sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Dưới cái nhìn của anh hề - Chương 18

XVIII

Thay vào số telephon của Kalick, tôi quay số gọi Léo. Không biết các ngài ở đấy có bao giờ kết thúc được bữa ăn của họ, một khi phải nuốt cho đỡ đói hết xuất cải bắp.

Tôi sung sướng được nghe cũng cái giọng lần trước. Bây giờ ông ta ngậm một điếu xì gà làm giảm đi mùi bắp cải ở miệng ông ta.

- Schnier đây, ông nhớ ra tôi không?

- Có chứ, - ông ta vừa cười vừa trả lời. - Hi vọng anh không vội theo lời tôi đốt đi Thánh Augustin của anh đấy chứ?

- Có đấy, đốt rồi! Tôi xé ra và ném tất cả các mảnh vụn vào lò sưởi.

Một sự im lặng, rồi:

- Anh không đùa đấy chứ? - Giọng ông ta khàn khàn.

- Không! Không bao giờ, trong những trường hợp như vậy.

- Chúa tôi! Vậy ra anh không nắm được tính chất biện chứng trong nhận xét của tôi?

- Không, tôi là một người thẳng thắn, lương thiện và đơn giản... Nhưng em tôi bây giờ ra sao? Khi nào thì các vị ấy làm ơn kết thúc bữa ăn cho?

- Không còn lâu nữa đâu, người ta vừa đem đồ tráng miệng vào.

- Thứ gì đấy?

- Anh muốn nói về đồ tráng miệng à?

- Vâng.

- Về nguyên tắc tôi không có quyền nói ra, nhưng đối với anh thì có ngoại lệ: đấy là mứt mận và kem đánh bọt. Có vẻ ngon... Anh có thích mận không?

- Thật khó hiểu và không sao khắc phục được, tôi ghét cay ghét đắng những quả mận.

- Anh cần phải đọc tiểu luận của Hoberer về sự đặc ứng. Theo ông ta tất cả đều sinh ra từ những kinh nghiệm rất cổ xưa, ngay cả trước khi sinh ra cơ. Rất thú vị. Hoberer đã nghiên cứu tỉ mỉ tám trăm trường hợp. Anh khổ vì sầu muộn phải không?

- Sao ông biết?

- Tôi đoán được qua giọng nói của anh. Anh cần phải tắm rửa và cầu kinh.

- Tôi đã tắm rồi nhưng không thể cầu kinh.

- Đáng tiếc! Tôi sẽ tặng anh một Thánh Augustin mới, hoặc một Kierkegaard [111].

[111] Kierkegaard (1813 -1855): nhà triết học và thần học Đan Mạch. Tư tưởng cơ bản: ghê tởm cuộc đời, sợ chết, lo âu khắc khoải, bi quan. Đầu thế kỉ XX, có ảnh hưởng lớn đến triết học và văn học tư sản (chủ nghĩa hiện sinh).

- Sách này tôi còn giữ. Nhưng này, ông xem có thể nói giùm tôi một việc với em tôi được không?

- Sẵn sàng.

- Bảo nó mang tiền đến cho tôi. Tất cả những gì nó có thể kiếm được.

Ông ta lảm nhảm gì đó rồi nói thật xa:

- Tôi ghi để nhớ: mang tiền đến càng nhiều càng tốt. Rút cục, anh cần phải đọc Thánh Bonaventure [112]. Tuyệt vời đấy! và không nên lầm lẫn quá như vậy về thế kỉ XIX. Qua giọng nói của anh người ta thấy là anh hiểu sai về thế kỉ XIX.

[112] Bonaventure (1221- 1274): cha đạo nhà thờ Thiên Chúa giáo, trở thành Giáo chủ hồng y, linh mục trưởngdòng Thánh Francois và hợp pháp của Giáo hoàng ở Hội nghị Giám mục Lion. Tác giả nhiều tác phẩm thần họcvà triết học, được tôn là nhà thần học thiên thần thượng đẳng.

- Đúng thế, - tôi nói, - tôi căm ghét cái thế kỉ ấy.

- Sai lầm! Vô lí! ngay bản thân nghệ thuật kiến trúc cũng không đến nỗi tồi như người ta nói. (Ông ta cười). Vậy hãy đợi đến hết thế kỉ XX trước khi căm ghét thế kỉ XIX... Tôi vừa tiếp chuyện anh vừa ăn món tráng miệng của tôi, không làm phiền anh chứ?

- Món mận à?

- Không phải, ông ta còn một cách tinh tế, tôi bị thất sủng. Tôi không có quyền được động tới các món ăn của các ông chủ, chỉ các món ăn của đầy tớ thôi. Món tráng miệng của tôi hôm nay: bánh púđinh kiểu caramen. Vả lại... rõ ràng ông ta vừa đút thỏm vào mồm một thìa púđinh và nuốt trước khi cười khảy... vả lại tôi trả thù... Tôi telephon đến Munich hàng giờ một người đồng nghiệp cũ cũng là học trò của Scheler [113]. Rồi thỉnh thoảng gọi đến Hambourg cho cục chương trình điện ảnh, hoặc đếnBerlin cho nha khí tượng. Để trả thù. Nhờ có dây nói tự động, nên không thể lại vết tích... ông ta lại nói rồi nói tiếp, vẫn cười khẩy: nhà thờ rất giàu, nằm trên đống vàng. Nó sặc toàn mùi tiền, như một cái xác chết của người giàu có. Xác chết của những người nghèo có mùi thơm... anh có biết thế không?

[113] Scheler (1874-1928): nhà triết học Đức, tác giả nhiều công trình nghiên cứu quan trọng về hiện tượng học.

- Không.

Tôi thấy đầu đã đỡ nhức và tôi khoanh một vòng đỏ vào số telephon của Léo.

- Anh không tin đạo, đúng không? Không cần trả lời, tôi đoán được qua giọng nói của anh. Đúng không?

- Hoàn toàn đúng!

- Chẳng có gì là quan trọng. Có một đoạn trong kinh Isaie [114] mà Thánh Paul cũng đã nhắc đến trong thư văn ông gửi những người Rôman. Nghe cho kĩ nhé: “Tôi được tìm thấy bởi những người không đi tìm tôi, và tôi được bày tỏ rõ ràng với những người không hề hỏi gì tôi”. (Ông khẽ bật ra một tiếng cười nham hiểm). Anh có hiểu không?

[114] Người đứng đầu trong bốn nhà tiên tri Do Thái thế kỉ thứ VIII trước Công nguyên. Kinh Isaie trong sách Thánh truyền, có văn phong mạnh mẽ và nhiều chất thơ, có thể là của nhiều tác giả.

- Có. - Tôi trả lời với giọng tẻ nhạt.

- Chào, thưa ông giám đốc, chào ông! - Ông ta nói rất to và bất thình lình bỏ máy. - Những lời cuối cùng tôi nghe thấy ông nói với một giọng phục tùng cay cú.

Tôi ra sát cửa sổ để xem giờ trên đồng hồ góc phố. Lúc ấy đã gần tám giờ ba mươi. Các vị ở đấy rõ ràng là ăn ngon miệng. Tôi cũng thích chuyện trò với Léo, mặc dầu tôi chỉ còn quan tâm đến số tiền nó có thể cho tôi mượn. Tôi dần dần ý thức được sự nghiêm trọng hoàn cảnh của tôi. Đôi khi tôi không thể phân biệt được cuộc sống thực của tôi và cuộc sống tưởng tượng của tôi. Cuối cùng, tất cả ở tôi đều rối tung. Có thể tôi không cam đoan nhất định đã trông thấy chú bé ở Osnabruch, nhưng trái lại tôi có thể cam đoan nhất định là tôi đã cưa gỗ cùng với Léo. Tôi cũng không thể cam đoan nhất định đã đi bộ đến tận Kalk để nhờ Edgar Wieneken chuyển đổi cho tôi tấm séc hai mươi hai mác của ông tôi. Việc mà tôi nhớ chính xác cho đến tận chi tiết không có gì là đảm bảo: như chiếc áo blu màu xanh của chị ở cửa hàng bánh mì, người đã cho tôi chiếc bánh nhỏ, hoặc những lỗ thủng ở đôi bít tất của anh một thợ trẻ đi qua trước mặt tôi, lúc tôi ngồi đợi Edgar ở cửa nhà anh ta. Tôi cũng chắc chắn đã thực tế nhìn thấy những giọt mồ hôi đọng ở môi trên của Léo khi chúng tôi cùng nhau cưa gỗ. Tôi cũng nhớ đến tận chi tiết cái đêm Marie sẩy thai lần thứ nhất ở Cologne. Heinrich Behen đã tìm được cho tôi một vài hợp đồng ngắn hạn với hai mươi mác một tối trước các khán giả thanh niên. Marie, thường cùng đi với tôi, tối hôm đó ở lại nhà. Em thấy mình không được khỏe. Và khi trở về nhà vào ban đêm với mười chín mác thù lao tiền mặt trong túi, tôi thấy phòng trống, chăn gối trên giường bừa bộn, khăn trải giường có vết máu và cuối cùng một mảnh giấy để lại trên mặt tủ com-mốt: “Em vào bệnh viện. Không có gì nghiêm trọng. Đã báo cho Heinrich”. Tôi chạy vội đến nhà Heinrich, ở đấy bà giúp việc của ông càu nhàu cho tôi biết địa chỉ bệnh viện nơi Marie đến. Tôi lao đến đó, nhưng người ta không cho tôi vào. Phải đợi sơ coi cửa cho tìm Heinrich khắp bệnh viện, rồi gọi telephon cho anh ta. Khi tôi vào được phòng của Marie thì đã là mười một giờ rưỡi khuya và mọi việc đã xong. Marie trông rất xanh xao, đương nằm khóc. Ngồi bên em, một bà sơ hiền hậu đương lần tràng hạt, bình thản tiếp tục đọc Kinh Cầu nguyện trong khi tôi cầm tay Marie ấp vào hai bàn tay tôi và Heinrich dịu dàng cố gắng giải thích với em về điều sẽ đến với linh hồn của đứa trẻ mà em không thể cho ra đời được. Marie có vẻ tin chắc là bé - em gọi nó như vậy - không bao giờ có thể được lên Thiên Đường vì nó chưa được rửa tội. Em không ngớt nói là nó sẽ ở lại ngoài lề, và đêm hôm đó, lần đầu tiên, tôi được biết một số điều khủng khiếp mà ở giáo đường người ta đã nhồi vào đầu óc các giáo dân. Heinrich hoàn toàn bất lực không sao làm dịu đi được nỗi kinh hoàng ở Marie, và tôi thấy được an ủi phần nào trong sự hoang mang của ông ta. Ông nói lòng Chúa nhân từ “rộng lớn hơn nhiều so với điều các nhà thần học hiểu về mặt pháp lí”. Bà sơ hiền hậu vẫn tiếp tục lần đầy đủ tràng hạt của bà ta. Và Marie - có thể cứng đầu một cách kì lạ khi động đến các vấn đề về tôn giáo - không ngừng hỏi đâu là đường chéo giữa đạo nghĩa và lòng Chúa nhân từ. Thành ngữ “đường chéo” khắc sâu vào tâm trí tôi. Cuối cùng tôi đi ra khỏi phòng, tôi thấy sự có mặt của tôi ở đấy là thừa và có ấn tượng là một người bị ruồng bỏ. Tôi đến trước một khung cửa sổ ngoài hành lang và châm một điếu thuốc lá. Phía bên kia đường, qua một bức tường, tôi nhìn vào một nghĩa địa xe cũ. Phía bên này tường người ta dán các tờ áp phích tuyên truyền bầu cử: “Hãy đặt niềm tin vào SPD”, “Bỏ phiếu cho CDU”. Cái trò ngu ngốc khó tả ấy rõ ràng làm suy sút tinh thần các bệnh nhân ở các phòng hướng quay về phía bức tường. “Hãy đặt niềm tin vào SPD” thực là tài tình như là văn học vậy, so với sự ngu ngốc chỉ in vẻn vẹn trên áp phích có “Bỏ phiếu cho CDU”. Vào lúc gần hai giờ sáng, tôi được chứng kiến một cảnh tượng sau này sẽ trở thành một đề tài tranh luận gay gắt giữa Marie và tôi: Cái mà tôi nhìn thấy có đúng thật đã diễn ra hay không? Một con chó hoang chạy từ phía bên trái tới, đánh hơi một cây đèn đường, rồi đến áp phích của SPD, tiếp đến tấm áp phích của CDU để rồi cuối cùng ghếch chân đái vào tấm áp phích này trước khi bỏ đi trong đêm tối. Vì sao, mỗi khi chúng tôi nhắc lại cái đêm bi thảm ấy, Marie không bao giờ quên đặt lại sự nghi vấn về chuyện con chó, và nếu cuối cùng em cũng thừa nhận là có thể có chuyện đó, thì chỉ nghi ngờ là con chó lại đi đái vào tấm áp phích của CDU. Em nói rằng tôi bị ảnh hưởng của bố em đến mức dù không có ý nói dối hoặc nói sai sự thực chút nào, tôi vẫn có thể cứ nhất định cho là con chó đã làm cái trò “nhớp nhúa” ấy trên tấm áp phích của CDU, ngay dù nó chỉ làm cái việc đó trên tấm áp phích của SPD. Tuy thật ra bố em khinh miệt SPD hơn CDU... và cái mà tôi đã nhìn thấy vẫn là cái mà tôi đã thật nhìn thấy.

Đã gần năm giờ sáng lúc tôi đưa Heinrich về nhà ông. Suốt dọc đường qua kho Ehrenfeld, ông không ngớt lẩm nhẩm, tay chỉ vào từng cửa mỗi gian nhà. “Tất cả, đều là những con chiên của tôi, những con chiên của tôi”. Vẫn với vẻ cau có, bà giúp việc của ông, da vàng khè đón chúng tôi bằng một câu hỏi “Thế là thế nào?” Tôi trở về nhà trọ và kín đáo giặt sạch tấm khăn trải giường bằng nước lạnh trong buồng tắm.

Ehrenfeld: các toa tàu chở than linhít, quần áo phơi đầy ngoài sân, cấm tắm, và đến đêm thỉnh thoảng, như những làn đạn, những gói đồ thừa đâm bổ xuống trước cửa sổ phòng tôi kèm theo những tiếng vang trên mặt đất, nhiều nhất là tiếng các vỏ trứng, chúng lăn đi xa hơn để làm tiêu tan sự đe dọa.

Vì muốn trích từ quỹ Caritas ra số tiền cho chúng tôi, Heinrich lại gặp phiền hà với cha xứ. Lúc đó tôi phải đến cầu cứu Edgar Wieneken, anh ta kiếm cho tôi một ít tiền trích ra từ quỹ tương tế thợ thuyền, và Léo gửi đến cho chúng tôi chiếc đồng hồ của nó để mang đến nhà cầm đồ, do đó chúng tôi ít nhất có thể trả được tiền thuốc, xe taxi và một nửa tiền thù lao thầy thuốc.

Tôi nghĩ đến Marie, đến bà sơ hiền hậu lần tràng hạt, đến từ “đường chéo”, đến con chó, đến các tấm áp phích bầu cử, đến nghĩa địa xe hơi... và đến đôi tay còn lạnh buốt của tôi sau khi giặt tấm khăn trải giường. Tuy nhiên tôi không dám tin chắc tất cả những cái đó là thực. Tôi cũng không dám khẳng định là cái ông ở tu viện đã để lộ ra với tôi việc ông ta gọi telephon cho nha khí tượng ở Berlin chỉ vì cái thú muốn làm tổn hại đến lợi ích của nhà thờ; tuy rằng tôi nghe ông ta nói chẳng khác nào như tôi nghe ông ta nuốt bánh pú-đinh caramen.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx