sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 7

Hai giờ chiều, ông tham Johann Buddenbrook đi đến biệt thự.

Ông ta mặc cái áo măng tô màu xanh, bước vào phòng khách nhà Grünlich, vừa vào khỏi cửa đã ôm chầm lấy con gái, trong cử chỉ thương yêu đó lộ vẻ đau khổ. Mặt ông nhợt nhạt, trông già hơn trước nhiều. Đôi mắt ti hí sâu lõm xuống, cái mũi nổi lên giữa hai gò má hóp, trông vừa nhọn vừa to, môi ông hình như mỏng hơn trước kia. Râu và tóc cũng đều bạc trắng như nhau. Gần đây ông không để hai chòm râu từ thái dương xuống má nữa mà mặc cho nó mọc xồm xoàm dưới cằm và quai hàm, xuống đến tận cổ, một nửa che khuất sau cái cổ cồn và chiếc khăn quàng.

Thời gian vừa qua, ông tham gặp nhiều chuyện không vừa ý, hao tổn biết bao tâm huyết. Thomas bị bệnh ho ra máu, ông van der Kellen viết thư báo cho ông biết chuyện không may ấy. Ông giao công việc lại cho một người đại lý tin cậy, vội đi ngay Amsterdam. Ông cũng biết là bệnh con mình không đến nỗi nguy hiểm nhưng vẫn phải cho đi về phương nam, đến miền nam nước Pháp chẳng hạn, để điều dưỡng, ở đó không khí trong lành. Với lại lúc bấy giờ gặp chuyện rất may, tức là người con trai ông chủ của Thomas cũng đang định đi nghỉ mát, thế là chờ cho Thomas hơi đỡ một tí, có thể chịu được nỗi vất vả dọc đường, ông liền để cho hai người đi với nhau đến Pau.

Vừa trở về nhà thì lại bị một vố làm lung lay cả cơ nghiệp nhà ông, đấy là vụ phá sản ở Bremen, ông bị thiệt hại một lúc đến tám vạn mark. Sao lại thế? Nguyên là mấy tờ hối phiếu của công ty mà “Anh em Westfahl” nhận đổi, bị trả về tất, vì nhà họ bị đóng cửa. Công ty vẫn còn khả năng thanh toán, với lại giải quyết ngay, không kéo dài thêm một phút nên cũng chẳng đến nỗi nào, như thế chứng tỏ rằng mình còn tràng vốn. Mặc dù vậy, ông tham đã phải nếm đủ mùi lạnh nhạt, thờ ơ, mất tín nhiệm rất đột ngột của các nhà băng, “bạn bè” và các hãng buôn nước ngoài. Do cơn sóng gió kia làm cho vốn lưu động của công ty phải thu hẹp lại, gây nên...

Ông đứng vững được rồi. Sau khi suy nghĩ, tính toán cẩn thận, sắp đặt mọi việc đâu đấy và trấn tĩnh lại, ông đang chuẩn bị bắt tay gây dựng lại cơ đồ. Ấy thế mà giữa lúc ông đang vật lộn, đang vùi đầu vào hàng chồng điện tín, thư từ, sổ sách, thì lại xảy ra việc khác: Grünlich, con rể ông, hết khả năng thanh toán! Trong một bức thư dài, lời lẽ lộn xộn, anh ta cầu khẩn, van lơn, lạy lục, xin ông tham giúp cho anh ta số tiền từ mười đến mười hai vạn mark! Ông tham chỉ nói qua loa cho vợ biết chuyện này, rồi viết một lá thư trả lời Grünlich. Lời lẽ trong thư nhạt nhẽo vô cùng. Ông không hứa hẹn gì hết, chỉ bảo là ông sẽ đến nhà nói chuyện trực tiếp với Grünlich và ông Kesselmeyer, chủ nhà băng kia. Thế rồi, ông lên đường ngay.

Tony tiếp bố trong phòng khách. Cô rất thích tiếp khách trong căn phòng trang trí toàn bằng gấm nâu này. Hôm nay, cô cũng không làm trái lệ thường, mặc dù cô cảm thấy tình hình có vẻ nghiêm trọng, không bình thường, nhưng cũng không biết rõ ngược xuôi thế nào. Hôm nay cô tươi hẳn lên, vừa xinh đẹp vừa đoan trang. Cô mặc bộ đồ màu ghi nhạt, trước ngực và cổ tay viền đăng ten, ống tay áo phồng phồng, váy cũng may rộng theo mốt mới nhất, cổ cài cái trâm nạm kim cương.

— Ba! Con lại được gặp ba! Me con có khỏe không ba?... Có nhận được tin tức gì của anh Tom không ạ?... Ba cởi áo ngoài ra, mời ba ngồi!... Ba cần rửa mặt không ạ? Con đã bảo người hầu dọn căn phòng tiếp khách ở trên gác... Anh Grünlich đang gội đầu ạ...

— Để mặc anh ấy! Ba ngồi đây chờ. Con biết rồi chứ! Ba đến đây để bàn với nhà con một việc... một việc hết sức quan trọng Tony thân yêu ạ! Ông Kesselmeyer có đây không?

— Thưa ba có ạ! Ông ta đang xem sổ sách trong phòng sách...

— Cháu Erika đâu?

— Cháu đang ở trên phòng ngủ trẻ con với chị Thinhka. Cháu ngoan lắm. Nó đang tắm cho búp bê..., tất nhiên không phải tắm bằng nước đâu ạ! Búp bê bằng nến ấy mà. Nó chỉ...

— Tất nhiên rồi - ông tham thở dài một cái rồi nói tiếp - Con, ba chắc con chưa biết rõ tình cảnh... chồng con hiện nay như thế nào!

Ông ngồi xuống một cái ghế tựa bày xung quanh bàn lớn, Tony ngồi ở ghế thấp chồng ba cái đệm, để trước mặt ông. Tay phải cô mân mê viên kim cương trên cổ.

— Thưa ba, không biết ạ! - Tony trả lời - Con xin thú thật là con không biết tí gì cả. Trời ơi, con đần độn như một con ngỗng, ba biết đấy, con không hay biết gì hết. Mới đây, có lần Kesselmeyer nói chuyện với anh Grünlich, con nghe câu được câu chăng... Nghe đoạn cuối thì hình như ông Kesselmeyer nói đùa... Ông ấy nói chuyện hay pha trò lắm! Con nghe hai người nhắc đến tên ba một vài lần...

— Con nghe hai người nói đến tên ba à? Nói thế nào?

— Con không rõ, ba ạ! Con không nghe hai người nói gì cả... Từ hôm đó, trông anh Grünlich mặt cứ buồn rười rượi... Thật đấy, khó chịu lắm ba ạ!... Mãi đến ngày hôm qua... Ngày hôm qua, anh ấy mới lại dịu dàng, mềm mỏng, hỏi con hàng chục lần là con có yêu anh ấy không, và nếu khi nào anh ấy cầu xin ba cái gì đó, con có nói vun vào cho anh ấy một vài câu không...

— A...

— Vâng... Anh ấy nói với con là anh ấy viết thư cho ba rồi, ba sắp đến nhà chúng con... Vâng, quả nhiên bây giờ ba đến đây rồi! Thật là làm cho con cứ bồn chồn lo lắng thế nào ấy... Anh Grünlich bày cái bàn sơn màu xanh lá cây dùng chơi bài ra đây... lại có cả giấy bút, không thiếu một thứ gì... để ba cùng ông Kesselmeyer và anh ấy sẽ ngồi nói chuyện với nhau...

— Con thân yêu! Con hãy nghe ba nói - Ông tham vừa nói vừa mân mê tóc Tony - Bây giờ ba hỏi con một điều, một điều hết sức nghiêm túc. Con nói cho ba biết... Con có thật bụng yêu chồng con hay không?

— Thưa ba, tất nhiên là có chứ ạ! - Tony nói, mắt vờ làm ra vẻ hết sức ngây thơ, giống như bao nhiêu năm về trước người ta hỏi cô: “Từ giờ, Tony không trêu cái bà già bán búp bê nữa đấy chứ?”... Ông tham lặng người đi một lúc.

— Có thật là con yêu nó - Ông tham lại hỏi - đến mức không có nó thì không sống nổi... dù xảy ra chuyện gì đi nữa, thí dụ cảnh ngộ của nó thay đổi theo ý của Chúa, nó sẽ không cung cấp đầy đủ được cho con như thế này?...

Ông nhìn đồ đạc bày biện trong nhà, nhìn rèm cửa sổ, nhìn cái đồng hồ bàn mạ vàng để trong cái chụp thủy tinh cho đến bộ quần áo của con gái, rồi vội vàng khoát tay một cái.

— Thưa ba, tất nhiên là như thế ạ - Tony nói, giọng an ủi. Mỗi khi ai nói chuyện gì nghiêm túc với mình, cô thường dùng cái giọng ấy mà trả lời lại. Cô nhìn lướt qua mặt bố rồi nhìn ra cửa sổ. Ngoài trời, mưa phùn lặng lẽ rơi y hệt như một bức rèm the. Có những lúc người lớn kể cho trẻ con nghe một câu chuyện đời xưa, nhưng lại không hiểu tâm lý trẻ con, cứ nói xen vào hàng tràng nào là đạo đức, trách nhiệm, hoặc tương tự như thế, thì ánh mắt đứa bé trở nên mơ mộng mà lại tỏ ra khó chịu, chân thành mà lại tỏ ra mệt mỏi. Lúc này ánh mắt Tony y như vậy.

Ông tham lặng lẽ, chăm chú nhìn con gái một phút, rồi chớp mắt, suy nghĩ. Phải chăng ông lấy làm hài lòng về câu trả lời của con gái? Lúc ở nhà cũng như trên đường đến đây, ông đã nghĩ kỹ chuyện này rồi...

Ai cũng có thể hiểu rằng sự tính toán ban đầu, đồng thời cũng là sự tính toán chân thật nhất của ông Johann Buddenbrook là: con rể cần bao nhiêu tiền, dù nhiều hay ít, thế nào ông cũng tìm đủ mọi cách để từ chối. Nhưng khi ông nghĩ đến chuyện trước kia ông đã - hãy dùng một từ nhẹ nhàng nhé! - tha thiết vun đắp cho cuộc hôn nhân này, khi ông nhớ lại nét mặt con và câu con hỏi: “Ba có hài lòng về con không?” lúc chia tay sau lễ cưới, thì bất giác ông buồn rười rượi, không thể không tự trách mình. Ông nhủ thầm trong bụng việc này hoàn toàn phải quyết định theo ý muốn của nó. Ông biết rõ con gái đồng ý lấy Grünlich không phải vì tình yêu, nhưng ông cũng tính đến một khả năng khác: có thể bốn năm chung sống với nhau rồi thói quen và con cái đã đưa lại nhiều thay đổi; có thể giờ đây Tony đã gắn bó với chồng nó như ruột thịt rồi, bất cứ theo giáo lý đạo Cơ đốc hay nhân tình thế thái, đều không thể nghĩ đến chuyện chia ly được. Nếu quả thật như vậy, ông tham nghĩ, thì dù có bỏ ra bao nhiêu tiền cũng không thể tính toán thiệt hơn. Tất nhiên là theo tinh thần đạo Cơ đốc và bổn phận của người vợ, Tony phải cùng chồng chịu mọi sự bất hạnh, không được đòi hỏi một điều kiện nào. Nhưng nếu con gái quyết tâm như thế thật, ông tham lại cảm thấy rằng, cứ để vậy tự dưng con gái sẽ phải bỏ cuộc sống nhàn hạ, thoải mái mà nó hưởng quen từ bé.

Về tình hay về lý đều không ổn. Ông có trách nhiệm ngăn chặn tai họa đó. Dù có phải trả với giá đắt như thế nào đi nữa, cũng nên bù chì cho Grünlich. Nghĩ đi rồi nghĩ lại, cuối cùng ông cho rằng, tốt nhất là đón con gái và cháu ngoại về nhà, để mặc Grünlich đi theo con đường riêng của hắn. Nhưng lạy Chúa phù hộ, xin đừng để cho công việc dẫn đến nước ấy! Dù nói thế nào đi nữa, cuối cùng ông tham vẫn còn có thể viện một điền khoản ghi rõ trong luật pháp: Nếu trong một thời gian dài, người chồng không nuôi nổi vợ, thì vợ chồng có thể sống biệt cư. Có điều, trước tiên ông phải dò xem ý con mình như thế nào đã...

— Ba biết - Ông tham vừa nói vừa vuốt ve mái tóc con gái - ba biết, con yêu của ba, những điều con suy nghĩ rất đúng, rất đáng khen. Có điều là... hừ, ba không thể cho rằng những cái con xem xét là những cái con cần phải xem xét, và đó chính mới là mặt thật của sự việc. Vừa rồi, không phải ba nói rằng trong hoàn cảnh này hay hoàn cảnh khác, con sẽ xử trí như thế nào, mà bây giờ đây, hôm nay đây, ngay lập tức, con sẽ cư xử như thế nào. Ba không rõ con hiểu về tình hình đó như thế nào, hoặc đoán biết được đến đâu... Vì thế cho nên ba có trách nhiệm, mặc dù là một trách nhiệm làm cho người ta phải đau khổ, nói cho con biết, chồng con không còn đủ sức trả hết các món nợ nữa, nó không thể tiếp tục kinh doanh được nữa... Ba chắc con hiểu được ý ba rồi chứ!

— Anh Grünlich phá sản rồi hay sao ạ?

Tony đang ngồi trên đệm, bỗng chồm dậy, cúi nửa người về phía trước, túm lấy ông tham, hỏi khẽ:

— Đúng như thế, con ạ! - Ông nói, giọng nghiêm nghị - Con không nghĩ tới hay sao?

— Con không đoán được rõ là như thế nào cả... - Tony nức nở - Như thế thì không phải ông Kesselmeyer nói đùa rồi! - Cô đờ đẫn nhìn cái rèm nâu treo nghiêng trên tường, nói tiếp - Ôi, trời ơi! - Bỗng cô gào lên, rồi gieo người xuống đệm. Mãi đến giờ phút này, chữ “phá sản” mới bộc lộ hết toàn bộ ý nghĩa của nó ra trước mắt Tony. Ngay từ hồi nhỏ, chữ này đã gieo vào đầu óc cô một sự sợ hãi mơ hồ... “Phá sản”, còn đáng sợ hơn cái chết! Nó là hỗn loạn, sụp đổ, hủy diệt, nhục nhã, xấu xa, tuyệt vọng và tai họa... - Anh ấy phá sản rồi! - cô lặp lại. Cô đã bị cái chữ có liên quan chặt chẽ với vận mệnh của cô làm cho kinh hồn táng đởm, đến nỗi cô không nghĩ đến chuyện van xin người khác, ngay cả việc van xin bố giúp đỡ, cô cũng không nghĩ tới nữa.

Ông tham giương lông mày vểnh ngược lên, nhìn con gái bằng đôi mắt ti hí, sâu hoắm. Mắt ông vừa u buồn vừa mỏi mệt đồng thời lộ rõ vẻ hết sức căng thẳng.

— Tony thân yêu! - Ông dịu dàng nói - Vừa rồi ba hỏi con là liệu con có định sống mãi với chồng con hay không, thậm chí theo chồng con chịu cực chịu khổ? - Ông nhận thấy ngay rằng mình đã chọn mấy chữ “chịu cực chịu khổ” ghê gớm đó để dọa con gái, thế là lại nói thêm - Có thể rồi chồng con nó sẽ ngóc lên được cũng nên...

— Tất nhiên là như thế, ba ạ.

Tony trả lời. Câu nói đó không ngăn được nước mắt cô trào ra. Cô lấy cái mùi soa viền đăng ten, có thêu tên họ mình, đưa lên che mặt, khóc nức nở. Cô khóc như hồi còn bé, không làm duyên làm dáng tí nào, ngây thơ hết sức. Môi cô trề ra, trông thấy mà thương tâm quá đỗi.

Ông bố vẫn đưa mắt nhìn con gái.

— Có thật con nghĩ như vậy không, hở con?

Ông hỏi. Bản thân ông cũng hoang mang, lúng túng như con gái.

— Con nhất định phải... - Cô nức nở - Chả nhẽ con nhất định phải...

— Tất nhiên là không nhất thiết phải như vậy mới được. - Giọng ông nhẹ nhàng hơn, nhưng rồi ông lại cảm thấy mình sai, vội nói chữa lại. - Ba không muốn nhất thiết bắt con phải như vậy, Tony thân yêu ạ! Giả dụ như tình cảm của con đối với chồng con chưa ràng buộc chặt con...

Cô nhìn bố, hai con mắt ướt đầm đìa, có vẻ ngơ ngác không hiểu.

— Thế nào hả ba?

Ông tham nhích người một cái, nghĩ ra cách làm cho không khí bớt căng thẳng.

— Con này! con biết đấy, nếu như ba thấy con gặp chuyện không may làm con đau khổ mà cứ để mặc kệ, không đếm xỉa đến thì ba cũng chẳng vui sướng gì. Hơn nữa, lần này chồng con đen đủi, buôn thua bán lỗ đến nỗi cửa nhà tan nát, thì thế nào cuộc sống của chúng con cũng sẽ phải điêu đứng ngay lập tức. Ba muốn làm sao cho con tránh khỏi những ngày đau khổ ban đầu ấy nên tạm thời đón con và cháu Erika về nhà. Ba nghĩ chắc con cũng bằng lòng như vậy.

Tony im lặng một lúc, lau khô nước mắt. Cô cẩn thận hà hơi vào mùi soa, áp lên mí mắt, làm cho mắt bớt sưng. Lát sau, cô mới hỏi, giọng cứng rắn, nhưng vẫn dịu dàng:

— Thưa ba, như vậy có phải là để tránh Grünlich không? Có phải vì anh ấy làm ăn không đứng đắn, không thật thà mới như thế này không?

— Rất có thể là như thế! - ông tham nói - Như thế có nghĩa là... không, ba không khẳng định con ạ, ba đã nói với con là ba phải nói chuyện tỉ mỉ với nó và ông chủ nhà băng đã.

Hình như Tony hoàn toàn không thể hiểu câu nói đó. Cô chỉ co rúm người trên ba cái đệm bằng gấm, cùi tay chống trên đầu gối, bàn tay đỡ lấy cằm, gục đầu, mơ màng nhìn gian phòng.

— Ba này! - cô nói khẽ đến nỗi hầu như môi không hề mấp máy - Nếu như lúc đầu...

Ông tham không nhìn thấy mặt cô, nhưng chúng ta biết hồi ở Travemünde, bao nhiêu buổi tối mùa hè cô tựa vào cửa sổ gian phòng nhỏ bé người ta dành cho cô ở, nét mặt y hệt như bây giờ... Một cánh tay để trên đầu gối ông tham, bàn tay kia buông thõng xuống; chỉ nhìn cánh tay đó cũng thấy được cô bi quan, buồn khổ và mềm yếu chừng nào, cũng thấy được cô đang nhớ đến những nơi xa xăm và những kỷ niệm ngọt ngào như thế nào!

— Lúc đầu...? - Ông tham Buddenbrook hỏi - Nếu như lúc đầu... thế nào, con?

Ông đã chuẩn bị đón nghe những lời tâm sự như sau: nếu như lúc đầu không lấy anh ấy thì hay biết bao nhiêu! Nhưng Tony chỉ thở dài một tiếng rồi nói:

— Dạ, không có gì ạ!

Hình như đầu óc cô đang bị một số ý nghĩ nào đó ám ảnh, những ý nghĩ ấy đưa cô đến những nơi xa xăm làm cho cô quên cả chuyện... “phá sản”. Ông tham đành phải tự mình nói ra những lời ông rất muốn được chứng thực.

— Ba chắc là ba đã đoán ra ý nghĩ của con rồi đấy Tony ạ! Với lại ba không chút do dự mà thừa nhận với con rằng cái điều bốn năm về trước ba cho là sáng suốt thì giờ phút này ba có hối hận cũng không kịp nữa rồi... Trong lòng ba, ba hối hận lắm. Ba tin là trước mặt Chúa, ba vô tội. Ba tin là lúc bấy giờ, ba đã đem hết trách nhiệm của ba ra tìm cho con một nơi xứng đáng với nhà ta... Nhưng ông trời lại sắp xếp theo kiểu khác... Con không nên nghĩ rằng lúc bấy giờ ba nhẹ dạ, dại dột, không chú ý đến hạnh phúc của con! Lúc mới đi lại với gia đình ta, Grünlich có những ưu điểm rất đáng quý. Nó là con một vị mục sư, dốc lòng kính Chúa, hiểu biết nhân tình thế thái... Sau đó, ba dò hỏi công ăn việc làm của nó, cũng thấy là vô cùng đẹp đẽ và thích hợp lắm, không chỗ nào hơn được. Ba lại còn điều tra hoàn cảnh kinh tế của nó... Cái đó còn nằm trong bóng tối, nằm trong bóng tối để chờ đưa ra ánh sáng. Nhưng con không trách ba chứ, phải không con?

— Con không dám trách ba đâu, ba ạ! Sao ba lại nói những lời như vậy! Thôi, ba đừng buồn về chuyện đó nữa. Ba làm sao thế?.. Mặt ba trắng nhợt thế kia! Ba có cần thuốc cảm không ạ?

Tony choàng tay ôm cổ bố, hôn cả lên má bố.

— Cảm ơn, không cần - Ông nói - Không hề gì đâu... Không cần. Quả là gần đây ba không được khỏe lắm... Biết làm thế nào bây giờ? Gặp phải những chuyện không hài lòng như thế kia! Đúng là Chúa thử thách ba đấy! Mặc dù như vậy, nhưng ba vẫn thường nghĩ rằng ba có phần nào không phải với con. Con ạ! Tất cả mọi việc đều phải chờ xem con trả lời những câu ba hỏi lúc nãy như thế nào đã. Con nói thật với ba đi! Tony... Lấy nhau mấy năm rồi, con có yêu chồng con hay không?

Tony lại òa lên khóc. Cô vừa đưa hai tay cầm lấy cái mùi soa bằng voan úp vào mắt, vừa nghẹn ngào nói:

— Sao ba lại hỏi con điều đó, hả ba!... Từ trước đến nay con chưa hề yêu anh ấy bao giờ cả... Con chán anh ấy lắm..., chả nhẽ ba không biết hay sao...?

Lúc này vẻ mặt ông Johann Buddenbrook đang biểu lộ tâm tình gì của ông, thật là khó nói. Ánh mắt của ông vừa hoảng hốt vừa buồn rầu nhưng ông cứ mím chặt môi làm cho khóe miệng và hai má ông nhăn rúm lại. Dáng dấp ấy ông thường có sau khi vớ được món lãi to.

Ông nói khẽ:

— Bốn năm rồi!...

Mắt Tony bỗng ráo hoảnh. Cô nắm chặt cái mùi soa ướt trong tay, ngồi thẳng người trên đệm, giận dữ nói:

— Bốn năm... hừ! Suốt bốn năm ấy, thỉnh thoảng chỉ có buổi tối là anh ấy ngồi cạnh con xem báo mà thôi...!

— Chúa đã cho các con một đứa con...- Ông tham nói giọng hơi xúc động.

— Vâng... Ba ạ! Con rất yêu cháu Erika... Mặc dù Grünlich vẫn thường nói là con không yêu nó... nhưng không bao giờ con có thể xa rời nó được! Con xin thưa thật với ba... Còn như với Grünlich... thì không phải thế!... với Grünlich... thì không phải thế!... Với lại giờ đây anh ấy bị phá sản rồi!... Ba ạ, nếu ba định đón con và cháu Erika về nhà... thì con rất thích! Bây giờ ba biết tại sao rồi!

Ông tham lại mím chặt môi. Ông cảm thấy rất hài lòng. Mặc dù cái điểm chủ yếu còn cần phải bàn thêm nhưng thấy Tony có vẻ quyết liệt như vậy thì ông có làm như vậy cũng không có gì nguy hiểm lắm.

— Qua câu chuyện vừa rồi - ông nói - có một điều hình như con chưa hề nghĩ tới. Con chưa hề nghĩ tới việc xin người khác giúp đỡ, xin ba giúp đỡ. Lúc nãy ba đã nói cho con biết rồi, trước mặt con không phải là ba không có tí lỗi gì... Nếu như con mong ba, chờ ba can thiệp để khỏi phá sản, gắng sức trả hết các món nợ cho chồng con để nó duy trì công việc làm ăn buôn bán...

Ông nhìn con gái chằm chằm. Vẻ mặt tỏ ra thất vọng của con gái khiến ông bằng lòng lắm. Cô hỏi:

— Hết bao nhiêu tiền, ba nhỉ?

— Vấn đề không phải ở đấy, con ạ! Một số tiền rất lớn, rất lớn!

Ông tham Buddenbrook gật đầu mấy cái, hình như ông chỉ nghĩ đến số tiền đó mà thôi, cái sức nặng của nó cũng đủ làm cho ông lảo đảo rồi.

— Ba cũng chả giấu con làm gì - Ông nói tiếp - Ít lâu nay công ty nhà ta thua thiệt lắm, phải gánh thêm số tiền này nữa thì sẽ nguy to. E rằng khó lòng... rất khó lòng khôi phục lại được. Những lời ba nói dò quyết không phải là...

Ông chưa nói xong, Tony đã nhảy dựng lên, lùi lại phía sau mấy bước, tay cầm cái mùi soa ướt viền đăng ten, nói to:

— Thôi, thôi! Được rồi! Đừng làm thế nữa, ba!

Cô còn tỏ ra rất khẳng khái. Hai chữ “công ty” kết thúc mọi vấn đề. Rất có thể là một dạo hai chữ đó đã chiến thắng lòng chán ghét của cô đối với Grünlich.

— Ba không nên làm như vậy nữa, ba ạ! - Giọng cô vô cùng xúc động - Ba cũng muốn nhà ta phá sản hay sao? Thôi, thôi! Quyết không thể để như thế được!

Giữa lúc đó, cửa hành lang từ từ hé mở, Grünlich do dự bước vào.

Ông Johann Buddenbrook đứng dậy. Tư thế của ông như muốn nói: mọi việc đã giải quyết xong rồi!


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx