sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Điều kỳ diệu tình yêu - Phần 5

29. Mùa đông và mùa xuân

“Tình yêu là một điều kỳ diệu. Tình yêu bao giờ cũng có đủ cho tất cả mọi người.”

Pamela J. Deroy

Cuối cùng, trời cũng sang xuân. Một mùa đông lạnh giá dài lê thê rồi cũng chấm dứt. Dọc theo những con đường, từng đám tuyết đang dần tan chảy như nhắc nhớ chúng tôi về những tháng mùa đông lạnh lẽo đã qua. Những mảng tuyết tan dần để lộ ra một khung cảnh thật trần trụi với những bụi cỏ dại đã ngả màu nâu đen. Đây đó rải rác những mảnh rác đã từng bị tuyết che phủ. Mùa xuân chưa có được dáng vẻ của một sự khởi đầu...

Judi đang mang thai đứa con đầu lòng - và tôi, một người cha cũng không thể gọi tên cảm xúc của mình trước sự kiện đó. Chúng tôi sống trong căn hộ nhỏ ở vùng núi Clemens, bang Michigan. Khi đó là năm 1964, một năm ghi dấu trong lịch sử bởi một mùa đông quá dài và lạnh lẽo. Chúng tôi mới cưới nhau được gần một năm - một quãng thời gian không quá ngắn để mọi cảm xúc vẫn còn dạt dào, vẹn nguyên như thuở ban đầu, và cũng không quá dài để tôi có thể quen với việc chấp nhận cô ấy như một phần cuộc sống của mình.

Hai vợ chồng tôi chỉ có một chiếc xe hơi, đó cũng là xe tôi lái đi làm. Công việc của tôi rất bận bịu - luôn phải đi sớm về muộn, gặp gỡ mọi người để chào hàng, rồi thuyết phục họ mua hàng... Nói chung là so với lúc còn độc thân cuộc sống của tôi không thay đổi là mấy, chỉ khác là mỗi tối tôi về nhà, luôn có Judi đợi cơm. Cô ấy không đi làm, nên suốt ngày thui thủi ở nhà một mình. Sau khi cưới nhau, chúng tôi mới dọn đến vùng này nên vợ chồng tôi cũng không quen nhiều người. Thế là mọi việc trong thời gian mang thai, một mình Judi phải lo lấy.

Mùa đông như dài hơn khi chúng tôi không có tiền và không đủ điều kiện đi nghỉ như mọi người. Không có những chuyến đi mua sắm, những lần xem phim, những lần đi chơi buổi tối. Cuộc sống tẻ nhạt khiến tôi buồn chán vô cùng. Ngay cả khi mùa xuân đến cũng không giúp ích được gì. Bầu trời u ám vẫn tiếp tục trĩu nặng, nhiệt độ vẫn chưa ấm áp được mấy.

Sáng thứ Sáu hôm ấy, chúng tôi nhìn thấy ánh nắng đầu tiên. Điều này khiến lòng tôi hào hứng hơn một chút. Khi bước ra xe đi làm, tôi có nói mông lung với Judi rằng nếu như công việc tốt đẹp, và tôi có thể về sớm được, thì chúng tôi sẽ lái xe đến khu Charlevoix ăn tối.

- "Ồ, vậy hả anh?" - Giọng nói của vợ tôi rộn ràng hẳn lên, nhưng tôi thì vô tình không nhận ra.

Đến 11 giờ rưỡi trưa tôi đã xong việc. Công việc thành công ngoài dự kiến mang lại cho tôi một khoản lợi nhuận không nhỏ. Và khi Larry - người bạn vẫn thường đi câu cá cùng tôi - bảo rằng có một đàn cá pecca đang bơi ngang sông, tôi chợt nổi hứng, hẹn sẽ cùng đi câu với cậu ấy ngay khi quay về nhà lấy dụng cụ. Tôi không cố ý sai hẹn với Judi nhưng thật sự tôi đã bỏ quên cô ấy. Lời hẹn bâng quơ sáng hôm nay đã hoàn toàn biến mất trong đầu tôi. Vừa về đến nhà, tôi hào hứng reo lên "Chào em, anh về rồi đây", rồi vội vàng lên phòng thay bộ quần áo đi câu. "Anh định đi đâu thế?" - Judi hỏi tôi, nhưng không có vẻ thách thức mà nghe như một lời cầu xin, nhưng tôi nào để ý đến.

"Anh đi câu với Larry, có một đàn cá pecca đang bơi trên sông Clinton."

Lúc ấy, tôi không nhận ra rằng từ lúc vào nhà, tôi vẫn chưa nhìn Judi. Vì thế, tôi không trông thấy cô ấy đã chải kiểu tóc mới, đã mặc bộ đầm bầu đẹp nhất của mình.

"Ôi!" - Cô ấy lên tiếng. Tiếng "ôi" chứa cả cơn đau và sự thất vọng, nhưng vì đang loay hoay với bao thứ đồ câu của mình, tôi đã không nghe thấy.

"Em có thể pha giùm anh một bình trà và lấy cho anh vài lát bánh mì được không?"

"Được, anh ạ." - Cô ấy đáp. - "Anh định đi bao lâu?"

Có một sự mong mỏi nào đó trong lời nói của cô ấy, nhưng tôi đã không nhận ra.

"Ồ, có lẽ phải đến tối - còn tùy thuộc vào tiết trời nữa." Cô ấy đứng ngay sau cánh cửa khi tôi lướt ngang qua với một tay cầm cần câu, tay kia cầm lấy bữa ăn trưa mà cô ấy đã chuẩn bị cho mình.

"Anh đi vui vẻ nhé", cô ấy nói. Ngay cả khi lời nói ấy nghe thật trìu mến vẫn có một chút niềm đau bên trong. Nhưng một người vô tâm như tôi thì không thể nhận ra được.

Tôi để cần câu lên thùng xe và bữa ăn trưa trên ghế ngồi. Tôi nổ máy và quay đầu xe, nhưng có điều gì đang giằng xé trong tôi. Tôi kiểm tra lại những thứ cần mang theo. Tất cả đều hoàn hảo, nhưng tôi vẫn có linh cảm rằng mình đã bỏ quên một điều gì đó rất quan trọng. Lòng bồn chồn không yên, tôi bước ra khỏi xe, trở vào nhà để kiểm tra. Vợ tôi đứng ngay chỗ tôi vừa đi khỏi - ngay sau cánh cửa - từng giọt nước mắt cứ lăn dài trên má. Cô ấy không run lên, cũng không thổn thức mà chỉ đứng đấy, tay buông thõng, nước mắt chảy dài.

"Em yêu, chuyện gì vậy?" - Tôi ngạc nhiên hỏi vợ.

"Anh chẳng khi nào có thời gian ở bên em cả."

Cô ấy không thét lên, cũng không lên giọng, chỉ là một lời nói đầy vẻ chịu đựng. Chính sự chịu đựng lặng thầm đã khiến tôi chợt cảm thấy mình như một kẻ tội đồ. Mọi niềm háo hức đi câu tan biến. Lẽ nào tôi chỉ là một kẻ chỉ nghĩ đến bản thân? Một cảm giác hụt hẫng, trống vắng, và ân hận xâm chiếm tâm hồn tôi. Tôi chỉ còn biết đứng yên mà nhìn Judi. Sao trông nàng lẻ loi và đơn độc đến thế? Đó chính là người con gái tôi yêu, là người tôi đã chọn, đã từng tâm niệm rằng sẽ làm mọi thứ để nàng được hạnh phúc. Thế mà tôi đã chẳng làm gì. Tôi đã bỏ quên nàng bên lề cuộc đời của mình. Tôi chợt nhớ lại tất cả những câu nói của nàng từ lúc tôi đi làm về. Trong nỗi ân hận của tôi, từng lời dịu dàng ấy bỗng thành những mũi kim xoáy sâu vào tim tôi nhức buốt.

Chiều hôm ấy tôi cũng đi câu, nhưng không phải với Larry, mà với Judi. Lần đầu tiên kể từ ngày nàng mang thai, tôi mới đưa nàng cùng đi chơi - và đó cũng là lần đầu tiên tôi nhận ra rằng ở bên nàng cũng vui không kém khi đùa vui với bạn. Chúng tôi ngồi bên bờ sông, cầm tay nhau và nói chuyện. Judi chợt nắm lấy tay tôi, đặt lên bụng nàng và hỏi: "Anh có cảm thấy gì không?"

"Ồ!" - Tôi thốt lên vì ngạc nhiên khi cảm thấy một chuyển động nào đó trong bụng nàng.

"Con mình đang đạp đấy!"

Đó là một cảm giác rất lạ. Tôi chợt cảm thấy một niềm tự hào mới mẻ dâng tràn trong lòng. Con tôi đó, chính tôi đã tạo ra nó - một mầm sống bé xíu nhưng mạnh mẽ đã biết quẫy đạp, và một ngày nào đó sẽ là một hình hài vẹn nguyên hiện hữu trong vòng tay của tôi. Nó đã khiến trong tôi xuất hiện một ý thức - ý thức về trách nhiệm của một người chồng, một người cha. Đêm đó, tôi trằn trọc mãi không sao ngủ được. Lặng nhìn Judi đang nằm bên cạnh, tôi cảm thấy yêu thương nàng hơn bao giờ hết. Ngay cả lúc ngủ, vầng trán nàng vẫn nhíu lại với những suy nghĩ ngổn ngang. Từ ngày hôm nay trở đi, tôi sẽ trở thành một người khác - một người đàn ông ý thức được rằng mình đã có một gia đình và sẽ cố gắng gìn giữ nó. Mùa đông của sự bất mãn đã qua rồi. Mùa xuân đang mở ra trước mắt tôi với những hứa hẹn về một cuộc sống mới...

Phương Thảo - Theo Winter of our discontent

30. Tôi sẽ chẳng bao giờ hiểu nổi vợ mình

“Tình yêu có nghĩa là thể xác, tâm hồn, cuộc sống, tất cả điều đó đang hiện hữu.”

Guy de Maupassant

Tôi sẽ chẳng bao giờ hiểu nổi vợ mình. Ngày dọn về sống chung với tôi, nàng bắt đầu lục lọi các ngăn tủ bếp, thở dài, "Anh chẳng có tấm lót kệ nào cả! Chúng ta sẽ phải mua để em xếp chén dĩa vào."

"Nhưng sao thế?" - Tôi ngơ ngác hỏi.

"Để giữ cho chén dĩa sạch chứ sao." - Nàng trả lời như thể đây là sự thật hiển nhiên. Tôi không tài nào hiểu nổi làm sao bụi có thể di dân khỏi chén dĩa một cách kỳ bí khi có thêm miếng giấy dính màu xanh lót dưới chúng, nhưng tôi biết lúc nào cần im lặng.

Rồi có một ngày tôi dựng nắp bồn cầu lên.

"Trong nhà em chẳng có ai để nắp bồn cầu dựng đứng lên như thế," nàng trách móc. "Như thế là bất lịch sự."

Ngoài những bài học này, tôi còn học cách nặn ống kem đánh răng sao cho đúng, dùng khăn nào sau khi tắm và nên xếp muỗng ở đâu khi dọn bàn. Tôi chưa bao giờ biết được mình lại thiếu những kiến thức cơ bản đến thế.

Ồ không, tôi sẽ chẳng bao giờ hiểu nổi vợ mình.

Nàng còn có một chiếc áo khoác mà mỗi khi mặc vào nàng chẳng khác Sherlock Holmes là mấy. "Anh mua cho em một cái áo khoác mới nhé," tôi đề nghị.

"Không. Cái này của bà em," nàng nói, đồng nghĩa là đề tài này kết thúc tại đây.

Đến khi có con, nàng còn lạ lùng hơn. Nàng nói chuyện với con như với một người bạn dù cả lúc nó đang ngủ. Cái cách nàng ôm con một cách âu yếm cũng hết sức đặc biệt.

Một lần đang lúc điền vào bản đăng ký bảo hiểm, tôi đánh vào ô "nội trợ" để khai nghề nghiệp của vợ. Sai lầm lớn! Nàng nhìn qua và liền nói, "Em không phải là một người nội trợ. Giờ đây em là một người mẹ."

"Nhưng... nhưng đâu có mục nào ghi như vậy đâu." - Tôi phân trần.

"Thì anh ghi thêm vào vậy." - Nàng cười nói.

Và tôi đã thêm vào một ô mới.

Một lần vô tâm, tôi nói gì đó khiến nàng bỏ vô phòng ngủ khóc tấm tức. Tôi liền chạy theo xin lỗi. Nàng biết tôi thật tâm vì khi ấy tôi cũng khóc.

"Em tha lỗi cho anh.", nàng nói. Và bạn biết gì không? Nàng tha thứ thật. Nàng chẳng bao giờ nhắc lại chuyện cũ nữa. Nàng tha thứ và cũng không để bụng chuyện cũ nữa.

Và bạn biết chuyện gì không? Con gái tôi ngày càng giống mẹ nó hơn. Cho nên đến một ngày nào đó, sẽ có một chàng trai may mắn trên thế giới này cảm thấy biết ơn những tấm lót kệ trong tủ chén của cậu ta.

Thái Hiền - Theo I'll Never Understand My Wife

31. Những con chữ diệu kỳ

“Yêu không phải là kiếm tìm một người hoàn hảo, mà là nhìn nhận những điểm hoàn hảo từ một người không hoàn hảo.”

Oliver Wendell Holmes

Hình như chồng tôi đang đọc truyện tranh dành cho trẻ con thì phải? Tôi ngạc nhiên khi nhìn thấy vẻ mặt tập trung của anh trên trang sách, liền hỏi: Anh đang đọc gì vậy?

- Truyện con ma Phantom ấy mà. - Ralph trả lời nhưng mắt vẫn không rời trang sách.

- A, truyện Phantom có con ma mặc bộ đồ màu tím than bí ẩn phải không?

- Đúng rồi! - Chồng tôi vẫn chăm chú vào cuốn sách. Khi thấy tôi đến gần, anh giấu cuốn truyện sau lưng và hỏi:

- Có chuyện gì không em?

- Có gì đâu. - Tôi cười - Sao hôm nay anh lại đọc truyện tranh?

- Đơn giản là anh thích. Có gì sai không? - Chồng tôi cau mày, đôi mắt nâu nhướng lên tỏ ý bị xúc phạm.

Biết anh hơi khó chịu nên tôi không hỏi nữa mà nhẹ nhàng nói:

- Không có gì! Em chỉ muốn quan tâm đến anh hơn thôi.

Những ngày sau đó, tôi thấy anh thường gấp cuốn truyện lại để trên bàn, rồi lẩm nhẩm điều gì đó.

- Ralph, có chuyện gì vậy anh? - Tôi lo lắng hỏi.

Bất giác nghe anh thở dài, rồi ngước nhìn tôi bằng một ánh mắt rất xa lạ và nói:

- Anh đọc không tốt lắm. - Anh nói rất nhỏ, đầu cúi xuống, mắt nhìn vào quyển sách - Anh phải mất nhiều thời gian lắm mới đọc hết một trang sách này.

Tôi thật sự bất ngờ khi nghe những gì anh nói nhưng khi thấy ánh mắt buồn bã của anh đang chờ đợi phản ứng của tôi, tôi liền mỉm cười và ôm lấy anh khẽ hỏi:

- Sao vậy anh?

Anh cố thoát khỏi vòng tay của tôi, nhưng tôi đã kịp ôm anh chặt hơn.

- Tại sao anh lại đọc không được tốt, nói cho em nghe đi?

Anh chợt nghẹn giọng và bắt đầu kể về tuổi thơ của mình. Mọi người luôn cho rằng Ralph bị thiểu năng trí tuệ, khả năng tiếp thu kiến thức không được bình thường như những đứa trẻ khác nên buộc anh học chung với những học sinh thiểu năng trí tuệ, và một ông thầy không quan tâm đến chuyện học hành của những đứa trẻ bất hạnh đó. Suốt tuổi thơ của mình, anh hầu như không học được gì. Khi lớn lên, Ralph may mắn gặp người bạn thân ở nhà thờ và anh ấy đã dạy cho anh những từ cơ bản. Vì vậy nên đến khi chúng tôi kết hôn, anh chỉ có thể đọc những từ đơn giản và không có nhiều âm tiết. Cuốn truyện tranh Phantom rất phù hợp vì anh có thể hiểu được nội dung qua những hình ảnh minh họa và từ ngữ đơn giản. Thú nhận với tôi điều này đã phần nào làm tổn thương lòng tự trọng của một người đàn ông. Thế nhưng tôi lại cảm thấy gần gũi và yêu anh nhiều hơn.

Cũng vào thời điểm này, người bạn thân của Ralph đề nghị anh dạy học cho các em mồ côi ở nhà thờ vào sáng Chủ Nhật hàng tuần. Lúc đầu chồng tôi từ chối vì nghĩ mình không đủ khả năng. Nhưng người bạn đã động viên và thuyết phục anh nhiều lần, cuối cùng anh đã nhận lời trong sự hồi hộp và lo lắng.

Vào mỗi ngày thứ Bảy, chồng tôi phải mất hàng giờ đánh vật với chữ nghĩa để chuẩn bị nội dung và cách trình bày cho bài giảng với sự hỗ trợ nhiệt tình của người bạn. Một người đã qua tuổi đi học và khá nóng tính như anh, thì rất dễ nản lòng trong việc tập phát âm các từ phức tạp. Khi anh tập phát âm, tôi thường quanh quẩn bên cạnh để giúp anh bất cứ lúc nào. Anh thường hỏi tôi:

- Heather, em đánh vần chữ "HOW" như thế nào?

- H-O-W.

Khoảng 10 phút sau, anh lại hỏi:

- Heather, chữ HOW đánh vần như thế nào?

- H-O-W.

Tôi muốn nổi nóng và la lên "Em vừa mới nói với anh mà", nhưng tôi kịp kiềm chế cảm xúc của mình. Tôi trở thành cuốn từ điển sống của anh, và dần dần anh đã có thể phát âm những từ phức tạp hơn. Tuy nhiên, đáp lại sự hướng dẫn tận tình và sự âm thầm chịu đựng của tôi, anh chỉ dửng dưng nói: "Anh muốn biết cách đánh vần những chữ này thôi."

Sau đó, mỗi ngày Ralph cố gắng chậm rãi đánh vần những chữ to và rõ trên các đề mục báo hoặc tạp chí. Khi đó, nếu tôi góp ý hay chỉ dẫn sửa đổi gì đó, anh lập tức bác bỏ và tiếp tục đọc như thể không quan tâm đến lời tôi nói. Nhưng tôi biết đó chỉ là lớp vỏ che đậy sự lúng túng và khổ sở của anh mỗi lần anh không đọc được một chữ nào đó.

Một thời gian sau, anh cảm thấy say mê những trang sách hơn và thỉnh thoảng gặp những con chữ đáng ghét, anh hỏi tôi với đôi mắt sáng long lanh:

- Chữ này đọc như thế nào vậy?

Suốt thời gian đó, tôi thường xuyên mua truyện tranh Phantom cho anh đọc. Tôi để truyện khắp nơi, trong tủ trưng bày, trên đầu giường ngủ, trong phòng ăn... và bất cứ ở đâu anh có thể nhìn thấy. Mỗi khi tôi đọc sách, anh cũng cầm cuốn truyện tranh Phantom mải mê đọc. Theo thời gian, chồng tôi ngày càng đọc nhanh hơn. Và việc đọc sách đã thật sự trở thành niềm đam mê của anh.

So với trình độ của các con tôi và tầm kiến thức chung của xã hội hiện nay thì trình độ của chồng tôi chỉ dừng lại ở mức đọc và hiểu được. Nhưng bây giờ, Ralph có thể đọc hết cuốn truyện trong một buổi chiều và vui vẻ trước những lời đề nghị giúp đỡ của tôi. Tôi có thể cười thoải mái trước những sai sót của anh, vì anh đã hiểu sự hài hước và những ý nghĩa hàm ẩn trong từng câu chữ. Anh rất tự hào về công việc dạy học của mình, và niềm hạnh phúc có được từ sự nỗ lực hết mình. Vào ngày lễ Valentine năm đó, tôi đã nhận được một tấm thiệp, bên trong là dòng chữ nắn nót của anh: "Anh yêu em rất nhiều, tình yêu của anh".

Tố Giang - Theo Comic Relief

32. Chiếc ví của tình yêu

Một chiều đông lạnh buốt. Trên đường về nhà, tình cờ tôi nhặt được một chiếc ví bằng da màu nâu đã cũ sờn, có sợi dây nơ màu đỏ. Bên trong ví không có bất cứ giấy tờ tùy thân nào mà chỉ có vỏn vẹn 3 đô la và một phong thư nhàu nát. Những chữ duy nhất có thể đọc được trên bì thư là địa chỉ của người gửi.

Tôi liền mở lá thư ra, hi vọng sẽ tìm được chút ít manh mối về chủ nhân của chiếc ví. Hàng chữ ghi ngày tháng đập vào mắt tôi đầu tiên. Bức thư này được viết cách đây đã hơn năm mươi năm!

Lá thư được viết với nét chữ con gái mềm mại, trên nền giấy xanh điểm xuyết vài bông hoa nhỏ phía góc trái. Đó là thư chia tay gửi cho một người tên Michael. Cô gái nói rằng cô không thể gặp anh ta nữa vì gia đình ngăn cản, nhưng dù vậy, cô vẫn sẽ luôn yêu anh. Cuối thư ký tên là Hannah.

Nội dung thư khá xúc động, nhưng chẳng có chi tiết gì rõ ràng, ngoại trừ cái tên Michael, để xác định chủ nhân của chiếc ví. Tôi gọi điện cho tổng đài để xin số điện thoại dựa vào địa chỉ ghi trên bao thư.

Sau khi nghe tôi trình bày, người trực tổng đài ngần ngừ một lát rồi nói: "Chủ nhà ở địa chỉ trên có đăng ký số điện thoại, nhưng rất tiếc tôi không thể cho anh số điện thoại được". Cô lịch sự đề nghị rằng chính cô sẽ gọi điện cho người ở địa chỉ đó, giải thích câu chuyện và hỏi xem họ có muốn tiếp chuyện với tôi hay không. Vài phút sau, cô quay lại và chuyển máy cho tôi.

Tôi hỏi người phụ nữ ở đầu dây bên kia về người phụ nữ tên Hannah. Bà ta vội đáp, "Ồ, chúng tôi mua căn nhà này cách đây đã ba mươi năm. Hình như gia đình ấy có cô con gái tên là Hannah, nhưng cách nay vài năm Hannah đã đưa mẹ vào viện dưỡng lão."

Tôi gọi điện đến viện dưỡng lão và được biết bà cụ đã qua đời, nhưng họ có biết số điện thoại của người con gái.

Tôi lại tiếp tục gọi đến số điện thoại được cho và biết rằng Hannah hiện cũng đang ở trong một viện dưỡng lão.

"Thật là ngốc!” - Tôi tự nghĩ. “Sao mình lại cất công đi tìm chủ nhân của một chiếc ví chỉ có 3 đô la và một bức thư cũ mèm những năm mươi năm trước kia chứ?"

Tuy nhiên, tôi vẫn gọi đến nhà dưỡng lão nơi có lẽ cô Hannah, giờ đây đã là bà Hannah, đang ở. "Vâng, bà Hannah đang ở với chúng tôi," đó là câu trả lời tôi nhận được.

Mặc dù đã 10 giờ đêm, nhưng tôi vẫn lái xe đến viện dưỡng lão. Sau khi giải thích với cô y tá trực đêm, tôi được cô đưa lên tầng ba của tòa nhà, giới thiệu tôi với bà Hannah. Bà cụ trông thật phúc hậu với mái tóc bạch kim, gương mặt tươi tắn và đôi mắt sáng tinh anh.

Tôi kể cho bà nghe chuyện mình nhặt được chiếc ví và cho bà xem bức thư. Vừa trông thấy phong thư màu xanh điểm vài cánh hoa nhỏ nơi góc trái, bà Hannah hít một hơi dài và nói, "Đây là lần liên lạc cuối cùng của bà với Michael!".

Bà quay đi một lúc như chìm trong suy tưởng, rồi nhẹ nhàng nói, "Bà yêu anh ấy biết bao. Nhưng khi ấy, bà chỉ mới mười sáu tuổi và gia đình bà cho rằng bà còn quá trẻ để yêu. Chao ôi, anh ấy mới tuyệt vời làm sao!".

Rồi bà tiếp tục, "Michael Goldstein là một người tuyệt vời. Nếu cháu tìm thấy anh ấy, hãy nói rằng bà luôn nghĩ đến anh. Và...," ngập ngừng một lúc lâu, gần như cắn chặt môi, bà nói tiếp, "nói rằng bà vẫn yêu anh ấy. Cháu biết không," bà khẽ mỉm cười, đôi mắt ngân ngấn nước, "bà chưa từng kết hôn. Bà nghĩ rằng không ai có thể sánh bằng Michael cả..."

Tôi xúc động nhưng phải chào tạm biệt bà Hannah vì đêm đã khuya. Xuống tới tầng một, tôi gặp người bảo vệ ở ngay trước cửa thang máy. Anh ta hỏi, "Bà cụ có giúp gì được cho anh không?"

Tôi trả lời rằng bà đã cho tôi thêm được một manh mối, "Ít nhất tôi biết được họ của ông ấy. Nhưng tôi nghĩ chắc phải gác chuyện này sang một bên ít lâu. Cả ngày nay tôi đã cố tìm cho được chủ nhân của chiếc ví này."

Tôi lấy chiếc ví ra cho anh ta xem. Vừa trông thấy chiếc ví, anh bảo vệ la lên, "Khoan đã! Đây là chiếc ví của ông Goldstein. Tôi có thể nhận ra nó bất cứ đâu nhờ vào sợi dây nơ này. Ông cụ thường hay làm mất ví. Ít nhất ba lần tôi tìm thấy chiếc ví trong hội trường này."

- Ông Goldstein là ai vậy? - Tôi hỏi mà có cảm giác tay mình run lên.

- Ông sống ở tầng tám. Chắc chắn đây là ví của Michael Goldstein. Chắc ông cụ đã làm rơi nó trên đường đi dạo.

Tôi cám ơn anh bảo vệ rồi chạy vội đến phòng y tá để kể cho cô y tá trực ban những gì anh bảo vệ vừa bảo. Chúng tôi trở lại thang máy lên tầng tám. Tôi thầm cầu nguyện ông Goldstein vẫn còn thức.

Chúng tôi bước vào căn phòng duy nhất còn sáng đèn. Một người đàn ông đang ngồi đọc sách. Cô y tá đến hỏi ông có làm mất chiếc ví hay không. Ông Goldstein ngước lên với vẻ ngạc nhiên, rồi lần tìm túi sau của mình và nói:

- Ồ, nó lại bị mất rồi!

- Chàng trai này đã tìm thấy chiếc ví và chúng cháu nghĩ có lẽ là của ông.

Tôi trao cho ông Goldstein chiếc ví, vừa trông thấy nó, ông cụ mỉm cười nhẹ nhõm rồi nói:

- Đúng nó rồi! Chắc ông đánh rơi nó chiều nay. Này chàng trai trẻ, ông muốn thưởng cho cháu một món gì đó.

- Không cần đâu thưa ông. - Tôi đáp và nắm lấy tay ông cụ - Nhưng cháu muốn kể với ông một việc. Cháu đã đọc bức thư bên trong với hi vọng tìm thấy chủ nhân của chiếc ví.

Đột nhiên nụ cười trên gương mặt ông cụ tắt ngấm.

- Cháu đã đọc lá thư đó à?

- Không chỉ đọc lá thư, cháu còn biết được bà Hannah hiện đang ở đâu nữa.

Ông xúc động nắm chặt tay tôi:

- Hannah? Cháu biết Hannah ở đâu à? Cô ấy khỏe không? Còn xinh đẹp như trước không? Làm ơn, làm ơn cho ông biết đi!

- Bà ấy khỏe... vẫn xinh đẹp như khi ông biết bà. - Tôi đáp khẽ.

- Cháu cho ông biết nơi ở của cô ấy được không? Sáng mai ông muốn gọi điện cho cô ấy. - Giọng ông run run, gần như thầm thì. - Cháu biết không, ông yêu Hannah đến nỗi khi nhận được lá thư này, ông có cảm giác cuộc đời mình cũng chấm dứt từ đó. Ông chưa từng kết hôn. Ông chỉ yêu một mình cô ấy thôi...

- Ông đi với cháu nhé. - Tôi nói.

Chúng tôi đi thang máy xuống tầng ba. Sảnh đã tắt đèn, chỉ còn một hai ngọn đèn thắp sáng dẫn lối chúng tôi đến phòng sinh hoạt chung. Nơi đó, Hannah vẫn ngồi một mình xem tivi.

Cô y tá bước lại gần chỗ của bà.

- Bà Hannah. - Cô nói nhỏ, chỉ tay về phía Michael đang đứng đợi ở cửa. - Bà có biết người này không?

Chỉnh lại gọng kính, bà nhìn một chút nhưng không nói lời nào. Michael khẽ lên tiếng, dường như chỉ là thì thầm:

- Hannah, anh là Michael đây. Em còn nhớ anh không?

Bà thở mạnh:

- Michael ư? Em không tin nổi! Michael! Đúng là anh rồi! Michael của em!

Ông bước chầm chậm tới chỗ của bà, và họ ôm chầm lấy nhau.

Ba tuần sau, tôi nhận được một cuộc điện thoại từ viện dưỡng lão. "Chủ nhật này anh có thể sắp xếp để đến đây dự lễ cưới không? Ông Michael và bà Hannah sẽ trao nhẫn cưới cho nhau!"

Một đám cưới tuyệt vời! Tất cả mọi người ở viện dưỡng lão đều tham dự. Bà Hannah mặc một chiếc áo đầm dài màu be nhạt, gương mặt ngập tràn hạnh phúc. Cụ Michael mặc một bộ vét màu xanh đậm, hãnh diện sánh bước bên cô dâu của mình.

Một kết thúc thật đẹp cho câu chuyện tình kéo dài gần sáu mươi năm!

Thái Hiền - Theo The Wallet


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx