sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Dưới cái nhìn của anh hề - Chương 08 phần 2

Hôm ấy, khi ra khỏi bệnh viện vào lúc năm giờ sáng, tôi đưa anh từ bệnh viện về nhà, đi bộ, vì cả hai chúng tôi đều không có tiền để đi xe điện. Đến cửa nhà, anh ta rút ra chùm chìa khóa, trông anh y hệt một người đi làm ca đêm về mệt mỏi, râu không cạo. Tôi tưởng tượng sẽ kinh khủng như thế nào đối với anh nếu như lúc này anh phải đến làm lễ ở nhà thờ, với tất cả những điều thần bí mà Marie không ngớt nói với tôi. Khi Heinrich mở cửa ra, tôi thấy trong hành lang một bà già mặt cau có, chân để trần, đi giày păngtúp, nước da vàng khè. Không có đến một nữ tu sĩ, không có một bà mẹ, một người chị. Bà ta càu nhàu: “Có chuyện gì xảy ra thế? Có chuyện gì xảy ra thế?” Sống độc thân kiểu này thật thảm hại. Mẹ kiếp! Không lạ gì có những ông bố, bà mẹ gia đình Cơ Đốc giáo ngại cho con gái họ đến giúp việc trong nhà một linh mục và cũng không lạ gì đôi khi các anh chàng này làm chuyện bậy bạ. Chỉ một tí nữa là tôi đến phải gọi lại cho ông lão nghễnh ngãng ở tu viện của Léo: Tôi sẽ sẵn sàng nói chuyện với ông ta về vấn đề ham muốn xác thịt. Tôi sợ phải gọi cho một người quen nào đó: ông lão xa lạ kia còn có thể hiểu tôi hơn. Tôi muốn ông ta cho tôi biết quan niệm của tôi về Cơ Đốc giáo có đúng hay không. Theo tôi, trên đời này chỉ có bốn giáo dân Cơ Đốc: Giáo hoàng Jean [49], Alecguiness, Marie và Grégory, một tay đấu quyền Anh người da đen, suýt trở thành vô địch thế giới, đã phải sống chật vật làm một lực sĩ trong các nhà hát ca vũ nhạc. Thỉnh thoảng, tình cờ tôi gặp lại ông ta qua các đợt đi biểu diễn của tôi. Hết sức sùng đạo và chăm đi lễ nhà thờ, ông thuộc dòng cư sĩ và bao giờ cũng mang dải áo tu sĩ ở phía đằng trước, trên lồng ngực đồ sộ võ sĩ của ông. Nói chung, người ta cho ông là một người nhu nhược vì rất dè sẻn lời nói và ăn uống gần như không có gì, chỉ có dưa chuột và bánh mì. Mặc dầu thế, ông còn khỏe đến mức có thể nhấc Marie và tôi trên tay ông đi qua suốt gian phòng, như hai con búp bê. Tôi còn biết một vài người sùng đạo mức độ khá cao như thế: Karl Emonds, Heinrich Behen, và cả Zupfner.

[49] Pape Jean (523- 526): Alecguiness: diễn viên điện ảnh người Anh, sinh năm 1914, đã đóng phim và giải thích kho tư liệu Shakespear ở nhà hát Oldvic.

Còn về Marie, trường hợp của em đã tỏ ra đáng ngờ hơn đối với tôi: nỗi “khắc khoải siêu hình” của em không đủ để thuyết phục được tôi, và nếu bây giờ em đi làm những cái mà em đã làm với tôi, thì đúng là em đã phạm vào những hành động mà trong các cuốn sách của em người ta gọi là ngoại tình và thông dâm. Nỗi khắc khoải siêu hình ấy liên quan độc nhất đến việc tôi từ chối chuyện làm lễ cưới theo thủ tục dân sự cũng như chuyện nuôi dạy con cái của chúng tôi theo giáo lí Cơ Đốc. Chúng tôi chưa có con nhưng vẫn không ngừng bàn bạc với nhau về cách cho chúng ăn mặc, về cách nói chuyện với chúng, cách dạy dỗ con cái và nhất trí với nhau về mọi mặt, trừ vấn đề nuôi dạy theo giáo lí Cơ Đốc. Tuy nhiên tôi cũng đã sẵn sàng để chúng được rửa tội. Theo Marie, về điểm chót này, tôi phải viết ra giấy sự đồng ý của tôi, nếu không chúng tôi không thể làm lễ cưới tôn giáo được. Tôi cũng đồng ý làm lễ cưới tôn giáo nhưng tôi lại biết rằng còn cần phải có một lễ cưới theo luật dân sự trước đó. Thế là mất bình tĩnh, tôi tuyên bố nếu như vậy thì phải đợi thêm một thời gian nữa. Và Marie òa khóc, trách tôi không thấy là tôi đã bắt em phải chịu đựng thử thách đến như thế nào, khi mà em phải sống trong hoàn cảnh không có chút viễn cảnh nào nuôi dạy con cái theo giáo lí Cơ Đốc. Tệ nhất là trong chuyện này chúng tôi đã phải kéo dài cuộc đối thoại suốt năm năm trời như giữa những người điếc với nhau. Tôi thật không biết là nhất thiết phải có việc cưới xin dân sự trước lễ cưới tôn giáo. Với tư cách là công dân trưởng thành và “cá nhân nam giới có đầy đủ trách nhiệm”, lẽ ra tôi phải biết chuyện đó, hiển nhiên là thế, nhưng tôi đã không biết, cũng như cho đến những ngày gần đây, tôi vẫn không biết là rượu vang trắng thì phải để ướp lạnh, còn rượu vang đỏ thì phải để trong nhà cho ấm. Tất nhiên, tôi biết là có những phòng hộ tịch ở đấy người ta tổ chức lễ cưới và cấp giấy chứng nhận tương ứng, nhưng tôi cho thủ tục này là để dành cho những người không đi lễ nhà thờ hoặc cho những ai muốn làm vui lòng cơ quan Nhà nước. Khi được biết rằng nhất thiết phải có lễ cưới dân sự trước lễ cưới tôn giáo, tôi thực sự nổi khùng, hơn nữa Marie lại nói đến việc tôi còn phải làm giấy cam kết nuôi dạy con cái theo giáo lí Cơ Đốc, thế là có chuyện cãi lộn. Ngoài việc tôi có cảm tưởng mình bị đe dọa phát giác một cách bỉ ổi, tôi không bằng lòng chút nào là Marie lại có thể điềm nhiên yêu cầu về một điều khoản viết tay. Em cứ việc làm lễ rửa tội cho bọn trẻ và nuôi dạy chúng theo ý em có được không?

Tối hôm đó em không được khỏe. Xanh xao và mệt mỏi, em công kích tôi kịch liệt và bực mình tôi tuyên bố là tôi đồng ý, tôi sẽ làm tất cả những gì em muốn và tôi sẽ kí vào cả cái của ấy, thế là em thẳng thừng nổi cáu.

- Anh chỉ đồng ý vì lười biếng thôi, - em nói, - chứ không phải anh tin vào giá trị một số nguyên tắc đạo đức.

Tôi công nhận đúng là tôi hành động vì lười biếng, nhưng cũng vì tôi muốn giữ được em mãi mãi bên tôi, tôi còn nói rõ hơn là để không bị mất em tôi sẵn sàng đến cả quy đạo. Cuối cùng, với một giọng thảm thiết tôi nói thêm là công thức những “nguyên tắc đạo đức dòng” làm tôi nghĩ đến một phòng tra tấn. Em coi việc tôi sẵn sàng quy đạo để giữ em là một sự xúc phạm đến cá nhân em. Còn tôi thì lại cho là tôi đã nịnh bợ em, mặc dù cách làm như vậy có vẻ hơi lạm dụng. Em tuyên bố là vấn đề không liên can đến em hay tôi mà liên can đến “đạo lí”.

Chuyện xảy ra vào buổi tối, ở Hanovre, trong phòng của chúng tôi ở một trong những khách sạn sang trọng. ở đây, cà phê bao giờ cũng chỉ rót vừa đúng ba phần tư tách. ở những khách sạn này, người ta thanh tao đến mức coi một tách cà phê rót đầy là dung tục; vả lại, những người hầu bàn còn biết cách lịch sự hơn cả những người được coi là khách hàng. Những khách sạn này luôn luôn gây ra cho tôi ấn tượng về những khu nội trú đặc biệt tốn kém và chán ngắt. Thế mà tối hôm đó tôi mệt chết người: ba buổi biểu diễn liền nhau. Đầu buổi chiều cho các ông trùm tư bản thép, cuối buổi chiều cho các vị dự tuyển giáo sư và buổi tối ở một sân khấu ca vũ nhạc, ở đấy tiếng vỗ tay thưa thớt khiến tôi linh cảm thấy thời tàn của tôi đã đến gần. Khi tôi yêu cầu đưa bia lên phòng, anh ta thốt ra “nhất định, thưa ngài” một cách lạnh lùng như thể là tôi gọi nước phân, và người ta mang bia lên cho tôi trong một chiếc cốc bằng bạc. Tôi mệt nhoài và chỉ còn muốn uống bia, chơi ít ván cờ tào cáo, tắm một cái, đọc báo buổi chiều và ngủ cạnh Marie, tay phải đặt lên ngực em, còn mặt thì áp vừa sát đầu em để mang theo mùi tóc của em vào giấc ngủ. Những tiếng vỗ tay ít ỏi còn đọng lại trong tai tôi... Sẽ nhân đạo hơn nếu họ hướng các ngón tay của họ xuống đất? Vẻ khinh khỉnh mệt mỏi và chán chường ở họ trước những tiết mục của tôi cũng nhạt nhẽo như bia phục vụ trong chiếc cốc bằng bạc này. Tôi ở trong tình trạng thật không còn đủ sức bảo vệ một cuộc tranh luận siêu hình.

“Hans, em nói giọng đỡ chối hơn, đây là vấn đề sự việc tự nó, không hề nhận ra là từ “việc” đối với chúng tôi có một ý nghĩa nhất định. Hình như em đã quên thế. Em đi đi, lại lại trước giường đôi và đánh dấu mỗi từ bằng một cử chỉ chính xác đến nỗi khói thuốc lá của em cuộn trong không khí thành đúng bấy nhiêu cụm mây nhỏ riêng rẽ. Trông em thật đẹp trong chiếc áo chui đầu mầu gỗ đoạn, với nước da trắng và làn tóc bây giờ còn sẫm mầu hơn xưa. Lần đầu tiên tôi nhận thấy những đường gân ở cổ em.

- Thương anh một chút, tôi nói với em, hãy để anh ngủ đã, chúng ta sẽ nói về tất cả chuyện này sáng mai vào lúc điểm tâm và trước hết về cái “việc” ấy.

Nhưng em vẫn không nhận thấy gì, đi trở lại, dừng bước bên giường, và cái bĩu môi của em chứng tỏ với tôi là cuộc tranh luận này có những nguyên cớ mà em không muốn tự thú nhận ngay với chính em. Khi em rít khói với điếu thuốc lá trên môi, tôi nhận thấy quanh miệng em vài nếp nhăn mà trước đây tôi chưa bao giờ thấy. Em lắc đầu nhìn tôi, kèm theo một tiếng thở dài thật sâu, rồi quay đi và tiếp tục đi đi, lại lại.

- Anh thật không hiểu. - Tôi nói giọng mệt mỏi. - Chúng ta bắt đầu cãi nhau về vấn đề chữ kí của anh ở cuối bản khai cưỡng ép ấy, rồi về lễ cưới dân sự, và bây giờ khi anh đã sẵn sàng thực hiện cả hai, thì em lại bực tức hơn trước.

- Đúng thế, nhưng tất cả những cái đó em thấy như quá vội vã. Em có cảm tưởng đúng là anh chỉ lùi bước vì không muốn bàn cãi. Thật ra anh muốn gì?

- Em. - Tôi trả lời, và tôi không tin là người ta có thể nói với phụ nữ một điều tử tế hơn... - Tới đây nằm bên anh và mang cho anh chiếc gạt tàn, chúng ta có thể sẽ nói chuyện với nhau dễ dàng hơn.

Tôi không thể lại nhắc đến từ “việc” trước mặt em. Em lắc đầu, đặt chiếc gạt tàn lên giường rồi đi ra phía cửa sổ nhìn ra ngoài. Tôi phát sợ.

- Có cái gì làm anh không thích trong cuộc nói chuyện này. Tính em vốn đâu phải thế!

- Thế nó thế nào? - Em dịu dàng hỏi. Tôi bị lừa vì cái giọng trở lại thật dịu dàng ấy.

- Nó có mùi Bonn, - tôi nói, - mùi câu lạc bộ, Sommerwild, Zupfner và tuttiquanti [50].

[50] Cả lũ.

- Có lẽ, - em trả lời mà không quay người lại, - tại anh tưởng đãnghe thấy điều mà mắt anh không nhìn thấy.

- Anh không hiểu, - tôi nói một cách chán nản, - em nói rõ xem nào!

- Thôi đi! Cứ như anh không biết là có một đại hội Cơ Đốc giáo ở đây tuần này.

- Không, anh có thấy các tờ áp phích.

- Và Heribert, cả Sommerwild có thể có mặt ở đây anh cũng không nghĩ ra ư?

Tôi không biết Zupfner tên tục là Héribert. Nhưng khi Marie đọc ra tên đó, tôi biết ngay chỉ có thể là hắn. Trong đầu tôi hiện lên hình ảnh của cả hai người, đi ra đường tay cầm tay. Tất nhiên đã đập vào mắt tôi số lượng các linh mục và các bà xơ đi lại ở Hanovre: quá đông so với một thành phố vào cỡ này; nhưng tôi không hề nghĩ là Marie có thể có những cuộc gặp gỡ với ai trong số đó. Vả lại, khi nào nhỉ...? Chúng tôi đã từng trở lại Bonn, ở vài ngày khi không có hợp đồng biểu diễn và ở đây em đã có thể được tự do với “hội” của em.

- Tại đây, ở khách sạn này? - Tôi hỏi giọng như người kiệt sức.

- Phải.

- Thế sao em không để chúng tôi gặp nhau?

- Anh gần như không bao giờ có mặt ở nhà. Anh đi vắng cả tuần: đi Brunowick, đi Hildesheim, cái tuần...

- Nhưng lúc này anh có thì giờ! Telephon cho họ hẹn gặp chúng ta ở quầy rượu dưới nhà.

- Họ đã ra đi chiều hôm nay rồi.

- Anh rất vui là em đã có thể thở được “bầu không khí Cơ Đốc giáo” lâu đến như thế và phong phú đến như thế, mặc dù đó chỉ là một sản phẩm được du nhập!

Công thức này không phải của tôi, mà là của em. Thỉnh thoảng em nói với tôi là em cần được thở lại bầu không khí Cơ Đốc giáo.

- Tại sao anh giận dỗi? - Em hỏi tôi.

Tiếp tục nhìn ra phía ngoài, mắt không rời khỏi mặt đường, em châm điếu thuốc khác, như vậy cũng vẫn không giống em. Cái kiểu hút thuốc một cách vội vã ấy làm tôi hoang mang không kém so với giọng em nói với tôi. Lúc ấy, có lẽ như bất cứ người phụ nữ nào, xinh đẹp nhưng không thông minh lắm, em đương tìm ra một lí do nào đấy để rời khỏi tôi.

- Anh không giận dỗi, - tôi nói, - chắc em biết thế. ít ra em cũng có thể nói với anh là em biết đi.

Em không nói gì nhưng gật đầu đồng tình, và chỉ thoáng nhìn nghiêng em, tôi đã biết là em đương cố không khóc. Tại sao nhỉ? Đáng lẽ em phải khóc, khóc sướt mướt và khóc rất lâu. Tôi đã có thể đứng lên, ôm lấy em và hôn em. Nhưng tôi không động đậy. Tôi thấy không cần thiết, tôi không muốn hành động theo lề thói hay vì bổn phận. Tôi vẫn nằm dài ra ở giường. Tôi nghĩ đến Zỹpfner và Sommerwild, đến việc Marie đã nói chuyện với họ tại nơi đây tới ba ngày mà không cho tôi biết. Hẳn là họ phải nói về tôi. Zupfner là ủy viên Liên hiệp quốc gia về các hoạt động Cơ Đốc giáo. Tôi đã do dự quá lâu, một phút hay hai phút, hoặc nửa phút, sao mà biết được? Nhưng khi tôi đứng lên và bước lại gần bên em, em lắc đầu, gạt tay tôi ra khỏi vai em và lại bắt đầu nói về nỗi khắc khoải siêu hình của em và về những nguyên tắc đạo đức. Tôi có cảm tưởng là tôi đã cưới em được hai mươi năm. Em phát biểu bằng một giọng thông thái, nhưng tôi quá mệt mỏi để có thể kịp nắm bắt được những lí lẽ của em, chúng tuột đi đâu không biết. Tôi ngắt lời em để nói với em về sự thất bại của tôi ở nhà hát ca vũ nhạc lần đầu tiên trong ba năm nay. Đứng cạnh nhau nơi cửa sổ, chúng tôi cùng nhìn xuống đường, các xe taxi không ngớt lui, tới để đưa ra ga các đại biểu của Đại hội Cơ Đốc giáo: những bà xơ hiền hậu, những giáo sĩ và những người ngoài giáo hội vẻ chững chạc. Tôi nhận ra Schnitzler giữa đám đông: hắn đương đỡ tay một nữ tu sĩ có tuổi vẻ lịch sự. ủa, thời kì còn ở nhà chúng tôi, hắn theo đạo Tin Lành cơ mà. Như vậy là hắn đã cải đạo, trừ trường hợp hắn đến đây với tư cách là quan sát viên của Nhà thờ Tôn giáo. Có cái gì mà chẳng thể xẩy ra đối với hắn. Bên dưới, trên vỉa hè, người ta chở đi các va li, người ta dúi tiền thưởng vào tay những người giữ hành lí. Tôi mệt mỏi và bối rối đến nỗi như tất cả đều nhảy múa trước mắt tôi: xe taxi, bà xơ hiền hậu, đèn đuốc và va li trong khi tôi vẫn không ngừng nghe thấy những tiếng vỗ tay giết người thưa thớt. Marie từ lâu đã ngừng bản độc thoại của em về các nguyên tắc đạo đức, em đã thôi hút thuốc lá và khi tôi rời khỏi cửa sổ, em đi theo tôi, nắm lấy hai vai tôi và hôn lên mắt tôi.

“Anh thật tử tế, - em nói, - thật tử tế và thật mệt mỏi”, nhưng khi tôi muốn ôm em vào trong vòng tay tôi thì em lại thì thầm: “Không, em xin anh”. Và tôi đã mắc sai lầm là không cố nài. Mặc nguyên quần áo lăn ra giường, tôi lập tức ngủ như chết và sáng dậy không mấy ngạc nhiên là Marie đã đi rồi. Tôi tìm thấy mẩu giấy em để lại trên mặt bàn: “Em cần phải đi con đường mà em phải theo”. Em đãgần hai mươi nhăm tuổi và có thể em sẽ gặp may mắn hơn. Không phải tôi oán hận em, nhưng tôi thấy như vậy còn chưa đủ. Tôi viết ngay lúc đó cho em một bức thư, rồi một bức nữa sau bữa điểm tâm. Tôi viết cho em mỗi ngày một bức và tất cả đều gửi về Bonn, theo địa chỉ của Fredebeul. Tôi không bao giờ nhận được thư trả lời.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx