sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 13

Sau đó, hai anh em lại đi qua bến phà, đi qua đại lộ Israelsdorfer, đi qua núi Jerusalem và bãi đất trống ngoài cổng Burgtor. Xe ngựa đi vào cổng Burgtor. Bức tường vây quanh nhà lao ở bên phải cổng thành cao sừng sững. Xe chạy lóc cóc dọc theo phố Burg và đi qua Koberg... Tony nhìn bức tường tam giác của những ngôi nhà màu xám ở hai bên, nhìn ngọn đèn dầu treo lơ lửng giữa đường phố, nhà thương Thần linh và cây bồ đề hầu như đã rụng hết lá ở phía trước nhà thương... Trời ơi! Cảnh tượng hoàn toàn giống như trước đây. Tất cả đều làm cho người ta phải dừng lại để tỏ lòng tôn kính. Không thay đổi chút nào cả. Còn cô thì mỗi lần nhớ lại, cô chỉ coi như đó là một giấc mơ cũ đáng quên đi! Những bức tường hình tam giác màu xám kia chính là những cái cổ kính, quen thuộc, truyền từ đời này qua đời khác; chúng sẽ đón cô, và cô sẽ tiếp tục sống trong những bức tường đó. Tony thôi không khóc nữa, cô tò mò đưa mắt nhìn bốn chung quanh, nhìn những đường phố này và những khuôn mặt quen thuộc từ hồi còn bé; nỗi đau buồn vì chia tay hầu như đã bị tê cứng. Giữa lúc đó, xe chạy vào phố Breiten. Anh cu ly bốc vác Matthiesen từ phía bên kia đi tới, kính cẩn bỏ cái mũ ống tròn cổ lỗ sĩ của mình xuống, nhưng nét mặt lại buồn rầu. Hình như anh ta chào chỉ vì muốn làm trọn bổn phận, còn như trong lòng thì muốn nói: “Tôi chỉ là một tên cu ly bốc vác hèn hạ...!”.

Xe rẽ vào phố Meng. Con ngựa nâu béo khỏe thở phì phì đằng mũi, rồi dừng lại trước cổng nhà Buddenbrook, bốn vó vẫn giẫm tại chỗ, chưa thôi. Khi Anton và Line chạy tới đỡ vali, Tom cẩn thận đỡ em gái xuống xe. Nhưng họ vẫn không vào nhà ngay được, vì lúc bấy giờ ba cỗ xe ngựa lớn chở hàng đang nối đuôi nhau đi vào cổng. Trên xe chất đầy những bao lương thực căng phồng, có thể nhìn thấy chữ Công ty Johann Buddenbrook viết nguệch ngoạc bằng mực đen ở ngoài bao. Xe chở lương thực đi qua hành lang rộng lớn, xuống một bậc thềm thoai thoải, lắc lư chạy vào sân, kêu ầm ầm. Rõ ràng là một phần lương thực sẽ đỡ xuống dãy nhà phía sau, còn nữa sẽ chuyển đến các kho “Cá voi”, “Sư tử”, “Cây sồi”...

Khi hai anh em Tony bước vào hành lang, ông tham từ trong phòng giấy đi ra, trên tai còn giắt cây bút sắt. Ông giơ tay đón con gái.

— Tony thân yêu của ba đã về!

Tony hôn bố một cái rồi đưa cặp mắt sưng mọng vì khóc nhiều nhìn bố, ánh mắt có vẻ thèn thẹn, nhưng ông tham không tỏ ra giận con. Ông cố tránh không nhắc đến chuyện kia. Ông chỉ nói:

— Muộn rồi, cả nhà còn chờ con ăn điểm tâm lần thứ hai đấy!

Bà tham, Christian, Klothilde, Klara và chị Jungmann đều đứng ở sân cầu thang đón Tony...

Về phố Meng, đêm đầu, Tony ngủ rất ngon lành. Hôm sau, mờ sáng ngày 22 tháng chín, cô khoan khoái bước vào phòng ăn sáng. Cô bình tĩnh lắm rồi. Còn sớm lắm, chưa đến bảy giờ. Trong phòng chỉ có một mình chị Jungmann đang ngồi pha cà phê, sửa soạn bữa ăn sáng.

— Chao ôi! Tony đấy à! - Chị vừa nói vừa nhìn Tony với cặp mắt nâu, bé nhỏ còn ngái ngủ - Dậy làm gì sớm thế?

Tony ngồi xuống trước bàn sách, lúc này nắp bàn đang đóng. Cô bắt tréo hai tay để sau gáy, nhìn ra cửa sổ. Con đường lát đá trong sân sáng lấp lánh, trông đen bóng. Vườn hoa ẩm ướt, lá cây vàng héo. Nhìn một lúc, cô cúi đầu xuống, tò mò lục những tấm đai thiếp và thư từ để trên bàn, xem...

Cạnh lọ mực để quyển sổ gáy vàng, bìa cũng đã vàng, rất quen thuộc. Trong sổ có đủ các loại giấy. Chắc chắn đêm qua có người ghi chép gì, thật là chuyện hiếm có. Lần này, ông bố không cất quyển sổ trong cặp da, mà bỏ vào cái ngăn kéo dành riêng cho nó rồi khóa lại như thường lệ.

Cô cầm quyển sổ, thuận tay giở ra xem, lúc đầu cũng chỉ xem vớ vẩn thôi, nhưng rồi đọc say sưa. Những điều cô đọc phần lớn là những chuyện đơn giản, cô biết từ lâu. Người nào ghi vào đây cũng kế thừa phong cách trang nghiêm nhưng giản dị của cha ông đời trước kể sự việc theo bản năng, không tự kiềm chế. Phong cách này chứng tỏ đức tính khiêm tốn của những người trong gia đình này đối với truyền thống và lịch sử quá khứ của mình, vì vậy càng khiến người ta phải tôn kính. Đối với Tony, không có gì mới lạ cả. Trước đây cô đã xem nhiều lần nhưng chưa bao giờ có ghi chép nào để lại cho cô ấn tượng như sáng nay. Dù là một việc vô cùng nhỏ bé, không đáng kể, so với toàn bộ lịch sử của gia đình, nhưng ở đây nó đã được ghi chép trịnh trọng như một việc to lớn. Thái độ nghiêm túc đó làm cô xúc động...

Cô chống cùi tay lên bàn, say sưa đọc, vẻ rất tự hào.

Ngay quãng đời ngắn ngủi của cô cũng đã được ghi không thiếu điều gì. Bằng nét bút nhanh nhẹn, tinh anh của một thương gia, ông tham ghi lại tỉ mỉ ngày cô ra đi, những trận ốm hồi còn bé, buổi đi học đầu tiên, thời gian học nội trú ở trường cô Weichbrodt, lễ chịu phép thêm sức... Hơn nữa, đối với sự việc nào ông cũng tỏ ra tôn trọng, chân thành. Một việc dù vô cùng nhỏ bé chả nhẽ lại không có ảnh hưởng một cách kỳ diệu đến ý muốn và sự sắp xếp của các Đấng thiêng liêng đối với những người trong gia đình này hay sao?... Dưới cái tên mà cô được thừa kế của bà nội Antoinette, sau này sẽ còn ghi những gì nữa? Có điều, dù ghi gì, chắc chắn người đời sau nhất định cũng sẽ đọc với lòng chân thành y hệt như cô đang đọc những chuyện đã qua.

Cô ngả người ra đằng sau, thở dài một cái. Tim cô đập thình thịch. Lòng tự hào bỗng dâng lên. Cái cảm giác tự cho mình là vô cùng quan trọng, xưa nay cô đâu có, nay bỗng tràn ngập lòng cô như một trận mưa rào. Ông bố đã từng viết thư cho cô nói: “Một mắt xích trong sợi dây chuyền”... Đúng, đúng thế, cô chính là một cái mắt xích trong sợi dây chuyền. Cô thấy mình có trách nhiệm, một trách nhiệm cao cả, phải lấy hành động và quyết tâm giúp đỡ sáng tạo ra lịch sử của gia đình mình!

Cô giở sang trang đầu quyển sổ. Ở đấy, vẽ các thế hệ của gia đình trên tờ giấy rộng khổ, giữa có những dấu ngoặc, những đề mục nhỏ và ngày, tháng, năm rất rõ ràng. Tất cả đều là nét bút của ông tham. Từ ông tổ của họ này kết hôn với bà Brigita Schuren, con một vị mục sư, cho đến 1825, ông tham Johann Buddenbrook kết hôn với bà Elisabeth Kröger, trong sổ ghi rõ ông bà tham sinh đặng bốn người con... phía dưới lần lượt ghi ngày, tháng, năm sinh và tên thánh từng người một. Chỗ người con cả, chú thích: “Lễ Phục sinh năm 1842, vào học nghề trong hiệu buôn của tổ tiên truyền lại”.

Tony nhìn mãi tên mình và khoảng giấy trắng phía dưới. Bỗng sắc mặt cô thay đổi, trông cô có vẻ vội vàng nôn nóng. Cô nuốt nước bọt, môi mấp máy liên tục. Cô cầm bút, không phải chấm mà thọc vào lọ mực rồi viết vào quyển sổ. Ngón tay trỏ uốn cong, cái đầu nóng bỏng nghiêng sang một bên vai. Với nét bút nguệch ngoạc, nghiêng ngả, cao to, cô viết: “... Ngày 22 tháng chín năm 1845, đính hôn với Bendix Grünlich, một thương gia ở Hamburg”.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx