sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 23: Hy Lạp - Thịnh Tình Thần Thoại!

Thủ đô Athens của Hy Lạp - như chính tên gọi - là nơi để thờ phụng cho Thần Athena - Vị thần của trí tuệ và chiến tranh chính nghĩa trong thần thoại Hy Lạp. Thế nên, không có gì ngạc nhiên khi đền thờ Parthenon dành để ngưỡng vọng nữ thần lại được xây trên Acropolis - đỉnh cao nhất của thành phố, nơi có thể nhìn thấy bốn bề thủ phủ từng rất huy hoàng trù phú này.

Buổi chiều, lên đồi nằm ngắm xuống toàn cảnh Acropolis[6], thấy trời đất mênh mông, thấy đá cuội vĩnh hằng, thấy màu xanh ngút mắt. Chỉ có mình là hữu hạn và bé nhỏ như bụi trần chút thôi! Ba công trình đáng chú ý trên đỉnh đồi Acropolis là đền Parthenon (thờ Nữ thần Athena), đền thờ vị vua Erechthion và cổng đền Propylaea. Quần thể kiến trúc được xem như “đỉnh cao của trí tuệ nhân loại thời cổ đại” ngày nay chỉ còn lại những cột đá, khối gạch chồng xếp lên nhau, nửa như dở dang, nửa như sụp đổ, hoang phế và điêu tàn. Dẫu thế, ngàn năm đá cuội, vẫn bền lòng hướng nhìn mây trôi...

Cảm giác chạm tay vào từng phiến đá có tuổi đời ngàn năm thật sự rất rưng rưng. Cứ như thể được nghe kể lại chuyện xưa tích cũ từ một già làng rất đỗi kiệm lời và thâm trầm. Nghe lời đá cuội mà hiểu ra hữu hạn đời người, để biết rằng hưng thịnh của một vương triều có thể chỉ còn là quá vãng, nhưng những gì hậu thế nhắc nhớ sau này sẽ còn là một câu chuyện dài và trường cửu như “Thần thoại Hy Lạp” vẫn luôn được kể nghe.

Thật ra đến Athens tôi buồn nhiều hơn vui, vì thấy được những vết tích xưa cũ đã bị chiến tranh, cướp bóc, thời gian... hủy hoại quá nhiều. Đến cả ngôi đền được xem như là vĩ đại nhất của kiến trúc Hy Lạp nói riêng và của ngành khảo cổ học thế giới nói chung, giờ chỉ còn là những cột đá xiêu vẹo mất mát. Tự nhiên nhớ đến một câu thơ của nữ sĩ Bà Huyện Thanh Quan: “Nền cũ lâu đài bóng tịch dương. Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt”...

Ừ thì lâu đài trên đỉnh Olympus ngày xưa có thể đã sụp đổ lâu rồi, nhưng niềm tin vào thần thoại thì xin đừng bị chúng ta bỏ hoang giữa điêu tàn được - mất của cõi người, có được không?

Nỗi buồn vì chuyện quá vãng còn đang xốn xang thì tôi đã được dỗ lòng bằng tấm thịnh tình của người dân “xứ thần thoại”. Nhắc đến người Hy Lạp thì phải nói ngay rằng, họ mến dân châu Á lắm. Có lẽ một phần do đời sống kinh tế những năm trở lại đây của nước này đã lụn bại đáng kể và phải tiếp nhận sự đầu tư trợ giúp từ một cường quốc châu Á nên họ khá quý mến những bạn bè phương Đông. Phần khác, cuộc sống hơi chật vật khiến tính cách người dân xứ này cũng xuề xòa và cởi mở hơn, chứ không khó gần như một số bộ phận cư dân châu Âu sang cả khác.

Tôi vẫn nhớ khi đang thơ thẩn trên phố Adrianou, gặp một nhóm các em học sinh tiểu học đi dã ngoại ngược chiều mình. Khi ngang qua tôi, em nào cũng mỉm cười và vẫy tay thật cao chào “Hello”. Tôi hớn hỡ vẫy tay lại và chẳng mấy chốc, nguyên hàng dài ngay ngắn các bé đều đồng loạt quay lại, giơ tay chào vang cả góc đường. Giáo viên các em đi đầu hàng cũng ngơ ngác ngoái nhìn và khi hiểu ra tình hình, ông cũng nhiệt tình vẫy tay cười thân thiện. Chưa hết, khi tôi đang lang thang tìm quán ăn tối với dáng vẻ ngơ ngác của dân “phượt” lần đầu sang đây, một nhóm các chàng trai Hy Lạp từ phía kia đường đã băng sang và... chặn đầu, hỏi tôi có muốn nhập bọn không vì thấy tôi một thân một mình nhìn buồn quá. Và khi đang xếp hàng chờ gọi nước ở quán cà phê trên quảng trường Monastiraki, một cô bạn tóc vàng ươm như Mặt trời và đôi mắt xanh thẫm như màu biển Địa Trung Hải đã nhanh chóng ngỏ lời: “Bạn có muốn ngồi cùng bàn với tôi?”.

Đó là khi tôi hiểu ra, chứng nhân của một thời thần thoại có thể đã bị điêu tàn hoang phế, nhưng cốt cách lẫn tinh thần của xứ sở từng là quê hương các vị thần, vẫn sẽ nồng hậu và độ lượng như thế!

[6] Trong ngôn ngữ Hy Lạp, Acropolis có nghĩa là “thành phố trên cao”.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx