sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Dưới cái nhìn của anh hề - Chương 15 phần 2

- Thế thì còn tệ hại hơn là con nghĩ. Những kẻ mà với họ ba không ngớt nói chuyện về tiền nong, họ có biết là ba vẫn lờ đi điều chủ yếu không... hay là ba đã thu xếp ổn với họ rồi trước khi lên màn ảnh?

Ông tự rót cho mình một li cognac rồi nhìn tôi hỏi:

- Ba muốn chúng ta nói chuyện về tương lai của con.

- Khoan đã, ba, con thấy hứng thú với tình hình công việc của ba. Ba luôn luôn nói về những tỉ lệ phần trăm, mười, hai mươi, năm mươi phần trăm... nhưng không bao giờ ba nói rõ những khoản mà những tỉ lệ phần trăm đó được áp dụng.

Ông nhấc li cognac lên, vừa uống vừa nhìn tôi với một vẻ gần như khờ khạo.

- Con muốn nói là, - tôi nói tiếp, - tuy kém cỏi về số học, ít ra con cũng biết một trăm phần trăm của một nửa penning là một nửa penning trong khi năm phần trăm của một tỉ đồng là năm mươi triệu đồng. Bố có hiểu không?

- Trời ơi! Con bỏ ra nhiều thời gian đến thế để ngồi xem ti vi ư?

- Vâng. Từ sau cái “chuyện” như ba nói, con thường ngồi xem ti vi. Nó có tác dụng làm cho con trở nên trống rỗng một cách kì diệu! Hoàn toàn trống rỗng! Và khi người ta chỉ gặp lại ông bố của mình ba năm một lần, thỉnh thoảng được trông thấy bố mình trên ti vi cũng thích thú, dù trước một vại bia trong một quán rượu nào đó vào lúc trời chập choạng tối. Có lúc con thật tự hào về ba, về việc ba khéo léo tránh né câu hỏi của người nào đó về khoản tiền theo tỉ lệ phần trăm này nọ.

- Con nhầm đấy, - ông nói xẵng, - ba không tránh né gì hết.

- Có thể làm nản lòng các đối thủ mà không bao giờ cần giáp mặt họ không, ba?

Ông đứng lên ném vào tôi một cái nhìn không hay ho gì. Đến lượt tôi, tôi cũng đứng lên. Chúng tôi đều đứng ở phía sau ghế của chúng tôi, tay tì vào lưng ghế.

- Chính do nghề nghiệp của mình, - tôi vừa nói vừa cười, - con không tránh khỏi không quan tâm đến những hình thức biểu hiện hiện đại của kịch câm. Có một hôm, ngồi một mình trước máy ti vi, ở trong phòng của một quán rượu, con đã tắt tiếng đi. Tuyệt vời! Đem “l'art pour l'art” [89] vào chính sách tiền lương và vào kinh tế! Rất tiếc là ba chưa bao giờ xem tiết mục Hội đồng quản trị họp của con.

[89] Nghệ thuật vì nghệ thuật.

- Còn phải nói với con là ba đã nói về con với Genneholm. Ba đãyêu cầu ông ta xem một số tiết mục của con và cho ba một... một thứ báo cáo.

Tôi không thể kìm mình không ngoác mồm ra ngáp. Một sự phản ứng thô tục, nhưng không tránh được. Điều đó không ngăn cản tôi ý thức hoàn toàn sự khó coi của một biểu hiện như vậy. Sau một đêm rất khó ngủ, quả là hôm nay tôi thấy người rất mệt. Dù sao khi đã ba năm không gặp bố mình và nhất là khi đương nói chuyện nghiêm chỉnh với ông lần đầu tiên trong đời, ngoác mồm ra ngáp nhất định là một phản ứng không đúng chỗ tí nào. Tôi hết sức bực bội, nhưng mệt chết người và ân hận là đã không thể kìm lại cái ngáp của mình. Tên của Genneholm tác động vào tôi như một thứ thuốc ngủ. Những người như bố tôi nhất định chỉ sử dụng “những gì cừ nhất”: Drohmert, người thày thuốc khoa tim mạch cừ nhất thế giới, Genneholm nhà phê bình sân khấu cừ nhất liên bang, rồi thợ may cừ nhất, rượu champagne, cừ nhất, khách sạn cừ nhất, nhà văn cừ nhất. Thật là phiền! cái ngáp của tôi chuyển thành một chứng co cứng và hàm tôi kêu răng rắc. Cho dù Genneholm có là tay lắp đít đi nữa, điều đó cũng không làm cho việc nhắc đến tên hắn có thể gây ra cho tôi một sự chán ngán đến như vậy. Hẳn là những tay lắp đít rất vui nhộn, nhưng chính những tay vui nhộn đó lại làm tôi chán, và những tay có tính nết kì quặc còn đáng chán hơn. Thế mà Genneholm lại là một tay lắp đít có thêm tính nết kì quặc. Có thể thấy không có buổi tiếp khách nào của mẹ tôi mà ở đó hắn lại quên thói quen đến khó chịu của hắn bám riết lấy người đối thoại, buộc con người đáng thương này, mặc dầu không muốn, cũng phải nín thở ngồi lại với hắn cho đến cuối bữa tiệc. Lần cuối cùng gặp hắn, cách đây bốn năm, tôi lại thấy hắn sặc mùi khoai tây; vì cái mùi khoai tây ấy mà chiếc áo màu hồng điều và bộ ria quỷ quái màu mật ong của hắn không còn có vẻ gì là kì quặc nữa. Hắn rất dí dỏm, mọi người đều biết như vậy, nên họ cũng phải tỏ ra hóm hỉnh. Đời sống thật là khổ cực!

- Xin lỗi ba, tôi nói sau khi tôi gần như chắc chắn là hàm tôi tạm thời hết co cứng, thế Genneholm nói sao?

Bố tôi bị xúc phạm. Ông vẫn như thế trước mỗi sự buông thả, và cái ngáp của tôi tác động đến ông không phải một cách chủ quan mà là một cách khách quan. Ông lắc đầu như lúc ông nhìn vào đĩa đậu của tôi.

- Genneholm hết sức quan tâm theo dõi sự tiến triển của con. Ông ấy rất có thiện ý đối với con.

- Không bao giờ một tên lắp đít nào lại chịu tuyệt vọng, cái bọn ấy dai như đỉa ấy.

- Đủ rồi, giọng bố tôi trở nên quả quyết, con cần thấy hạnh phúc có được một người bảo trợ có kinh nghiệm và có ảnh hưởng như ông ta.

- Nhưng con thấy rất hạnh phúc mà.

- Tuy vậy, ông ta phản đối không ít những tiết mục từ trước đến nay của con.

- Ông ta cho rằng bằng bất cứ giá nào con cũng phải tránh thể loại Pierrot [90], rằng đúng là con có tài làm trò hề nhưng đáng tiếc là, và rút cuộc... nghệ thuật hề của con chẳng ra gì. Theo ý ông ta, con chỉ nên tập trung vào kịch câm... Con có nghe ba không đấy?

[90] Vai hề kịch câm.

Giọng ông mỗi lúc một thêm quả quyết.

- Con nghe đây mà, - tôi nói, - con nghe thấy từng lời, đầy đủ từng lời một. Những lời thông minh, thích đáng làm sao. Ba không nên nghĩ ngợi gì việc con nhắm mắt khi nghe ba nói.

Trong khi ông nhắc lại lời Genneholm, đúng là tôi nhắm mắt. Như vậy tôi thấy thư thái và hơn nữa khỏi phải nhìn thấy chiếc tủ com-mốt kê sát tường, sau lưng bố tôi. Thứ đồ đạc xấu xí, không hiểu tại sao lại gợi lên ở tôi về trường học với màu hạt dẻ sẫm, các núm đen và các đường viền mép bên trên của nó. Chiếc tủ này Marie mang từ nhà bố mẹ em đến.

- Xin ba cứ nói tiếp, giọng tôi nói lúc này nhỏ.

Tôi mệt đứt hơi; nhức đầu, đau bụng; đứng sau lưng ghế người tôi co lại làm cho đầu gối tôi càng sưng thêm. Qua mí mắt khép vào của tôi, tôi thấy bộ mặt tôi hiện ra như nó đã đạt được sau hàng nghìn giờ tập trước một tấm gương: hoàn toàn im sững, trát đầy phấn, lông mi cũng bất động, và cả lông mày cũng thế, chỉ có hai con mắt di chuyển chậm chạp từ trái sang phải, từ phải sang trái như những con mắt sợ sệt của một con thỏ, và như vậy để có được kết quả mà những nhà phê bình như Genneholm cho là “khả năng kì lạ biểu lộ sự u buồn của loài động vật”. Tôi đã chết và tự giam mình đến hàng nghìn giờ với bộ mặt của tôi... mà không thể tự giải thoát được trong đôi mắt của Marie.

- Ba nói đi, - tôi nhắc lại.

- Ông ta khuyên ba nên gửi con đến một trong những giáo sư cừ nhất của chúng ta. Trong một hoặc hai năm, có thể trong sáu tháng. Ông ta cho rằng con cần có sự tập trung tư tưởng và nghiên cứu để đạt được một sự hiểu biết về chính mình tới mức con có thể trở lại hồn nhiên. Và cũng để tập luyện, tập luyện không ngừng... Con vẫn nghe ba đấy chứ?

Giọng ông, may thay, đã dịu đi.

- Vâng, thưa ba.

- Như vậy, ba sẵn sàng trả tiền học cho con.

Tôi có cảm giác như đầu gối tôi to và tròn ra như một bể chứa khí. Vẫn không mở mắt, như một người mù, tôi đi vòng qua ghế, ngồi xuống và sờ soạng tìm bao thuốc lá trên mặt bàn. Bố tôi bật ra một tiếng kêu hốt hoảng. Tôi có thể bắt chước một người mù hoàn hảo đến mức bất cứ ai cũng có thể lầm được. Tôi tự tạo ngay cho bản thân mình ấn tượng bị mù... Có lẽ tôi sẽ là như vậy... Tôi không đóng vai người mù mà là đóng vai người mất khả năng về thị giác, vậy mà khi điếu thuốc vừa mới để vào môi, tôi đã cảm thấy lửa từ chiếc bật lửa của bố tôi, và tôi cũng cảm thấy nó rung rinh thật dữ dội.

- Con trai của ba, - ông nói vẻ lo âu, - con có ốm đấy không?

- Vâng, - tôi thì thầm, kéo hết hơi thuốc và hít thật sâu, - con đau chết đi được, nhưng không bị mù. Đầu con nhức, bụng đau, đầu gối sưng và buồn phát ốm... nhưng điều tệ hại hơn cả là con biết chính xác Genneholm nói trăm phần có lí và con còn biết là ông ta còn nói thêm gì đó. Ông ta nhắc đến Kleist [91].

[91] Henri de Kleist (1777-1811): nhà viết kịch, nhà văn và nhà thơ Đức, tác giả cuốn Cái hũ vỡ, một trong những vở hài kịch hay của Đức. Các sáng tác của K. có nhiều khía cạnh phi lí tính, lãng mạn.

- Có đấy, - bố tôi nói.

- Ông ta có nói là con cần phải từ bỏ tâm hồn của con, tóm lại tự trút sạch hoàn toàn để có thể lúc đó tạo được cho mình một tâm hồn mới? Có phải đúng là ông ta nói thế không?

- Phải... sao con biết?

- Trời, con biết các lí thuyết của ông ta, con còn biết cả nguồn gốc của chúng. Nhưng con không muốn đánh mất tâm hồn của con, trái lại con còn muốn tìm lại nó.

- Con để mất nó ư?

- Vâng.

- Ở đâu?

- Ở Rome!

Tôi mở mắt ra phá lên cười.

Tôi thấy bố tôi đúng là tái mặt lại và già đi. Ông thốt ra một tiếng cười khe khẽ, tất nhiên có vẻ thấy nhẹ người đi, nhưng rõ ràng cáu kỉnh.

- Đồ chết tiệt, - ông nói, - tất cả chuyện vừa qua là đóng kịch à?

- Chẳng may lại không phải thế. Genneholm còn có thể nói thế này, còn quá nhiều tính tự nhiên chủ nghĩa và ông ta có thể đúng. Những tên lắp đít bao giờ cũng đúng, chúng có khiếu lạ lùng hòa theo trình độ... và biết ngừng lại đúng chỗ. Nhưng như vậy cũng không đến nỗi tồi!

- Đồ chết tiệt, - bố tôi nhắc lại, - đúng là con đã đánh lừa được ba đấy!

- Không đâu, không một người mù thực sự nào làm thế. Ba hãy tin con, anh ta hoàn toàn không cần phải sờ soạng hoặc tìm một sự giúp đỡ. Rất nhiều người mù, dù họ thật sự mù, vẫn “đóng vai” người mù. Con có thể dễ dàng, nhảy lò cò ra đến tận cửa, làm cho ba khóc lên vì đau xót và thương hại, đến nỗi ba phải chạy vội ra telephon để gọi cho bác sĩ... Fretza, nhà phẫu thuật cừ nhất thế giới. Ba có muốn con biểu diễn cho ba xem không?

Tôi đã đứng dậy.

- Không, này con, hãy ngồi yên! - Ông nói hốt hoảng. Tôi lại ngồi xuống.

- Ba ngồi xuống đi, ba, - tôi nói với ông, - nhìn ba đứng con dễ bị kích động.

Ông ngồi xuống, tự rót cho mình một ít nước khoáng rồi nhìn tôi, bối rối.

- Với con, người ta không biết thế nào, hãy trả lời ba một cách rành mạch. Ba sẵn sàng trả tiền học cho con, bất kể con muốn học ở đâu, ở London ởParis, ở Bruxelles... trong trường hợp này, nơi tốt nhất cũng không thừa.

- Không cần, - tôi mệt mỏi nói, - đó sẽ là một sai lầm. Con không cần học mà cần làm việc. Con đã học từ lúc mười ba tuổi cho đến lúc hai mươi mốt tuổi. Đơn giản là ba đã không nhận ra đấy thôi. Và nếu Genneholm cho là con còn có thể học ở thời điểm này thì ông ta còn ngốc hơn là con tưởng đấy.

- Ông ấy là một chuyên gia, - bố tôi nói, - cừ nhất mà ba biết.

- Và còn là cừ nhất mà chúng ta có thể có được ở đây, nhưng chỉ thế thôi. Ông ta biết một chút gì đó về sân khấu, về bi kịch, về kịch ứng khẩu, và hài kịch, về kịch câm, nhưng hãy nhìn qua những tiết mục hài đầu tay của ông ta khi ông ta bỗng nhiên xuất hiện với chiếc áo sơmi màu tím và một chiếc nơ lụa màu đen. Bất cứ người ham thích nghệ thuật nào khi xem cũng phải đỏ mặt lên vì xấu hổ. Cứ để mặc những nhà phê bình với đầu óc phê phán của họ, điều đó không có gì là tai hại, nhưng điều tai hại chính là ở chỗ họ không có đầu óc phê phán và hài hước chút nào đối với chính bản thân họ. Thật đáng buồn. Genneholm là một người chuyên nghiệp, đúng thế, nhưng thử nghĩ xem, sau sáu năm với sân khấu con lại còn phải đi học thì ông ta quả phi lí!.

- Vậy ra con không cần đến số tiền ấy? - Bố tôi hỏi. Tôi cảnh giác khi phát hiện ra vẻ thoải mái trong giọng nói của ông.

- Cần chứ ạ, - tôi nói, - đúng là cần!

- Thế con có những ý định như thế nào? Tiếp tục đi biểu diễn... ở tình cảnh này?

- Tình cảnh nào?

- Thế... - ông nói có vẻ ngượng nghịu, - con biết là báo chí nói về con...

- Nói về con? Nhưng đã ba tháng nay con chỉ đi biểu diễn ở địa phương.

- Ba đã cho tìm các bài báo, - ông nói, - và ba đã cùng nghiên cứu với ông Genneholm.

- Chết thật! Ba đã phải xì ra bao nhiêu tiền vào việc ấy?

Ông đỏ mặt.

- Điều đó không liên quan gì đến con! Nào, ý định của con ra sao?

- Tập dượt, làm việc trong sáu tháng hay một năm. Con còn xem.

- Ở đâu?

- Ở đây. Nếu không ở đây thì còn ở đâu con có thể tập dượt được. - Ông không giấu được vẻ hốt hoảng.

- Con không quấy rầy ba, cũng không làm gì hại đến thanh danh của ba đâu, ba cứ yên tâm. Con cũng không xuất hiện vào jour fixe [92] ở nhà ta đâu.

[92] Đúng ngày (định trước).

Ông đỏ mặt. Tôi đã một hai lần về nhà vào jour fixe, không phải với tư cách là người trong gia đình, mà như bất cứ ai khác. Tôi đãnốc rượu cocktail, ăn ô liu, uống chè và, trước khi ra đi, còn nhét thuốc lá đầy túi. Tôi làm các việc đó công khai đến nỗi những người hầu bàn phải đỏ mặt quay đầu đi.

- A! - Bố tôi thốt ra.

Ông xoay người trên ghế. Chắc ông muốn đứng dậy đi ra cửa sổ. Nhưng rồi, mắt nhìn xuống, ông nói:

- Ba muốn con chọn con đường chắc chắn hơn theo lời khuyên của ông Genneholm. Chẳng hay ho gì khi phải bỏ tiền ra cho một việc không có gì là chắc chắn. Vậy ra con không dành dụm được gì ư? Con đã kiếm được khá trong suốt những năm qua cơ mà?

- Con không dành dụm được gì hết và tất cả chỉ còn có một mác, duy nhất một mác.

Móc đồng mác trong túi ra, tôi giơ ra cho bố tôi xem. Ông cúi xuống nhìn và ngắm nghía như đó là một con côn trùng lạ.

- Ba thấy thật khó tin được, - ông nói. - Ba có dạy con vứt tiền qua cửa sổ đâu. Con cần bao nhiêu mỗi tháng? Con dự định tiến hành công việc như thế nào?

Tim tôi đập dữ dội. Tôi đã không tin là ông có thể nghĩ đến việc giúp đỡ tôi trực tiếp như vậy. Tôi nghĩ: không nên đòi hỏi nhiều quá, không nên đòi hỏi ít quá, nhưng dù sao cũng phải kha khá; nhưng tôi lại không có một ý niệm nào về khoản tiền cần thiết cho tôi. Tiền điện, tiền telephon, và tiền sinh hoạt hàng ngày. Tôi toát mồ hôi vì thần kinh căng thẳng.

- Trước hết, -tôi nói, - con cần có một tấm đệm cao su bằng kích thước của gian phòng này, bảy mét trên năm. Nhà máy chế biến cao su vùng Re Nan của ba có thể cung cấp cho con với giá hạ.

- Được, - ông mỉm cười, - ba còn có thể tặng nó cho con. Bảy mét trên năm... Nhưng theo ý kiến của ông Genneholm thì con không được mất thì giờ vào việc tập nhào lộn.

- Hoàn toàn không có chuyện đó. Ngoài tấm đệm ra, con cần mỗi tháng một nghìn mác.

- Nghìn mác!

Ông nhảy lên. Ông hốt hoảng thực sự, môi ông run lên.

- Kìa ba, ba ngỡ thế nào?

Tôi không có một ý niệm nào về tài sản của ông. Nghìn mác một tháng - đấy là sự tính toán ở sức của tôi - như vậy là mười hai nghìn mác một năm, và đó đâu đã là một khoản chi có thể làm ông sạt nghiệp. Ông là nhà triệu phú, bố của Marie một hôm đã đảm bảo với tôi như vậy, không phải là đã không tính toán một cách chặt chẽ. Tôi không nhớ chi tiết. Ông có cổ phần ở khắp nơi, “những lợi tức trong tất cả”. Ngay cả trong cái xưởng sản xuất dầu tắm kia.

Ông bắt đầu chầm chậm đi đi lại lại sau ghế của ông, môi mấp máy như đương tính nhẩm, có lẽ trường hợp này cần phải thế, nhưng kéo dài quá lâu.

Tôi nghĩ đến trò bẩn thỉu của họ khi tôi cùng với Marie rời khỏi Bonn. Bố tôi đã viết cho tôi là ông từ chối mọi sự cứu trợ vì lí do đạo đức, là ông để tôi tự nuôi lấy thân anh bằng chính đôi tay của anh, anh và người con gái đáng thương mà anh đã quyến rũ, là ông - tôi biết - vẫn tôn trọng già Derkum như một người đàn ông, cũng nhưđịch thủ của ông, và cuối cùng đây thực sự là một chuyện tai tiếng.

Chúng tôi trú ngụ trong một nhà trọ ở Cologne - Ehrenfeld. Sau một tháng chúng tôi đã tiêu hết bảy trăm mác. Marie được thừa hưởng của mẹ em, và tuy vậy tôi vẫn có cảm giác là chúng tôi đã rất tiết kiệm.

Nơi chúng tôi ở nằm trong vùng lân cận ga Ehrenfeld. Phòng chúng tôi quay về hướng bức tường chắn xây bằng gạch màu đỏ. Các đoàn tàu chở đầy than vào ga, rồi ra khỏi ga sau khi đã dỡ hàng. Quang cảnh khái hoạt, tiếng ồn ào xao xuyến, rất phù hợp với cảm giác chắc chắn về sự cân bằng tài chính của gia đình. Nhà tắm công cộng quay về hướng sân đầy những chậu kẽm đựng nước và dây phơi quần áo. Thỉnh thoảng người ta nghe thấy những tiếng động ngoài sân trong đêm tối: vỏ hộp mứt hoặc túi giấy đựng đầy rác ai đó lén lút tống qua cửa sổ. Tôi thường xuyên sử dụng buồng tắm, hàng giờ nằm trong bể tắm hát các bài lễ ca, cho đến hôm bà chủ nhà bắt đầu cấm tôi không được hát (“những khách trọ khác tưởng là bà cho một thày tu hoàn tục ở trọ”), rồi cuối cùng hạn chế cả việc tôi sử dụng buồng tắm. Bà ta đã phải dùng đến cả que cời lò để moi các thứ trong những gói rác vứt ra ở sân, cố phát hiện ra những chủ nhân của chúng: vỏ hành tây, bã cà phê hoặc xương cốt-lét, đem đối chiếu tỉ mỉ với nhiều nguồn tin bà điều tra được ở người bán rau hoặc người bán thịt, mặc dầu vô tích sự. Tất nhiên không bao giờ những đồ thừa vứt đi có thể giúp bà ta kết luận được dứt khoát ai là kẻ chịu trách nhiệm. Thế là bà ta phun lên mảng trời tắc nghẽn các loại quần áo phơi phóng những lời đe dọa dưới các dạng đủ cho mỗi người thấy là mình đang được chĩa vào: “Không phải tôi, tôi rất biết giữ gìn!” Buổi sáng, chúng tôi đứng ở cửa sổ ngóng người đưa thư đôi khi mang đến cho chúng tôi một gói đồ của Léo, của Anna hoặc của một người bạn gái của Marie, và thỉnh thoảng rất không đều - cả một tấm séc của ông nội. Về phía bố mẹ tôi, tôi chỉ nhận được những lời cổ vũ: “nắm lấy vận mệnh của mình trong tay và khắc phục nỗi bất hạnh bằng mồ hôi của mình”.

Sau này, mẹ tôi đã đi đến chỗ viết cho tôi là bà đã “truất quyền thừa kế” của tôi. Sự thiếu tế nhị của bà gần như là ngu ngốc. Công thức của bà rút ra từ quyển chuyện đề Coeur divise [93].

[93] Chia rẽ.

Người ta thấy trong cuốn chuyện này một thiếu nữ bị bố mẹ “truất quyền thừa kế” vì cô không chịu cho ra đời đứa trẻ mà một tay “nghệ sĩ có tấm lòng cao thượng nhưng tinh thần nhu nhược” làm cô mang thai, hình như anh ta là một diễn viên. Mẹ tôi dẫn ra nguyên văn một câu ở chương thứ tám của cuốn truyện: “lương tâm của mẹ buộc phải truất quyền thừa kế của con”. Hẳn là bà đã thấy công thức này hoàn toàn thích hợp. Dù sao, bà cũng “truất quyền thừa kế” của tôi. Tôi tin chắc rằng đó chỉ là cách để bà đồng thời bảo vệ được lương tâm của mình cùng tài khoản của bà ở ngân hàng. Bố mẹ tôi tin là, để nuôi người tình của tôi, tôi phải sống một cuộc sống anh hùng: đi làm công nhân nhà máy hay công nhân xây dựng. Đối với tôi, chuyện đó không xảy ra và sự thất vọng của bà mới cay đắng làm sao. Bản thân Léo và Anna cũng không che giấu sự thất vọng. Mọi người đã như thấy tôi sáng sớm ra đi, chuẩn bị qua loa bữa ăn trưa, ngẩng mặt lên phía cửa sổ chào từ biệt Marie một lần chót, buổi chiều trở về “mệt nhoài nhưng hài lòng”, ngồi đọc báo và nhìn Marie đan áo. Nhưng tôi lại không có một chút cố gắng nào để cụ thể hóa hình ảnh ấy. Tôi ngồi bên Marie, và Marie rất thích có tôi ở bên em. Lúc ấy tôi tự coi mình thật sự là một “nghệ sĩ” (nhiều hơn vào thời gian sau này), và chúng tôi thực hiện những ý nghĩ như của trẻ con, sống bừa bãi, treo lên tường các chai rượu vang Kiangti [94], vải đay và những mẩu đồ dệt đủ màu. Bây giờ tôi vẫn còn đỏ mặt lên vì xúc động mỗi khi nhớ lại thời kì ấy.

[94] Kiangti: rượu vang của Italia.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx