sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Dưới cái nhìn của anh hề - Chương 15 phần 1

XV

Tôi nhận ra tiếng động ấy nhưng không biết nên xử sự như thế nào. Rõ ràng tôi đã nghe thấy tiếng động ấy không phải một lần nhưng tôi vẫn không hề có ý định động đậy. ở nhà bố mẹ tôi thường là gia nhân ra mở cửa khi có người bấm chuông. ở nhà già Derkum, đã nhiều lần tôi nghe thấy tiếng gọi ngoài cửa hàng tôi vẫn không phải động chạm chân tay một lần nào. ở Cologne, chúng tôi đãsống, Marie và tôi, trong một nhà trọ ở đấy người ta chỉ dùng telephon.

Như vậy là tôi không động đậy khi nghe thấy tiếng chuông. Tiếng chuông nghe lạ tai. Tôi chỉ nghe thấy nó hai lần trong ngôi nhà này: hôm người giao hàng đem sữa đến và hôm Zỹpfner gửi tặng Marie một bó hoa trà.

Khi người đưa hoa tới, tôi còn nằm ở giường. Marie bước vào, rất vui chìa ra cho tôi xem bó hoa, em vục mặt vào bó hoa hít hương thơm của chúng. Nhưng tiếp theo sau đó là một sự việc đau buồn: thực ra tôi tưởng là hoa người ta tặng tôi, có nhiều người hâm mộ tôi vẫn thỉnh thoảng gửi hoa đến khách sạn tặng tôi. “Những bông hoa thật đẹp, em giữ lấy”, tôi nói với Marie. Em nhìn tôi ngạc nhiên: “Nhưng đây là hoa của em!” Tôi đỏ mặt, càng ngượng nghịu khi chợt nhận ra tôi chưa hề lần nào tặng hoa em. Cố nhiên là tôi đã mang về tất cả những bó hoa người ta tặng tôi ở trên sân khấu, nhưng đúng là tôi chưa thật sự tặng hoa em. Hơn nữa nhiều khi, chính tôi phải bỏ tiền túi ra mua hoa để người ta mang lên sâu khấu cho tôi.

- Ai gửi hoa cho em đấy? - Tôi hỏi.

- Zỹpfner.

- Mẹ kiếp! Thế là thế nào? - Tôi bỗng nhớ lại là họ đã cùng nhau bước ra ngoài hội quán, tay cầm tay.

- Tại sao anh ta lại không thể gửi hoa cho em? - Marie nói, mặt đỏ lên.

- Cần phải đặt câu hỏi khác đi: tại sao hắn lại gửi hoa cho em?

- Chúng em đã biết nhau từ lâu rồi, và có thể là anh ấy mến em.

- Tuyệt vời! Anh ta có mến em bao nhiêu cũng được! Nhưng tặng em cả một đống hoa đắt tiền như thế thì anh cho đó là một cử chỉ không đúng chỗ, nếu không muốn nói là bất nhã!

Bị xúc phạm, em bước ra khỏi phòng.

Hôm người giao hàng đem sữa đến, chúng tôi, Marie và tôi, đương ở phòng khách, chính em ra mở cửa và trả tiền cho ông ta. Rút cục chúng tôi chỉ tiếp khách ở nhà có một lần, đó là Léo trước ngày nó quy đạo, nhưng vì nó cùng đi với Marie, nên không bấm chuông.

Tiếng chuông lần này kêu một cách lạ lùng, vừa rụt rè vừa dai dẳng. Tôi rất sợ đó là Monika - biết đâu? Sommerwild có thể lấy cớ gì đó phái cô đến. Chuyện phức tạp những người lùn Nibelungen đương choán ngợp tôi. Tôi chạy vội ra phòng ngoài với đôi păng-túp ẩm ướt, không tìm ra nút bấm để mở cửa. Trong khi loay hoay, tôi nghĩ là Monika cũng có chìa khóa nhà này. Cuối cùng cũng tìm ra nút bấm, tôi ấn vào và nghe thấy phát ra từ tầng dưới một tiếng động giống như tiếng vo ve của một con ong va đầu vào cửa kính. Tôi bước ra bậc cầu thang và đứng vào cửa buồng thang máy. Tín hiệu đỏ “bận”, sau đó số 1 bật ra, rồi số 2. Tôi dán mắt vào các con số khi bất thình lình nhận thấy có người đứng ở ngay cạnh tôi. Giật mình tôi quay lại: một người phụ nữ xinh đẹp, có bộ tóc rất hoe, người không quá mảnh khảnh, với đôi mắt trìu mến. Theo thị hiếu của tôi thì chiếc mũ của bà ta màu đỏ hơi quá rực rỡ. Tôi mỉm cười, bà ta cũng vậy.

- Hẳn là tôi đương đứng trước ông Schnier, - bà ta nói. Tôi là bà Grebsel, người hàng xóm cùng tầng với ông, và rất sung sướng được trông thấy ông bằng xương, bằng thịt.

- Tất cả sự vui thích là về phía tôi, - tôi đáp lại.

Đúng như thế. Mặc dù màu đỏ của chiếc mũ quá rực rỡ, bà Grebsel trông vẫn rất ngon mắt. Tôi thấy cánh tay bà kẹp tờ báo: Tiếng nói của Bonn. Bà ta nhận thấy cái nhìn của tôi và đỏ mặt bà nói:

- Không nên cho việc này có gì đáng quan trọng.

- Cái tên đểu cáng ấy, - tôi kêu lên, - tôi sẽ tát vào mặt hắn khi có dịp. Nếu bà biết hắn là một con người hôi thối như thế nào - tên đạo đức giả bẩn thỉu!... Và thêm vào đó, hắn đã mặc cả để rồi lừa tôi có một chai rượu!

Bà ta cười trước khi nói:

- Nhà tôi và tôi sẽ rất sung sướng nếu có thể hôm nào được cụ thể hóa mối quan hệ hàng xóm giữa chúng ta, ông có ý định ở lại đây một thời gian không?

- Vâng, và nếu bà cho phép, tôi sẽ tới gõ cửa chỗ ông bà một hôm nào đó. ở bên ông bà, tất cả cũng đều một màu gỉ sắt?

- Đúng vậy, màu gỉ sắt là dấu hiệu riêng biệt của tầng năm.

Thang máy dừng lại một lúc ở tầng ba, rồi con số 4 bật sáng và cuối cùng đến con số 5. Tôi bất thình lình mở cánh cửa và bật lùi lại vì kinh ngạc: bố tôi từ buồng thang máy bước ra. Ông giữ cho cửa mở để bà Grebsel bước vào, rồi quay lại. “Trời ơi, bố!” Tôi thốt lên. Đây là lần đầu tiên tôi không gọi ông là ba [87]. Ông nói “Hans” và vụng về định ôm hôn tôi. Tôi đi trước đưa ông vào phòng tôi, cởi áo khoác và cất mũ cho ông, mở cửa phòng khách và mời ông ngồi vào ghế tràng kỉ. Ông ngồi xuống một cách nghiêm trang.

[87] Cách xưng hô trong gia đình Schnier.

Cả hai chúng tôi đều tỏ ra rất ngượng nghịu. Hình như sự ngượng nghịu là mối quan hệ duy nhất có thể xảy ra giữa bố mẹ và con cái. Người “bố” mà tôi chào hẳn là đã đáp lại bằng một lời thống thiết, điều đó chỉ có thể làm tăng thêm sự ngượng nghịu, dù sao cũng không tránh khỏi. Bố tôi, ông vẫn khoái ngồi trong một ghế bành màu gỉ sắt, nhìn tôi và lắc đầu: lúc đó tôi đi đôi giầy păng-túp thấm nước, tôi bít tất ẩm và khoác chiếc áo choàng tắm quá dài, ngoài ra nó lại có màu đỏ gắt hoàn toàn không cần thiết. Bố tôi không cao lớn, mảnh khảnh, ông mặc quần áo với một sự cẩu thả có nghiên cứu kĩ lưỡng đến nỗi các nhân viên đài truyền hình có thể phải tranh nhau mời ông mỗi khi họ quyết định đưa lên màn ảnh cuộc tranh luận về một vấn đề kinh tế nào đấy. Sự khôn ngoan và lòng nhân từ của ông toát ra bên ngoài làm ông càng trở nên nổi tiếng như một ngôi sao màn ảnh nhỏ, điều đó ông không thể có được nếu chỉ là một Schnier - than linhít. Ông ghê tởm bóng dáng một sự thô bạo nhỏ nhất. Chính vì dáng vẻ ấy mà người ta ngờ là ông còn phải hút xì gà nữa, không phải loại xì gà gộc, mà là những điếu xì gà mảnh và nhẹ, và việc ông chỉ hút có thuốc lá đã làm ông, một nhà tư bản gần bảy mươi tuổi, có một vẻ thư thái và tân tiến kì lạ. Tôi biết là người ta kéo ông vào tất cả các cuộc bàn luận chung quanh vấn đề tiền bạc. Người ta nhận thấy ông không chỉ toát ra lòng nhân từ, mà chính ông nhân từ. Tôi đưa thuốc ra mời ông và bật lửa cho ông.

- Bố không hiểu nhiều, đúng thế, về các diễn viên hài, lúc ấy ông nói, nhưng bố hoàn toàn không biết là họ lại tắm bằng cà phê.

Bố tôi có thể rất dí dỏm.

- Con không tắm bằng cà phê, bố ạ, con chỉ muốn rót ra một ít nhưng lại làm đổ ấm cà phê! (Lẽ ra tôi phải nhân cơ hội này gọi ông là ba, nhưng đã quá chậm).

- Bố có muốn dùng chút gì không? - Ông mỉm cười và nhìn tôi vẻ nghi ngờ trước khi hỏi:

- Anh có gì mời bố đấy?

Tôi đi vào bếp mở tủ lạnh ra: trong đó ngoài cognac, còn có mấy chai nước khoáng, nước chanh và một chai vang đỏ. Tôi lấy ra mỗi thứ một chai mang sang buồng khách và xếp chúng lên bàn trước mặt bố tôi. Ông rút kính trong túi ra đeo vào, xem xét các nhãn hiệu. Lắc đầu, ông bắt đầu gạt ra chai cognac. Thế mà tôi biết là ông thích thứ rượu này, vì thế tôi tự ái:

- Hình như đấy là loại tốt.

- Loại hảo hạng, nhưng rượu cognac tốt nhất cũng không còn ra gì khi đã làm lạnh.

- Bố muốn nói là không nên để cognac trong tủ lạnh...? - Ông nhìn tôi qua phía trên mắt kính của ông như thể tôi là một tên có thói lắp đít. Theo cách của ông, bố tôi là một nhà duy mĩ, ông rất có thể trả lại nhà bếp ba hoặc bốn lần các lát bánh mì nướng ở bữa điểm tâm cho đến khi Anna đã làm cho chúng có được độ vàng như ý muốn; cuộc chiến đấu thầm lặng lặp đi lặp lại mỗi buổi sáng.

Anna cho là dù sao đi nữa, những lát bánh mì nướng bao giờ cũng chỉ là một sự “phi lí ănglô xắcxông”.

- Thế con thật không biết là không được ướp lạnh rượu cognac, - bố tôi hỏi tôi bằng một giọng khinh thường, - hay là con giả vờ đấy? Với con, người ta không biết thế nào!

- Con không biết thế...

Ông chăm chú quan sát tôi và bề ngoài hình như đã được thuyết phục, ông cười to:

- Thế mà bố đã phải bỏ ra biết bao nhiêu tiền của cho việc học hành của con.

Nhận xét này muốn được coi là hóm hỉnh, như vậy thích hợp trong một câu chuyện giữa một người bố gần bảy mươi tuổi và một người con đã trưởng thành, nhưng ông thất bại: từ “tiền của” làm cho sự mỉa mai trở nên lạnh lùng. Lắc đầu, ông cũng gạt ra cả chai nước chanh và chai rượu vang.

- Trong điều kiện này, ông nói, nước khoáng có thể chắc chắn đảm bảo hơn cả.

Tôi lấy trong tủ ra hai chiếc cốc và mở chai nước khoáng. Cũng có một cái gì ít ra tôi còn có thể làm được một cách đúng đắn. Nhìn tôi mở chai, ông gật đầu với một vẻ khoan dung.

- Bố có thấy phiền lòng nếu lúc này con mặc áo choàng tắm không? - Tôi hỏi ông.

- Mặc như vậy không được. Mời anh mặc quần áo tử tế vào đi. Quần áo lố lăng và... mùi cà phê của anh so với hoàn cảnh một người đóng vai khôi hài không thích hợp đâu. Bố có chuyện nghiêm túc cần nói với con. Và hơn nữa - con không nên giận bố đã nói thẳng - con biết là bố ghê tởm sự bừa bãi bất cứ dưới dạng nào.

- Không không phải là một dạng bừa bãi, mà là thư giãn.

- Bố không biết đã có được bao nhiêu lần con thực sự nghe lời bố, nhưng nếu bây giờ con vẫn không muốn, bố đơn giản yêu cầu con làm vui lòng bố lần này.

Thật lạ lùng! Tôi vẫn hình dung bố tôi dưới vẻ một con người rụt rè và hầu như ít nói. Như vậy là ở truyền hình ông đã học được cách tranh luận và lí lẽ với cái vẻ “duyên dáng có sức lôi cuốn”. Tôi đã quá mệt mỏi để có thể tìm cách khước từ sự lôi cuốn ấy.

Tôi trở vào buồng tắm, tụt ra đôi giầy đẫm cà phê, lau chân, mặc áo sơmi, quần và áo ngoài, chạy chân không ra bếp đổ đậu trắng đã hâm nóng vào đĩa, bỏ đi lòng đỏ của mấy quả trứng chần nước sôi, rồi dùng thìa bóc lấy lòng trắng trứng sau đó, lấy thêm một lát bánh mì và thìa mang tất cả ra phòng khách. Bố tôi nhìn vào đĩa ăn của tôi với một vẻ ngạc nhiên khéo nghiên cứu xen lẫn sự kinh tởm.

- Xin lỗi bố, - tôi nói, - nhưng từ chín giờ sáng đến giờ con chưa ăn gì và con không nghĩ là bố đến đây để thấy con lăn ra bất tỉnh dưới chân bố.

Ông đã có được một nụ cười rồi lo lắng ông lắc đầu, thở dài nói:

- Thôi được... nhưng con xem, chỉ lòng trắng trứng, bố thấy thức ăn như vậy không lành lắm.

- Con sẽ ăn tráng miệng một quả táo.

Tôi trộn đậu với trứng, cắn bánh mì và nuốt một thìa món hổ lốn của tôi. Cũng không tồi chút nào.

- Ít ra con cũng nên thêm vào một ít tương cà chua, - bố tôi nhận xét.

- Nhưng vấn đề là phải có nó đã!

Tôi ăn một cách quá vội vã, không khỏi không phát ra những tiếng động làm bố tôi có vẻ bực mình. Ông đã cố kìm lại sự kinh tởm của ông, nhưng với một cách quả là thiếu che đậy đến nỗi tôi phải đứng lên mang đĩa thức ăn vào bếp đặt lên mặt tủ lạnh, vừa đứng ăn vừa ngắm mình trong chiếc gương treo ở trên. Thời gian qua tôi hoàn toàn bỏ mất sự tập luyện quan trọng nhất: cơ bắp mặt. Một diễn viên hài muốn gây được ấn tượng bằng sự trơ ì của vẻ mặt thì phải nuôi dưỡng cho được sự cơ động của nó. Trước kia, trước khi tập, bao giờ tôi cũng để cho mình khát khô cổ, như vậy để đi vào sự tiếp xúc với bản thân trước khi trở thành xa lạ với chính mình. Sau này, tôi bỏ phương pháp ấy và tập bằng cách tự nhìn mình trừng trừng nửa tiếng mỗi ngày, không dùng một tí mẹo nào, cho đến khi cuối cùng không còn thấy mình nữa. Tránh mọi xu hướng đi đến quá tự say mê, tôi thường gần như lên cơn điên. Kết thúc buổi tập, quên mất là tôi đương đứng nhìn bộ mặt của tôi phản chiếu trong gương, tôi quay ngược mặt gương vào tường và rồi sau đó, trong cả ngày, gặp lúc nhìn thấy mình khi đi qua một mặt gương, tôi sợ hãi: kẻ lạ mặt nào kia đang làm gì thế ở trong buồng tắm của tôi, rửa ráy? Một kẻ tôi không biết là bi hay hài, một bóng ma mặt tái xanh với chiếc mũi dài ngoẵng... lúc ấy tôi lao đến với Marie để nhìn cho thấy được tôi trong mắt em. Từ khi em bỏ tôi, tôi không còn có thể tập luyện như thế được nữa: tôi sợ trở thành điên dại. Trước kia, sau buổi tập, tôi đều đứng sững trước mặt Marie, tôi gần như áp mặt tôi sát mặt Marie, tự nhìn tôi trong mắt em. Nhỏ xíu, hơi méo mó, nhưng nhận ra được, đấy là tôi và cũng như thế tôi lại sợ sệt khi soi gương. Làm sao tôi có thể giải thích cho Zỹpfner là, không có Marie tôi không thể tập trước gương được? Ngắm nhìn mình trong gương khi đương ăn thì không có gì đáng sợ, mà chỉ thấy buồn. Tôi có thể bíu vào chiếc thìa, nhận ra những hạt đậu lẫn lộn với lòng đỏ, lòng trắng trứng, lát bánh mì đương dần dần nhỏ đi. Mặt gương chứng nhận với tôi sự tồn tại một thực tế thật xúc động về một chiếc đĩa trơn, một lát bánh mì cứ nhỏ đi mãi và một cái miệng hơi nhờn mỡ tôi lấy tay áo quệt vào. Đấy không phải là một buổi tập, và không còn ai để bứt tôi ra khỏi tấm gương. Tôi chậm chạp trở lại phòng khách.

- Con ăn quá nhanh đấy, quá nhanh, - bố tôi nhắc. - Ngồi xuống đi. Con không uống gì sao?

- Không, con muốn uống cà phê, nhưng không pha được.

- Con có muốn bố pha cho con không?

- Bố biết pha cà phê à?

- Bố có tiếng là pha cà phê tuyệt vời.

- Chà, thôi bố ạ! Con uống một ít nước ga cũng được.

- Nhưng bố sẵn sàng pha cà phê cho con mà.

- Thôi, cám ơn bố. Bếp bừa bãi kinh khủng: lai láng nước cà phê, lỏng chỏng những vỏ hộp, rải rác đầy vỏ trứng...

- Tuỳ con.

Bố tôi có vẻ bị xúc phạm một cách quá mức. Ông rót nước khoáng cho tôi, ông rút trong hộp thuốc lá đưa tôi một điếu và châm lửa cho tôi. Chúng tôi cùng hút thuốc. Tôi thấy thương ông. Có lẽ cái đĩa đậu của tôi làm ông bối rối. Ông đã trông chờ ở chỗ tôi cái mà từ “lãng tử” gọi ra trong đầu ông: một sự mất trật tự thông thái và các công trình hiện đại đủ loại trên trần và trên tường. Thế nhưng sự tình cờ lại biết cách bài thiết trong căn hộ không ra gì, còn có vẻ tiểu thị dân, và điều đó rất rõ đương đè nặng lên ông. Chúng tôi đã mua chiếc tủ buýp phê theo catalogue. Và trừ hai bức tranh mẫu thuốc nước đẹp của Monika Silvs treo trên tủ commốt: phong cảnh Rênan III và phong cảnh Rênan IV (loại màu xám đậm với vài đường nét màu trắng lơ thơ mờ ảo), những bức khác đều là các bản sao, trong đó chỉ có hai bức vẽ trừu tượng. Những đồ vật đẹp nhất chúng tôi có như thế, bình để cắm hoa và bàn uống chè di động là do Marie sắm. Bố tôi là một người cần sống có không khí, và không khí phòng tôi làm ông bị lạc hướng, trở nên trầm lặng. Khi chúng tôi đã đốt đến điếu thuốc lá thứ hai, vẫn chưa ai nói gì, cuối cùng tôi hỏi:

- Có phải mẹ cho bố biết con ở đây?

- Phải, nhưng con thật không thể tránh cho mẹ con cái kiểu đùa ác ấy được sao?

- Nếu mẹ đã không trả lời con bằng cái giọng của ủy ban của mẹ thì các chuyện đã không đi theo kiểu ấy.

- Thế con có điều gì phản đối cái ủy ban ấy? - Ông hỏi giọng bình tĩnh.

- Không. ý muốn chống phân biệt chủng tộc là tốt, nhưng ý kiến của con về vấn đề chủng tộc rất khác với ý kiến của ủy ban. Vấn đề người da đen chẳng hạn là mốt mới nhất đấy... vả lại con muốn tặng mẹ làm vật thờ một người da đen mà con rất quen... và khi người ta cho rằng có hàng vài trăm giống người da đen! ủy ban còn lâu mới thất nghiệp! và rồi còn cả người Gitan... hôm nào đó mẹ cần mời vài người trong số họ đến nhà uống chè sau khi đã tuyển mộ được họ ở ngoài đường. Mẹ không thiếu gì việc làm!

- Đấy không phải là chuyện bố định đến nói với con.

Tôi im lặng. Bố tôi nhìn tôi, rồi ông khẽ nói:

- Bố muốn nói chuyện với con về chuyện tiền nong (tôi vẫn im lặng). Bố cho là con đương gặp lúc rủi ro. Này, con nói đi, nói điều gì đi!

- Rủi ro, còn hơn thế! Có thể con sẽ không thể đi biểu diễn được trong một năm. Đây, bố xem!

Kéo ống quần lên, tôi chìa chân tôi ra, chỉ cho bố tôi xem chỗ sưng ở đầu gối, rồi kéo ống quần xuống, tay phải tôi chỉ vào ngực bên trái, tôi nói:

- Và ở đây nữa...

- Trời ơi, tim.

- Vâng, tim.

- Bố đi gọi cho ông Drohmert yêu cầu ông ta đến khám cho con. Đấy là người thày thuốc khoa tim mạch cừ nhất của chúng ta.

- Bố hiểu lầm con rồi, con cần gì ở ông Drohmert.

- Vậy mà con nói là: đau tim.

- Có lẽ nên nói là tâm hồn, tình cảm, nội tâm, biết nói thế nào... có thể trái tim là từ đúng nhất.

- Bố hiểu, - ông nói xẵng. - Cái chuyện ấy...

Hẳn là Sommerwild đã nói với ông về “chuyện” ấy ở câu lạc bộ ca hát ngẫu hứng, trước một đĩa sivê thỏ và một vại bia.

Ông đứng lên, đi đi lại lại một lúc rồi dừng lại sau thành ghế của ông, tì tay vào lưng ghế nhìn tôi.

- Bố thấy việc dùng những từ to lớn là hơi ngu xuẩn, - ông nói, - nhưng con biết con thiếu cái gì không? Con thiếu cái điệu ai cũng cần phải có nếu muốn trở thành một con người chân chính: khả năng thích nghi với số phận của mình.

- Hôm nay, đây là lần thứ hai người ta nói với con điều ấy!

- Vậy thì hãy nghe một lần thứ ba nữa, con cần tập làm quen với số phận của con!

- Đủ rồi, - tôi mệt mỏi nói lại.

- Con có biết bố cảm thấy như thế nào khi Léo đến báo cho bố biết là nó quy đạo? Bố cũng đau khổ như đối với việc chúng ta mất Henriette. Có thể bố sẽ ít xúc động hơn nếu được biết nó gia nhập Đảng Cộng sản. Một thanh niên tự huyễn hoặc mình, mơ ước công bằng xã hội... bố còn có thể tưởng tượng được. Nhưng chuyện này! (ông bíu vào lưng ghế của ông và lắc đầu mạnh). Không thể thế được! Không!

Ông nói với một niềm tin tuyệt đối. Mặt ông bỗng tái xanh, trông ông già đi rất nhiều.

- Ngồi xuống, bố, và uống một ít cognac!

Ông ngồi xuống và nhìn vào chai cognac ra hiệu đồng ý. Tôi lấy ra một chiếc li trong tủ và rót đầy rượu đưa ông. Ông cầm uống không cám ơn, cũng không nâng chén chúc sức khỏe tôi.

- Đấy là điều hẳn con không thể hiểu được, ông nói.

- Vâng, đúng thế.

- Bố đã run sợ biết bao khi thấy thanh niên đi theo thứ tín ngưỡng ấy, con sẽ hiểu là việc quy đạo của Léo đã tác động sâu sắc đến bố như thế nào; nhưng bố cũng tập làm quen dần đi với chuyện đó, cũng như với chuyện khác. Tại sao con nhìn bố như thế?

- Con cần phải xin lỗi bố về một cái gì đó. Khi con thấy bố trên màn ảnh ti vi, con thấy bố tuyệt vời, đúng như một diễn viên, không có chút nào gọi là pha trò.

Ông nhìn tôi nghi hoặc, như bị xúc phạm. Tôi vội nói tiếp.

- Con đảm bảo với ba đấy, thật tuyệt vời!

Tôi sung sướng thấy mình đã trở về được với tiếng “ba” [88].

[88] Từ lúc này cách xưng hô thay đổi như khi còn ở trong gia đình (N.D).

- Đơn giản là người ta ép ba phải đóng vai ấy, chàng trai của ba ạ.

- Nó rất hợp với ba đấy. Về phương diện đóng trò, ba còn đóng tốt là khác.

- Ba không đóng trò, ông nói một cách trịnh trọng, tuyệt đối không, ba không thấy cần thiết đóng bất cứ trò gì.

- Thật đáng buồn cho các đối thủ của ba.

- Ba không có đối thủ! - Ông phẫn nộ.

- Như vậy còn tệ hại hơn đối với họ! - Ông lại nhìn tôi nghi hoặc, rồi cười thú thật: - Họ không đủ sức làm đối thủ của ba.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx