sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 3

Từ ngày Christian về nhà, ông chủ Công ty Johann Buddenbrook thường mải miết quan sát, theo dõi từng hành vi cử chỉ của em. Mấy hôm đầu anh làm ra vẻ bình thường, cố tránh không để người khác chú ý. Nhưng mấy hôm sau, tuy không thể tìm thấy trên nét mặt bình tĩnh điềm đạm của anh một câu kết luận gì, có điều hình như anh hết tò mò rồi, và đã bắt đầu có chủ trương. Khi có mặt người nhà, anh thường nói với em một vài chuyện vặt vãnh, giọng lạnh nhạt. Gặp khi Christian làm trò hề gì, anh cũng phá lên cười như những người khác...

Khoảng bảy tám ngày sau, Thomas nói với Christian:

— Như vậy là chúng ta sẽ cùng làm việc với nhau đấy, anh bạn nhỉ?... Theo chỗ tôi biết, chú đã bằng lòng với ý định của me rồi, có đúng thế không nào? Chú cũng biết đấy, ông Marcus đã góp cổ phần vào. Theo số tiền ông ta góp vào, bây giờ ông ta cũng là một cổ đông hẳn hoi rồi. Tôi nghĩ, chú là em tôi, chú có thể nhậm chức của ông ta trước kia, chức giám đốc ấy mà, đại diện cho công ty. Đó là đối ngoại, còn công việc cụ thể của chú thì tôi vẫn chưa hiểu trong công việc buôn bán làm ăn, khả năng của chú như thế nào. Theo tôi, cho đến bây giờ, có lẽ chú vẫn còn chơi bời phóng đãng quá đấy! Có đúng thế không?... Dù sao thì việc thảo các công văn giấy tờ bằng tiếng Anh cũng rất thích hợp với chú.... Nhưng tôi còn yêu cầu chú một việc nữa đấy, chú em thân mến ạ! Chú là em ông chủ, tất nhiên địa vị của chú hơn hẳn các nhân viên khác... Theo tôi thì cũng không cần phải dặn chú, nhưng tốt nhất là chú nên đối xử với các nhân viên khác thật bình đẳng, nên làm tròn trách nhiệm của mình để người ta phục mình, dứt khoát không nên lạm dụng đặc quyền của mình để rồi có hành động sai trái. Thế có nghĩa là chú nên làm việc đúng giờ giấc, theo đúng nội quy, chế độ của Công ty. Chú thấy thế nào?...

Tiếp đó, anh lại nói đến chuyện lương bổng và đưa ra một con số. Christian không suy nghĩ gì cả, bằng lòng ngay. Trông anh có vẻ hơi uể oải. Không chú ý lắm. Rõ ràng anh mong kết thúc câu chuyện ngay đi, không quan tâm tính toán thiệt hơn gì hết.

Hôm sau, Thomas dẫn em đến phòng giấy của Công ty. Thế là Christian bắt đầu làm việc cho Công ty nhà...

Từ ngày ông tham qua đời, công việc của Công ty không hề bị ảnh hưởng gì, vẫn cứ tiến hành một cách rất vững chắc. Chẳng bao lâu mọi người đều nghiệm thấy rằng, Thomas Buddenbrook cầm chịch, không khí trong Công ty hoạt bát hẳn lên và có tinh thần tiến thủ. Thỉnh thoảng anh lại làm một số việc rất mạnh dạn. Lúc ông tham còn sống, cái gọi là danh dự uy tín của Công ty chẳng qua là một khái niệm trống rỗng, chỉ có trên lý thuyết, hay chỉ là một vật trang trí mà thôi. Bây giờ thì con ông đã hết sức có ý thức lợi dụng nó... Các vị ở Sở giao dịch thường gật gù với nhau: “Thế nào nhà Buddenbrook cũng phát đạt cho mà xem!”. Họ cho rằng Thomas bỏ rơi ông Friedrich Wilhelm Marcus, một người thẳng thắn, như bỏ rơi quả tạ xuống dưới chân, là rất có lý. Trong nghiệp vụ của công ty, ông Marcus là một người rất bảo thủ. Ông ta đưa hai ngón tay thong thả vuốt râu, sắp xếp giấy tờ bút mực và cái cốc đựng nước để mãi trên bàn ông ta cho thật ngăn nắp gọn gàng. Bất cứ việc gì, bao giờ ông ta cũng chăm chú xem đi xét lại mãi. Ngoài ra, trong giờ làm việc, ông ta còn có thói quen đi ra sân, vào nhà tắm đưa đầu xuống dưới vòi nước, gội năm bảy lượt cho tinh thần sảng khoái.

“Quả thật là hai người này bổ sung cho nhau!” - mấy ông chủ công ty lớn thường bàn luận với nhau như vậy. Chắc đấy là lời ông tham Huneus nói với ông tham Kistenmaker. Còn trong đám thủy thủ và phu phen ở kho hàng, hoặc những người buôn bán nhỏ, họ cũng thường nói với nhau như vậy, bởi vì khắp thành phố người ta đều chú ý xem anh chàng Buddenbrook trẻ tuổi này có đảm đương nổi công việc buôn bán làm ăn hay không... Thậm chí bác Stuht ở phố Đúc chuông cũng nói với bà vợ thường đi lại với tầng lớp giàu sang như sau:

— Hai người này làm việc với nhau thì có thể lấy ngắn bù dài. Bà cứ tin lời tôi nói, không sai đâu!

Trong công việc buôn bán làm ăn, mọi quyền hành thuộc về ông chủ trẻ tuổi. Cứ xem cung cách Thomas đối xử với nhân viên làm công nhật, thuyền trưởng, quản lý các kho hàng, anh em phu xe và phu phen bến tàu, cũng đủ thấy điều đó. Anh có thể nói chuyện rất tự nhiên với họ bằng thứ ngôn ngữ của họ, đồng thời vẫn giữ một khoảng cách không thể nào vượt qua được... Nhưng giả dụ ông Marcus có nói với một người phu chậm chạp nào bằng tiếng địa phương: “Anh có hiểu ý tôi không?” thì người ta cảm thấy gượng gạo thế nào ấy! Vị cổ đông ngồi trước bàn giấy ông ta không nhịn được cười, thế là tất cả những người trong phòng đều cười ồ lên!

Thomas Buddenbrook quyết giữ gìn và mở rộng cái thanh danh mà công ty đã gây dựng được trong bao nhiêu năm này. Anh thích tự mình xông pha trong những cuộc chiến đấu hằng ngày để giành mọi thắng lợi. Anh biết rõ ràng nhiều món hàng bán chạy là nhờ cách cư xử nhã nhặn, nhờ thái độ niềm nở được mọi người ưa thích và nhờ những thủ đoạn khéo léo thông thạo của anh.

— Đã là một thương gia thì không nên ngồi lì trong phòng giấy! - Anh nói với Stephan Kistenmaker ở “Công ty cha con Kistenmaker”, Stephan là bạn học của anh ngày trước, xưa nay vẫn phục tài anh. Mỗi một câu nói của anh, Stephan đều ghi lòng tạc dạ để rồi lấy làm ý kiến riêng của mình mà nói với người khác - Buôn bán cũng cần phải có cá tính, thiển ý của tôi là như vậy đấy. Tôi không tin rằng ngồi trong phòng giấy mà có thể đạt được những thành công to lớn... Ít nhất, những thành công đó cũng không làm cho tôi thú vị... Chỉ ngồi trong phòng giấy mà tính toán, chẳng đi đến đâu hết. Tôi thì bao giờ cũng muốn chính mắt mình trông thấy, và miệng nói tay làm..., dùng ý chí của mình, tài năng của mình, hạnh phúc của mình..., anh muốn gọi là gì gì cũng được, dùng ảnh hưởng trực tiếp của những cái đó của chính mình mà khống chế sự vật. Đáng tiếc là phong cách của những thương gia tự mình lăn lộn vào công việc đã dần dần mất đi, không còn được tôn trọng nữa. Thời đại càng ngày càng tiến tới nhưng tôi cảm thấy nó để rơi rụng đi những cái gì tốt đẹp. Giao thông ngày càng phát triển, giá cả thị trường ngày càng dễ dò xét, đầu cơ không mạo hiểm lắm nữa, do đó lợi nhuận cũng ít đi... Đúng, lớp người trước không phải thế này đâu nhé! Cứ xem ông nội tôi thì biết... Ông cụ lấy tư cách là người mua lương thực cho quân đội Phổ, ngồi xe tứ mã xuống miền nam nước Đức, đầu đội mái tóc giả bạc trắng hồng hồng, đi đôi ủng ngắn cổ, đến đâu là ông cụ trổ hết tài nghệ của ông cụ ra, kiếm được không biết bao nhiêu mà kể. Như thế đấy, Kistenmaker ạ! Chà, tôi sợ sau này cuộc sống của thương gia càng ngày càng khô khan vô vị...

Anh thường than thở như vậy cho nên anh rất thích những chuyến buôn chính bản thân anh đảm đương. Ví dụ, khi đi dạo chơi với người trong nhà, tình cờ đến xưởng xay, anh tán gẫu với ông chủ xưởng, chuyện trò hết sức say sưa, cuối cùng hai bên đã dễ dàng và tùy tiện thỏa thuận với nhau một món hàng nào đó... Cái bản lĩnh ấy thì ông bạn cùng chung cổ phần với anh không sao học nổi.

Christian thì hình như thời gian đầu cũng nhiệt tình thật sự, vui vẻ dốc hết tâm sức vào công việc buôn bán. Và không sai tí nào, hình như khi hoạt động như vậy anh cảm thấy rất thoải mái, rất thung dung. Liên tiếp nhiều ngày, anh ăn rất ngon, rồi miệng ngậm tẩu, mặc bộ quần áo kiểu Ăng-lê, hai vai ngay ngắn, trông vui vẻ lắm ở phía dưới, ngồi vào cái ghế xoay cạnh ông Marcus, và chếch một bên ông anh trai - cũng ngồi trên ghế xoay như hai vị cổ đông kia của công ty - trước hết xem lướt qua các tờ báo, thoải mái hút hết điếu thuốc lá ban sáng, tiếp đó lấy trong tủ phía dưới bàn giấy ra chai brandy, vươn vai cho giãn gân cốt, nốc “ực” một cái, để đầu lưỡi giữa hai hàm răng đưa đi đưa lại một lúc rồi bắt đầu làm việc, hăng hái phấn khởi lắm. Các thư từ bằng tiếng Anh, anh thảo rất hay. Anh viết tiếng Anh cũng lưu loát như nói, không vất vả tí nào.

Khi ngồi với người trong gia đình, anh vẫn bộc lộ tâm tư tình cảm của anh cho người khác nghe như trước kia, không sao tránh khỏi.

Anh nói:

— Nghề buôn hay lắm, đẹp lắm, nó làm cho người ta cảm thấy hạnh phúc đầy đủ. Có nền nếp nhá! Thật thà, cần kiệm, vui vẻ nhá...! Tôi sinh ra là đã thích hợp với nghề buôn rồi! Cả nhà biết đấy... Nói một cách đơn giản, xưa nay ở trong gia đình, tôi chưa bao giờ sống thoải mái như bây giờ. Buổi sáng, phấn khởi bước vào phòng giấy, xem báo, hút thuốc, nghĩ điều này điều nọ, uống ngụm brandy, làm ít công việc. Thế là đã đến giờ ăn trưa. Cùng người nhà ăn xong, nghỉ một lát lại đi làm... Thỉnh thoảng muốn thảo cái gì thì trước mặt đã có sẵn giấy viết thư loại tốt nhất của công ty, vừa trắng vừa trơn, cây bút loại tốt, thước, dao rọc giấy, con dấu, đều là hảo hạng cả. Ngăn nắp, gọn gàng... Làm theo một thứ tự nhất định, việc này rồi đến việc kia, cuối cùng thì xong hết mọi việc. Ngày mai lại bước sang một ngày mới. Về nhà ăn tối, lòng thoải mái, tứ chi thoải mái... và hai bàn tay cũng thoải mái...!

— Trời ơi! Anh Christian! - Tony gào lên - Anh lại nói gì buồn cười thế! Hai bàn tay cũng thoải mái!

— Đúng như thế, không sai tí nào! Cô không tin hay sao? Tôi muốn nói như thế này. Anh bắt đầu giải thích say sưa, cố nói rõ ý nghĩ của mình ra - Ta có thể nắm tay lại, nhưng ta không thể nắm chặt được, vì vừa làm việc xong người mỏi mệt rã rời. Nhưng nếu lòng bàn tay ta không ẩm ướt, nó không làm cho ta bực bội... thì nó rất thoải mái, rất dễ chịu. Tự nhiên ta có một cảm giác sung sướng, đầy đủ. Ta có thể ngồi yên tĩnh, trong lòng không chút phiền muộn nào cả...

Cả nhà im lặng, không ai nói gì. Một lát sau, Thomas cố nén bực bội trong lòng, vờ làm ra vẻ thờ ơ, nói:

— Tôi thấy làm việc không phải để rồi... - Nhưng anh không nói hết câu, anh không nhắc lại những lời Christian nói - Ít ra tôi làm việc là vì một mục đích khác - Anh bổ sung.

Nhưng Thomas nói gì, Christian không nghe. Mắt anh đảo ngược đảo xuôi, anh đã lại nghĩ sang chuyện khác rồi. Quả nhiên một lát sau, anh kể một câu chuyện ở Valparaiso, một vụ án mạng chính mắt anh chứng kiến...

— Lúc bấy giờ, thằng cha ấy rút dao ra...

Những chuyện như thế, Christian biết rất nhiều, lần nào nghe anh kể, Tony cũng thú vị lắm, nhưng bà tham, Klara và Klothilde thì lại sợ nổi gai ốc, chị Jungmann và Erika cũng há hốc miệng chăm chú nghe. Chỉ có mỗi Thomas không hiểu vì sao lại không thích, anh nói vài ba câu nhạt nhẽo để chế giễu, nghe giọng nói hay nhìn nét mặt anh biết ngay. Anh cho là Christian bốc phét, khoác lác, khoe khoang... Thực ra không phải thế, chẳng qua Christian kể chuyện rất sinh động mà thôi. Phải chăng Thomas không thích nghe, vì chú em đi du lịch ở những nơi xa xôi tai nghe mắt thấy rộng hơn mình? Hoặc giả là anh ta ghét những chuyện dao găm súng đạn, ghét những lời ca ngợi bạo lực đang làm hỗn loạn và đang thống trị ở những nơi khác?... Dù thế nào đi chăng nữa, có một điều khẳng định là Christian không mảy may chú ý đến thái độ lạnh nhạt của ông anh. Anh chỉ say sưa kể chuyện chứ không cần biết câu chuyện mình kể gây phản ứng như thế nào ở người nghe, dù phản ứng tốt hay xấu cũng vậy. Kể chuyện xong, anh đăm chiêu, mơ mơ màng màng, nhìn ngược nhìn xuôi.

Ngày tháng trôi qua, quan hệ giữa hai anh em Buddenbrook càng tồi tệ. Christian không tỏ ra oán giận hoặc có điều gì không bằng lòng ông anh cả. Anh không muốn nói ý kiến về ông anh, không muốn đưa ra một câu kết luận nào hoặc nói một câu gì động đến ông anh. Anh lặng lẽ thừa nhận địa vị ưu việt của ông anh, thừa nhận ông anh nghiêm nghị hơn mình, có năng lực tài cán hơn mình, thừa nhận ông anh rất đáng được tôn trọng. Anh cho tất cả những cái đó đều là chuyện đương nhiên, không còn nghi ngờ gì nữa. Nhưng cũng chính sự phục tùng tuyệt đối, vô điều kiện và bất đắc dĩ ấy làm cho Thomas nổi giận, bởi vì bất cứ việc gì Christian cũng không chịu suy nghĩ, cứ để mặc cho Thomas chủ trương, đến nỗi người ta có cảm tưởng ngược lại là anh hết sức xem thường tài năng, thái độ nghiêm túc cũng như địa vị đáng tôn kính của Thomas.

Hình như anh không mảy may nhận ra rằng ông chủ công ty, tuy ngoài miệng không nói ra nhưng trong thâm tâm thì ngày càng không ưa anh. Còn Christian, sau tuần thứ nhất, đặc biệt là sau tuần thứ hai, nhiệt tình của anh đối với công việc giảm sút trông thấy, điều đó lại càng làm cho Thomas cảm thấy mình có lý do tức giận em. Biểu hiện đầu tiên của Christian trong việc giảm sút nhiệt tình đối với công việc là kéo dài thời gian làm những việc vớ vẩn trước khi bắt tay vào công việc chính, hết xem báo, hút thuốc lá sau khi điểm tâm, lại uống bia. Lúc đầu, anh cho những việc đó là một thứ nghệ thuật trang nhã, một cách hưởng thụ vô cùng lý thú, nhưng về sau thời gian dành cho nó càng nhiều, cuối cùng kéo dài hết cả buổi sáng. Sau đó, anh thản nhiên bắt đầu không chịu để thì giờ làm việc ràng buộc mình nữa. Sáng nào cũng ngậm thuốc lá, thất thểu đến muộn, trưa vào câu lạc bộ ăn, khuya mới về nhà, có khi không về nữa...

Hội viên câu lạc bộ này chủ yếu là một số thương gia sống độc thân. Họ bố trí một căn phòng rộng trên gác hai một hiệu ăn; họ có thể ăn uống ở đấy rồi chuyện trò thả cửa. Chuyện của họ không phải hoàn toàn đúng đắn hết. Họ còn tổ chức đánh ru-lét nữa. Trong các hội viên, có một số tay đã có vợ có con hẳn hoi, như ông tham Kröger và ông Peter Döhlmann, nhưng vẫn hết sức phóng đãng. Ở đây, ông cục trưởng cảnh sát được gọi là “đội trưởng ống phun nước”. Biệt hiệu này do tiến sĩ Gieseke- Andreas Gieseke ấy mà, - con trai ông đội trưởng cứu hỏa, đặt cho. Gieseke là bạn học cũ của Christian, hiện giờ mở phòng luật sư ở ngay trong thành phố. Tuy anh cũng được coi là một tay công tử bột phóng đãng, nhưng vừa gặp lại nhau, Christian đã nối lại tình bạn trước đây.

Christian - hoặc giả như người ta thích gọi Krischan - xưa nay đã quen biết những người này ít nhiều, hơn nữa lại là bạn cũ. Phần lớn bọn họ đều là học trò thầy giáo Marcellus Stengel đã quá cố. Bởi vậy Christian vừa đến đây đã được bọn họ hoan nghênh nhiệt liệt. Các thương gia, thầy thuốc, luật sư, mặc dù không một ai cho anh là người có tài xuất chúng, nhưng cái bản lĩnh mua vui cho mọi người của anh thì ai cũng phải công nhận. Hơn nữa, ở đây anh biểu diễn càng xuất sắc hơn, kể chuyện cũng vô cùng hấp dẫn. Anh đứng trước đàn piano bắt chước các nhạc sĩ, bắt chước các diễn viên và danh ca nước Anh và bên kia Đại Tây Dương. Anh dùng những lời lịch sự nhưng rất ý vị, kể lại những chuyện yêu đương của anh ở các nơi không một ai nghi ngờ gì cả. Christian Buddenbrook quả là một chàng công tử bột.

Anh kể một số chuyện mạo hiểm xảy ra ở trên tàu thủy, trên xe lửa, ở St. Pauli, ở Whitechapel và ở cả trong rừng nguyên sinh... Anh kể thao thao bất tuyệt, có đầu có đuôi, rất hấp dẫn. Giọng anh kéo dài, hơi õng ẹo, vừa hài hước vừa ngây thơ, y như các nhà hài hước người Anh. Anh kể chuyện một con chó bị đóng vào hòm gửi từ Valparaiso đến San Francisco, hơn nữa là một con chó ghẻ! Có trời biết được anh kể chuyện ấy với dụng ý gì, nhưng qua miệng anh kể thì buồn cười lắm. Trong lúc những người xung quanh cười bò lăn bò lóc thì anh ngồi im lặng, nét mặt vừa lo sợ vừa nghiêm trang, khó mà giải thích nổi, đôi chân vòng kiềng bắt tréo lên nhau, hai con mắt ti hí sâu lõm xuống đảo ngược đảo xuôi như suy nghĩ điều gì. Dáng điệu đó của anh cùng với cái mũi diều hâu quặp lại, cái cổ dài ngoẳng và mái tóc hung hung thưa thớt làm cho người ta có ấn tượng là họ cười anh chứ không phải cười cái gì khác; chính anh đã trở thành trò cười cho mọi người... Nhưng anh thì lại không nghĩ như vậy.

Ở nhà, anh rất thích nói đến phòng giấy của anh ở Valparaiso, khí hậu oi bức ở đấy và một gã người London trẻ tuổi, tên là Johnny Thunderstorm, một tay du thủ du thực, suốt ngày nhàn rỗi, thú vị vô cùng. Về gã đó, anh nói: “Đồ chết tiệt! Chưa bao giờ tôi thấy hắn ta làm việc gì cả”. Mặc dù vậy, người đó vẫn là một thương gia rất có tài... Anh kể tiếp: “Trời oi bức làm sao! Này, ông chủ bước vào phòng giấy... Tám người chúng tôi như bầy nhặng, nằm ngổn ngang hút thuốc lá, như vậy ít ra cũng có thể đuổi được muỗi! Mẹ kiếp!” “Khá lắm!” - ông chủ nói - “Các vị không làm việc à??!”... “Thưa ngài không ạ![95]”, - Johnny Thunderstorm nói - “Chẳng phải mắt ngài [96] đã trông thấy rồi đó hay sao?”. Nói xong, chúng tôi cùng phì khói thuốc lá vào mặt ông ta. “Mẹ kiếp!”.

— Tại sao chú mở miệng ra là cứ nói “mẹ kiếp!” hả? - Thomas giận dữ hỏi, mặc dù không phải anh giận dữ về điều đó. Thực ra anh cho rằng, Christian kể câu chuyện ấy lý thú như thế chỉ mượn cớ công khai giễu cợt và khinh thường công ăn việc làm mà thôi.

Đến lúc đó, bà mẹ cố tình lái sang chuyện khác.

“Trên đời thiếu gì chuyện ngán ngẩm - bà tham Buddenbrook nghĩ thầm trong bụng - Ngay anh em ruột cũng ganh tị nhau, oán giận khinh thường nhau, nghe ra dễ sợ lắm nhưng quả thực có như thế. Tốt nhất là không nói đến chuyện đó, cứ giả vờ như không hay, không biết. Không nên quan trọng hóa”.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx