sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 24: Santorini - Thiên Đường Trắng Xanh

Người ta bảo Santorini dễ thương và “thiên đường” lắm, những cặp đôi chụp hình cưới hay đi trăng mật đều thường tới đây.

Người ta bảo Santorini là nơi ngắm hoàng hôn đẹp nhất thế giới, bởi biển Địa Trung Hải ở vùng này tiếp giáp gần nhất với đường chân trời nên biển và trời hầu như chạm lấy nhau.

Người ta cũng bảo nhiều thứ nữa lắm về Santorini của Hy Lạp - nơi mà hơn 5.000 năm trước những vị thần trên đỉnh Olympus đã trị vì và để lại cho vùng đất này những chứng nhân thần thoại trong từng bờ đá phiến gạch điện thờ...

Nhưng, đến Santorini rồi mới biết, tất cả những gì người ta nói đều chỉ là một phần rất-rất-rất-nhỏ về hòn đảo thiên đường - hay ít ra, là gần nhất với thiên đường này.

Đi tàu từ thủ đô Athens đến Santorini không rẻ hơn là bao so với đi máy bay sang đảo (vé tàu chừng 40 euro đi khoảng 8 tiếng đồng hồ, còn vé máy bay giá tầm 80-100 euro và chỉ mất 45 phút bay). Tuy nhiên nhờ đi tàu mà có được cả nửa ngày nhàn nhã lênh đênh trên Địa Trung Hải ngắm biển trời xanh ngắt màu thần thoại. Nếu khi sang Ý, đã hiểu thế nào là bầu trời màu thiên thanh thì đến Hy Lạp, lại biết biển khơi màu lam ngọc là thế nào. Biển ở đây xanh veo đến nỗi mỗi lần tàu rẽ sóng, khuấy nước tung tẩy lên thì chỉ để lộ ra một vùng nước xanh như mắt người Hy Lạp - tuyệt nhiên không một gợn đục nào. Thậm chí, nước biển sóng sánh hệt như rau câu và khi đứng nhìn từ trên cao, bạn sẽ thấy cả vùng đại dương dẻo quánh và óng ánh như đang chờ ai đó xắn từng miếng “rau câu” màu xanh thẫm này để nhâm nhi.

Ấn tượng đầu tiên về đảo trăng mật này là... nó rộng khủng hoảng chứ không chỉ luẩn quẩn trong một làng Oia với những ngôi nhà trắng - xanh mà chúng ta thường thấy trên bưu thiếp. Santorini có tổng cộng sáu bảy làng nhỏ, mỗi làng đều nằm bên triền núi lô nhô và người dân xây nhà như những hang động nhỏ ẩn sâu vào bờ vách.

Thế nên lời khuyên cho mọi người có ý định đến đây là nhớ mang theo bằng lái ôtô để tiện mướn xe rong ruổi ngang dọc khắp hang cùng ngõ hẻm. Bởi có rất nhiều nơi thú vị ở Santorini chứ không riêng gì ngôi làng ngắm hoàng hôn lộng lẫy nhất. Giá thuê ôtô một ngày khoảng 40 euro và thêm 20 euro tiền xăng là bạn sẽ thoải mái băng qua những con đèo khúc khuỷu dưới trăng, chạy từ làng trung tâm Fira đến làng Oia ngắm Mặt trời, rồi xuống làng Pyrgos, men đường núi ra Biển Đỏ hoặc đến tận vùng cực Nam của Santorini ở làng Acrotiri chiêm bái ngọn hải đăng. Mà này, bạn có biết chính người Hy Lạp đã phát minh ra ngọn hải đăng từ 2.000 năm trước chưa nhỉ? Họ gọi đó là “ánh sáng của bình yên”, vì những ngọn hải đăng tựa như một thiên sứ thắp lên hy vọng cho người đi biển, dẫn họ trở về với đất liền và người thân yêu.

Ban đầu đây chỉ là những đốm lửa của người dân trên bờ để giúp thủy thủ cập bến. Dần dà, người Hy Lạp nghĩ ra cách đặt đuốc lên những tháp canh bằng gỗ được xây trên các mõm đá cao chênh vênh nhằm cảnh báo từ xa cho tàu thuyền. Theo thời gian, hải đăng trở thành một niềm ngưỡng vọng tuyệt đối cho bất kỳ đoàn hải hành nào. Lạc lối đến đâu, chao đảo dường nào, chỉ cần còn thấy hải đăng là còn hy vọng trở về.

Tình yêu, cũng là một thứ hải đăng giống thế, có phải không? Dù đi xa đến đâu, trong lòng vẫn dáo dác dõi tìm. Chỉ cần biết phía ấy có một người vẫn đợi thì có mòn mắt phương trời cũng sẽ trông về riêng một hướng duy-nhất mà thôi!

Santorini ngày nay là những gì còn sót lại sau một vụ phun trào núi lửa khủng khiếp nhất cách đây 3.600 năm đã diệt vong cả một nền văn minh Minoa ngày trước. Sau sụp đổ, quanh miệng núi lửa cứ lún dần và tạo thành những hõm chảo địa chất, phần dung nham cứng hóa thạch trên đỉnh chóp được tận dụng để xây dựng thành đô thị chính ngày nay. Màu sắc của các bãi cát cũng phụ thuộc vào lớp địa chất do nham thạch ngày xưa để lại. Có những vùng biển với cát đá được tạo thành từ nham thạch đỏ, đen hoặc trắng... nên được gọi tên Biển Đỏ, Biển Đen, Biển Trắng. Tôi đã phải tận tay vốc nước biển và săm soi từng hạt cát ở Biển Đỏ để chắc mình không bị lóa mắt, bởi nguyên dải biển và vách núi trải dài xung quanh đều nhuộm kín một màu đỏ thâm trầm với thời gian. Cảnh tượng ấy một lần nữa lặp lại ở Biển Trắng với một màu trắng toát phủ lên vách núi và những phiến đá trên bờ thì trông hệt những viên kẹo bông gòn khổng lồ trắng xóa màu mây.

Nói đến màu trắng thì chắc khó có nơi nào vượt qua nổi Santorini về sự đồng bộ của nhà cửa khi tất cả hộ dân đều sơn nhà với sắc trắng tinh cùng những cửa sổ, hàng rào màu xanh da trời. Thế nên, sắc trắng và xanh cứ đan chen nhau phủ đầy trên đảo Santorini, hệt như màu quốc kỳ của xứ sở thần thoại này.

Nhà thờ là nơi duy nhất được sơn kín mái vòm bên trên với màu xanh đặc trưng của vùng Địa Trung Hải. Thế nên với hơn 250 nhà thờ lớn bé ở Santorini, bạn dễ dàng bắt gặp những mái vòm xanh màu trời ẩn hiện lấp ló trên các tầng nhà màu trắng, y hệt như mây trắng trên trời xanh đã bay xuống thấp gần vách núi để hóa thân thành nhà cửa phàm trần. Cứ dõi mắt ra xa, thế là chẳng còn biết đâu là nhà trắng - mái xanh, đâu là mây trắng - trời xanh nữa. Dường như tất cả đã tụ hội thành một, và Santorini đã ở rất gần với thiên đường trên cao.

Đến Santorini, dĩ nhiên phải đến Oia để ngắm hoàng hôn. Người ta bảo Oia là nơi ngắm hoàng hôn đẹp nhất thế giới, nhưng với tôi, đây còn là nơi ngồi chờ trăng lên bình êm nhất nữa cơ. Bởi hoàng hôn vừa xuống là ngay lập tức Mặt trăng nhô lên. Mặt trời một bên và Mặt trăng một bên. Ngồi giữa đảo mà có cảm giác mình được sống ngay giữa lằn ranh Ngày và Đêm, chứng nhân được cả sự chuyển giao phận sự của hai tinh tú đang miệt mài thắp sáng địa cầu suốt mấy triệu năm qua.

Một mình trên đồi cao, ngoảnh qua ngoảnh lại như một vệ tinh paronama quay toàn cảnh, thấy hai bên má mình ửng lên hai màu sáng khác nhau của Mặt trăng - Mặt trời. Người ta thường ví von hai tinh cầu muôn đời chẳng thể gần nhau này như một thứ tình yêu trái ngang của cách chia và bất tương ngộ. Nhưng rõ ràng, ngay giữa Oia mênh mông trời biển, ít ra hai vầng sáng ấy còn có thể thấy nhau từ xa trong vài khoảnh khắc - dù là ở hai khoảng trời đối lập. Phải chăng nơi đây được mệnh danh là “đảo ngắm hoàng hôn đẹp nhất” là bởi Mặt trời biết mình được gặp lại người thương nên mới cháy bừng xốn xang và thiết tha níu kéo chút ráng chiều thoi thóp?

Nắng tắt, trăng lên, và đêm đổ đầy tràn trên những mái nhà xanh trắng. Khách bộ hành lần lượt bỏ hẳn về, Oia im lìm trong hẻm vắng và đèn vàng. Tôi bước một mình giữa những bậc thang sáng trăng trong làng, nghe rõ ràng tiếng chân mình vang vang. Nhận ra đôi lúc, sự cô độc cũng vô chừng là lãng mạn!

Đi ngang qua một quầy hàng lưu niệm còn mở trễ, tôi ghé mua một quả cầu thủy tinh mang hình giáo đường trắng toát mái xanh đặc trưng của Santorini. Tôi luôn có thói quen mua những quả cầu tuyết gói gọn phong cảnh của từng vùng đất đã qua - như một sự nhắc nhớ về hành trình trong ký ức. Hơn cả, những món đồ ấy nhắc nhớ tôi về hành trình đi xa của sự cần lao và khéo tay mà người dân bản xứ gửi gắm trong từng vật phẩm lưu niệm. Thử nghĩ xem, những quả cầu tuyết, tượng thạch cao, vòng dây đeo, chú lính chì... được du khách thập phương mua về quê nhà hoặc tặng bạn bè phương xa đã giúp cho những thành quả lao động ấy được chu du khắp thế giới - nhiều hơn cả người làm ra chúng. Những nghệ nhân cả đời có thể chỉ quẩn quanh ở một nơi nào đó trên bản đồ phước phần vốn dĩ nhỏ bé, hữu hạn và cơ hàn, nhưng ít ra, cuộc đời họ đã làm ra được những thứ có thể chắp cánh bay xa. Và họ thực sự đã sống cuộc đời ý nghĩa và viên mãn bởi lao động có ích bằng chính đôi tay mình.

Với tôi, cuộc sống đó mới thực sự là thiên đường đúng nghĩa, tự tại ở nhân gian.

Hồ Alpsee - Đã xanh ngời liêu trai[1]

Từ Munich - thủ phủ của vùng Bavaria (mà những fan bóng đá đã quen gọi bằng cái tên Bayern thân thuộc), tôi bắt chuyến tàu sớm đi đến vùng Füssen khi trời còn tờ mờ sương. Gần 9 giờ sáng nhưng cảnh vật xung quanh vẫn như còn ngái ngủ, bởi vào mùa Đông châu Âu, Mặt trời thắp muộn và mây mù cứ quẩn quanh như lười nhác trở mình. Nhìn ra cửa sổ toa tàu, thấy li ti những bãi cỏ xanh còn đông cứng những giọt sương đã băng mình thành tuyết. Cả một mảng xanh ngút mắt bên đường, giờ chỉ còn thấy óng ánh những gợn trắng phủ bạc.

Từ xa, thành phố hiện dần trong mây và thấp thoáng là dãy núi Alps quanh năm tuyết phủ. Có vẻ chân lý “mây thuộc về bầu trời” đã không còn mấy đúng nữa, bởi ở nơi này, tay người hoàn toàn có thể chạm tới những viển vông trên cao.

Đến mây mà bản thân cũng với lấy được rồi, vậy mà sao không thể níu với lại bàn tay của một con người rất đỗi trần gian bên mình? Hay bởi sự đổi thay của người trần lúc nào cũng nhanh hơn cả mây trôi?

Xuống tàu và đi thêm một chuyến xe bus chừng dăm ba phút nữa, tôi đã đứng trước hồ Alpsee - niềm tự hào của vùng Füssen. Giây phút đó, cứ tưởng đang đi lạc vô xứ sở liêu trai. Vì mặt hồ trong văn vắt và xanh ngăn ngắt hệt như trong một giấc mộng thần thoại, chứ không thể nào tin trên đời lại tồn tại một cái hồ xanh màu hoang đường đến thế. Màu xanh chuyển từ sắc lá mạ non trong ngần ở bờ hồ sang màu lam nhạt lan dần ra giữa hồ, và cuối cùng nhuộm thành màu da trời ngút mắt tại nơi tiếp giáp với đường chân trời nhìn sang đỉnh Alps phủ đầy tuyết trắng.

Hồ sâu hun hút mà đứng từ cao vẫn nhìn thấy tận đáy vì nước trong suốt như thủy tinh và tuyệt nhiên không hề có rêu xanh tảo bám. Vậy thì cái màu xanh như thể có ai đó vừa đổ tràn cả giấc mơ xuống lòng hồ kia là ở đâu mà ra?

Hay là bởi vì hồ Alpsee nằm dưới chân tòa lâu đài Neuschwanstein - cũng chính là tòa lâu đài đã gợi cảm hứng cho hãng phim chuyên về cổ tích Walt Disney vẽ nên logo của hãng, và là nguyên mẫu của câu chuyện “Công chúa ngủ trong rừng” ngày nào?

Tôi lia máy ảnh, định thu vào trong khuôn hình nhỏ nhoi sự kỳ vĩ của mặt hồ liêu trai. Nhưng dĩ nhiên, bất khả. Thay vào đó, tay lại bất giác chụp ngay đúng lúc một đôi vịt cổ xanh đang rẽ nước bơi về hai hướng. Khoảnh khắc đó, lòng tôi cũng dờn dợn một nỗi bi quan bàng bạc như gợn nước đang nhuốm ráng chiều.

Tự dưng hồ nghi, phải chăng hết thảy tình cảm đôi lứa trên đời rồi sẽ đều đến lúc nhạt lòng lơi tay, hết duyên cạn tình, và rời nhau, ly tán như nước xuôi dòng chia ba bảy nhánh, đổ về bốn bể? Chỉ còn lại chính mình, với bể khổ. Thế thôi.

Có thể tôi có phần bi quan, vì đâu nhất thiết mọi cuộc tình đều kết cục bằng phân kỳ đoạn tuyệt? Ờ thì, dĩ nhiên hạnh phúc vẫn là thứ hữu hình và có thể chạm tới. Vấn đề là bao lâu? Và cái gọi là hạnh-phúc-thuần-chất 100% sẽ duy trì đến lúc nào, trước khi tình cảm trở thành thói quen, thành nghĩa vụ, thành một dạng thức na ná yêu thương - nhưng tuyệt nhiên đã không còn say mê và “tương kính như tân”[2].

Thế nên cứ xem như tôi đã đánh mất những nỗi hồn nhiên vô ưu khi nhìn nhận về tình cảm. Nhưng tôi thà luôn chuẩn bị tâm thế cho mọi cuộc chia xa, để đừng thấy bàng hoàng trước sự thay lòng đổi dạ về sau của mọi biến dời nghiệt ngã.

Vì mọi con đường, cũng sẽ phải đến lúc rẽ về ba bảy ngả. Thế thôi.

Có điều, không ai buộc chúng ta phải chia rẽ đôi đường. Cũng không ai cưỡng cầu chúng ta phải luôn đi hoài cùng một hướng. Vấn đề là, khi người ta đủ lớn khôn, đủ trải đời, đủ bản lĩnh để biết hết mọi thứ dở hay ở đời, thì cái con người cái-gì-cũng-biết khi ấy, sẽ lại chẳng hề biết duy nhất một điều. Là hối tiếc!

Thế nên họ cứ đường hoàng rẽ sang một lối khác để ngất ngưởng với lựa chọn tự cho rằng đúng đắn của bản thân. Sự thản nhiên không chút bịn rịn, chẳng hề đoái hoài đoạn đường đã qua, là kết quả khó tránh khỏi của một hành trình dài học cách lớn khôn. Tự chúng ta trưởng thành, tự chúng ta thay khác. Là tự mình từ yêu thương trở thành tổn thương, từ người thương trở thành người lạ.

Là tự mình tất cả!

Chứ nào có phải tại đường đời mấy ngả gần xa.

[1] Nhạc Trịnh Công Sơn.

[2]Đối xử với nhau tôn trọng, kính nể như thuở mới ban đầu.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx