sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Hồi Thứ Hai Mươi

Vận nước suy, Độc Huyền cầm xuất thế

Lỡ giết em, Đoàn Phi dạt hải hồ

*

Nhân kiệt bắt đầu sản sinh cũng chính là lúc nước nhà bước vào thời ly loạn. Sự nghịch lý mà vị nho hiệp đã nói với sư Phật Chiếu lúc xưa ở núi Bửu Long đã được chứng minh. Võ vương Nguyễn Phúc Khoát thừa hưởng sự nghiệp của tổ tiên với đất dài ngàn dặm, tướng mạnh binh cường, uy phục Cao Miên, nghênh ngang một cõi. Chúa Võ vừa đắc ý, bản tính lại xa hoa nên không ngừng sửa sang cung điện, xây cất đền đài, dựng cung Trường Lạc, tự ý xưng vương. Nắm được nhược điểm của Võ vương, Trương Phúc Loan với dã tâm thao túng triều đình đã khôn khéo đẩy vị quốc chúa lún sâu vào con đường trụy lạc. Võ vương bây giờ đã mê mệt say đắm nhan sắc khuynh thành của người em họ là công nữ Ngọc Cầu. Kết quả là nàng Ngọc Cầu đã hạ sanh được một hoàng nam, đặt tên Nguyễn Phúc Thuần, vị hoàng tử thứ mười sáu của Võ vương.

Công nữ Ngọc Cầu một bước trở thành vương phi được sủng ái nhất trong cung. Và với sự sắp đặt của Phúc Loan, hai người anh trai của nàng cũng nắm quyền hành tối thượng trong tay. Nguyễn Phúc Viên được phong làm chưởng thủy cơ, Nguyễn Phúc Nghiễm thì giữ chức nội tả, chưởng dinh, quản Bộ lại, Bộ binh, lãnh tả phủ chưởng phủ sự dinh Quảng Nam. Nhưng quả thật hai anh em Viên – Nghiễm vốn là hạng tầm thường. Viêm lười biếng, chỉ biết rượu chè; Nghiễm xa hoa, hiếu sắc, hậu phòng có tới trăm người, quanh năm vùi mặt vào rượu và gái đẹp. Chưa thỏa mãn với những gì đã có, Ngọc Cầu bày mưu với Phúc Loan nuôi mộng cho con mình được lập làm thái tử để nối ngôi vương sau này. Nhưng có lẽ bị mặc cảm loạn luân nên Võ vương đã lập Nguyễn Phúc Luân lên làm thái tử thay cho thái tử Nguyễn Phúc Hạo đã chết sớm. Võ vương giao Phúc Luân cho nội hữu Trương Văn Hạnh và thị giảng Lê Cao Kỷ dạy dỗ để chuẩn bị cho việc đăng vương sau này.

Ngọc Cầu lo sợ con mình không được lên ngôi, Phúc Loan lại lo Phúc Luân là người thông minh, quả quyết, nếu cai trị đất nước sẽ cản trở việc thao túng triều đình của mình nên cả hai đã cấu kết từng bước chuẩn bị cho mưu đồ soán ngôi chúa. Từ những nguyên nhân đó, triều đình phủ Chúa đã chia thành hai phe đối đầu rõ rệt.

Nhưng kẻ đối đầu mà Phúc Loan cần phải loại trừ trước tiên là quan Hình bộ Tôn Thất Dục. Một hôm, Phúc Loan gọi chưởng cơ Nguyễn Cửu Thống, Hộ bộ Thái Sinh và tên thái giám được sủng ái của Võ vương là Chử Đức đến bàn kế loại trừ Tôn Thất Dục. Phúc Loan nói, giọng tức tối:

- Thằng Dục nó coi thường ta, làm việc gì nó cũng cứ nhè ta mà đánh. Ai đời con rể bố vợ mà hục hặc với nhau như thế? Chuyện mỏ vàng Kim Sơn lúc trước nó đã cực lực chống đối, nay đến việc chuyển giao bọn tù Lý Văn Quang về cho Thanh triều xử lý nó cũng cố ý cản ngăn. Các ngươi tính thử coi ta phải làm gì đây?

Thái Sinh nói:

- Tôn Thất Dục đã tuyệt tình trả vợ về thì quan hệ giữa ngài ngoại tả với ông ta đâu còn gì nữa. Nếu ông ta vẫn chống đối thì cứ thẳng tay loại trừ phứt đi cho xong chuyện.

- Nhưng dù sao nó cũng vai chú của vương thượng, lại nắm giữ Hình bộ. Nó không có tội gì làm sao mà trừ khử được?

Thái giám Chử Đức là tên mưu mô, hắn đề nghị:

- Ông ta không có tội thì tạo ra tội rồi bắt nhốt chứ có khó gì.

- Tạo ra thế nào?

- Tôi quen với tên quản gia trong nhà Tôn Thất Dục, ngoại tả bỏ tiền mua chuộc hắn, giao cho hắn một số súng hỏa mai và gươm giáo bảo đem giấu trong kho. Sau đó, quan ngoại tả vào tâu lên Võ vương nói Tôn Thất Dục mưu phản, muốn giết vương thượng tiếm ngôi, có tôi cùng vương phi nói thêm vào, vương thượng tất sẽ hạ lệnh bắt hắn. Ngài chưởng cơ đây cứ đem binh tới nhà lục soát, chứng cớ rành rành thì còn chối sao được. Tội đó không bị chặt đầu cũng tù mọt gông. Trong khi đó, chúng ta cứ cho bắt sạch hết bọn vây cánh của hắn. Trường hợp vương thượng không xử chết thì chúng ta cùng buộc ngài bãi chức hắn, như vậy hậu hoạn cũng chẳng còn.

Phúc Loan nghe kế mắt sáng rỡ cười ha hả nói:

- Kế hay lắm! Ngươi cho người mang trăm lạng vàng đến cho tên quản gia rồi cứ y kế mà làm. Khi cất giấu xong vũ khí thì báo ta hay. Ta sẽ giả chiếu lục soát nhà hắn, bắt hắn trước rồi tâu với vương thượng sau cũng được. Ông Thống chuẩn bị người đi. Bắt luôn đám tay chân của hắn một thể.

Cuộc mưu tính đã xong, Chử Đức liền y theo kế hoạch mà làm. Ba ngày sau đó, Tôn Thất Dục vừa từ Hình bộ trở về nhà thì chưởng cơ Nguyễn Cửu Thống đã dẫn hai trăm quân túc vệ đến bao vây phủ đệ. Cửu Thống đưa tờ chiếu giả của Phúc Loan tạo ra đọc lớn cho Tôn Thất Dục nghe. Xong, không cần quan tâm đến sự phản kháng của Tôn Thất Dục, hắn sai lính đi lục soát. Lát sau bọn lính mang từ trong kho ra một số vũ khí khá lớn đủ cả súng đạn, gươm giáo. Tôn Thất Dục thấy tang vật, biết mình đã bị đám gian thần giá họa nhưng vì lệnh của chúa đã hạ xuống nên đành để Cửu Thống bắt dẫn đi. Cửu Thống trói Tôn Thất Dục lại rồi đem giam thẳng vào nhà ngục. Tôn Thất Dục tức giận mắng:

- Bọn giặc các ngươi giả truyền thánh chỉ bắt người vô cớ. Ta phải tâu lên vương thượng minh xét việc này, các ngươi rồi sẽ bị trừng trị tất cả.

Cửu Thống cười khanh khách nói:

- Ông tạm thời cứ ngồi ở đây mà chờ vương thượng minh xét. Ha ha...

Nói xong hắn dẫn lính đi tìm bắt những người trước nay là thủ túc của Tôn Thất Dục. Hai người đầu tiên hắn tìm đến là Đoàn Phong và Ngô Mãnh, tả hữu hộ vệ Hình bộ.

Nói về Đoàn Phong, vì Tuyết Hoa sau khi sanh đứa con gái, lại phí quá nhiều tâm lực để hoàn thành bản chú giải cuốn sách “Tiểu Bát quái trận đồ” của Nguyễn Bỉnh Khiêm biên soạn mà khi xưa cha nàng trao lại nên trong người suy nhược. Đoàn Phong đành phải ở nhà mấy hôm nay để chăm sóc cho nàng và đứa con gái nhỏ. Đêm đó, chàng đang bế đứa con gái vừa tròn một tuổi trên tay thì một tên gia nhân bên nhà Tôn Thất Dục hớt hải chạy đến báo tin dữ. Đoàn Phong vội hỏi:

- Sự tình thế nào? Dục thúc giờ ra sao rồi?

Tên gia nhân hổn hển nói:

- Bọn chúng lục soát trong nhà thấy có nhiều súng đạn và gươm giáo nên truyền đọc thánh chỉ rồi bắt Tôn ông trói lại. Hạ nhân biết nguy vội lẻn ra ngoài, chạy nhanh đến đây báo với tả hộ vệ để ngài tìm cách cứu Tôn ông.

Nghe sự tình, Đoàn Phong biết ngay đây là đòn giá họa phủ đầu của Phúc Loan nhằm loại trừ quan Hình bộ, một đối thủ gay gắt nhất của hắn ta. Một khi hắn đã ra tay ắt sẽ tiêu diệt trọn ổ, khử luôn vây cánh của Tôn Thất Dục. Đoàn Phong đoán trước rằng người tiếp theo sa bẫy chính là chàng và Ngô Mãnh. Suy tính xong, chàng bảo tên gia nhân:

- Ngươi chạy gấp sang báo cho hữu hộ vệ biết, nói với ông ta hãy lánh mình trước đừng để bị chúng bắt, sau đó mới tìm kế cứu Tôn ông. Đi nhanh đi kẻo không kịp.

Tên gia nhân “dạ” một tiếng rồi chạy đi. Tuyết Hoa nằm trên giường nói:

- Chúng ta phải mau mau chạy trốn trước khi chúng đến đây. Một mình chàng không chống lại nổi bọn chúng đâu, vướng víu vợ con nữa thì chàng sẽ bị chúng bắt. Chịu khuất tất một chút để sau này còn có người giải cứu cho Dục thúc.

- Vậy hiền thê ráng gượng dậy bế con, ta thu xếp một ít vật dụng rồi mình đi.

Chàng vội đỡ Tuyết Hoa ngồi lên, trao bé Quỳnh Như cho nàng rồi chạy đi thu dọn một số áo quần, của cải, tống vào hết trong một chiếc bao, giắt kiếm trên vai, tay bế Đoàn Phi, tay dìu Tuyết Hoa ra sau vườn. Chàng treo chiếc bao bên hông con Hồng Câu, cẩn thận bế hai mẹ con Tuyết Hoa lên, sau đó ẵm Đoàn Phi phóng lên lưng ngựa. Vừa lúc đó đã nghe có tiếng ngựa phi rầm rập tới trước cửa nhà. Đoàn Phong thúc ngựa chạy đi.

Sáng hôm sau thiết triều, Phúc Loan sai Cửu Thống mang toàn bộ tang vật ở nhà Tôn Thất Dục cùng tờ đơn đem trình lên Võ vương tố cáo tội mưu phản. Võ vương trước nay vẫn biết Thất Dục là người học rộng có tài, được mọi người nể trọng, lại là vai chú mình nên trong lòng bán tín bán nghi hỏi:

- Việc này trọng đại, phải tìm chứng cứ rõ ràng mới định tội được. Các quan có ý kiến gì không?

Nội hữu Trương Văn Hạnh tâu:

- Tâu vương thượng, lời nói của vương thượng thật hết sức anh minh. Thần e rằng có người vì ghen ghét ngài Hình bộ mà lập mưu vu cáo. Xin vương thượng tra xét kỹ càng nếu không sẽ giết oan một vị trọng thần, công minh chính trực.

Phúc Loan nạt lớn:

- Nội hữu đừng vì tư tình cá nhân mà bênh vực cho tên nghịch tặc. Việc mưu phản chứng cứ đã rành rành, còn tra xét thêm gì nữa? Ông đợi đến lúc hắn tiếm đoạt ngôi vương rồi mới ra tay hay sao? Hay là ông cũng cùng một phe với hắn?

Văn Hạnh cũng nạt lại:

- Ông đừng ngậm máu phun người...

Hộ bộ Thái Sinh vội đứng lên tâu:

- Muôn tâu vương thượng, Tôn Thất Dục lâu nay nắm giữ Hình bộ, tự ý xét xử không theo luật lệ triều đình, mua chuộc lòng người, kết nạp phe đảng. Việc mưu phản của hắn ta đã rành rành, xin vương thượng hạ lệnh xử trảm để diệt trừ hậu hoạn, răn đe những kẻ loạn thần khác.

Ngoại hữu Nguyễn Phúc Văn vội đứng lên tâu:

- Tâu vương thượng, việc trọng đại xin vương thượng anh minh xét kỹ, không thể vin vào một số tang vật này mà bắt tội trung thần.

Các quan đại đa số là vây cánh của Phúc Loan nên đều hùa nhau xin Võ vương hạ lệnh xử tử Tôn Thất Dục. Phe bênh vực dám lên tiếng chỉ có nội hữu Trương Văn Hạnh, ngoại hữu Nguyễn Phúc Văn, thị giảng Lê Cao Kỷ, đại thần Nguyễn Hoãn, Thạc Đức hầu Nguyễn Quang Tiền. Còn một số nhỏ các quan khác thì im lặng không dám có ý kiến gì. Võ vương thấy sự việc khó xử nên ra lệnh bãi triều. Sự tranh cãi kéo dài cả tháng trời mà Võ vương vẫn chưa thể đưa ra quyết định. Đêm đó, vương phi Ngọc Cầu thấy Võ vương tư lự suy nghĩ, nàng thỏ thẻ hỏi:

- Vương thượng hình như có việc gì khó xử phải không?

Võ vương thở dài nói:

- Ngoại tả và các quan bắt quả tang trong nhà Tôn Thất Dục có nhiều vũ khí nên lập bản cáo trạng nói hoàng thúc mưu đồ tạo phản, khuyên ta hạ lệnh chém đầu thị chúng. Ta biết hoàng thúc vốn là người tài trí, lại chính trực nên trong lòng không tin, nhưng các quan ai cũng lên tiếng buộc tội. Vì vậy, ta còn trù trừ chưa quyết định được.

Ngọc Cầu ngồi bên Võ vương, đưa tay vuốt ve nói:

- Thiếp cũng nghe nói hoàng thúc là người tài cao, chính trực. Vương thượng nên cân nhắc kỹ trước khi quyết định, nếu không giết lầm kẻ trung lương thì vương thượng sẽ để tiếng xấu cho đời đó.

Võ vương cầm tay Ngọc Cầu nói:

- Ái phi thật là người hiểu lòng ta. Nhưng các quan đều lên tiếng buộc tội khiến ta thật khó xử vô cùng.

Ngọc Cầu nũng nịu:

- Đội ơn vương thượng khen ngợi. Người xưa thường nói thà giết lầm chứ không tha lầm, nhưng đó là hành động của những bạo chúa hay những kẻ phi quân tử. Vương thượng là vì vương anh minh, không thể làm việc đó được, chi bằng...

Nàng nói đến đó rồi im lặng. Võ vương hỏi:

- Chi bằng thế nào? Ái phi nói ta nghe thử.

Ngọc Cầu vờ vĩnh ngẫm nghĩ một lúc rồi nói:

- Không buộc tội thì các quan bất mãn, buộc tội thì e giết lầm kẻ trung lương. Nếu thế vương thượng cứ xử ở mức trung dung, sẽ vẹn cả đôi bề.

- Xử ở mức trung dung là thế nào?

Ngọc Cầu nở nụ cười mê hồn nói:

- Là thần thiếp nói theo ý mình thôi, vương thượng anh minh tất đã có chủ ý rồi, không cần nghe lời của thần thiếp đâu.

Võ vương càng tò mò muốn biết nên giục:

- Thì nàng cứ nói thử ý nàng cho ta nghe đi.

- Theo ý thần thiếp, vương thượng bãi chức Hình bộ của hoàng thúc rồi tha bổng cho người. Một người không có chức quyền trong tay thì còn lo gì chuyện mưu phản, mà tha bổng thì lo gì chuyện giết lầm kẻ trung thần?

Võ vương gật gù, cho rằng cách giải quyết như thế cũng hợp lý.

- Ái phi thật là người thông mình tài trí. Ta theo ý đó thì sẽ vẹn cả mọi đường.

Ngọc Cầu nũng nịu ngã vào lòng Võ vương thỏ thẻ:

- Đa tạ lòng ưu ái của vương thượng.

Ngọc Cầu ngoài nhan sắc khuynh thành, nàng còn có một thân thể và làn da cực kỳ khêu gợi. Đã vậy, nàng còn biết cách gia tăng sự kích thích của đối phương bằng những động tác xoa bóp nhẹ vào những huyệt đạo trên cơ thể. Những động tác chiêu hồn của nàng đã khiến cho Võ vương không sao kiềm chế được, ông lao vào cuộc mây mưa đến quên cả mọi việc trên đời.

Hôm sau, Võ vương hạ lệnh cách chức rồi tha bổng cho Tôn Thất Dục vì chứng cứ mưu phản không rõ ràng. Lại phong cho Thạc Đức hầu Nguyễn Quang Tiền đang giữ chức Hàn Lâm viện đại học sĩ tạm kiêm giữ chức Hình bộ. Riêng Tôn Thất Dục, khi ông bước ra khỏi nhà ngục thì ngửa cổ than rằng:

- Kẻ giặc ấy lập bè phái bãi chức ta, tôn thất há chẳng còn ai dám lên tiếng răn đe hắn hay sao?

Từ đó, ông chán nản việc triều chính, buông hết sự đời trở về nhà vui cùng tuế nguyệt, làm bạn với thi ca. Ông biết trong đám gia nhân có kẻ phản trắc nên đã cho nghỉ việc hết, chỉ giữ lại người nô bộc già đã theo ông từ lúc ông còn rất trẻ. Nhớ lời dạy trước kia của Vô Danh thiền sư, ông giao nhà cửa lại cho người lão bộc rồi chu du đây đó để tìm cái nguyên lý “một sinh ra vạn vật”, cái tiếng lòng của dân tộc Việt. Sau một thời gian khá dài, ông đã sáng chế ra được cây đàn Nam cầm một dây (còn gọi là Độc Huyền cầm) dựa trên cái nguyên lý “một” ấy. Cây đàn độc nhất vô nhị của ông với những âm thanh vi diệu phát ra từ một sợi dây duy nhất đã trở thành biểu tượng của dân tộc Đại Việt.

Phúc Loan tuy không giết được địch thủ của mình nhưng nhổ được cái gai nhọn ấy khỏi quan trường cũng hả hê trong dạ lắm, hắn nói với Cửu Thống:

- Thằng Dục đã bị bãi chức, Nguyễn Quang Tiền tuy không chống ta ra mặt nhưng hắn ta vốn trọng lễ nghĩa nên ắt sẽ gây khó khăn không ít cho ta sau này. Ta sẽ tâu vương thượng đưa người khác thay hắn giữ Hình bộ. Ngươi cho người liên lạc với bọn Diệp Sanh Ký, bảo bọn chúng chuẩn bị sang đón bọn tù Lý Văn Quang. Nhắc chúng nhớ những gì chúng đã hứa với ta hôm trước.

Cửu Thống cười nịnh:

- Từ nay ngoại tả cứ ung dung mà mở cửa cho tiền vào nhà, không còn ai dám ngăn cản nữa rồi. Hạ quan xin chúc mừng ngài.

Phúc Loan híp mắt cười đắc ý:

- Ha ha... Các ông cứ làm tốt những việc ta giao cho thì phú quí vinh hoa cũng sẽ chẳng lo gì.

Mùa thu năm Ất Hợi 1755, ba tên Lê Huy Đức, Thẩm Thần Lang và Hồ Đình Phượng đáp tàu từ Đài Loan sang để thực hiện việc nhận tù nhân. Võ vương sai Nguyễn Quang Tiền thảo tờ văn thư và bản án kể tội bọn Lý Văn Quang để gởi cho Thanh triều. Trong văn thư, Võ vương lệnh Quang Tiền phải xưng là An Nam quốc vương nhưng Quang Tiền nhất định không nghe. Ông nói:

- Đã có hoàng đế ở kinh đô do Thiên triều sắc phong vương tước, xứ này vốn là phiên thần và vẫn theo chính sóc, nay xưng quốc vương nếu như Trung Quốc vặn hỏi thì sẽ trả lời ra sao?

Bèn không chịu, vì thế Võ vương ghét y lắm. Phúc Loan thừa thế nói thêm vào nên vương liền cho bãi chức Nguyễn Quang Tiền. Sau đó, Vương sai người khác thảo, nhưng công văn cũng chỉ dám xưng “Trấn thủ”. Đến cuối năm Bính Tý, việc chuyển giao bọn Lý Văn Quang đã thực hiện xong, trong số năm mươi bảy tên bị bắt, một số đã chết dần trong tù, chỉ còn lại Lý Văn Quang cùng mười lăm tên thuộc hạ được trả về Trung Quốc.

Trương Phúc Loan loại thêm được Nguyễn Quang Tiền thì vô cùng đắc ý. Ông nói với Nguyễn Cửu Thống:

- Vậy là chặt bớt được một cái gai nữa. Ông cho người gọi tên Phạm Hiệp vào đây cho ta.

Cửu Thống “dạ” rồi lui ra ngoài bảo thuộc hạ đi gọi Phạm Hiệp. Một lúc sau Phạm Hiệp vào, hắn cúi đầu khúm núm:

- Hạ chức xin chào ngài ngoại tả. Ngài ngoại tả có việc gì sai bảo đến hạ chức xin cứ dạy ạ.

Phúc Loan nói:

- Ông nay đã nắm giữ Công bộ, trong quốc khố đang thiếu tiền, ông làm tờ trình lên vương thượng xin đúc thêm tiền kẽm để chi dụng. Ông hiểu ý ta chứ?

- Dạ, hạ chức hiểu. Hạ chức sẽ thực hiện ngay ạ.

Phúc Loan gật đầu nói tiếp:

- Số vàng thu được ở Kim Sơn ông thu xếp nộp vào kho một nửa thôi, còn lại giao cho ta, ta sẽ dùng nó để thưởng công cho các ông.

Phạm Hiệp nghe nói mừng rỡ:

- Dạ, dạ! Hạ chức sẽ làm đúng lời ngài ngoại tả dạy ạ.

Võ vương đắm say sắc dục, suốt ngày ở trong cung Trường Lạc với Ngọc Cầu, không màng gì đến việc nước nên quyền hành phủ Chúa coi như nằm gọn trong tay Trương Phúc Loan. Chúng thông đồng nhau bòn rút của công để bỏ vào túi riêng. Chưa thỏa mãn, Phúc Loan còn bắt Công bộ và Hộ bộ tìm cách tăng thuế ngoài dân chúng để bù vào những khoảng trống mà chúng đã bòn rút từ công quĩ. Một cõi sơn hà đang trên đà phát triển bỗng rơi vào cảnh loạn lạc, đói kém tơi bời.

***

Nói về Đoàn Phong đêm đó phóng ngựa theo bờ sông Hương xuống đến cửa Thuận An tìm vào một làng chài ven biển xin tá túc đỡ qua đêm vì Tuyết Hoa đang bệnh, Quỳnh Như thì còn quá bé. Duyên may đưa đẩy, người chủ nhà là một bà cụ đã ngoài sáu mươi, sống cô độc một mình. Bà cụ thấy vợ chồng Đoàn Phong phong thái cao sang, đoan chính, hai đứa bé Đoàn Phi và Quỳnh Như lại kháu khỉnh dễ thương nên bà hết sức vui vẻ đón tiếp. Tuyết Hoa trong người đã suy nhược, nay lâm cảnh trốn chạy nên bệnh tình càng trở nên trầm trọng hơn. Bà cụ chỉ Đoàn Phong đi mời thầy thuốc nhưng lại gặp phải lão lang băm nên tình trạng Tuyết Hoa ngày càng tồi tệ hơn. Đoàn Phong nóng lòng về tin tức của Tôn Thất Dục nhưng ngặt nỗi Tuyết Hoa quá suy nhược nên chàng đành bấm bụng ở lại chăm sóc cho vợ.

Có lần Đoàn Phong liều mạng phóng ngựa lén về Phú Xuân để dò la tin tức thì biết Tôn Thất Dục đang bị nhốt trong ngục, Ngô Mãnh biệt tăm, những người thân tín trong Hình bộ lúc xưa, kẻ bỏ đi người bị bắt. Bọn Phúc Loan vẫn đang ráo riết truy tìm tung tích của chàng và Ngô Mãnh, những tờ lệnh truy nã vẽ hình hai người được dán khắp nơi trong và ngoài thành Phú Xuân. Chàng vừa lo vừa chán ngán cảnh triều đình nên muốn buông xuôi tất cả. Tình trạng đó kéo dài gần ba tháng thì một hôm Tuyết Hoa thấy trong người kiệt sức. Biết mình không thể qua khỏi nên nói với chồng:

- Thiếp không xong rồi. Chàng ráng bảo trọng thân mình để lo cho hai con, chúng là hậu duệ duy nhất của hai họ Đoàn - Lê nhà chúng ta.

Đoàn Phong nắm tay vợ buồn rầu nói:

- Ta có lỗi với hiền thê. Hoàn cảnh hiện nay đã làm ta thúc thủ đành ngồi nhìn nàng mỗi ngày một suy nhược dần mà không thể làm được gì. Thật vô dụng.

Tuyết Hoa âu yếm nhìn chồng an ủi:

- Chàng đừng tự trách mình. Tại thiếp vắn số mà thôi. Dù sao chúng ta cũng đã có Phi nhi và Quỳnh Như để nối dõi. Chúng ta hãy mãn nguyện với điều đó.

Đoàn Phong nhìn vợ cố nhoẻn miệng cười. Chàng biết Tuyết Hoa là người cứng rắn và sáng suốt nên những câu an ủi có tính lấy lệ sẽ không làm cho nàng vui. Chàng chỉ im lặng gật đầu. Tuyết Hoa nói:

- Chúa Nguyễn đã theo vết xe đổ của Chúa Trịnh nên cũng sắp sụp đổ đến nơi, chàng không cần quan tâm đến họ nữa, hãy ráng đào tạo cho hai con. Phi nhi là đứa thông tuệ, đợi nó lớn lên chàng giao cuốn “Tiểu Bát quái trận đồ” mà em đã chú giải cho nó. Nó sẽ giúp được cho đời sau này.

- Nàng an tâm. Ta coi như đời mình đã bỏ đi. Ta sẽ lo cho hai con nên người hữu dụng sau này.

Tuyết Hoa nhờ chồng mang hai đứa con lại nằm cạnh mình, nàng ôm hai con trong lòng, nói lời cảm ơn với bà cụ chủ nhà, nhìn chồng âm yếm nở nụ cười lần cuối rồi nhắm mắt lại. Không bao lâu sau đó, nàng trút hơi thở cuối cùng. Đoàn Phong bây giờ mới dám để cho những giọt nước mắt mặc sức tuôn trào. Chỉ sau một đêm ngồi nhìn xác vợ mà trông chàng đã già đi cả mười năm. Chàng chôn vợ ở khu gò mả chung của thôn.

Nửa tháng sau chàng trở lại Phú Xuân thì hay tin Tôn Thất Dục đã được thả ra nhưng bị bãi chức. Chàng đến nhà tìm, người lão bộc cho hay Dục công đã vân du tứ hải không thấy về. Chàng nhờ người bán ngôi nhà cũ ở bến Vĩ Dạ, từ đó tuyệt giao với đời, sống ẩn dật nuôi hai đứa con cùng bà cụ chủ nhà. Ít lâu sau chàng sắm một chiếc thuyền chài nhỏ, ngày ngày ra biển đánh cá kiếm kế sinh nhai. Bà cụ sau đó cũng từ trần, vì không con cháu nên giao ngôi nhà lại cho Đoàn Phong.

Phần vì nhớ vợ, phần vì uất hận cho hoàn cảnh trớ trêu của mình nên Đoàn Phong cố gắng đem trí tuệ cả đời truyền dạy lại cho đứa con trai duy nhất. Chàng cũng bắt đầu uống nhiều rượu hơn. Nhiều đêm dưới ánh trăng nơi thôn dã, sau khi dạy kiếm cho Đoàn Phi xong, chàng một mình uống rượu múa gươm mà tiếc thời oanh liệt xưa. Hận chứa đầy gan, chàng ngửa mặt vung kiếm ngâm mấy câu thơ:

Quốc phá gia vong kỷ độ hà

Dục tương khinh kỵ vãn can qua

Thiên bế, nhân u, vô hạn hận

Điếu đồ tuyệt lộ tửu cuồng ca.

Dịch:

Nước mất nhà tan đã mấy độ bởi vì đâu

Muốn dùng đoàn chiến mã để cứu vãn cảnh binh lửa

Mệnh trời bế tắc, lòng người (vua) hôn ám đành ôm hận

Tên ngư phủ cùng đường cuồng say ca hát.

Năm Đoàn Phi được mười tuổi, về cơ bản nó đã nắm vững đường kiếm gia truyền của dòng họ Đoàn. Ngoài học võ, Đoàn Phong còn bắt nó cùng Quỳnh Như phải học chữ. Việc dạy dỗ con của chàng rất nghiêm túc, đến độ cứng rắn.

Một hôm, Đoàn Phong dong buồm ra khơi đánh cá vắng nhà. Buổi chiều, sau giờ học, Đoàn Phi rủ em ra vườn chặt mía ăn, không may lưỡi dao sút cán, văng trúng ngay đầu Quỳnh Như, máu ra lai láng khiến con bé ngã xuống bất tỉnh. Đoàn Phi lay gọi em thật lâu mà Quỳnh Như vẫn nằm yên bất động. Nó tưởng em mình đã chết, lại nghĩ đến cơn thịnh nộ của cha lúc trở về nên sợ quá băng mình chạy trốn. Nó nhắm mắt chạy ra đến cửa Hội An thì trời đã tối mịt, thấy bên bờ sông có đoàn thuyền đang đậu, nó leo đại lên rồi núp vào trong đống vật dụng trên boong thuyền. Cảm thấy chưa an toàn, nó kéo mấy tấm vải dùng để đậy hàng phủ lên người mình. Sợ hãi, mệt mỏi, nó ngủ quên lúc nào không hay.

Nó bị đánh thức bởi sức nóng kinh hoàng bên trong tấm vải phủ. Ngộp quá, nó đưa tay kéo tấm vải phủ trên người ra. Ánh nắng chói chang, gay gắt của mặt trời mùa hạ buộc nó phải nhắm mắt lại một lúc rồi mới mở ra lại. Trên nền trời trong xanh, từng đám mây trắng bay đi rất nhanh, xéo bên kia là mấy cây cột cao giương những cánh buồm đang phần phật bay trong gió. Nó còn chưa hình dung được mình đang ở đâu vì đầu óc nóng ran và nhức như búa bổ. Sực nhớ đêm qua mình đã leo lên một chiếc thuyền để trốn đi, nó hoảng hồn ráng sức ngồi dậy, chui ra khỏi đống đồ rồi bò ra mé thuyền. Quanh nó là biển xanh ngút một màu, phía xa xa những rặng núi thấp thoáng ẩn hiện. Nó chợt hiểu ra con thuyền mà nó chui lên trốn đã ra khơi và đang lênh đênh giữa biển cả. Trên boong thuyền, trời nắng như thiêu đốt nên không có người nào cả. Nó hoảng sợ vô cùng nhưng cơn mệt mỏi chợt ập tới khiến nó không sao gắng gượng được, nó nằm vật xuống rồi thiếp đi.

Lúc mở mắt ra, dưới ánh sáng lờ mờ của cây bấc, Đoàn Phi trông thấy một người đàn ông có khuôn mặt hiền lành đang ngồi nhìn mình. Thấy nó tỉnh lại, người ấy mỉm cười hỏi:

- Cháu đã tỉnh lại rồi, cảm thấy trong người thế nào?

Nó cảm thấy miệng đắng nghét, đầu còn nóng ran nhưng vẫn đáp:

- Dạ cháu không sao.

Người đàn ông đưa tay sờ trán nó nói:

- Cháu còn sốt cao lắm, chú đã nấu cháo và sắc sẵn thuốc, ăn cháo xong uống thuốc rồi tiếp tục nghỉ ngơi vài hôm sẽ khỏi thôi.

Ăn cháo và uống thuốc xong nó hỏi:

- Cảm ơn chú. Cháu đang ở đâu vậy chú?

- Cháu đang ở trên thuyền. Thuyền đi buôn của chú. Cháu nghỉ ngơi đi, đừng hỏi han gì vội. Khỏi bệnh rồi nói chuyện sau.

Người đàn ông ra khỏi phòng, bên ngoài trời tối đen như mực, có tiếng người nói chuyện lao xao. Nó nằm suy nghĩ lung tung một lúc rồi lại ngủ thiếp đi. Hôm sau, người đàn ông và mấy người nữa lại mang cháo và thuốc vào cho nó. Đến tối hôm sau thì nó đã khỏe lại rất nhiều. Sáng ngày thứ ba, nó đã khỏe hẳn. Người đàn ông đưa nó ra boong thuyền hóng ánh nắng ban mai. Đại dương xanh ngắt, gió biển lồng lộng tạo cho nó cảm giác sảng khoái vô cùng. Mấy người thủy thủ vây quanh nó chào hỏi, trong số đó có một đứa trẻ lớn hơn nó chừng ba bốn tuổi, thái độ rất thân thiện. Người đàn ông sợ nó nhiễm gió trở lại nên cùng nó trở vô phòng. Ông ta bảo nó ngồi xuống giường rồi hỏi:

- Bây giờ cháu có thể cho ta biết cháu là ai, tên gì và vì sao trốn lên thuyền này không?

Mấy hôm nay nằm bệnh, nó suy nghĩ nhiều lắm. Vừa sợ cha tìm được, lại vừa sợ người ta cho là kẻ cắp nên nó quyết định bịa chuyện nói dối.

- Dạ cháu tên Trần Lâm, là một đứa trẻ mồ côi không nhà lang thang đây đó. Đêm kia chỉ vì mệt mỏi quá nên cháu leo lên thuyền định ngủ một giấc rồi bỏ đi, không ngờ ngủ quên và thuyền của chú lại ra biển. Cháu hãi quá tới sinh bệnh. Cháu lên thuyền chỉ là sự vô tình, không có gian ý gì cả.

- Ồ, chú không nghĩ cháu là kẻ gian. Bây giờ cháu tính sao, thuyền của chú phải vào tận đầm Hải Hạc ở Quy Nhơn mới dừng lại được. Cháu muốn trở lại Hội An phải theo thuyền của chú một thời gian, khi có chuyến hàng thì mới trở ra được. Có khi chú không trở ra Hội An mà lại vào tận miền Nam, trong Cù Lao Phố lận.

Đoàn Phi ngẫm nghĩ một lúc rồi nói:

- Thì cháu cứ theo chú vậy. Cháu muốn biết tên của chú để tiện xưng hô?

- Chú là Lê Trung. Là thuyền trưởng của đoàn thuyền này.

- Cháu chào chú Lê Trung. Chú làm thuyền trưởng được lênh đênh trên biển, đi đây đó khắp nơi chắc vui lắm nhỉ?

Lê Trung cười:

- Chỉ vì công việc mà thôi. Cháu thích đi biển lắm à?

- Dạ, từ nhỏ cháu đã thích sự mênh mông to lớn của biển cả. Cháu thường mơ mình được sống trên biển.

- Vậy cháu có muốn theo thuyền của chú lênh đênh trên biển luôn không?

- Nếu chú cho phép cháu sẽ theo chú giúp việc. Cháu làm gì cũng được, miễn là được theo đoàn thuyền đi khắp đó đây, còn hơn lang thang đầu đường xó chợ không biết phải làm gì.

- Nếu cháu thích thì cứ ở lại với chú. Trên thuyền cũng có Lưu Phương, nó hơn cháu vài tuổi, hai đứa làm việc với nhau cho có bạn.

- Ra anh ấy tên Lưu Phương, lúc nãy cháu đã gặp qua. Vậy từ nay cháu là thủy thủ trên thuyền của chú rồi phải không?

Lê Trung nghe nó nói bật cười:

- Ừ. Là thủy thủ tí hon!

***

Vậy là từ đó Đoàn Phi đổi tên thành Trần Lâm, theo đoàn thuyền buôn sống lênh đênh trên biển cả, đi đây đó khắp nơi như ước mơ mà nó đã ấp ủ từ bé. Hôm đoàn thuyền về đậu bến nhà ở đầm Hải Hạc, nó mới biết đoàn thuyền là của gia đình họ Cao, chú Lê Trung là anh vợ của ông chủ tên Cao Đường. Nó vốn là đứa trẻ thông tuệ, có giáo dục đàng hoàng nên rất lễ phép, bởi vậy thủy thủ đoàn ai nấy cũng đều thương. Cả Lưu Phương, vốn tính tình hiền hậu, tốt bụng nên hai đứa thân nhau như anh em, chia nhau các công việc lặt vặt trên tàu. Những khi rảnh rỗi hai đứa thường nói chuyện, tranh luận với nhau về đủ thứ trên đời. Lưu Phương vốn ghét võ nghệ, chỉ thích đọc sách, nó cho rằng võ nghệ chỉ làm con người tăng thêm hung tính. Sách vở, chữ nghĩa thánh hiền mới làm con người và xã hội tốt hơn.

Suốt những ngày tháng phong sương đó, lòng Trần Lâm không bao giờ quên được hình ảnh của đứa em gái tội nghiệp và những lời dạy dỗ của cha mẹ mình. Nó tự thề với lòng là sẽ tạo nên một sự nghiệp vẻ vang để thực hiện lời dặn dò của mẹ cha cũng như tạ lỗi với linh hồn người em gái. Mặc cảm tội lỗi khiến nó trở thành đứa trẻ trầm mặc, ít nói. Đêm đêm, sau những giờ làm việc, nó lên boong thuyền một mình luyện tập võ nghệ, nhất là bài kiếm gia truyền mà nó đã thuộc nằm lòng.

Theo đoàn thuyền được một thời gian, một hôm đoàn thuyền cập bến nghỉ ngơi, Lê Trung từ nhà Cao Đường trở lại có dẫn theo một đứa bé gái xuống thuyền. Cô bé chừng chín mười tuổi, tóc chấm ngang vai, đôi mắt đen lay láy, khuôn mặt rất hiền hậu, dễ thương. Gặp Trần Lâm, Lê Trung nói:

- Lâm nhi, đây là Tiểu Hồng, cháu gái của chú. Hai đứa làm quen với nhau đi.

Trần Lâm vui vẻ nói:

- Chào Tiểu Hồng! Tôi là Trần Lâm, rất vui được làm quen với bạn.

Tiểu Hồng cũng cười tươi đáp lại:

- Anh mới theo đoàn thuyền của cậu Trung hả? Lúc trước Tiểu Hồng đâu có gặp anh, chỉ thấy anh Phương thôi.

- Vâng, tôi mới theo chú Trung chừng một năm nay. Tiểu Hồng biết anh Phương à, chúng ta đi tìm anh ấy đi.

Cả hai đứa xấp xỉ tuổi nhau nên bắt chuyện làm thân rất nhanh. Trần Lâm nhìn Tiểu Hồng chạnh nhớ tới đứa em gái xinh xắn, ngoan hiền của mình nên tự dưng rất có thiện cảm với cô bé. Chúng kéo nhau đi tìm Lưu Phương. Trần Lâm hỏi:

- Tiểu Hồng là tiểu thư con ông chủ hả?

- Sao anh Lâm biết?

- Tôi nghe chú Trung nói em gái của chú là vợ ông chủ. Lúc nãy chú giới thiệu Tiểu Hồng là cháu của chú nên tôi đoán vậy.

Tiểu Hồng nhoẻn miệng cười:

- Anh Lâm nhanh trí quá há. Tài đoán của anh thật giỏi. Nhưng...

Rồi mặt nó bỗng trở nên buồn xo. Trần Lâm hỏi:

- Sao bỗng dưng Tiểu Hồng buồn bã vậy? Nhưng cái gì?

- Mẹ Tiểu Hồng không còn nữa. Mẹ mất rồi. Mất từ lúc Tiểu Hồng mới năm tuổi.

- Vậy sao? Tôi xin lỗi nhé.

- Sao lại xin lỗi?

- Vì đã nhắc chuyện của mẹ Tiểu Hồng.

- Ơ, không sao đâu. Còn mẹ anh Lâm?

- Cũng mất rồi. Tôi chỉ có một mình. Tiểu Hồng có anh em không?

- Có! Chị Đại Hồng.

- Vậy là vui rồi.

- Không vui chút nào đâu. Chị Đại Hồng khó tính lắm, cái gì cũng ăn hiếp Tiểu Hồng cả. Tiểu Hồng không muốn chơi với chị ấy. Cả anh Vân Long nữa, hai người họ chơi riêng với nhau.

- Anh Vân Long là anh của Tiểu Hồng à?

- Dạ, nhưng là cháu của mẹ chị Đại Hồng. Cha nuôi anh ấy từ nhỏ.

- Thế mẹ Đại Hồng không phải là mẹ Tiểu Hồng sao?

- Không. Mẹ chị ấy mất sớm. Cha cưới mẹ em, rồi mẹ em cũng mất luôn. Tụi em không hợp tính nhau.

- Thế từ nay tôi sẽ làm bạn với Tiểu Hồng. Chúng ta là bạn của nhau nhé?

- Ừ, nhưng anh Lâm theo thuyền đi hoài, Tiểu Hồng đâu có được chơi với anh Lâm mỗi ngày đâu.

- Ừ nhỉ? Thì khi nào thuyền về bến, Tiểu Hồng lại ra đây chơi với tôi. A, anh Lưu Phương kìa!

Lưu Phương biết Tiểu Hồng từ trước nên cả ba đứa chơi với nhau coi bộ rất hợp tính. Từ đó mỗi bận thuyền về, Tiểu Hồng đều bắt cậu Trung dẫn ra bến để chơi với Trần Lâm và Lưu Phương. Một lần, Đại Hồng biết được nên đòi đi theo, cả Lý Vân Long nữa. Đại Hồng lớn hơn Tiểu Hồng ba tuổi, nét mặt rất xinh nhưng ánh mắt thì sắc bén quá, tính tình lại khắc nghiệt nữa. Thấy Tiểu Hồng chơi với Trần Lâm và Lưu Phương coi bộ rất vui vẻ nên nó tức, cứ tìm cách chọc phá hoài. Biết Trần Lâm và Lưu Phương là hai đứa trẻ mồ côi nên Đại Hồng và Vân Long thường tỏ ý khinh miệt, phân biệt chủ tớ. Trần Lâm tuy giận lắm nhưng vẫn cố nén trong lòng. Tiểu Hồng cũng vì thế mà gây gổ với chị luôn. Năm đứa trẻ chia ra hai phe, chống đối và cãi nhau vì đủ thứ lý do khiến cho cả năm đều mất vui. Nhưng cứ mỗi lần thuyền về bến thì chúng lại tìm cách gặp nhau rồi lặp lại bổn cũ.

Có lần Trần Lâm hỏi Tiểu Hồng vì sao tính tình Đại Hồng lại hay cáu gắt, phá bỉnh người khác như thế thì Tiểu Hồng lắc đầu không biết, chỉ nói rằng từ nhỏ Đại Hồng đã vậy. Đôi khi, Đại Hồng còn gàn dở đến mức bắt những chú gà con của nhà người nô bộc nựng nịu chán rồi bẻ cổ chơi. Mỗi lần như vậy, Tiểu Hồng khóc hết nước mắt, gây nhau một trận với chị rồi đem những chú gà con đi chôn.

Lê Trung vốn là người tài cao, học rộng, võ nghệ cao cường, lại rất giỏi về âm nhạc, nhất là thổi sáo. Ông thấy Trần Lâm bản tính thông tuệ lại đam mê võ nghệ, ham học hỏi, làm việc thì chăm chỉ không câu nệ nên ông thương nó lắm. Từ bé nó đã nghe cha dạy rằng làm người muốn vượt trên thiên hạ, tạo dựng sự nghiệp lớn ở đời thì trên phải thông thiên văn, dưới tường địa lý, giữa rõ nhân tình, bởi vậy khi được Lê Trung tận tình rèn dạy, nó không ngừng học hỏi, đưa ra những thắc mắc khiến ông đôi khi phải gãi tai lắc đầu. Một hôm, hai chú cháu đang ngồi trước mũi thuyền lênh đênh giữa biển, Trần Lâm chợt hỏi:

- Chú Trung nè, cháu thấy chú suốt ngày theo thuyền buôn bán mà sao cháu hỏi bất cứ vấn đề gì chú cũng trả lời được cả vậy? Trước kia hẳn chú phải là người học rộng, tài cao lắm phải không?

Lê Trung cười đáp:

- Chữ nghĩa của chú hầu hết là do mẹ chú dạy. Sau khi mẹ mất, chú tự mình học hỏi thêm.

Trần Lâm chợt nhớ đến mẹ mình ngày xưa cũng ngày ngày dạy mình học nên hai mắt bỗng đỏ hoe. Lê Trung nhìn thấy hỏi:

- Cháu nhớ mẹ phải không?

- Dạ.

Rồi nó đánh trống lảng để tránh nhắc về mẹ mình:

- Mẹ chú chắc vừa đẹp vừa tài giỏi lắm phải không?

- Sao cháu biết?

- Thì nhìn chú đẹp trung niên, Tiểu Hồng cũng xinh đẹp nên cháu đoán thế.

Lê Trung thấy nó dùng chữ ngộ nghĩnh liền bật cười:

- Cháu đoán khá lắm. Mẹ chú đúng là một trang tuyệt sắc giai nhân. Duy có điều, người đẹp thường gặp cảnh trái ngang, cuộc đời nhiều sóng gió. Như mẹ Tiểu Hồng vậy, cũng rất đẹp nhưng lại vắn số.

- Xin lỗi chú.

- Không sao. Từ ngày mẹ mất, chú và Ngọc Lan, mẹ Tiểu Hồng, dùng nghề ca hát để sinh sống qua ngày. Sau đó cha Tiểu Hồng là Cao Đường xin cưới Ngọc Lan. Nhân chú Hữu Dụng đã lớn tuổi nên nhờ chú tiếp tục coi sóc đoàn thuyền. Lênh đênh trên biển cả mênh mông, sống chết trong chớp mắt, chú đã nghiệm ra rằng con người sướng khổ, sống chết đều có số mạng, mọi việc đều có bàn tay định mệnh sắp xếp sẵn. Cho nên với chú, đau khổ không quá buồn, hạnh phúc không quá vui. An nhiên mà đón nhận mọi thứ.

Trần Lâm lại tò mò hỏi thêm:

- Võ công của chú cao cường như thế chắc cha của chú phải là cao thủ đệ nhất giang hồ phải không?

- Mẹ giận cha, mang chú và em gái ra đi lúc chú mới có ba tuổi. Đến giờ chú cũng không hình dung ra mặt của cha mình thế nào nữa.

- Buồn nhỉ. Vậy võ công của chú là mẹ chú dạy cho à?

- Lúc ra đi, mẹ chú có mang theo cuốn kiếm phổ của cha. Khi chú lên năm, mẹ bắt chú theo đó mà luyện tập.

- Vì sao mẹ chú lại bỏ đi?

- Chỉ vì một sự hiểu lầm. Mẹ chú có một người em gái song sinh, hai chị em giống nhau như hai giọt nước, vì mồ côi nên hai chị em cùng sống với nhau dưới một mái nhà. Khi mẹ chú lấy cha chú, hai chị em vẫn còn ở chung. Nghe mẹ kể, cha chú lúc ấy có biệt hiệu là Ngũ Tuyệt thư sinh. Chỉ vì hiểu lầm cha và dì ba nên mẹ chú ẵm con ra đi. Về sau biết tin dì đã treo cổ tự vận, cha bỏ đi kiếm mẹ con chú khắp nơi, mẹ chú hối hận lắm nhưng lại thẹn với cha và dì ba nên không ra mặt, cam tâm sống cuộc sống nghèo khó ở một làng nhỏ gần thành Đồ Bàn cũ.

Trần Lâm nghe kể, hai mắt nó đỏ hoe. Hình ảnh đứa em gái nằm chết thảm thương lại hiện về trong trí nhớ. Nó thở dài:

- Gia đình chú gặp nhiều đau khổ quá nhỉ? Mà Ngũ Tuyệt thư sinh là gì vậy chú?

- Là cầm kỳ thi họa và kiếm thuật đều tuyệt diệu cả.

- Ui chà! Hèn chi kiếm và tiếng sáo của chú quá là tuyệt luôn.

- Nói về kiếm thì bài kiếm của cháu mới là tuyệt. Nếu cháu cố gắng luyện nó cho thật giỏi thì cũng đủ để xưng hùng trong thiên hạ rồi. Cháu có muốn học thổi sáo không?

- Dạ muốn chứ! Chú dạy cho cháu nhé?

- Ừ.

***

Một hôm, đoàn thuyền ba chiếc do Lê Trung chỉ huy rời bến để ra cửa Đại Chiêm đổ hàng, khi qua khỏi vùng núi ở đầm Đạm Thủy thì bị mấy chiếc tàu của bọn cướp bao vây tấn công. Bọn cướp này mới bắt đầu hoạt động nửa năm nay. Chúng lợi dụng địa thế núi non hiểm trở phía nam bờ biển vùng đầm Đạm Thủy để làm sào huyệt. Chúng còn một trại khác đặt tại Hòn Trâu, là một đảo nhỏ bên ngoài bờ biển vùng Đạm Thủy, vì thế cho nên tên chúa đảng tự xưng là Ngưu Ma vương, dùng lá cờ có hình một đầu lâu của con trâu có hai sừng làm cờ hiệu. Đảng cướp này từng hoạt động ở vùng biển Quảng Đông - Phúc Kiến, sau chúng bị triều đình nhà Thanh đánh đuổi mới chạy sang Đại Việt. Bọn chúng rất tàn ác, nhất là tên đảng trưởng Lỗ Đại. Chúng chặn tàu cướp của còn giết người không gớm tay, chuyên moi tim người ngâm rượu để uống. Nửa năm nay, không ít những tàu buôn đi ngang vùng biển từ Quy Nhơn ra Quảng Ngãi đã bị bọn chúng đánh cướp.

Thuyền buôn họ Cao đi lại biển Đông đã năm mươi năm rồi nên đa phần thủy thủ đoàn đều là những người có võ nghệ cao cường. Lê Trung lại là tay cao thủ cho nên đã đánh trả dữ dội. Bọn cướp rất đông, chúng nhảy lên ba chiếc thuyền tấn công các thủy thủ. Cuộc giao chiến diễn ra giữa biển cả mênh mông. Lê Trung với đường kiếm linh hoạt như rồng bay đã đâm tên đảng trưởng Lỗ Đại một kiếm suýt mất mạng, may mà có mấy tên lâu la liều chết bảo vệ mới thoát về được thuyền nhà. Hắn thất kinh ra lệnh cho bọn đàn em rút lui. Bọn cướp tháo chạy nhưng đã bắt theo được mấy người thủy thủ, trong đó có Trần Lâm và Lưu Phương. Lê Trung tuy rất muốn đuổi theo cứu những người bị bắt nhưng cả ba chiếc thuyền sau cuộc giao tranh đã hư hại nặng, bọn cướp lại quá đông nên đành phải quay trở về bến nhà ở Quy Nhơn.

Tên Lỗ Đại được bọn lâu la đem về hang núi, hắn điên tiết bảo đàn em mang mấy tên thủy thủ bị bắt đến rồi cho đánh đập tàn nhẫn. Sau, chúng moi tim hai người thủy thủ lớn nhất bọn bỏ vào hũ rượu, múc ra một bát lớn cho tên Lỗ Đại uống. Hắn uống cạn bát rượu xong tỏ ra vô cùng sảng khoái, máu còn dính hai bên mép đỏ lòm như ác quỉ. Lưu Phương và Trần Lâm nhìn thấy cảnh tượng man rợ đó thì hồn vía lên mây, mặt mày cắt không còn một chút máu. Lưu Phương hoảng đến độ ngất xỉu tại chỗ. Trần Lâm vốn là đứa bé gan dạ nên sau một lúc sợ hãi, nó nổi giận la lớn:

- Bọn uống máu người các ngươi trước sau gì cũng sẽ chết không được toàn thây! Bọn thú vật!

Một tên lâu la bước tới, tát vào mặt nó một cái như trời giáng, hăm:

- Tới phiên mày bây giờ đó oắt con! Trái tim non của mày chắc là bổ lắm đó. Ha ha...

Trần Lâm bây giờ không cần biết sống chết là gì nữa, nó hét lớn:

- Mày có giết chết, tao cũng không sợ. Bọn thú vật đội lốt người các ngươi sẽ bị trời tru đất diệt.

Tên lâu la giơ tay định tát thằng nhỏ hỗn láo này một tát nữa thì tên Lỗ Đại bỗng la lớn:

- Ngừng tay! Thằng nhỏ này hay đấy. Tao thích mấy đứa nhỏ gan lì như vậy. Tao sẽ nhận nó làm đệ tử. Cởi trói cho nó.

Tên lâu la mở trói cho Trần Lâm. Lỗ Đại hỏi:

- Thằng nhỏ, mày tên gì?

- Trần Lâm.

Nó đáp cộc lốc. Lỗ Đại hỏi tiếp:

- Mày muốn theo tao học võ không? Tao sẽ dạy cho mày, mày sẽ trở thành vô địch thiên hạ.

Trần Lâm bật lên cười:

- Vô địch thiên hạ... Ha ha... Buồn cười quá! Ngươi đánh không lại chú Trung, chút nữa là bỏ mạng ngoài biển rồi, võ nghệ như vậy mà đòi dạy cho ta trở thành vô địch thiên hạ? Ha ha...

Bọn lâu la nghe thằng nhỏ nói vậy thì xanh mặt cả đám. Xưa nay nếu có kẻ nào dám lên tiếng xúc phạm chúa đảng như vậy thì ông ta sẽ giết chết ngay lập tức. Vậy mà lần này, bọn chúng hết sức ngạc nhiên khi nghe Lỗ Đại cười lớn nói:

- Ha ha... Gan dạ lắm, lại khéo nói nữa. Ta chịu ngươi lắm, thằng bé con lớn mật kia. Đợi vết thương đỡ lại ta sẽ cho ngươi thấy tài nghệ của ta thế nào. Chừng đó, ngươi sẽ lạy lục ta xin học nghệ cho mà coi.

Trần Lâm bĩu môi:

- Không đời nào! Ta thà chết chứ không bao giờ học mấy thế võ mèo quào của tên uống máu người như ngươi. Đừng nằm mơ!

Lỗ Đại nói:

- Đem hai đứa nhốt lại. Cho chúng ăn uống tử tế.

Bọn lâu la dẫn hai đứa ra sau nhốt vào một hang núi có hàng rào gỗ lớn đóng rất kỹ lưỡng. Hai đứa ở đó gần nửa tháng, mỗi lần nhớ lại cảnh tượng bọn cướp moi tim hai người thủy thủ bỏ vào rượu là Lưu Phương lại phát run lên. Trần Lâm trấn an bạn và bàn tính chuyện bỏ trốn. Trong thời gian đó, thỉnh thoảng Lỗ Đại lại vào thăm và không quên nhắc lại chuyện nhận Trần Lâm làm đồ đệ nhưng mười lần như một, Trần Lâm đều từ chối. Một hôm vết thương đã lành, Lỗ Đại cho dẫn hai đứa ra phòng lớn của trại rồi hỏi Trần Lâm:

- Bé con ngươi có chịu nhận ta là sư phụ hay không? Ta cho ngươi cơ hội cuối cùng. Nếu ngươi còn ngoan cố thì ta sẽ moi tim thằng bạn của mày trước rồi moi tim mày sau. Trả lời đi!

Trong khi hắn nói, một tên lâu la đã lại nắm cổ áo Lưu Phương xách lên gí con dao vào tim. Không hiểu nhờ vào sức mạnh nào mà Lưu Phương bây giờ trở nên gan dạ vô cùng, mặt nó tỉnh bơ không hề biểu lộ chút sợ hãi nào, nó lên tiếng:

- Đừng Trần Lâm! Mày là nhân tài, đừng nhận ác quỉ làm thầy. Tao có chết cũng sẽ rất vui. Mày nhớ lời tao nhé.

Rồi bất thình lình nó chụp tay của tên lâu la vừa đẩy mạnh mũi dao vào tim mình vừa nói lớn:

- Nhớ lời tao nghe Lâm!

Máu trên ngực nó phun ra, đầu ngoẻo sang một bên. Nó chết trên tay thằng lâu la. Trần Lâm hốt hoảng lao vào đấm tên lâu la một cú bật ngửa, giật lấy thây Lưu Phương ôm khóc nức nở. Tên lâu la bị đấm nổi nóng bước lại đá Trần Lâm một cú văng ra xa. Rồi hắn thọc mạnh con dao xuống ngực moi trái tim của Lưu Phương ra đem bỏ vào hũ rượu. Trần Lâm lao theo gào lên:

- Ta liều chết với bọn ác quỉ các ngươi!

Một tên lâu la khác xông đến chặn Trần Lâm lại. Trần Lâm tung liền hai cú đấm vào bụng hắn. Quyền của nó tuy còn yếu như rất hiểm hóc, tên lâu la bị trúng đòn phải thoái lui lại. Lỗ Đại hét lớn:

- Nhốt thằng nhỏ lại cho ta! Đừng làm hại nó!

Tên phó trại Tập Đình võ nghệ rất cao cường, hắn xông đến vung tay gạt Trần Lâm khiến nó té nhào lên xác của Lưu Phương. Sau hắn dùng chân đè lên ngực nó rồi lệnh cho hai tên lâu la khác:

- Trói nó lại dẫn đi!

Trần Lâm té lên con dao nhỏ liền nhanh trí giấu vội con dao vào ống giày bên trong ống quần của mình. Hai tên lâu la trói tay nó lại, dẫn ra sau xô vào nhà tù và lấy xích khóa cửa lại. Chiều hôm sau nó nghe tiếng bọn cướp nhậu nhẹt la lối om sòm phía trước, chắc chúng vừa cướp xong một vố lớn. Tên lâu la có nhiệm vụ canh gác mang đồ ăn xuống cho nó nói:

- Thằng nhóc con ăn đi, đồ ăn mừng chiến thắng đó.

Giọng hắn ồ ề, hơi thở sặc mùi rượu. Trần Lâm nói:

- Đại ca, em muốn đi ngoài một chút. Đại ca mở cửa đi.

Tên lâu la đang nhậu nhẹt ngon lành nghe nó nói thì đâm quạu gắt:

- Mày không thấy tao đang nhậu sao? Ráng nín đi!

- Dạ, em đã ráng nín lâu lắm rồi. Giờ thì hết chịu nổi, đại ca cho em đi nhanh rồi trở vào nhậu. Nhanh lên, em sắp ra rồi nè.

Tên lâu la vừa mở khóa vừa cằn nhằn:

- Nhanh lên thằng khốn. Theo tao!

Hắn dẫn Trần Lâm ra nhà xí sau động đá, tay cầm đao đứng canh. Trần Lâm đi ngoài xong thì lại kế bên hắn hỏi:

- Hôm nay trại có gì mà vui quá vậy đại ca?

- Đại vương vừa cướp được một chuyến hàng lớn. Mày ngu quá, chịu làm đệ tử của đại vương đi thì sẽ được sung sướng, làm phách chi cho khổ thân hả con?

- Tiểu đệ nghĩ lại rồi. Mai tiểu đệ sẽ bái ông ta làm sư phụ.

- Vậy mới là khôn đó con. Tao khỏi phải canh chừng mày nữa. Đi vô!

Trần Lâm bỗng chỉ tay về phía núi nói lớn:

- Đại ca nhìn kìa, cái gì kia vậy?

Tên lâu la đưa mắt nhìn theo ngón tay Trần Lâm chỉ nhưng hắn không thấy gì cả. Hắn định quay lại hỏi thì đã trúng một nhát dao từ sau lưng đâm tới ngay tim ngã xuống tắt thở. Trần Lâm rút vội cây dao về rồi nhắm hướng ngọn núi cao mà đâm đầu chạy thẳng một mạch. Khi chạy được một lúc khá lâu thì có tiếng bọn cướp la lối đuổi theo, chắc là chúng đã phát hiện tên gác tù bị giết. Trần Lâm cắm đầu cắm cổ chạy. Nó nghĩ khi thoát được vào núi cao rừng rậm rồi thì bọn cướp sẽ khó tìm gặp hơn. Đến chân núi, nó phát hiện ra một khe núi liền chạy mải miết vào trong đó. Khe núi mỗi lúc mỗi hẹp dần, thân hình bé con như nó có chỗ phải rất khó khăn mới len qua được. Tiếng bọn cướp dần dần im bặt, không còn nghe thấy nữa nhưng nó vẫn tiếp tục len lỏi đi sâu vào.

Khe núi dài không biết bao nhiêu mà tính. Trời sập tối dần, lòng khe đen như mực, khí lạnh bắt đầu tỏa ra làm cho nó run lên cầm cập. Tin chắc bọn cướp đã bỏ về, không đuổi theo nữa nên nó nằm lăn trên một tảng đá giữa khe núi, ngước mặt lên trời thở dốc. Hai vách núi sừng sững thẳng đứng tạo thành một khe dài lấp lánh đầy những ngôi sao. Nó vừa mừng vừa sợ rồi co người lại cho đỡ lạnh và thiếp đi.

Khi Trần Lâm thức dậy trời đã sáng hẳn. Nó thấy bụng đói cồn cào nhưng vẫn ráng sức đứng lên đi tiếp vào bên trong, hi vọng tìm ra ít trái cây gì đó ăn tạm cho đỡ đói. Nó vui mừng khi nhận ra lòng khe mỗi lúc một rộng hơn. Nó vừa đi vừa nhìn quanh quất tìm kiếm nhưng không thấy có gì để ăn cả. Mặt trời lên cao chiếu ánh sáng thẳng xuống lòng khe núi nhưng nó vẫn cảm thấy lạnh căm. Bỗng nó nghe có tiếng chim kêu quang quác và tiếng đập cánh rất mạnh. Nó hiếu kỳ liền chạy tới gần, núp sau một tảng đá quan sát. Một con chim đại bàng rất lớn liên tục bay lên rồi cúp cánh lao xuống tấn công vào đầu của một con rắn nằm trước cửa một hang động. Con rắn to lắm, cái đầu của nó to cỡ cái đầu của Trần Lâm, miệng nó không ngớt phát ra những tiếng phì phì và phun ra một mùi tanh hôi nồng nặc. Cái lưỡi nó liên tục thè ra thụt vào, hai cái răng nanh nhọn hoắc cố phập vào mỏ con chim đang lao xuống. Hình như con rắn muốn ngăn cản không cho con chim bay vào trong động. Con chim rất tinh khôn, nó lao xuống nhắm thẳng đầu con rắn mà tấn công. Con rắn né tránh rồi đớp lại. Nhưng ngay lập tức, hai chân với những vuốt nhọn của con chim chụp mạnh vào đầu con rắn. Con rắn bị những móng vuốt cào trúng nên đầu rách mấy chỗ, máu chảy túa ra. Nó tức giận đập chiếc đuôi dài khuất bên trong động nghe bình bịch. Hai con vật khổng lồ đánh nhau rất lâu, con chim cũng bị con rắn đớp trúng mấy cái, lông rụng bay lõa xõa khắp nơi. Cuối cùng đôi mắt con rắn hình như đã bị móng vuốt con chim cào mù nên những đòn né tránh và phản công của nó loạn xạ rồi chậm dần. Con chim liên tiếp mổ trúng đầu con rắn khiến nó nằm vật ra chết tươi. Hạ được địch thủ xong con chim cũng đáp xuống đất, nó lắc lư mấy cái rồi ngã ra bất động.

Trần Lâm bấy giờ mới hoàn hồn. Nó biết cả hai con vật đã chết hết nhưng tay vẫn cầm chặt con dao nhỏ tiến lại gần quan sát. Con chim nằm bất động nhưng hình như vẫn chưa chết còn con rắn thì đã chết thật rồi. Lâm tò mò bước vào trong động, một luồng hơi lạnh ghê gớm bao trùm. Nhưng có mùi thơm của trái cây chín tỏa ra ngào ngạt, át cả mùi hôi thối của hơi thở con rắn lúc nãy. Cơn đói bụng lại nổi lên cồn cào. Nó bước sâu vào trong, qua ánh sáng lờ mờ nó phát hiện có một cây nhỏ mọc trên vách đá, trên cây có một trái chín đỏ hỏn thơm ngát. Nó đưa tay hái trái và bỏ vào miệng ăn ngon lành. Trái này vừa ngọt vừa thơm, nuốt xuống tới đâu thì hơi ấm lan tới đó vô cùng sảng khoái. Nó đưa tay nhổ luôn thân cây có chín chiếc lá bỏ vào bọc. Đột nhiên bụng nó bỗng phát nóng ran như lửa đốt. Nó hoảng hồn nghĩ chắc trái cây có độc. Cơn nóng bộc phát mỗi lúc một dữ dội, miệng mồm khô ran khiến nó có cảm giác khát nước không chịu nổi. Nó vội chạy ra ngoài, nhìn thấy máu chảy từ đầu con rắn nhỏ xuống, nó đâm liều đưa miệng hứng uống. Chưa đã khát, nó kê mồm vào vết thương hút mạnh. Máu con rắn trôi vào người đến đâu thì cảm giác nóng bức giảm xuống đến đó nhưng đầu óc nó vẫn còn quay cuồng. Một lúc, nó ngã ra bất tỉnh.

Khi nó tỉnh lại mặt trời đã lên cao, đáy hang sáng rực. Nó đứng lên, thấy trong người khỏe khoắn lạ thường. Chợt nhớ có lần chú Lê Trung kể ở Nam Dương có một loại rắn rất lớn, sống đã ngàn năm nên trong đầu có một viên ngọc có thể trị được mọi nọc độc. Trần Lâm liền cầm con dao rạch sâu vào đầu con rắn xem thử, quả đúng như lời chú Lê Trung, có một viên ngọc to bằng đầu ngón chân cái nằm trong đầu con rắn. Nó mừng rỡ lấy viên ngọc ra lau sạch máu. Viên ngọc tỏa ánh sáng chói lòa dưới ánh mặt trời.

Sau đó Trần Lâm tiếp tục theo lòng hang đi tới. Không rõ là bao lâu nhưng cuối cùng nó đã ra được bên ngoài. Bốn bề rừng rú vắng lặng. Nó chẳng màng quan tâm, cứ lặn lội trong rừng đi miết. Bỗng nó thấy một ông sư trong bộ cà sa cũ kỹ, râu đã bạc phơ nên reo lên mừng rỡ. Ông sư cũng ngạc nhiên khi thấy một đứa bé lạc giữa rừng sâu nên vội hỏi:

- Cháu bé là ai? Sao lại đi lạc một mình giữa rừng hoang thế này?

Trần Lâm thấy nhà sư nét mặt hiền từ, lòng sinh ngay niềm kính phục nên cúi đầu đáp:

- Dạ, con tên Trần Lâm. Con bị bọn cướp bắt nên bỏ trốn rồi lạc đến đây.

Xong, nó bèn đem chuyện chạy trốn, gặp hai con ác thú đánh nhau và ăn trái cây đỏ rồi ngất xỉu thuật lại. Ông sư hỏi:

- Vậy là con đã ăn trái cây đỏ trên cây đó phải không?

- Dạ, nhưng khi vừa ăn xong thì trong người con bỗng nóng dữ dội, con khát nước quá không biết làm thế nào bèn liều uống máu con rắn, sau đó lại bị ngất đi. Tỉnh dậy trong người không những hết nóng mà còn thấy khỏe lắm. Sư ông có biết vì sao lại thế không?

- Cây này có tất cả chín lá phải không?

- Dạ!

Nó liền lấy thân cây đã nhổ được và viên ngọc ra đưa cho sư coi. Ông nhìn nó bằng ánh mắt vừa vui mừng vừa kinh ngạc:

- Đây là cây Cửu diệp độc hỏa thảo. Loại cây này chỉ mọc những nơi rất lạnh, có nhiều khí âm hàn. Trái cây con ăn đó được gọi là Độc hỏa lê chứa rất nhiều dương tính, có thể nói nó là loại quả chí dương trong thiên hạ. Người ăn nó hỏa nhiệt sẽ tăng lên dữ dội, nếu không kịp thời hấp thu một chất chí hàn nào đó vào cơ thể thì hỏa khí xông lên làm cho mất mạng. Con may mắn đã uống máu con rắn lớn, loại rắn này quanh năm sống nơi lạnh lẽo nên máu của nó thuộc loại chí hàn. Hàn khí trong máu con rắn đã dung hợp với hỏa khí trong trái Độc hỏa lê tạo cho con một thân khí lực hết sức dồi dào. Khí lực này rất cần thiết cho người luyện võ. Cơ duyên này quả thật ngàn năm có một. Chúc mừng con!

- Thật thế hả sư ông? Hèn chi con ở trong động đá đó không còn thấy lạnh chút nào. Ra là thế!

- Loại ngọc mà con lấy được trong đầu con rắn ngàn năm gọi là Tỵ độc châu. Nó có thể trị bất kỳ loại độc nào trong thiên hạ. Con giữ lấy để sau này cứu người.

Ông sư trả lại viên ngọc và thân cây cho nó. Trần Lâm cất viên ngọc vào bọc rồi hỏi tiếp:

- Còn cây Cửu diệp độc hỏa thảo này có công dụng gì không sư ông?

- Nó có rất nhiều công dụng. Dùng nó để pha trộn với một số dược thảo khác có thể chế ra một loại linh đơn gọi là Cửu chuyển tục mạng đơn, giúp cải tử hồi sinh.

Trần Lâm liền trao thân cây cho ông sư nói:

- Vậy sư ông cất đi để chế thuốc cứu người.

Ông sư nhận lấy rồi hỏi:

- Cháu bé có muốn theo ta về chùa không?

Trần Lâm nghe nói mừng rỡ thưa:

- Dạ, con muốn chứ!

Ông sư bèn dẫn nó về ngôi chùa nơi ông đang trụ trì cách đó khá xa. Ông nói:

- Con đi tắm rửa nghỉ ngơi rồi chúng ta nói chuyện sau.

Sau đó ông chỉ nó ra con suối. Con suối này chảy từ trên núi cao đổ xuống trước cửa động đá sau lưng chùa, rồi chảy quanh ra phía trước cửa chùa. Trần Lâm tắm rửa xong trở lên, ông sư dẫn nó vào trong một động đá, trước cửa động có mấy chữ “Dũng Tuyền thạch cốc” được khắc sâu vào vách đá. Ông sư bảo nó ngồi xuống chiếc ghế bằng đá rồi hỏi:

- Kể cho ta nghe con là ai, vì sao bị bọn cướp bắt?

Trần Lâm kể lại đoạn từ lúc nó lạc lên thuyền của Lê Trung cho đến khi gặp được ông sư. Thấy Trần Lâm mặt mũi phương phi, ngũ quan đoan chính lại thông minh lanh lẹ nên ông rất có thiện cảm. Ông nói:

- Cơ duyên của con ngàn năm chỉ có một. Gặp nhau âu cũng là một chữ duyên. Con có muốn ở lại đây học võ với ta không?

Trần Lâm từ khi gặp ông sư đã nảy sinh lòng kính trọng, nghe hỏi nó mừng quá, vội quì xuống lạy bốn:

- Đệ tử Trần Lâm xin ra mắt thầy.

Ông sư mỉm cười tỏ ý mãn nguyện bảo:

- Con đứng dậy đi. Lâu nay ta không nhận đệ tử học võ, con là người có duyên nên ta mới phá lệ. Con phải ráng tập luyện để trở thành người hữu dụng, giúp đời sau này.

Trần Lâm quì lạy một lần nữa nói:

- Đệ tử sẽ cố gắng để khỏi phụ lòng ân sư và nguyện sẽ ra sức cứu người, giúp đời.

- Tốt lắm! Bên phải có một động đá nhỏ, con sang đó nghỉ ngơi. Từ nay, đó là chỗ ở của con. Mai thầy trò chúng ta bắt đầu.

Hôm sau, Trầm Lâm bị đánh thức rất sớm bởi tiếng chuông vang lên từ ngôi chùa. Nó ra trước chùa mới biết ngôi chùa nằm ở lưng chừng sườn núi, dưới chân là làng mạc, ruộng lúa xanh bạt ngàn. Xa xa, có một đầm nước lớn và một dải cát trắng chạy dài bên ngoài đầm nước. Trời còn sớm, sương mù giăng trên sườn núi, mặt trời vừa nhú lên chiếu tia nắng ban mai xuống những hạt sương lấp lánh. Cảnh vật chẳng khác gì cõi non tiên.

Ngôi chùa không lớn lắm, mái ngói tường đá. Nó bước vào bên trong chánh điện, trên bàn thờ có một tượng Phật khá lớn, hai bên bàn thờ có hai câu liễn đối:

Hải ngạn khởi lương nhân, pháp vũ phổ thiên tư Phật thổ;

Linh Phong ngưng thoại khí, tường vân biến địa ấm nhân gian.

Nghĩa là:

Bờ biển gặp duyên may, mưa pháp khắp trời thấm nhuần đất Phật;

Chùa Linh Phong đọng khí tốt, mây lành khắp chốn che chở người đời

Bên vách phải có một tấm hoành phi khắc chữ Triện lớn:

“Linh Phong thiền tự”

Ở góc trái tấm hoành phi khắc chữ “Vĩnh Khánh, tháng giêng năm Quí Sửu”, còn góc phải thì khắc chữ “Quốc chủ ngự đề”.

Ông sư vừa gõ xong mấy tiếng chuông chấm dứt buổi kinh sáng, Trần Lâm bước vội đến quì sau lưng thầy lạy Phật ba lạy rồi đứng lên. Nó hỏi:

- Ở chùa mình không còn ai nữa sao thầy?

- Không. Thầy không thu nhận đệ tử. Chỉ có những dịp lễ lớn chùa mới mở cửa cho đạo hữu về dâng hương lạy Phật. Những dịp như vậy, bổn đạo quanh vùng, nhất là làng Phương Phi ở ngay chân núi tề tựu về đây cùng nhau lo việc lễ lạc.

- Con thấy trên bức hoành phi có mấy chữ “Quốc chủ ngự đề”, là của Chúa nào vậy thưa thầy?

- Của Chúa Phúc Chú. Thuở xưa khi thầy mới đến tu, ở đây chỉ có cốc Dũng Tuyền. Có lẽ nhờ tiếng đồn thầy hay phát thuốc cứu bà con dưới xóm lan rộng nên chúa mới cho xây ngôi chùa này và ngự tứ cái tên Linh Phong thiền tự, ban cho bức hoành phi, hai câu liễn đối và chiếc hồng chung này.

Trần Lâm tỏ vẻ ngập ngừng nhìn thầy hỏi tiếp:

- Pháp danh của thầy...

- Thầy định hôm nay sẽ nói cho con biết. Thầy thuộc dòng họ Lê, vì chán ngán cảnh thế sự nhiễu nhương, kỷ cương điên đảo nên từ Đàng Ngoài phiêu dạt vào đây nương nhờ cửa Phật. Lúc trước thầy sống một mình trên núi này, chế thuốc để đổi lấy thức ăn nên bà con đặt cho thầy cái tên Ông Núi. Sau đó vào năm Quí Sửu, Chúa Phúc Chú ban hiệu là Tịnh Giác Thiện Trì đại lão thiền sư.

Ông Núi ngưng một chút rồi nói tiếp:

- Từ hôm nay thầy sẽ truyền cho con một môn khí công gọi là Cửu dương khí công. Đây là sự kết hợp giữa Đạo gia tâm pháp và Phật môn khí công. Môn nội công này kẻ bình thường phải luyện mười hai năm mới thành, người có căn cơ tốt như con chí ít cũng phải mất sáu bảy năm. Nhưng con may mắn ăn được trái Độc hỏa lê nên dương khí trong người sung túc, thầy hi vọng trong vòng bốn năm con có thể đại thành, nhâm đốc đả thông, sinh tử huyền quan khai mở.

Trần Lâm mừng rỡ cúi đầu tạ ơn thầy. Ông Núi dẫn nó ra trước cửa chùa, vừa thực hành vừa giải thích:

- Để chân trần, đứng quay mặt về hướng đông đón ánh thái dương, tập trung ý chí, gạt bỏ mọi tạp niệm, toàn thân buông xả thật tự nhiên. Tập trung ý về đan điền, ngưng hô hấp giữ khí ở đan điền một thời gian. Sau khi thở ra, dùng ý thu hút dương khí của mặt trời theo huyệt bách hội qua nhâm mạch xuống tụ ở đan điền. Tiếp đến là hút âm khí từ lòng đất theo huyệt dũng tuyền giữa hai bàn chân đưa lên đan điền. Âm dương nhị khí tụ ở đan điền tạo thành vòng thái cực, rồi thong thả dùng ý chu chuyển vòng thái cực để dung hợp âm dương, sau đó thở ra và trở lại từ đầu. Thực hiện chu trình này mỗi ngày một canh giờ, thời điểm tốt nhất là từ đầu giờ Mẹo đến giờ đầu Thìn. Sau một năm, âm dương nhị khí sẽ sung mãn tại đan điền, rồi mới đưa thái cực khí qua hệ nhâm đốc thực hiện vòng tiểu chu thiên để đả thông toàn bộ huyệt đạo thuộc hai hệ đại mạch này. Khi nhị đại mạch đã đả thông thì thực hiện tiếp vòng đại chu thiên, đưa khí đi khắp các đại tiểu huyệt trên cơ thể. Lúc ấy sinh tử huyền quan sẽ được khai thông. Con theo dõi kịp không?

Trần Lâm đáp:

- Dạ kịp, thưa thầy.

- Giỏi lắm! Con bắt đầu thực hiện các bước này trước, sau đó thầy sẽ từ từ hướng dẫn chi tiết thêm. Đến khi nội lực tạm đủ, thầy sẽ truyền cho con bộ pháp Cửu cung di ảnh. Đó là hai độc môn công phu của sư phụ thầy ngày xưa đã truyền lại.

- Sư tổ của con là ai?

- Sư tổ là người đã khai sơn cốc Dũng Tuyền này. Pháp danh của người là Giám Huyền.

- Chúng ta hấp thu âm dương nhị khí để tạo thành thái cực khí thì tại sao không gọi nó là thái cực chân khí mà lại gọi là cửu dương chân khí, thưa thầy?

- Mọi vật trên đời đều được kết hợp bởi âm dương nhị khí. Sự kết hợp của âm dương tạo thành thái cực, nhưng trong vòng thái cực không nhất thiết phải quân bình âm dương mà còn có thái âm, thiếu dương và ngược lại. Sự luân chuyển âm thịnh dương suy rồi dương thịnh âm suy tạo thành nguyên lý của sự biến dịch trong trời đất, từ đó có sinh có diệt, có thịnh có suy. Không một vật thể nào có duy nhất một tính chất, duy nhất dương hay duy nhất âm, cũng có nghĩa là không một sự vật nào nằm yên bất biến, hay giữ được tính chất tuyệt đối của chúng cả. Lý âm dương tương tác này của Đạo gia giống với tính chất vô thường của đạo Phật. Muôn vật vô thường vì không có sự bất biến, thường hằng. Cả con người cũng vậy, đều phải tuân theo qui luật “thành, trụ, hoại, không”. Con hiểu kịp những gì thầy đang nói không?

Trần Lâm vốn thông tuệ lại từ bé đã được cha mẹ dạy dỗ đường hoàng, thời gian đi biển cùng Lê Trung nó cũng được ông ta chỉ bảo nhiều việc nên kiến thức khá phong phú. Nó đáp:

- Dạ con hiểu kịp ạ.

- Sở dĩ thầy nói xa như vậy là vì căn bản võ học và y học của chúng ta đặt trên nền tảng âm dương, đó là phần đào tạo tri thức. Một khi tri thức đã thành toàn, đem ra thực hành thì phải dựa trên cái tâm từ bi của Phật tổ. Đó là một trong những mục đích của tư tưởng “tam giáo đồng lưu” mà Chúa Phúc Chu đã khuyến khích toàn dân noi theo. Được như vậy thì khi con dùng thuốc, con sẽ là lương y, khi con dùng võ lực, con sẽ là một hiệp sĩ cứu khốn, phò nguy, vì dân trừ bạo. Con hiểu chứ?

Trần Lâm cúi đầu đáp:

- Dạ con hiểu và sẽ giữ đúng lời thầy dạy khi ra đời.

Ông Núi nói tiếp:

- Âm dương nhị khí khi còn rời nhau thì gọi là vô cực, khi kết hợp thì trở thành thái cực, rồi từ thái cực sinh lưỡng nghi, lưỡng nghi sinh tứ tượng, tứ tượng sinh bát quái. Khí thái cực kết nạp vào nội thể ở giai đoạn đầu với mục đích là để kiện toàn và làm gia tăng khí lực chung cho toàn thân, tạo sự quân bình âm dương trong toàn bộ kinh mạch và dùng nó để khai mở tất cả kinh mạch đó.

Ông dừng lại theo dõi diễn biến trên nét mặt của tên đồ đệ nhỏ, thấy nó có vẻ thông hiểu, ông mỉm cười nói:

- Từ mai con có thể bắt đầu giai đoạn một.

Từ đó, Trần Lâm ở lại Linh Phong tự học võ và nghề thuốc của Ông Núi. Dựa theo hai cuốn Y Kinh của thiền sư Tuệ Tĩnh đời Trần và Hồng Nghĩa Giác Tư Y Thư.

Thời gian thấm thoắt trôi nhanh, một hôm Ông Núi thấy Trần Lâm đã có thành tựu tốt trong giai đoạn một nên ông hướng dẫn tiếp giai đoạn hai.

- Sang giai đoạn hai con sẽ ngồi theo thế kiết già của nhà Phật, thế ngồi này giúp ta dễ dàng loại bỏ tạp niệm để trấn nhiếp thân và tâm, giữ tâm an định. Khi tâm đã an định thì dùng ý thu hút dương khí từ mặt trời theo năm đường: huyệt bách hội trên đỉnh đầu, hai huyệt dũng tuyền dưới hai bàn chân và hai huyệt lao cung ở giữa hai lòng bàn tay. Đưa năm luồng dương khí này qui tụ về đan điền, mệnh môn, vì mệnh môn là chỗ ở của chân hỏa. Từ mệnh môn dẫn chân hỏa xuống huyệt trường cường vì trường cường là nơi phát sinh chân hỏa, để kích thích chân hỏa tàng ẩn trong cơ thể, từ đó dùng ý lưu chuyển dương khí theo đốc mạch qua ngọc chẩm, lên bách hội, sang thần đình rồi theo nhâm mạch trở về lại đan điền, từ đan điền phân tán ra khắp các kinh mạch. Dương khí lúc này sẽ tiềm tàng khắp nơi trong cơ thể. Tiếp tục đưa dương khí đang sung mãn chu chuyển theo vòng đại chu thiên. Khi nào khí có thể vận động, thu phát một cách tùy tâm, tùy ý, lúc ấy sẽ đạt đến cảnh giới tột cùng của võ học.

Trần Lâm hỏi:

- Đó có phải là cảnh giới ngũ khí triều nguyên, tam hoa tụ đỉnh không thưa thầy?

Ông Núi gật gù tỏ vẻ tán thưởng câu hỏi của Trần Lâm. Ông hỏi:

- Con đã biết gì về dịch học, âm dương, ngũ hành chưa?

- Dạ con có nghe chú Lê Trung giảng giải sơ qua.

Tuy nói vậy nhưng thật ra từ bé mẹ nó đã có dạy cho nó rồi. Ông Núi nói:

- Tốt! Để thầy nói rõ hơn rồi con ghi nhớ mà áp dụng cho võ học và y học sau này. Con người là sự kết hợp của tứ đại: đất, nước, gió, lửa. Tứ đại nhờ có duyên mà kếp hợp thành, đó là thuyết của nhà Phật. Đạo học Đông phương thì cho rằng con người là sự kết hợp của ngũ hành: kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Ngũ hành đại diện cho năm bộ phận: tim chứa thần thuộc hỏa, can chứa hồn thuộc mộc, tỳ chứa ý thuộc thổ, phế chứa phách thuộc kim, thận chứa tinh (hay chí) thuộc thủy. Đạo gia tu luyện đến mức không còn bị ràng buộc bởi ngũ hành, ngũ khí. Nghĩa là cả ngũ khí đã hòa vào làm một, thoát khỏi sự ràng buộc của ngũ hành, hòa nhập cùng trời đất. Đó là cảnh giới ngũ khí triều nguyên. Còn tam hoa tụ đỉnh tức là thiên, địa, nhân đã hợp nhất lại, con người thông linh và trở về với vũ trụ.

Trần Lâm là đứa bé thông minh tuyệt đỉnh, khả năng nhận thức triết học và đạo học của nó rất bén nhạy. Có lẽ do trước khi sinh nó ra, Tuyết Hoa đã bỏ nhiều tâm huyết nghiên cứu dịch lý để chú giải “Tiểu Bát quái trận đồ”, sau đó lại giảng cho nó biết những điều cơ bản của dịch học nên bây giờ nó nghe qua thầy giảng đã nhanh chóng lĩnh hội được ngay. Ông Núi nhìn nét mặt thấu hiểu của nó thì thầm nghĩ: “Đứa bé này sẽ là một kỳ tài trong thiên hạ sau này.” Trần Lâm lại hỏi:

- Đã thu hút năm luồng dương khí qua năm đại huyệt sao không gọi là Ngũ dương mà gọi là Cửu dương?

Ông Núi nghe câu hỏi cắc cớ chợt bật cười. Ông giải thích:

- Nói Cửu dương là nói theo Kinh Dịch. Kinh Dịch cho rằng dương có năm số, đều là số lẻ: 1,3,5,7,9. Dương lấy ba số 1,3,5 làm số sinh, hai số 7,9 làm số thành nên dùng số 9 là cửu để gọi hào dương. Một lý do quan trọng nữa là hào năm quẻ Kiền thuần dương là hào Cửu Ngũ, ở địa vị chí tôn là tượng của vua, tốt nhất. Thêm vào đó kinh thư trong thiên Hồng Phạm đã đặt ra Cửu Trù, tức là chín phạm trù để giải quyết mọi vấn đề to lớn trong vũ trụ, do đó người ta coi con số 9 là số tốt nhất về tượng. Cho nên môn khí công thuần dương tuy do năm đại mạch thu hút vào nhưng vẫn gọi là Cửu dương chân khí.

- Ra là thế! Nhưng đã có Cửu dương tức phải có Cửu âm đúng không thầy?

Ông Núi gật đầu:

- Đúng vậy. Theo cách luyện tập trên, nếu luyện vào ban đêm, lúc mặt trăng lên thì ta sẽ có được khí Cửu âm. Lẽ ra phải gọi là Lục âm mới đúng vì theo Kinh Dịch, ba số thành của âm là 10, 8, 6. Số 6 tức lục, nên hào âm gọi là hào lục, nhưng trong võ học chúng ta gọi Cửu âm là để chỉ tính chất thuần âm của khí công.

Trần Lâm bắt đầu luyện giai đoạn hai của Cửu dương khí công và bộ pháp Cửu cung di ảnh trên đỉnh núi Linh Phong. Một hôm nó đem bài kiếm gia truyền ra tập cho Ông Núi xem, ông lấy làm lạ hỏi:

- Đây là bài kiếm một thời được mệnh danh là thiên hạ đệ nhất của danh tướng Hoa Lư là Trịnh Tú thời kỳ loạn mười hai sứ quân, sau đó truyền cho họ Đoàn, con học ở đâu được bài kiếm này?

Trần Lâm biết không nên giấu thầy nữa nên nó quì xuống nói:

- Xin thầy thứ lỗi vì con đã giấu thầy về thân thế của mình, chẳng qua con có nỗi khổ tâm riêng.

Ông vỗ vai nó nói:

- Con không cần nói những việc quá khứ cũng như thân thế của con. Hãy giữ nó trong lòng để thúc đẩy thêm quyết tâm cho mình. Chỉ cần nhớ rằng quá khứ là chuyện đã qua, đừng để nó làm tâm trí mình phiền muộn, hiện tại và tương lai mới là việc con cần lưu tâm và vươn tới. Quá khứ đau buồn là một bóng đen, hiện tại và tương lai là những tia sáng, hãy dùng tia sáng này để xóa đi bóng đen kia. Con hiểu không?

- Đội ơn thầy dạy bảo. Con sẽ dùng hiện tại tạo ra ánh sáng cho tương lai và dùng ánh sáng đó để xua tan bóng đen của quá khứ như lời thầy dạy.

Ông Núi gật đầu:

- Con sáng trí lắm.

Một hôm, có một nhà sư tu ở một ngôi chùa nhỏ tại núi Phước Sơn ghé thăm Ông Núi, thấy Trần Lâm căn cốt hơn người nên đã truyền cho bài roi Nhất điểm tuyệt mệnh côn. Bài roi vô cùng đơn giản nhưng khi giao đấu thì thật ảo diệu vô song. Nguyên tắc chính của bài roi là “mượn sức địch đánh địch” tức “tá lực đả lực” của nhu công, chuyên dùng để đánh bạt vũ khí của đối phương. Tuyệt chiêu cuối cùng trong bài roi có tên Nhất điểm tuyệt mệnh, khi xuất thủ, đối phương dù tài giỏi đến đâu cũng không tránh khỏi bị đầu roi điểm vào huyệt uyên dịch ở nách. Đó là lối “đâm so đũa” thần kỳ. Bí quyết là chờ khi địch thủ tấn công, cây roi của mình liền luồn theo đường roi của địch ở thế song song mà đâm vào nách địch. Tuy ra chiêu sau nhưng đầu roi của mình đến trước là nhờ ba điều: tâm phải định, mắt phải nhanh, xuất thủ phải thật thần tốc. Trần Lâm sau khi thuần thục bài roi đã đem nó kết hợp với đường kiếm gia truyền của mình để sáng chế ra một chiêu kiếm mà chàng đặt tên là Nhất điểm hồng. Một kiếm xuyên yết hầu địch thủ.

***

Trong những năm ở trên núi, Trần Lâm đã thay mặt thầy mang thuốc xuống đổi lương thực dưới xóm và làm quen được với Phan Sinh, một nho sinh công tử con nhà bá hộ ở làng Phương Phi, người nức tiếng là diệu thủ vì có tài viết chữ chẳng kém Lan đình thiếp của Vương Hy Chi ngày xưa, lại có tài thổi sáo chẳng khác chàng Trương Chi thuở trước. Mỗi dịp lễ lớn như đầu năm và rằm tháng Giêng, Phan Sinh thường đem giấy bút lên Linh Phong tự để viết câu đối cho bà con rồi lấy tiền đó cúng vào thùng công đức của chùa. Một hôm, Trần Lâm được thầy sai xuống núi để sắm ít vật dụng, chàng bèn rủ Phan Sinh cùng đi vào cảng Nước Mặn.

Cảng Nước Mặn cách làng Phương Phi chừng sáu bảy dặm, xéo về phía đông nam. Hai con ngựa chở trên lưng hai chàng thiếu niên tuấn tú thong dong bước đi. Trần Lâm mặt đẹp như ngọc, mặc toàn y phục trắng vì từ lâu chàng đã mặc thế là có ý để tang cho em gái mình. Phan Sinh phong thái nho nhã, vận y phục xanh dương. Hai chàng mỗi người mỗi vẻ nhưng quả là những trang mỹ nam tử trong đời.

Thời bấy giờ cảng Nước Mặn rất sầm uất, là cửa ngõ đường thủy chính của phủ Quy Nhơn. Xã Minh Hương với nhiều cửa hàng kinh doanh được những người Minh Hương bỏ nhà Thanh sang đây xây dựng dọc theo con sông Cầu Ngói. Họ cùng với người Việt bản địa kiến tạo Nước Mặn trở thành một thương cảng sầm uất. Cảng rất sâu nên dễ dàng cho tàu lớn của nước ngoài ra vào buôn bán. Những nhà truyền giáo của Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Pháp Lang Sa đã theo thuyền buôn đến cảng này, nhờ thế mà Nước Mặn là một trong những vùng khởi điểm việc phát triển chữ Latin Quốc ngữ sau này.

Khi hai chàng thiếu niên vào đến thương cảng, Trần Lâm nói:

- Tôi nhớ lúc trước theo thuyền chú Lê Trung đi khắp nơi, nghe được biết bao nhiêu chuyện giang hồ thật là thú vị. Bấy lâu nay ở riết trên núi buồn chết đi được, không biết thiên hạ giờ ra sao.

Phan Sinh đề nghị:

- Chúng ta hãy đến Chiêu Anh quán đi. Nơi đấy là chốn tụ tập của anh hùng tứ xứ, chuyện trên trời dưới đất gì ở đó cũng biết cả.

Sinh hoạt của Chiêu Anh quán thật đúng với cái tên của nó. Quán lúc nào cũng đông khách, đủ các hạng người: giang hồ hiệp sĩ, khách thương buôn... Hai chàng bước vào quán, một cô gái tuổi chừng mười sáu từ phía sau quầy bước ra chào:

- Chào anh Phan Sinh, lâu quá mới thấy anh đến quán này. Anh đi cùng người bạn mới hả?

Phan Sinh vui vẻ:

- Chào cô Lan Anh, cô khỏe chứ? Vâng, đây là Trần Lâm, bạn của tôi. Còn đây là cô Lan Anh, em gái của chủ quán.

Lan Anh nở nụ cười thật tươi trên khuôn mặt xinh xắn nói:

- Lan Anh bây giờ là chủ quán rồi. Chị Ngọc Chiêu đã đi lấy chồng.

- À, ra thế! Vậy tôi xin chúc mừng cô Lan Anh nhé.

- Cảm ơn anh. Để tạ ơn, Lan Anh sẽ mời hai anh một bữa rượu. Coi như là tiệc mừng Lan Anh trở thành chủ quán vậy mà. Mời hai anh đến bàn này.

- Cô chủ quán làm như thế chẳng khác nào trói chúng tôi vào mấy chiếc ghế này rồi. Nhưng không sao, rượu ngon, cô chủ diễm kiều, lại là rượu mời, nếu còn không uống gấp chẳng lẽ đợi uống rượu phạt hay sao?

Lan Anh mỉm cười nguýt dài:

- Gớm chửa? Đúng là người bụng chứa đầy bồ văn chương.

Rồi cô quay vào trong dặn người mang rượu ra. Phan Sinh nói với Trần Lâm:

- Chị em của cô chủ quán này đẹp người lại đẹp nết. Tôi biết họ từ khi tôi và Lan Anh còn bé, lúc họ còn ở làng Phương Phi.

Trần Lâm hỏi:

- Cái tên Chiêu Anh quán là lấy tên của hai chị em họ phải không?

- Ừ.

Họ ngồi vào chiếc bàn mà Lan Anh vừa chỉ. Ngay sau đó, rượu thịt đã được mang ra. Trong quán mọi người đang xôn xao bàn tán về nhân vật chàng Lía, biệt danh là Hắc Hổ vì chàng thường khoác một bộ da cọp màu đen. Chàng vừa xuất hiện ở vùng núi phía Tây như một hiệp sĩ chuyên cứu khốn phò nguy, cướp của nhà giàu phân phát cho người nghèo. Một người đàn ông ra dáng dân buôn đang thao thao về chàng.

Ông ta kể rằng chàng Lía võ nghệ tuyệt luân, với đường roi và thanh đao đánh khắp thiên hạ vô địch thủ, tài khinh công cũng thuộc loại giang hồ đệ nhất, bay nhảy như chim. Chỉ trong vòng nửa năm kể từ khi xuất hiện, chàng Lía đã đánh gục hai tên đầu lĩnh của một bọn cướp hung dữ ở thành Bá Bích và được bọn chúng tôn lên làm đầu lĩnh. Sau đó, chàng Lía đã biến bọn thảo khấu hung tàn thành một đảng cướp hiệp nghĩa. Suốt một miệt Tây Sơn vùng thượng và hạ, xuống đến tận Tuy Viễn, tất cả những nhà hào phú, tham quan đều bị người của chàng ghé thăm. Nghe nói nhà nào tự động đem của ra nộp thì bọn chàng Lía để yên, nếu chống cự sẽ bị thẳng tay trừng trị. Nhiều nhà giàu mướn thêm võ sư về giữ của nhưng chàng Lía với cú đấm và cây đao của mình vẫn tung hoành, chưa có một ai có thể áp đảo được. Tài vật cướp được chàng đem phân phát cho người nghèo. Bọn quan binh phủ Quy Nhơn mấy lần đánh dẹp nhưng chẳng làm gì được vì địa thế núi rừng quanh Bá Bích thành rất hiểm trở.

Người đàn ông nọ kể chuyện hấp dẫn đến độ đám thính giả bu quanh nghe một cách hăng say. Rồi họ bàn ra tán vào, tô điểm thêm cho nhân vật chàng Lía như một thiên thần hạ thế để cứu giúp những kẻ khốn cùng đang ngày một nhiều vì sự mục nát của triều đình do bè đảng của quan ngoại tả Trương Phúc Loan tạo ra.

Trần Lâm ngồi uống rượu với Phan Sinh nghe thiên hạ ca tụng chàng Lía cũng thấy ái mộ nhân vật này lắm, chàng nói:

- Làm trai như chú Lía mới đáng nên trai. Tôi thật hâm mộ nhân vật này.

Phan Sinh nói:

- Thì anh cứ xin thầy xuống núi hành hiệp trượng nghĩa là được như ý nguyện chứ gì. Tài trí như anh đâu thua kém gì chú Lía?

- Chí nguyện là như thế, chỉ sợ không được như lời anh nói mà thôi.

Phan Sinh khích lệ:

- Anh đừng khiêm tốn quá. Tôi rất tin ở tài nghệ của anh.

- Cảm ơn anh. Thầy nói tôi còn phải luyện tập thêm một thời gian nữa mới có thể xuất sơn được.

Hai người đang nói chuyện thì Lan Anh đến, Phan Sinh vui vẻ nói:

- Mời cô Lan Anh ngồi. Cảm ơn cô lần nữa nhé. Làm chủ một mình chắc là bận rộn và cực nhọc lắm phải không?

Lan Anh cười tươi:

- Còn phải hỏi, nhưng cũng phải ráng thôi. Đói đầu gối cũng phải bò mà.

- Cô chủ quán xinh đẹp thế này nên quán đông là phải. Đã có chàng nào đến đây đóng đô chưa?

Họ quen nhau từ bé nên đùa giỡn rất tự nhiên. Lan Anh nguýt dài:

- Có ma nào thèm ngó tới con Lan Anh xấu xí này mà anh hỏi. Anh đã chuẩn bị để tham dự kỳ thi sắp tới chưa?

- Học được mới có vài ba chữ mà thi với cử nỗi gì. Vả lại thời buổi nhiễu nhương thế này, cha tôi nói thà ở nhà làm ruộng cho thanh nhàn còn hơn. Làm quan chỉ tổ để dân chúng họ chửi rủa, cha tôi không thích.

Lan Anh cười, tiếng cười trong như pha lê:

- Tướng anh làm ruộng sao được mà đòi ở nhà? Thời buổi này mới cần những vị quan thanh liêm cho dân đỡ khổ chứ anh. Người tốt cứ trốn hết, chỉ còn lại bọn tham quan thì dân chúng chịu đời sao thấu?

- Bây giờ ra làm quan mà không ô lại thì ba bảy hai mươi mốt ngày cũng bị đuổi về vườn ngay. Biết vậy nên tôi về vườn trước, đỡ phải tốn công tốn của đi thi.

Lan Anh bĩu môi:

- Đúng là từ hồi nào giờ tôi không cãi thắng được anh mà. Còn anh Lâm, anh chắc không định ở vườn làm rẫy chứ?

Trần Lâm thấy cuộc trò chuyện tự nhiên nên cũng vui vẻ đáp:

- Tôi không có vườn để ở nên đành phải ở chùa quét lá đa.

Lan Anh tròn xoe mắt. Đôi mắt nàng còn đen hơn cả mái tóc óng mượt đang xõa trên vai.

- Anh ở chùa à? Chùa Linh Phong hả? Lâu quá rồi, từ ngày dọn ra đây Lan Anh chưa có dịp về chùa. Sư ông khỏe không anh Lâm?

- Cảm ơn cô Lan Anh, thầy vẫn khỏe. Lan Anh làm chủ quán rượu có gặp rắc rối với những tay giang hồ quá chén không?

Lan Anh buồn bã đáp:

- Có chứ. Nhất là bọn cướp Ngưu Ma Vương ngoài biển. Lan Anh phải nộp phí bảo kê hàng năm cho chúng thì mới được yên đấy.

Trần Lâm chợt nhớ lại chuyện Lưu Phương tự sát trước mặt mình ngày trước, cơn giận chợt bùng lên, mắt chàng long lanh giận dữ:

- Bọn Ngưu Ma Vương vẫn còn hoành hành ở đây à? Lâu rồi mà phủ Chúa không dẹp nổi chúng sao?

- Cũng có đem quân đánh dẹp nhưng chúng bỏ trốn rồi quay trở lại, tình trạng lại y như cũ. Riết rồi chính quyền cũng bỏ mặc luôn.

- Sào huyệt của chúng vẫn ở đảo Hòn Trâu và vùng núi gần hồ Đạm Thủy à?

- Nghe nói chúng còn đóng trại ở Hòn Trâu nhưng trại ở núi Bà đã bị quan binh phá sạch. Chúng dời ra một hòn đảo ngoài khơi Quy Nhơn, hòn Cù Lao Xanh gì đó.

Trần Lâm im lặng không hỏi nữa. Trong bụng chàng vừa nảy ra một chủ ý. Ngày xuống núi, việc đầu tiên cần làm của chàng là phải phá nát hai sào huyệt bọn cướp này giống như chú Lía đã làm vậy.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx