sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Dưới cái nhìn của anh hề - Chương 09 phần 1

IX

Tôi gọi cho Fredebeul nhưng phải đợi khá lâu mới có ai đó quyết định cầm máy. Sốt ruột vì cứ phải để chuông réo mãi (tôi tưởng tượng ra bà Fredebeul đương ngủ, bị tiếng chuông làm cho tỉnh giấc, lại ngủ, lại tỉnh giấc, và tôi kéo dài sự tra tấn đôi tai của bà), tôi đã định gác máy nhưng tự cho mình có quyền hành động trong tình trạng khẩn cấp, tôi để nguyên máy. Tôi có thể không hối tiếc chút nào, phá giấc ngủ của Fredebeul. Gã này tuyệt nhiên không đáng được ngủ yên. Với tham vọng không lành mạnh, hắn phải thường xuyên đặt tay lên telephon, lúc nào cũng sẵn sàng gọi và trả lời: liên hệ với các giám đốc ở các bộ, các biên tập viên, các ủy ban trung ương, các liên hiệp quốc gia và cơ quan đảng. Tôi rất mến vợ hắn. Khi còn là một nữ sinh trẻ măng, nàng được hắn lần đầu tiên đưa đến câu lạc bộ. Ngồi ở một góc phòng, bằng đôi mắt xinh đẹp theo dõi những cuộc tranh luận về thần học - xã hội học, trông nàng thật tội nghiệp. Rõ ràng đối với nàng, đi khiêu vũ hoặc đi xem phim còn thú vị hơn. Sommerwild, người đăng cai các buổi họp, luôn mồm hỏi xem tôi có thấy quá nóng bức không, và tôi trả lời: “Không, thưa đức ông”, mặc dù mồ hôi tôi chảy dòng trên trán và ở hai bên má. Cuối cùng không còn đủ sức chịu đựng lâu hơn được nữa sự ba hoa của họ, tôi phải đi ra hứng gió ở ngoài ban công. Vậy mà nàng lại chính là cô gái khốn khổ đã gây ra cuộc bàn cãi dài dòng chỉ vì đã tuyên bố - hoàn toàn không liên quan gì đến câu chuyện đang diễn ra về tầm quan trọng và những giới hạn của vấn đề ngôn ngữ tỉnh nhỏ - là nàng thấy “rất hay” một số điều Benn [51] đã viết. Thế là Fredebeul, khi đó được coi như là chồng chưa cưới của nàng, mặt đỏ lên như một quả cà chua lúc Kinkel nhìn hắn với cái nhìn hùng hồn, trong trường hợp này có nghĩa là: “Sao? Về điểm này anh chưa giáo huấn gì cho cô ta ư?”. Tên Kinkel này lập tức ra sức bào phẳng cô bé đáng thương, dùng toàn bộ thế giới phương Tây làm bào. Sau đó không còn lại chút gì của cô bé dễ thương ấy - những phoi bào bay tơi tả - và tôi rất bực với Fredebeul, tên hèn nhát này đã không can thiệp vì hắn đã “âm mưu” với Kinkel theo một đường lối tưtưởng nào đó (tôi không còn nhớ là khuynh tả hay khuynh hữu).

[51] Benn (1886-1956): nhà thơ và nhà văn Đức, được nhiều giải thưởng văn học. Lập trường trí thức vô chính phủ. Có ảnh hưởng lớn đến các nhà văn vô chính phủ Đức thế kỉ 20.

Dù sao đi nữa, chúng cũng cùng chung một giuộc, và Kinkel tự thấy mình phải có trách nhiệm dìu dắt người vợ chưa cưới của Fredebeul về mặt tinh thần. Sommerwild cũng ngồi yên không nhúc nhích, tuy lão đại diện cho đường lối ngược lại. (Tôi không biết là đường lối nào, nhưng nếu Kinkel và Fredebeul khuynh hữu thì Sommerwild khuynh tả, và ngược lại). Marie mới đầu tái người đi, nhưng buộc phải tự đặt mình trong sự rèn luyện - mặc cảm mà tôi không bao giờ khắc phục được ở em - và sự rèn cặp của Kinkel đã quy phục được bà Fredebeul tương lai: với những tiếng thở dài gần như bất lịch sự, nàng nuốt hết những lời giáo huấn hùng hồn trút xuống như một trận mưa rào. Hắn cũng đã không từ việc viện đến cả các nhà thờ Bertold Brecht. Khi tôi rời khỏi ban công quay vào, người tôi đã bớt vã mồ hôi, tôi thấy cả bọn họ ngồi xuống ghế, kiệt sức, đương ừng ực uống nước cho khỏi khát... và tất cả chỉ vì cô gái đáng thương đã tự cho phép mình nói là cô thấy “rất hay” một số điều Benn đã viết!

Bây giờ, chưa đầy hai mươi tuổi, ông chồng đã cho nàng hai đứa con. Và trong khi chuông tiếp tục réo lên trong căn hộ của nàng, tôi tưởng tượng nàng đương điều khiển bằng tay những bầu sữa, giường tủ, hộp phấn tan và ống kem, không biết xoay xở thế nào cho hợp, tôi cũng tưởng tượng thấy một núi quần áo bẩn trong buồng tắm và một đống bát đĩa chưa rửa trong bếp. Một hôm chán đi nghe nói chuyện, tôi đến giúp nàng sửa soạn bánh mì nướng, pha cà phê, công việc này còn đỡ ngán hơn một số cuộc nói chuyện.

“Tôi nghe đây?” cuối cùng tôi nghe thấy một giọng nói rụt rè và từ đó tôi suy ra cảnh tượng lúc này của gian bếp, buồng tắm và buồng ngủ hẳn phải làm cho người ta mất tinh thần hơn bao giờ hết. Còn mùi thì lần này tôi gần như không ngửi thấy gì: nhiều lắm là bà Fredebeul đương cầm ở tay một điếu thuốc lá.

- Schnier đây! - Tôi nói, trông chờ như mỗi lần tôi gọi một tiếng reo vui vẻ của nàng: “Ôi, thật sung sướng được biết anh đương ở Bonn!” hoặc một lời tử tế đại loại như thế. Nhưng sau một sự im lặng bối rối, nàng chỉ đơn giản nói: “A, được”. Tôi không biết nói như thế nào. Thường là nàng hỏi tôi: “Khi nào anh đến cho chúng tôi xem một trong những tiết mục của anh?” Nhưng lần này, không có một lời nào. Tôi thấy đau khổ, không phải cho bản thân tôi mà cho nàng, vì điều làm tôi suy sút tinh thần thì đối với nàng lại là điều đau khổ.

- Những bức thư, - cuối cùng tôi nói một cách khó nhọc, - những bức thư tôi gửi cho Marie ở chỗ anh chị?

- Chúng đương ở đây, - nàng nói, - được gửi trả lại, chưa bóc.

- Thế anh chị chuyển chúng theo địa chỉ nào?

- Tôi không biết, nhà tôi cáng đáng chuyện này.

- Nhưng chắc chị phải thấy trên phong bì thư gửi trả lại địa chỉ mà anh ấy ghi thêm vào chứ?

- Có phải là một sự hỏi cung không đấy?

- Ồ không, tôi thủ thỉ, không, không! Tôi chỉ rất khiêm tốn cho rằng tôi có quyền được biết cái gì đã xảy ra với những bức thư của tôi?

- Những bức thư anh gửi về đây mà không cần có sự đồng ý của chúng tôi?

- Bà Fredebeul thân mến, tôi xin bà hãy tỏ ra thương người đôi chút.

Nàng như nén lại một cái cười khẩy, nhưng không nói gì.

- Tôi cho rằng, - tôi nói, - có những lúc, dù chỉ vì những lí do về tư tưởng, người ta cũng cần phải tỏ ra có tình thương.

- Thế có nghĩa là từ trước đến nay tôi không có tình thương?

- Đúng vậy. - Nàng nén lại một cái cười khẩy nữa.

- Tôi thấy ngao ngán về chuyện này, cuối cùng nàng tuyên bố, nhưng tôi chẳng có gì để nói thêm cả. Anh nên biết rằng anh đã làm tất cả chúng tôi thất vọng.

- Như một diễn viên hài?

- Cũng có thể, nhưng không phải chỉ có thế.

- Tôi cho là anh ấy không có nhà?

- Không, nhà tôi đi vắng vài ngày nữa mới trở về. Anh ấy đi tham gia vận động bầu cử ở Eifel.

- Sao? - Tôi kêu lên (điều này thật mới mẻ đối với tôi). - Chị không định nói là cho CDU [52]?

[52] Liên minh dân chủ Cơ Đốc giáo.

- Tại sao không? - Nàng nói với một giọng rõ ràng là muốn kết thúc câu chuyện.

- Phải, phải! Có phải là tôi đòi hỏi quá nhiều nếu tôi đề nghị anh chị cho tôi xin lại các bức thư?

- Gửi về đâu?

- Về đây, tại Bonn, về nhà tôi.

- Thế anh đương ở Bonn à? - Nàng thốt lên.

Và tôi có cảm tưởng là nàng đã kìm không thốt ra “Nhân danh Chúa Trời!”.

- Chào tạm biệt, - tôi nói, - và cám ơn chị về tình thương.

Tôi ngao ngán vì đã tỏ ra nghiệt ngã đối với nàng đến thế, nhưng tôi thực đã kiệt sức. Tôi đi vào bếp, lấy ở tủ lạnh ra chai cognac tu một ngụm lớn. Vô ích. Tôi làm thêm một ngụm nữa, nhưng cũng không có hiệu quả gì.

Nếu có một người nào mà tôi không ngờ đến một sự cự tuyệt, người đó chính là bà Fredebeul. Tôi đã chuẩn bị để nghe một bài thuyết giáo dài dòng về chuyện cưới xin, kể cả việc trách móc tôi về cách cư xử của tôi đối với Marie. Bà Fredebeul biết dùng đúng lúc giọng độc đoán, nhưng bao giờ cũng rất tử tế và tự nhiên, và thường mỗi chuyến đến Bonn tôi vẫn gọi telephon cho nàng, nàng nói đùa mời tôi đến giúp nàng một tay trong việc bếp núc hay trông trẻ. Có thể tôi đã có sự ngộ nhận về nàng, nếu không phải là nàng lại đương có bầu và do đó mà tâm trạng có sự bực bội cáu gắt. Tôi đã không can đảm gọi lại, thử thuyết phục để nàng thổ lộ điều nàng đương vướng mắc. Xưa nay đối với tôi, nàng tỏ ra vẫn rất thân tình. Tôi thấy chỉ còn một sự giải thích cho sự thay đổi trong thái độ của nàng: Fredebeul “nghiêm lệnh” cho nàng là phải đuổi cổ tôi đi. Tôi vẫn thường thấy, không phải là không đáng ngạc nhiên, có biết bao nhiêu phụ nữ đã trung thành với chồng một cách phi lí đến như vậy. Bà Fredebeul hiển nhiên còn quá trẻ để có thể thấy là sự lạnh nhạt không cần thiết của nàng có thể tác động sâu sắc đến tôi như thế nào, và về phía nàng, tôi không thể đòi hỏi nàng phải hiểu là Fredebeul bao giờ cũng chỉ là một tay huyênh hoang cơ hội nóng lòng muốn thành đạt bằng bất cứ giá nào và sẵn sàng “từ bỏ” cả bà nội của mình nếu bà cụ có thể làm hỏng việc của hắn. Hẳn là Fredebeul đã nói với vợ hắn: “Schnier à? Chúng ta không cần phải bận tâm đến nữa!” và thế là nàng điềm nhiên không nghĩ đến tôi nữa. Đấy là một người phụ nữ chỉ biết phục tùng, cho đến bao giờ ông chồng của nàng còn cho tôi là có cơ hội làm lợi cho hắn, thì còn cho phép nàng, với khuynh hướng tự nhiên của nàng, vẫn tử tế với tôi, còn từ nay trở đi thì bắt buộc nàng phải tỏ thái độ khinh miệt tôi. Tuy nhiên, có thể tôi đã không công bằng đối với họ và mỗi người trong họ cũng chỉ là tuân theo lương tâm riêng của họ. Nếu Marie đã cưới Zỹpfner mà vẫn còn liên hệ với tôi, thì đó đúng là một tội lỗi. Và ngược lại, Zỹpfner, nhân vật có tầm cỡ của liên bang, có thể có ích cho Fredebeul, không phải vì nhiệm vụ thì họ vẫn phải tuân theo lí tưởng của họ cho dù lợi ích riêng của họ như thế nào! Thái độ ấy của bà Fredebeul làm tôi ngạc nhiên bao nhiêu thì càng làm tôi ít ngạc nhiên bấy nhiêu về thái độ của chồng bà ta. Tôi không bao giờ có ảo tưởng về hắn, ngay cả việc hắn đi vận động bầu cử cho CDU cũng không làm tôi ngạc nhiên chút nào.

Tôi dứt khoát cất chai cognac vào tủ lạnh.

Tôi không còn việc gì làm hơn là tiếp tục lần lượt gọi cho tất cả bọn chúng, để kết thúc một lần cho xong với bọn Cơ Đốc giáo ấy. Tôi bỗng thấy mình hoàn toàn minh mẫn và cũng không còn đi khập khễnh nữa khi trở lại phòng khách.

Phòng gửi áo và cửa gian buồng để chổi đều một mầu gỉ sắt như các chỗ khác.

Mặc dầu tôi không hề mong đợi được gì ở một cuộc nói chuyện qua telephon với Kinkel, tôi vẫn quay số của hắn. Kinkel luôn luôn tuyên bố hắn hâm mộ nghệ thuật của tôi, và đối với ai hiểu biết các nghệ sĩ, hiển nhiên là chỉ một sự tán tụng của người lái xe cũng làm cho lồng ngực họ nở ra tưởng có thể đến vỡ tung được. Tôi muốn quấy nhiễu sự thư dãn chiều tối và tín đồ của Kinkel đồng thời lơ mơ hi vọng là hắn có thể tiết lộ với tôi địa chỉ của Marie. Hắn chính là đầu não của hội; sau khi đã vào học thần học, hắn lại bỏ dở việc học để chạy theo một người đẹp. Trở thành luật gia, hắn đẻ với cô ta bảy con và được coi như là “một trong những người tinh thông nhất của chúng tôi trong lĩnh vực chính trị xã hội học”. Có thể hắn đúng là như thế, tôi không thể đánh giá gì được về chuyện này. Trước khi quen biết hắn, theo lời khuyên của Marie tôi đã đọc một trong những cuốn sách của hắn, nhan đề: Voies menant à un ordre nouveau [53]. Đọc tài liệu này tôi thấy thích thú, và tôi đã tưởng tượng ra tác giả của nó là một chàng trai tóc hoe, người thanh mảnh. Vì vậy, lần đầu tiên gặp gỡ, thấy một gã béo lùn với bộ tóc đen, dầy “tràn trề sức sống”, tôi khó có thể nghĩ đấy đúng là hắn. Có lẽ vì thế mà tôi đã không công bằng đối với hắn: vì gần như đã bị đánh lừa về hình dáng của hắn. Mỗi lần Marie lao vào chuyện tán dương Kinkel, bao giờ già Derkum cũng không quên nói đến rượu cocktail. Kinkel là hỗn hợp các thành phần có thể thay đổi: Marx cộng với Guadini, hoặc Bloy cộng với Tolstoi [54].

[53] Những con đường đi tới một trật tự mới.

[54] Karl Marx, nhà triết học và kinh tế xãhội học Đức, sáng lập Quốc tế Cộng sản I, cùng Engels viết bản Tuyên ngôn Cộng sản, tác giả của bộ Tư bản luận; Guardini (1538-1612): nhà thơ Italia, làm thơ, viết luận văn hài kịch, nổi tiếng với bi hài kịch thơ Chàng chăn cừu chung thuỷ (1590); Bloy (1846-1917): nhà văn Pháp chuyên viết văn đả kích; Tolstoi (1828-1910): nhà văn Nga nổi tiếng thế giới, tác giả cuốn Chiến tranh và hòa bình.

Lần đầu tiên, chúng tôi được mời đến chơi nhà hắn. Ngay từ lúc đầu đã có chuyện không hay. Chúng tôi đến quá sớm, ở cuối phòng bọn trẻ con đương cãi nhau ầm ĩ, giọng chúng rít lên - và có cả những tiếng rít khác đe nẹt chúng - về chuyện đứa nào phải thu dọn bát đĩa sau bữa ăn trưa. Kinkel cười cợt bước ra, miệng còn nhai thứ gì đó và rõ ràng là đương cố gắng che giấu sự phiền lòng do việc chúng tôi đã đến sớm. Đến lượt Sommerwild bước vào: tay này không nhai gì nhưng vừa cười khẩy vừa xoa xoa hai bàn tay vào nhau. ở cuối gian phòng, bọn trẻ nhà Kinkel vẫn rống lên, và giọng gay gắt của chúng tương phản nặng nề với cái mỉm cười của Kinkel và cái cười khẩy của Sommerwild. Tôi nghe thấy tiếng những cái tát, những tiếng kêu thật kinh khủng và tôi tin chắc là đằng sau cánh cửa đóng kín kia, những tiếng rống vẫn tiếp tục dữ dội hơn. Ngồi cạnh Marie và ngao ngán vì sự bất hòa đương ngự trị ở cuối gian phòng, tôi hút hết điếu thuốc này đến điếu thuốc khác trong khi Sommerwild nói chuyện với Marie, cái “mỉm cười hào hiệp và khoan dung” muôn thuở áp sát mặt. Đây là cuộc thăm viếng đầu tiên của chúng tôi ở Bonn từ sau khi chúng tôi chạy trốn. Marie người nhợt đi vì xúc cảm, vì sợ hãi, vì lòng tự trọng, và tôi rất hiểu em: em tha thiết muốn có sự hòa giải với nhà thờ. Và Sommerwild thì lại tỏ ra tốt đối với em! Theo gương Kinkel, em ngước nhìn con người này với một con mắt kính cẩn. Vậy là em giới thiệu tôi với Sommerwild, và chúng tôi vừa ngồi xuống hắn đã hỏi tôi: “Anh có họ với nhà than linhít - Schnier?” Câu hỏi làm tôi bực mình. Sommerwild biết rất rõ quan hệ gia đình của tôi. Mọi người ởBonn, hoặc gần như thế, biết việc Marie đã trốn đi với một đứa con của nhà than linhít - Schnier, “ngay trước khi thi tú tài, một cô bé ngoan đạo đến như thế, ai ngờ!” Vì tôi không trả lời câu hỏi, Sommerwild vừa cười vừa nói tiếp: “Thỉnh thoảng tôi có đi săn cùng với người ông đáng kính của anh và cũng đã có dịp gặp ông nhà ở câu lạc bộ ca hát ngẫu hứng”, ở đây nữa, hắn càng làm tôi khó chịu. Hẳn hắn cũng không ngu đần đến mức nghĩ rằng những câu chuyện đi săn và ca hát có thể làm tôi phải kính nể hắn và hắn không có vẻ là một con người nói ra bất cứ điều gì cốt để che giấu sự lúng túng của mình. Cuối cùng, tôi quyết định mở miệng: “Đi săn”?, - tôi nói, - “tôi vẫn tưởng việc đi săn là cấm kỵ đối với một giáo sĩ Cơ Đốc giáo”. Tiếp theo là một sự im lặng nặng nề, Marie đỏ mặt, Kinkel vội vã bước nhanh qua gian phòng để tìm dụng cụ mở nút chai, và vợ anh ta, vừa vào đổ những quả hạnh nhân muối lên những đĩa thủy tinh đã đựng sẵn một số quả ô liu. Sommerwild cũng đỏ mặt, điều đó không hợp với hắn một chút nào vì bình thường da hắn đã hết sức đỏ. Hắn nói, giọng vẫn bình thường, nhưng hơi có vẻ bị xúc phạm: “Đối với một người theo đạo Tin Lành, ông có vẻ rất hiểu biết”.

“Tôi không theo đạo Tin Lành”, tôi trả lời, “nhưng tôi không quan tâm đến một số điều vì Marie đã quan tâm đến chúng”. Và trong khi Kinkel rót rượu cho chúng tôi, Sommerwild lại nói: “Có những điều được quy định, thưa ông Schnier, nhưng cũng có những ngoại lệ. Tôi thuộc một gia đình làm chức trách thanh tra kiểm lâm cha truyền con nối”. Nếu hắn nói chức trách gác rừng thì tôi còn có thể hiểu được, nhưng hắn lại nói chức trách thanh tra kiểm lâm càng làm tôi khó chịu. Tuy nhiên tôi chỉ bĩu môi không trả lời. Và thế là họ bắt đầu nói chuyện với nhau bằng mắt. Bà Kinkel nói với Sommerwild (bằng mắt): mặc hắn, hắn còn trẻ mà. Và Sommerwild trả lời bà ta (bằng mắt): phải, trẻ và khá mất dạy. Vừa rót rượu cho tôi, Kinkel vừa nói với tôi (bằng mắt): Trời ơi, anh còn quá trẻ! Với Marie, hắn nói to: “Ông nhà có khỏe không? Vẫn như xưa chứ?” Marie tội nghiệp, người nhợt nhạt, bối rối đến nỗi chỉ có thể trả lời bằng cách gật đầu. “Thành phố Bonn thanh bình, cổ xưa và thành kính của chúng ta sẽ ra sao nếu không có những người như ông Derkum!”, Somerwild nói. Điều nhận xét ấy chỉ có thể làm tôi thêm phẫn nộ. Già Derkum đã kể tôi nghe việc Sommerwild đã cố ý ngăn cản những đứa trẻ em Cơ Đốc giáo đến mua kẹo và bút chì ở chỗ ông như thế nào. “Nếu không có những người như ông Derkum”, - tôi nói, - “thì thành phố Bonn thanh bình, cổ xưa và thành kính sẽ còn ghê tởm hơn nữa. ít ra ông ấy không phải là một con người giả dối”. Kinkel sửng sốt nhìn tôi, rồi nâng chén của hắn lên, hô to: “Cám ơn, ông Schnier, thế là ông cho tôi một lí do tuyệt vời để nâng cốc chúc mừng: hãy vì sức khỏe của Martin Derkum!” - “Phải, vì sức khỏe của ông ấy, rất vui lòng”, tôi nói. Lại sử dụng ngôn ngữ mắt, bà Kinkel nói với chồng bà ta: không những anh ta trẻ và mất dạy mà còn hỗn xược nữa. Tôi thú thực không bao giờ có thể hiểu được làm sao mà sau này Kinkel lại có thể gọi cái “buổi tối đầu tiên với anh chị” ấy thật là thích thú tuyệt vời. Một lát sau, đến nhập bọn có Fredebeul và vợ chưa cưới của anh ta, Monika Silvs và một Von Sovern nào đó mà người ta nói, trước khi có mặt anh ta, là mặc dầu mới quy đạo, anh ta vẫn gắn bó không kém với SPD [55], điều đó hiển nhiên được coi như là một tin giật gân. Đây là lần đầu tiên tôi thấy Fredebeul và đối với anh ta cũng như đối với những người khác: bất kể như thế nào, tôi vẫn gây được thiện cảm đối với họ, và bất kể như thế nào với họ vẫn thật đáng ghét, trừ người vợ chưa cưới của Fredebeul và Monika Silvs. Von Severn không quan trọng đối với tôi. Anh ta chán ngắt và thỏa mãn với chuyện giật gân về việc vừa quy đạo vừa là đảng viên SPD. Anh ta cười nụ, tỏ ra hết sức nhã nhặn, trong khi đôi mắt hơi lồi của anh ta lại như không ngừng muốn nhắc nhở mọi người là: “Xem tôi này, tôi đây!” Tóm lại, tôi không thấy anh ta khó chịu. Fredebeul mất nhiều công sức để làm vừa lòng tôi: hắn nói với tôi gần bốn mươi nhăm phút về Beckett [56] và Ionesco [57], hắn trút lên tôi một đống giai thoại hắn nhặt nhạnh chỗ này chỗ kia mỗi nơi một ít.

[55] Đảng Xã hội dân chủ Đức.

[56] Beckett (1906-1989): nhà viết kịch và tiểu thuyết Ailen, giải thưởng Nobel năm 1969. Tiểu thuyết của B. mầu sắc phân tâm học và tôn giáo; nổi tiếng do các vở kịch thường được xếp vào loại kịch tiền phong, còn được gọi là kịch "vô lí", có những yếu tố siêu hình, châm biếm, nói lên cái bi đát, cái vô nghĩa của thân phận con người.

[57] Ionesco: nhà viết kịch Pháp, gốc Rumani, viện sĩ Viện Hàn lâm Pháp. Kịch của I. khai thác khía cạnh vô lí, lố bịch của cuộc đời và thân phận con người, đi sâu vào sự vô lí siêu thực gây cười và đưa đến bế tắc bởi nỗi khắc khoải siêu hình. I. coi những nhân vật chỉ là những biểu tượng.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx