sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Dưới cái nhìn của anh hề - Chương 17

XVII

Không còn hi vọng thu hồi đồng mác trong đám xỉ ở hè đường, tôi rời khỏi cửa sổ và quay trở vào bếp làm thêm cho mình một lát bánh mì phết bơ nữa. Thức ăn dự trữ của tôi còn khá: một hộp đậu, một hộp mận (tôi không thích mận, nhưng làm sao mà Monika đoán biết được?), một nửa chiếc bánh mì tròn, một nửa chai sữa, khoảng một phần tư số cà phê, năm quả trứng, ba lát mỡ lá và một ống mù tạt. Tôi khốn khổ, không còn hi vọng có thể bao giờ luyện tập trở lại được nữa. Đầu gối tôi sưng và làm căng cả ống quần của tôi ra; chứng đau một bên đầu của tôi, đau dữ dội và thường xuyên, làm khổ tôi đến là vô nhân đạo.

Chưa bao giờ tôi thấy tôi rầu rĩ đến thế, cuối cùng là sự “ham muốn xác thịt”... và Marie ở Rome. Tôi cần đến em, làn da của em, đôi bàn tay của em trên ngực tôi. Như một lần Sommerwild đã nói, tôi rất mẫn cảm đối với vẻ đẹp của thân thể. Tôi thích được những người đẹp săn đón, như cái bà Grebsel ấy, bà hàng xóm của tôi, mặc dầu đối với bà tôi không cảm thấy chút “ham muốn xác thịt” nào. Vả lại, nói chung họ coi biểu hiện đó là một sự xúc phạm. Tuy nhiên nếu tôi cảm thấy ham muốn và có ý định thỏa mãn với họ, họ sẽ là những người đầu tiên đi báo cảnh sát. Sự ham muốn xác thịt, đó là một cái gì rất phức tạp, rất tai ác nữa. Đối với những người không theo chế độ một vợ một chồng, thì đó là một sự tra tấn thường xuyên, nhưng đối với những người theo chế độ một vợ một chồng như tôi thì lại bắt buộc phải thường xuyên tỏ ra không lịch sự. Phần lớn phụ nữ coi là bị xúc phạm khi người ta tỏ ra không ham muốn họ. Ngay bà Blothert, nếu đúng là một người phụ nữ sùng đạo và đức hạnh, vẫn có vẻ hơi bị xúc phạm trước sự lạnh nhạt của tôi. Đôi khi tôi còn đi đến thông cảm với những kẻ điên loạn mà báo chí thường nói đến nhàm tai, và khi nghĩ đến cái chuyện mà người ta gọi là “bổn phận vợ chồng”, tôi cảm thấy sởn gai ốc. Vì nhà thờ, vì nhà nước mà một người phụ nữ phải có bổn phận “làm cái ấy” thì làm sao những cuộc đoàn tụ như thế lại không có thể trở thành những tấn bi kịch? Dù sao người ta cũng không thể áp đặt lòng khoan dung! Đấy cũng là một vấn đề tôi sẵn sàng thưa với Giáo hoàng. Chắc là ông ta ít hiểu biết tình hình.

Sau khi phết bơ vào lát bánh mì thứ ba, tôi đi ra phòng ngoài rút trong túi áo ngoài của tôi ra tờ báo buổi chiều mua ở ga Cologne. Báo buổi chiều đôi khi rất có ích đối với tôi: nó tạo nên trong tôi sự trống rỗng, cũng như là ti vi vậy. Tôi lật các trang báo, lướt nhìn qua các đầu đề, bỗng một mục làm tôi chú ý, làm tôi bật cười! Huân chương chữ thập đỏ vì công lao đối với liên bang cho Tiến sĩ Herbert Kalick! Kalich chính là tên đã tố giác tôi là có tư tưởng thất bại chủ nghĩa và trong một buổi bàn cãi đã nhấn mạnh đến sự cần thiết phải xét xử tôi một cách nghiêm khắc và thực thi bản án với sự nghiêm khắc không thương tiếc. Hồi ấy, hắn có tư tưởng thiên tài đề xuất việc động viên lực lượng cô nhi viện vào trận chiến cuối cùng. Tôi biết là từ đó hắn trở thành một kẻ tai to mặt lớn. Tờ báo buổi chiều nói rõ thêm là hắn được thưởng huân chương chữ thập đỏ vì công lao đối với liên bang do “những hoạt động truyền bá tư tưởng dân chủ trong thanh niên”.

Cách đây hai năm, hắn đã mời tôi đến chơi nhằm hòa giải với tôi. Tôi phải tha thứ cho hắn về cái gì chứ? Về cái chết của Georges, đứa trẻ mồ côi đã bị tử thương vì một quả lựu đạn chống tăng? Hay là vì đã tố giác tư tưởng thất bại chủ nghĩa ở một đứa trẻ mười tuổi khi đó là tôi, và đòi xét xử tôi một cách nghiêm khắc và thực thi bản án với một sự nghiêm khắc không thương tiếc? Nhưng theo ý Marie, tôi không thể từ chối một lời mời như thế, và chúng tôi đã đến nhà hắn với một bó hoa. Hắn có một ngôi biệt thự xinh đẹp ở chân tháp Eifel, một cô vợ xinh đẹp và một đứa con. Vợ hắn có một kiểu sắc đẹp làm cho người ta không bao giờ có thể biết là người ta đang đứng trước một sinh vật sống hay một giá chiêu mẫu quần áo. Ngồi vào bàn bên cạnh bà ta, tôi luôn luôn muốn thử mó vào tay, vào vai hoặc vào đùi bà ta để tin chắc đây không phải là một con búp bê. Tất cả sự tham gia của bà ta vào câu chuyện gói gọn trong có hai tiếng thốt lên là: “Ô, thật là thú vị!” hoặc “Ô, thật là kinh khủng!” Tôi đã bắt đầu thấy bà ta chán ngắt, nhưng rồi sau đó, bị mê hoặc, tôi tuôn ra bất cứ chuyện gì, như khi người ta nhét những đồng xu vào một chiếc máy tự động... chỉ để xem bà ta phản ứng như thế nào. Khi tôi kể cho bà nghe việc bà nội tôi mới mất - không đúng, vì bà nội tôi đã mất cách đây mười hai năm - bà ta kêu lên: “Ô, thật là kinh khủng!” Tôi cho là người ta có thể nói ra những lời nhạt nhẽo về cái chết của một người nào đó, chứ không thể nói: “Ô, thật là kinh khủng!” Tôi kể tiếp cho bà ta nghe về chuyện một Humeloh nào đó (không có thực, tôi chỉ mới nghĩ ra cốt để duy trì chiếc máy tự động) mới được phong tiến sĩ honoris causa, thế là bà ta thốt lên: “Ô, thật là thú vị!”. Trái lại, khi tôi kể ra với bà ta là Léo, em tôi, vừa quy đạo, bà ta do dự một lúc, sự do dự có vẻ như là lần đầu tiên trong đời bà, rồi sau khi nhìn tôi bằng đôi mắt to trống rỗng của con búp bê, nghĩ xem tôi xếp sự kiện đó vào loại nào, bà buông ra một câu: “Kinh khủng, có phải không?” Tóm lại, tôi đã thành công trong việc moi được ở bà ta một biến thể. Và tôi gợi ý bà ta nên bỏ đi hai cái tiếng “ô, thật là” và chỉ nên nói là “thú vị” và “kinh khủng”, bà ta bịt mồm cười và đưa lại cho tôi món măng tây trước khi thốt lên “ô, thật là thú vị!” Tối hôm đó, chúng tôi còn làm quen được với đứa con của họ, một nhóc lên năm tuổi có thể cứ để nguyên đưa lên ti vi trong một phim quảng cáo giới thiệu các mặt hàng cho trẻ em. Chúc papa ngủ ngon, chúc mama ngủ ngon, một cái chào rất thấp trước Marie, một cái chào khác thật thấp trước tôi: nhãn hiệu hoàn hảo của thuốc đánh răng. Tôi ngạc nhiên tại sao tổ chức quảng cáo của đài truyền hình còn chưa phát hiện ra nó. Lúc sau, khi chúng tôi ngồi dùng cà phê và rượu cognac bên lò sưởi, Harbert mới bắt đầu ba hoa về thời đại lớn lao của chúng tôi đang sống. Hắn đi lấy một chai champagne và hoàn toàn trở nên thống thiết. Hắn ngỏ lời xin lỗi tôi, còn quỳ xuống để van xin cái mà hắn gọi là “một xá tội ngoài đời”. Thiếu chút nữa thì tôi đã cho hắn một cái đá đít, nhưng nghĩ lại, tôi cầm lấy con dao cắt phó mát để trên mặt bàn và trịnh trọng tôn phong hắn hiệp sĩ của nền dân chủ. Vợ hắn kêu lên: “Ô, thật là thú vị!” Và sau khi Herbert hoàn toàn cảm động, đã ngồi lên, tôi liền nói chuyện với hắn về những người Do Thái Yăngki. Từ lâu người ta đã tưởng, - tôi nói, - Schnier, tên tôi, có liên quan gì đó với Schorrer [108]nhưng sau người ta đã chứng minh là nó không xuất xứ từ cái tên đó mà là từ Schneider [109], như vậy tôi không phải Do Thái cũng không phải Yăngki, và tuy nhiên...

[108] Ăn mày.

[109] Thợ may.

Đúng lúc đó, bất thình lình, tôi cho Herbert một cái tát: tôi vừa chợt nhớ ra chuyện hắn đãđòi một trong số các bạn cùng lớp với tôi, Gửtz Buchel, phải đưa ra chứng cớ gốc người Arien của cậu ta. Và Gửtz đáng thương đã vấp phải những khó khăn kinh khủng vì, mẹ cậu ta là người Italia và sinh ra ở một làng phía Nam nước Italia, cậu ta không thể nào lấy được một tài liệu tối thiểu nào chí ít giống như một bằng chứng về sự thuần khiết chủng tộc của mẹ cậu ta, nhất là vào thời kì ấy xóm làng quê hương của mẹ cậu ta đã bị bọn Do Thái Yăngki chiếm đóng. Đối với bà Buchel và Gửtz con trai của bà, đấy đúng là những tuần lễ vừa kinh khủng, vừa nguy hiểm cho đến hôm ông giáo của Gửtz nghĩ đến việc đi tìm hỏi ý kiến một chuyên gia về các vấn đề chủng tộc ở trường đại học Bonn. Ông này cho biết Gửtz chắc chắn là người Arien thuần khiết. Nhưng lúc bấy giờ Herbert Kalick, quá quắt đến kinh người, tuyên bố tất cả những người Italia đều là những kẻ phản bội, vì thế cho đến hết chiến tranh Gửtz không có đến một phút yên ổn. Toàn bộ câu chuyện đó trở lại trong đầu tôi khi tôi thuyết trình về vấn đề Do Thái Yăngki và thế là tôi sững lại, tát Herbert Kalick, quẳng luôn cốc champagne của tôi, rồi cả dao cắt pho mát vào lò sưởi, nắm lấy tay Marie kéo em đi ra khỏi nhà hắn. Không tìm được taxi ở phía trên đó, chúng tôi phải đi bộ một quãng đường rất xa mới tới được bến xe buýt. Marie khóc, không ngớt nói tôi như thế là không Cơ Đốc chút nào, không nhân đạo chút nào. Tôi nói lại là tôi không theo đạo Cơ Đốc và cửa phòng xưng tội còn chưa để ngỏ đối với tôi. Em cũng hỏi phải chăng tôi nghi ngờ tư tưởng dân chủ của Herbert, tôi trả lời: “Không, không, anh không nghi ngờ, trái lại là đằng khác, nhưng gã này có cái mõm anh không ưa chút nào và không bao giờ có thể ưa được”.

Tôi mở danh bạ điện thoại tìm số telephon của Kalick. Đúng là tôi sẵn sàng muốn nói chuyện với hắn qua telephon. Lúc đó tôi nhớ là đã gặp hắn một lần khác vào thời gian gần sau đó, vào “đúng ngày” của bố mẹ tôi, đương chuyện trò với một pháp sư về “đời sống tinh thần Do Thái”, hắn nhìn tôi với con mắt van xin. Tôi thấy thương hại cho ông pháp sư. Ông già này râu đã bạc trắng, rất nhãnhặn, có một vẻ thơ ngây làm tôi lo lắng. Herbert không bao giờ quên, mỗi khi có sự quen biết mới, nhắc đến việc hắn đã là đảng viên Quốc xã và bài Do Thái nhưng “lịch sử đã mở mắt cho hắn”. Điều đó không ngăn cản hắn, hôm trước ngày quân Mĩ tiến vào Bonn hắn còn huấn luyện các thanh niên cách sử dụng lưu đạn chống tăng và bảo họ là: “Gặp tên Do Thái đầu tiên nào là các anh tống thẳng cái của này vào mõm chúng!” Điều làm tôi khó chịu nhất vào những “ngày nhất định” kia là vẻ trong trắng ngây thơ của những người hồi hương. Tất cả lòng ăn năn ấy, tất cả những lời tuyên bố công khai tin tưởng ấy có lợi cho nền dân chủ đã làm cho họ cảm động đến mức buổi họp thường kết thúc bằng những cuộc kết thân và ôm hôn thắm thiết. Những người này không hiểu bí mật của sự khủng bố nằm trong các chi tiết. Ân hận về những việc lớn, những sai lầm về chính trị, ngoại tình, giết người, bài Do Thái, đơn giản như ban ngày vậy thôi... nhưng ai là người, biết về chi tiết, lại có thể tha thứ được? Đã thấy Bruhl và Herbert Kalick nhìn bố tôi một cách như thế nào khi ông đặt tay ông lên vai tôi? Đã thấy thái độ của Herbert Kalick, không còn tự kiềm chế được, lúc hắn đập bàn và hét lên, trừng trừng nhìn tôi bằng đôi mắt của người chết: “Thật nghiêm khắc, nghiêm khắc một cách không thương tiếc”? Đã thấy kiểu hắn nắm cổ áo Gửtz Buchel và bỏ ngoài tai những lời phản kháng của ông giáo, đưa cậu ta ra trước toàn lớp học và nói: “Hãy nhìn kĩ... Xem nó có đúng là Do Thái...!” Tôi giữ lại trong tôi kỉ niệm về quá nhiều những khoảnh khắc, quá nhiều chi tiết... và về đôi mắt của Herbert đã không hề thay đổi... Tôi thấy sợ khi thấy hắn ba hoa với ông pháp sư già hơi đơn giản kia rõ ràng tán thưởng sự hòa giải đến mức đã bằng lòng để Herbert chuẩn bị cocktail, rồi nghe hắn nói dông dài về “đời sống tinh thần Do Thái”. Những người di cư cũng không biết là các đảng viên Quốc xã hiếm bị điều ra mặt trận, còn đi vào cái chết hầu hết chỉ là những người khác. Nếu Herbert Knieps, ở cạnh nhà Wieneken, và Gunther Cremer con của người bán bánh mì, mặc dầu cả hai đều là trưởng ban đoàn thanh niên Hitler, đã bị điều ra mặt trận là vì quá thiếu nhiệt tình, không chịu tham gia vào những trò dò xét tố giác bẩn thỉu. Kalick chưa bao giờ bị điều ra mặt trận, là vì hắn đã tỏ ra hết mức nhiệt tình cũng như hiện nay vậy. Đấy là một người nhiệt tình bẩm sinh. Tóm lại sự việc không như những người di cư tưởng, chắc rằng họ chỉ nghĩ đến chuyện xem: ai là thủ phạm, ai là đảng viên Quốc xã hay ai chống Quốc xã.

Tay trưởng khu Kierenhalm thỉnh thoảng đến thăm già Derkum ở cửa hàng. Hắn thẳng thừng lấy ra một bao thuốc lá ở trong ngăn kéo của ông, không nói gì về chuyện tiền nong, châm một điếu thuốc và, ngồi lên mặt quầy trước mặt bố của Marie, nói với ông; “Này, Martin, nếu chúng tôi tống ông vào một trại tập trung nhỏ tử tế, không đến nỗi nghiệt ngã lắm?” và ông Derkum trả lời: “Bọn chó đểu bao giờ cũng vẫn là bọn chó đểu, và mày là một trong bọn đó”. (Họ biết nhau từ lúc sáu tuổi). Kierenhalm nổi khùng rống lên: “Không nên đi quá xa, Martin, đừng có nói quá?” và Derkum trả lời: “Tao còn đi xa hơn nữa: cuốn xéo ngay!” Và Kierenhalm: “Tao sẽ để mắt đến việc người ta đưa mày vào một trại tập trung đặc biệt tàn bạo”. Cuộc đấu khẩu tiếp tục, và bố của Marie hẳn đã không thoát bị bắt giam, nếu như tay quận trưởng, vì một lí do mà chúng tôi không bao giờ biết được, đã không chìa ra cho ông một “cánh tay bảo trợ”. Cánh tay bảo trợ không phải hắn chìa ra cho tất cả mọi người, hẳn thế, không phải cho Marx, người bán da thú, cũng không phải cho Krupe đảng viên Cộng sản. Cả hai người này đều bị thủ tiêu. Còn tay quận trưởng, hắn vẫn khỏe mạnh và làm ăn phát đạt trong nghề thầu công việc xây dựng. Một lần gặp Marie, hắn tuyên bố: “Thực không có gì đáng phải phàn nàn về tôi”. Già Derkum thường nói với tôi: “Để có thể đánh giá được tất cả sự ghê tởm của chủ nghĩa Quốc xã, anh cần phải hiểu rằng tôi sở dĩ sống sót được là nhờ vào một tên bẩn thỉu đến như cái tên quận trưởng kia, thêm vào đó tôi đã phải chứng thực sự việc bằng giấy trắng mực đen!”.

Giữa chừng, tôi tìm ra được số telephon của Kalick, nhưng còn do dự quay số. Bỗng nhớ ra ngày hôm sau rơi đúng vào “ngày nhất định” của mẹ tôi, tôi nảy ra ý định đến rút bớt tiền của mẹ tôi trong một khoản thu nhập nào đó của bà, bằng cách chất đầy túi thuốc lá và hạnh nhân mặn, đỡ nhẹ một túi ô liu, thêm một gói bánh quy bơ và cũng không hạn chế việc đi vòng quanh các vị khách mời, mũ cầm tay, quyên tiền cho một “thành viên của gia đình gặp lúc khó khăn”. Tôi đã sử dụng cách thức này lúc tôi mười lăm tuổi: quyên tiền “cho một mục đích đặc biệt” và tôi đã thu được gần một trăm mác. Số tiền đó tôi dùng cho riêng tôi, không hề ân hận chút nào. Và nếu ngày mai tôi đi quyên tiền cho “một thành viên của gia đình đang gặp lúc khó khăn” thì đâu có phải là tôi nói dối: tôi đúng là thành viên của gia đình và đúng là tôi đang gặp lúc khó khăn. Tôi còn có thể vào trong bếp rúc đầu vào lòng Anna mà khóc và nhét thêm xúc xích vào túi. Tất cả cái bọn ngu xuẩn tụ tập ở chỗ mẹ tôi sẽ cho đây là một chuyện đùa giỡn tuyệt diệu của tôi và, với cái cười gượng gạo, mẹ tôi sẽ bắt buộc phải làm cho mọi người tin rằng đó là một trò đùa. Không ai có thể nghĩ rằng đây là một câu chuyện cực kì nghiêm túc. Bọn họ không hiểu bất cứ điều gì hết. Tất nhiên họ biết rằng để làm một diễn viên hài giỏi phải có vẻ buồn, nhưng đối với một diễn viên hài thì sự u buồn lại là một công việc vô cùng nghiêm túc, đó là điều họ không hề nghĩ tới. Vào “ngày nhất định” của mẹ tôi, tôi sẽ gặp tất cả bọn họ: Sommerwild và Kalick, những người theo chủ nghĩa tự do và xã hội dân chủ, sáu loại chủ tịch khác nhau, và cả những người chống thuyết nguyên tử (mẹ tôi ít ra cũng đã tham gia phong trào chống thuyết nguyên tử trong ba ngày, nhưng sau đấy một ông chủ tịch không rõ của tổ chức nào đó đã giải thích với bà chính sách chống thuyết nguyên tử sẽ có hậu quả là sự sụp đổ đến tận gốc các thị giá chứng khoán, bà liền nghe theo và tức khắc nắm lấy telephon gọi cho ủy ban “tìm cách tách ra” khỏi phong trào đó). Cuối cùng, nhưng chỉ sau khi tôi làm xong việc quyên tiền, tôi sẽ công khai cho Kalick một cái tát, rồi gọi Sommerwild là một tên giả dối khoác áo thầy tu và để kết thúc sẽ tố cáo vị đại biểu của ủy ban liên hiệp quốc gia những người Cơ Đốc giáo ngoài giáo hội là đã gây ra chuyện ngoại tình và thông dâm.

Tôi rút lại ngón tay ra khỏi mặt số, thôi không gọi cho Kalick nữa. Tôi chỉ muốn hỏi xem cuối cùng hắn đã thanh toán xong quá khứ của hắn chưa và cả về các mối quan hệ của hắn với chính quyền có vẫn suôn sẻ hay không, sau hết để xem hắn có thể cung cấp cho tôi một vài chỉ dẫn về đời sống tinh thần Do Thái. Một hôm trong một cuộc họp các đoàn thanh niên Hitler, Kalick đã đọc một bài thuyết trình dưới đầu đề “Machiavel [110] hay là sự tìm hiểu những mối quan hệ với chính quyền”.

[110] Machiavel (1469-1527): nhân vật Nhà nước và nhà văn lớn, nhà sử học Italia. Hài kịch Handrajola (1524) của ông là vở hay nhất Italia thời Phục hưng, đả kích tính chất giả dối của đạo lí và tôn giáo.

Tôi không hiểu nhiều lắm trong bài thuyết trình ấy nếu không phải là sự bày tỏ một cách công khai và rõ rệt quan hệ nô lệ của Kalick với chính quyền, và qua nét mặt người ta đọc được thấy rõ là các tay chỉ huy khác coi bài diễn văn của hắn trâng tráo đến vô liêm sỉ. Đã có những chuyện như thế mà báo chí nói đến rất nhiều: những sự xúc phạm đến nhân phẩm, và Kalick không khác gì hơn là một kẻ có thói quen gây nên những sự xúc phạm chính trị đến nhân phẩm. Hắn có mặt ở đâu là đằng sau hắn người ta thấy dấu vết những sự xúc phạm hắn để lại.

Tôi vui mừng trước, về cái “ngày nhất định” ấy. Cuối cùng sẽ có thể tôi moi được gì đó từ tiền của bố mẹ tôi: những quả ô liu, hạnh nhân mặn, thuốc lá... Tôi sẽ nhét túi vài nắm xì gà và sẽ bán lại chúng dưới giá. Tôi sẽ giật bỏ huân chương của Kalick và sẽ tát hắn. Đem so sánh với hắn, tôi thấy mẹ tôi còn có vẻ là một con người. Lần cuối cùng tôi gặp Kalick ở phòng ngoài nhà bố mẹ tôi, hắn nhìn tôi một cách buồn bã và nói: “Mỗi con người có sự may mắn của nó, những tín đồ Cơ Đốc giáo gọi đó là ơn ban”. Tôi không trả lời hắn. Dẫu sao tôi cũng không phải là tín đồ đạo Cơ Đốc. Lúc ấy, tôi nhớ ra là trong bài thuyết trình của hắn về Machiaval, hắn cũng đã nói về “sự khoái lạc của tàn bạo” và về Machiavl kẻ dâm dục. Khi tôi nghĩ đến cái chủ nghĩa dâm dục Machiavel của Kalick. Tôi thấy thương hại cho những bà vợ bị khuất phục bằng giao ước bởi một tên thích thú những trò tàn ác, bạo tàn nào đó. Và tôi nghĩ đến vô vàn những thiếu nữ xinh đẹp mà số phận buộc phải làm cái việc ấy vì đồng tiền với những tên Kalick hoặc cho không với đức ông chồng của họ, và trong trường hợp này hay trong trường hợp kia họ đều không thấy thích thú gì.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx