sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Dưới cái nhìn của anh hề - Chương 22

XXII

Tôi cũng biết rằng tôi sẽ không làm gì như đã dự định: tôi sẽ không đi Rome nói chuyện với Giáo hoàng, tôi sẽ không đến mẹ tôi vào chiều mai, vào “đúng ngày” của mẹ tôi, để thó thuốc lá, xì gà, nhét đầy túi hạnh nhân muối. Tôi không còn sức để tin là tôi đã cùng cưa gỗ với Léo. Mỗi mưu toan nối lại những sợi dây cho các con rối của tôi và bám vào chúng, ngay từ bây giờ tôi đã thấy trước là sẽ thất bại. Có lẽ cuối cùng tôi cũng sẽ phải bám vào Kinkel, Sommerwild, và cả cái tên loạn dâm Fredebeul kia, có thể hắn sẽ thẳng tay vung ra một tờ năm mác buộc tôi phải nhảy lên bắt lấy. Tôi sẽ rất sung sướng nếu được Monika Silvs mời uống cà phê, không phải vì Monika Silvs, mà vì cà phê uống không mất tiền. Tôi sẽ lại gọi cho bà Bela Brosen ngớ ngẩn ấy, ra sức lấy lòng bà ta và sẽ hứa với bà ta là không đụng đến vấn đề tiền nong, đảm bảo với bà ta là bà vẫn là người được tôi đón tiếp niềm nở dù bà là người như thế nào. Và rồi sẽ có một ngày tôi đến chỗ Sommerwild, chứng tỏ cho hắn biết “một cách có sức thuyết phục” là tôi đã ăn năn và đủ chín chắn để nói chuyện. Và thế là lúc ấy sẽ xảy ra điều tồi tệ nhất: sự hòa giải với Marie và Zỹpfner do Sommerwild đạo diễn. Nhưng nếu tôi quy đạo, hẳn là bố tôi sẽ không còn cho tôi gì nữa. Bởi vì chắc chắn đối với ông đó sẽ là nỗi bất hạnh lớn nhất. Vấn đề đáng suy ngẫm: tôi không có quyền lựa chọn giữa le rouge et le noir [123] mà chỉ giữa sẫm và đen: than linhít và nhà thờ. Tôi sẽ trở thành cái mà người ta đợi ở tôi từ rất lâu: một con người, một con người chín chắn, khách quan chứ không chủ quan nữa, sẵn sàng ngồi đánh bài trong một câu lạc bộ hát ngẫu hứng. Tôi còn mấy chủ bài: Léo, Heinrich Behen, ông nội, và Zohnerer hắn có thể đã tìm được cách quảng cáo tôi là một tay ghi ta nhạc nhẹ. Tôi sẽ hát “khi ngọn gió làm lay động tóc em, em là của anh, anh biết thế”. Tôi đã hát bài ấy cho Marie nghe, em bịt tai và tuyên bố là rất tồi.

[123] Đỏ và đen.

Rút cục tôi đã xuống đến bực thang cuối cùng: tôi sẽ đến miền Đông, đến với những người cộng sản và biểu diễn cho họ xem những tiết mục tôi cho là rõ nét chống chủ nghĩa tư bản nhất.

Thực ra, tôi đã đến với họ một lần, ở Erfurt[124], ở đây tôi đã có một cuộc gặp gỡ với một số viên chức văn hóa.

[124] Một thành phố miền Đông nước Đức.

Không phải là không có phần long trọng, họ đã đón tôi ở ga với những bó hoa rất lớn. ở khách sạn, chúng tôi đã ăn cá hồi hun khói, trứng cá muối, kem nước quả và uống rượu vang thả cửa. Sau đó, họ hỏi xem chúng tôi, Marie và tôi, có muốn tham quan những nơi nào ở Erfurt không? Tôi trả lời là tôi rất muốn thăm nơi Luther [125] đã bảo vệ Luận án tiến sĩ của ông, và Marie tuyên bố là do quan tâm đến đời sống tôn giáo, em đã nghe nói về thần học Cơ Đốc giáo ở Erfurt.

[125] Luther (1483-1546): nhà cải cách tôn giáo Đức.

Mặt các vị ở đây thuỗn ra, nhưng không dám cản trở những ý muốn của chúng tôi. Tình thế trở nên nặng nề với các vị chủ nhà, các nhà thần học, và cả với chúng tôi. Những nhà thần học chắc cho là chúng tôi đã có sự thông đồng với những tay đần độn kia, vì thế không ai trong họ dám thẳng thắn thảo luận với Marie, ngay cả ông giáo sư mà em đã có sự trao đổi ý kiến trên những vấn đề về đức tin. Ông giáo sư này nhận ra, tại sao ông ta nhận ra được thì có trời mà biết, là Marie không “thật” là vợ tôi, đã hỏi em trước mặt các viên chức đi theo chúng tôi: “Nhưng bà thực sự là tín đồ Cơ Đốc giáo, có phải không?” Marie đỏ mặt lên vì ngượng, em nói: “Vâng, dù tôi có sống trong tội lỗi, tôi cũng không vì thế mà không phải là tín đồ Cơ Đốc giáo”. Tình thế càng trở nên nặng nề hơn khi chúng tôi nhận ra là cuộc hôn nhân không hợp pháp của chúng tôi cũng làm các vị viên chức không hài lòng. Hơn nữa, sau đó, khi chúng tôi dùng cà phê ở khách sạn, một người trong họ tuyên bố là ông ta dứt khoát không tán thành một vài hình thức biểu hiện của sự vô chính phủ tiểu tư sản. Rồi các vị đó muốn tôi cho các vị biết những tiết mục tôi có ý định thực hiện ở Leipzig và ở Rostock [126], còn nói thêm là họ sẽ rất mong muốn nếu tôi có thể thực hiện tiết mục Đức Giáo chủ hồng y.

[126] Hai thành phố phía Đông nước Đức.

Lúc đến Bonn và tiết mục Phiên họp của Hội đồng quản trị. (Làm sao họ lại biết được là tôi có tiết mục lấy tên là Đức Giáo chủ hồng y, điều này chúng tôi không bao giờ có thể khám phá ra được. Đấy là một tiết mục tôi nghiên cứu cho vui và chỉ mới có cho Marie xem. Mà chính em đã năn nỉ tôi không bao giờ được biểu diễn tiết mục đó: các Giáo chủ hồng y đã chẳng dứt khoát chịu tử vì đạo hay sao?). Tôi từ chối yêu cầu của các viên chức, viện cớ là tôi còn phải nghiên cứu tại chỗ điều kiện sinh sống của người dân trước đã vì thực chất của nghệ thuật hay là ở chỗ có thể đưa ra trước công chúng dưới hình thức trừu tượng những hoàn cảnh rút ra từ những thực tế của chính họ, chứ không phải từ những gì xa lạ đối với họ. Thế mà người ta chẳng thấy ở họ có cái gì liên quan đến thành phố Bonn, đến Hội đồng quản trị, đến Giáo chủ Hồng y. Các viên chức bắt đầu tỏ ra lo lắng thật sự. Một người trong số họ mặt tái đi và nói với tôi là họ nghĩ khác hẳn về mọi chuyện. Tôi trả lời ông ta là tôi cũng nghĩ như vậy. Tình thế mỗi lúc một thêm căng thẳng. Tuy nhiên tôi cũng đề xuất việc thử dàn dựng tiết mục Buổi họp của ủy ban địa phương, hoặc buổi họp của ủy ban văn hóa, hoặc nữa Erfurt, thành phố của những bông hoa... mặc dầu thực ra cái mà người ta thấy ở khu phụ cận ga Erfurt giống mọi thứ trừ những bông hoa. Lúc ấy, người trưởng đoàn đứng lên, ông ta mặt không còn tái nữa mà tím nhợt, tuyên bố là họ không thể dung thứ bất cứ một sự tuyên truyền nào chống lại giai cấp công nhân. Vài người trong họ ít ra còn có can đảm cười với một vẻ ngờ nghệch. Tôi trả lời là tôi không thấy có gì là chống giai cấp công nhân trong việc đưa ra một tiết mục như bầu chủ tịch đoàn, vả lại cũng rất dễ hiệu chỉnh. Nhưng tôi mắc sai lầm là phát âm chức vị nói trên với giọng Nga, làm cho gã người nhỏ cuồng tín giận điên lên. Hắn đập bàn mạnh đến nỗi lớp kem phủ trên miếng bánh ga tô của tôi phải nhảy múa trên mặt đĩa. “Chúng tôi đã lầm về ông!” Hắn hét lên. “Trường hợp đã như vậy, có lẽ tốt hơn cả là tôi xin rút lui”. - “Vâng, vâng, đúng vậy, xin mời ông đi cho, hắn thét, và với chuyến tàu đầu tiên!” Tôi còn đưa ra một đề nghị cuối cùng: Thực hiện tiết mục, đổi tên Hội đồng quản trị thành Buổi họp của ủy ban địa phương. Tóm lại, trong trường hợp nào cũng vậy, người ta cũng phải cắt đứt những vấn đề đã cắt đứt. Như những tên mất dạy thực thụ, bọn họ ra khỏi phòng ăn còn không cả thanh toán tiền cà phê của họ. Marie òa lên khóc và tôi cảm thấy suýt chút nữa tát vào mặt bất cứ ai. Sau đó, khi chúng tôi ra ga đáp chuyến tàu đầu tiên trở về, không có đến một người phục vụ hoặc một ai mang giúp đồ, chúng tôi đành phải tự mình kéo lê hành lí, thật kinh khủng. May sao, ở khu ga chúng tôi gặp một trong những nhà thần học trẻ tuổi mà Marie đã cùng trao đổi khi sáng. Gặp chúng tôi, anh ta đỏ mặt nhưng đã nắm lấy chiếc va li nặng từ tay Marie đương đầy nước mắt và suốt dọc đường không ngừng rủ rỉ với em: “Tôi rất không muốn ông bà phải buồn phiền, nhất là vì chúng tôi”.

Sự việc thật tồi tệ! Trong sáu hay bảy tiếng đồng hồ ở Erfurt, chúng tôi đã đi đến chỗ làm hỏng hết mọi việc; với các nhà thần học cũng như với các viên chức.

Chúng tôi xuống ga Bebra thuê một phòng ở khách sạn. Marie khóc suốt đêm và, sáng hôm sau, viết một bức thư dài cho nhà thần học trẻ tuổi. Chúng tôi không biết có bao giờ anh ta nhận được thư không.

Tôi đã nghĩ việc hòa giải với Marie và Zỹpfner sẽ là sự kết thúc của mọi chuyện, nhưng nộp mình cho những tay viên chức cuồng tín kia và cho họ xem tiết mục Đức giáo hoàng thì đấy mới là sự kết thúc của mọi kết thúc. Tôi còn có Léo, Heinrich Behen, Monika Silvs, Zohnerer, ông nội và một đĩa xúp ở nhà Sabine Emonds. Tôi cũng có thể kiếm được ít tiền trong việc trông trẻ: tôi sẽ cam kết bằng giấy tờ không cho chúng ăn trứng vì các bà mẹ Đức rõ ràng không dung thứ việc đó. Cái mà có người gọi là “ý nghĩa khách quan của nghệ thuật”, tôi thì tôi cóc cần, nhưng mà đem giễu cợt những hội đồng quản trị ở một đất nước chúng không hề tồn tại thì đúng là bỉ ổi.

Một lần tôi đã chuẩn bị một tiết mục khá dài lấy tên là: Viên tướng. Tôi đã hiệu chỉnh tốt tiết mục, và buổi biểu diễn lần thứ nhất nó được giới chúng tôi cho là một thành công, nghĩa là những ai phải cười đã được cười và những ai phải phẫn nộ đã phẫn nộ. Buổi biểu diễn kết thúc, khi tôi trở ra lô của tôi, hãnh diện về kì tích của mình, tôi thấy một bà già, người bé nhỏ đương đợi tôi ở đấy. Sau khi rời khỏi sân khấu, thần kinh vẫn còn rất căng thẳng, tôi không chịu được sự có mặt của người nào khác ngoài Marie, chính em đã để bà cụ vào lô của tôi ngay trước khi tôi kịp khép cửa lại, bà ta đã kể chuyện về chồng bà, hàm cấp tướng, gần trước lúc hi sinh đã biên thư cho bà, yêu cầu bà không chấp nhận tiền trợ cấp. “Ông còn rất trẻ, nhưng đủ tuổi để lẽ nào không hiểu”. Nói xong bà cụ bước ra. Từ đó tôi dứt khoát loại bỏ tiết mục Viên tướng. Sau đó, báo chí tự xưng là cánh tả viết là rõ ràng tôi đã để phái phản động uy hiếp, báo chí tự xưng là cánh hữu viết là cuối cùng tôi đã biết phải làm việc cho phía Đông, còn báo chí độc lập thì viết là rõ ràng tôi đã từ bỏ mọi thứ “cam kết”. Phi lí, hoàn toàn ngu ngốc! Nếu tôi đã quyết định không đưa ra tiết mục ấy nữa, thì chỉ là vì tôi không thể không nghĩ đến bà già nhỏ bé kia, bà cụ hẳn làm trò cười cho thiên hạ, đã phải một mình vắt mũi không đủ đút miệng. Khi một tiết mục không còn hợp với tôi nữa, tôi bỏ ngay... nhưng đi giải thích điều đó với đám nhà báo thì chuyện sẽ lại rất phức tạp. Họ luôn luôn có tham vọng “đánh hơi” được chuyện gì đó, không kể còn rất phổ biến là dân làm báo nham hiểm không bao giờ tự bằng lòng là họ đã chẳng phải là nghệ sĩ, kể cả có cái chất ấy trong người. Thế là, tất nhiên, thiếu nhạy bén, họ tán rộng ra, và thường là trước phái đẹp khá ngây thơ có thể bị mê hoặc trước bất cứ tên đểu cáng nào, chỉ cần hắn có “thế lực” và có “diễn đàn” của hắn trong một tờ báo. Có những hình thức kì quặc làm điếm chính thức mà so với chúng sự làm điếm thực thụ còn có bộ mặt thực của một nghề lương thiện: ít ra người ta còn tặng lại anh cái gì đó để đổi lấy đồng tiền của anh.

Chính ngay cả con đường đó, sự giải thoát với lòng khoan dung bằng tình yêu mua bán được, đối với tôi cũng bị chặn lại: tôi không còn đồng xu nào! Và thời gian này, trong một khách sạn nào đó ở Rome, Marie đương thử tấm khăn trùm dài Tây Ban Nha của em để có thể xứng với vai trò first lady của đạo Cơ Đốc Đức của em. Trở về Bonn, em không thiếu dịp dùng trà, cười mỉm, tham gia một ủy ban và dự những buổi khánh thành các cuộc triển lãm “nghệ thuật tôn giáo”. Em sẽ tìm cho mình một chị thợ may quần áo thích hợp.

Marie, first lady của đạo Cơ Đốc Đức, một tách trà hoặc một li rượu trên tay: “ông đã thấy Đức Giáo chủ Hồng y nhỏ bé dễ thương ngày mai sẽ làm phép dâng Chúa trụ của Notre Dame Krogert không? A, ở bên ý, những Giáo chủ Hồng y đều là các nhà quý tộc. Phải thấy là tuyệt vời!”.

Ngay cả đi khập khiễng, tôi cũng không còn có thể lết ra được tới ban công để hít thở bầu không khí quê hương. Cố gắng vô ích. Tôi đã ở Bonn quá lâu rồi, gần hai tiếng đồng hồ, và qua thời hạn đó không khí ở Bonn không còn tác dụng có lợi của việc thay đổi không khí nữa.

Chính là nhờ có tôi, tôi chợt nghĩ ra, mà Marie còn theo đạo Cơ Đốc. Em đã trải qua những cơn khủng hoảng kinh khủng về lòng tin: Kinkel đã hơn một lần làm cho em phải thất vọng, và Sommerwild cũng vậy. Còn Bothert, hắn đã có thể là một kẻ vô thần của chính Thánh Francois. Một thời gian Marie đã không còn cả đi lễ nhà thờ nữa, không còn nghĩ đến việc làm lễ cưới với tôi theo tôn giáo nữa. Có thể nói là em đã có một thái độ bất chấp, và chỉ ba năm sau khi chúng tôi rời khỏi Bonn em mới lui tới câu lạc bộ mặc dầu ở đó người ta luôn luôn mời mọc em. Vào thời kì ấy, tôi tuyên bố với em là sự thất vọng không thể là một lí do có giá trị khi em thấy tôn giáo tự nó là đúng, hàng nghìn tên như Fredebeul cũng không thể làm cho nó trở thành sai được và tóm lại một Jỹpfner chẳng hạn, tuy rằng theo tôi có vẻ hơi trịnh trọng và không phải là kiểu người như tôi, lại là một tín đồ Cơ Đốc đích thực. Tất nhiên, - tôi nói, - có nhiều tín đồ Cơ Đốc đích thực. Tôi gợi lên với em hình ảnh những linh mục mà tôi đã nghe thuyết giáo, nhắc đến Giáo hoàng Gary Cooper [127] và Alee Guiness [128].

[127] Diễn viên điện ảnh người Pháp.

[128] Diễn viên điện ảnh người Đức.

Nhờ có Giáo hoàng Jean và Zỹpfner, em chế ngự được nỗi lo âu của em. Chuyện kì lạ là, ở thời kì ấy Heinrich Behen lại không lôi cuốn được em nữa. Em còn nói là em thấy hắn đốn mạt, và mỗi khi tôi nhắc đến hắn em tỏ ra có vẻ ngượng nghịu đến nỗi tôi đâm ra nghi ngờ là hắn đã “cầu thân” với em. Tôi không bao giờ chất vấn em về chuyện đó, nhưng sự nghi ngờ trong tôi rất lớn, và khi tôi nghĩ đến dáng vẻ người ở gái của Heinrich, thì tôi hiểu ra, tôi phải thừa nhận, là hắn thường “làm thân” với các thiếu nữ. Dù đối với tôi, chuyện đó khó chịu đến như thế nào, tôi cũng hiểu ra thái độ của hắn, cũng như tôi đã hiểu ra không ít những chuyện gai mắt xảy ra trong các trường nội trú.

Chính là tôi, giờ tôi mới nhận ra, đã nói chuyện với em về Giáo hoàng Jean và về Zỹpfner để giúp em vượt qua những cơn khủng hoảng của em về lòng tin. Tôi đã tỏ ra hoàn toàn trung thực với đạo Cơ Đốc và sai lầm của tôi chính là ở chỗ đó, nhưng tôi thấy đạo Cơ Đốc ở Marie hiển nhiên đến nỗi tôi cho là cần phải giữ gìn nó cho em bằng bất cứ giá nào. Tôi đánh thức em dậy để em khỏi lỡ buổi đi lễ nhà thờ. Hơn một lần tôi còn gọi taxi để em đến được đúng giờ. Và khi chúng tôi lưu lại ở các thành phố theo đạo Tin Lành, tôi telephon tới đủ các góc phương vị để tìm ra cho em một buổi lễ nhà thờ ở đâu đó. Bao giờ em cũng nói là “thật tử tế” với em... nhưng khi tôi được biết là tôi sẽ phải kí vào cái mẩu giấy chết tiệt ấy, cam kết bằng giấy tờ về việc nuôi dạy con cái theo đạo Cơ Đốc... đến mức đó thì...

Chúng tôi thường nói chuyện với nhau về những đứa con tương lai của chúng tôi. Tôi vui mừng với ý nghĩ sẽ có chúng, như đã được nói chuyện với chúng, bế chúng trên tay, đập một quả trứng sống vào sữa cho chúng, và chỉ còn băn khoăn về việc bắt buộc phải sống với chúng ở khách sạn. Trong nhiều trường hợp, chỉ những đứa con của các nhà triệu phú hay của các bậc vua chúa mới được săn sóc chu đáo ở các khách sạn. Đối với những đứa trẻ khác - ít ra là cũng đối với bọn con trai - người ta sẽ kêu: “Đây không phải là nhà của chúng mày!” Có ba ý bóng gió, thứ nhất: được giữ ở nhà như những con lợn, thứ hai: chỉ có thể sống tùy tiện như những con lợn, và thứ ba: một đứa trẻ con là mà thể nào có được hoàn cảnh sống thoải mái. Bọn con gái ít ra còn có cơ hội được coi là “dễ thương” và vì thế còn được đối xử tử tế, trái lại bọn con trai sẽ bị đối xử thô bạo ngay khi bố mẹ chúng vừa quay lưng đi. Đối với những người Đức, tất cả trẻ con đều nhất thiết là một - đứa trẻ - mất dạy: không cần phải ghi thành công tính từ này về nguyên tắc gắn liền với danh từ.

Vả lại, nếu ai có ý nghĩ đưa vào thử nghiệm thuật ngữ mà phần lớn các ông bố, bà mẹ dùng để nói với con cái, sẽ nhận thấy là chúng gần đúng như thế giữa hai anh em nhà Grimm [129].

[129] Grimm (1786-1859): tác giả cuốn Những chuyện dân gian Đức, cộng tác với người anh là Jacob - Louis (1785-1863), người sáng lập ra triết học Đức, khởi thảo cuốn Tự điển tiếng Đức (tiếp tục hoàn thành sau khi ông mất).

Trước đây đã lâu, các ông bố, bà mẹ Đức chỉ nói chuyện với con cái họ bằng ngôn ngữ của bà Kalick: “ôi, thật là thú vị” hoặc “ôi, thật là kinh khủng”. Nếu cần, đôi khi họ còn sử dụng đến những công thức như “không được cãi!” hoặc “con không hiểu gì hết!”, và không làm gì thêm nữa.

Chúng tôi đã bàn cãi, Marie và tôi, về cách trang phục của các con chúng tôi. Em muốn “chiếc áo đi mưa màu sáng và rộng”, và tôi muốn chiếc áo anorac(2) vì tôi không tưởng được là một đứa trẻ mặc áo đi mưa màu sáng và rộng lại có thể nghịch nước, còn chiếc áo anorac thì sẽ là tuyệt vời trong trường hợp ấy. Dù đã mặc ấm, con bé (tôi vẫn muốn trước tiên có con gái) vẫn còn chân cẳng để trần và khi nó nghịch ném sỏi xuống nước thì bùn không nhất định vấy bẩn vào quần áo, nhưng có thể vấy bẩn vào chân. Và nếu, nó có nghịch tát nước bằng một cái vỏ đồ hộp, nhỡ có vụng về, không nhất định nó sẽ làm nước bẩn đổ lên áo, họa lắm nó chỉ làm bẩn chân. Nhưng Marie lại cho là chính con bé sẽ giữ gìn hơn khi nó mặc áo đi mưa màu sáng. Tuy nhiên, có bao giờ người ta chấm dứt được việc tìm hiểu xem con cái chúng ta có được phép nghịch nước hay không. Marie luôn luôn lẩn tránh vấn đề bằng cách mỉm cười: “Đợi xem, rồi sẽ rõ”.

Nếu em có con với Zỹpfner, em sẽ không thể cho nó mặc áo đi mưa sáng màu và rộng, hoặc áo anorac, em sẽ buộc phải để nó chạy rông không có áo khoác nào hết, bởi vì chúng ta đã điểm qua tất cả các loại áo rồi, và vì chúng ta cũng đã bàn cãi cả về những chiếc quần đùi dài hay ngắn, về quần áo lót, về tất chân ngắn và giày dép, bắt buộc em phải để chúng chạy rông trần truồng, nếu em không muốn hắn sẽ coi em là một con người phản bội hoặc là một gái điếm. Tôi không biết em sẽ cho các con của em ăn uống ra sao: chúng tôi đã cùng nhau xem xét thấu đáo các loại thức ăn, các cách ăn uống và thống nhất là không để chúng bị nhồi nhét, không bắt chúng phải ăn bằng được bột quấy hoặc sữa. Tôi không muốn các áo khoác ngắn mặc đi tuyết.

Con chúng tôi bị bắt buộc phải ăn; tôi đã ghê tởm cách Sabine Emonds nhồi hai đứa con đầu ăn, nhất là đứa đầu, đứa mà Karl đã đặt cho một cái tên kì quặc Edeltrud. Còn về món trứng, Marie và tôi đã đi đến chỗ cãi nhau. Em phản đối và trong khi bàn cãi em đã tuyên bố với tôi đấy là món ăn của người giàu. Lập tức lúc ấy em đỏ mặt vì ngượng, và tôi đã phải an ủi em. Tôi quen được đối xử khác với đại đa số người, chỉ vì lí do tôi xuất thân từ gia đình Schnier-linhít và Marie tóm lại chỉ hớ hênh có hai lần: ngày đầu tiên, về vấn đề nước hoa Cologne khi tôi xuống gác theo em vào trong bếp; và lần này về vấn đề quả trứng. Thật là tồi tệ khi có bố mẹ giàu có, và tất nhiên càng tồi tệ hơn nữa khi không có được chút lợi lộc nào ở sự giàu có ấy. ở nhà chúng tôi, người ta rất ít khi ăn trứng, mẹ tôi cho đó là món ăn “đặc biệt độc hại”. Còn Edgar Wieneken, anh ta cũng ở trong một huyền cảnh khó chịu, nhưng vì lí do hoàn toàn ngược lại: người ta dẫn anh ta đi giới thiệu khắp nơi như “con của gia đình công nhân”. Có cả những linh mục đã nói khi giới thiệu anh: “một người con đích thực của gia đình công nhân”. Như thế họ nói là: các ông xem, anh ta không có sừng và xem ra trí tuệ cũng hoàn toàn bình thường. Một vấn đề chủng tộc mà ủy ban Trung ương của mẹ tôi đáng ra cần quan tâm. Về điểm này, những người duy nhất không có thành kiến trong việc đánh giá tôi là vợ chồng Wieneken. Họ không chế giễu tôi, cũng không ca ngợi tôi vì lí do tôi xuất thân từ gia đình Schnier - linhít.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx