sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Phần 5 - Chương 1

— Chào bác Justus, - bà tham nói - dạo này bác có khỏe không ạ? Mời bác ngồi đây!

Ông tham Justus Kröger ôn tồn, nhẹ nhàng, ôm bà em rồi quay sang bắt tay các cháu lúc bấy giờ cũng đang ngồi trong phòng ăn. Năm nay ông tham trạc năm tư năm lăm tuổi, ngoài bộ ria mép tỉa ngắn, ông còn để bộ râu quai nón rậm rì, chỉ lòi cái cằm mà thôi. Râu cũng đã bạc trắng. Mái tóc thưa thớt chải mượt trên cái đầu to, da đầu hồng hồng. Ông mặc cái áo đuôi én rất diện, trên cánh tay có đính cái băng lụa đen.

— Cô đã biết chưa nhỉ? Cô Bethsy? - Ông hỏi - Đúng đấy, Tony ạ, cháu mà biết thì chắc là cháu thích lắm. Cứ nói thẳng ra là cơ ngơi nhà ta ở ngoài cổng Burgtor ấy mà, đã bán rồi đấy! Bán cho người nào ư? Không phải bán cho một người, mà là bán cho hai người. Đất chia đôi, nhà cửa cũng chia đôi. Giữa sẽ ngăn một hàng lan can. Sau này ông Benthien sẽ ở bên phải, ông Sörenson ở bên trái, cả hai đều là nhà buôn cả. Mỗi người sẽ tự xây cho mình một cái tổ ấm. Còn cách nào khác nữa! Cầu Chúa phù hộ!

— Quả thật cháu chưa nghe nói đấy! - Tony nói. Cô bắt tréo tay để lên đầu gối rồi ngửa mặt nhìn trần nhà... - Cơ ngơi của ông ngoại! Hừ, coi như là tan hoang! Nó được cái rộng, thoáng... Nói thật, có phần rộng quá! Nhưng chính thế mà cao sang. Cái vườn hoa mênh mông chạy dài ra tận bờ sông Trave... Những ngôi nhà ở sân trong vườn hoa, lại còn đường xe ngựa và đường có bóng cây để râm mát... Nay đều chia ra làm đôi cả. Ông Benthien đứng bên này cửa ngậm tẩu thuốc, còn ông Sörenson thì đứng bên kia. Đúng thế phải không bác Justus, cháu cũng chỉ có thể nói được là “Cầu Chúa phù hộ”. Không còn ai có đủ tư cách ở tòa nhà ấy nữa. Ông ngoại không phải nhìn thấy cảnh này, thật là may!

Lúc bấy giờ, không khí có vẻ nặng nề nhưng nghiêm túc của một gia đình đang có tang. Tony giận lắm nhưng cũng không dám thốt ra những lời lẽ khe khắt, cay chua hơn. Sau khi ông tham qua đời được hai tuần, khoảng năm giờ rưỡi chiều hôm nay, sẽ đọc tờ di chúc của ông. Bà tham mời anh trai đến phố Meng để cùng với Thomas và ông Marcus, giám đốc công ty, bàn việc phân chia gia tài theo lời trối trăng của người quá cố. Trước đó, Tony đã tỏ ý thế nào cũng có mặt trong cuộc họp gia đình này. Cô nói, cô có trách nhiệm tham dự công việc của công ty và gia đình. Cô sẽ cố gắng làm cho cuộc bàn bạc lần này mang tính chất một cuộc hội đàm long trọng và một cuộc họp gia đình. Cô kéo hết rèm cửa xuống. Trên cái bàn ăn phủ nhung xanh - mặt bàn đã kéo ra hết - thắp hai ngọn đèn đất rồi, nhưng cô sợ vẫn chưa đủ sáng, lại thắp hết những ngọn nến cắm trên cái cọc nến to tướng mạ vàng. Ngoài ra, cô còn để một tập giấy rời và mấy cây bút chì vót nhọn trước mặt mỗi người, mặc dù không ai biết sẽ dùng giấy bút ấy để làm gì.

Bộ quần áo màu đen làm cho cô càng ra dáng một thiếu phụ. Thời gian gần đây, ông tham đã thành người thân cận nhất trong lòng cô, ông qua đời làm cho cô đau khổ hơn ai hết. Ngay ngày hôm nay, vì thương nhớ ông tham, cô cũng đã khóc hai lần rất thảm thiết. Tuy vậy, trong cuộc họp gia đình long trọng này, cô sẽ đóng vai chính. Việc đó đã làm cho khuôn mặt xinh đẹp của cô ửng đỏ, đôi mắt sáng lấp lánh và mọi cử chỉ đều trở nên vừa trang trọng vừa xúc động... Nhưng bà tham thì lại lo sợ, đau khổ. Hàng nghìn điều rắc rối trong việc ma chay đã khiến bà nẫu ruột nẫu gan. Dải băng đen quấn trên mũ làm cho khuôn mặt bà càng thêm nhợt nhạt, đôi mắt màu xanh lơ cũng ảm đạm lờ đờ, chỉ mái tóc màu vàng ánh chải bóng mượt là vẫn chưa có sợi nào bạc. Đó là nhờ công hiệu của loại thuốc nhuộm tóc Paris. Hay là bà đã thay tóc giả vào lúc nào rồi? Chuyện ấy, chỉ có mỗi mình chị Jungmann biết mà thôi, nhưng chị lại giấu kín không cho một người nào trong gia đình hay biết cả.

Ba người ngồi đầu bàn ăn, chờ Thomas và ông Marcus ở phòng giấy về. Trên tường, những bức tượng các vị thánh màu trắng, nổi lên sống động trên tấm phông màu xanh da trời.

Bà tham bắt đầu nói:

— Đầu đuôi thế này, bác Justus thân mến ạ!... Em cho người mời bác đến đây, để bàn chuyện cháu Klara. Kể cũng đơn giản thôi. Anh Jean mất rồi, nên em có trách nhiệm chọn người đỡ đầu cho cháu. Nó cần phải có người đỡ đầu trong ba năm... Em biết bác không thích làm những chuyện vớ vẩn này, trách nhiệm của bác đối với bác gái và hai cháu cũng đã nặng lắm rồi...

— Tôi chỉ có một thằng con thôi, cô Bethsy ạ!

— Thôi, thôi! bác Justus này! Chúng ta nên theo tinh thần đạo Cơ đốc, nên có lòng thương xót như trong Kinh thánh đã nói: “Ta cần phải khoan hồng độ lượng với những kẻ mắc nợ ta. Hãy nghĩ tới Cha chúng ta ở trên trời cao!”.

Ông anh trai bà tham nhìn em gái có vẻ kinh ngạc. Trước đây, những câu nói như thế chỉ có thể nghe được ở miệng ông tham đã qua đời thốt ra mà thôi.

— Không nói đến những chuyện ấy nữa nhé! - Bà nói tiếp - trách nhiệm này không làm phiền bác lắm đâu, cho nên em muốn bác nhận làm người đỡ đầu cho cháu.

— Được thôi! Cô Bethsy ạ! Đối với tôi, làm việc đó cũng thích. Nó đâu rồi, tôi có thể xem người mình đỡ đầu được không nhỉ? Con bé ấy ngoan nhưng hơi nghiêm nghị quá đấy!

Klara được gọi ra. Nó mặc bộ quần áo đen, mặt nhợt nhạt, chậm chạp bước vào. Bộ điệu nó trông vừa đau khổ vừa ngượng nghịu. Từ ngày bố qua đời, suốt ngày nó ru rú trong nhà, hầu như lúc nào cũng đọc kinh cầu nguyện. Đôi mắt đen láy của nó bây giờ cứ thẫn thờ, đau khổ và hình như càng đờ đẫn hơn vì sợ ông trời xanh kia.

Ông Justus xưa nay vẫn là người rất niềm nở, ông bước tới, cúi xuống bắt tay cháu gái rồi nói với nó vài ba lời khuyên nhủ. Sau đó, nó đưa đôi môi hầu như bị tê cứng của nó ra, đón lấy cái hôn của bà tham, rồi quay người bước ra khỏi phòng.

— Cháu Jürgen thế nào? - Bà tham lại bắt chuyện - Cháu ở Wismar làm ăn có khá không thế?

— Khá lắm. - ông Justus Kröger vừa trả lời, vừa nhún vai một cái rồi lại ngồi xuống. - Tôi tin rằng lần này nó tìm được chỗ vừa ý. Nó ngoan lắm, cô Bethsy ạ, thật thà lắm. Có điều... sau hai lần thi hỏng, tất nhiên điều tốt nhất vẫn là... nó không còn thích gì luật pháp nữa. Bây giờ công việc ở Sở dây thép Wismar cũng dễ chịu. Tôi nghe nói cháu Christian cũng sắp về phải không?

— Đúng đấy, bác Justus ạ, cháu sắp về rồi! Cầu Chúa phù hộ cháu đi đường bình yên vô sự! Chao ôi! Thật là xa tít chân trời góc biển! Anh Jean vừa mất, hôm sau em biên thư cho cháu ngay, nhưng cái thư ấy bây giờ cháu đã nhận được đâu, mà có nhận được thì cũng phải đi tàu thủy mất hai tháng mới về đến nhà. Nhưng lần này thế nào cháu cũng phải về, chắc chắn là em được gặp mặt cháu rồi. Cháu Tom nó nói, dù thế nào nó cũng không muốn để cho cháu Christian bỏ công việc ở Valparaiso..., nhưng bác thử nghĩ xem, gần tám năm trời nay, em không được gặp mặt cháu lần nào! Với lại bây giờ sống trong hoàn cảnh thế này, không, trong những ngày đau thương này, nhất định phải có chúng nó ở bên cạnh. Đó là đòi hỏi rất thường tình của người làm mẹ...

— Tất nhiên, tất nhiên! - Ông tham Kröger phụ họa, vì lúc bà nói, nước mắt đã lưng tròng.

— Bây giờ thì cháu Thomas cũng đã bằng lòng rồi - Bà nói tiếp - Liệu ở đâu cháu Christian được coi trọng hơn là ở trong cái nghề bố nó để lại, ở trong cái hãng của cháu Tom hiện giờ? Cháu có thể ở lại đây... làm việc ở đây... Chà! Lúc nào em cũng lo canh cánh, sợ khí hậu ở bên kia ảnh hưởng đến sức khỏe của cháu...

Thomas Buddenbrook cùng ông Marcus bước vào căn phòng rộng lớn. Đã bao nhiêu năm nay, ông Friedrich Wilhelm Marcus là người có toàn quyền khi thay mặt ông tham. Ông người dong dỏng cao, mặc bộ quần áo đuôi én, màu nâu, đính băng đen. Giọng ông nhỏ nhẻ, ầm à ầm ừ, hơi cà lăm, mỗi lần nói một tiếng là phải suy nghĩ rất lâu. Lúc nói, nếu ông không đưa ngón tay trỏ và ngón tay giữa ở bàn tay trái lên, thong thả vuốt bộ râu màu hoe rối rắm hầu như gần che kín miệng, thì cũng liên tiếp xoa tay, đôi mắt hung hung, tròn xoe, đảo nhìn khắp bốn xung quanh, làm cho người ta cảm thấy ông lù đù, không nhanh nhẹn, bụng dạ để ở đâu đâu ấy, nhưng thực tế thì ông đang để hết tâm thần vào điều ông nói.

Thomas Buddenbrook hãy còn trẻ thế mà đã làm ông chủ hãng buôn lớn này rồi, trên nét mặt và trong cử chỉ, anh luôn luôn muốn tỏ ra mình là người quan trọng, nhưng sắc mặt thì vẫn nhợt nhạt. Hai bàn tay, một bàn có đeo chiếc nhẫn vuông mặt ngọc lấp lánh, tổ tiên để lại, cũng trắng như ống tay sơ mi dưới ống tay áo đen, một màu trắng lạnh, nhìn thì biết ngay đôi tay ấy hoàn toàn khô khan băng giá. Móng tay hình bầu dục cắt rất đều, rất sạch, hơi xanh xanh. Trong giờ phút nào đó và trong tư thế nào đó, đôi bàn tay ấy rung rung, không có gì là tự giác cả, chứng tỏ anh đang tự kiềm chế, vì rụt rè, vì mẫn cảm, vì nhu nhược và vì sợ hãi. Mấy đời qua, người trong dòng họ Buddenbrook này không một ai như thế cả, và cũng không thích hợp với kiểu bàn tay của họ. Tay họ tuy cũng nhỏ nhắn nhưng còn rộng bản hơn tay anh, vẫn giữ được dáng dấp của người bình dân... Thomas bước vào phòng, việc đầu tiên là đến mở cánh cửa gấp thông sang phòng phong cảnh để hơi ấm bên ấy truyền sang căn phòng này, ở đó lửa trong lò sau hàng lan can sắt vẫn cháy hừng hực.

Sau đó, anh bắt tay ông tham Kröger, rồi ngồi xuống cạnh bàn đối diện với ông Marcus. Anh thấy Tony cũng có mặt, bất giác lộ vẻ kinh ngạc, dựng ngược hàng lông mày lên nhìn em, định nói gì, nhưng Tony đã ngửa đầu ra, rụt cằm lại làm anh thôi không nói nữa.

— Thế nào, bây giờ vẫn chưa thể gọi là “ông tham” được chứ? - Ông Justus Kröger hỏi - Xem ra, cái hy vọng người Hà Lan yêu cầu anh làm đại biểu cho họ không còn nữa, phải không anh bạn?

— Vâng! Cháu cho thế mà lại hay đấy! Bác xem, lẽ ra cháu có thể thừa kế chức tham của ba cháu, cũng như cháu đã thừa kế nhiều chức vị khác, nhưng một là cháu thấy mình còn ít tuổi, hai là cháu đã nói chuyện với bác Gotthold rồi, bác ấy rất sung sướng và nhận lời ngay.

— Cháu ăn ở biết điều lắm! Lại thông minh nhanh nhẹn. Hoàn toàn là phong cách của một con người vô cùng lịch thiệp.

— Ông Marcus! - Bà tham nói - Ông Marcus thân mến này, - nói xong, bà lật ngửa bàn tay chìa ra cho ông. Ông Marcus từ từ nắm lấy, ánh mắt tuy lộ vẻ cảm kích, nhưng ông ta đảo sang nhìn chỗ khác như thường lệ - Chắc ông cũng đã rõ, chúng tôi mời ông đến có việc gì rồi đấy nhỉ? Tôi biết là ông không từ chối. Trong tờ di chúc của nhà tôi để lại, nhà tôi tỏ ý mong rằng sau khi nhà tôi mất, ông không nên tự coi ông là người ngoài, ông sẽ lấy tư cách là người góp cổ phần tiếp tục đem tài năng của mình làm việc cho Công ty, phục vụ Công ty...

— Tất nhiên là phải như thế rồi, bà tham ạ! - Ông Marcus nói - Tôi được ông bà quý mến, dành cho chức vị quan trọng vinh dự này, đến già cũng không quên được. Xin thú thực là tôi sức hèn tài mọn, phần đóng góp cho Công ty còn ít ỏi lắm! Trời có thể chứng giám cho lời tôi nói, tôi hết sức xúc động tiếp nhận cái vị trí mà bà và cậu cả dành cho, ngoài ra không biết nói gì hơn nữa.

— Thế thì hay lắm, ông Marcus ạ. Tôi thành thực cảm ơn ông đã vui lòng nhận cái trách nhiệm nặng nề đó. Tôi thì có lẽ không thể làm tròn được - Thomas không chút giả dối, buột miệng nói rồi chìa tay ra phía ông Marcus ngồi bên kia bàn. Về việc này, hai người đã bàn riêng với nhau từ trước, bây giờ chẳng qua là làm cho có hình thức mà thôi.

— Người ta thường nói: “Không phải oan gia thì đã không gặp nhau!”... Hai người phải làm cho câu nói đó trở thành vô nghĩa, trống rỗng mới được! - Ông tham Kröger nói - Bây giờ chúng ta hãy cùng nhau xem xét tình hình tài sản ra sao. Cũng xin nói trước là tôi chỉ quan tâm đến số tiền hồi môn của cháu bé mà tôi là người đỡ đầu, còn ngoài ra tôi bất biết. Cô có bản sao di chúc nào không, hả cô Bethsy?

Còn cháu Tom, cháu đã dự định sơ qua như thế nào chưa đấy?

— Ở trong óc cháu cả rồi ạ - Tom vừa nói vừa xê dịch cái bút vàng cầm ở tay, đồng thời ngả lưng ra ghế tựa, nhìn sang phòng phong cảnh, phân tích tình hình cho mọi người nghe.

Sự thực là tài sản ông tham để lại rất nhiều, không một ai có thể tưởng tượng tới con số đó. Tất nhiên là của hồi môn cô con gái lớn mất sạch rồi; năm 1851, Công ty lại thiệt hại nặng vì các cửa hiệu ở Bremen bị đóng cửa hàng loạt; ngoài ra tình hình lộn xộn loạn lạc và chiến tranh năm 1845 và năm nay, 1855, cũng làm cho công ty mất mát nhiều. Nhưng mặt khác, gia đình Buddenbrook lại kế thừa được số gia tài gồm bốn mươi vạn mark của cụ Kröger, vì trước đó ông Justus đã phá phách khá nhiều nên thực tế chỉ còn được ba mươi vạn mark. Lúc còn sống, ông Johann Buddenbrook cũng luôn luôn kêu la như bất cứ một thương gia nào, nhưng trong mười lăm năm trời, rốt cuộc cũng kiếm được ba vạn thaler bù đắp cho một phần thiệt hại. Như vậy là chưa kể bất động sản, tất cả có khoảng bảy mươi lăm vạn mark.

Có thể nói là Thomas biết rõ tình hình làm ăn buôn bán của Công ty như lòng bàn tay, nhưng lúc còn sống, bố vẫn không nói cho anh biết tổng số tài sản là bao nhiêu. Lúc nói con số đó ra, bà tham vẫn tỏ ra điềm nhiên, bình tĩnh; Tony mắt cứ nhìn chòng chọc, ngơ ngác, thật đáng yêu, nhưng không giấu nổi vẻ lo lắng, bực dọc, như đang muốn hỏi: “Chẳng phải là một con số rất lớn đấy ư? Hết sức lớn đấy ư? Chúng ta vẫn là nhà giàu phải không?”. Ông Marcus hầu như không quan tâm gì cả, cứ thong thả xoa tay, còn ông tham Kröger nghe xong, có vẻ sốt ruột. Riêng Thomas thì rất tự hào, lòng tự hào đó khiến anh có vẻ căng thẳng, xúc động đến nỗi trông anh hơi buồn buồn.

— Chúng ta sắp sửa có bạc triệu rồi! - Hai tay anh run run, rõ ràng anh đang nén nỗi xúc động trong lòng...- Lúc ông nội làm ăn khấm khá nhất, trong tay đã có tới chín mươi vạn... Từ đó cả nhà lại bỏ ra biết bao tâm huyết, thu được nhiều điều có lợi, gặp được nhiều chuyến buôn hời. Thêm vào đó là của hồi môn và gia tài mà me được thừa kế! Đáng tiếc là cũng lại thua lỗ mấy chuyến liên tiếp... Lạy Chúa! Tôi biết đó là quy luật tự nhiên của sự vật. Xin cả nhà bỏ qua cho, hiện giờ tôi hoàn toàn đứng về phía Công ty mà nói chuyện, chứ không phải đứng về phía gia đình nữa... Của hồi môn nhiều quá! Lại đưa cho bác Gotthold và cô chú ở Frankfurt hết lần này lượt khác, mỗi lần công ty phải bỏ ra tới mấy chục vạn... Đấy là ông chủ công ty chỉ có một ông anh và một cô em gái!... Thôi được rồi, không nói nữa, chúng ta còn có nhiều việc phải làm, phải không ông Marcus!

Trong khoảng khắc, lòng ham muốn hành động để thu được nhiều thắng lợi và nhiều quyền lực cũng như muốn được hưởng thật nhiều hạnh phúc lộ ra trong ánh mắt anh, hết sức mãnh liệt. Anh cảm thấy mọi người chăm chú nhìn anh, gửi gắm hy vọng vào anh, đoán xem anh có thể làm cho tiếng tăm của Công ty và gia đình lâu đời này lừng lẫy hơn không, hoặc ít ra thì cũng giữ được cái uy tín có sẵn. Ở Sở giao dịch chứng khoán, anh thường thấy người khác đưa mắt nhìn anh, ngắm anh từ đầu đến chân, đó là cái nhìn sung sướng, vừa nghi ngờ vừa giễu cợt của một số thương gia có tuổi, như muốn hỏi: “Liệu chú có đảm đương nổi gánh nặng ấy không, hở chú bé?”. “Tôi có thể đảm đương nổi!”. Anh thầm trả lời...

Ông Friedrich Wilhelm Marcus vẫn tiếp tục chăm chú xoa tay. Ông Justus Kröger nói:

— Này, hãy bình tĩnh đi, anh bạn Tom ạ! Thời thế khác lắm rồi! Bây giờ không phải là thời ông nội anh buôn lương thực cho quân đội Phổ nữa đâu nhé!

Tiếp đó là những lời bàn bạc tế nhị. Họ bàn rất kỹ, từ việc lớn đến việc bé đã được căn dặn trong tờ di chúc. Ai cũng nói ý riêng của mình ra. Ông tham Kröger lấy làm thú vị lắm, ông luôn miệng gọi Thomas là “Ngài hầu tước nắm quyền hành lớn trong tay”. Ông nói:

— Theo nền nếp truyền thống, kho tàng phải đi theo ngôi vua.

Ngoài ra, tất nhiên mọi người đều nhất trí cho rằng, toàn bộ tài sản nên tập trung lại - về nguyên tắc, bà Elisabeth Buddenbrook được coi là người thừa kế chung - và vẫn dùng vào việc buôn bán. Ông Marcus nói rằng, là một người có cổ phần, ông sẽ xuất ra mười hai vạn mark nữa để tăng thêm vốn lưu động, Thomas sẽ góp vào năm vạn mark coi là vốn riêng của anh. Christian cũng sẽ tạm góp số tiền như vậy, nếu anh cũng bằng lòng gây dựng vốn riêng cho mình. Khi đọc đến điều sau đây trong tờ di chúc: “Về tiền hồi môn của con gái út của tôi là Klara, tôi xin để cho vợ tôi quyết định con số cụ thể”. Ông Justus Kröger có vẻ sốt sắng lắm. Ông đề nghị:

— Mười vạn! Thế nào?

Nói xong, ông tựa người ra phía sau, hai chân gác lên nhau, hai tay đưa lên vuốt bộ râu màu tro ngắn ngủi của mình. Cuối cùng mọi người quyết định tám vạn mark.

“Nếu Tony, con gái đầu thương yêu của tôi, đi bước nữa” - tờ di chúc viết tiếp - “thì sẽ được số tiền không quá một vạn bảy nghìn thaler, vì lần trước đã được tám vạn mark rồi...”. Bộ điệu Tony lúc đó vừa đẹp vừa xúc động, cô đưa hai cánh tay ra phía trước làm cho ống tay áo kéo về phía sau, nhìn lên trần nhà, nói to:

— Grünlich... ôi! - Giọng cô nghe như tiếng gào thét hay như tiếng kèn ngắn ngủi trong chiến đấu - Ông có biết hắn như thế nào không, hả ông Marcus? - Cô hỏi - Một buổi chiều ấm áp, gió hiu hiu thổi, cả nhà chúng tôi đang ngồi trước nhà hóng mát trong vườn hoa... Ông có biết không, hả ông Marcus, cái nhà hóng mát của chúng tôi ấy mà? Bỗng có một người đến. Một người để bộ râu quai nón vàng khè... Một tên bịp bợm!

— Thôi mà! - Thomas nói - Sau này chúng ta lại bàn đến chuyện Grünlich, có được không?

— Được, được. Nhưng anh cũng phải thừa nhận điều đó. Anh Tom ạ. Anh rất thông minh, nhưng trong cuộc đời không phải việc gì cũng công bằng lương thiện cả, mặc dù cách đây không lâu, em còn là một đứa đầu óc đơn giản. Những việc em đã từng trải giúp em hiểu được điều đó...

Tom nói:

— Phải...

Họ lại tiếp tục bàn đến những việc lặt vặt. Trong tờ di chúc, ông tham còn dặn dò việc chia quyển Kinh thánh gia truyền dày cộp, những cái cúc áo kim cương của ông và các thứ đồ vật khác. Họ cân nhắc kỹ lưỡng những lời trối trăng đó. Hôm ấy, ông Justus Kröger và ông Marcus ở lại ăn bữa tối.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx