sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Dưới cái nhìn của anh hề - Chương 07 phần 2

Khi ánh sáng ban mai đã tràn ngập trong phòng, tôi có thể nhận thấy họ thật nghèo khổ, Marie chỉ có ba tấm áo dài treo trên mắc: một màu xanh sẫm tôi có cảm tưởng là em đã mặc từ một thế kỉ, một màu vàng nhạt đã nhung nhúc, và một bộ đồng phục khiêm tốn màu tím than em vẫn mặc ở đám rước. Ngoài ra, em chỉ còn có chiếc áo choàng cũ màu xanh lá cây mặc mùa đông và ba đôi giày. Tôi thoáng có ý định đứng lên và đến mở các ngăn kéo tủ kiểm tra quần áo lót của em nhưng rồi lập tức bỏ ý định đó. Tôi tin là, dù đối với vợ của tôi, tôi cũng không nên bao giờ làm như vậy. Đã một lúc lâu, già Derkum không còn ho nữa. Phải quá sáu giờ Marie mới ra khỏi buồng tắm. Tôi vui sướng đã được làm với em cái mà từ lâu tôi ao ước; tôi ôm hôn em và thấy hạnh phúc khi nhìn em cười. Em đặt hai tay lên cổ tôi: hai bàn tay em lạnh buốt.

- Em làm những gì ở trong ấy? - Tôi thì thầm hỏi em.

- Còn hỏi! Em giặt các khăn trải giường. Em rất muốn mang tới cho anh những tấm khăn sạch, nhưng ở nhà chỉ có bốn đôi, hai đã trải lên giường, còn hai chờ đưa giặt.

Tôi kéo em nằm sát vào tôi, lấy thân tôi ủ nóng cho em và nhét đôi bàn tay cóng lạnh của em vào hai bên nách tôi. Em nói em thấy như thế thật tuyệt vời, hai bàn tay của em được ủ ấm như những con chim ở trong tổ của chúng.

- Dù sao em cũng có thể cứ thế giao cho bà Huber, Marie nói, bà ta giặt quần áo cho nhà chúng em, để rồi cả thành phố sẽ biết cái gì đã xảy ra. Em cũng không muốn vứt chúng đi, em thoáng đã có ý nghĩ ấy, nhưng thấy tiếc quá.

- Vậy em không có nước nóng sao?

- Không, đã lâu lắm rồi máy đun nước nóng bị hỏng.

Thế rồi đột nhiên em òa khóc và khi tôi hỏi tại sao em lại khóc, em bỗng thì thầm:

- Trời ơi, em là tín đồ Cơ Đốc giáo, anh biết thế mà...

Tôi bèn nói là tất cả các thiếu nữ, ngay cả theo đạo Tin Lành hay không tin đạo, cũng đều có thể khóc trong trường hợp này. Tôi còn nói thêm là tôi biết tại sao lại có chuyện ấy. Trước cái nhìn dò hỏi của em tôi trả lời:

- Bởi vì đúng có một cái gì đó gọi là sự trong trắng. Em vẫn khóc, nhưng lần này tôi không hỏi em nữa: tôi biết vì lí do gì. Đã nhiều năm, từ khi em ở trong nhóm con gái, em vẫn đi rước với bọn chúng và hẳn là em thường phải gọi tên Đức Mẹ Maria... và thế là em cảm thấy mình gian lận hoặc phản bội. Thử tưởng tượng tình thế ấy của em khe khắt biết nhường nào. Thật đáng thương hại cho em, nhưng tôi đã không thể chờ đợi lâu hơn.

Tôi nói với em là tôi sẽ nói chuyện với bọn con gái. Em giật mình kinh hãi hét lên:

- Cái gì?... Nói với ai?

- Với bọn con gái trong nhóm em, tôi nhắc lại. Anh biết đây là một chuyện không hay ho gì, nhưng nếu nó thực quá nặng nề đối với em, thì em cứ nói là anh đã hiếp em.

- Không, thật phi lí! Em vừa nói vừa cười. Thế anh sẽ nói gì với những đứa con gái khác?

- Anh sẽ không nói gì cả, chỉ đơn giản tìm đến chúng, thực hiện một vài tiết mục và kiểu mô phỏng, thế là họ sẽ nghĩ ra: A, thằng cha Schnier này đã làm “cái ấy” với Marie... Như vậy vẫn còn hơn là để chúng nó phải xì xào to nhỏ.

Em suy nghĩ một lúc, rồi lại cười và dịu dàng nói:

- Anh quả không ngốc... Nhưng rồi em lại khóc và nói: Em không còn có thể chìa mặt ra ở đấy nữa.

- Tại sao? - Tôi hỏi.

Em lắc đầu không trả lời.

Tay em được sưởi ấm trong hõm nách tôi và tay em càng ấm tôi càng thấy buồn ngủ. Dần dần chính tay em lại sưởi ấm cho tôi. Em hỏi tôi lần nữa là tôi có thấy em đẹp và tôi có yêu em không. Tôi trả lời rằng đấy là một điều chắc chắn, nhưng em lại nói em vẫn muốn nghe nhắc lại cái điều chắc chắn ấy. Thế là với giọng ngái ngủ tôi nói tôi thấy em đẹp và tôi yêu em.

Tôi tỉnh giấc khi em dậy đi rửa mặt và thay đồ. Em không có vẻ gì ngượng nghịu và tôi cảm thấy tôi hoàn toàn tự nhiên trong lúc tôi nhìn em thay đồ. Tôi càng nhận rõ tình trạng nghèo nàn trong trang phục của em. Khi em mặc và cài cúc áo, tôi nghĩ đến đủ thứ đồ đẹp tôi sẽ mua cho em nếu tôi có tiền. Tôi vẫn thường dừng chân trước các cửa hiệu bán hàng mốt mới để nhìn ngắm những chiếc váy và áo pulôve, giày dép và túi xách tay, như thấy tất cả những thứ ấy sẽ rất hợp với em, nhưng về việc chi tiêu bố em lại rất chặt chẽ, đến mức tôi cảm thấy không nên tặng quà cho em. Một hôm, ông nói với tôi: “Sống nghèo khổ là một việc kinh khủng, mà xoay xở nhì nhằng cho qua ngày cũng tệ hại không kém, nhưng đấy lại là hoàn cảnh của đa số!” - “Và giàu có thì sao?” Tôi đỏ mặt hỏi ông. Ông nhìn tôi với cái nhìn sắc sảo và cũng đỏ mặt khi ông trả lời tôi: “Cháu ạ, như thế cũng có thể trở nên rất tệ hại, thà ít nghĩ đến còn hơn. Nếu bác còn có can đảm và còn tin là trên đời này người ta có thể làm được một việc gì đó, cháu biết bác sẽ làm gì không?” – “Không. Bác sẽ lập ra một hội,” - ông càng nói, càng đỏ mặt hơn, - “chăm lo cho con cái nhà giàu. Tất cả bọn ngu xuẩn ấy chỉ nghĩ đến việc áp dụng vào những người nghèo khái niệm phi xã hội”.

Có hàng lô điều tôi nghĩ đến khi nhìn Marie thay đồ. Tôi thấy mình vừa hạnh phúc vừa đau khổ khi nhận thấy thân thể em vừa tự nhiên vừa quen thuộc đối với tôi. Sau này trong thời gian liên tục chuyển dịch từ khách sạn này đến khách sạn khác, tôi vẫn nằm yên trên giường vào các buổi sáng nhìn em rửa ráy và thay đồ. Và nếu địa thế của buồng không thuận tiện để tôi có thể nhìn thấy được em từ phía giường, thì tôi vào nằm trong bể tắm. Sáng hôm đó, trong phòng em, tôi cứ nằm yên như thế và muốn em không bao giờ mặc xống áo. Em kì cọ kĩ lưỡng cổ, tay, ngực và chải răng thật mạnh. Riêng tôi, tôi vẫn lẩn tránh việc rửa ráy buổi sáng và cho đến tận bây giờ tôi vẫn còn sợ việc chải răng. Tôi thích tắm hơn. Nhưng tôi vẫn thích nhìn Marie rửa ráy. Em chăm sóc người em đến kĩ, và tất cả những cử chỉ của em sao mà tự nhiên đến thế, cả đến động tác em vặn nút ống thuốc đánh răng! Tôi cũng nghĩ đến Léo, em trai tôi, một thanh niên rất thành kính và chu đáo, không ngớt nhấn mạnh là nó “tin tưởng” ở tôi. Nó cũng chuẩn bị thi tú tài và như thể thấy ngượng vì đã đạt được trình độ ấy ở tuổi mười chín (ở độ tuổi đó là bình thường), trong khi tôi hai mươi mốt tuổi còn lẹt đẹt ở năm thứ hai chỉ vì cái chuyện người ta giải thích gian lận khúc hát về những người lùn Nibelungen. Léo cũng biết Marie vì đã gặp em trong vài nhóm nghiên cứu thanh niên Cơ Đốc giáo và đạo Tin Lành tranh luận về tính dân chủ và tính khoan dung của tôn giáo. Léo và tôi chỉ còn coi bố mẹ chúng tôi như một cặp quản gia. Việc phát giác ra bố tôi có người tình từ mười năm qua là một cú sốc ghê gớm đối với Léo. Đấy cũng là một cú sốc đối với tôi, nhưng không phải về phương diện đạo đức, vì tôi có thể không khó khăn gì hình dung tình hình tệ hại ra sao khi có một bà vợ như mẹ tôi với sự dịu dàng đánh lừa chỉ nhờ vào việc sử dụng những âm I và E. Bà tránh không nói những câu chữ có âm át của A, O hoặc U. Không biết có phải do đặc trưng đó mà bà rút gọn tên gọi của Léo thành Lé hay không? Bà ưa lặp đi lặp lại đến nhàm tai: “Chúng ta không có cách nhìn như nhau”, thứ nữa “về nguyên tắc tôi có lí, nhưng tôi sẵn sàng thảo luận một vài điều”. Đúng hơn cú sốc đối với tôi khi tôi biết bố tôi có người tình là về mặt thẩm mĩ: chuyện đó thật không hợp với ông. Ông không hăng, cũng không lãng mạn, và trừ phi ông chấp nhận người đàn bà ấy đối với ông như là một kiểu nữ hộ lí, người an ủi tâm hồn (bất kể trường hợp nào, công thức thống thiết “người tình” cũng không bao giờ có thể thích hợp), điều làm tôi khó chịu trong chuyện này chính là ở chỗ nó thật không hợp với bố tôi. Vấn đề đơn giản là với một nữ ca sĩ, một cô gái trung hậu, khá xinh nhưng không mấy thông minh, bố tôi cũng không cần phải kiếm cho cô hợp đồng làm thêm việc. Thật quá chu đáo. Trong khi tôi đơn giản cho rằng câu chuyện chỉ có thể làm người ta chưng hửng, thì nó lại làm cho Léo thất vọng ghê gớm: nó tự cảm thấy trực tiếp bị xúc phạm về lí tưởng. Và mẹ tôi chỉ biết giải thích sự ủ dột của con trai bà bằng câu: “Lé đương trải qua một cơn khủng hoảng”. Vài ngày sau, Léo mang về một điểm năm về câu hỏi viết, bà định kéo nó đến một bác sĩ tâm thần. Tôi đã cứu Léo khỏi tai họa đó bằng cách bắt đầu kể cho nó nghe tất cả những gì tôi được biết về “cái” mà người đàn ông làm với người đàn bà và giúp nó làm bài, kết quả trong những bài kiểm tra tiếp theo nó lại thu hoạch được các điểm bảy, điểm tám. Lập tức mẹ tôi thấy việc đưa nó đi khám bác sĩ tâm thần không còn ích lợi gì nữa.

Marie đã choàng lên người chiếc áo dài màu xanh, tuy thấy em phải loay hoay với chiếc khóa rút, tôi cũng không đến giúp em: tôi thực sự thấy hạnh phúc được nhìn những bàn tay em ngó ngoáy lung tung trên sống lưng và được ngắm nước da trắng mịn của em, làn tóc đen nhánh của em, chiếc áo dài màu xanh của em và tôi cũng thấy sung sướng vì em không tỏ ra bực bội. Cuối cùng khi em quyết định đến với tôi, tôi đứng lên kéo khóa cho em.

- Tại sao em phải dậy sớm thế? - Tôi hỏi.

- Bố em chỉ ngủ say vào lúc tinh mơ và nằm đến chín giờ sáng. Em phải thu dọn sách, báo và mở cửa hàng vì trước khi đi lễ nhà thờ, bọn học trò đôi khi đến mua vở, bút chì hoặc kẹo. Hơn nữa, em nói thêm, anh nên rời khỏi nhà em vào lúc bảy giờ ba mươi. Em đi chuẩn bị cà phê và trong năm phút nữa anh sẽ xuống bếp, đi khẽ thôi.

Tôi gần như tự thấy mình là một ông chồng, khi ngồi ở trong bếp nhìn Marie rót cà phê và quệt bơ lên các lát bánh mì cho tôi. Em nhìn tôi, xem xét và lắc đầu:

- Không rửa mặt, không chải đầu... anh vẫn quen xuống ăn sáng như vậy sao?

- Ừ, ngay cả ở nội trú, người ta cũng không bắt được anh phải rửa mặt khi thức dậy.

- Nhưng chẳng lẽ cứ để như vậy suốt cả ngày?

- Anh vẫn xoa nước hoa côlônhơ.

- Như vậy thì tốn tiền hơn, em nói và ngay lúc đó em đỏ mặt.

- Đương nhiên, nhưng anh có một ông chú là tổng đại lí thứ hàng đó. Ông ấy đều đặn cho anh cả chai lớn.

Hơi ngượng ngùng, tôi đưa mắt nhìn quanh gian bếp mà tôi đã biết quá rõ: nhỏ hẹp và tối tăm, kiểu một ngăn hậu của cửa hàng với một bếp lò nhỏ ở góc tường, Marie theo cách của tất cả các bà nội trợ giữ lại những bánh than đã đốt dở, buổi chiều gói lại bằng giấy báo tẩm nước, buổi sáng cời lò, đốt lửa rồi bỏ thêm vào những bánh than mới. Tôi rất ghét mùi than bánh phảng phất ở ngoài phố vào các buổi sáng và sáng nay nó phảng phất trong gian bếp nhỏ khốn khổ này: gian bếp chật hẹp đến nỗi muốn đến lấy ấm cà phê đặt trên bếp lò, Marie bắt buộc phải đứng lên đẩy lùi ghế của em vào dưới bàn, như mẹ em và bà của em trước kia đã làm. Sáng hôm đó, gian bếp nhỏ bé mà tôi đã biết quá rõ, lần đầu tiên hiện ra với tôi vẻ vị lợi của nó. Nhưng có lẽ là lần đầu tiên tôi thể nghiệm nếp sinh hoạt đơn điệu hàng ngày: phải hoàn tất một số công việc nào đó mình không muốn chút nào. Tôi không bao giờ muốn phải rời bỏ ngôi nhà bé nhỏ này để đi làm tròn một số nghĩa vụ ở ngoài kia, trong đó có việc phải trả lời trước bọn con gái, trước Léo về việc mà tôi đã làm với Marie, bởi vì bằng cách này hay cách khác rồi gia đình tôi cũng sẽ biết. Tôi muốn ở lại đây, đứng bán kẹo, bán những quyển vở cho đến hết đời, muốn mỗi tối lên gác nằm với Marie, thực sự được ngủ bên em như trong những giờ cuối cùng của đêm qua, đôi tay em thọc sâu vào hai bên nách tôi. Nếp sinh hoạt đơn điệu hàng ngày với chiếc ấm cà phê, những lát bánh mì phết bơ và tấm tạp dề đã bạc mầu Marie khoác ra ngoài chiếc áo dài mầu xanh của em hiện ra với tôi vừa gớm ghiếc vừa cao cả. Tôi có cảm tưởng như chỉ các phụ nữ mới có thể chấp nhận tính tất yếu của nó như đã chấp nhận tính tất yếu của thân thể họ. Tôi thấy tự hào có được Marie làm vợ trong khi còn chưa thật tin là tôi đã có đủ sự chín chắn cần thiết ở vai trò của người trưởng thành từ nay sẽ là tôi.

Tôi đứng lên, vòng qua phía bên kia bàn, ôm Marie vào trong vòng tay tôi.

- Em có nhớ đêm qua lúc em dậy đi giặt các khăn trải giường?

- Có, và em còn nhớ là anh đã sưởi ấm tay em trong nách anh.

Nhưng bây giờ thì anh phải đi đi, em nói thêm, đã gần bảy giờ ba mươi rồi, những đứa trẻ đầu tiên sắp đến.

Tôi giúp em sắp xếp và mở các bọc báo. Đúng lúc đó, ở bên ngoài, chiếc xe tải con chở đầy rau của Schnitz từ phía chợ quay vào, để hắn ta không nhìn thấy tôi, tôi thụt vội vào trong hành lang, khốn thay đã quá chậm. Hiện thân của quỷ sứ cũng không có con mắt sắc bằng của ông hàng xóm. Lẩn vào phía sau cửa hàng, tôi ngó xem các tờ báo buổi sáng mà số đông rất thích đọc. Với tôi, tôi chỉ thú đọc báo buổi chiều hoặc đọc trong khi tắm. Sáng hôm đó, đầu đề chữ lớn ở trang nhất: Strauss [32]: với tất cả hậu quả đưa tới!” Có lẽ sẽ tốt hơn nếu người ta dùng một chiếc máy điện tử để soạn các bài xã luận hoặc các đầu đề chữ lớn ở trang nhất các tờ báo. Cần phải có giới hạn cho sự ngu xuẩn. Cửa hàng mở ra làm chuông kêu và một em bé gái tám hay chín tuổi, có mái tóc đen, đôi má hồng hào, sạch sẽ, xinh xắn bước vào, dưới cánh tay cắp một cuốn Kinh Lễ.

[32] Strauss (David) (1808-1874) nhà thần học Đức, tác giả cuốn Cuộc đời của Jésus; trong đó nói lịch sử đạo Tin Lành thực sự là một sự bịa đặt.

- Em muốn mua kẹo beclingô, bán cho em một groschen [33].

[33] Một groschen = mười pfennig (đồng mười xu).

Tôi không rõ phải đưa bao nhiêu viên kẹo beclingô là đủ. Mở nắp lọ kẹo, tôi lấy ra hai mươi viên nhét vào một túi phễu bằng giấy. Lần đầu tiên tôi thấy xấu hổ về các ngón tay bẩn của tôi mà thành lọ thủy tinh dày còn khuếch đại thêm lên. Mặc dầu em bé có vẻ rất ngạc nhiên khi thấy hai mươi viên kẹo được bỏ vào trong túi, tôi vẫn còn nói: “Được rồi đấy” và cầm đồng mười xu quẳng vào ngăn kéo két.

Khi Marie trở lại, tôi hãnh diện chỉ tay vào đồng tiền. Em cười rồi trở lại với vẻ nghiêm nghị:

- Bây giờ anh phải đi thôi.

- Tại sao nhỉ? Anh không thể đợi bố em xuống được ư?

- Lúc chín giờ, khi bố xuống, anh cần phải quay trở lại đây... Thôi, tốt hơn hết là anh nên về nhà nói chuyện ngay với Léo trước khi cậu ta biết chuyện qua người khác.

- Phải, em có lí... Thế chưa phải đã đến giờ em đi dự lớp à?

- Hôm nay, em không đi dự lớp, em sẽ không bao giờ còn trở lại lớp học nữa... Nhớ quay lại sớm đấy!

Tôi phải khó khăn lắm mới rời được em, em tiễn chân tôi ra đến tận cửa quầy và trên bục cửa, tôi ôm hôn em cốt để cho Schnitz và vợ hắn ta có thể trông thấy. Phải nói là họ nhìn chúng tôi bằng những đôi mắt tròn như mắt của những con cá khi chúng bỗng phát hiện ra là chúng đã bị mắc lưỡi câu từ lâu rồi.

Tôi đi ra, mắt nhìn thẳng. Thấy lạnh, tôi lật cổ áo lên, châm một điếu thuốc, vòng qua phía chợ, đi xuống phố Franzikanerstrasse và đến góc phố Koblenzerstrasse nhảy lên bậc chiếc xe buýt đương nổ máy. Cô bán vé mở cửa xe ra cho tôi, giơ ngón tay trỏ đe nẹt chỉ vào điếu thuốc lá của tôi và lắc đầu khi tôi trả tiền đi đường. Tôi dụi tắt điếu thuốc và nhét mẩu còn lại vào túi, rồi bước vào trong xe. Tôi đứng đấy, ở lối đi nhìn về phố Koblenzerstrasse vụt qua và không ngừng nghĩ đến Marie. Có cái gì biểu hiện trên mặt tôi làm một ông hành khách đứng cạnh tôi phải bực mình. Bỏ tờ báo ông ta đương đọc xuống, vì thế phải ngừng đọc cái chuyện Strauss: với tất cả hậu quả đưa tới! Ông ta để tụt kính xuống mũi và nhìn tôi chòng chọc, lắc đầu, mồm lẩm bẩm: “Không thể tưởng tượng được!” Một bà ngồi ở phía sau ông ta - tôi đã suýt va vào chiếc túi nhét đầy củ cà rốt mà bà ta đặt ở bên cạnh - gật đầu tán thành lời bình luận của ông ta bằng một cái lắc đầu, lặng lẽ mấp máy đôi môi.

Mặc dầu tôi đã làm một việc ngoại lệ là chải đầu bằng lược và gương của Marie, tôi mặc một chiếc áo vét màu xám, sạch sẽ và hoàn toàn tầm thường, và tôi không có bộ râu cứng vì chỉ mới cạo mặt hôm trước để có thể có cái vẻ “không thể tưởng tượng được”. Tôi người không cao lớn lắm, cũng không thấp bé lắm, và mũi tôi không đến nỗi dài ngoẵng để có thể coi là có dấu vết đặc biệt ghi vào hộ chiếu, dấu vết đặc biệt của tôi: không có. Tôi trông không bẩn thỉu, cũng không say rượu, vậy mà cái bà có túi cà rốt lại còn tỏ ra bực dọc hơn cả cái ông đeo kính, ông này rút cuộc sau một cái lắc đầu tối hậu nâng đôi mục kỉnh trên mũi lên, lại cắm đầu đọc báo, theo dõi những hậu quả của Strauss. Bà kia thì tuôn ra những lời nguyền rủa thầm lặng và hăng hái lắc đầu, như để truyền đạt cho những hành khách khác bức thông điệp mà miệng bà không nói ra được. Nếu như tôi biết được kiểu người Do Thái là như thế nào - cho đến bây giờ tôi vẫn không biết - thì tôi đã có thể tin ngay được là bà ta đã coi tôi thuộc về họ. Song lẽ tôi cho rằng điều đó xảy ra không phải do vẻ người của tôi, mà chính là do cái nhìn của tôi đương bị hút xuống đường trong khi tôi nghĩ đến Marie. Dẫu sao, sự ác cảm ngấm ngầm kia cũng đã làm tôi bực mình, đến nỗi tôi phải xuống xe sớm một bến và phải đi bộ một quãng ngắn lối Ebertallee trước khi rẽ về phía sông Rhin.

Trong vườn nhà chúng tôi, những thân cây sồi già sẫm đen vì ẩm ướt, còn sân quần vợt mới quét rửa ánh lên màu đỏ. Tiếng còi tàu dội lại từ phía sông Rhin. Bước vào phòng ngoài, tôi nghe thấy tiếng cáu gắt của Anna ở trong bếp: “Việc đó sẽ có kết cục không hay... sẽ có kết cục không hay”, đấy là tất cả những gì tôi nghe được trong bản đơn ca của chị ta. Qua cánh cửa mở, tôi kêu chị: “Anna, tôi không cần ăn sáng!” và vội vã đi vào phòng khách. Chưa bao giờ đồ đạc cũng như chiếc giá lớn bằng gỗ sồi trên đó đặt những chiếc cốc chuyền tay và những chiến lợi phẩm đi săn đối với tôi lại trở nên ảm đảm đến như vậy. Trong phòng hòa nhạc ở bên, Léo đương dạo một điệu Mazurka của Chopin [34], lúc này nó khăng khăng đòi học nhạc, thức dậy từ năm giờ ba mươi sáng học pianô trước khi đến lớp. Nghe nó đàn, tôi quên cả địa điểm và giờ giấc, quên cả là chính Léo đang chơi đàn. Nó và Chopin không hợp nhau, nhưng bản nhạc hay đến mức tôi không còn nghĩ đến cả Léo nữa. Chopin và Schubert [35] là những nhà soạn nhạc tôi ưa thích nhất. Tôi biết rõ là giáo sư dạy nhạc mà chúng tôi có lí khi ông coi Mozart [36] là thiên thần, Beethoven tuyệt trần, Gluck [37]vô song và Back [38] kì diệu, phải tôi biết như vậy. Nhưng Bach đối với tôi vẫn có vẻ độc đoán, ông làm tôi choáng ngợp với ba mươi tập của ông. Còn Schubert và Chopin lại rất đời thường như chính bản thân tôi. Tôi thích nhạc của họ hơn tất cả. Trong vườn, về hướng sông Rhin, tôi nhận ra trước rặng liễu những bia bắn tập của ông nội tôi đương động đậy. Fuhrmann chắc đã được lệnh bôi trơn chúng. Ông nội thỉnh thoảng lại tập hợp một nhóm những “vieux garỗons” [39].

[34] Chopin (1810-1849): nhạc sĩ dương cầm và nhà soạn nhạc Ba Lan.

[35] Schubert (1797-1828): nhà soạn nhạc Áo.

[36] Mozart (1756-1791): nhà soạn nhạc Áo.

[37] Gluck (1714-1787): nhà soạn nhạc Đức.

[38] Bach (1685-1750): nhà soạn nhạc và chỉ huy dàn nhạc nhà thờ người Đức.

[39] Người lớn tuổi chưa vợ.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx