhất, đều rất đỗi chân thành.

Và dĩ nhiên, tôi còn yêu Sài Gòn lắm-lắm-lắm, là vì Em.

Em có biết những con đường chúng ta đã từng qua, tôi đã cho mình cái quyền tự thay tên và đặt biệt danh mới cho nó trong tâm trí? Đường Trần Hưng Đạo đã trở thành “Nhà của người thương”. Đường Phạm Ngũ Lão có tên mới là “Nơi nụ hôn đầu”. Cầu Calmette là “Nắm lấy tay anh”. Đại lộ Đông Tây lại ghi dấu “Cái ôm trọn đời không ai thay thế được”. Nếu thành phố biết lên tiếng nói, hẳn câu đầu tiên sẽ hỏi: “Vậy tóm lại, cậu yêu tôi - tức là Sài Gòn - nhiều hơn, hay yêu người ấy nhiều hơn?”. Bởi vì dẫu đi đâu loanh quanh, trốn chạy đến cuối đất cùng trời, tôi vẫn chẳng thể quên em đã từng là cả một thời tuổi trẻ đẹp nhất của tôi. Và cứ thế, tôi lại trở về Sài Gòn. Để tìm em. Hay chính xác hơn, là tìm lại tất thảy kỷ niệm từng có với em giữa lòng thành phố này. Dẫu cho bao sự đời đã khác xưa, tôi cũng không còn đủ trẻ dại để chạy theo giữ tay em lại suốt một quãng đường dài giữa Sài Gòn 1 giờ hiu hắt sáng. Có điều, chúng ta có lớn thêm, già đời, thì vẫn chỉ thấy an toàn và thân thuộc giữa cái nôi nuôi lớn hình dong và tâm hồn mình - là Sài Gòn. Thế nên, tôi vẫn hy vọng và hằng tin, dẫu hoang đường đến thế, rằng em rong ruổi đi đâu chán chê, rồi cũng sẽ trở về. Và tôi, như chính sự chịu thương chịu khó đầy nhẫn nại của Sài Gòn, vẫn sẽ chờ.

Vì em biết đấy, chúng ta đều là những người cùng yêu lắm Sài Gòn, vậy sẽ trọn vẹn biết bao nếu chúng ta cùng-yêu-nhau?


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx