sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 8

Những ngày hè đẹp đẽ của Tony Buddenbrook bắt đầu như vậy, vui vẻ thú vị hơn bất cứ lần nào ở Travemünde. Không một chuyện bực dọc nào quấy rầy cô nên sắc mặt cô lại hồng hào tươi tỉnh như xưa, lúc nào cũng vô tư vô lự. Thỉnh thoảng ngày chủ nhật, ông tham cùng Tom và Christian đến Travemünde, thấy cô như thế, rất lấy làm hài lòng. Những hôm đó, họ ra khách sạn ăn uống, ngồi trong lều tiệm cà phê, nghe âm nhạc, uống cà phê, xem người ta chơi ném đĩa ăn tiền ở trong phòng lớn; những người đi tìm thú vui như các ông Justus Kröger và Döhlmann, lúc này đang vây quanh chỗ đó. Ông tham không hề chơi cái trò đánh bạc này.

Tony phơi nắng, tắm biển, ăn xúc xích nướng với bánh tẩm nước gừng, đi chơi cùng Morten. Hai người hoặc đi dọc đường cái đến bãi tắm ở khu bên cạnh, hoặc đi dọc bãi biển trèo lên “Vọng hải lâu” ở trên gò đất cao, từ đấy có thể nhìn xa ra biển hoặc vào trong đất liền. Không nữa thì họ đến một cánh rừng nhỏ phía sau khách sạn, ở đó có treo một cái chuông trên cao khách sạn dùng để báo cho khách biết đã đến giờ ăn. Có lúc họ chèo thuyền con đi ra bán đảo Priwal đối diện với sông Trave, ở đó có thể tìm thấy hổ phách...

Morten là người bạn đường rất thích chuyện, mặc dù ý kiến của anh có lúc hơi quá khích, võ đoán. Về bất cứ việc gì, anh cũng có thể hạ một câu kết luận nghiêm khắc, dứt khoát, với giọng nói không cho ai bàn cãi gì nữa, tuy lúc nói, mặt anh cứ đỏ nhừ. Khi anh nói, tất cả bọn quý tộc đều là ngốc và nguy hiểm, rồi giận dữ vung tay trông rất vụng về. Tony lạnh toát cả người, không nén được, bèn trách anh mấy câu. Nhưng mặt khác, cô lại cảm thấy rất tự hào, vì anh đã thẳng thắn nói cho cô nghe những ý nghĩ mà ngay cả với bố mẹ anh, anh cũng không nói... Có một lần anh bảo: “Tôi nói cho cô biết chuyện này: Trong căn phòng của tôi ở Göttingen có một bộ xương người nguyên vẹn... Cô biết không, các khớp xương đều nối bằng dây thép. Tôi lấy quần áo cũ của cảnh sát mặc vào, a ha, tuyệt lắm cô ơi! Nhưng cô thề với tôi trước mặt Chúa, cô đừng đem chuyện này nói cho bố mẹ tôi biết nhé!”.

Tất nhiên, Tony thỉnh thoảng phải cùng với những người quen biết ở thành phố đi dạo chơi trên bãi biển, hoặc trong công viên, tham dự cuộc khiêu vũ này, cuộc khiêu vũ nọ, hoặc chèo thuyền đi chơi ở đâu đấy. Những lúc đó Morten đành phải một mình “ngồi trên tảng đá”. Từ buổi ban đầu, những tiếng ấy đã thành tiếng lóng giữa hai người; “ngồi trên tảng đá” có nghĩa là “buồn tẻ”. Gặp lúc trời mưa, màn mưa như một cái chụp màu xám trùm kín biển cả, nước biển sát với bầu trời thấp hẳn xuống, bãi biển và đường đi lầy lội, nước đọng từng vũng. Tony nói:

— Hôm nay hai đứa chúng mình đều phải “ngồi trên tảng đá” rồi (tức là quanh quẩn ở ban công hoặc trong phòng), không có việc gì làm, anh phải hát cho tôi nghe mấy bài hát của sinh viên đấy, anh Morten ạ!... Mặc dù những bài hát đó, tôi cũng đã nghe phát chán rồi!

— Đúng đấy! - Morten nói - Chúng mình ngồi xuống, nhưng cô nên biết là ở cạnh cô thì không có “tảng đá” nữa!

Trước mặt ông bố, anh không dám nói những câu như vậy nhưng mẹ anh có nghe cũng chả hề gì.

— Đi đâu đấy? - Một lần, sau bữa trưa, Tony và Morten cùng đứng dậy, đang định đi ra ngoài, bỗng lão chỉ huy hoa tiêu hỏi - Bọn trẻ sắp đi đâu đấy?

— Cô Antonie rủ con đi ra “Vọng hải lâu”.

— Thế à? Cô ấy rủ à? Con này! Theo bố, con cứ ngồi trong phòng, học thuộc cái hệ thống thần kinh của con, có phải hay hơn không? Bằng không, đến khi con trở lại Göttingen, con sẽ quên hết cho mà xem...

Nhưng bà Schwarzkopf lại dịu dàng nói:

— Ông Diederich! Trời ơi, sao con nó lại không nên đi? Để cho nó đi chứ! Nó đang nghỉ hè cơ mà! Nó không thể đi chơi với khách của chúng ta được hay sao?

Thế là hai người lại ra đi.

Họ đi trên bãi biển. Cát ở đấy bị thủy triều san bằng, lại bị nắng hong khô nên đi không vất vả tí nào cả. Trên mặt đất, có rất nhiều loại vỏ sò nho nhỏ màu trắng, thường thấy; ngoài ra, còn có loại lớn hơn, hình bầu dục, cũng màu trắng. Có cả rong biển ẩm ướt, màu cỏ úa, quả nho nhỏ, tròn tròn, rỗng ruột, giẫm lên kêu bốp bốp. Lại còn có sứa, con thì màu xanh nước biển bình thường, con thì màu da cam, có chất độc, lúc bơi, chạm phải, da rát như bỏng lửa.

— Anh Morten này, trước kia tôi ngốc quá! - Tony nói - Tôi muốn gỡ những ngôi sao ngũ sắc trên mình con sứa, bèn lấy mùi soa gói về một gói thật to, bày thành từng hàng trên sân thượng phơi nắng cho nó chết... Tôi chắc là những ngôi sao nhỏ đó thế nào cũng còn lại! Một lát ra xem thì chỉ còn lại vết nước loang ra một đám to, mùi tanh bốc lên thoang thoảng...

Họ đi cạnh nhau, tiếng sóng vỗ nhịp nhàng đưa vào tai, gió biển trong lành, có vị mặn, phả vào mặt. Gió thổi vi vu lướt qua không gì cản trở, làm cho người ta thấy thoải mái dễ chịu, có cảm giác mơ mơ màng màng... Hai người im lặng bước trong tiếng sóng biển rì rào. Trong sự im lặng đó, mỗi âm thanh nhỏ bé, dù xa hay gần, cũng đều trở nên thần bí.

Phía bên tay trái có những cái dốc thoai thoải, lởm chởm đá vôi và đá vụn, hình dáng rất giống nhau. Những chỗ dô ra thỉnh thoảng lại che khuất bờ biển chạy quanh co. Đến nơi này thì đá trên bãi biển lổn nhổn, họ tìm một chỗ leo qua, đến con đường mòn giữa rừng cây thấp, lên “Vọng hải lâu”. “Vọng hải lâu” là một cái lầu hình tròn, làm bằng cột gỗ để cả vỏ, và ván ghép. Xung quanh bốn bức vách viết đầy những câu cách ngôn, thơ, tên viết tắt, hình quả tim tượng trưng tình yêu. Phía trong ngăn thành từng căn nhỏ. Tony và Morten bước vào một căn, ngồi xuống cái băng gỗ thô sơ ở phía trong cùng nhìn ra biển. Ở căn này cũng như ở những phòng tắm ngoài bãi biển, thỉnh thoảng ngửi thấy mùi gỗ thơm phức.

Buổi chiều nơi này rất yên tĩnh. Mấy chú chim nhỏ ríu rít, tiếng lá cây lao xao và tiếng sóng biển rì rào hòa lẫn nhau. Ở phía dưới thấp, mặt biển tỏa rộng, xa xa xuất hiện cột buồm của một con thuyền. Dọc đường, gió biển thổi vi vu bên tai, bây giờ đến chỗ lặng gió, họ bỗng thấy tĩnh mịch hẳn và lòng lắng xuống.

Tony hỏi:

— Con thuyền kia đến đây hay đi đâu nhỉ?

— Cái gì? - Morten chậm chạp hỏi, hình như anh đang nghĩ chuyện gì đâu đâu, rồi vội giải thích - Đi đấy! Thuyền Thị trưởng Steenbock đi sang Nga. Tôi không muốn đi theo chiếc thuyền đó - Một lát sau, anh lại nói thêm - Tình hình ở đấy chắc nát hơn chỗ chúng ta!

— Khá lắm! - Tony nói - Anh Morten, bây giờ anh lại công kích bọn quý tộc rồi, qua nét mặt anh, tôi có thể biết được điều đó. Như vậy là không tốt... Anh có quen người quý tộc nào không đấy?

— Không quen! - Morten nói to như có vẻ giận ai - Cảm ơn Chúa!

— Hay lắm! Này! Tôi có quen một người, một cô gái tên là Armgard von Schilling, hôm nọ tôi nói với anh rồi. Cô ta tốt hơn cả tôi và anh nữa, hình như cô ta không chú ý gì đến mình là họ “von”. Cô ta ăn xúc xích, kể chuyện bò ở nhà cô ta...

— Tất nhiên cũng có người ngoại lệ, cô Tony ạ! - Anh lo lắng nói - nhưng cô nghe tôi nói... Cô là một cô gái cái gì cũng muốn chính mắt trông thấy. Cô quen một người quý tộc rồi kết luận rằng người đó rất tốt. Đúng... nhưng thực tế người ta không cần làm quen một người quý tộc nào cả mà vẫn có thể phán đoán được tất cả bọn họ, điều đó liên quan đến nguyên tắc kết cấu xã hội, cô hiểu chứ! Về điểm ấy, cô còn cãi gì được nữa... Thế nào? Một số người nào đó lọt lòng ra là có thể trở thành người dân có quyền bầu cử, là thành ông lớn... là có quyền khinh thường dân đen chúng tôi. Còn chúng tôi, dù công lao như trời như biển, cũng không thể leo lên địa vị cao sang như họ?... - Lúc nói chuyện, Morten tỏ vẻ oán giận một cách ngây thơ, hiền lành, anh cũng thử khoát tay như người diễn thuyết, nhưng khi thấy cử chỉ đó vụng về quá, bèn thôi không làm nữa. Nhưng anh vẫn tiếp tục biện luận thao thao bất tuyệt, và cũng xúc động vô cùng. Anh vẫn ngồi, người cúi về phía trước, ngón tay cái mân mê cúc áo, đôi mắt dịu dàng như muốn khiêu chiến với ai... - Tầng lớp thị dân chúng ta, những người xưa nay được coi là giai cấp thứ ba, chỉ để những người quý tộc có ít nhiều công lao tồn tại. Chúng ta không thừa nhận bọn quý tộc lười biếng. Chúng ta phản đối việc phân chia giai cấp, đẳng cấp như hiện nay... Chúng ta đòi hỏi tất cả mọi người đều được tự do bình đẳng, không có chuyện người này lệ thuộc người khác; ai cũng bị pháp luật giám sát như nhau. Không ai còn có đặc quyền, muốn làm gì thì làm nữa. Ai ai cũng đều là con của Tổ quốc, bình đẳng về quyền lợi. Không có tầng lớp trung gian nữa, cũng như không có tầng lớp trung gian giữa Thượng đế và người trần tục. Giữa thị dân và Chính phủ, nên có quan hệ trực tiếp!... Chúng ta đòi tự do báo chí, tự do công thương nghiệp, tự do mậu dịch. Chúng ta đòi cho tất cả mọi người đều có quyền cạnh tranh với nhau trên cơ sở bình đẳng, ai có công sẽ được thưởng! Ấy thế mà chúng ta lại bị trói tay trói chân, bị bịt mồm bịt miệng... Tôi còn phải nói gì nữa nhỉ? À, cô hãy nghe mẩu chuyện này: Bốn năm trước đây, họ lại đặt ra bộ Luật đồng minh có liên quan đến trường đại học và báo chí. Bộ luật đó rất tốt! Phàm những chân lý không phù hợp với chế độ và sự việc hiện hành đều không được phép đăng báo và tuyên truyền!... Cô có hiểu không? Chân lý bị bóp nghẹt, cấm không được truyền đi... Xin lỗi, tại sao lại như vậy? Đó là vì chế độ ngu xuẩn, hủ bại, lỗi thời ấy, như một người đều biết sớm muộn thế nào cũng bị lật đổ. Tôi tin rằng cô vẫn chưa biết được nó đê hèn như thế nào! Thứ bạo lực đó, thứ bạo lực thô lỗ, tầm thường của chế độ cảnh sát hiện nay không làm sao hiểu nổi thế giới tinh thần và thời đại mới. Tôi chỉ cần kể thêm cho cô nghe một mẩu chuyện nữa... Vua nước Phổ đã làm một việc vong ân phụ nghĩa vô cùng! Năm 1813, khi người Pháp còn ở trên đất nước chúng ta, ông ta triệu tập chúng ta lại, bằng lòng để chúng ta lập hiến pháp... Chúng ta hưởng ứng và chúng ta đã giải phóng nước Đức...

Tony lấy tay chống cằm, đưa mắt nhìn Morten, suy nghĩ một lúc:

Có thật anh ta đã tham dự cuộc chiến tranh đuổi Napoleon hay không?

—... Cô tưởng là ông ta giữ lời hứa ư? Làm gì có chuyện ấy! Ông vua hiện nay là một người quen nói những lời đường mật, là một người sống bằng mộng tưởng, một người lãng mạn giống như cô vậy, cô Tony ạ!... Bởi vì có một việc cô nên chú ý: khi nhà triết học, nhà thơ vừa phủ định, vứt bỏ một chân lý, một quan điểm, một nguyên lý nào đó thì nhà vua sẽ từ từ đi tới, nhặt lên, cho rằng đó chính là cái mới nhất, tốt nhất, nâng niu như khuôn vàng thước ngọc... Đúng, đó là bộ mặt thật của nhà vua! Vua không những là người mà còn là một người bình thường, tầm thường luôn luôn lạc hậu... Chà, nói đến nước Đức, thì người ta lại thấy giống như một anh học sinh tham gia một đoàn thể tiến bộ; trước kia, khi đấu tranh đòi tự do, anh ta cũng hăng hái, say sưa, hiên ngang, nhưng nay thì lại trở thành một người tầm thường, đáng thương hại!

— Đúng, đúng! - Tony nói - Anh nói rất đúng. Nhưng xin phép cho tôi hỏi một điều... Cái đó có liên quan gì đến anh không? Bản thân anh cũng không phải là người Phổ...

— Không có liên quan gì cả, cô Buddenbrook ạ. Đúng tôi không gọi tên mà gọi họ cô, cũng có ý đấy... Đáng lý tôi phải dùng chữ “demoiselle”[75] trong tiếng Pháp để xưng hô với cô, như thế càng làm nổi bật địa vị cao quý của cô! Chả nhẽ chúng ta ở đây lại được tự do, bình đẳng hơn ở nước Phổ hay sao? Được nhiều quyền công dân hơn hay sao? Ở đây cũng như ở đó, đều bị đẳng cấp và quý tộc gò bó... Cô đồng tình với quý tộc... Cô muốn tôi nói rõ tại sao không? Vì chính cô cũng là quý tộc! Không sai tí nào. Chả nhẽ cô chưa nhận ra điều đó hay sao? Ba cô là một tài chủ lớn, cô là một nàng công chúa. Giữa cô và những người như chúng tôi, có một cái hố sâu. Chúng tôi không ở trong phạm vi những người gia thế hiển hách như cô. Có lẽ, một lúc nào đó, cô đi dạo trên bãi biển với một người trong bọn chúng tôi để cho đỡ buồn, nhưng khi trở lại trong phạm vi những người được trời dành riêng cho quyền bầu cử thì người kia đành phải ngồi lại một mình “trên tảng đá”!...

Giọng anh vô cùng xúc động, nghe có vẻ hơi khang khác.

— Anh Morten! - Tony buồn rầu nói - Nói vậy thì lần nào ngồi một mình trên tảng đá, anh cũng giận lắm hay sao? Chả phải bao nhiêu lần tôi muốn giới thiệu anh với họ kia mà?

— Ấy chết! Như vậy là cô đứng ở góc độ cá nhân mà nhìn vấn đề, cô Tony ạ! Tôi nói là nói về nguyên tắc... Tôi nói tinh thần nhân đạo bác ái của chúng ta ở đây không nhiều hơn người Phổ mấy... Nếu nói đến cá nhân tôi - anh trầm ngâm một lát rồi khẽ nói tiếp, sự xúc động khang khác kia vẫn còn trong giọng nói của anh - thì điều tôi muốn nói không phải là chuyện bây giờ, có lẽ là chuyện sau này mới thích hợp hơn... Một ngày kia, cô sẽ trở thành một bậc mệnh phụ nào đó mãi mãi tiêu trầm đi trong cái vòng cao quý của cô... thì người khác đành phải ngồi suốt đời “trên tảng đá”...

Anh trầm ngâm một lúc, Tony cũng trầm ngâm. Cô không chăm chú nhìn anh nữa, mắt quay sang phía khác, nhìn bức vách ghép ván ở cạnh mình. Sự im lặng ngột ngạt kéo dài một lúc lâu.

— Cô còn nhớ - Morten lại nói - Có lần tôi nói với cô là sẽ hỏi cô một câu chuyện không? Đúng, câu chuyện đó cứ làm tôi vướng vít, ngay từ buổi chiều cô mới tới... Cô không nên đoán mò! Cô không thể biết được tôi nghĩ gì đâu. Nhưng lần sau tôi sẽ hỏi nhé! Chờ có dịp đã. Không nên vội. Chuyện đó không liên quan gì đến tôi cả, hoàn toàn chỉ là tò mò thôi... Hôm nay tôi không hỏi cô chuyện ấy mà chỉ muốn tiết lộ cho cô biết một chuyện, một chuyện khác... Cô nhìn cái này!

Morten lấy ở túi áo ngoài ra một miếng gấm ngũ sắc kẻ sọc, rồi nhìn chòng chọc vào mắt Tony, mặt lộ rõ vẻ vừa thắng lợi, vừa chờ đợi.

— Đẹp quá nhỉ? - Tony không hiểu gì cả, hỏi - Thế nghĩa là thế nào?

Morten nghiêm nghị nói:

— Thế có nghĩa, tôi là người của một đoàn thể học sinh ở Göttingen. Bây giờ cô hiểu rồi chứ! Tôi còn có một cái mũ, cũng màu sắc như vậy, nhưng trong thời gian nghỉ hè, tôi đội cho bộ xương mặc quần áo cảnh sát. Ở đây tôi không dám để cho người ta nhìn thấy tôi đội cái mũ đó. Liệu tôi có thể tin là cô không tiết lộ cho người khác hay không? Nếu bố tôi biết chuyện này, sẽ nguy to...

— Sao anh nói vậy, hả anh Morten? Anh có thể tin ở tôi chứ!... Nhưng tôi vẫn chưa hiểu chút gì cả... Có phải các anh đã thề với nhau là chống lại quý tộc hay không? Các anh định làm gì?

Morten nói:

— Chúng tôi đòi tự do.

— Tự do? - Tony hỏi.

— Đúng. Tự do, cô biết rồi đấy! Tự do... - Anh vừa lặp lại vừa đưa tay ra, không rõ để làm gì, trông có vẻ vụng về nhưng lại rất hiên ngang, rồi chỉ ra biển. Không phải chỉ về phía bờ đê Mecklenburg kìm hãm eo biển lại mà chỉ ra biển cả rộng bao la, ở đấy có những làn sóng sáng lấp lánh, đủ màu sắc, như màu xanh, màu lục, màu vàng, màu tro đang chạy dài ra tận chân trời tráng lệ, mênh mông.

Tony nhìn theo tay anh. Tay hai người vốn để trên chiếc bàn gỗ thô sơ bỗng nắm chặt lấy nhau. Cả hai cùng nhìn thẳng vào nơi xa xôi, bao la. Cả hai cùng im lặng rất lâu. Nước biển thì cứ bình tĩnh dâng lên rồi rút xuống... Tony bỗng cảm thấy tâm tư, tình cảm của cô và tâm tư tình cảm của Morten quyện vào nhau. Cô đã hiểu khái niệm “tự do” vĩ đại ấy một cách mông lung, đầy dự cảm và khát vọng.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx