sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 14

— Tôi hoàn toàn tán thành ý kiến của anh, anh bạn ạ! Chuyện này rất quan trọng, nhất định phải giải quyết. Nói thẳng thừng ra là theo truyền thống gia đình chúng tôi, của hồi môn cho con gái đi lấy chồng là bảy vạn mark.

Với thói quen của một thương gia, Grünlich liếc nhìn ông bố vợ tương lai rất nhanh, có ý thăm dò, rồi nói:

— Sự thực thì...

Khi nói câu “sự thực thì...” anh ta vừa đăm chiêu suy nghĩ, vừa vuốt vệt tóc mai bên trái... Bây giờ ngón tay anh đã vuốt đến tận đuôi vệt tóc mai rồi.

— Thưa ba - Anh ta nói tiếp - Ba biết đấy, con hết sức kính trọng truyền thống và quy củ của gia đình ta. Duy có tiền... bây giờ việc này mà câu nệ vào truyền thống, liệu có quá đáng hay không?... Nhất là gia đình ta làm ăn buôn bán đang phát tài... càng ngày càng giàu có... tóm lại, hoàn cảnh khác trước nhiều lắm!

— Anh bạn của tôi ạ! - ông tham nói - Anh còn lạ gì, xưa nay trong việc buôn bán, tôi không hề cò kè bớt một thêm hai! Này!... Anh để tôi nói xong đã, bằng không anh sẽ không hiểu. Tôi cũng đã chuẩn bị thỏa mãn nguyện vọng của anh cho phù hợp với tình hình mới. Ngoài bảy vạn ấy, tôi vui lòng thêm cho một vạn nữa.

— Vậy tổng cộng vị chi là tám vạn... - Grünlich nói. Sau đó, miệng anh ta lại mấp máy, hình như muốn nói: “Chưa nhiều lắm, nhưng thôi, cũng được!”.

Khi hai người thỏa thuận rất là lễ phép với nhau như vậy rồi, ông tham đứng dậy, hồ hởi, tay cầm chùm chìa khóa trong túi quần rung lẻng xẻng. Bởi vì, con số tám vạn mark mà hai người vừa thỏa thuận mới thật là con số truyền thống về của hồi môn trong gia đình Buddenbrook!

Bàn bạc xong, Grünlich cáo từ trở về Hamburg. Tony vẫn không cảm thấy hoàn cảnh mới của cô có gì khác lạ cả. Dù cô đến khiêu vũ ở nhà ông Möllendorpf, nhà ông Langhals, nhà ông Kistenmaker, hay ở tại nhà mình; hoặc đi trượt băng trên cánh đồng Lâu đài và bãi cỏ Traven; hoặc để cho bọn thanh niên tán tỉnh nịnh hót, cũng không ai can thiệp gì cả... Tháng ấy, cô được mời đi dự lễ đính hôn của người con cả gia đình Möllendorpf với Julchen Hagenström. Cô nói: “Anh Tom ạ, em không muốn đi tí nào! Em ghét lắm!”. Nhưng rồi cô vẫn đi.

Với lại, hôm ấy cô vui vô cùng.

Ngoài ra, từ khi quyển sổ của gia đình ghi thêm những dòng chữ kia, cô được phép cùng bà tham hoặc một mình đến bất cứ hiệu buôn nào trong thành phố, mua bao nhiêu thứ, sắm sửa tư trang cho mình thật ra hồn! Hai chị thợ may suốt ngày ngồi cạnh cửa sổ phòng ăn sáng may quần áo, thêu tên họ lên áo mũ. Hằng ngày họ được ăn phó-mát màu xanh lục với bánh mì đen...

— Nhà Lentföhr đưa vải lanh đến chưa, hả mẹ?

— Chưa đâu, con ạ! Nhưng đã đưa đến hai tá giấy lau mồm dùng khi uống chè, ăn bánh.

— Được rồi! Bác ấy bảo sẽ đưa đến sáng nay. Trời ơi! Những cái vỏ chăn này phải viền xung quanh nữa cơ!

— Chị Bitterlich hỏi đăng-ten viền áo gối để ở đâu hở chị Ida!

— Để trong tủ đựng vải lanh, bên phải hành lang đấy, Tony ạ.

— Line...

— Con đi mà lấy thôi con ạ!

— Trời ơi! Nếu đi lấy chồng để mà được chạy lên chạy xuống cầu thang như thế này thì...

— Con đã chọn được thứ len nào may quần áo cưới chưa, hả Tony?

— Moiré antique[76] Mẹ ạ!... không có Moiré antique thì không cưới xin gì cả.

Tháng mười, tháng mười một trôi qua trong sự bận rộn đó. Trước Noel hai hôm, Grünlich đến dự ngày lễ thiêng liêng đó cùng gia đình Buddenbrook. Vợ chồng cụ Kröger mời đến chơi trong ngày lễ, anh ta cũng không từ chối. Đối với người vợ chưa cưới, anh ta rất niềm nở, săn sóc chu đáo, đúng như mọi người mong muốn, không có gì là giả dối, làm bộ làm tịch cả. Trước đông đảo mọi người, anh ta không hề tỏ ra xoắn suýt, cũng không nói những lời ngọt ngào quá đáng. Trước mặt bố mẹ vợ, anh ta nhẹ nhàng, thận trọng hôn lên trán cô, coi đó là kỷ niệm của buổi lễ đính hôn... Có lúc Tony không khỏi ngạc nhiên, cô cảm thấy nỗi vui sướng của anh ta hiện giờ không tương xứng chút nào với nỗi đau khổ chán đời khi bị cô từ chối lúc đầu. Anh ta chỉ nhìn cô với vẻ mặt hớn hở của người có quyền chiếm hữu... Tất nhiên là như vậy rồi. Nhưng khi chỉ có hai người với nhau, anh ta cũng bị tình dục cám dỗ, bèn thử kéo cô ngồi lên đầu gối, ép bộ râu vào mặt cô, hỏi giọng run run vì sung sướng:

— Anh bắt được em rồi! Anh đã chiếm được trái tim em rồi đấy chứ?

Những lúc đó, Tony trả lời:

— Thật đấy, anh quên thân phận của anh rồi!

Nói rồi cô nhanh nhẹn vùng ra khỏi tay anh ta.

Sau lễ Noel, Grünlich trở về Hamburg. Công việc bận rộn gấp gáp, anh ta phải tự trông coi lấy. Tuy không một ai nói ra nhưng cả nhà Buddenbrook đều mặc nhiên đồng ý với anh ta rằng, trước khi đính hôn, Tony tìm hiểu anh ta như vậy là đủ rồi!

Qua trao đổi thư từ, Grünlich đã thu xếp xong nhà ở. Tony rất thích sống ở thành phố lớn. Cô tỏ ý muốn được ở ngay trong thành phố Hamburg, với lại nơi làm việc của Grünlich cũng ở nội thành, ngay trên phố Nhà thương. Nhưng chú rể đã nhất quyết dựa vào quyền làm chồng để giải quyết vấn đề này, không bàn cãi gì nữa. Anh ta đã mua một tòa biệt thự ở ngoại ô, gần Eimsbüttel... một nơi xa thành phố nhưng rất giàu màu sắc lãng mạn. Nếu như đôi vợ chồng mới cưới muốn tìm một chốn đào nguyên thì không đâu có thể bì kịp! Thật là “Procul negotus” [77] - Chà, tiếng La-tinh anh ta cũng chưa đến nỗi quên sạch!

Tháng chạp đã trôi qua như vậy. Đầu mùa xuân năm bốn sáu, họ làm lễ cưới. Buổi tối hôm trước, tổ chức một bữa tiệc rất linh đình. Hầu như một nửa số người trong thành phố đến dự. Bạn bè của Tony (trong đó có Armgard von Schilling, cô ta ngồi cỗ xe ngựa đóng kiểu nhà lầu đến) cùng bạn bè của Tom và Christian (trong đó có Andreas Gieseke, con trai ông đội trưởng đội cứu hỏa, sinh viên trường luật[78]), đồng thời có cả Stephan và Eduard ở công ty Kistenmaker cũng đều có mặt. Họ khiêu vũ ở trong phòng ăn, ngoài hành lang, trên nền nhà cả hai nơi đều rắc bột. Họ ném chai lọ[79]. Tất nhiên là ông tham Peter Döhlmann ném đầu tiên. Những đồ sứ ông ta vớ được, ông ta ném xuống nền đá hành lang, vỡ tan.

Bà Stuht ở phố Đúc chuông lần này lại có dịp trà trộn với những bậc quý phái thượng lưu. Hôm cưới, bà ta cũng đến, cùng chị Jungmann và mấy chị thợ may giúp Tony trang điểm. Có trời chứng giám, xưa nay bà ta chưa hề trông thấy cô dâu nào đẹp hơn thế. Người béo phục phịch, bà ta cũng mặc kệ, cứ quỳ xuống đất, vừa ngước mắt lên ngắm, vừa cài cành đào bằng vàng lên bộ moiré antique trắng tinh... Tony trang điểm trong phòng ăn sáng. Grünlich mặc áo đuôi én, gi-lê gấm, đứng chờ ngoài cửa. Khuôn mặt đỏ hồng của anh ta nghiêm trang, đứng đắn, cục thịt thừa bên trái mũi xoa một lớp phấn, bộ râu quai nón vàng khè cũng sấy xoắn tít.

Lúc bấy giờ, họ hàng thân thích đã tập trung đông đủ trong phòng cột tròn trên gác, nơi làm lễ cưới. Người nào cũng ăn mặc rất sang trọng. Ngồi bên kia là hai vợ chồng cụ Kröger, tuy hai cụ đã đầu bạc răng long song vẫn là những người nổi nhất đám như thường lệ. Cạnh đấy là ông tham Kröger và hai người con trai của ông là Jürgen và Jakob; Jakob và một người trong họ Duchamps từ Hamburg đến. Bên kia là ông Gotthold Buddenbrook và người vợ họ Stüwing, bên cạnh còn có ba cô con gái là Friederike, Henriette và Pfiffi, xem chừng cả ba cô đều không lấy được chồng! Bố Klothilde là ông Bernhard Buddenbrook, thay mặt những người thuộc nhánh họ xa ở Mecklenburg đến dự. Ông ta từ đồn điền “bạc bẽo” đến, đang giương to đôi mắt nhìn kỹ tòa nhà hào hoa tráng lệ của người bà con giàu sang phú quý. Vì đường sá xa xôi nên bà con ở Frankfurt chỉ gửi đồ mừng đến... Ngoài ra còn có hai người khách không phải là họ hàng đến dự; đó là bác sĩ Grabow, người thầy thuốc gia đình, và cô Weichbrodt vừa là cô giáo vừa là bạn của Tony. Cô Sesemi Weichbrodt vẫn mặc bộ quần áo đen, chụp cái mũ mềm màu xanh lá cây mới tinh nghiêng nghiêng bên mái tóc xoăn. Khi Tony đi sát cạnh Grünlich bước vào phòng, cô nói với Tony: “Chúc em hạnh phúc!” và ưỡn người hôn lên trán Tony. Người trong nhà rất hài lòng về cô dâu. Vì quá xúc động, mặt Tony hơi nhợt nhạt, nhưng trông rất xinh đẹp, rất sang trọng, đồng thời cũng tỏ ra rất vui sướng.

Phòng cắm đầy hoa tươi, bên phải dựng một bàn thờ. Mục sư Kölling ở nhà thờ Sankt Marien chủ trì buổi lễ. Nhân dịp này, ông ta lại nói đến lợi ích của việc giới tửu. Tất cả đều tiến hành theo tập quán cũ. Tất nhiên, Tony cũng trả lời “vâng”, giọng dịu dàng; còn Grünlich thì phải “A-hèm” một tiếng trước để lấy giọng. Làm lễ xong, mọi người dự một bữa tiệc thịnh soạn.

Khi những người khách ở trên gác - mục sư Kölling ngồi giữa - đang ăn uống ngon lành thì vợ chồng ông tham dẫn cô dâu chú rể đi ra ngoài bầu trời giá lạnh, sương mù bao phủ, hoa tuyết lơ lửng bay, sửa soạn lên đường. Một cỗ xe ngựa to lớn đỗ ở cổng, vali hành lý đã buộc cẩn thận rồi.

Tony nói hai ba lần rằng, chả bao lâu nữa, thế nào cô cũng về thăm nhà, đồng thời cô lại mời bố mẹ thế nào cũng đến Hamburg chơi. Nói xong, cô vui vẻ bước lên xe. Bà mẹ cẩn thận lấy cái chăn da ấm choàng lên người con. Lúc ấy, chú rể cũng đã ngồi bên cạnh.

— À... Grünlich này! Ông tham nói - Cuộn đăng ten mới để trong túi xách trên cùng ấy! Trước khi đến Hamburg, anh lấy ra cho vào trong áo khoác, được chứ? Nếu trốn được thuế quá cảnh, thì cứ trốn! Tạm biệt! Tạm biệt! Tony thân yêu! Thượng đế ban phước lành cho con!

— Đến Arensburg, các con có tìm được nơi nào thoải mái mà nghỉ lại không? - Bà tham hỏi.

— Con đã thuê phòng nghỉ cẩn thận rồi, mẹ ạ! - Grünlich trả lời.

Anton, Line, Trine, Sophie đều chào tạm biệt “chú Grünlich”...

Sắp đóng cửa xe, bỗng một luồng máu nóng trào lên trong người Tony. Mặc dù cử động khó khăn, cô cũng vùng ra khỏi cái chăn da khoác lên người, mặc cho Grünlich càu nhàu, cô cũng bước ngang qua đầu gối anh ta, ôm chầm lấy bố.

— Tạm biệt ba... thân yêu của con! - Rồi cô khẽ nói thầm bên tai bố - Ba hài lòng về con chứ?

Ông tham im lặng ôm chặt lấy con gái một lúc, rồi đẩy cô lùi ra, xúc động cầm hai bàn tay cô, lắc lắc...

Bây giờ tất cả những việc phải làm đã làm xong. Cửa xe đóng sầm, anh xà ích quất mạnh roi, con ngựa kéo xe chạy. Cửa kính trên xe rung lên. Bà tham cứ vẫy mãi cái mùi soa vải lanh trong gió cho đến khi xe chạy hút đi, mất hút trong sương mù đầy hoa tuyết.

Ông tham đứng cạnh vợ đăm chiêu một lúc. Bà tham đang khoác lại cái áo choàng bằng da trên vai với một động tác đẹp đẽ vô cùng.

— Con nó đi rồi, Bethsy ạ!

— Ừ, anh Jean! Nó là người đầu tiên rời khỏi gia đình ta. Liệu nó sống với Grünlich có hạnh phúc không nhỉ?

— À, chính nó rất hài lòng, Bethsy ạ! Đó là niềm hạnh phúc lớn nhất trong đời mà chúng ta đã tìm thấy.

Hai vợ chồng trở vào phòng, tiếp khách.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx