sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Dưới cái nhìn của anh hề - Chương 07 phần 3

Khoảng mười lăm chiếc xe hơi đồ sộ đậu thành hàng trước nhà, trên một bồn tròn ngã tư nhỏ và khoảng từng ấy người lái xe đi bách bộ giữa các hàng rào và cây cối, đánh răng lập cập hoặc ngồi chơi bài theo từng nhóm trên các ghế đá. Khi một trong những tay “vieux garỗons” bắn trúng đích, lập tức có tiếng bật nút của một chai champagne. Đôi khi ông nội cho gọi tôi đến để trổ tài với các ông bạn già của ông. Tôi thực hiện cho họ xem vài mô phỏng: Adenauer hoặc Erhard[40] - với một sự dễ dàng đến phát ngán - hoặc một tiết mục nữa nhưÔng bầu ở toa ăn. Và khi tôi cố hết sức tỏ ra đờ đẫn thì họ vẫn cứ tuyên bố là “buồn cười đến chết được”, thấy “điên dại như trẻ con”. Mỗi lần biểu diễn xong, tôi đi vòng quanh với một hộp đạn rỗng hoặc một chiếc khay bằng catton, họ hầu như bao giờ cũng chịu hi sinh một tờ giấy bạc. Mặc dầu chẳng có gì giống họ, tôi vẫn thấy khoái những tay phá phách trơ trẽn này; tôi cũng có thể ăn ý với những viên quan lại Tàu. Vài người trong số họ liều lĩnh đến mức bình luận diễn xuất của tôi là “vĩ đại!”, “kì diệu!”. Một vài người kém, ngắn gọn hơn: “Thằng bé này có nòi” hoặc “nó thực sự có tài”.

[40] Các thủ tướng Liên bang Đức: Adenauer (1949-1963) và Erhard (1963-1966).

Trong khi nghe Chopin, lần đầu tiên tôi nghĩ đến việc nhận hợp đồng để kiếm ít tiền. Tôi có thể nhờ ông nội giới thiệu tôi như một diễn viên đơn kì khôi ở các cuộc họp của các nhà tư sản hoặc nhưmột tay làm trò vui nhộn giúp các vị ấy thư giãn sau các buổi họp hội đồng quản trị. Tôi đã hiệu chỉnh cả một tiết mục Hội đồng quản trị.

Khi Léo bước vào trong phòng, hình ảnh Chopin liền tan biến. Léo người cao lớn, tóc hoe, và với đôi kính không đai nó có vẻ một viên tổng quản hoặc một người Do Thái Thụy Điển. Những nếp là cứng của chiếc quần mầu xám sẫm làm tiêu tan nguồn cảm hứng Chopin cuối cùng còn lại ở tôi. áo chui đầu trắng trên chiếc quần thẳng nếp và cổ áo sơmi hồng gập ra ngoài gây cho tôi một cảm giác nặng nề. Cảnh tượng như vậy - cảnh tượng một người cố gắng một cách vô ích làm ra vẻ thoải mái - thường làm nảy sinh trong tôi một nỗi buồn sâu sắc; đối với tôi có tác dụng không khác gì một cái tên tục kênh kiệu, Etkelberd hoặc Gérentrud. Một lần nữa tôi nhận thấy Léo, mặc dầu cũng có những đường nét của Henriette, vẫn không giống chị: cũng chiếc mũi hếch, cũng đôi mắt màu xanh, cũng một kiểu tóc, nhưng miệng thì khác và những gì là xinh đẹp, linh lợi trên khuôn mặt Henriette thì ở Léo lại ảm đạm và khô cứng. Nhìn nó, người ta không thể nghĩ nó là một học sinh đứng đầu lớp về thể dục: nó cho người ta ấn tượng về một chàng trai được miễn tập thể dục, vậy mà nó có hàng tá bằng thể thao treo ở đầu giường.

Nó bước mau, đến trước mặt tôi vài bước thì đứng sững lại, hai tay hơi dang ra: “Hans, có việc gì đấy?” Nó nhìn vào mắt tôi, đúng hơn là dưới một chút, như để tôi chú ý đến một dấu vết gì đó; lúc ấy tôi mới nhận ra là tôi đã khóc. Bao giờ nghe Chopin và Schubert tôi cũng khóc. Tôi lau đi hai giọt nước mắt trên má tôi bằng ngón tay trỏ của bàn tay phải trước khi trả lời:

- Anh không biết là em có thể đàn Chopin hay đến như vậy. Chơi lại một lần nữa anh nghe bản Mazurka!

- Em không còn thì giờ, em phải đến lớp. ở giờ đầu người ta giao cho em những bài tiếng Đức để chuẩn bị thi Bachot [41].

[41] Tú tài.

- Anh sẽ đưa em đi bằng xe của mẹ.

- Em không thích chút nào, anh biết là em thấy kinh khủng khi phải đi chiếc xe kì cục ấy.

Hồi ấy, mẹ chúng tôi đã mua lại “với giá rẻ mạt” một chiếc xe hơi thể thao của một bà bạn, và Léo khó có thể chấp nhận ý kiến cho là nó muốn lòe mọi người. Có một cách chắc chắn có hiệu nghiệm, duy nhất, làm được nó tức giận, là nịnh nọt nó về sự giàu có của bố mẹ chúng tôi. Lúc ấy mặt nó tức khắc tím lại, đánh người ta một cách phũ phàng.

- Một ngoại lệ cho anh, - tôi nói, - ngồi vào đàn đi. Em có biết là anh đã ở đâu đến không?

- Không, nó đỏ mặt trả lời, mắt nhìn xuống đất, em không muốn biết.

- Anh đã ở nhà một cô gái, - tôi nói, - ở nhà một người đàn bà... vợ anh.

- Vậy ư? - Nó nói, mặt vẫn không ngửng lên, - khi nào thì cưới.

Nó vẫn không biết nên để đôi tay vào đâu và bất thình lình đi vượt lên trước tôi, mắt vẫn nhìn xuống. Nắm chặt tay áo của nó, tôi giữ nó lại.

- Đấy là Marie Derkum, - tôi thì thầm.

Gỡ tay tôi ra, nó hỏi lại và nói:

- Chúa tôi, không! - Nó nhìn tôi bằng một cái nhìn thiểu não, mồm lẩm bẩm gì đó.

- Sao, - tôi hỏi, - em nói gì?

- Vậy thì em không còn cách nào khác. Phải lấy xe đi thôi. Anh đưa em đi chứ?

Tôi gật đầu, nắm lấy vai nó và cùng nó đi qua phòng khách. Tôi muốn tránh cho nó khỏi phải nhìn vào mắt tôi.

- Em đi lấy chìa khóa, - tôi nói, - mẹ sẽ đưa cho em thôi và đừng quên giấy tờ đấy... Mà này, nghe đây Léo, anh cần có tiền... Em còn tiền không?

- Còn, ở quỹ tiết kiệm. Anh có thể đi lấy được không?

- Anh không biết, anh muốn em gửi cho anh thì tốt hơn.

- Gửi cho anh? Thế anh có ý định đi xa à?

- Phải.

Nó gật đầu tỏ vẻ đồng ý và đi lên gác.

Chỉ đến lúc nó đặt ra câu hỏi tôi mới biết là tôi muốn ra đi. Lúc đó, tôi bước vào bếp, Anna đón tôi, càu nhàu.

- Tôi tưởng cậu không muốn ăn sáng. Chị ta nói giọng cáu kỉnh.

- Không ăn, chỉ cà phê thôi.

Tôi ngồi vào chiếc bàn gỗ sạch bóng và nhìn Anna, chị nhấc phin cà phê ra khỏi ấm và để nó rỏ giọt vào tách. Chúng tôi vẫn dùng bữa sáng ở dưới bếp cùng với gia nhân để tránh mọi nghi lễ của việc phục vụ ở phòng ăn. Vào giờ này, chỉ có một mình Anna ở trong bếp. Norette, người hầu gái đương ở trên phòng mẹ tôi, vừa phục vụ bà dùng bữa ăn sáng tại giường, vừa tranh luận với bà về trang phục và đồ mĩ phẩm. Hẳn mẹ tôi đương nhằn hạt lúa mì với bộ răng đẹp của bà, mặt bà phủ đầy chất pha chế từ giá noãn, nghe Norette đọc báo. Cũng có thể họ còn đương đọc kinh buổi sáng, nội dung kết hợp giữa Goethe và Luther [42], thường kèm theo phần bổ sung nhằm củng cố tinh thần. Hoặc là Norette đọc cho mẹ tôi nghe một vài mục quảng cáo về thuốc tẩy. Mẹ tôi có những cặp xếp giấy đầy các quảng cáo dược liệu, sắp xếp theo từng tác dụng chuyên trị: tiêu hóa, tim, thần kinh... và hễ tóm được ông thày thuốc nào là bà hỏi ngay về “những mặt hàng mới lạ”, như vậy, bà bớt được tiền khám bệnh xin đơn thuốc và nếu tình cờ một trong số họ gửi cho bà mẫu hàng thì bà thấy như được lên cõi cực lạc.

[42] Goethe (1749-1832): nhà văn Đức vĩ đại, một đỉnh cao của văn học thế giới. Luther (1483-1546): nhà cải cách tôn giáo, nhà văn và dịch giả người Đức. Nhiều tác phẩm và nhất là bản dịch Kinh Thánh đã đưa ông lên thành một trong những tên tuổi lớn trong làng văn xuôi Đức.

Tôi cảm thấy rõ là Anna, khi đó tôi chỉ nhìn thấy lưng rất sợ sẽ đến lúc phải quay mặt lại nhìn tôi trực diện và buộc phải nói chuyện với tôi. Mặc dầu chị có khuynh hướng đáng tiếc là cứ muốn lên lớp cho tôi, nhưng tôi và chị có thiện cảm với nhau. Chị đã ở với chúng tôi được mười lăm năm (một mục sư trong họ nhà chúng tôi đã nhường chị lại cho mẹ tôi). Anna người tỉnh Potsđam, và chỉ riêng việc chúng tôi theo đạo Tin Lành mà lại nói tiếng địa phương vùng Rhénan đã là quái gở, đối với chị như thế là phản tự nhiên. Tôi tin là nếu một người theo đạo Tin Lành dùng phương ngữ Bavie trước mặt chị, thì chị sẽ coi người ấy là hiện thân của Đức Chúa con. Dần dà chị mới làm quen được với tính cách Rhénan. Chị người cao lớn, dong dỏng và tự hào có “cung cách của một phu nhân”. Ông bố của chị làm quản lí ở một trường trung học mà tôi chỉ biết người ta gọi là I.R.9. Không cần phải giải thích với chị là chúng tôi không thuộc về cái I.R.9 ấy; đối với những gì liên quan đến việc giáo dục thanh niên, chị bao giờ cũng chỉ có một công thức cửa miệng: “ở I.R.9 người ta không bao giờ tha thứ cho một chuyện như vậy”. Tôi chưa bao giờ biết I.R.9 đáng là cái gì, nhưng ngược lại, cái mà tôi biết là tôi không có chút triển vọng nào được nhận vào cái trường bí ẩn ấy, kể cả để làm lao công. Cách thức vệ sinh cá nhân của tôi, riêng nó đủ để cho Anna nhắc đến I.R.9., và “cái thói quen kinh khủng của tôi nằm ì trên giường cho đến phút chót”, nó làm cho chị kinh tởm không khác gì bệnh hủi. Cuối cùng khi chị quay người lại, đi đến gần bên bàn, tay cầm ấm cà phê, mắt chị vẫn nhìn xuống đất, như một nữ tu sĩ phải hầu hạ một đức giám mục xấu xa có hạng. Tôi thấy thương hại chị, cũng như tôi thấy thương hại các cô gái trong nhóm của Marie. Bản năng tu sĩ của chị chắc đã làm cho chị biết là tôi ở đâu về, khi mà tôi có thể bí mật cưới vợ đến ba năm rồi mà mẹ tôi vẫn không biết gì hết. Tôi cầm ấm cà phê từ tay chị, tự rót uống và nắm cánh tay chị buộc chị phải nhìn vào tôi. Với đôi mắt mầu lam nhạt chị nhìn tôi, chớp chớp mi mắt. Tôi nhận ra đúng là chị khóc.

- Chết giẫm! Chị hãy nhìn tôi, Anna! Tôi tin là ở cái I.R.9 của chị, người ta vẫn có thể nhìn thẳng vào mắt nhau, giữa đàn ông với đàn ông.

- Tôi không phải là đàn ông, - chị rên rỉ.

Tôi buông cánh tay chị ra và quay mặt về phía bếp lò, chị thì thầm điều gì đó liên quan đến tội lỗi và nhục nhã, về Sodome và Gomorche [43].

- Nào, Anna! - Tôi kêu lên, - hãy suy nghĩ một chút, xem thật ra họ đã làm gì, ở Sodome và Gomorrhe!

[43] Hai thành phố vùng Trung á bị phá hủy do tai biến vào thế kỉ 19 trước J.C., theo truyền thuyết được coi như là... bị Chúa Trời trừng phạt vì dân chúng đã tỏ ra không trung thành và phi đạo đức.

Chị hất bàn tay tôi đặt trên vai chị ra và tôi bước ra khỏi nhà bếp mà không tiết lộ chị biết việc tôi sẽ bỏ nhà ra đi. Chị là người duy nhất được tôi thỉnh thoảng nói chuyện về Henriette.

Léo đã đợi tôi ở trước cửa ga ra, mắt nhìn vào đồng hồ đeo tay.

- Mẹ có nhận thấy sự vắng mặt của anh không? - Tôi hỏi.

Nó trả lời là không, đưa chìa khóa xe cho tôi và giữ cửa ga ra vẫn để mở cho tôi vào. Tôi ngồi vào xe của mẹ tôi, lái xe ra khỏi ga ra và để Léo lên. Nó không rời mắt khỏi các móng tay của nó.

- Em đã mang theo sổ tiết kiệm, nó nói với tôi. Em sẽ đi lấy tiền vào giờ ra chơi. Thế gửi tiền về đâu cho anh?

- Gửi về chỗ già Derkum.

- Đi thôi, anh, đến giờ rồi.

Tôi cho xe chạy với tốc độ cao trên con đường rải sỏi, vượt qua cổng chính, nhưng phải dừng trước bến xe điện, nơi Henriette đãbước lên toa xe để gia nhập đội phòng không. Có một vài thiếu nữ trạc tuổi chị đương bước lên toa xe. Khi vượt qua toa xe, vài phút sau tôi còn thấy nhiều cô gái khác ở độ tuổi ấy, tươi cười như chị, đầu đội mũ nồi mầu lơ và mang áo choàng cổ lông. Nếu một cuộc chiến tranh mới nổ ra, bố mẹ họ sẽ gửi họ đi tham gia cái trò ấy, hệt như bố mẹ tôi đã gửi Henriette đi; các ông bà ấy sẽ dúi cho họ một ít tiền để tiêu vặt, vài khoanh bánh mì kẹp thịt và vừa vỗ vai họ vừa dặn dò thêm: “Hãy làm tốt công việc, con bé bỏng của mẹ”. Tôi cũng đã muốn vẫy tay ra hiệu với các cô gái ấy, nhưng rồi lại thôi. Người ta bao giờ cũng hiểu sai mọi chuyện. Khi người ta ngồi trên một chiếc xe hơi cà khổ thì không thể có chuyện vẫy tay với một cô gái được. Một hôm, trong khu vườn của một tòa lâu đài, tôi tặng một em bé nửa tấm kẹo sôcôla sau khi đã vén lượm tóc che lấp trên trán bẩn của em. Nó khóc, và chính vì chùi nước mắt mà nó đã làm bẩn thêm mặt và trán nó. Tôi chỉ muốn vỗ về nó. Nhưng ngay lúc ấy có hai bà nhảy bổ vào tôi làm to chuyện, còn dọa gọi cảnh sát nữa. Phải nghe mãi một bà hét vào mặt tôi, nói tôi là “thằng ranh con lưu manh đê tiện, thằng ranh con lưu manh đê tiện!”, rút cuộc tôi cũng tưởng tôi là một con quỷ thật. Thật là khủng khiếp. Tuy nhiên qua sự cãi cọ ồn ào, tôi cũng phát hiện ra được biết bao sự đồi bại người ta chỉ có thể thấy ở một con quỷ chính cống.

Trong lúc chúng tôi cho xe chạy hết tốc độ xuống phố Koblenzerstrasse, tôi đưa mắt tìm một chiếc xe Limuzin nào đó của ông bộ trưởng để cào sướt nó khi tôi cho xe vượt lên. Những mayơ lồi ra ở xe của mẹ tôi có thể giúp tôi làm việc ấy thật dễ dàng. Đáng tiếc là chưa có một vị bộ trưởng nào đi ra ngoài vào giờ sớm tinh mơ này.

- Vậy là, - tôi nói với Léo, thực em đã quyết định nhập ngũ? Nó đỏ mặt và gật đầu.

- Chúng em đã họp bàn công việc, nó nói, và cuối cùng đã đi đến kết luận coi đấy là cách tốt nhất để phục vụ nền dân chủ.

- Vậy thì cứ đi đi, cứ góp phần vào sự ngu ngốc ấy. Đôi khi anh thấy tiếc là đã không bị bắt buộc phải tham gia quân dịch.

Léo đặt vào tôi một cái nhìn dò hỏi, nhưng khi tôi tìm mắt nó thì nó lập tức quay đầu đi.

- Tại sao? - Nó hỏi.

- Ôi, sao mà anh sẵn sàng muốn gặp lại đến thế tên thiếu tá đã ở trọ nhà chúng ta, cái tên đã muốn đem bắn bà Wieneken! Hẳn bây giờ hắn đã là đại tá, nếu không phải là đại tướng!

Tôi dừng xe trước cổng trường Lixê mang tên Beethoven, cho rằng Léo sẽ xuống đấy. Nhưng nó lắc đầu nói:

- Đỗ xe vào phía sau, bên phải trường Dòng.

Tôi lại khởi động và đến đó đỗ lại. Lúc ấy tôi đưa tay ra, nhưng với một vẻ buộc Léo phải tránh không nắm lấy tay tôi. Đầu óc tôi đã ở đâu đâu không biết, và cái cách nó cứ không ngừng xem giờ ở đồng hồ đeo tay làm tôi phát cáu. Mới tám giờ kém năm, hãy còn rộng thời gian.

- Em không thật có ý định nhập ngũ chứ? - Tôi cố nài.

- Tại sao lại không? - Nó nói vẻ bực bội. - Đưa em chìa khóa xe nào?

Tôi đưa chìa khóa xe cho nó, và sau một cái gật đầu đơn giản tôi bước đi. Tôi không ngớt nghĩ đến Henriette và thấy việc Léo nhập ngũ thật phi lí. Tôi đi qua vườn hoa của tòa lâu đài và dọc theo trường đại học tới khu chợ. Tôi thấy lạnh và muốn gặp lại Marie.

Đến cửa hàng, tôi thấy có rất đông trẻ con, chúng tự động lấy trên các giá kẹo, bút, tẩy và đặt tiền của chúng lên quầy trước mặt già Derkum. Ông không buồn ngửng đầu lên khi tôi lách qua bọn trẻ để đi vào gian bếp. Tôi đến bên lò và ốp cả hai tay tôi vào ấm cà phê để sưởi nóng và đợi Marie, chắc rằng trong chốc lát em sẽ vào.

Tôi không còn điếu thuốc lá nào trong túi: có nên cứ lấy hút hay trả tiền hỏi mua ở nơi Marie? Tôi tự rót cà phê cho mình và lúc ấy nhận thấy ở trên bàn có đặt ba chiếc tách. Khi cửa hàng đã im ắng, tôi đặt tách của tôi xuống. Tôi thấy nhớ Marie. Tôi rửa mặt và tay ở bồn rửa bát cạnh bếp lò, sau đó chải đầu bằng chiếc bàn chải cánh móng tay đặt trên giá để xà phòng, vuốt lại cổ áo sơmi, co lại nút cavát và kiểm tra lại một lần nữa các móng tay của tôi: sạch. Tôi bỗng ý thức sự cần thiết phải làm cái gì đó mà trước đây bình thường tôi không làm bao giờ.

Vừa lúc tôi ngồi xuống ghế thì bố của Marie vào, tôi lập tức đứng lên. Ông cũng có vẻ ngượng ngùng như tôi, cũng rụt rè, ông không tỏ ra giận dữ nhưng vẻ mặt ông trông nghiêm nghị ghê người, và khi ông đưa tay ra để lấy ấm cà phê tôi không thể không khỏi giật mình, mặc dù cũng đủ để lộ ra. Ông lắc đầu, tự rót cà phê vào tách của ông và đưa ấm cho tôi. Tôi cám ơn. Ông vẫn không nhìn tôi. (Đêm qua, ở trên gác, trên giường của Marie, nghĩ đến tất cả chuyện này, tôi còn thấy rất tự tin). Tôi muốn hút một điếu thuốc nhưng không dám tự ý rút nó ra từ bao thuốc già Derkum đã đặt trên mặt bàn. Vào lúc nào khác thì tôi đã làm thế rồi. Tôi thấy ông, cúi khom người xuống bàn, đầu hói gần hết, chỉ đúng còn lại một vành tóc màu gio rối bù, vẻ ông đã rất già nua. Tôi thì thầm:

- Bác Derkum, bác có quyền...

Đập tay lên bàn, cuối cùng ông nhìn tôi qua đôi kính, ngắt lời tôi:

- Mẹ kiếp. Anh thấy có cần thiết phải... và thêm vào đó, có cần phải để lộ ra với tất cả bà con hàng xóm hay không?

Tôi thấy thật sung sướng khi thấy ông đã không tỏ ra thất vọng và không có ý định nói chuyện với tôi về danh dự.

- Có thật cần thiết không? Anh cũng biết rằng chúng tôi đã kiệt quệ vì cái việc thi cử chết tiệt ấy, và bây giờ... (ông gập các ngón tay vào rồi lại mở ra như để thả ra một con chim)... không có gì hết!

- Marie đâu? - Tôi hỏi.

- Đi rồi, đến Cologne?

- Đến đâu? - Tôi hét lên. - Đến đâu?

- Bình tĩnh nào, - ông nói. - Anh sẽ được biết. Bác nghĩ là anh sắp sửa nói với bác về tình yêu, về chuyện cưới xin, v.v... Miễn phải mất công như vậy. Thôi bây giờ anh đi đi. Thật bác muốn biết rồi anh sẽ ra sao đây. Đi đi.

Tôi ngần ngại phải đi qua mặt ông.

- Còn địa chỉ?

- Đây! - Ông nói và ném qua mặt bàn cho tôi một mẩu giấy.

Tôi nhét mẩu giấy vào túi áo.

- Còn gì nữa? - Ông hét lên! - Còn gì nữa? Anh còn chờ gì nữa?

- Cháu cần có tiền...

Ông cười phá lên và tôi thấy nhẹ cả người. Đây là một tiếng cười lạ lùng, rắn đanh và tai ác; tôi chỉ nghe thấy ông cười như thế có một lần, hôm chúng tôi nói chuyện về bố tôi.

- Tiền, có vẻ đúng là một chuyện đùa... Nhưng thôi, lại đây.

Và nắm lấy tay áo tôi, ông lôi tôi ra cửa hàng, ở đấy ông bước ra sau quầy, mở ngăn kéo két và bằng cả hai tay ông vốc tiền quẳng cho tôi: những đồng mười xu, những đồng năm xu và đồng một xu lăn lông lốc trên các quyển vở và các tờ báo. Tôi do dự rồi bắt đầu thu nhặt những đồng tiền ấy. Tôi đã muốn mở rộng bàn tay ra thả chúng chạy tuột vào, nhưng nghĩ lại tôi nhặt và đếm từng đồng mác một, nhét chúng vào túi tôi. Ông nhìn tôi làm, gật đầu tỏ vẻ tán thành rồi rút ví tiền ra, cho tôi thêm một đồng năm mác. Cả hai chúng tôi đều đỏ mặt.

- Tha lỗi cho cháu, tôi thủ thỉ, tha lỗi cho cháu, trời ơi tha thứ cho cháu!

Hình như ông e rằng đã làm tôi bị xúc phạm; nhưng tôi rất hiểu ông.

- Xin ông quà cho cháu thêm một bao thuốc lá, - tôi nói.

Ngay lập tức, ông lấy ra từ trên giá sau lưng ông hai bao thuốc đưa cho tôi. Ông khóc. Gập người qua mặt quầy, tôi ôm và hôn ông vào má. Đấy là người đàn ông duy nhất tôi từng ôm hôn.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx